Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

>> Philippines sắp mua tàu ngầm





Hải quân Philippines dự định trong 9 năm tới mua 1 tàu ngầm để bảo đảm an ninh quốc gia, Jane's Navy International cho hay.

Quyết định này phù hợp xu hướng xây dựng quân đội trong khu vực - trong 2 năm gần đây, các nước láng giềng của Philippines như Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đều đã bắt tay vào xây dựng và củng cố hạm đội tàu ngầm.

Đại diện hải quân Phillipines tiết lộ với Jane's, hiện nay họ đang tiến hành các nghiên cứu nhằm xác định các yêu cầu của nước này đối với tàu ngầm và đánh giá luận cứ cho các kế hoạch này. Trên cơ sở các nghiên cứu này, hải quân Phillipines dự kiến sẽ chuẩn bị đề xuất với Bộ Quốc phòng trong năm tới.

Đại diện hải quân Phillipines cho biết, hiện còn quá sớm để nói đó sẽ là một tàu ngầm mới hay là tàu ngầm đã qua sử dụng. Những khó khăn kinh tế của Philippines nhiều khi đã thúc đẩy họ mua các loại vũ khí trang bị đã qua sử dụng. Chẳng hạn, chiếc tàu cũ của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ USCGC Hamilton sẽ được chuyển giao trong năm nay để làm kỳ hạm mới của hải quân Phillipines.

Hải quân Phillipines cần có 1 tàu ngầm để mở rộng khả năng tuần tra các vùng biển mà dự đoán là có trữ lượng dầu khí lớn. Các vùng biển này lại có sự tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực và tất cả các nước này đều hoặc là mới mua sắm hoặc chuẩn bị mua sắm tàu ngầm.

Việc mua sắm tàu ngầm là bộ phận của “Kế hoạch hải quân năm 2020” (Sail Plan 2020) xác định chiến lược cân bằng có tính tới những khó khăn tài chính của đất nước của hải quân Philippines. Theo các tài liệu của hải quân Philippines, kế hoạch xác định các nhu cầu của họ về khả năng phản ứng nhanh hơn với các mối đe dọa, xây dựng “các mục tiêu hải quân tin cậy” và xây dựng “các khả năng hải quân hiện đại” vào cuối thập kỷ.

Việc chuyển giao Hamilton cũng là một phần của kế hoạch hiện đại hóa cũng như việc mua sắm các tàu đốc đổ bộ vốn đang ở giai đoạn đàm phán giữa hải quân Philippines và hãng đóng tàu Indonesia PT Pal. Trong số các nhu cầu của hải quân Philippines có bao gồm 1 máy bay tuần tra của không quân bờ biển, 2 tàu tuần tra ven bờ và ít nhất 2 trực thăng đa dụng.

Kinh phí cho các vụ mua sắm này được dự trù trong “Chương trình nâng cao khả năng của Philippines” (Philippines' Capability Upgrade Program). Chương trình gồm 3 giai đoạn, trùng với các nhiệm kỳ tổng thống: 2005-2010, 2011-2016 và 2017-2022. Giai đoạn 2 hiện nay trù tính chi 1 tỷ USD cho mua sắm quốc phòng.

Các đại diện Bộ Quốc phòng Philippines cũng cho biết, quy mô kinh phí có thể tăng lên nhờ lấy từ các khoản chi phi quân sự.

Chi phí quân sự của các nước Đông Nam Á khác trong những năm gần đây bị hạn chế (ngoại trừ Singapore), mặc dù điều đó cũng không ảnh hưởng đến các kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm của khu vực. Malaysia đã mua 2 tàu ngầm Scorpene và đưa vào trang bị năm 2009; tháng 6.2009, Singapore đã nối lại việc mua sắm 1 trong 2 tàu ngầm lớp Västergötland (A 17); Việt Nam năm 2009 đã ký với Nga hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Projekt 877EKM (?); Indonesia, nước đang sở hữu 2 tàu ngầm lớp Type 209 đã công bố ý định mua thêm 2 tàu ngầm của Hàn Quốc hoặc Nga.

Kế hoạch của hải quân Thái Lan mua đến 6 tàu ngầm diesel cũ lớp Type 206A của Hải quân Đức đã được Bộ Quốc phòng này thông qua năm 2011. Tuy nhiên, họ không kịp nhận kinh phí cho chương trình này trước khi giải tán quốc hội và bầu cử ấn định vào ngày 3.7. Hiện nay, dự kiến hải quân Thái Lan sẽ chuẩn bị kế hoạch mua sắm quốc phòng mới để đệ trình chính phủ mới trong năm nay hoặc đầu năm sau.

[Vietnamdefence news]


>> Ba phép thử cho xung đột Biển Đông





Nói như nhiều nhà quan sát, đằng sau vụ tàu Bình Minh và mới đây là tàu Viking bị cắt cáp là mũi tên của Bắc Kinh nhắm vào nhiều đích.

Một, xác quyết chủ quyền với đường lưỡi bò. Hai, xem thái độ của các nước cùng tranh chấp xung quanh. Và ba, răn đe các nước khác có tranh chấp như Nhật qua đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nhưng không chỉ từ phía Trung Quốc, đối với các nước cùng chia sẻ lợi ích tại Biển Đông, sự kiện này cũng đặt lên bàn cờ những phép thử khác. Với Mỹ là định lại bức tranh chiến lược còn nhiều góc khuất. Với ASEAN là đi tìm một đồng thuận chung. Còn với Việt Nam là cuộc sát hạch về chiến lược, lựa chọn hiện tại để hình dung tương lai.

Siêu cường giữa những ngả rẽ

Là một cường quốc Thái Bình Dương, và tiếp tục muốn đảm bảo vị trí này, trước những động thái leo thang gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do lưu thông hàng hải, nước Mỹ đứng trước những lựa chọn: (1) ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng (inshore balancer) và (3) giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài (offshore balancer) bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng. Thực tế cho thấy chính sách Washington qua nhiều đời tổng thống là một chiến lược hỗn hợp. Điểm khác biệt nằm ở liều lượng chính sách và mức độ ưu tiên trong những cung thời điểm.

Kể từ khi George W. Bush nắm quyền, Mỹ ưu tiên cho các giải pháp đơn phương nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Song song với đó là tăng cường khả năng quân sự với mục tiêu chống khủng bố. Tuy nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi phong cách lãnh đạo đa phương hơn là đơn phương, hợp tác, thương lượng hơn là gây sức ép, chính phủ của tổng thống Obama cho đến nay vẫn cảm thấy khó khăn khi chấp nhận tham gia vào một cơ chế giải quyết đa phương trong bài toán Biển Đông. Một mặt, quá trình này sẽ ràng buộc khung hành động chính sách, một mặt sẽ không có ý nghĩa nếu không thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ quan điểm song phương hiện nay cùng tham gia.



Tàu Viking II do PetroVietnam thuê bị tàu Trung Quốc tấn công


Nếu một cơ chế đa phương mang tính pháp lý chưa được hình thành, việc giảm bớt hiện diện quân sự như chủ thuyết "cân bằng lực lượng bên ngoài" đề xướng sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Khoảng trống quyền lực không những nằm ở chỗ hiện nay ở Đông Á vẫn chưa có cường quốc khu vực nào đủ sức về mặt quân sự đối trọng với Bắc Kinh - dẫu cho đó là tiếng nói từ Tokyo, Seoul hay tất cả các nước ASEAN, mà còn nằm ở việc phân tầng lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc khiến cho một liên minh thống nhất cùng thời điểm khó khả thi. Điểm mạnh của việc cân bằng bên ngoài đảm bảo thu hẹp ngân sách về quốc phòng, thúc đẩy phát triển thế hệ vũ khí hiện đại, tạo sức mạnh từ xa, nhưng cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt mức độ tham gia cũng như ảnh hưởng trực tiếp của nước Mỹ vào các hồ sơ nóng, điều mà về lợi ích của Mỹ thỏa mãn trong ngắn hạn, cân nhắc trong dài hạn.

Trong tư thế bá cường, sức mạnh sẽ trở thành bạo lực nếu không tồn tại sự chính đáng. Bài toán làm giới lãnh đạo Mỹ đau đầu nhiều năm nay là sự hiện diện "như vị khách không mời". Nay sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc đã giúp đáp số rõ ràng hơn. Lựa chọn giữ vai trò "người cân bằng tại chỗ" dường như đang cùng chiều với lợi ích với nhiều nước trong vùng. Kết quả Đối thoại Shangri- La năm ngoái và năm nay đều cho thấy mức độ chấp nhận sự hiện diện của chính phủ Washington như một người cầm nhịp.

ASEAN và chính sách ba "không"

Một sự đồng thuận của ASEAN trong thời điểm này cần phải vượt qua những lực cản nào? Có ít nhất ba "không" làm tâm điểm. Thứ nhất, đồng thuận ASEAN không phải là liên minh chống Trung Quốc. Do mức độ phân tảng về gắn kết địa lý, văn hóa, chủng tộc và đặc biệt là thương mại kinh tế, một con đường chung mang tên ASEAN liên quan đến Trung Quốc không dễ thực hiện.

Chưa kể những quốc gia không liên quan lợi ích trực tiếp đến khu vực Biển Đông (hiện nay Myanmar đã công khai theo lập trường của Bắc Kinh), giữa những quốc gia cùng hội cùng thuyền, việc bẻ bánh lái theo hướng nào vẫn là câu chuyện hạ hồi phân giải. Không lâu để có thể quên câu chuyện chính phủ Philippines chọn cho mình lối đi riêng năm 2004, ký một thỏa thuận với Trung Quốc về khảo sát địa chấn chung ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Góc nhìn đó, liên minh ASEAN về hồ sơ Biển Đông cần hình thành trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối thiểu cho tất cả các thành viên thông qua tiêu chí loại trừ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp trên toàn bộ Biển Đông.



Tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phá hoại cáp của tàu địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam


Thứ hai, đồng thuận ASEAN không nên quy định những vấn đề tranh chấp trực tiếp giữa các nước thành viên. Tiếp cận riêng rẽ về góc nhìn, dẫn đến riêng lẻ về phương thức hành động, nhất là khi trên con thuyền cùng ra khơi vẫn không phải chỉ là những thuyền viên đồng nhất hoàn toàn về lợi ích. Đừng quên rằng, giữa các nước ASEAN với nhau vẫn tồn tại mâu thuẫn trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền.

Trong khi những thí dụ gần đây cho thấy, một hợp tác giữa các nước ASEAN thành lập một tiếng nói chung là hoàn toàn có thể qua thỏa thuận trong hồ sơ đăng ký thềm lục địa vào tháng 5/2009 giữa Việt Nam và Malaysia, thì quyết định của Philippines phản đối cả hồ sơ của Việt Nam lẫn hồ sơ chung Việt Nam - Malaysia lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) lại chỉ ra màu xám còn lại của bức tranh. Một vấn đề trở nên cốt lõi của ASEAN và cơ chế hoạt động của tổ chức này là sự lệch pha giữa chủ quyền quốc gia và tính "ASEAN hóa" trong quá trình hình thành các quyết định dẫn đến một lệch pha khác trong việc thống nhất lập trường chung trên các hồ sơ quan trọng.

Thứ ba, nếu "không" có bước đi cụ thể hóa, "con đường ASEAN" mãi chỉ là lời nói nằm trên giấy. Sau những động thái gần đây đánh động dư luận về việc leo thang từ phía Trung Quốc, một cái nhìn trung hạn cần tính tới. Ba đích ngắm nhắm tới hội nghị cấp cao Đông Á (East Asian Community - EAC) sắp tới do Indonesia chủ trì vào tháng 9. Một, là ủng hộ đề nghị đưa các vấn đề an ninh địa chính trị vào khung làm việc. Dẫu gọi tên là cộng đồng kinh tế hay cộng đồng chung, thì một môi trường không xung đột đóng vai trò tiên yếu.

Hai, cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm tổ chức, cụ thể là bỏ phiếu đồng thuận Hoa Kỳ và Nga từ tư cách quan sát viên trở thành thành viên chính thức. Sự gắn kết thành viên mới không chỉ mang ý nghĩa của chính trị thực ở quan điểm cân bằng lực lượng, mà còn tạo cơ hội để xác tính lại chuẩn tắc, mục đích và viễn kiến của tổ chức đang hướng tới. Một cộng đồng hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung cho toàn châu lục tham vọng trình làng với thế giới vào 2015 phải thể hiện ý muốn và có khả năng thiết lập được cơ chế dung hòa và giải quyết mâu thuẫn giữa các nước thành viên. Và đó cũng là mục tiêu thứ ba khi chuyển hóa chuẩn tắc thành khung pháp lý mang tính ràng buộc với việc khởi động vòng đàm phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong thời gian ngắn nhất.

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Giữa ba phép thử trên, Việt Nam trong một tư thế đặc biệt, vừa ảnh hưởng lợi ích trực tiếp, vừa có thể đóng vai trò thúc đẩy hay hạn chế ở mức độ tương đối những chuyển động trên bàn cờ. Trực tiếp qua thái độ phản đối dứt khoát với mọi phép thử của Trung Quốc, gián tiếp qua việc xây dựng các biện pháp cân bằng và đối trọng an ninh thông qua Hoa Kỳ và cộng đồng chung ASEAN. Sự hiện diện của Mỹ về mặt quân sự đối với các nước trong khu vực giữ cho sợi dây cân bằng, nhưng kinh nghiệm "chơi" với Mỹ cũng cho thấy, một hợp tác dựa vào tiêu chí lợi ích sẽ mang tính ngắn hạn và có khả năng bị thay đổi rất nhanh vì chuyển biến lợi ích từ chính trị đối nội bên trong.




Kíp lái tàu HQ 641 thuộc Hải đội 413 (vùng D Hải quân) trong chuyến ra các hải đảo.
Ảnh TTXVN


Một hợp tác mà nền tảng bền vững vừa dựa trên lợi ích nhưng cũng vừa phải vượt trên các yếu tố lợi ích. Cho đến nay, một "định chế cứng" ở dạng liên minh quân sự, theo đó, các nước ràng buộc với nhau bằng một cam kết bảo vệ an ninh lẫn nhau (và có thể chống lại một đe dọa đến từ phe thứ ba) vẫn chưa phải là lựa chọn của Việt Nam.

Một "định chế mềm", tuy vậy, vẫn có thể khả thi qua hình thức đối thoại chiến lược về an ninh - quốc phòng hay các mô thức hợp tác hải quân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra sẽ nằm ở việc thúc đẩy mô hình liên minh này tới đâu thông qua xúc tiến các định chế hóa. Song phương trong mối quan hệ đối tác chiến lược, đa phương trong việc thiết lập khung cơ chế an ninh tập thể, sao cho lợi ích của hai bên thuận chiều. Định chế hóa một lập trường chung về hồ sơ Biển Đông giữa các nước ASEAN cũng là bước đi ngoại giao quan trọng mà Việt Nam cần ủng hộ.

Hiện nay, đoàn kết nội khối đang cần một lực đẩy mà động thái càng ngày càng leo thang gần đây từ Trung Quốc có thể là chất xúc tác. Ra khơi trên cùng một chiếc thuyền, xây dựng lòng tin giữa những thuyền viên với nhau phải nghĩ về đại cuộc trong một khung cảnh rộng lớn hơn. Nhiều đề nghị đã nhấn mạnh một COC trước hết giữa các nước ASEAN với nhau làm nền tảng mở đường. Một mặt thể hiện quyết tâm chính trị về một cộng đồng ASEAN thống nhất, một mặt là bước đầu tiên đánh giá mô hình giải quyết xung đột vùng với ASEAN như một lực đẩy trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Vừa là người bị đặt trước phép thử, cũng là người phải giải quyết nó, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Một chiến lược tổng thể cho Biển Đông hơn bao giờ hết cần lập tức đặt lên bàn nghị sự...

[Vitinfo news]


>> Philippines lên kế hoạch nâng cấp quân đội




Chính quyền Tổng thống Aquino sẵn sàng thực hiện dự án hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng trị giá 40 tỷ peso cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP) trong vòng 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2012, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thổ của nước này tại biển Đông.





Bộ trưởng Ngân sách Florencio Abad tiết lộ, bắt đầu từ năm sau, chính phủ sẽ phân bổ 8 tỷ peso cho chương trình hiện đại hóa AFP kéo dài 5 năm nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Theo ông Abad, kế hoạch này sẽ giúp Philippines bảo vệ lãnh thổ, bao gồm cả những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đồng thời ngăn chặn sự bắt nạt từ các quốc gia khác trong biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Calamba, Laguna, tham mưu trưởng AFP Eduardo Oban Jr. cho biết khoản ngân sách dùng cho việc hiện đại hóa mới sẽ giúp quân đội cải thiện khả năng.

“Chúng tôi sẽ phải mua thêm trang thiết bị. Chắc chắn 40 tỷ peso đã sẵn sàng sử dụng cho những yêu cầu ngay lập tức. Chúng tôi sẽ lên danh sách những trang thiết bị ưu tiên cần mua… Đó là khả năng cơ bản mà AFP thực sự cần phải cải thiện”, ông nói với cánh phóng viên.

Trong số 330 tỷ peso được ấn định cho chương trình hiện đại hóa AFP kéo dài 15 năm (1995-2010), chỉ có khoảng 33 tỷ peso (10% tổng số tiền) thực sự được phân bổ đến lực lượng AFP.

“Đó thực sự là một ngân sách lớn. Và chúng tôi đang xem xét những khả năng cơ bản mà AFP cần phải phát triển. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải tổ chức lại và chuyển sự tập trung nhất định từ việc bảo vệ lãnh thổ sang bảo vệ những vấn đề nội bộ trong nước”, ông Oban nói.

Người đứng đầu AFP còn nhấn mạnh, Tổng thống Aquino nhận thức rất rõ về thiếu khuyết của AFP và vui mừng vì 8 tỷ peso đã sẵn sàng cho chương trình hiện đại hóa này.

[Vitinfo news]


>> Khai mạc triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget tại Pháp





Tại sân bay Le Bourget, cạnh thủ đô Paris của nước Pháp, một triển lãm hàng không truyền thống được cho là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực hàng không quốc tế đã khai mạc hôm nay (20/6) vào lúc 9:30 giờ địa phương.




Theo thông báo trên website chính thức của triển lãm, lần đầu tiên trong lịch sử, triển lãm Le Bourget đã thu hút hơn 2100 công ty tham gia.

Triển lãm Le Bourget diễn ra 2 năm một lần và đây là lần diễn ra thứ 49. Cũng như những năm trước, trong 3 ngày đầu tiên, triển lãm sẽ chỉ mở cửa dành để dành cho các doanh nhân thăm quan triển lãm, còn khách thông thường yêu thích trang thiết bị hàng không có thể đến tham dự triển làm từ ngày 24-26/6.

Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, dự kiến sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Ngoài ra, theo truyền thống, ở triển lãm Le Bourget sẽ diễn ra chương trình bay. Năm nay, ngoài những máy bay như các năm còn có cả Sukhoi Superjet 100 và thủy phi cơ Be-200 của Nga.

Theo tờ Vedomosti của Nga, ngành công nghiệp hàng không quân sự của Nga sẽ giới thiệu sản phẩm ở một trong những gian trưng bày lớn nhất của triển lãm. Theo RIA, Nga sẽ cử 59 công ty và cơ quan nghiên cứu sản xuất đưa sản phẩm đến Pháp tham gia một triển lãm hàng không quốc tế trong đó có 27 công ty quốc phòng. Dự kiến, các công ty Nga sẽ đưa đến những sản phẩm máy bay quân sự và một số phụ kiện có liên quan.

Theo ban tổ chức triển lãm, dự kiến có khoảng 205 phái đoàn đến từ 88 quốc gia khác nhau trên thế giới sẽ đến và tham dự triển lãm công nghệ hàng không đặc biệt này.

Theo Vedomosti, triển lãm sẽ hứa hẹn ký kết hợp đồng cung cấp 10 máy bay SuperJet. Khách hàng nào mua hiện chưa được thông báo. Ngoài ra, Pháp có thể ký hợp đồng mua 4 chiếc thủy phi cơ Be-200 – hợp đồng này được ký nhằm đáp lễ việc Nga đã ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng với Pháp hôm 17/6 tại Saint Peterburg trước sụ chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Tại triển làm năm 2009, các công ty của Nga đã ký các hợp đồng trị giá 3 tỷ USD.

[Vitinfo news]


>> Nhật ký tàu Trung Quốc qua biển Đông





Báo chí Trung Quốc vừa công bố loạt ảnh ghi lại quá trình rời cảng Cao Lan, Quảng Đông tới Singapore của Hải tuần 31 - tàu tuần tra hàng hải lớn nhất nước này.

Hải tuần 31 được trang bị trực thăng với hệ thống chỉ huy hiện đại, có thể hoạt động liên tục ở ngoài khơi 40 ngày. Điểm khác biệt duy nhất với các tàu chiến là Hải tuần 31 không trang bị vũ khí hạng nặng.

Theo Tân Hoa xã, đây là tàu tuần tra biển có tải trọng 3.000 tấn, dài 112 m, rộng 13,8 m, có tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ, hải trình cơ động liên tục 6.000 hải lý. Đặc biệt, Hải tuần 31 có thể hoạt động bình thường trong điều kiện bão cấp 11.


Hải tuần 31 được biết đến là tàu tuần tra lớn nhất Trung Quốc được trang bị trực thăng với hệ thống chỉ huy hiện đại.


Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: "Hôm 15/6, Hải tuần 31 chính thức khởi hành từ cảng Cao Lan, Quảng Đông tới Singapore".

Ông này cũng nêu rõ mục đích của chuyến đi này của tàu Hải tuần 31 là giám sát các tuyến hàng hải, thanh tra các vùng đang thăm dò dầu khí và bảo vệ an ninh hàng hải.

Tân Hoa xã cho biết, Hải Tuần 31 dự kiến tới Singapore vào ngày 23/6 sau chặng đường dài 2.600km và sẽ lưu lại quốc đảo này 6 ngày trước khi quay trở lại Trung Quốc.

Đây là loạt ảnh ghi lại quá trình khởi hành của Hải tuần 31 từ cảng Cao Lan, Quảng Đông tiến vào lãnh hải Singapore:




Thành viên tàu trong lễ khởi hành tại cảng Cao Lan, Châu Hải, Quảng Đông ngày 15/6.



Thành viên đoàn sẵn sàng trên boong tàu, chuẩn bị rời cảng Cao Lan, Quảng Đông ngày 15/6.




...hoàn tất mọi công tác kiểm tra trước khi rời cảng Cao Lan ngày 15/6...



...chính thức khởi hành...



Hải Tuần 31 dự kiến tới Singapore vào ngày 23/6 sau chặng đường dài 2.600km.



Hải tuần 31 trang bị trực thăng.



Cận cảnh trực thăng trên Hải tuần 31.


[BDV news]


>> Tàu chiến Philippines chưa vào vùng tranh chấp với Trung Quốc?





“Tàu khu trục chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon sẽ không vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong 200 hải lý của Philippines”, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Eduardo Oban khẳng định.

Theo AFP, Tướng Oban tỏ ra lạc quan về khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông bằng hòa bình và tránh được những nguy cơ đối đầu vũ trang.


Tàu khu trục chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon của Philippines.


Ông này khẳng định: “Tàu chiến của Philippines sẽ hoạt động giới hạn trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và không đi vào các vùng biển quốc tế. Nếu xảy ra bất kỳ tranh chấp nào, Chính phủ Philippines sẽ kiên quyết giải quyết bằng hòa bình đối thoại”.

Giới phân tích đánh giá, Manila tuyên bố cử tàu chiến BRP Rajah Humabon tới biển Đông vào ngày 17/6 vừa qua trong bối cảnh Bắc Kinh cũng rầm rộ phái Hải tuần 31 – tàu tuần tra hàng hải lớn nhất Trung Quốc rời cảng Cao Lan, Quảng Đông tới Singapore, sẽ càng khiến biển Đông ngày càng "dậy sóng".

[BDV news]


>> ‘Nếu chiến tranh xảy ra, Đài Loan sẽ hỗ trợ Trung Quốc’





“Nếu xảy ra xung đột bằng quân sự giữa Đại lục và Philippines thì quân đội Đài Loan đóng ở Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội của Đại lục”, lãnh đạo hải quân Đài Loan Thiếu tướng Doãn Thịnh Tiên khẳng định.

Cũng trong bài phỏng vấn này, người đứng đầu hải quân Đài Loan tại khu vực Thái Bình Dương còn nhấn mạnh: “Quân đội Đài Loan đóng ở Thái Bình Dương quyết không giúp đỡ quân đội Philippines. Vì thế, nếu Philippines có mưu đồ chiếm lĩnh Thái Bình Dương thì quân đội của Trung Quốc Đại lục cũng nên giúp đỡ Đài Loan”.


Tàu chiến lớn nhất của Hải quân Philippines được điều tới Biển Đông


Theo ý kiến của vị thiếu tướng này, trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, quân đội của Trung Quốc và Đài Loan nên hợp thành một “liên minh quân sự”.

Đối với việc chống lại quân đội Philippines thì quân đội của Đại lục hay Đài Loan cũng đều là quân Trung Quốc”, Tướng Doãn Thịnh Tiên nhấn mạnh.

Tướng Doãn Thịnh Tiên cho rằng, để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước tại khu vực biển Đông thì quan trọng nhất là ở thái độ của Trung Quốc. Theo nhận xét của vị tướng này, thái độ của Trung Quốc với tình hình căng thẳng trên vấn đề biển Đông hiện nay “chưa đủ cứng rắn”.

Ông này cũng cho rằng, trước tình hình này, Đại lục cần kêu gọi lực lượng quân đội của cả Đài Loan và Trung Quốc cùng bảo vệ “tài sản chung của tổ tiên”. Và với những gì mà cha anh họ để lại, không chỉ quân giải phóng của Trung Quốc mà của cả quân đội Đài Loan cũng đều phải có trách nhiệm.

Ông Doãn Thịnh Tiên cũng cho biết thêm, hiện nay trên khu vực Thái Bình Dương, quân đội Đài Loan có một số căn cứ quân sự lớn. Ông nói: “Chính vì thế, nếu có xung đột xảy ra, quân đội Trung Quốc cần phải cám ơn Đài Loan, vì những căn cứ này chính là một hậu phương vững chắc trong việc cung cấp nước ngọt và nhu yếu phẩm cần thiết cho quân Trung Quốc”.

Nhìn lại chính sách của Đài Loan trong những năm trước đây, trong những năm 1970-1990, Đài Loan tỏ ra tự kiềm chế và ôn hòa trong vấn đề biển Đông.

Khi có va chạm chủ quyền đối với các lãnh thổ mà Đài Loan cưỡng chiếm, thì không có động thái quân sự cụ thể mà chỉ đơn giản là đưa công hàm ngoại giao để kháng nghị những hành động mà họ cho là xâm phạm lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, sau khi có căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, Đài Loan lại bất ngờ tuyên bố chủ quyền của mình trên một số quần đảo tại biển Đông.

[BDV news]


Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

>> Vai trò mới của lực lượng đặc biệt SOF, Mỹ (kỳ 1)





Nhận thức của Mỹ về các lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF), thuộc biên chế các lực lượng cơ bản trong chiến tranh, đang có sự thay đổi.
Từ đầu năm 1980, trong bối cảnh thế giới vẫn đối đầu trong chiến tranh lạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ có ý định thành lập lực lượng tác chiến đặc biệt trên cơ sở các lực lượng đặc nhiệm được sử dụng sau chiến tranh thế giới 2 nhằm nhanh chóng can thiệp vào một số vùng khủng hoảng đang xảy ra trên thế giới.

Ngày 16/4/1987, Lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ được thành lập trên cơ sở sắc lệnh Goldwater Nichols năm 1986 về tổ chức lại Bộ Quốc phòng Mỹ. Lực lượng này lúc đầu được gọi là "Lực lượng tác chiến trong chiến tranh không thông thường" sau đó đổi tên thành "Lực lượng tác chiến đặc biệt" (Special Operations forces - SOF).

Đến nay, SOF của quân đội Mỹ đã thành lập được hơn 20 năm. Tuy đều thống nhất, SOF là một bộ phận quan trọng của sức mạnh quốc gia nhưng các nhà lý luận và giới tướng lĩnh Mỹ vẫn tranh luận một cách gay gắt về quan điểm " SOF là gì?"

Lực lượng này có nhiệm vụ can dự sớm và phản ứng nhanh đối với những điểm nóng và các cuộc khủng hoảng trong thời bình và trong điều kiện chưa có chiến tranh và ở bất cứ khu vực nào trên thế giới nên SOF là lực lượng tác chiến có vai trò chiến lược và có tính toàn cầu cao. Trọng tâm các nhiệm vụ của SOF là công việc mà các lực lượng tác chiến thông thường khác không làm được hoặc không hiêụ quả, do vậy lực lượng này còn được gọi là lực lượng tác chiến không thông thường.

SOF được tổ chức thống nhất trong Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt hợp chủng quốc và được tổ chức theo hệ thống dọc trong các quân chủng và trong 1 số Bộ tư lệnh chiến trường - khu vực với cơ cấu đa quân binh chủng, đa ngành.

Ngoài ra, SOF thể hiện tính đặc biệt của mình trong tổ chức, biên chế trang bị, tuyển chọn con người và phương pháp hành động trong các hoạt động quân sự trực tiếp, gián tiếp cũng như các hoạt động phi quân sự.

Sau sự kiện ngày 11/9/2001, các đơn vị SOF được đưa lên hàng đầu trong các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh, ở những khu vực bất ổn trên thế giới như: Iraq, Afghanistan, Pakistan, Sudan, Congo, Ruwanda, Somali, Sri Lanka….

Đặc biệt, kinh nghiệm hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan và Iraq là cân nhắc đến việc hiện đại hóa và chuyển đổi các lực lượng SOF.

Trong chiến tranh thông thường, hoạt động của SOF đã thay đổi từ lực lượng “Vệ tinh” trong việc thực hiện các nhiệm vụ thông thường đến lực lượng quan trọng của chiến tranh khi thực hiện các mục tiêu an ninh quốc gia.



Sau vụ 11/9/2001 Mỹ đã thấy được vai trò quan trọng của các lực lượng tác chiến đặc biệt SOF, do đó Mỹ đang tập trung xây dựng lực lượng tác chiến đặc biệt này.


Tuy nhiên, do sự căng thẳng của các điểm nóng trên thế giới, có thể lực lượng SOF của Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò ngang bằng với các lực lượng thông thường khác trong hiệp đồng tác chiến. Do đó cần phải tăng cường huấn luyện và phối hợp lực lượng.

Trong tương lai có thể xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào, và căn cứ vào những gì diễn ra ở Afghanistan và Iraq, tính chất các nhiệm vụ quân sự quan trọng có thể thay đổi rất nhanh từ thông thường sang không thông thường.

Điều này đòi hỏi SOF phải thích ứng nhanh hơn nữa với vai tròn thực hiện các hoạt động tác chiến thông thường. Ngoài ra, đòi hỏi chỉ huy và lực lượng ở các đơn vị thông thường phải có khả năng hoạt động hiệu quả nhất trong các hoạt động của SOF.

Do đó, các hoạt động phối hợp huấn luyện giữa lực lượng đặc biệt và lực lượng thông thường cần được tiến hành nhiều hơn trong các lực lượng quân sự Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một số chuyên gia phân tích về SOF của Mỹ cho rằng: “Kinh nghiệm cở Afghanistan và Iraq cho thấy cần thiết phải có các công nghệ và thiết bị cải tiến nhằm tăng khả năng hoạt động tương tác của các nhóm SOF của Mỹ và đồng minh. Tuy vậy, các công nghệ cũ vẫn có thể phát huy được hiệu quả”.

Ví dụ, yêu cầu kỹ thuật đối với tác chiến ở những vùng hẻo lánh là kết hợp tập kích đường không với hoạt động của các đơn vị lục quân và không quân thông thường, trong đó bao gồm tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng và phân tích điểm mạnh cũng như điểm yếu của mục tiêu nhằm quyết định loại vũ khí nào có thể được sử dụng để vô hiệu hóa mục tiêu nếu không thể diệt được mục tiêu.

Các sĩ quan và binh sỹ trong SOF của Mỹ và đồng minh phải thành thạo kỹ năng này và cũng phải tổ chức huấn luyện tốt cho các chỉ huy cũng như lực lượng địa phương.

Một yếu tố hết sức quan trọng là các lực lượng có thể hoàn thành được nhiệm vụ khi sử dụng cả công nghệ cũ lẫn công nghệ mới, kinh nghiệm của các đơn vị hoạt động ở Afghanistan và Iraq đã chứng minh điều đó. Các lực lượng của Mỹ và đồng minh trong bối cảnh tác chiến.



Các lực lượng tác chiến đặc biệt SOF của Mỹ cũng được trang bị hiện đại hơn.


Hiện đại và các nhóm SOF của Mỹ trên bộ có thể được thu hẹp nhờ công nghệ mới, thì rất có thể các công nghệ mới lại không thể hoạt động ở nhiều khu vực địa hình hiểm trở, điều đó có nghĩa là SOF phải dựa vào công nghệ cũ và các giải pháp thay thế như bản đồ, chỉ dẫn địa hình và thậm chí dùng sự phản chiếu của gương để đánh dấu mục tiêu.

Trong một số trường hợp, các công nghệ cũ và khái niệm cơ bản để ứng biến cho dù công nghệ hiện có vẫn là một phần trong chương trình huấn luyện của SOF.

Để thống nhất chỉ huy SOF, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (United States Special Operations Command gọi tắt là USSOCOM).



Logo Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (United States Special Operations Command, gọi tắt là USSOCOM).


Tổng hành dinh của USSOCOM đặt tại Mac Dill AGB, Tampa, bang Florida.Trong hệ thống chỉ huy thống nhất điều hành quốc gia của Mỹ, USSOCOM là một trong 9 Bộ Tư lệnh tác chiến trực thuộc Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng và chịu sự chỉ đạo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.

USSOCOM bao gồm, Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt liên hợp JSOC, các đơn vị chiến đấu thường trực liên hợp và đơn vị cơ cấu C4I, chịu trách nhiệm chủ yếu về các hoạt động chung và hoạt động chống khủng bố.

Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt Lục quân Hợp chủng quốc USASOC, bao gồm các lực lượng đặc biệt, biệt kích, không quân Lục quân, tâm lý chiến và hoạt động dân sự, đảm nhiệm các hoạt động đặc biệt của Lục quân gồm cả hoạt động nhân đạo và hỗ trợ các nước Thế giới thứ 3.

Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt hải quân NAVSPEWARCOM bao gồm Bộ chỉ huy đặc nhiệm các vùng hải quân CNSWC, các đơn vị tàu xuồng chiến đấu và kiểm soát vùng biển SPECBOATRON, các nhóm tiến hành các hoạt động biệt kích-thám báo NSWG, trong đó nhóm phía Tây ( gồm SPECBOATRON1- NSWG1) hoạt động ở vùng biển Thái bình dương và nhóm phía Đông (gồm SPECBOATRON2-NSWG2)- hoạt động ở vùng biển Đại tây dương.

Trong các nhóm được tổ chức thành các đội liên hợp đặc biệt SEAL, có khả năng hành động trong môi trường biển, trên bộ hoặc trên không.

Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt không quân AFSOC, bao gồm các đơn vị không quân chiến đấu và bảo đảm, có nhiệm vụ hỗ trợ cho các lực lượng đặc biệt khác thực hiện nhiệm vụ chuyên chở, yểm trợ chiến đấu, hỗ trợ kỹ thuật và các nhiệm vu đặc biệt khác.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ đặc biệt SORDAC, có nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức và sắp xếp các phương tiện cần thiết cho các hoạt động nghiệp vụ đặc biệt cho SOF. Ngoài ra, trong thành phần của USSOCOM còn có 5 Bộ chỉ huy các lực lượng bảo đảm tác chiến : thông tin, quân cảnh, yểm trợ, tiềm lực và hậu cần.

[BDV news]


>> Nghệ thuật quân sự hải quân (kỳ 1)





Lực lượng hải quân là lực lượng quân sự hùng mạnh trên biển và đại dương, bảo vệ nhưng lợi ích quan trọng của quốc gia và nhân dân.
Học thuyết quân sự mới của Nga về hải quân

Ngày 21/4/2000, học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga được chuẩn y (*).

Trong Học thuyết này, đã đánh giá thực tế tình hình chính trị quân sự trên thế giới và trong từng khu vực, chỉ ra được những nguy cơ tiềm ẩn trong và ngoài nước đang đe dọa quyền lợi chính đáng của dân tộc Nga và nước Nga, trong đó có quyền lợi trên biển và đại dương. Học thuyết quân sự Hải dương được Tổng thống Nga phê chuẩn chính thức có hiệu lực ngày 27/6/2001.

Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn phát triển ngày nay xuất hiện nhiều nguy cơ tranh chấp, nhiều khả năng xung đột trên biển và đại dương. Có rất nhiều nguyên nhân sống còn về kinh tế, quân sự và địa chính trị làm nảy sinh những nguy cơ xung đột.

Khác với biên giới trên đất liền, danh giới trên biển và đại dương rất khó phân định, Nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng trên đất liền có giới hạn và sẽ cạn kiệt trong vài chục năm tới, không thể kéo dài đến hàng trăm năm. 71% bề mặt của trái đất được bao bọc bởi đại dương. Trong vực sâu của biển ẩn chưa nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng khổng lồ cho sự phát triển tương lai của nhân loại.

Nhưng biển và đại dương từ ngàn xưa đã là bãi chiến trường của các hạm đội, các lực lượng hải quân các nước đang phát triển và phát triển. Chân lý đơn gian là muốn phát triển, hãy ra với biển. Có nghĩa là trên biển và đại dương luôn tồn tại những nguy cơ xung đột quân sự và chiến tranh cục bộ. Đồng thời, lực lượng hải quân Liên bang Nga đang từng bước lạc hậu.



Tuần dương hạm Slava của Hải quân Nga.


Một không gian rất lớn của các đại dương, đấy là vùng nước chung, không thuộc quyền quản lý của bất cứ quốc gia nào. Điều đó đồng nghĩa với việc tài nguyên khoáng sản của khu vực nước chung có thể được khai thác của bất cứ quốc gia nào. Đồng thời, cũng như quá khứ trên đất liền, sẽ có thời điểm chia sẻ quyền lợi đó, nhưng không phải ở trên đất liền mà trên biển và đại dương.

Có thể khẳng định rằng, quốc gia nào yếu về hải lực, đương nhiên sẽ không được chia sẻ phần quyền lợi đó. Hải lực ở đây được hiểu là Lực lượng Hải quân về vũ khí trang bị, quân số và nghệ thuật tác chiến trên Không – Biển, khả năng tự vệ của nước đó trong vùng biển mang quyền lợi quốc gia chính đáng của mình. Những vùng biển đó sẽ bị chiếm đoạt hoặc chia sẻ.

Trong giai đoạn ngày nay, đã có không ít quốc gia không một giây nào rời mắt khỏi đại dương. Đầu thế kỷ 21 trên các biển, hàng ngày có 130 tàu chiến trong biên chế của 16-20 nước tuần hành. Nhiệm vụ của các tàu chiến này rất khác nhau, nhưng rất nhiều nhóm tàu chiến với vũ khí trang bị, máy bay hải quân, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có khả năng tấn công đến 80% lãnh thổ của Liên bang Nga, trong đó có khả năng tấn công 60 – 65% tiềm lực công nghiệp quốc phòng của nước Nga. Đồng thời các đảo của nước Nga đều nằm trong tầm tấn công và đổ bộ của các lực lượng linh thủy đánh bộ.

Điều đó có nghĩa là trong cuộc đấu tranh dành quyền lợi trên biển và đại dương, tồn tại và hiện hữu ngày càng sâu sắc nguy cơ đe dọa quyền lợi chính đáng của Nga từ hướng biển.

Tính toán một cách đơn giản, lực lượng hải quân Nga đến năm 2015 có khoảng 60 tàu chiến cỡ khu trục và tuần dương sẵn sàng chiến đấu, trong đó có 30 tàu ngầm nguyên tử. Trong đó, chỉ tính riêng lực lượng Hải quân NATO, (chưa tính Trung Quốc) đã có tới 800 tàu chiến, và các hạm đội của Tây Đại tây dương hàng ngày huấn luyện, và thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trên các đại dương. Còn Trung quốc đang từng ngày tăng cường lực lượng Hải quân, liên tục tập trận và đã sẵn sàng vươn tới biển xa.



Hải đường vận tải chiến lược của Trung Quốc và cũng là chiến lược hải dương của Trung Quốc.


Từ những nhận định trên, Liên bang Nga thấy thật sự cần thiết phải xây dựng một hạm đội mới, nhưng một nhiệm vụ cũng khẩn cấp không kém, đó là xây dựng cho lực lượng hải quân Liên bang một chương trình huấn luyện tác chiến biển, đại dương và khả năng lực triển khai, điều hành các chiến dịch và các hoạt động tác chiến Không – Biển.

Đối với các hạm đội, chương trình huấn luyện diễn tập đó, theo những tính toán từ những cuộc chiến tranh, những nguy cơ tiềm ẩn hiện tại, và khả năng xảy ra trong tương lai, sẽ bao gồm 3 cấp huấn luyện tác chiến: Cấp chiến lược, cấp chiến dịch và chiến thuật.

Xây dựng một hạm đội mạnh và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để nâng cao nghệ thuật tác chiến trên biển, đại dương không thể tách rời khỏi chiến lược phát triển kinh tế biển, đại dương và đường lối chính trị hải dương của Liên bang Nga, chiến lược phát triển kinh tế biển, đại dương và đường lối chính trị Hải dương bảo đảm quyền lợi của quốc gia và dân tộc Nga.

Đương nhiên, trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện đại đòi hỏi ưu tiên bảo đảm quyền lợi của các quốc gia bằng những giải pháp hòa bình. Nhưng thực tế đáng tiếc là nhân loại vẫn còn ở rất xa với cách giải quyết những lợi ích của mình bằng con đường hòa bình. Sử dụng vũ lực và chiến tranh như một sự kiện phức tạp và có nhiều góc cạnh khác nhau, bao giờ cũng là cuộc đấu tranh bằng sức mạnh.



Hoạt động huấn luyện tác chiến của Hạm đội Thái bình dương Liên bang Nga.


Đối tượng của Học thuyết quân sự Hải quân Nga

Nhiệm vụ chủ yếu của Hải quân Liên bang Nga, kế thừa của Hải quân Xô viết, như đã được khẳng định bằng các văn bản pháp quy của nhà nước, trong điều kiện thời bình thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ quyền lợi của Quốc gia dân tộc Nga trên các vùng nước chủ quyền và lợi ích, sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước.

Trong giai đoạn mới, lực lượng Hải quân đảm nhiệm thêm nhiệm vụ chống khủng bố và cướp biển trên mặt biển. Trong điều kiện thời chiến, lực lượng Hải quân đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển đất nước, đánh chặn các đòn tấn công từ biển vào các mục tiêu quan trọng của đất nước, đánh chặn các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình và không quân Hải quân của địch. Đồng thời bẻ gẫy những đòn tấn công từ phía biển của đối phương.

Như vậy, mục tiêu tác chiến của Hải quân là tất cả đơn vị chiến đấu của đối phương trên đại dương và trên biển, có vùng nước gắn liền với bờ biển của đất nước hoặc gắn liền với biển của đất nước, các đơn vị chiến đấu có thể là tàu sân bay, tàu ngầm tên lửa, tàu chiến nổi, vũ khí của các đơn vị này có thể tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền của đất nước hoặc quân đội Liên bang Nga.

Lực lượng hải quân Liên bang Nga trong trường hợp bắt đầu chiến tranh, sẽ phải chiến đấu chống lại các lực lượng Hải quân của các quốc gia biển hùng mạnh, có thể phải tiền hành các hoạt động tác chiến chiến dịch như:

- Các đòn tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của đối phương, các đòn tấn công sẽ tiến hành song song cùng với các đơn vị tên lửa đạn đạo, tên lửa chiến trường, các đòn tấn công tên lửa là đòn đánh chủ đạo của hoạt động tác chiến này.

- Tiến hành các chiến dịch tìm kiếm và tiêu diệt các tàu ngầm tên lửa, tàu ngầm tấn công của địch.

- Tiến hành các chiến dịch tấn công tiêu diệt các hạm tàu của đối phương trong các vùng nước nằm cạnh bờ, các vùng nước đe dọa các mục tiêu của Hải quân và của hệ thống phòng thủ đất nước và các vùng biển kín bàn đạp tấn công trong đại dương.

- Tấn công tiêu diệt các hạm tàu vận tải của đối phương, cắt đứt đường vận tải biển của đối phương.

- Tiêu diệt các lực lượng chống tàu của địch, bao gồm cả lực lượng chống tàu nổi và tàu ngầm.

- Cùng với lực lượng phòng thủ bờ biển, thiết lập vành đai phòng thủ bảo vệ các căn cứ hải quân, các mục tiêu quan trọng về kinh tế và hệ thống truyền thông, thông tin liên lạc.

Để tiến hành các hoạt động tác chiến trên biển và trên đại dương, do tính chất đặc thù của tác chiến không - biển – đại dương, đó là sử dụng và điều hành binh lực và phương tiện hải chiến với phương thức tác chiến hiệu quả nhất.

Căn cứ vào những hoạt động tác chiến trên biển, trong lý luận tác chiến không - biển – đại dương, một vị trí vô cùng quan trọng là hệ thống hóa các hoạt động tác chiến liên tục và khả năng bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho các hoạt động tác chiến.

Khác với những hoạt động tác chiến trên bộ và trên không, hệ thống các hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Hải quân diễn ra thường xuyên liên tục, với cường độ và mức độ sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, không chỉ trong thời chiến mà ngay cả trong thời bình.

Đối với lực lượng hải quân hiên đại, rút kinh nghiệm từ thời kỳ Liên Xô, huấn luyện sẵn sàng chiến đầu cường độ cao và thường trực sẵn sàng chiến đấu là hoạt động quan trọng bậc nhất của lực lượng Hải quân thời bình.

(*) Sau sự tan vỡ của Liên Xô, trong điều kiện cần thiết của lịch sử, ở Nga đã hình thành học thuyết quân sự Liên bang Nga. Học thuyết quân sự đã được phê chuẩn 2/10/1993.

Theo chỉ lệnh của Tổng thống Nga học thuyết có tên: "Những luận điểm cơ bản của Học thuyết quân sự Liên bang Nga". Trong văn bản pháp quy đã được chuẩn y này có rất nhiều điểm được kế thừa từ chủ trương chiến lược quân sự của Liên Xô, được các lãnh đạo các nước XHCN Đông Âu phê chuẩn tại Berlin ngày 29/5/1987 như Học thuyết quân sự của Hiệp ước Vacsava.

Học thuyết quân sự 1993 của Liên bang Nga so với học thuyết quân sự khối Vacsava chưa có những thay đổi đáng kể về lý luận của Lực lượng vũ trang, những quan điểm tầm nhìn chiến lược cho sự hoàn thiện và phát triển của quân đội và Hải quân không được đặt ra.

Rất đáng tiếc là học thuyết quân sự năm 1987, học thuyết quân sự năm 1993 không hề quan tâm đến chiến lược và nghệ thuật quân sự Hải quân, dù đến tận cuối những năm 1980 vẫn chưa xác định được hướng phát triển chiến dịch và chiến thuật chiến tranh hiện đại của lực lượng hải quân hùng mạnh của Liên Xô.

Đến sau năm 1993, với yêu cầu thực tế của việc phát triển lực lượng hải quân thế giới, các nguy cơ từ nhiều hướng đã thúc đẩy một bước đi mang tính chiến lược. Chỉ lệnh của tổng thống Liên bang Nga số 11/1997 đã phê chuẩn chương trình phát triển Hải dương toàn cầu. Trong chương trình đã chỉ rõ những định hướng cụ thể của việc phát triển Lực lượng Hải quân Liên bang Nga vào thế kỷ 21.

Ở đây lực lượng Hải quân được xác định là công cụ quan trọng nhất của Liên bang để bảo vệ quyền lợi chiến lược của Liên bang Nga trong mối quan hệ Hải dương toàn cầu: " Lực lương hải quân là lược lượng bảo vệ nhưng lợi ích quan trọng của nhân dân Liên bang Nga và những mục tiêu chiến lược của Liên bang, trong trường hợp khác, là công cụ đập tan mọi âm mưu gây chiến và xâm lược".

Chỉ lệnh của Tổng thống Liên bang Nga từ 4/3/2000 đã chuẩn y Chiến lược chính sách Hải dương của Nga. Đồng thời cùng với chỉ lệnh đó, một phần đã đưa ra Chiến lược hải dương trong lĩnh vực các hoạt động của Hải quân đến năm 2010.

Những văn bản đó đã chỉ ra mục tiêu phát triển lực lượng Hải quân Liên bang Nga, làm chính xác và cụ thể hơn vị trí nhiệm vụ của Hải quân Liên bang Nga trong Học thuyết quân sự.

[BDV news]


>> Mỹ phát sốt khi Nga đặt bút ký hợp đồng mua tàu Mistral





Nga chính thức ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral của Pháp.

Hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ lớp Mistral được ký giữa Công ty Rosoboronexport của Nga và công ty lắp đóng tàu chiến DCNS của Pháp bên lề Diễn đàn kinh tế Saint Petersbrug, diễn đàn kinh tế lớp nhất của Nga được tổ chức hàng năm.

Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.



Hải quân Pháp sở hữu 2 tàu đổ bộ lớp Mistral và đang trog quá trình đóng chiếc thứ 3.


Chiếc tàu đầu tiên sẽ được Pháp chuyển cho Nga trong năm 2014 và chiếc tiếp theo vào năm 2015. Theo hãng thông tấn RIA, 2 chiếc tàu đầu tiên sẽ được đóng ở cảng STX, Saint-Nazaire (Pháp).

Đô đốc Hải quân Nga, ông Vladimir Vysotsky cho biết 2 tàu chiến sẽ được trang bị hệ thống vũ khí của Nga. Giá trị hợp đồng không được tiết lộ nhưng một số nguồn tin trước đó cho rằng giá trị hợp đồng lên tới 1,7 tỷ USD.

Theo nhật báo kinh tế Vedomosti, Pháp đã đồng ý chuyển cho Nga công nghệ liên quan đến hệ thống thông tin chiến thuật hải quân SENIT-9.

Thương vụ trên đánh dấu lần đâu tiên một vụ mua bán vũ khí giữa một thành viên NATO và Nga. Thương vụ này cũng làm dấy lên lo ngại trong các đồng minh của Pháp ở vùng biển Baltic cũng như Mỹ.



Bà Ileana Ros Lehtinen nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hoà Mỹ.


Tuy nhiên, cùng ngày, trong khi Nga và Pháp ký kết hợp đồng thì Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tuyên bố rằng việc Nga mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp là một mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và nhằm chống lại các đồng minh của Mỹ.

Bà Ileana Ros Lehtinen nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hoà, đã chỉ trích Pháp đồng ý bán hai chiếc tàu chiến lớp Mistral cho Nga và lên án thỏa thuận này. Theo thỏa thuận, lần đầu tiên kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Pháp sẽ chuyển giao công nghệ quân sự nhạy cảm cho Nga.

Chính quyền Mỹ tỏ ra quan ngại rằng Pháp là một đồng minh NATO, đã quyết định phớt lờ mối nguy hiểm rõ ràng khi bán các tàu chiến hiện đại cho Nga ngay cả khi Nga đang có những bước đi ngày càng thù địch đối với Mỹ, các nước láng giềng .

Bà Ileana Ros Lehtinen tuyên bố, Chính quyền Mỹ phải kiên quyết yêu cầu các đồng minh NATO và EU của Mỹ chấm dứt bán các hệ thống vũ khí cho Nga mà có thể được sử dụng để chống lại các lợi ích của Mỹ, châu Âu và nhiều đồng minh khác.

Bà Ileana Ros-Lehtinen cho biết: "Thật đáng lo ngại khi một thành viên NATO như Pháp lại bán cho Nga một trong những tàu chiến hiện đại nhất của họ trong khi Nga đang cho thấy sự thù địch rõ ràng của họ với Mỹ, đồng minh của Pháp".

Thỏa thuận Mistral giữa Nga và Pháp cũng đã gây lo lắng cho các nước láng giềng của Nga, đặc biệt là Gruzia, nước có mối quan hệ với Nga vẫn rất căng thẳng kể từ cuộc chiến 5 ngày hồi tháng 8/2008 giữa hai nước về nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia, mà sau đó Nga đã công nhận là một nước độc lập.

Ngoài ra, theo nghị sỹ Ileana Ros Lehtinen, nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Gruzia và các nước Baltic, đã phải chịu các cuộc tấn công mạng, sức ép kinh tế nghiêm trọng của Nga.

Tàu đổ bộ tiến công lớp Mistral dài 199m, lượng giãn nước hơn 21.000 tấn. Mistral có khả năng chở 450 – 900 lính, 40 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 70 xe thiết giáp, 16 trực thăng hạng trung hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ, 4 tàu đổ bộ cỡ nhỏ hoặc 2 tàu đổ bộ đệm khí.

Theo một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng, Nga sẽ trang bị tàu đổ bộ trực thăng Mistral cho Hạm đội Thái Bình Dương và sẽ được đặt tại Vladivostok, các tàu sẽ được sử dụng để đảm bảo sự an toàn của khu vực Viễn Đông, bao gồm hỗ trợ cho binh sĩ trên quần đảo Kuril.

[BDV news]


>> Tàu Hải quân Việt Nam tuần tra và thăm Trung Quốc





Chiều 18/6, tàu HQ-375 và HQ-376 thuộc Đoàn M62 (Vùng D hải quân) chính thức rời bến cảng thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Hai tàu được giao nhiệm vụ đại diện Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam rời bến đến địa điểm tập kết để cùng với tàu của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đây là đợt tuần tra chung lần thứ 11 kể từ khi hải quân hai nước ký kết thỏa thuận về Quy chế tuần tra liên hợp tháng 10/2005.

Đại tá Nguyễn Văn Kiệm, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chỉ huy tuần tra phía Việt Nam và làm Trưởng đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam đến thăm Trung Quốc. Tham gia đoàn tàu quân sự Việt Nam thăm Trung Quốc có cán bộ chỉ huy các cơ quan Quân chủng Hải quân và thủy thủ hai tàu HQ-375 và HQ-376.



Tàu HQ-376 trước khi rời bến lên đường tuần tra.


Theo lịch trình, Hải quân hai nước thực hiện chuyến tuần tra liên hiệp bắt đầu từ 8h ngày 19/6 và kết thúc lúc 10h15 ngày 20/6/2011 (theo giờ Hà Nội).

Quãng đường tuần tra 306 hải lý, từ điểm 1 đến điểm 10 của tuyến tuần tra cơ bản. Sau khi kết thúc tuần tra liên hợp, tàu của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến hành dẫn đường cho hai tàu của Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam hành quân qua eo biển Quỳnh Châu vào cảng Trạm Giang thực hiện chuyến thăm, giao lưu hữu nghị với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Chuyến tuần tra này nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và hải quân hai nước.

Khu vực tuần tra là vùng biển giáp ranh giữa hai nước trên vịnh Bắc Bộ đã được phân định. Chuyến tuần tra còn nhằm duy trì an ninh, trật tự trên vùng biển; thúc đẩy thực thi Hiệp định nghề cá,duy trì trật tự ổn định các hoạt động sản xuất bình thường của nhân dân hai nước trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; trao đổi kinh nghiệm hoạt động của hải quân hai nước.

Hoạt động tuần tra chung giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc là hoạt động thường niên. Ngoài giao lưu với Hải quân Trung Quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam còn thực hiện những chuyến giao lưu với Hải quân Thái Lan, Campuchia...

[BDV news]


>> 7 nước ASEAN ra lời kêu gọi chung về Biển Đông





Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore cùng kêu gọi việc tìm ra giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.


Hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hưng


Đây là tuyên bố chung được 7 thành viên ASEAN đưa ra khi cùng tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS vừa diễn ra từ ngày 13-17/6 tại New York, Mỹ. Các nước ASEAN nói trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và an ninh tại Đông Nam Á, tờ Philippines Star cho hay.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Lương Minh dẫn đầu, theo TTXVN. Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển phải được tiến hành phù hợp với Công ước, tôn trọng đầy đủ quyền quốc gia ven biển được hưởng trên các vùng biển được xác định theo Công ước.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển cũng như Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.

Trong khi đó, phái đoàn Philippines cho hay: "Quy tắc luật pháp là nền tảng của hòa bình, trật tự và công bằng trong các xã hội hiện đại. Vai trò ngày một lớn của một hệ thống quốc tế dựa trên cơ sở là các quy tắc luật pháp giúp mang lại một sự cân bằng cân thiết trong các vấn đề toàn cầu."

Philippines cũng cho rằng việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế giúp duy trì hòa bình và giải quyết các mâu thuẫn. Luật pháp quốc tế mang lại tiếng nói có trọng lượng ngang bằng cho các quốc gia bất kể tầm vóc chính trị, kinh tế hay quân sự, đồng thời loại bỏ việc sử dụng vũ lực trái luật pháp.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và Philippines, các nước ASEAN nhấn mạnh rằng cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Công ước Luật Biển khi tiến hành các hoạt động trên biển; đề cao sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS năm nay là lần thứ 21 các nước họp mặt để bàn về các vấn đề liên quan tới Công ước năm 1982.

Bên cạnh việc đánh giá hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, hội nghị năm nay tập trung thảo luận các biện pháp cải tiến hoạt động của Ủy ban ranh giới thềm lục địa nhằm đẩy nhanh tiến trình xem xét báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa kéo dài, tiến hành bầu 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển và kiểm điểm việc triển khai Công ước.

Trong khi đó, tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc là Haixun 31 đang trên hành trình tới thăm Singapore. Báo chí Trung Quốc cho biết trước khi tới Singapore, tàu này sẽ qua Biển Đông, qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tại căn cứ quân sự Changi của Singapore, các tàu chiến của Mỹ, trong đó có USS Chung-hoon và tàu của các nước ASEAN đang tham gia cuộc huấn luyện thường niên.


[Vnexpres news]


>> Nga chi 1,7 tỷ USD mua tàu chiến Pháp





Nga đã ký hợp đồng trị giá 1,7 tỷ USD mua hai tàu chở máy bay và tấn công hạng Mistral do Pháp chế tạo, nhằm bổ sung cho Hải quân Nga.


Một tàu chiến hạng Mistral. Ảnh: Ria Novosti.


Theo Ria Novosti, thỏa huận mua bán được ký tại St. Petersburg, giữa một bên là Anatoly Isaikin - Giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga và bên kia là Patrick Boissier - chủ tịch hãng đóng tàu DCNS của Pháp.

Lễ ký kết có sự chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tàu chiến đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2014 và tàu thứ hai vào năm 2015.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ca ngợi hợp đồng này như một dấu hiệu của sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.

"Việc ký kết hợp đồng này cho thấy một sự hợp tác ở cấp độ chiến lược giữa Nga và Pháp, cũng như sự hỗ trợ thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước", cung điện Elysee tại Pháp ra thông cáo. Hợp đồng này sẽ tạo ra 1.000 việc làm trong suốt 4 năm.

Theo Đô đốc Hải quân Nga Vladimir Vysotsky, các tàu chiến này sẽ được trang bị hệ thống vũ khí của Nga.

"Công nghệ xây dựng những tàu này sẽ cho phép vũ khí Nga được tích hợp, trong đó có bộ phận đổ bộ trên cạn và chuyên chở máy bay".

Việc sử dụng tàu chiến hạng Mistral cũng tăng cường đáng kể hiệu quả của các chiến dịch nhân đạo, theo đó chúng có thể được sử dụng trong cả thời bình cũng như trong các cuộc chiến, Vysotsky bổ sung.

Một tàu chiến hạng Mistral có khả năng mang theo 16 trực thăng, 4 tàu đổ bộ, 70 xe bọc thép và 450 binh lính. Pháp hiện có hai tàu tấn công hạng Mistral đang được sử dụng và đang xây một con tàu thứ ba.

[Vnexpress news]


>> Những căn cứ chiến lược ở Thái Bình Dương





Nhiều nước ven Thái Bình Dương đã và đang xây dựng những căn cứ quân sự hiện đại tại khu vực chiến lược này.

Thái Bình Dương với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú và các tuyến đường biển huyết mạch cũng là nơi đặt một số căn cứ quân sự quan trọng của nhiều nước. Những căn cứ này phục vụ đắc lực cho chiến lược của các quốc gia cho khu vực này. Sau đây là một số căn cứ được đánh giá là nổi bật nhất.



Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tại Yokosuka - Ảnh: Wikipedia


Mỹ

"Siêu căn cứ" Guam

Theo báo Telegraph, Mỹ đang xây dựng một siêu căn cứ hải quân trên đảo Guam với chi phí hơn 10 tỉ USD nhằm ứng phó các hoạt động ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Thế chiến 2, đồng thời là khoản chi đồ sộ nhất cho cơ sở hạ tầng hải quân trong nhiều thập niên. Theo kế hoạch, siêu căn cứ này sẽ có một bến tàu cho hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một hệ thống tên lửa phòng thủ, bãi tập bắn đạn thật và mở rộng căn cứ không quân có sẵn trên đảo.

Trước khi siêu căn cứ này hình thành, Mỹ đang "dùng tạm" căn cứ Hải quân Guam tại cảng Apra. Đây là nơi đặt 3 tàu ngầm lớp Los Angeles là USS City of Corpus Christi, USS Houston và USS Buffalo, đồng thời là điểm đóng quân của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ.

Căn cứ Hawaii

Căn cứ thủy quân lục chiến Hawaii (MCBH) đồng thời là một sân bay của Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ. Theo website an ninh và quân sự Globalsecurity, MCBH tọa lạc trên đảo Oahu, cách Honolulu khoảng 20 cây số về phía đông bắc và là "nhà" của Tiểu đoàn Hậu cần Tác chiến 3, Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 3, Đội Phi cơ Thủy quân Lục chiến 24 và Tiểu đoàn Vô tuyến số 3. Theo chuyên san Defense Industry Daily, vị trí của căn cứ này ở Thái Bình Dương biến nó thành một địa điểm lý tưởng cho việc triển khai chiến lược đến khu vực Viễn Đông.

Tại Hawaii còn có căn cứ hải quân Trân Châu Cảng, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Căn cứ Yokosuka Là một căn cứ của Hải quân Mỹ, đặt tại thành phố Yokosuka của Nhật Bản. Nhiệm vụ của căn cứ này là duy trì và điều hành các cơ sở hậu cần cho Lực lượng Hải quân Mỹ ở Nhật, Hạm đội 7 và các lực lượng tác chiến được phân công tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Căn cứ Yokosuka nằm ở tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo 65 km về phía nam.

Theo Globalsecurity, Yokosuka có 18 bến tàu và đủ khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu khác nhau kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm. Hiện tại ở căn cứ có 1 tàu chỉ huy là USS Blue Ridge, 1 hàng không mẫu hạm USS George Washington, 2 tuần dương hạm USS Cowpens và USS Shiloh và 7 khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS John S.McCain, USS Fitzgerald, USS Stethem, USS Lassen, USS McCampbell và USS Mustin. Giữa tháng này, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS George Washington vào biển Đông để bắt đầu tuần tiễu trong nhiều tháng.

Căn cứ Singapore

Trong khuôn khổ thỏa thuận ký năm 1992 giữa Singapore và Mỹ, các lực lượng quân sự Mỹ (chủ yếu là không quân và hải quân) được quyền sử dụng các cơ sở ở căn cứ này. Đội đặc nhiệm 73 đóng tại đây và cung cấp hậu cần cho Hạm đội 7 trong các chiến dịch ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Theo giới quan sát, với việc xây dựng siêu căn cứ ở Guam cùng với các kế hoạch tái bố trí lại lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn tiếp tục phát huy ảnh hưởng tại đây và ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc, vốn đang ngày càng gây quan ngại trong khu vực.

Nga hướng về đông

Trong mấy tháng đầu năm nay, Nga có nhiều động thái đối với nhóm đảo tranh chấp Nam Kuril (Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc). Bộ Quốc phòng Nga dự tính đưa tên lửa đất đối không S-400 và tàu chiến đa năng Mistral vừa mua của Pháp đến bảo vệ nhóm đảo trên, theo RIA-Novosti. Ngoài ra, còn có tên lửa siêu thanh Yakhont với tầm bắn 200-300 km và hệ thống Tor-M2 có thể cùng lúc bắn 4 tên lửa vào 4 mục tiêu khác nhau. Giới quan sát đánh giá các động thái rầm rộ và quyết liệt trên của Nga không chỉ để đối phó Nhật và khẳng định chủ quyền mà đằng sau còn có một chủ ý sâu xa trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. "Nga đang mất đi ảnh hưởng trong các vấn đề Đông Á, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, Nga đang hối hả khôi phục ảnh hưởng của mình trước khi Trung Quốc trở thành siêu cường", chuyên gia phân tích chính trị Nhật Kosuke Takahashi phát biểu trên tờ Ukrainian Week.


Nga

Căn cứ Vladivostok

Đây là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Theo website Topwar.ru, Hạm đội Thái Bình Dương được quân đội Nga trang bị nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag lớp Slava, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy I/II, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo. Hạm đội còn được trang bị các máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M3,Tu-142, máy bay đánh chặn Mig-31, máy bay chống tàu ngầm IL-39, KA-27, KA-31.

Ngoài căn cứ chính ở Vladivostok, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga còn có một căn cứ tàu ngầm lớn ở Vilyuchinsk trên bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông.

Căn cứ Kuril

Giữa tháng 11.2010, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin không chính thức cho hay Nga có kế hoạch xây dựng một căn cứ lớn cho Hạm đội Thái Bình Dương tại 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Tokyo gọi những hòn đảo này là "Vùng lãnh thổ phía Bắc", còn Moscow gọi là "nhóm đảo Nam Kuril".

Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh Echo of Moscow hồi tháng 2, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov khẳng định quân đội đang đặc biệt ưu tiên cho các lực lượng ở phía đông đất nước. Theo đó, mục tiêu hiện tại là Moscow muốn phát triển Nam Kuril thành bệ phóng để gia tăng tiếng nói và duy trì vị trí cường quốc ở Đông Bắc Á. Nếu Nga nâng cao khả năng không quân và hải quân tại nhóm đảo tranh chấp đồng thời mở rộng Hạm đội Thái Bình Dương, các lực lượng ở đây sẽ thêm khả năng phối hợp với căn cứ quân sự ở Vladivostok và Kamchatka.

Trung Quốc

Căn cứ tàu ngầm Hải Nam

Căn cứ tàu ngầm Hải Nam được cho là nhằm phục vụ các tàu ngầm tấn công thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Dù chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ lên tiếng chính thức về sự tồn tại của căn cứ này nhưng thông tin về nó đã được tạp chí quân sự nổi tiếng Jane's Intelligence Review của Anh tiết lộ hồi năm 2008.


Vị trí căn cứ tàu ngầm Hải Nam - Ảnh: Telegraph


Theo đó, căn cứ này nằm gần Tam Á trên đảo Hải Nam, có các cửa rộng hơn 23m cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Báo Telegraph mô tả căn cứ này là một khu phức hợp khổng lồ có khả năng che giấu 20 tàu ngầm hạt nhân trước vệ tinh do thám. Hơn nữa, vị trí của căn cứ cho phép tàu ngầm xâm nhập những vùng nước sâu hơn 5.000m mà không cần nổi lên, khiến chúng càng khó bị phát hiện hơn.

Jane's Intelligence Review nhận định căn cứ này quá gần với mạng lưới giao thông đường biển khu vực Đông Nam Á và do đó gây nên quan ngại vượt xa tầm khu vực. Báo Indian Express thì dẫn lời một số chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc cắt đứt đường giao thông thương mại trên biển tại biển Đông và eo biển Malacca (Ấn Độ Dương) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. AFP dẫn lời chuyên gia Christian Le Miere cho rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với dầu khí và tài nguyên thiên nhiên đang khiến Bắc Kinh ngày càng muốn kiểm soát các đường biển quan trọng, đặc biệt là khu vực phía nam.

Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn có nhiều căn cứ khác trên đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Phúc Kiến.

[Internet news]


Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

>> Vua chiến trường - siêu tăng Armata





Viện thiết kế chế tạo máy vận tải Ural (Công ty ОАО UKBTM) đã nhiều năm nghiên cứu chế tạo loại xe tăng mới có tính cách mạng Objekt 195.


Nhưng năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định ngừng cấp kinh phí cho dự án này để phát động dự án xe tăng mới Armata. Vậy là “Hoàng thượng đã băng hà - Hoàng thượng vạn tuế”.

Diện mạo của vua chiến trường mới sẽ ra sao và điều gì đã xảy ra với Objekt 195?

Khai tử

Tăng Objekt 195 (báo chí thường gọi nhầm là Т-95) bắt đầu được phát triển từ cuối kỷ nguyên Xô-viết tại Viện thiết kế của Nhà máy Toa xe Ural (Uralvagonzavod). Người ta đã hy vọng sẽ làm ra được một loại xe tăng kết cấu mới với vỏ giáp cực mạnh và kíp xe ngồi trong cáp-xun tách biệt với vũ khí và đạn.


Objekt 195


Dự án Objekt 195 đã đi đến được giai đoạn chế tạo một số lô (mỗi lô độ 1-2 chiếc) chế thử khác biệt nhau khá rõ. Xe tăng được bảo mật nghiêm ngặt trong một thời gian dài. Nhưng trong năm nay, những bức ảnh của một trong các mẫu chế thử đầu tiên đã được đăng tải. Xe tăng này té ra rất khác thường. Xem ra nó có vẻ cao và to hơn tăng Т 90А hiện nay. Đập ngay vào mắt là cảm tưởng nó được bảo vệ cực tốt. Các nhà thử nghiệm đã đặt biệt danh cho nó là “Quái vật”. Nó đã làm sợ hãi và kinh ngạc nhiều người trong số những người lần đầu tiên trông thấy nó. Vậy loại xe tăng mà Bộ Quốc phòng Nga đã chối bỏ ấy là thế nào?

Objekt 195

Xe tăng Objekt 195 có thiết kế mới: Kíp xe ngồi trong cáp-xun bọc giáp riêng biệt; Vũ khí và đạn dược bố trí trong khoang chiến đấu tự động hóa riêng biệt, bên trên là tháp pháo; Khoang động cơ-truyền độngnằm ở đuôi xe.

Nó được bảo vệ rất tốt ở hình chiếu đầu xe, cũng như từ hai bên sườn và bên trên. Kíp xe được cách ly với khoang chiến đấu và khoang động cơ và có thể không phải lo ngại cháy, nổ hơi nhiên liệu và kích nổ cơ số đạn.

Tháp xe hẹp, không có người ngồi. Vũ khí chính trên tháp được bố trí cao và đây cũng là một ưu thế. Nhờ vậy, xe tăng có thể bắn từ sau tường vây hay các ngọn đồi mà chỉ cần thò pháo và các khí tài quan sát ra ngoài. Xe tăng được trang bị pháo nòng trơn 152 mm, có khả năng phóng các tên lửa có điều khiển hiện đại tầm bắn 8 km.

Uy lực của đạn xuyên giáp dưới cỡ cho phép “Quái vật” xuyên phá bất kỳ loại tăng nào của NATO ở bất kỳ điểm nào của hinh chiếu phía trước và tiêu diệt nó chỉ bằng một phát đạn. Kíp xe quan sát tình hình trên chiến trường qua các màn hình hiển thị thông tin hợp nhất từ các kênh truyền hình, ảnh nhiệt và laser của hệ thống điều khiển hỏa lực. Các màn hình cũng hiển thị cả thông tin từ các xe tăng bạn và từ cấp chỉ huy.

Xe tăng được trang bị động cơ diesel công suất lớn (1.600 mã lực) và bộ truyền động thủy khí tự động. Tuy có kích thước khá lớn và vỏ giáp cực mạnh, xe tăng có trọng lượng khá nhẹ. Các nguồn tin khẳng định xe chỉ nặng không quá 55 tấn.

Tại sao Objekt 195 bị chối bỏ

Nảy sinh câu hỏi: tại sao Bộ Quốc phòng Nga đột nhiên chối bỏ siêu phẩm kỹ thuật này? Có những nguyên nhân khách quan nào không? Theo chúng tôi là có.

Một trong số đó là giá đắt. Người ta nói rằng, một mẫu chế thử xe tăng này có giá gần 400 triệu rúp. Dĩ nhiên là khi sản xuất loạt, giá sẽ rẻ hơn, nhưng dẫu sao thì vẫn là đắt. Một nguyên nhân nữa là nền công nghiệp Nga chưa sẵn sàng cho việc sản xuất loạt xe này ở quy mô hàng hóa. Nhiều xí nghiệp phụ trợ đơn giản là không có khả năng bảo đảm linh kiện cho xe.

Nhưng điều cốt yếu nhất là xe tăng này đã được chế tạo để đột phá vào một tương lai đã không đến. Cuối thập niên 1980, người ta trù tính Objekt 195 sẽ phải đối chọi với các xe tăng mới của phương Tây, cụ thể là của Mỹ và Đức. Nhưng cuối cùng, chẳng thấy cả Leopard 3 của Đức lẫn FMBT của Mỹ xuất hiện đâu cả. Tất cả các chương trình phát triển xe tăng mới của phương Tây đều bị hủy bỏ.

Bởi vậy, người Nga đã quyết định làm ra loại xe tăng đơn giản và rẻ tiền hơn. Liệu có làm được hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Chính vì vậy mà Uralvagonzavod song song với việc phát triển Armata cũng đang tự bỏ tiền ra để hoàn thiện Objekt 195.

Armata hình hài ra sao

Bản thân từ Armata có nguồn gốc từ tiếng Latinh là arma (vũ khí). Hồi thế kỷ XIV, ở nước Nga người ta gọi các khẩu pháo thô sơ như vậy. Song cần phải hiểu là các mật danh của các dự án nghiên cứu/thử nghiệm rất nhiều khi chẳng có tẹo ý nghĩa nào. Trong các tên gọi của vũ khí mới, ta có thể gặp cả tên của sâu hại vườn cây ở nhà nghỉ của viên sĩ quan phụ trách lựa chọn mật danh khiến anh ta bực mình, cả các loại đá quý, các con sông, các loài hoa và thậm chí cả biệt danh của chú chó cưng.

Nhiệm vụ phát triển Armata, hay còn gọi là “dòng bệ mang chiến trường chuẩn hóa hạng nặng tương lai” chỉ được giao cho UKBTM mới đây. Có thông tin nói là công việc được bảo đảm tài chính tốt và tiến triển khá tốt. “Dòng bệ mang” này gồm một xe tăng, một xe cứu kéo-sửa chữa bọc thép, một xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và một xe bọc thép chở quân đột kích hạng nặng và có thể phát triển cả một xe chiến đấu yểm trợ tăng (BMPT) nữa.

Xét tới thời hạn gấp gáp đặt ra là vào năm 2015, xe tăng mới phải thử nghiệm xong và đi vào sản xuất loạt, có thể phỏng đoán là các nhà thiết kế sẽ tận dụng tối đa hành trang đã thu lượm được của Objekt 195. Người ta có thể sẽ nhận được “một siêu tăng tiết kiệm” - tức là cùng kết cấu, những nguyên tắc, công nghệ. Nhưng nó sẽ nhỏ hơn, nhẹ hơn, đơn giản hơn và rẻ hơn Objekt 195 một chút.

Ta có thể thử tưởng tượng diện mạo của nó. Xe tăng Armata sẽ có trọng lượng nhỏ hơn Objekt, tầm gần 50-52 tấn. Và có thể có khung gầm với 6 cặp bánh tỳ vốn đã quen thuộc của xe tăng Nga, chứ không phải 7 cặp như ở Objekt 195. Nhưng cũng có thể sẽ là khung gầm 7 cặp bánh tỳ. Để giảm giá thành và đơn giản hóa khâu sản xuất, người ta sẽ không sử dụng nhiều giáp hợp kim titan. Do đó, Armata sẽ có vỏ giáp bảo vệ kém hơn Objekt 195 tí chút.

Kết cấu của Armata sẽ giống Objekt 195 - vỏ giáp mạnh, bên trong là cáp-xun bọc giáp chứa kíp xe, tiếp đó là khoang chiến đấu tự động hóa với tháp xe không người ở trên, sau đó là khoang động cơ. Pháo cũng được bố trí khá cao như thế. Có lẽ, các công trình sư có sử dụng các kết quả nghiên cứu của Objekt 195 về máy nạp đạn tự động, hình dáng thân xe, kết cấu vỏ giáp. Xe tăng sẽ được trang bị giáp phản ứng nổ lắp liền thế hệ mới và hệ thống phòng vệ tích cực.

Armata được cho là được trang bị pháo nòng trơn 125 mm uy lực mạnh hơn. Loại pháo này cũng đang được lắp cho biến thể tăng mới Т-90АМ. Tính năng của pháo đủ mạnh để tiêu diệt bất kỳ loại tăng tương lai nào của NATO.

Có thông tin nói rằng, Armata sẽ được trang bị bộ truyền động điện. Nếu vậy thì động cơ được dùng để chạy máy phát điện, còn xích xe quay bằng các động cơ điện. Thiết kế như vậy có trọng lượng nhẹ hơn thiết kế truyền thống vì trọng lượng được giảm đi có thể dùng để tăng cường vỏ giáp. Tuy vậy, về mặt độ tin cậy, thiết kế này có mức độ rủi ro cao hơn. Xe tăng sẽ được trang bị động cơ diesel, công suất khoảng 1.400-1.600 mã lực.

Với các “đồ nghề” như thế, Armata có thể trở thành loại tăng tốt nhất thế giới, một vị trí xứng đáng đối với nước Nga. Tất cả các điều kiện tiền đề để làm việc đó đã có. Cái khó hơn vẫn là giá cả. Còn khó hơn nữa là quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga. Ngộ nhỡ vào năm 2015, ai đó đột nhiên lại phát sinh ý tưởng “thay đổi khái niệm” xe tăng thế hệ mới thì sao?

[BDV news]


>> Mỹ và Việt Nam phản đối dùng vũ lực trên Biển Đông





Hãng tin AFP đưa tin, Mỹ và Việt Nam đã cùng kêu gọi tự do hàng hải và phản đối việc sử dụng vũ lực tại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.


Đối thoại về Chính trị-an ninh-quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ tư tại Washington. (Ảnh: Đỗ Thúy/TTXVN)


Sau cuộc hội đàm tại Washington, Mỹ và Việt Nam khẳng định rằng: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông nằm trong lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.

“Tất cả các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cần được giải quyết thông qua tiến trình ngoại giao, hợp tác mà không có sự ép buộc hoặc dùng vũ lực”, tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam có đoạn viết.

Căng thẳng trên Biển Đông leo thang trong những tuần gần đây khi các tàu Trung Quốc tấn công một tàu thăm dò địa chấn dầu khí Việt Nam và cắt cáp tàu Viking II vào sáng 09/6.

Theo tuyên bố chung Việt – Mỹ: “Phía Mỹ nhắc lại rằng những vụ việc rắc rối trong những tháng gần đây không thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2010, khẳng định rằng Mỹ có lợi ích quan trọng trong tự do hàng hải ở Biển Đông.

Hiện Trung Quốc có tranh chấp với một số quốc gia tại khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên này. Hôm 17/6, nước này tuyên bố đã gửi tàu đô đốc hải quân tới Biển Đông.

Trong bối cảnh căng thẳng, hôm 14/6, Trung Quốc khẳng định họ sẽ không dùng vũ lực tại Biển Đông và thúc giục các quốc gia khác “làm nhiều hơn vì hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong tuyên bố chung, Mỹ và Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các cuộc đàm phán dưới sự bảo vệ của một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002, theo đó hai bên cam kết sẽ hợp tác theo quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ tư đã khai mạc sáng 17/6 (giờ Mỹ), tức tối 17/6 (theo giờ Việt Nam) tại thủ đô Washington của Mỹ. Tham gia đối thoại có Andrew Shapiro, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề quân sự - chính trị, và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

[BDV news]


>> Hải quân Pakistan hạ thủy khinh hạm





Hôm 16/6, Hải quân Pakistan đã hạ thủy khinh hạm F-22P thứ tư – loại chiến hạm được chế tạo với sự giúp đỡ của Trung Quốc - tại Karachi.


Khinh hạm F-22P được chế tạo tại công ty Karachi Shipyard & Engeneering Works (KSEW). Ba khinh hạm F-22P khác của Pakistan - PNS Zulfiqar, PNS Shamsher và PNS Saif – được đóng tại Trung Quốc.



Khinh hạm lớp F-22P. Ảnh: wikipedia.org


Đô đốc Noman Bashir, tư lệnh hải quân Pakistan – vị khách mời quan trọng tại lễ hạ thủy ở KSEW - đã ca ngợi những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của chính phủ Pakistan.

Ông chúc mừng Công ty Đóng tàu Trung Quốc (CSSC), Công ty Thương mại và Đóng tàu Trung Quốc (CSTC), xưởng đóng tàu Hudong Zhongua và KSEW đã hoàn tất nhiệm vụ.

Trang thenews.com.pk dẫn lời đô đốc Bashir cho hay, việc hạ thủy chiến hạm trên là ví dụ khác cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan.

Ông khẳng định, nỗ lực này không chỉ đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai quốc gia mà còn góp phần làm cho lễ kỉ niệm 60 năm quan hệ hữu nghị Pakistan – Trung Quốc thêm ý nghĩa. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các tuyến đường giao thương trên biển sát với bờ biển của Pakistan.

Khinh hạm thuộc lớp F-22P (tên tiếng Anh – Thanh gươm) là dòng chiến hạm trang bị tên lửa chuyên thực hiện các nhiệm vụ “đối không” và “đối bờ”. Nó là phiên bản nâng cấp của dòng khinh hạm Type 053H3 thuộc hải quân Trung Quốc. Kết cấu thân của khinh hạm lớp F-22P sử dụng nhiều mặt cắt đa giác với tác dụng làm giảm thiểu khả năng bị phát hiện bởi radar của đối phương.

Trang bị vũ khí chính của chiến hạm lớp F-22P là 1 hải pháo AK–176M 76,2mm, 2 súng phóng không tầm ngắn Type 730B 30mm, tổ hợp tên lửa phòng không FM-90N, tên lửa đối hạm C-802 và các tổ hợp ngư lôi, chống ngầm khác. Đặc biệt, khinh hạm lớp F-22P còn mang theo 1 máy bay trực thăng chống ngầm Harbin Z-9EC.

Tổng trọng tải của khinh hạm lớp F-22P là 2.500 tấn và chiều dài thân tàu là 122m. Với tốc độ tối đa có thể đạt được là 29 hải lý/h, tầm hoạt động của khinh hạm lớp F-22P vào khoảng 4.000 hải lý.

[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang