Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Chiến Tranh Thế Giới thứ 2

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến Tranh Thế Giới thứ 2. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến Tranh Thế Giới thứ 2. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

>> Tàu sân bay duy nhất của phát xít Đức



Graf Zeppelin do giáo sư W.Hedeler thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin thiết kế là tàu sân bay duy nhất của Đức được hạ thủy trong Chiến tranh thế giới thứ 2.


Graf Zeppelin vốn chưa bao giờ được Hitler sử dụng xung trận, nhưng nó biểu tượng cho sức mạnh của Hải quân Đức lúc bấy giờ.

Thân tàu

Graf Zeppelin được chia thành 19 ngăn kín nước, sự phân chia tiêu chuẩn dành cho mọi tàu chiến chủ lực của Hải quân Đức.

Vỏ giáp của nó có độ dày thay đổi (100mm bên trên các khoang động cơ và hầm đạn phía sau, 60 mm trên hầm đạn phía trước và 30 mm trước mũi, vỏ giáp phía đuôi 80 mm để bảo vệ bánh lái).



Bản thiết kế của Graf Zeppelin


Lớp vỏ giáp ngang có khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng bom và đạn, lớp giáp này có độ dày chung là 20 mm ngoài trừ khu vực chung quanh trục thang nâng và ống khói, nơi độ dày được tăng lên 40 mm nhằm giúp cho các thang nâng có sức mạnh cần thiết và các ống khói mang tính sống còn chống mảnh đạn tốt hơn.

Động cơ

Hệ thống động cơ của Graf Zeppelin bao gồm 16 nồi hơi La Mont áp lực cao, tương tự như kiểu dùng cho lớp tuần dương hạm Admiral Hipper.

Bốn 4 turbine hộp số được nối liền với bốn trục, được hy vọng sẽ sản sinh công suất 150.000 kW và đưa chiếc tàu sân bay đạt được tốc độ tối đa 35 hải lý/h (65 km/h). Với trữ lượng nhiên liệu tối đa 5.000 tấn dầu đốt, tầm hoạt động được tính toán của Graf Zeppelin là 9.600 dặm (15.400 km) ở tốc độ 19 hải lý/h (35 km/h).

Sàn đáp – Hầm chứa máy bay

Sàn đáp của Graf Zeppelin có cấu trúc bằng thép và được lót gỗ, dài 242 m và rộng tối đa 30 m. Sàn đáp được nâng đỡ bởi các trụ chống thép.



Tổng cộng diện tích sàn chứa máy bay được sử dụng là 5.450 m2, đủ để chứa 41 máy bay


Các sàn chứa máy bay trên và dưới của Graf Zeppelin dài và hẹp, bên hông và hai đầu không được bọc giáp.

Các xưởng sữa chữa, khoang chứa và chỗ nghỉ của thủy thủ được bố trí phía ngoài các sàn, một đặc điểm thiết kế tương tự như các tàu sân bay Anh.

Sàn chứa phía trên có kích thước 185m×16 m; trong khi sàn chứa dưới có kích thước 172m ×16 m.

Tổng cộng diện tích sàn chứa máy bay được sử dụng là 5.450 m2, đủ để chứa 41 máy bay: 18 chiếc máy bay ném bom – ngư lôi Fieseler Fi167 trong sàn chứa bên dưới; 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87C và 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T trong sàn chứa bên trên.



Graf Zeppelin được trang bị pháo khác nhau cho nhiệm vụ phòng không và chống tàu nổi.


Vũ khí

Graf Zeppelin được trang bị pháo khác nhau cho nhiệm vụ phòng không và chống tàu nổi.

Vũ khí đối hạm chủ yếu của nó bao gồm 16 khẩu pháo 150mm bố trí trên 8 tháp pháo nòng đôi.Vũ khí phòng không chính bao gồm 12 khẩu pháo 105 mm bố trí trên 6 tháp pháo nòng đôi, ba phía trước và ba phía sau.

Dàn hỏa lực phòng không phụ của Graf Zeppelin bao gồm 11 khẩu đội SK C/30 nòng đôi 37 mm bố trí trên các bệ nhô dọc theo mép sàn đáp: 4 khẩu đội bên mạn phải, sáu bên mạn trái và một ở phần mũi tàu. Thêm vào đó, 7 khẩu súng máy MG C/30 20 mm trên các bệ nòng đơn bố trí hai bên mạn tàu: 4 bên mạn trái và ba bên mạn phải; sau đó được đổi thành các khẩu đội bốn nòng.

Máy bay trên hạm

Nhiệm vụ dự định ban đầu của Graf Zeppelin chủ yếu là trinh sát di động trên biển, nên các máy bay được thiết kế cho nó cũng phản ảnh rõ: 20 máy bay cánh kép Fieseler Fi 167 dùng để tuần tiểu và tấn công bằng ngư lôi, 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T và 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87.

Do ảnh hưởng đường lối tác chiến sử dụng tàu sân bay của Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ (từ vai trò trinh sát thuần túy sang các nhiệm vụ tác chiến tấn công) số máy bay trên hạm của Graf Zeppelin được đổi thành 30 chiếc máy bay tiêm kích Bf 109 và 12 máy bay ném bom bổ nhào Ju 87.

Khám phá

Vào ngày 12/7/2006, chiếc RV St.Barbara, một con tàu của công ty dầu khí Ba Lan Petrobaltic, tìm thấy xác một con tàu đắm dài 265m ở gần cảng Leba (một báo cáo của BBC cho rằng cách 55 km về phía Bắc Wladyslawowo).

Sau khi phát hiện, họ cho rằng rất có thể đó là chiếc Graf Zeppelin. Ngày 26/7/2006, thủy thủ đoàn của tàu thăm dò ORP Arctowski thuộc Hải quân Ban Lan tiến hành khảo sát xác tàu đắm để xác định. Ngay ngày hôm sau, Hải quân Ba Lan chính thức xác nhận đó chính là Graf Zeppelin ở độ sâu 87m.

Năm 2009, một nhóm thợ lặn đã xin được giấy phép của Chính phủ Ba Lan để lặn xuống xác tàu đắm.

[BDV news]


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Bên lề chiến sự Libya: Mỹ và EU có "đồng sàng dị mộng"?



Xuất phát từ một phong trào xã hội mang tính nội sinh, nhưng sau khi quân đội nước ngoài tiến vào, chính biến tại Bắc Phi đã rất nhanh chóng trở thành trò chơi chiến lược giữa các nước lớn. Sự triển khai của tiến trình “ghi điểm tính công” đang đánh dấu việc Mỹ và châu Âu trở thành nhân vật chính trong cuộc chơi này.

Quan hệ Mỹ và châu Âu xưa nay vốn đã phức tạp, cùng với thay đổi của tình hình “ghi điểm”, mối quan hệ này sẽ phát triển theo hướng nào? Dưới đây là bài phân tích của GS. Vương Hồng Cương, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc.

Mỹ và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp có lợi ích chung rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như kiểm soát tài nguyên Bắc Phi, thúc đẩy dân chủ tại khu vực, bảo vệ quyền uy phương Tây… Dự trữ dầu khí tại Libya trong bản đồ năng lượng thế giới có vai trò rất quan trọng, giá trị kinh tế và chiến lược của nguồn tài nguyên này là rất rõ ràng; làn sóng dân chủ khu vực kết thúc trong các cuộc tấn công mạnh mẽ của Gaddafi đối với phe đối lập, Mỹ và châu Âu cũng không thể ngồi yên; hơn nữa, trong tình hình thế giới đều cho rằng chỉnh thể thế giới phương Tây đang suy yếu, tổ chức các quốc gia không thuộc phương Tây đang trỗi dậy, Mỹ và châu Âu cũng vì thế mà cảm thấy vui vẻ gì.

Những lợi ích và suy tính chung này là động lực chính để Mỹ và châu Âu bắt tay “ghi điểm”.




Biếm họa: Mỹ và EU cùng nhau "kiếm ăn" từ cuộc chiến Libya (Ảnh: VOD)


Tuy nhiên, những lợi ích chung này không thể che đậy những bất đồng sâu sắc của hai bên về vấn đề địa chính trị. Bất luận là trong chiến lược địa chính trị của Mỹ hay là của châu Âu, Bắc Phi đều là một mắt xích vô cùng quan trọng; mà lợi ích cơ bản của hai bên tại khu vực này lại là lợi ích mang tính cạnh tranh. Do đó, “mặt trận thống nhất” của hai bên không ổn định.

Trên bản đồ địa chính trị của Mỹ, Bắc Phi là cửa ngõ quan trọng trong việc can thiệp chiến lược vào môi trường phát triển của châu Âu, cũng như quyết định việc tiến vào châu Phi của các nước này. Với tư cách là “lãnh đạo của thế giới”, Mỹ cần cảnh giác với những thách thức tiềm ẩn đến từ tất cả các nước lớn khác đối với vị trí của mình. Tạo dựng môi trường phát triển xung quanh của các nước lớn này là phương án ứng phó địa duyên rất quan trọng.

Vì cảnh giác với việc Nga dựa vào môi trường xung quanh trỗi dậy trở lại, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã trấn áp phạm vi chiến lược xung quanh nước Nga thông qua các biện pháp như mở rộng NATO về phía đông, can thiệp kinh tế, chính trị…

Mỹ lấy chống khủng bố làm lý do đưa quân vào Afghanistan và Pakistan, trên khách quan cũng chia Nam Á thành “Nam Á của Mỹ” và “Nam Á của Ấn Độ”, để Ấn Độ làm “ông lớn” tại Nam Á.

Để ngăn chặn Trung Quốc, Nhật Bản làm suy yếu vị trí thống trị của Mỹ thông qua hợp tác láng giềng và thúc đẩy nhất thể hóa khu vực, Mỹ đã áp dụng hàng loạt các biện pháp chiến lược để sắp đặt bàn cờ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Việc Mỹ kiểm soát toàn diện lâu dài đối với Châu Mỹ Latin vô hình trung cũng phần nào tạo dựng môi trường phát triển xung quanh cho sự trỗi dậy của Brazil.

Đối với cục diện lâu dài tại Trung Đông, Mỹ đã gây áp lực đến ảnh hưởng của các nước khác tại khu vực này.



Đồng thời, tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng một châu Âu đang ngày một nhất thể hóa, hơn nữa không ngừng mở rộng ra xung quanh cũng là đối tượng Mỹ phải cảnh giác, thậm chí là đối tượng Mỹ phải cảnh giác hơn cả. Các nước Bắc Phi như Libya, Tunisia, Ai Cập,… vừa hay là con đường các nước châu Âu “nam hạ” xuống Châu Phi, ý nghĩa của những nước Bắc Phi này đối với chiến lược địa duyên của Mỹ thì không cần nói cũng đã rõ.

Nhìn từ phía châu Âu, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các cường quốc công nghiệp hùng mạnh một thời nhưng đã thất thế như Anh, Pháp, Đức,… cũng đang nỗ lực tìm kiếm con đường trỗi dậy. Sự kiện thành lập EU đã thể hiện mục đích chiến lược trong ý đồ liên kết để lấy lại uy thế của các quốc gia này.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của châu Âu cũng cần dựa vào môi trường xung quanh thuận lợi. Tại phía đông, nhờ dựa vào sức Mỹ thành công, thuận lợi “đông tiến” trong quá trình hợp lực ứng phó với Nga. Tại phía nam, lại thông qua "tiến trình Barcelona" thúc đẩy Chính sách Địa Trung Hải mới, đẩy mạnh toàn diện quan hệ với các nước láng giềng Bắc Phi trong quá trình “nam hạ”. Với châu Âu mà nói, xâm nhập và can thiệp vào Bắc Phi có thể là điểm tựa chiến lược vững chắc để tiến hành trỗi dậy toàn diện. Châu Phi là mảnh đất chưa được khai phá hết, xây dựng Bắc Phi thành “sân sau” của châu Âu có ý nghĩa chiến lược đối với việc khẳng định vị trí của lục địa già trong thế giới đa cực hóa và phục hồi toàn diện về kinh tế - chính trị.

Do đó, dựa vào lợi ích chung hiện nay đối với việc thay đổi chính quyền Libya, Mỹ và châu Âu còn có thể “cùng hội cùng thuyền”; nhưng trong tương lai, một khi tình hình thay đổi, mâu thuẫn giữa 2 bên nhất định gia tăng. Chúng ta có thể mạnh dạn nghĩ rằng, nếu Mỹ quyết định xây dựng Bộ Tư lệnh châu Phi tại Libya thì cục diện địa duyên tại khu vực này sẽ có thay đổi to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Đương nhiên, cạnh tranh tại Libya chỉ là một phần trong quan hệ Mỹ và châu Âu; trong vấn đề ngăn chặn “bên thứ 3” đặt chân vào châu Phi, Mỹ và châu Âu có sự đồng thuận chiến lược sâu sắc hơn. Ngoài ra, nhìn vào mức liên quan lợi ích của các bên ở phạm vi quốc tế và mối tương hỗ ràng buộc truyền thống giữa hai bên, tình trạng dễ xảy ra nhất đối với mối quan hệ 2 bên tại Bắc Phi nhiều khả năng sẽ là cạnh tranh nhưng không xung đột.


[Xinhua news]


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Một số máy bay Tupolev (Tu) nổi tiếng của Nga



[BDV news] Tupolev là Viện thiết kế hàng không quân sự hàng đầu của Nga, đã chế tạo nhiều máy bay ném bom chủ lực còn hoạt động tới nay.

Andrei Tupolev là một trong những nhà thiết kế chế tạo máy bay vĩ đại nhất thế kỷ 20, Viện thiết kế mang tên ông là một trong những hãng chế tạo máy bay quân sự quan trọng nhất của Nga.

Từ những năm đầu thành lập cho đến nay, Tupolev đã cho ra đời hàng trăm mẫu thiết kế, trong đó có những “pháo đài bay” chiến đấu đã và đang phục vụ trong Lực lượng không quân Nga.

Dưới đây là một số máy bay ném bom của Quân đội Nga do Tupolev chế tạo:

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-4


Những đầu năm nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, Tupolev được giao nhiệm vụ thiết kế một máy bay ném bom bốn động cơ Tu-4.

Vào giữa năm 1945, hãng đã đưa ra bản phác thảo mô hình máy bay Tu-4. Khi đó, Tu-4 được chế tạo dựa trên mẫu B-29 của Mỹ (thực tế là sự sao chép phiên bản B-29, Tu-4 còn có tên gọi khác là B-4).

Tuy nhiên, để sao chép được B-29 phải có một công nghệ và thiết bị tiên tiến. Sau này, các nhà thiết kế của Liên Xô đã phải đi theo con đường của riêng mình và việc chế tạo thành công máy bay Tu-4 đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của hãng Tupolev.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-4 có trọng lượng khoảng 32 tấn, phi hành đoàn gồm 11 người. Máy bay được trang bị 10 khẩu B-20E và NS-23, trọng lượng bom mang theo có thể lên tới 6 tấn, phạm vi hoạt động 5.100 km, vận tốc tối đa đạt 558 km/h với trần bay thực tế khoảng 11km.

Máy bay ném bom tầm trung Tu-16


Vào năm 1954, hãng Tupolev đã tiếp tục chứng minh khả năng phát triển máy bay ném bom của mình bằng việc chế tạo 9 máy bay ném bom tầm trung Tu-16. Đây là loại máy bay có thể mang các loại tên lửa Їvozduh, cho phép tấn công cả mục tiêu cố định và di chuyển. Máy bay được trang bị 2 hai tên lửa hành trình COP-1 và được trang bị hệ thống tên lửa K-10.

Đến năm 1959, Tu-16 tiếp tục được cải tiến bằng việc trang bị một hệ thống radar mới. Biên chế phi hành đoàn gồm 7 người, máy bay có chiều dài 34,8 m, chiều cao 4,10 m.

Trọng lượng của máy bay là 37,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 79 tấn, tốc độ tối đa đạt được 1.050 km/h. Phạm vi hoạt động là 5.925 km, trần bay thực tế 15km. Hiện nay Tu-16 vẫn được sử dụng trong các đơn vị chiến đấu của Không quân Nga

Máy bay ném bom siêu âm tầm trung Tu-22M Backfire


Máy bay Tu-22M Blackfire là loại máy bay ném bom tầm trung của Nga, được phát triển dựa trên phiên bản Tu -22 trước đó.

Những mẫu máy bay đầu tiên được trang bị cho lưc lượng Không quân và Hải quân Nga. Năm 1978, loại máy bay này được chuyển sang cho Lực lượng không quân ném bom hạng nặng 185 tại Poltava và cùng tham gia nhiệm vụ tại Afghanistan.




Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M.

Tu-22M Backfire vẫn được cho là máy bay ném bom quan trọng nhất trong lực lượng Không quân tầm xa của Nga, máy bay được trang bị động cơ mạnh hơn và được lắp đặt thêm nhiều loại vũ khí, phi hành đoàn gồm 4 người.

Tu-22M Blackfire có chiều dài 39,6 m, chiều cao 10,8 m, trọng lượng máy bay là 54 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 130 tấn. Máy bay được trang bị hai động cơ Samara NK-25, vận tốc tối đa có thể lên tới 2.000 km/h, phạm vi hoạt động là 1.850km.

Tu-22M Blackfire được trang bị một pháo 23mm và tên lửa Kh-22 (AS-4 Kitchen), thêm vào đó là 6 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Kh-15 (AS-16 kickback), tên lửa chống radar Kh-15P; Kh-31A/P (AS-17 Krypton) và tên lửa Kh-35 (AS-20 Kayak).

Trọng lượng bom Tu-22 M có thể mang lên đến 3 tấn. Hiện, có khoảng 80 chiếc Tu-22 M nằm trong biên chế các lực lượng Hải quân trực thuộc Hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương (trong đó chủ yếu là Tu-22M3).

Sắp tới, Tu-22M2 và Tu-22M3 có thể được nâng cấp lên chuẩn Tu-245, với trang bị một radar mới và hệ thống tên lửa mới.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear phục vụ quân đội Liên Xô từ năm 1956, cho đến nay phiên bản này vẫn là máy bay ném bom chủ lực của Không quân Nga. Hiện Nga có kế hoạch trang bị thêm tên lửa hành trình Kh-101 và tên lửa Kh-SD không đối đất trên Tu-95, để tăng cường khả năng tấn công tầm xa có độ chính xác cao.

Phi hành đoàn của Tu-95 gồm 7 người, máy bay có chiều dài 49,13 m. Trọng lượng của máy bay 91,8 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 185 tấn. Tu-95 sử dụng 4 động cơ KKBM (Kuznetsov) NK-12MA, vận tốc độ tối đa lên tới 925 km/h, máy bay có thể bay ở độ cao 12 km, bán kinh hoạt động là 6.400 km, vũ khí trang bị mang theo bao gồm 2 khẩu pháo 23 mm, 6 tên lửa tên lửa hành trình tấn công tầm xa Kh-55 (AS-15 Kent-A) hoặc Kh-55SM (AS-15 Kent-B), tên lửa đối hạm Kh-35(AS-20 Kayak).

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 Blackjack

Tu-160 Blackjack là máy bay ném bom thế hệ tiên tiến nhất của Nga, cũng là máy bay ném bom hạng nặng tiên tiến nhất của Nga, có chuyến bay đầu tiên vào năm 1981. Năm 1987 có 19 chiếc máy bay được chuyển giao Trung đoàn không quân ném bom hạng nặng tại Priluki.

Máy bay được trang bị radar địa hình và radar tấn công. Đầu năm 2001, Nga đã cải tiến Tu-160 bằng việc trang bị thêm tên lửa hành trình.

Tu-160 Blackjack hiện được cho là máy bay ném bom của hạng nặng lớn nhất thế giới. Biên chế phi hành đoàn gồm 4 phi công, máy bay có chiều dài 54,1 m, sải cánh rộng 35,6 mm, chiều cao của Tu-160 là 13,1 m. Trọng lượng máy bay 118 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn.

Máy bay đựoc trang bị 4 động cơ SSPE Trud NK-321, Tu-160 có thể đạt vận tốc độ tối đa 2.220 km/h, trần bay tối đa lên tới 15,5 km. Máy bay được trang bị 12 tên lửa Kh-55 (AS-15 Kent-A) và tên lửa hành trình Kh-55SM (AS-15 Kent-B) .Đặc biệt, Tu-160 còn được trang bị 12 tên lửa Kh-15P (AS-16 kickback).


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

>> Hệ thống phòng thủ xe tăng (kỳ 2)



[BDV news] Sự ra đời của các loại đạn chống tăng áp dụng nguyên lý nổ lõm đã buộc các nhà sản xuất phát triển giáp xe tăng theo hướng mới.

Nửa cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2 đánh dấu một bước ngoặt trong chiến thuật sử dụng xe tăng trên chiến trường. Nếu như trước đó, đối mặt với xe tăng là cơn ác mộng của lính bộ binh vì họ chỉ có lựu đạn hay chai cháy hoặc súng trường diệt tăng. Lựu đạn, chai cháy quá nguy hiểm cho người dùng ở cự ly ngắn, còn súng trường diệt tăng lại vô dụng với các loại xe tăng hạng nặng có giáp dày.

Tuy nhiên, đến nửa cuối chiến tranh thế giới thứ hai, bộ binh đã có trong tay thứ vũ khí cực kỳ hiệu quả: Súng phóng lựu bắn đạn ứng dụng nguyên lý nổ lõm. Từ nửa cuối năm 1942, với sự xuất hiện của các loại súng phóng lựu chống tăng cá nhân như M1A1 Bazooka của Mỹ, sau đó là bản copy M1A1 do Đức sản xuất có tên Panzerschreck và cuối cùng là Panzerfaust - một khẩu súng nặng hơn 6 kg nhưng có uy lực của những khẩu pháo cỡ nòng hàng trăm mm.

Panzerfaust 150, phiên bản cuối cùng được sử dụng trong Thế chiến hai có tầm bắn tới 150 m và có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tới 220 mm - nghĩa là có khả năng khoan thủng giáp trước của những loại tăng hạng nặng tốt nhất khi đó như IS-2 của Liên Xô hay King Tiger của Đức.




Súng phóng lựu Panzerfaust tuy gọn nhẹ nhưng sức mạnh không kém gì pháo chống tăng hạng nặng.


Thế chiến thứ 2 kết thúc, súng phóng lựu chống tăng sử dụng đạn lõm lại càng phổ biến và thành công hơn với khẩu súng được biết đến nhiều nhất là RPG-7, có khả năng xuyên giáp từ 330 mm (đạn PG-7V) đến 500 mm (đạn PG-7VL). Khả năng xuyên giáp không phụ thuộc vào góc chạm hay vận tốc của đạn khiến giáp nghiêng trở lên vô nghĩa. Ngay lập tức, các nhà chế tạo đã nghĩ ra cách đối phó với thứ vũ khí mới này.


RPG-7, vũ khí đáng sợ của tất cả các loại tăng thiết giáp trong suốt các cuộc chiến kể từ sau Thế chiến hai.


Giáp lồng thép - giải pháp tình thế và rẻ tiền
Hàng trăm năm trước, khi ngư lôi mới được phát minh, các tàu chiến đã có một giải pháp khá hữu hiệu để chống lại loại vũ khí này là chăng lưới chung quanh tàu. Tương tự, do đạn nổ lõm thường hoạt động theo nguyên tắc chạm nổ, một lớp giáp bằng lưới thép gắn trên xe có thể ngăn đạn không phát nổ.

Trong cuộc chiến tại Việt Nam, đế quốc Mỹ cũng đã sử dụng rất nhiều lưới thép dạng này để ngăn chặn đạn RPG-2 (B-40) của quân giải phóng, đến mức sau này loại lưới này được gọi bằng cái tên “lưới B-40”.


Giáp lồng thép được sử dụng sớm nhất trên xe tăng Panzer của Đức.



Giáp lồng thép kiểu mới được sử dụng trên xe bọc thép M-113 của Mỹ.


Giáp lồng thép có giá thành rẻ, khối lượng nhẹ nên được sử dụng rất rộng rãi trong những năm 1960 - 1970, trên chiến trường Việt Nam và Trung Đông. Sau này, các loại đạn của súng chống tăng cá nhân như RPG-7 có cơ chế tự hủy (phát nổ sau thời gian quy định), nhưng giáp lồng thép vẫn có tác dụng làm giảm đáng kể tác động của luồng xuyên có áp suất và nhiệt độ cực cao do đạn nổ lõm lên giáp chính của xe.

Tuy nhiên, khoác thêm một lớp giáp ngoài như vậy, khiến xe tăng trở nên cồng kềnh, không linh hoạt. Hiện nay, giáp lồng thép được dùng chủ yếu để bảo vệ xe thiết giáp và các loại xe công trình quân sự.


Giáp lồng thép hiện đại được sử dụng trên xe bọc thép Stryker của Mỹ...



...và cả trên BTR-80 của Nga.


Giáp composite
Trong tự nhiên, vật liệu có độ cứng cao thì thường dòn, không chịu nén, kéo; ngược lại, những vật liệu dẻo, chịu biến dạng tốt lại thường không có độ cứng cao. Vật liệu composite (phức hợp) giải quyết vấn đề này bằng cách kết hợp các vật liệu có tính chất khác nhau lại với nhau để tận dụng ưu điểm của chúng.

Trong dân dụng, ta có thể thấy nhiều ví dụ về ứng dụng vật liệu composite như bê tông cốt thép, phíp (được làm bằng sợi thủy tinh và chất dẻo)... Trong quân sự, giáp composite cũng được chế tạo với nguyên lý tương tự.


Mẫu giáp composite làm từ gốm, plastic, sợi thủy tinh.. sau khi được đem đi thử khả năng chống đạn.


Giáp composite dùng cho xe tăng thường được chế tạo từ các lớp kim loại kết hợp với vật liệu cứng như gốm, thủy tinh cường lực. Khi luồng xuyên của đạn nổ lõm xuyên qua lớp kim loại phía ngoài, lớp gốm sẽ vỡ vụn ra và phân tán luồng xuyên này, giảm đáng kể khả năng xuyên của nó với lớp tiếp theo.

Lớp vật liệu có độ cứng cao này còn có khả năng bẻ gẫy thanh xuyên bằng kim loại cứng của các loại đạn xuyên.


Một chiếc xe tăng Merkava-Mk4 của Israel trúng đạn để lộ các lớp giáp composite.


Những loại giáp composite thế hệ mới ứng dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau để tăng khả năng chống chọi của chúng. Những vật liệu này có thể kể đến silic cacbua, bo cacbua, nhôm ôxit đơn tinh thể (có cấu tạo và tính chất như saphia tự nhiên) cho đến kim cương nhân tạo, uranium nghèo.

Loại giáp composite rất nổi tiếng phải kể đến là giáp Chobham, được phát triển từ phòng thí nghiệm Chobham (Anh) đã được ứng dụng trên nhiều loại xe tăng như Challenger hay nổi tiếng hơn cả là M1 Abram của Mỹ. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, loại giáp này đã chứng tỏ tính năng tin cậy khi giảm thiểu thương vong của lực lượng thiết giáp liên quân đi rất nhiều.


Sơ đồ mô phỏng khả năng chống đạn của giáp composite


Mặc dù vậy, giáp composite có giá thành cao, làm tăng khối lượng chiến xa (nhất là giáp composite có chứa thành phần uranium nghèo). Những loại xe tăng sử dụng giáp này như Challenger-II nặng đến 62,5 tấn; M1 Abram nặng 67,6 tấn.

Giáp phản ứng nổ
Vào những năm 1960, sau khi phương Tây phát triển giáp Chobham, người Nga cũng có những nghiên cứu riêng của mình về các loại giáp composite. Tuy nhiên, chi phí đắt và hiệu quả thu nhận được không như mong đợi của loại giáp này khi áp dụng trên xe tăng T-64 khiến Liên Xô đã chuyển sang một hướng mới: giáp phản ứng nổ.

Tuy nhiên, nghiên cứu về giáp phản ứng nổ của Liên Xô chỉ phát triển vào những năm 1970. Năm 1978, sau khi có những nghiên cứu thành công đầu tiên về giáp phản ứng nổ, Israel đã học người Nga sản xuất loại giáp phản ứng nổ có tên là Blazer và sử dụng cho các loại xe tăng Magach và Shot của mình.


Giáp phản ứng nổ thế hệ đầu tiên Blazer trang bị trên xe tăng Magach của Israel.


Năm 1982, trong cuộc tấn công vào Li băng, giáp phản ứng nổ Blazer của Israel đã phát huy tác dụng kinh ngạc, điều này cổ vũ cho các nhà khoa học quân sự Liên Xô tập trung nghiên cứu hơn nữa.

Năm 1983, Liên Xô bắt đầu lắp đặt loại giáp phản ứng nổ có tên Kontakt-EDZ cho xe tăng T-80. Cho đến năm 1985, tất cả các xe tăng hiện đại của Liên Xô đã được lắp đặt giáp phản ứng nổ. Họ cũng tiến hành lắp đặt loại giáp này cho các loại xe tăng cũ hơn như T-55, T-64 và T-72.


Mô phỏng đơn giản nguyên lý của giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ đầu.


Những loại giáp phản ứng nổ thế hệ đầu này đơn thuần là một khối thuốc nổ được kẹp giữa hai lớp thép mỏng theo kiểu “bánh sandwich”. Khi bị luồng xuyên của đạn nổ lõm tác động, khối thuốc nổ sẽ phát nổ; sức nổ và các mảnh vụn sẽ làm yếu luồng xuyên của đạn một cách đáng kể.

Khối lượng, hình dạng khối thuốc nổ cũng như độ dày các tấm thép phía trước và phía sau đều được tính toán một cách tỉ mỉ và chi tiết để khối giáp phát huy được hiệu quả cao và tiết kiệm nhất. Sau đó, lần lượt Pháp, Mỹ cũng như các nước phương Tây khác đều phát triển được loại giáp nổ của riêng mình.

Thế hệ giáp phản ứng nổ đời đầu này cung cấp thêm cho xe tăng một lớp bảo vệ đáng kể, tương đương lớp thép cán dày 350 - 400 mm. Tuy nhiên, nhược điểm chí mạng của loại giáp này là dễ bị phá hủy bởi các loại vũ khí nhẹ như súng bộ binh, lựu đạn hay đạn trái phá. Khi đó, lớp giáp sẽ nhanh chóng bị “thổi bay” và xe tăng chỉ còn lớp giáp chính để chống chọi với hỏa chống tăng.

Thứ hai, giáp phản ứng nổ hầu như không thể sử dụng cho các xe tăng tác chiến trong môi trường đô thị vì sức nổ của nó dễ dàng giết chết toàn bộ lính bộ binh tùng thiết xung quanh.

Thứ ba, loại giáp nổ thế hệ đầu này không cung cấp thêm sự bảo vệ đáng kể nào trước các loại đạn thanh xuyên (APFSDS). Chính vì những điểm bất lợi này, các loại giáp phản ứng nổ thế hệ mới đã nhanh chóng ra đời.


Giáp phản ứng nổ Kontakt-5 trang bị trên xe tăng T-90 của quân đội Nga.



Mô phỏng đơn giản nguyên lý khi bẻ gãy thanh xuyên của giáp phản ứng nổ thế hệ hai.


Năm 1985, giáp phản ứng nổ thế hệ hai đầu tiên do Liên Xô phát triển có tên là Kontakt-5 đã lần đầu xuất hiện trên xe tăng T-80U. Được giới quân sự phương Tây gọi tên giáp phản ứng nổ “hạng nặng”. Kontakt-5 không những bảo vệ xe tăng trước đạn nổ lõm tương đương 600 mm thép cán mà nó còn có khả năng chống lại cả đạn thanh xuyên tương đương 300 mm thép.

Kontak-5 có cấu tạo phức tạp hơn nhiều lần so với giáp phản ứng nổ thế hệ trước đó, chứa nhiều mô đun nổ định hướng cùng các tấm kim loại có khả năng di chuyển theo phương ngang khi giáp hoạt động, có khả năng cắt đứt hoặc bẻ gẫy thanh xuyên của các loại đạn thanh xuyên của phương Tây.

Trong các thí nghiệm do phòng thí nghiệm Bunderswehr (Đức) hợp tác với quân đội Mỹ tiến hành, xe tăng T-72 trang bị Kontak-5 hoàn toàn “miễn dịch” trước loại đạn thanh xuyên M829 APFSDS của Mỹ. Tương tự, trong một thí nghiệm của Nga mới đây, xe tăng T-90 khi trang bị giáp Kontakt-5 cũng có khả năng chống chọi lại với cả các loại tên lửa chống tăng hiện đại như AT-14 Kornet.


Ảnh chụp X-Quang cho thấy thanh xuyên bị bẻ gẫy khi Kontakt-5 hoạt động.


Trước những mối đe dọa mới như loại đạn mới M829A3 mà người Mỹ công bố có khả năng “đánh bại Kontakt-5”, Nga đã phát triển loại giáp phản ứng nổ thế hệ mới (thế hệ thứ ba) với tên Kaktus (hoặc Relikt). Nguyên lý hoạt động của loại giáp phản ứng nổ này hiện vẫn được giữ bí mật, nhưng các chuyên gia Nga công bố loại giáp mới cung cấp sức bảo vệ gấp hai lần loại Kontak-5.

Hiện tại, chỉ duy nhất xe tăng T-80-UM2 của Nga được trang bị loại giáp này. Giáp trước của T-80UM-2 được dự đoán có độ dày tương đương 1.160 mm thép cán khi chống lại đạn thanh xuyên (KE) và 1.710 mm chống lại đạn nổ lõm (HEAT). Khi được trang bị loại giáp này, T-80MU2 được đánh giá an toàn hơn cả các loại xe tăng hiện thời như T-90 (830 mm/ 1.350 mm), M1 Abram (960 mm/ 1.620 mm) hay ZTZ - 99 (800/ 1.050 mm).


Giáp phản ứng nổ thế hệ 3 - Kaktus trên xe tăng T-80UM2



Lớp giáp composite dày và hiện đại cũng không cứu nổi chiêc M1 Abrams này khỏi bị bắn cháy.


Cuối cùng, ngay cả giáp phản ứng nổ hay giáp composite cũng không phải là cứu cánh toàn diện cho xe tăng. Chúng chỉ có thể bảo vệ xe tăng trước một vài loạt đạn nhất định; khi xe tăng bị tấn công bởi nhiều phát bắn, những lớp giáp này cũng trở nên vô dụng.

Hơn nữa, các loại đạn chống tăng loại mới như đạn thanh xuyên có lõi làm bằng uranium nghèo; đầu đạn nổ kiểu TANDEM hay tên lửa chống tăng có khả năng tấn công từ trên nóc hay vào các vị trí giáp yếu khác vẫn có thể đánh bại những lớp bảo vệ này hoặc “đi vòng” qua nó. Liệu xe tăng đã trở thành vô dụng trên chiến trường khi việc phát triển giáp bảo vệ đã gần tới “giới hạn”?.


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

>> Hệ thống phòng thủ xe tăng (kỳ 1)



[BDV news]  Xe tăng là mũi nhọn tấn công chính của lục quân trên chiến trường, do đó, người ta luôn phát triển các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhất để chống lại nó. Để có khả năng tồn tại, hệ thống bảo vệ của xe tăng cũng phải phát triển theo với một tốc độ không kém.

Với khả năng chống chịu hỏa lực đặc biệt trên chiến trường, xe tăng vẫn là phương tiện lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ đột kích trên chiến trường. Để đảm bảo được vị trí này, hệ thống bảo vệ của xe tăng đã trải qua quãng đường phát triển rất dài.

Giáp dày và dày hơn nữa
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến thuật chiến hào còn chiếm ưu thế, các loại pháo trên chiến trường còn kém chính xác, vũ khí chính trên chiến trường chủ yếu là các loại súng liên thanh, súng trường, lựu đạn cùng phương tiện đột kích chính là kỵ binh, ưu thế tuyệt đối thường thuộc về những quân đội phòng thủ. Yếu tố quyết định sự thành bại trên chiến trường thường không phụ thuộc vào những trận đánh lớn mà chủ yếu phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế và sức chịu đựng của xã hội nước tham chiến.

Trong thời điểm này, sự xuất hiện của xe tăng đã làm thay đổi tất cả. Hai loại xe tăng trên chiến trường đầu tiên, Little Willie và Big Willie do Anh phát triển và sản xuất đã thực sự trở thành nỗi sợ hãi của các đơn vị phòng thủ của quân đội Đức lúc đó.

Trong trận chiến sông Somme, mặc dù chỉ có 18 chiếc xe tăng Anh tham gia tấn công (31 trong tổng số 49 chiếc được chuẩn bị đã gặp phải nhiều vấn đề trục trặc kỹ thuật khác nhau và không thể ra trận) đã tiến được 5 km trong một ngày với số thương vong giảm 20 lần.

Những chiếc Willie của Anh, mặc dù chỉ được trang bị vỏ giáp trước dày 10 mm, giáp sườn dày từ 6-8 mm (còn thua xa cả loại xe trinh sát bọc thép hạng nhẹ BRDM-1/2 sau này), nhưng loại xe tăng này đã gần như “miễn dịch” hoàn toàn với các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ được sử dụng chủ yếu khi đó.



Xe tăng đầu tiên của thế giới - Little Willie - do Anh chế tạo với lớp giáp làm bằng thép cán và ghép với nhau bằng đinh tán


Không chỉ mỏng, kỹ thuật gia công giáp xe tăng thời kỳ này còn rất thô sơ. Những tấm giáp này được làm đơn thuần bằng thép cán (RHA - Rolled homogeneous armor) và cũng vì độ dày hạn chế, chúng được ghép với nhau bằng đinh tán.

Đến trước chiến tranh thế giới thứ hai, để chế áp xe tăng, vũ khí thường được dùng là các loại pháo bắn đạn xuyên, làm bằng các loại hợp kim thép cứng, có sơ tốc đầu đạn cao.

Do hạn chế về chất lượng thuốc phóng do công nghệ hiện thời, pháo chống tăng trước thế chiến thứ hai thường có cỡ nòng nhỏ hơn 50 mm như Pak-36 của Đức, M3 của Hoa Kỳ, M-1930 của Liên Xô (cỡ nòng 37 mm); Hotchkiss của Pháp (cỡ nòng 25 mm) hay Ordnance QF-2 pounder của Anh (cỡ nòng 40 mm). Để đối phó với những loại đạn chống tăng này, các nhà sản xuất chỉ cần cần gia tăng độ dày của giáp.


Với lớp giáp mỏng, vũ khí chống tăng chuyên dụng đầu tiên chỉ là súng trường cỡ nòng lớn. Trong ảnh là khẩu M1918 T-Gewehr cỡ nòng 13 mm được quân đội Đức sử dụng trong Thế chiến thứ nhất


Trong suốt thời kỳ lịch sử này, cuộc đua chỉ diễn ra giữa độ dày giáp thép xe tăng và cỡ nòng của súng chống tăng. Tuy nhiên, cho đến khi độ dày giáp thép đã chạm đến ngưỡng không thể tăng thêm do ảnh hưởng đến kích cỡ, khối lượng và không gian vận hành của tổ lái, nhà sản xuất buộc phải nghĩ đến một giải pháp thay thế khác.

Xoay nghiêng lớp giáp
Chiến tranh thế giới thứ hai là thời điểm nhảy vọt, phát triển vượt bậc của các loại súng chống tăng cỡ nòng lớn. Kể từ khi người Đức phát minh ra súng chống tăng Pak-38 với cỡ nòng 50 mm; các loại xe tăng giáp đứng như T-28 của Liên Xô, M2, M3 Stuart của Hoa Kỳ hay A9 (cruiser tank mk-1) của Anh ... đã gần như vô dụng trên chiến trường. Ngay cả loại tăng hạng nặng giáp đứng như T-35 của Liên Xô cũng nhanh chóng bị loại bỏ.


Pháo Flak-88 mm, tử thần của các loại xe tăng đồng minh trong Thế chiến hai


Điều này buộc các nhà sản xuất xe tăng nghĩ đến một phương pháp hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đến khối lượng, tính cơ động của xe tăng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho xe trên chiến trường. Chính vì vậy, giáp kiểu nghiêng ra đời.


Xe tăng giáp đứng sớm vô dụng trên chiến trường, ngay cả loại hạng nặng như T-35 của Liên Xô



Lớp giáp thép dày tới 102 mm của xe tăng Tiger (Đức) vẫn bị đạn pháo chống tăng hạ gục.


Giáp nghiêng mang rất nhiều ưu điểm so với giáp thẳng đứng. Trước hết, giáp nghiêng làm giảm khối lượng thép cần thiết mà vẫn đảm bảo độ dày (tính trên khối lượng) của giáp xe tăng, giúp xe chống lại các loại súng chống tăng cỡ nòng lớn.


Trong hình mô tả vectơ động năng của đạn đã bị phân tán khi gặp giáp nghiêng


Không chỉ thế, giáp thép nghiêng còn có tác dụng đặc biệt chống lại các loại đạn thanh xuyên, vốn được dùng chủ yếu trong Thế chiến 2.

Những loại đạn thanh xuyên có khối lượng riêng không đủ lớn, tốc độ không đủ cao hay đơn thuần bắn từ khoảng cách quá xa có thể bị trượt, nảy hoặc gẫy khi bắn vào giáp nghiêng của xe tăng.


Các hiệu ứng tác động của giáp nghiêng đối với đạn chống tăng dạng thanh xuyên: a - bật lại tức thời, b - trượt đi, c - bật lại khi đã xuyên một phần, d - bật ngược trở lại và e - bẻ gãy thanh xuyên.


Trong Thế chiến thứ hai, xe tăng T-34 của Liên Xô là loại xe tăng chủ lực đầu tiên khai thác thành công ưu điểm của giáp nghiêng và trở thành loại xe tăng cực kỳ hiệu quả trên chiến trường.

Đây cũng là chiếc xe tăng được chương trình Discovery bình chọn là loại xe tăng hiệu quả nhất mọi thời đại, tính đến thời điểm hiện nay.


Xe tăng T-34 là xe tăng đầu tiên khai thác hiệu quả năng lực của giáp nghiêng trên chiến trường.


Trong điều kiện chiến trường, góc chạm của đạn không phải lúc nào cũng theo phương ngang, do đó để tối ưu hóa hiệu quả của giáp nghiêng, nhiều loại xe tăng đã chọn cách thiết kế tháp pháo hình chỏm cầu (vỏ trứng), sớm nhất là IS-3 của Liên Xô, sau đó là một số loại của phương Tây như M60 Patton của Mỹ; Leopard 1A1 của Đức hay Type-74 của Nhật Bản. Sau này, mẫu tháp pháo chỏm cầu trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các thiết kế xe tăng Liên Xô và Nga.


Xe tăng Type-74 Nana-yon của Nhật Bản với thiết kế tháp pháo hình chỏm cầu.



Thiết kế chỏm cầu vẫn được áp dụng với loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay của quân đội Nga - T80-UM2 Black Eagle.


Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, việc phát minh ra đạn chống tăng đầu nổ lõm, có hiệu quả xuyên giáp không phụ thuộc vào tốc độ bay và góc chạm với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại rocket chống tăng cá nhân như Bazooka (Mỹ), Panzerschreck, Panzerfaust (Đức), các nhà thiết kế giáp bảo vệ xe tăng đã nhận ra rằng nếu chỉ có một lớp giáp thép dày, kể cả giáp nghiêng vẫn là chưa đủ, và họ cần phải sáng chế ra phương tiện bảo vệ khác hiệu quả hơn. Điều này khiến lịch sử thiết kế xe tăng bước sang trang tiếp theo.


Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

>> Nhìn lại trận Trân Châu Cảng sau 70 năm (phần 1)



70 năm trước, vào ngày 7/12/1941, Hải quân hoàng gia Nhật Bản đã thực hiện một hành động mà không một vị lãnh đạo phương Tây nào có thể hình dung.

Đó là việc nước này khởi động một cuộc tấn công bất ngờ lên căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii.

Hơn 350 máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã tấn công thành hai đợt lớn, oanh tạc và thả bom và ngư lôi xuống căn cứ. Hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công, Hải quân Mỹ thiệt hại tương đối nặng nề. 188 máy bay bị phá hủy, 2.402 người thiệt mạng và khoảng 1.282 người bị thương.

Ngay sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ đã tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản, chính thức tham gia Chiến Tranh Thế Giới thứ 2, bắt đầu cục diện mới cho cuộc chiến.

Trong dịp kỷ niệm 69 năm, Mỹ đã khánh thành Trung tâm du lịch Trân Châu Cảng với trị giá 56 triệu USD.

Dưới đây là những hình ảnh đáng nhớ về trận chiến:





Hình ảnh chụp từ trên cao về một hàng tàu chiến trước giây phút mở màn cuộc tấn công của Nhật lên Trâu Châu Cảng vào ngày 7/12/1941.


Hình ảnh chiếc máy bay ném bom Val 99 của Hải quân Nhật chuẩn bị cất cánh từ một hàng không mẫu hạm trong buổi sáng lịch sử đó. Con tàu khổng lồ đằng sau là tàu sân bay Soryu.


Ảnh chụp tàu hàng không mẫu hạm Zuikazu của Nhật Bản, khi tướng tá vẫy tao chào chiếc máy bay thả bom Nakạima “Kate” B-5N cất cánh để tham gia đợt tấn công thứ hai.


Máy bay chiến đấu Zero của Nhật Bản, với mã số đuôi là A1-108 cất cánh từ hàng không mẫu hạm Akagi.


Ảnh chụp từ trên không đoàn tàu chiến của Mỹ bên cạnh đảo Ford sau đợt tấn công bằng ngư lôi của Nhật, trước khi chúng tiếp tục hứng chịu đợt dội bom bằng máy bay.


Cảnh chụp bãi đậu máy bay ở căn cứ hải quân của không quân Mỹ trên đảo Ford. Những đám cháy bốc lên từ những con tàu cháy ở phía xa.


Những chiếc tàu chiến “rực cháy” sau trận oanh tạc của Nhật Bản.


Pháo phòng không của Mỹ tạo nên những đốm đen trên bầu trời, phía trên những chiếc tàu đang bốc cháy ở Trân Châu Cảng.


Kho vũ khí của tàu khu trục Shaw (DD 373) phát nổ do sự oanh tạc của máy bay Nhật Bản.


Hai chiếc tàu chiến West Virginia (BB 48) và Tennessee (BB 43) cháy lớn.


Một chiếc máy bay ném bom bổ nhào trong đợt lao xuống cuối cùng do đã bị dính đạn của phòng không của Hải quân Mỹ.


Một chiếc tàu chiến khác bốc khói đen nghi ngút. Binh sĩ hoảng loạn.


Thủy thủ ở căn cứ hải quân của không quân Mỹ tại Kaneohe, Hawaii đang cố gắng cứu hộ thủy phi cơ Catalina đang cháy sau đợt tấn công.


(Boston news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang