Chỉ còn 10 ngày nữa thôi là tới lễ kỉ niệm chiến thắng 30/4, ngày mà đất nước Việt Nam chúng ta non sông Bắc Nam thống nhất một nhà !!!
Song liệu tất cả trong số chúng ta có biết được rằng một phần máu thịt của Tổ Quốc - Quần đảo Hoàng Sa đã không còn thuộc đất Mẹ Việt Nam nữa, một mảnh đất tiền tiêu của nước Việt đã rơi vào tay Trung Quốc sau trận hải chiến đẫm máu 33 năm về trước ...
Máu của những người lính Hải Quân Việt Nam anh dũng vẫn đổ xuống vì từng tấc đất Cha Ông để lại, nhưng điều đáng nói là Sự Hi Sinh cao cả của họ vì biển đảo Tổ Quốc ngày nay vì "lý do nào đó" không được tất cả mọi người biết tới .
Dường như ngày nay nhiều người, vì cuộc sống mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền, hình như đã thờ ơ mà quên đi một cách vô tâm sự hi sinh cao cả thầm lặng của họ đã ngã xuống để đổi lại cho chúng ta từng ngày bình yên.
Tôi - là một sinh viên - là một công dân của nước Việt Nam . Mặc dù chẳng làm gì được nhiều cho Tổ Quốc nhưng nhân dịp này cũng xin viết mấy lời để tỏ lòng biết ơn những người lính đã khuất vì Biển Đảo Tổ Quốc, để cho nhiều người nữa biết được rằng niềm vui đất nước thống nhất chỉ thật sự trọn vẹn khi Hoàng Sa - Trường Sa thật sự là của chúng ta !!!
Dưới đây là nguyên văn 1 bài viết được lấy từ website http://hoangsa.org/ - Một website chính thức được tạo dựng để giúp mọi người ý thức rõ ràng hơn về chủ quyền đất nước !!!
"Tại sao Hoàng Sa?"
http://hoangsa.org/forum/showthread.php?s=6787689c0c64fea3dac2c233f4701b86&t=1837 >
...
1 Không muốn nhắc về một cái tên cũ, khi mảnh đất ấy không còn thuộc về Tổ quốc mình. Nhưng mấy ngày này có rất nhiều blog của đồng nghiệp và bạn bè nhắc đến nên cũng muốn có một vài dòng.
Blog của nhà báo Bùi Thanh, của anh Ngô Đồng... nhắc nhớ về cái ngày 33 năm trước, mảnh đất tiền tiêu của nước Việt rơi vào tay Trung Quốc. Về nỗi buồn trước sự thờ ơ của rất nhiều người khi những cái tên Vàng Anh hay Trà - Chanh lấn át mất từ Hoàng Sa.
Đọc xong blog của anh Ngô Đồng (mượn từ blog của Apo), K'ku đã comment rằng:
"Chúng ta nên hỏi chúng ta thôi. Người ta quan tâm đến Vàng Anh vì Vàng Anh được lên báo, còn nỗi đau Hoàng Sa thì buộc phải câm nín, không một tờ báo nào được nói đến. Vì mối quan hệ bang giao, như ngàn đời nay cha ông ta vẫn phải chịu cái "ách" của bọn "xì thẩu".
Nhưng Vàng Anh, một hai năm sau người ta sẽ quên mất, còn Hoàng Sa 33 năm rồi và nhiều lần 33 năm nữa chắc rằng rất nhiều người Việt Nam sẽ không quên.
Chúng ta không hèn nhưng chúng ta yếu hơn anh bạn láng giềng, điều đó phải chấp nhận, như cha ông ta đã chấp nhận. Lấy nhu hoãn cương, không ai đặng lòng, nhưng nhờ thế mà ngàn năm bị độ hộ vẫn còn giữ được cái mảnh đất cong hình chữ S này, dù không nguyên vẹn cho lắm!"
2 Ba năm trước, nhờ anh của một đứa bạn tôi được vào thăm quân cảng Cam Ranh, nơi có những tàu chiến đang trú đậu với nhiệm vụ canh giữ Trường Sa và làm chốt giữ tỏa ra suốt 3000 cây số bờ biển và hơn 1 triệu km vuông thềm lục địa. Con tàu mà tôi bước lên, được ở suốt một đêm trên đó dài hơn 60 m. Vũ khí hiện đại nhất là hai khẩu đại bác 37 ly, bốn quả tên lửa tự tìm mục tiêu... với tầm hoạt động có bán kính khoảng 600 km. Thuyền trưởng mói rằng đó là một trong những con tàu chiến hiện đại nhất Việt Nam.
Tôi không rành về quân sự nhưng mở Wikimedia, con số chiến hạm của Trung Quốc là 14 cái. Chiến hạm của họ có cái dài gần 300 m, so với chiến hạm ấy, con tàu mà tôi thấy có lẽ chỉ như một chiếc xuồng.
Bạn và tôi sẽ hỏi: Tại sao? Tại sao ta không có những chiến hạm như họ để mà chống đỡ?. Tôi không tìm được câu trả lời như mình muốn. Chỉ tìm được một con số: Ngân sách quốc phòng (được công bố) của họ là hơn 60 tỷ USD năm vừa rồi, gần bằng GDP của chúng ta. Ngân sách quốc phòng của chúng ta dĩ nhiên không được công bố, nhưng, không thể nào lấy hết tiền của của nhân dân để đổ và mua súng ống cho cân bằng với Trung Quốc. Mà thế giới thì đâu phải chỉ mỗi mình Trung Quốc.
3 Hồi nhỏ khi mới biết chữ, bố tôi đã treo bản đồ và chỉ cho tôi đất nước mình nằm ở đâu, chỉ cho tôi cả Hoàng Sa với hàng chữ mở ngoặc - "thuộc tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng". Hàng chữ ấy cho đến bây giờ vẫn còn trên tất cả các bản đồ chính thức của Việt Nam ( được thay bằng "thuộc thành phố Đà Nẵng).
Năm 1988 lúc 6 tuổi, tôi nghe một buổi phát thanh tiếng Việt của đài Tiếng nói nhân dân Trung Quốc cùng với bố về trận hải chiến ở Trường Sa giữa hai nước. Bố tôi nghe xong vỗ một phát mạnh lên cái Radio làm rơi cả mấy cục pin đã nhão nhoét. Tôi không hiểu điều gì nhưng sau này lớn lên, tìm những tài liệu cũ (không chính thức) trên mạng, tôi biết được năm đó đã có một tàu hải quân của ta bị Trung Quốc ngoắc neo kéo về...
Tôi đọc trên ở nhiều tài liệu, forum và thấy nhiều người quy kết rằng năm 1955 có một văn bản đăng trên báo Nhân Dân do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã làm cho Hoàng Sa không thể trở về với Việt Nam. Tôi không dám lạm bàn, vì năm 1955 và năm 1974 nữa, tôi chưa ra đời. Chỉ mong những ai đó nếu không trải nghiệm được lịch sử thì đừng bao giờ quy kết.
Năm cuối đại học tôi nhảy tàu ra Hà Nội chơi và bắt xe lên Tân Thanh (Lạng Sơn) cùng một thằng bạn thân. Hai đứa đã làm được một trong những việc hả hê nhất suốt 25 năm từ lúc chào đời là theo dân cửu vạn, chon một góc khuất không có lính biên phòng, đứng bên này Việt Nam tè sang đất Trung Quốc.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn hả hê vì điều ấy. Nhưng sự hả hê ấy của tôi cũng như những lời quy kết nêu ở trên, tôi nghĩ nó rất vụn vặt, tầm nhìn hẹp hòi. Và tóm lại là không giải quyết được vấn đề, không nhìn được sâu vào cái mất mát và sự tự ái mà chúng ta đang gánh chịu.
4 Tại sao Hoàng Sa? - Bài viết của nhà báo Bùi Thanh trên mục Bút bi báo Tuổi Trẻ hai năm trước, cuối cùng đã đọng lại bằng một lời nhắc nhớ rằng chúng ta không bao giờ quên mảnh đất ấy đã thấm máu cha ông mình. Bởi:
Đã từng có những đội quân từ thời chúa Nguyễn bỏ xác ở Hoàng Sa, nay vẫn còn miếu thờ bên bờ biển Quảng Ngãi.
Đã từng có một đài khí tượng của Việt Nam mang số hiệu 48860 trước năm 1974 ở Hoàng Sa.
Và dù cho trang thông tin của Yahoo hay bất cứ trang nào khác gọi Hòang Sa là Xisha Dao thuộc về Trung Quốc thì vẫn đang và sẽ luôn còn những tấm bản đồ của chúng ta ghi chú Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng hay một tỉnh nào đó của Việt Nam.
Tôi biết sẽ có nhiều bạn không đồng tình với tôi về một tư tưởng "an phận". Tôi còn quá trẻ, không trải nghiệm lịch sử, không đủ kiến thức để có thể nói lại tất cả những phản biện...
Nhưng tôi cũng như nhiều người trẻ khác vẫn luôn đau đáu và quyết liệt rằng: "Tại sao Hoàng Sa?".
Câu hỏi ấy, sự đau đáu ấy tôi xin trả lời bằng quan điểm đã comment trên blog của đồng nghiệp: "Chúng ta không hèn nhưng chúng ta yếu hơn anh bạn láng giềng, điều đó phải chấp nhận, như cha ông ta đã chấp nhận. Lấy nhu hoãn cương, không ai đặng lòng, nhưng nhờ thế mà ngàn năm bị đô hộ vẫn giữ được mảnh đất cong hình chữ S này...".
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét