Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: 09 tháng 1 2011

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

>> Hải quân, không quân Việt Nam sẽ 'tiến thẳng lên hiện đại hóa'


Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, binh chủng hải quân, không quân, thông tin liên lạc… sẽ được đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc.

- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, để quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, thay vì xây dựng quân đội theo hướng “từng bước tiến lên chính qui, hiện đại” thì một số binh chủng trong quân đội cần phải “tiến thẳng lên hiện đại”. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

- Cương lĩnh của Đại hội đã xác định cả một thời kỳ dài, có thể đến giữa thế kỷ, chúng ta sẽ xây dựng quân đội cách mạng chính qui, tinh nhuệ và hiện đại. Còn trong chiến lược kinh tế xã hội thì xác định sẽ xây dựng quân đội từng bước chính qui, hiện đại.

Nhưng trước mắt phải xây dựng lực lượng hải quân, phòng không không quân, trinh sát điện tử, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật , thông tin liên lạc… đi thẳng lên hiện đại để đáp ứng yêu cầu. Đó là thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn đảng, toàn dân , toàn quân.

- Để đáp ứng yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại, ngoài yếu tố trang thiết bị, vũ khí, khí tài, vấn đề con người được quan tâm thế nào thưa Bộ trưởng?

- Muốn xây dựng quân đội chính qui, hiện đại đòi hỏi phải xây dựng, đào tạo con người phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, con người phải có tư duy đổi mới, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật nghiêm…


Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Nếu chỉ có trang bị hiện đại mà con người chưa hiện đại, trình độ không đáp ứng yêu cầu, không làm chủ, khai thác tối đa trang thiết bị hiện đại thì không đáp ứng yêu cầu.

Việc xây dựng một số binh chủng, lực lượng trong quân đội tiến thẳng lên chính qui, hiện đại được xác định thế nào trong kế hoạch của Bộ Quốc Phòng thưa Bộ trưởng?

Trong nghị quyết của Đảng bộ Quân đội đã xác định rõ, phải xây dựng lực lượng hải quân, phòng không không quân, trinh sát điện tử…đi thẳng lên hiện đại. Kèm theo đó là có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để đầu tư về mặt trang bị, con người, đào tạo… và có lộ trình phù hợp với khả năng tài chính của đất nước.

- Trả lời báo chí, một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, ngân sách quốc phòng của ta hiện chiếm khoảng 1,8% GDP. Theo Bộ trưởng, số tiền chi cho ngân sách quốc phòng như vậy có đáp ứng yêu cầu phát triển của quân đội trong tình hình mới?

- Theo tôi như vậy đã là một sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước. Nếu vượt quá khả năng đó sẽ rất khó cho ngân sách. Chúng ta còn phải lo rất nhiều thứ như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo… nên như vậy đã là sự cố gắng.

- Bộ trưởng có bình luận gì về thông tin báo nước ngoài cho rằng, ngân sách quốc phòng của ta năm qua khoảng 2 tỷ USD?

- Cái đó thì rõ rồi, ngân sách năm nay là 52.000 tỷ đồng, khoảng hơn 2 tỷ USD.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô:

Chính sách quốc phòng an ninh trong báo cáo văn kiện đã thể hiện đầy đủ. Tuy nhiên, trong quan điểm xây dựng quân đội và công an tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nên bổ sung ý một số lực lượng sớm hiện đại.

Với thành tựu phát triển công nghệ hiện nay, nếu chúng ta không xác định một số lực lượng phải nhanh chóng tiến lên hiện đại thì chưa đảm bảo yêu cầu.

Hiện có những quốc gia có vũ khí mà công nghệ có thể tấn công từ đường chân trời, từ rất xa. Vì thế, nếu một số lực lượng như không, hải quân, thông tin liên lạc…không được sớm hiện đại sẽ khó khi thực hiện nhiệm vụ.

>> 10 vũ khí được thế giới quan tâm năm 2010 (kỳ 1)

- Dưới đây là top 10 vũ khí được coi là "ngôi sao" của năm trong con mắt truyền thông thế giới:

Phi cơ X-37B của Mỹ: “chân trời vũ khí không gian”


Nếu như trong vài năm trở lại đây, có người nói phi cơ có thể bay với vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh, có thể bay từ bất kì thành phố này tới thành phố khác trên hành tinh trong vòng 2 giờ, tự do bay lên tới độ cao 410km, chạm vào vệ tinh của các nước khác... thì người đó có thể là kẻ ảo tưởng hoặc là người biết được thông tin về dự án thử nghiệm phi cơ X-37B của Mỹ.

Máy bay X-37B.

Ngày 3/12, phi cơ X-37B của Mỹ đã hạ cánh an toàn kết thúc hơn 7 tháng du hành trong không gian. X-37B thân không to, chiều dài là 8,8m, cánh khoảng 4,6m, có thể triển khai tới bất kỳ nơi nào trên thế giới trong 2 giờ. Thậm chí, có tin đồn, máy bay có thể biến đổi cấu trúc để chiến đấu lâu dài trên không, có khả năng tấn công vệ tinh.
Nhiều dự báo cho rằng, đưa X-37B vào các trận không chiến sẽ làm thay đổi các hình thức chiến đấu.

Máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan

Trong quan điểm truyền thông của Trung Quốc và Pakistan, JF-17 thực sự là "ngôi sao" của năm 2010. Vì đây là thế hệ máy bay chiến đấu đa năng kiểu mới do Tập đoàn công nghiệp hàng không số 1 Trung Quốc và không quân Pakistan cùng nhau nghiên cứu chế tạo.
JF-17 có tốc độ bay lớn nhất đạt 2.200km/h, tầm bay 3.000km, được trang bị một pháo cỡ nòng 23mm, dưới thân và cánh được thiết kế 7 điểm treo nhằm trang bị các loại hỏa lực như: tên lửa, bom rơi tự do và bom có điều khiển…


Máy bay chiến đấu đa năng JF-17.


Trong cuộc triển lãm hàng không tại Chu Hải, JF-17 đã thực hiện rất nhiều thao tác bay mang tính kỹ thuật cao, thu hút rất nhiều sự chú ý của giới quân sự các nước.

Máy bay chiến đấu PAK FA Su-T-50 của Nga

Nga đang nghiên cứu chế tạo Su-T-50, được định vị là chiến đấu cơ đa năng, trang bị radar N050 BRLS AFAR/AESA cực mạnh, phát hiện các mục tiêu cách 400km, theo dõi 32 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu cùng một lúc, động cơ chỉnh hướng phụt 3D AL-41F, khả năng thao diễn vượt mọi loại máy bay hiện nay, cất cánh ở những đường băng cực ngắn và có khả năng tàng hình cao.

Máy bay chiến đấu Su-T-50.


Su-T-50 có khối lượng rỗng 18,5 tấn, có thể mang theo 7,5 tấn vũ khí và 10,3 tấn nhiên liệu. được trang bị hai pháo 30 mm, với mỗi pháo 150 viên đạn.

Vũ khí chính của Su-T-50 gồm các loại tên lửa không đối không mới nhất của Nga như R-73, R-77, R-37, các loại tên lửa đối đất chống radar như Kh-31P hay tên lửa chống hạm như Kh-35 Ural, Kh-41 Moskit và tên lửa hành trình đối đất Kh-55S với tầm bắn 3.000 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, Su-T-50 còn có 8 mấu cứng gắn trên cánh để trang bị các thiết bị trinh sát điện tử hay thùng nhiên liệu phụ cho các nhiệm vụ tuần tiễu. Dù đã thực hiện các chuyến bay thử nhưng nhiều thông tin quan trọng khác của Su-T-50 vẫn nằm trong vòng bí mật.

Tàu đổ bộ Mistral của Pháp

Năm 2010 đánh dấu nước Nga nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài. Thương vụ đầu tiên là tàu chiến Mistral của Pháp. Khi cần thiết, con tà chi cần “một cái lắc mình” là trở thành “bệnh viện trên biển” hoặc tàu sân bay.

Con tàu này có thể mang theo hơn 1.450 binh sĩ và một số lượng lớn vũ khí, 60 xe bọc thép, 230 xe các loại, 4 tàu đổ bộ LMC thông dụng, 2 thủy phi cơ, 16 trực thăng hặng nặng, 35 trực thang hạng nhẹ.

Tàu đổ bộ lớp Mistral.


Mistral có lượng giãn nước từ 16.500 tấn đến 21.300 tấn. Chiều dài 199m, rộng 32m, mớn nước 6.3m, được trang bị 4 động cơ diesel, 2 động cơ đẩy Mermaid, trục kép.

Vận tốc tàu đạt 18,8 hải lý. Hệ thống vũ khí bao gồm 2 súng Breda-Mauser 30mm, súng máy hạng nặng M2-HB và 2 hệ thống tên lửa phòng không. Trang bị radar DRBN-38A Decca Bridgemaster E-250 theo dõi tàu; radar MRR3D-NG giám sát trên không/trên biển, 1 bộ ARBR-21 thiết bị radar cảnh báo; 2 hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống quản lý dữ liệu tác chiến Xi Nite, hệ thống chỉ huy và hỗ trợ SIC-21, 3 hệ thống thông tin vệ tinh, 1 hệ thống vệ tinh thông tin hàng hải quốc tế, 1 hệ thống thông tin vệ tinh Hạm đội, liên kết dữ liệu số 11 và 16.

Máy bay AT-802U của Mỹ

Trong chiến tranh công nghệ cao hiện tại và tương lai, máy bay dùng trong nông nghiệp có thể hoán cải trở thành máy bay chiến đấu? Đó chính là trường hợp của máy bay AT-802U (Mỹ)

AT-802U có thiết kế dựa trên máy bay nông nghiệp và được phát triển thành "sát thủ trên không", chủ yếu sử dụng cho việc thực hiện tấn công các mục tiêu cố định và di chuyển trên mặt đất, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.

Máy bay AT-802U.

Ngoài việc sử dụng để bảo vệ rừng, cơ động ở tốc độ thấp, đơn giản, bền, đáng tin cậy, có thể đáp xuống ở mọi đường băng thậm chí là đường băng gồ ghề và chi phí đặc biệt thấp, AT-802U còn có thể sử dụng để vận chuyển các loại vũ khí, thể hiện ưu thế siêu việt, độc đáo trong công tác chống khủng bố.

AT-802U khiến cho nhiều người hiểu rằng: đánh giá vũ khí tốt phải phụ thuộc vào các nhiệm vụ cụ thể, không nhất thiết phải là tiên tiến nhất mới là tốt nhất.


>> TQ sẽ có 2 hạm đội tàu sân bay thường trú ở biển Đông?



- Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu chế tạo tàu sân bay và trong khả năng của mình, họ sẽ sở hữu đến 5 tàu sân bay vào năm 2020, trong đó 2 tàu sân bay cùng với các tàu hộ tống sẽ tạo thành các hạm đội thường trú ở biển Đông.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ tờ “Tuần báo Hàng không” Mỹ ngày 5/1 cho biết, quân đội Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay đầu tiên của mình và ổn định tính năng của nó trên mọi khía cạnh, cố gắng xây dựng được vai trò ảnh hưởng quân sự mạnh nhất ở khu vực châu Á.

Tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc

Năm 2009, tờ "Asahi Shimbun" của Nhật Bản đã từng có một bài báo tiết lộ về tham vọng chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc. Tờ báo này có được tin tức từ phía quân đội và nhà máy đóng tàu của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc hiện đang chế tạo 2 tàu sân bay lớp 50.000 tấn tại nhà máy đóng tàu đảo Trường Hưng, Thượng Hải, trong đó có kế hoạch hạ thủy một chiếc vào năm 2014.

Đồng thời, tàu sân bay Varyag (58.500 tấn) do Liên Xô sản xuất đang được cải tạo ở cảng Đại Liên và có kế hoạch đưa vào sử dụng từ năm 2012. Đến năm 2020 hoặc không lâu sau đó, trên cơ sở tàu Ulyanovsk 1143.7 được Liên Xô thiết kế (nhưng chưa chế tạo), Trung Quốc sẽ còn chế tạo 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp 60.000 tấn.

"Tuần báo Hàng không" cho biết, điều này có nghĩa là đến năm 2020, Trung Quốc sẽ sở hữu 5 tàu sân bay bao gồm cả tàu Varyag. Công việc cải tạo tàu sân bay Varyag cũng sẽ tạo cơ sở cho chế tạo các tàu sân bay sản xuất trong nước của Trung Quốc trong tương lai.

Bắt đầu từ năm 2005, công việc cải tạo tàu Varyag của Trung Quốc bắt đầu được dư luận quan tâm, đồng thời đã có một số hình ảnh về nó tuyên truyền trên mạng Internet

Tháng 4/2009 tàu "Varyag" đã được kéo vào xưởng đóng tàu số 3 của nhà máy đóng tàu Đại Liên. Từ cuối tháng 4/2009, công việc tập trung vào lắp đặt các thiết bị và sửa chữa thân tàu được liên tục tiến hành. Mãi đến tháng 4/2010, tàu Varyag được kéo ra khỏi xưởng đóng tàu. Gần đây, còn chuẩn bị lắp đặt một hệ thống điện tử hải quân mới

Tàu sân bay Varyag đang được Trung Quốc cải tạo


Năm 2003, Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân - Trung Quốc đã trưng bày mô hình tàu sân bay sản xuất trong nước của Trung Quốc tương tự như Varyag. Mô hình này được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa YJ-63, hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng và hệ thống phòng thủ tầm ngắn 30 mm kiểu 730.
Vào tháng 11, có tin cho biết, quân đội Trung Quốc đang trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn mới nhất FL-3000N cho tàu Varyag; mỗi hệ thống FL-3000N được trang bị 24 quả tên lửa.

Nhìn bề ngoài nó giống với hệ thống tên lửa phòng không RAM-116 do Công ty "Raytheon" Mỹ phát triển. Tên lửa được sử dụng trong hệ thống FL-3000N được nghiên cứu chế tạo trên cơ sở TY-90, tầm phóng lớn nhất là 9 km.

Đồng thời, lực lượng không quân có thể được biên chế cho tàu "Varyag" cũng lần đầu tiên được phát hiện ra manh mối. Trên mạng có tin cho biết, tháng 8/2009 Công ty Máy bay Thẩm Dương đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên của chiếc J-15 đầu tiên.

Tin cho biết, chiếc máy bay này được phỏng chế trên cơ sở T-10K của Su-33. Hiện nay, Công ty Máy bay Thẩm Dương tiếp tục hoàn thiện máy bay J-15 rất có triển vọng này; nó sẽ được trang bị radar mới nhất do Trung Quốc thiết kế, tên lửa không đối không thế hệ thứ năm và tên lửa chống hạm tầm xa YJ-63 có thể phóng từ trên không.

Đồng thời, quân đội Trung Quốc còn đang chế tạo các tàu hộ tống cho hạm đội tàu sân bay của họ. Mùa thu năm 2009, hai nhà máy đóng tàu bắt đầu chế tạo 2 tàu khu trục, nhưng trang bị và các thiết bị của nó vẫn chưa được tiết lộ ra bên ngoài.Được biết, Trung Quốc dự kiến sẽ chế tạo 18 tàu hộ tống phòng không 065A. Hiện nay, đã chế tạo được 2 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử 093.

Đến năm 2015, tàu sân bau Varyag và tàu sân bay “anh chị em” khác sẽ cùng với các tàu hộ tống của chúng tạo thành những hạm đội có thể được bố trí ở căn cứ hải quân Tam Á, đảo Hải Nam.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

>> Gepard-3.9 chuẩn bị vào biên chế chiến đấu của Hải quân Việt Nam


- (VietnamDefence)Sau khi hoàn tất các thử nghiệm toàn diện tại các trường thử ở khu vực Baltyisk, 2 tàu Gepard-3.9 của Hải quân Việt nam sẽ lên đường về địa bàn hoạt động ở Đông Nam Á, ven bờ biển Việt Nam

2 frigate Gepard-3.9 của Hải quân Nhân dân Việt nam do ZPKB thiết kế và Nhà máy A.M Gorky ở Zelenodolsk đóng đang chạy thử nghiệm trên biển Baltic.

Frigate lớp Gepard-3.9 của ZPKB là bước phát triển tiếp theo của lớp tàu tuần tiễu Projekt 11661 vốn đang được đóng cho Hải quân Nga. Bệ mang cơ sở này còn là cơ sở để chế tạo một loạt thiết kế tàu frigate và tàu tuần tra ngoài khơi (OPV), hợp thành họ tàu Gepard.

Gepard-3.9 ở Kronshtadt trước khi ra khơi thử nghiệm

Frigate Gepard-3.9 dùng để tác chiến chống mục tiêu trên biển, trên bờ và trên không, trong đó có các mục tiêu bay thấp.

Thời bình, đây là phương tiện hữu hiệu bảo vệ biên giới trên biển và vùng đặc quyền kinh tế.

Cuối tháng 8.2010, chiếc Gepard-3.9 thứ hai đóng cho Hải quân Việt Nam rời Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky lên đuờng tới biển Baltic.

Hai tàu Gepard đang thử nghiệm toàn diện tại đây.

Kết cấu của Gepard được thiết kế theo công nghệ Stealth, bảo đảm độ bộc lộ thấp.

Các tàu chiến Gepard-3.9 có lượng giãn nước gần 2.100 tấn, chiều dài 102,2 m, chiều rộng 13,1 m, mớn nước 3,8 m.

Hệ thống vũ khí của Gepard-3.9:

Vũ khí tiến công gồm có:
- 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Uran-E, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly đến 130 km.

- 1 ụ pháo vạn năng 76,2 mm АК-176М với hệ thống điều khiển Laska đã thể hiện hiệu quả cao khi bắn các mục tiêu mặt nước, trên không và trên bờ.

Vũ khí phòng không tầm gần:
- 1 hệ thống pháo phòng không Palma và 2 hệ thống pháo phòng không АК-630М.

Vũ khí chống ngầm:
- 2 ống phóng lôi DTA-53 với các ngư lôi chống ngầm.

- Ở đuôi tàu, có 1 sân cất/hạ cánh cho 1 trực thăng Ка-28 hoặc Ка-31.

Hệ thống động lực kết hợp diesel-turbine khí lắp theo sơ đồ CODAG, có tổng công suất 20.000 mã lực, cho phép đạt tốc độ toàn phần 28 hải lý/h khi dùng động cơ turbine khí, và khi dùng các động cơ diesel với tốc độ tiết kiệm 10 hải lý/h có thể hành trình 5.000 hải lý. Thời gian hoạt động độc lập 20 ngày đêm.

Thân tàu gồm 10 khoang không ngấm nước, làm bằng thép hợp kim thấp. Khi ngập 2 khoang liền nhau смежных, tàu vẫn duy trì khả năng nổi, hành trình và khả năng chiến đấu. Các khối thượng tầng làm bằng hợp kim nhôm-magiê bền vững với môi trường biển.

Tàu được trang bị hệ thống điều hòa không khí để duy trì điều kiện công tác thuận lợi trong tất cả các phòng, cabin khi nhiệt độ không khí bên ngoài từ -5 đến +33°С và nhiệt độ nước biển từ +14 đến +25°С.

Tàu có trường radar thứ cấp và trường nhiệt ở mức thấp. Tàu áp dụng những biện pháp giảm mức từ trường và điện từ trường, được trang bị các phương tiện chống cháy và bảo đảm sinh hoạt hiện đại.

Sân cất/hạ cánh và vị trí trú ẩn độc đáo tạo điều kiện triển khai thường xuyên 1 trực thăng trên tàu.

Tàu được trang bị các vũ khí và thiết bị hiện đại nhất của Nga. Vũ khí tiến công chủ yếu của tàu là hệ thống tên lửa chống hạm dưới âm Uran-E với 8 tên lửa Kh-35E bố trí trên 2 bệ phóng x 4 ống phóng.

Ở mũi tàu lắp 1 pháo tự động vạn năng АК-176М. Bảo đảm phòng không cho tàu là 1 hệ thống pháo phòng không Palma và 2 ụ pháo cao tốc 6 nòng 30 mm АК-630М.

Hai Con Báo trước khi ra khơi

Khi Gepard-3.9 tại triển lãm Euronaval 2010, Tổng giám đốc ZPKB Leonid Sharapov nhấn mạnh cách bố trí trực thăng độc đáo trên tàu. Ngoài sân cất/hạ cánh, trên tàu còn có nơi trú ẩn cho trực thăng.

Tên lửa phòng không có điều khiển Umkhonto (bên trái) - một phương án trang bị cho Gepard-3.9.

Trực thăng được đẩy và khoảng trống giữa các vách ở phần đuôi phần thượng tầng và khi cần có thể che chắn bằng vải bạt. Nghĩa là không cần phải có 1 hăng-ga cồng kềnh.

Trang bị điện tử trên tàu rất đa dạng, gồm hệ thống thông tin-điều khiển Sigma-E, radar 3 tọa độ phát hiện mục tiêu và dẫn vũ khí Pozitiv-ME1, radar đạo hàng Gorizont-25E, trạm thủy âm MGK-335ЕМ-03 và các hệ thống, tổ hợp khác.

Tàu có khả năng tàng hình tốt nhờ có dáng thấp, thiết kế các phần thượng tầng và thân tàu gọn gàng theo yêu cầu của công nghệ Stealth.

Gepard-3.9 là bệ mang linh hoạt. Ví dụ, thay cho 2 pháo tự động АК-630М, tàu có thể lắp 1 hệ thống pháo phòng không Palma hay 1 hệ thống pháo-tên lửa phòng không Palma với các tên lửa phòng không Sosna-R.

Viện thiết kế ZPKB đã nghiên cứu thử phương án tàu trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1 với các tên lửa bố trí trong các bệ phóng thẳng đứng.

Ngoài ra, còn có biến thể Gepard-3.9 trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-NKE/Club-N (tên lửa cũng bố trí trong các bệ phóng thẳng đứng) và trang bị điện tử của hãng Thales (Pháp).

Tàu cũng có thể trang bị các vũ khí tấn công và phòng thủ của nước ngoài. Ví dụ, để phòng không tầm gần và chống tên lửa cho Gepard-3.9, hãng Denel Dynamics (Nam Phi) đang mời chào tên lửa phòng không Umkhonto (Chiếc lao) dẫn bằng hồng ngoại hay radar, có tầm bắn đến 12 km.

Các tên lửa này có trong trang bị của Hải quân Nam Phi và Phần Lan và đã thể hiện tính năng chiến đấu rất cao.

Hải quân Thụy Điển chuẩn bị mua tên lửa Umkhonto để trang bị cho các tàu corvette tàng hình lớp Visby.

Theo yêu cầu của khách hàng, vũ khí chống ngầm của tàu cũng có thể được tăng cường. Biến thể Gepard-5.3 cho phép bố trí 1 trực thăng trong hăng-ga cố định.

Tính vạn năng và đa phương án trang bị vũ khí thu hút sự chú ý của khách hàng nước ngoài đối với họ tàu chiến Gepard.

Tại Euronaval 2010, Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky Renat Mistakhov cho biết, họ đang đàm phán tích cực với các khách hàng tiềm năng và chắc chắn sẽ thành công.

Sau khi được thử nghiệm toàn diện tại các trường thử ở khu vực Baltyisk, 2 Con Báo đầu tiên sẽ khởi hành về địa bàn hoạt động tại Đông Nam Á, ven bờ biển Việt Nam.

Biến thể Gepard-3.9 trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-NKE và thiết bị điện tử của hãng Thales (Pháp)

>> Đại chiến Mỹ-Trung 2015: Một kịch bản


- (VietnamDefence) Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm đánh chiếm Đài Loan sẽ khơi ngòi cho cuộc đối đầu với Hải quân và Không quân Mỹ. Mỹ đã chuẩn bị để đối phó với mối đe dọa đang gia tăng này chưa?
Tên lửa đường đạn cơ động DF-21D có thể nhằm bắn các tàu sân bay Mỹ, trong khi Mỹ không có phương tiện phòng thủ tin cậy chống lại nó.


Ngày 9.8.2015: 4 giờ 00
Cuộc chiến giành Đài Loan mở màn lúc sáng sớm. Không hề có các cuộc pháo kích của hải quân hay các làn sóng máy bay ném bom: Đó là cách mà các cuộc chiến ở Thái Bình Dương được tiến hành 70 năm trước. Thay vào đó, 1.200 tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn bay lên từ các xe hạng nặng trên đại lục Trung Quốc.

Mạng lưới phòng không khiêm tốn của Đài Loan - đó là các tên lửa đánh chặn I-Hawk và Patriot được triển khai tản mạn - khai hỏa bắn vào vào mấy chục đầu đạn đang lao đến. Đó là một hành động vô ích.

Cuộc tập kích ồ ạt áp đảo các lực lượng phòng không khi hàng trăm đầu đạn tên lửa làm nổ tung các căn cứ quân sự và sân bay. Không quân Đài Loan bị ghìm chặt dưới đất, và nếu Trung Quốc duy trì được ưu thế trên không trên eo biển Đài Loan, họ có thể phát động một cuộc tấn công. Binh sĩ Đài Loan được động viên tập trung tại Đài Bắc và chiếm lĩnh các vị trí trên các bãi biển đối diện Trung Quốc, chỉ cách 100 hải lý về phía Tây. Song họ biết điều thế giới biết: Đây không còn là cuộc chiến đấu của Đài Loan. Đó là trận đánh giữa một siêu cường già cỗi và một siêu cường mới.

Kể từ năm 1949, khi các lực lượng quốc dân đảng thoái lui ra Đài Loan sau chiến thắng của quân đội cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Hoa, Bắc Kinh đã coi hòn đảo này là một tỉnh phản loạn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lúc này, năm 2015, chỉ có Mỹ có thể mang lại cho Đài Loan sự bảo vệ trước các máy bay chiến đấu và hạm đội tấn côngcủa Trung Quốc.
Tàu sân bay ở gần nhất là USS Nimitz, tàu này vừa rời cảng Yokosuka trên vịnh Tokyo, Nhật Bản khi các quả tên lửa rơi xuống Đài Loan. Mặc dù Bắc Kinh đã hứa tấn công bất kỳ kẻ nào can thiệp vào “chiến dịnh an ninh nội địa” này, Tổng thống Mỹ vẫn hạ lệnh cho tàu Nimitz và lực lượng hộ tống tiến đến eo biển Đài Loan. Cụm tàu sân bay chiến đấu Nimitz cần ít nhất 2 ngày để tàu sân bay đến được eo biển, cách 1.300 hải lý về phía Tây Nam. Cụm tàu sân bay khác ở gần nhất là ở Trân Châu cảng, cách đó 6 ngày đường.
Cho đến khi tàu Nimitz đến được, nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo phải do căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản, cách Đài Loan 400 hải lý về phía Đông Bắc.

Lúc 5 giờ 15, các phi công Không quân Mỹ cất cánh trên 40 máy bay tiêm kích F-15E để tiến hành tuần tra chiến đấu bên trên đảo Đài Loan. Một nửa số máy bay đó đã ở trên không khi căn cứ Kadena bị tấn công. Trước hết, những thông điệp hỏng hóc bắt đầu xuất hiện trên các màn hình máy tính. Các hệ thống phòng không hiện đại chia sẻ thông tin từ các sensor (phương tiện phát hiện) và dữ liệu mục tiêu để phối hợp hiệp đồng tốt hơn, nhưng kết nối này sắp trở nên khó khăn. Một đội quân hacker hoạt động trên khắp Trung Quốc đang công phá các mạng máy tính của căn cứ làm tê liệt các đường kết nối với các các màn hình số của các trắc thủ radar đang chập chờn và nhiễu loạn bằng các dữ liệu giả và mâu thuẫn.
Tiếp đó, các vệ tinh báo động sớm phát hiện luồng phụt hồng ngoại của 25 tên lửa đường đạn phóng từ Hoa lục. 5 quả nổ tung trên quỹ đạo xé nhỏ các vệ tinh thông tin và chụp ảnh của Mỹ. Tuy cả Mỹ và Trung Quốc đã bắn rơi các vệ tinh trong các cuộc thử nghiệm, song đây là lần đầu tiên bùng nổ chiến tranh nóng trong vũ trụ và nó làm mù một phần các lực lượng Mỹ.
20 quả tên lửa còn lại quay về khí quyển bên trên đảo Okinawa. Các đại đội tên lửa Patriot của căn cứ Kadena khai hỏa phóng tên lửa chặn đánh, nhưng chúng đã mất kết nối mạng và hoạt động hỗn loạn - 10 quả tên lửa Trung Quốc đã bị bắn trúng bởi nhiều tên lửa đánh chặn, nhưng một số lượng tên lửa Trung Quốc như thế đã lọt qua màn chắn phòng thủ và tấn công Kadena.

Một số đầu đạn dẫn bằng GPS có chứa các bom con cày nát 2 đường băng của căn cứ. Các đầu đạn khác nổ tung bên trên căn cắt, tàn phá các doanh trại, các anten radar và các hăng-ga. Kadena chưa bị hủy diệt, nhưng cho đến khi các đường băng được khôi phục, nó vẫn đứng ngoài cuộc chiến. Các máy bay F-15 trên đường bay đến Đài Loan phải quay về Guam, cách đó 1.300 hải lý về phía Đông Nam - chúng có đủ tầm bay đến bay đến căn cứ ở đó, song chỉ có Kadena là đủ gần để tiến hành các phi vụ tuần tra chiến đấu hiệu quả.

Các máy bay tàng hình F-22 đóng tại căn cứ không quân Hickam, Hawaii, lúc nay cũng không thể hạ cánh xuống các đường băn bị cày nát của căn cứ để chi viện cho các máy bay F-15. Trong khi lực lượng của căn cứ Kadena bị loại khỏi vòng chiến, tàu sân bay Nimitz và đội tàu hộ tống gồm 8 tàu, trong đó có các tàu khu trục tên lửa Aegis và 2 tàu ngầm đang hết tốc lực lao đến một kẻ thù sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm và kho tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất, trên không và trên biển lớn nhất thế giới.

Khoảng 8 giờ sau cuộc tập kích ồ ạt Đài Loan, tiếng còi điện bắt đầu vâng lên ầm ĩ trên boong tàu Nimitz và các tàu hộ tống của nó. Trên trời xuất hiện nhiều tên lửa hơn nữa, lần này lao thẳng đến cụm tàu sân bay. Eo biển Đài Loan vẫn còn cách đó hơn 1.000 hải lý, nhưng chiến tranh đã đến với tàu Nimitz. Bay sát mặt biển Thái Bình Dương là 4 tên lửa siêu âm bay nhanh hơn tiếng gầm rú của chính chúng.
Những cơ hội để một cuộc chiến Trung-Mỹ không xảy ra vào năm 2015 hoặc bất kỳ thời điểm nào khác

Trong những hoàn cảnh bình thường, một cuộc chiến giành Đài Loan đơn thuần là quá đắt đỏ để cả hai bên phát động, nhất là khi có cả nguy cơ leo thang hạt nhân. Nhưng hoàn cảnh thì không phải lúc nào cũng bình thường.
“Tôi thường bị chỉ trích vì nói điều đó, song tôi nghĩ Bắc Kinh có khả năng hành động một cách bất hợp lý khi có liên quan đến Đài Loan”, Chuẩn đô đốc (về hưu) Eric McVadon, người từng là tùy viên hải quân ở Bắc Kinh và hiện là cố vấn cao cấp về nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Viện Phân tích chính sách đối ngoại (Institute for Foreign Policy Analysis) ở Cambridge, Massachusetts, cho biết. “Họ bị ám ảnh bởi Đài Loan. Trong một ngày nào đó, hoàn toàn có thể để người ta đứng quanh một cái bàn trong bộ chính trị ở Bắc Kinh, và ai đó làm cho quả bóng lăn. Và khi nó dừng lại, chúng ta đã có mặt trong một cuộc chiến”.
Yếu tố quyết định có thể là bất cứ điều gì, từ sự bất ổn ở các tỉnh nông thôn ngày càng bất trị của Trung Quốc cho đến chủ nghĩa dân tộc Đài Loan hung hăng và to tiếng. Tuy vậy, giống như nhiều trò chơi chiến tranh của Lầu Năm góc, cuộc xung đột tưởng tượng này không liên quan đến các hành động chính trị tiềm tàng mà thay vào đó là liên quan đến việc đánh giá các khả năng quân sự của Trung Quốc. Kịch bản dựa trên các phân tích bởi các tổ chức nghiên cứu dân sự, trong đó có RAND Corp., các sách trắng quốc phòng và các cuộc phỏng vấn các quan chức cao cấp Lầu Năm góc.
Nguy cơ của một cuộc chiến có thể còn xa xôi, song chiến lược của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận các chiến trường gần bờ biển Trung Quốc - và những vũ khí để làm được việc đó - chắn chắn đã có.

Kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh, quân đội Trung Quốc đã chuyển từ việc nghiên cứu học thuật cách thức đánh bại các tàu sân bay Mỹ trên các biển Hoa Đông và Biển Đông sang mua sắm và chế tạo các vũ khí để biến kế hoạch đó thành một hiện thực chiến lược. Đây không phải là việc xây dựng quân đội thời chiến tranh lạnh nhằm phát động hoặc răn đe, ngăn chặn một cuộc chiến hủy diệt cuối cùng. Đó là một lực lượng xây dựng để chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ hạn chế, ví dụ để buộc Mỹ đứng đủ xa để Trung Quốc chiến thắng Đài Loan.
Kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ đã cho phép quân đội nước này nhanh chóng mở rộng kho tên lửa hành trình nhằm vào Đài Loan, và các tên lửa đường đạn nhiều tầng có tầm đủ để tấn công phần lớn châu Á. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng đã mua các tàu ngầm, trong đó có ít nhất 12 tàu ngầm điện-diesel siêu êm mua từ Nga và đang phát triển một đội máy bay chiến đấu lớn.
Nhưng vũ khí mới nguy hiểm nhất của Trung Quốc có thể là tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM),được thiết kế chuyên để tấn công tàu sân bay đang di chuyển.

Mỹ có 11 tàu sân bay. Để giành thắng lợi trong một cuộc xung đột tương lai, Trung Quốc sẽ không phải tiêu diệt tất cả số đó, mà chỉ cần vài chiếc có khả năng xuất hiện để phản ứng với hoạt động chiến sự ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Nimitz không chỉ là một biểu tượng Mỹ. Chính vì thế mà các kẻ thù tiềm tàng của Mỹ như Trung Quốc đang đầu tư vào các loại vũ khí có thể tấn công tàu sân bay và vô hiệu hóa ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
Các quan chức lãnh đạo cao cấp Lầu Năm góc đang trở nên lo lắng hơn về kho vũ khí của Trung Quốc. Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã nói với Quốc hội Mỹ hồi tháng 3.2010 rằng, “Những tiến bộ tiếp tục của quân đội Trung Quốc xác nhận xu hướng làm thay đổi sự cân bằng quân sự xuyên eo biển có lợi cho Bắc Kinh”.

Tháng 6.2010, phát biểu tại Hội châu Á tại Washington, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã nói thêm rằng, ông đã “chuyển từ tò mò đến thực sự lo ngại” về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Một người có khả năng đối mặt người Trung Quốc trong chiến đấu là Đô đốc Patrick Walsh, Tư lệnh đương nhiệm của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, coi việc chuẩn bị là một cách để tránh cuộc chiến đấu trong tương lai.

“Khi chúng ta thấy những tiến triển này, như ASBM, chúng là những tiến triển công nghệ mà chúng ta tôn trọng, song không nên sợ hãi”, ông Walsh nói. “Yếu tố then chốt của bất kỳ chiến lược răn đe nào là làm rõ với những người có khả năng sử dụng những phương tiện công nghệ đó rằng, chúng ta có những phương tiện để chống lại nó và duy trì ưu thế công nghệ”.
Ngay lúc này, dường như người Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang mới. Khi RAND đưa ra báo cáo năm 2000 mô tả hậu quả tiềm tàng của một cuộc xung đột Trung-Mỹ xung quanh Đài Loan, Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến một cách ngon lành.

9 năm sau, tổ chức nghiên cứu này xem xét lại bản phân tích của mình, có tính đến lực lượng không quân được nâng cấp của Bắc Kinh, việc họ đặt trọng tâm vào chiến tranh điều khiển học và khả năng sử dụng tên lửa đường đạn để loại khỏi vòng chiến các vệ tinh của Mỹ.

Kết luận mới của RAND là: Mỹ cuối cùng có thể thất bại trong cuộc chiến tranh không quân và một cuộc xung đột tổng lực có thể sẽ khó khăn hơn và đắt đỏ hơn nhiều người tưởng tượng.
(Sưu tầm VietnamDefence)
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang