Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

>> Chiến lược chèn ép của TQ nhằm thôn tính Biển Đông




Mục tiêu chính của Trung Quốc là nhằm kiểm soát con đường hàng hải quốc tế, đi từ Trung cận đông qua eo biển Malacca, đi qua Biển Đông, dọc theo Trường Sa, tiếp đến là qua Hoàng Sa.

Con đường biển này ngày càng trở nên có tính sống còn với Trung Quốc. Nhưng nó cũng có tính chất sống còn với Mỹ, Nhật và các nước trong vùng. Một sự hợp tác an ninh hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật và ASEAN sẽ là lý tưởng cho sự ổn định và phồn thịnh của khu vực. Nhưng việc biến vùng biển quốc tế đó thành lãnh hải thuộc địa phận Trung Quốc, lại là một bảo đảm an ninh hơn cho Trung Quốc, với cái giá là chủ quyền của các nước nhỏ hơn trong khu vực bị xâm hại.

Nói khác đi, chúng ta đang chứng kiến một tiến trình mà Trung Quốc đang tìm cách chèn ép các nước nhỏ để vẽ lại bản đồ khu vực. Sự chèn ép, hay tranh chấp song phương về chủ quyền biển đảo, quyền khai thác dầu và đánh bắt cá, chỉ là bước đi ban đầu, được lồng trong một tranh chấp lớn hơn về quyền kiểm soát đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông.

Chèn ép song phương, Trung Quốc kỳ vọng gì?

Để tránh một cuộc xung đột về quyền tự do hàng hải trong tương lai, chúng ta phải hiểu rõ sự được mất của mỗi bên trong cuộc chơi chèn ép về chủ quyền song phương mà Trung Quốc đang tiến hành. Trung Quốc kỳ vọng gì? Và tại sao đó lại là các bước đệm ngắn hạn cho việc đạt mục tiêu dài hạn của Trung Quốc? Việc trả lời các câu hỏi như vậy sẽ cho phép tìm ra cơ chế thúc đẩy an ninh khu vực, thông qua các giải pháp thương lượng hoà bình.

Để cụ thể, hãy nhìn lại vụ Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2, Viking 2 của Việt Nam; hoặc việc Trung Quốc cho xây dựng cột sắt và thả phao ở bãi Amy Douglas, hay cho tàu bắn xuống nước, xua đuổi tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam,Philippines ngay tại vùng biển của các nước này.



Đường chữ U hay đường lưỡi bò thể hiện sự chèn ép của TQ đối với các nước láng giềng ở Biển Đông, nhằm mục tiêu đòi vẽ lại bản đồ khu vực. Ảnh: tư liệu Internet


Trước các hành động gây hấn như vậy của Trung Quốc, phía Việt Nam và Philippines có thể có bốn lựa chọn chính: thứ nhất, không có phản ứng gì. Thứ hai, ra công hàm phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên các diễn đàn song phương hoặc đa phương, như tại Liên hiệp quốc. Thứ ba, đem vụ việc ra kiện ở Toà án quốc tế. Thứ tư, có hành động tự vệ một cách thích hợp, như việc Philippines cho nhổ các cột sắt, hoặc cho bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và đòi xử họ theo luật.

Cần phải nói rằng, nếu vụ việc chỉ gói gọn trong xung đột có tính song phương, thì việc ra công hàm phản đối cũng gần giống như không làm gì cả. Mặt khác, việc đem ra kiện tại Toà án quốc tế về tranh chấp đánh bắt cá hay khai thác dầu thường hết sức tốn kém, mất thời gian và dễ bị làm cho rối rắm, do luật quốc tế không thể đủ chi tiết để áp dụng ngay cho việc xử các vụ kiện như vậy. Thêm vào đó, khi xảy ra một chuỗi các vụ tranh chấp liên tiếp, thì tính phức tạp của vụ việc sẽ tăng. Điều đó dĩ nhiên chỉ có lợi cho bên lớn hơn – dùng sức mạnh mềm để chèn ép, hơn là bên nhỏ hơn – bị xâm hại và đem vụ việc ra kiện.

Như vậy, xét trên quan điểm của Trung Quốc, việc gây hấn về quyền đánh bắt cá hay khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nhỏ hơn trên Biển Đông sẽ có lợi ở chỗ: (i) Trung Quốc có thể giữ cho mức độ xung đột đủ nhỏ, để mâu thuẫn mang tính song phương, mà phía bị xâm hại ít làm được gì để thay đổi cục diện tình hình; và (ii) Chuỗi xung đột nếu đủ liên tục và đều khắp ở các điểm chiến lược trên Biển Đông, sẽ biến các sự việc đã rồi thành quyền kiểm soát trên thực tế đối với việc khai thác các nguồn lợi mang tính loại trừ.

Nói rõ hơn, việc Philippines xua đuổi tàu cá Trung Quốc hay nhổ cọc ở bãi đá mà Trung Quốc vừa dựng lên chỉ làm tăng rủi ro bị Bắc Kinh tố cáo trên khắp các phương tiện đại chúng, mà tiền bạc và sức mạnh mềm làm cho tiếng nói của nó có hiệu lực, rằng Philippines sẽ phải hứng chịu các hành động “chấp pháp” của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự vượt trội và ngày càng mạnh của Trung Quốc khiến cho nước nhỏ trong vùng phải đối mặt với rủi ro là sẽ chịu tổn thất rất lớn, nếu một mình dám cưỡng lại hành động “chấp pháp” của Trung Quốc. Nhìn trước kết cục như vậy, nước nhỏ đó có thể phải ngồi yên không làm gì, ngoài việc ra công hàm phản đối, mà về thực chất cũng là không làm gì, như đã nói.

Chính vì logic của sự chèn ép đó, mà Việt Nam ngồi yên khi Trung Quốc ra lệnh cấm bắt cá trong thời gian dài, trên một vùng biển rộng lớn, bao gồm cả thềm lục địa của Việt Nam. Cam chịu sẽ dần biến thành sự buộc phải chấp thuận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các công ước về Luật biển, bao hàm cả UNCLOS 1982, thì cũng chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi một thực tế: đường lưỡi bò đã được xác lập dần trên thực tế. Điều đó bao hàm rằng, đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông dần sẽ thuộc về Trung Quốc. Các nước khác sẽ buộc phải tuân thủ trật tự mới (unirule), được cưỡng chế bởi sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo dự đoán là có thể thách thức Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2030.

Chiến lược chèn ép của Trung Quốc

Ngay sau vụ việc Trung Quốc xâm hại quyền khai thác tài nguyên mang tính loại trừ, như đánh bắt cá hoặc khai thác dầu của Việt Nam/ Phillipines, nếu không gặp phải phản ứng gì thì Trung Quốc sẽ ghi được 1 điểm trong chuỗi các bước chèn ép nhằm thôn tính Biển Đông. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam/Philippines bị mất 1 điểm trong việc bảo vệ chủ quyền. Hay nói rõ hơn, Việt Nam/Phillipines đã bị tước mất một phần quyền được khai thác tài nguyên trên lãnh thổ, bao gồm biển đảo mà dân cư mình sinh sống.



Những sự kiện vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc nằm trong chiến lược chèn ép các nước xung quanh đã được vạch sẵn.


Một lựa chọn khác là thay vì ngồi yên, Việt Nam/Philippines có thể có phản ứng tự vệ một cách thích hợp, phù hợp với thoả thuận khu vực và công ước quốc tế. Ngay sau khi vấp phải sự phản ứng tự vệ đó của Việt Nam/Phillipines, Trung Quốc có thể đáp lại bằng hai cách: Thứ nhất, tôn trọng cam kết của mình về tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) và công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Khi đó, các bên đạt được sự hoà giải sau xung đột vừa xảy ra. Trung Quốc không ghi thêm được điểm nào trong chuỗi các bước thôn tính Biển Đông (ghi điểm 0). Và Việt Nam/Philippines cũng không bị mất điểm về chủ quyền (tức là “mất” 0 điểm).

Ngược lại, Trung Quốc có thể nuốt lời hứa tôn trọng DOC và luật quốc tế UNCLOS 1982. Cụ thể là Trung Quốc tô vẽ lại vụ việc xung đột vừa xảy ra như mình là bên bị xâm hại và vì vậy, buộc phải có hành động “chấp pháp”. Khi làm như vậy, Trung Quốc đã liên tiếp xâm phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của quốc gia nhỏ hơn. Với sự bất cân xứng về sức mạnh kinh tế và quân sự, phần thắng trong xung đột song phương sẽ thuộc về kẻ nào mạnh hơn, bất kể công lý. Cụ thể là, Trung Quốc ghi được 2 điểm liên tiếp trong chuỗi các bước thôn tính Biển Đông. Việt Nam/Philippines bị mất 2 điểm.

Ứng phó để tối thiểu hóa thiệt hại

Ta có thể thấy là, nếu Việt Nam/Philippines phản ứng tự vệ một cách đơn phương, thì sự thôn tính sẽ diễn ra nhanh hơn. Trung Quốc nhất định sẽ nuốt lời hứa, chà đạp lên DOC hay UNCLOS 1982. Vấn đề là Trung Quốc sẽ đẩy nhanh gấp hai lần nhịp độ thôn tính Biển Đông, nếu phá thoả thuận và luật hơn là tôn trọng chúng. Nhìn trước kết cục như vậy, Việt Nam/Philippines không được phép kỳ vọng rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện những gì họ đã cam kết. Nhưng nếu vậy thì ngay từ đầu, khi vừa xảy ra việc Trung Quốc gây hấn (cắt cáp thăm dò dầu, dùng súng bắn đuổi dân chài), Việt Nam/Philippines sẽ chọn việc gửi công hàm phản đối, mà không có hành động tự vệ. Kết cục là Trung Quốc chỉ ghi được 1 điểm. Việt Nam/Philippines chỉ bị mất có 1 điểm về bảo vệ chủ quyền. Dù sao đi nữa, Việt Nam/Philippines vẫn bị xâm hại.

Dĩ nhiên Trung Quốc và Việt Nam/Philippines có thể ký kết một thoả thuận mang tính pháp lý. Theo đó, Việt Nam/Philippines có thể đem kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế, nếu Trung Quốc tái vi phạm công ước pháp lý vừa được ký kết. Những thoả thuận pháp lý kiểu như vậy không thể tính hết được mọi tình huống tranh chấp phức tạp, có thể xảy ra trong tương lai (bounded rationality). Trung Quốc có thể lợi dụng những tình huống không được ghi rõ trong thoả thuận như là một kẽ hở về xác định chủ quyền để tiếp tục chèn ép Việt Nam/Philippines, bất chấp công ước đã ký kết.

Nhưng mặt khác, việc đạt được một thoả thuận có tính pháp lý như vậy sẽ làm tăng tính đạo lý và cơ sở pháp lý (legitimacy) về chủ quyền của Việt Nam/Philippines với các vùng biển đảo của mình. Nó sẽ là cơ sở cho việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược trong khu vực và trên trường quốc tế để bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam/Philippines. Nếu tính cả đến eo biển Malacca, mà nó sẽ là cái đích tiếp theo trong chiến lược Trung Quốc muốn kiểm soát đường hàng hải cho riêng mình, thì một liên minh phi chính thức bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã được hình thành. Cuộc chơi tự nó đã có tính đa phương và sẽ phải giải quyết trong khuôn khổ hợp tác đa phương. Chính ở điểm này, nếu sự chèn ép của Trung Quốc trong quan hệ song phương càng thô bạo, thì hành động của họ càng đi ngược đạo lý và càng đặt ra những tiền lệ nguy hiểm cho tự do và an toàn hàng hải quốc tế. Trên quan điểm đa phương mang tính thực tiễn đó, sự chèn ép nhằm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế và khó có thể thực hiện được.

[VTC news]


Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

>> Tiềm năng tác chiến của tàu ngầm Trung Quốc ?




Hiện nay, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm diesel-điện và đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nga) về tiềm năng tác chiến của lực lượng tàu ngầm.


Theo ước tính, trong biên chế của Hải quân Trung Quốc hiện nay đang có khoảng 75 chiếc tàu ngầm (tính cả những chiếc vừa hòan thành trong năm 2010), trong đó có:

5 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo (1 chiếc lớp Hạ và 3-4 chiếc lớp Tấn); 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử (4 chiếc lớp Hán và 3-4 chiếc lớp Đường); 60 chiếc tàu ngầm diesel-điện (10 chiếc lớp Nguyên, 13 chiếc lớp Tống, 17 chiếc lớp Minh, 12 chiếc lớp “Kilo” và 8 chiếc lớp Romeo).




Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn đang sở hữu 2 chiếc tàu ngầm lớp Golf và Vũ Hán để sử dụng cho mục đích thử nghiệm (thử các loại vũ khí tên lửa mới trước khi chính thức trang bị cho các lớp tàu ngầm khác trong biên chế hoặc trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt).

Tiềm năng tác chiến của lực lượng tàu ngầm Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được đánh giá theo tỷ lệ số vũ khí trang bị trên tàu ngầm so với tổng số vũ khí dự bị hiện có.

Cụ thể, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc được trang bị 36 quả tên lửa đạn đạo chống ngầm (chiếm 3,3% nguồn dự trữ tên lửa hạt nhân chiến lược), 146 tên lửa đối hạm (chiếm 9,9% nguồn dự trữ tác chiến của loại tên lửa này trong Hải quân Trung Quốc), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.068 thủy lôi (chiếm 31,5% nguồn dữ trữ tác chiến của các loại vũ khí này trong Hải quân Trung Quốc).Trong biên chế thời chiến, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc được tổ chức và biên chế thành 6 cụm tàu tác chiến chia đều cho 3 Hạm đội: Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Nam Hải.

Trong đó tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo được biên chế cho lực lượng hạt nhân chiến lược, các tàu ngầm đa nhiệm như tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm diesel-điện được biên chế cho lực lượng thông thường.

Trong biên chế thời bình, tất cả số tàu ngầm này đều được tổ chức và biên chế thành các cụm và lữ đoàn tàu ngầm, hoạt động theo sự chỉ đạo chung của Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Chỉ huy các Hạm đội.

Hạm đội Bắc Hải đảm nhiệm tác chiến ở khu vực Hoàng Hải và vịnh Bột Hải với biên chế tác chiến gồm: 2 đội tàu ngầm nguyên tử (1 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ, 2 chiếc lớp Tấn, 4 chiếc lớp Hán mang số hiệu từ 402 đến 405; 4 chiếc lớp Thượng đang triển khai tại căn cứ hải quân Syaopindao và Nanyang; 2 lữ đòan tàu ngầm diesel-điện (13 chiếc lớp Tống, Minh và Romeo) triển khai tại căn cứ hải quân Qingdao và Lushun. Ngoài ra, tại căn cứ hải quân Syaopindao hiện nay còn triển khai cả tàu ngầm thử nghiệm mang tên lửa đối hạm Vũ Hán mang số hiệu 351 và tàu ngầm mang tên lửa lớp Golf mang số hiệu 200.




Hạm đội Đông Hải đảm nhiệm tác chiến ở vùng biển phía Đông Trung Quốc, bao gồm cả eo biển Đài Loan với biên chế tác chiến gồm: 1 lữ đoàn tàu ngầm (4 chiếc tàu ngầm diesel-điện dự án 877/636, 6 chiếc lớp Tống, một vài chiếc dự án 636 EM và lớp Minh, lớp Romeo) triển khai tại căn cứ hải quân Sichugan.

Hạm đội này khi cần thiết cũng có thể sử dụng cả căn cứ hải quân ở Thượng Hải và Ninbo để bố trí và triển khai lực lượng tác chiến nhanh, kịp thời ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm năng có thể xảy ra.

Hạm đội Nam Hải. Đây là một trong những Hạm đội được Trung Quốc tập trung đầu tư nhiều kinh phí, vũ khí, trang thiết bị quân sự nhất bởi vì nó đảm nhiệm khu vực tác chiến trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và vịnh Tonkin (vịnh Bắc Bộ).

Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu từ 500 mét đến 2.000 mét. Gần đây, người ta tiếp tục phát hiện ở Biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn dầu mỏ tại khu vực Trung Á, tuyệt đại đa số dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu từ bên ngoài đều phải vận chuyển qua đường biển, trong đó có một phần rất lớn được vận chuyển qua Eo biển Malacca. Do vậy, bảo vệ lợi ích dầu mỏ nhập khẩu là một nhiệm vụ quan trọng đối với lực lượng hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, trong vấn đề chủ quyền biển đảo, Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có biển giáp với Trung Quốc. Khu vực biển Đông vẫn tồn tại những điểm nóng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.




Tại khu vực biển Hoa Đông, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư đã không ít lần khiến quan hệ hai nước căng cẳng. Để giải quyết những vấn đề này, “chiến lược biển xanh" cùng với lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ sức tác chiến tại vùng biển xa là mục tiêu Trung Quốc ráo riết theo đuổi.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” Trung Quốc nhận thấy cần tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải để bảo vệ vững chắc nguồn lợi ích kinh tế khổng lồ và vị trí địa-chiến lược ở khu vực này.

Hiện nay, trong biên chế tác chiến của Hạm đội Nam Hải gồm 1 chiến đoàn tàu ngầm (tàu ngầm diesel-điện lớp Tống, Minh, Romeo) và một vài chiếc tàu ngầm thuộc dự án 636EM triển khai tại căn cứ hải quân Lushun.

[VTC news]


Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

>> Tiếng nói chính nghĩa về chủ quyền biển đảo của Việt Nam sẽ đến với nhân dân thế giới




Thật tự hào khi thấy các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng nhau hợp lực đấu tranh thành công với ý đồ của 4 nhà khoa học Trung Quốc. "Việc tuy nhỏ nhưng thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời kết hợp hiệu quả giữa các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước để bảo vệ lãnh thổ của quốc gia” - TS Tô Văn Trường nhận xét.




Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974( ảnh internet )


Những tin vui xung quanh vấn đề Biển Đông từ nước ngoài liên tiếp dội về Việt Nam trong mấy ngày qua.

Nghe rằng, sáng 20-6-2011, tại Hội thảo quốc tế ở Washington với chủ đề "An ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông”, sau khi GS Tô Hạo - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh có tham luận trình bày quan điểm và chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông, các học giả và chính khách quốc tế tại Hội thảo đã "chất vấn” và "chỉnh huấn” vị giáo sư nguời Trung Quốc. Đã có lúc, GS Tô Hạo phải kêu lên: "Tôi không phải là người phát ngôn của Trung Quốc”. Các học giả đều cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực và bản đồ đường yêu sách 9 đoạn hình chữ U của Trung Quốc là "yêu sách tham lam, thiếu căn cứ”, "không dựa trên luật pháp quốc tế”. Cách giải thích luật quốc tế của Trung Quốc làm cản trở tự do hàng hải, tạo nên cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. "Cách hiểu của Trung Quốc về luật quốc tế sẽ làm xói mòn nguyên tắc lâu nay về tự do lưu thông hàng hải - vặn méo nó từ một khái niệm thúc đẩy đi lại mở sang một khái niệm hạn chế đi lại” (Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain). Hội thảo đã bác bỏ lập trường Trung Quốc về Biển Đông.

Đơn cử như, bà Bonner Glaser, Giám đốc Ban Trung Quốc của CSIS đã "kết tội” Trung Quốc vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong bài phát biểu cuối ngày thảo luận đầu tiên (20-6), Thượng nghị sĩ John McCain chỉ rõ: "Một trong những lực lượng chính làm cho các căng thẳng trên Biển Đông trầm trọng hơn và làm cho giải pháp hòa bình của các tranh chấp này khó khăn hơn để đạt được, đó là hành vi hung hăng của Trung Quốc và việc đòi chủ quyền lãnh thổ vô căn cứ mà họ tìm cách theo đuổi”. Vị Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì một cân bằng chiến lược phù hợp ở khu vực quan trọng này” nên Mỹ cần hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường sức mạnh hải quân. Theo đó, Mỹ cần giúp ASEAN "xây dựng khả năng phòng thủ và phát hiện trên biển, để phát triển và triển

khai các hệ thống cảnh báo sớm và tàu an ninh hàng hải”. Đồng thời, Mỹ và ASEAN cần "tăng các hoạt động tập trận chung, tạo nên bức tranh về hoạt động chung ở Biển Đông để có thể đáp trả lại bất kì mối đe dọa nào”. Ông kêu gọi "ASEAN cần tạo thành một mặt trận thống nhất” vì "Trung Quốc muốn chia rẽ các nước ASEAN, để các nước đối đầu với nhau”.

Rất vui mừng khi thấy các học giả và chính khách quốc tế đã sáng suốt và dũng cảm nhìn nhận về vấn đề Biển Đông. Họ đã chỉ ra nguyên nhân thật sự của những căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông. Họ bác bỏ lập trường Trung Quốc về Biển Đông, lên án yêu sách đường lưỡi bò phi lý tức là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ cơ sở pháp lý về chủ quyền biển của Việt Nam.

Lại nghe, trước hàng loạt thư kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam về một bài báo của một nhóm tác giả người Trung Quốc, Ban Biên tập Tạp chí khoa học quốc tế về Quản lý chất thải cho biết sẽ cho đăng lời đính chính trong số tạp chí tới: "Tổng biên tập đang ưu tiên xem xét việc này và sẽ cho đăng tải trong số tới của tờ báo nói rõ bản đồ Trung Quốc được đăng tải trong bài báo là một thông tin không chính xác...”.

Chuyện rằng, sau khi bài báo với tiêu đề "Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source- separated collection in China: A comparative analy- sis) được đăng tải (ngày 19-4-2011) trên Tạp chí Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy), các nhà khoa học Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ về việc các tác giả Trung Quốc chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Theo đó, trang số hai của bài báo (trang 1674 Tập 31, số 8 (8-2011)), các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ đường đứt khúc hình chữ U - cái mà Trung Quốc gần đây dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Sự nghiêm trọng ở chỗ, đây là lần đầu tiên đường chữ U (hay còn gọi là "đường lưỡi bò”) được vẽ một cách chính thống trên tạp chí khoa học. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn đường lưỡi bò ở phía dưới. Cái đường lưỡi bò, theo GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) là "Không ăn nhập gì với nội dung bài báo nhưng họ cố tình qua mặt mọi người để chính thức hoá sự kiện chiếm đoạt của họ”. "Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế” - TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận xét.

Qua hai sự kiện trên, chúng ta nhận thấy các nhà khoa học Việt Nam, các học giả quốc tế, các chính khách quốc tế vì tinh thần khoa học đã cùng nhau bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với sự sai trái, góp sức cùng toàn thể dân tộc Việt Nam bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Đúng là "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi giới học giả Việt Nam và quốc tế cùng lên tiếng về những "sự cố” do Trung Quốc gây ra, những hiệu quả tích cực đã nhanh chóng mang lại. Thiết nghĩ, nếu có mười, hai mươi cuộc hội thảo như cuộc hội thảo về an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông vừa rồi, nếu không dừng lại ở mức hàng chục mà là hàng trăm, hàng nghìn học giả và chính khách cùng lên tiếng, những hiệu quả thu được sẽ còn nhiều hơn nữa và tiếng nói chính nghĩa về chủ quyền biển đảo của Việt Nam sẽ đến với nhân dân thế giới sâu rộng hơn nữa.

[Vitinfo news]


Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc cảnh báo bên ngoài tránh xa tranh chấp Biển Đông



Hãng Reuters vừa dẫn tin từ Nhật báo quân đội Trung Quốc cho biết, Trung Quốc kịch liệt phản đối sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.



http://nghiadx.blogspot.com


Bình luận đăng ở nhật báo trên nhắc lại cảnh báo của Bắc Kinh rằng, những nước khác “không liên quan” nên đứng ngoài. "Tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình thông qua hiệp thương hữu nghị giữa hai bên liên quan”, tờ báo nhấn mạnh. "Vì thế, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào không liên quan tới vấn đề Biển Đông can thiệp vào tranh chấp, và phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ lên cao vào năm ngoái sau khi chính quyền Obama ra tuyên bố chính thức về quan điểm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định, Mỹ có lợi ích quốc gia trong giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông và ủng hộ một giải pháp tập thể.

Bắc Kinh vẫn khăng khăng theo đuổi con đường song phương để giải quyết tranh chấp. Một chiến lược mà nhiều nhà phê bình mô tả là cách “chia để trị”.

Theo hãng Reuters, bình luận trên báo Trung Quốc dường như nhằm vào bất kỳ sự dính líu nào của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông.

Hôm qua (13/6), các Thượng nghị sĩ Jim Webb và James Inhofe đã đệ trình lên Thượng viện Mỹ nghị quyết lên án các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông . Nghị quyết ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động của lực lượng Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và thúc giục Mỹ tạo điều kiện cho một tiến trình đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Hãng AP hôm nay dẫn lời ông Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện, nói trong một hội nghị ở Washington rằng, Mỹ cần lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông khẳng định: “Điều này không có nghĩa là đối đầu quân sự, nhưng chúng ta cần có một tín hiệu rõ ràng”.

Trước đó, ngày 10/6, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã tuyên bố. "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Ông nhấn mạnh, Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ lợi ích chung trong duy trì an ninh hàng hải ở khu vực thông qua tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Gần đây, cả Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở Biển Đông, làm căng thẳng thêm leo thang ở vùng biển vốn luôn có tranh chấp này.

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cụ thể vào ngày 26/5 và 9/6, các tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc.

Trước tình hình này, ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á. Ông nói tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh cấp cao châu Á: “Tôi e rằng nếu không có quy tắc và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ”.

[BDV news]



Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

>> Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu xung đột không bên nào thắng



Vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lại chuẩn bị chuyến công du Indonesia dự Hội nghị quốc phòng khu vực ASEAN vào ngày 7-6. Ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi vào tối 06/6.



Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 6-6 sau khi trở về từ Đối thoại Shangri-LaẢnh: VIỆT DŨNG

- Ông nói: Tại Đối thoại Shangri-La, vấn đề biển Đông được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Có hai lý do: Thứ nhất là lợi ích trên biển Đông ngày càng phát triển, can dự của các nước lớn vào đây ngày càng nhiều. Thứ hai, tuy cho rằng tình hình biển Đông về cơ bản là ổn định, các nước đều mong muốn hòa bình để phát triển, nhưng những sự kiện gần đây cho thấy biển Đông là khu vực không hề yên tĩnh.

Về phía nước ta đã mang đến Đối thoại Shangri-La thông điệp rất rõ ràng. Trước hết bày tỏ mong muốn biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam giải quyết các vấn đề trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình và công khai, minh bạch. Việt Nam cũng đề nghị cần phải chấm dứt, không để tái diễn các sự kiện trên biển Đông có thể dẫn đến leo thang về tranh chấp, đặc biệt có thể làm ngòi nổ cho các cuộc xung đột.

Nếu có xung đột trên biển Đông thì không bên nào thắng, thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng đến tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.

Trên cơ sở quan điểm chính thống như vậy, đoàn Việt Nam đã nêu sự kiện ngày 26-5 (sự kiện tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - PV) như là một báo động cho việc không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Quan điểm của Việt Nam là các nước có xung đột giải quyết với nhau trên tinh thần cùng lợi ích nhưng công khai, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế. Không nước nào, không thế lực nào được quyền tự đặt ra những luật lệ riêng của họ, không có nước nào được bước qua luật lệ quốc tế đã được thừa nhận hoặc là những thông lệ trong hành xử của thế giới hiện đại ngày nay.

* Với những diễn biến gần đây trên biển Đông, theo ông, đâu là giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần thiết cho Việt Nam?

- Đối với những vấn đề cụ thể như sự kiện ngày 26-5, chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là vụ việc nghiêm trọng về tính chất cũng như hệ lụy lâu dài. Việc tàu chấp pháp của nước ngoài vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để hoạt động mang tính chất pháp luật là hiếm có trong quan hệ trên biển. Việc này vừa gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam, vừa là một hành động bạo lực dưới danh nghĩa dân sự.

Nếu bạo lực đó không được kiềm chế thì sẽ phát triển leo thang. Trung Quốc dựa trên cơ sở nào để có hành xử như vậy?

Nếu về luật quốc tế thì chỉ có duy nhất “đường 9 khúc” mà Trung Quốc tự đưa ra, mà theo tôi được biết chưa có nước nào hay tổ chức quốc tế nào thừa nhận và chưa có chứng lý nào khả dĩ để chứng minh. Như vậy, phải chăng Trung Quốc đang đi những bước đầu tiên để hiện thực hóa “đường 9 khúc”? Nếu vấn đề này là có thật thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác.

“Điều tôi mong muốn nhất là làm sao người dân hiểu chỉ có dựa vào chính mình mới giải quyết được việc của mình, không thể dựa vào ai để giải quyết được vì đó chỉ là nhân tố bên ngoài.

Chúng ta tin rằng có thể giải quyết được trong hòa bình và vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ. Quá khó khăn nhưng nếu phân tích dưới góc độ lợi ích, chúng ta hi vọng. Hi vọng đó xuất phát từ sự tin tưởng vào lãnh đạo các nước lớn tính toán lợi ích chiến lược của chính họ...

Người có quyền quyết định là người lãnh đạo, nhưng người có tiếng nói lại là nhân dân. Như lời đại tướng Lê Đức Anh (nguyên chủ tịch nước - PV) nói tôi rất phục, đối tượng ta cần tuyên truyền đầu tiên chính là nhân dân ta và người dân Trung Quốc ”.

Muốn giải quyết được những vấn đề tương tự, chúng ta phải bằng chính nỗ lực, nội lực của mình và giải quyết với chính nước có vấn đề với Việt Nam, cụ thể ở đây là Trung Quốc. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đóng cửa.

Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề. Nhưng chúng ta công khai, minh bạch, ví dụ như những phát biểu tại Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ làm cho cộng đồng thế giới hiểu được ai đúng, ai sai và họ sẽ phán quyết về mặt lương tâm là lẽ phải thuộc về bên nào.

Tiếp theo, chúng ta giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và chúng ta có cơ sở để kiên trì giải pháp hòa bình trên tinh thần tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong thế giới toàn cầu hóa, Trung Quốc cần một hình ảnh tốt đẹp để phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội...

Trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?

Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này. Trên cơ sở nhận thức như vậy, nhưng giải pháp của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và lợi ích cho chính Trung Quốc, và có thể sẽ được hiện thực hóa trong tương lai, tất nhiên nó sẽ vô cùng lâu dài và khó khăn, nhưng phải kiên trì.

Vấn đề cần thiết nữa là chúng ta phải tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc. Chúng ta muốn hòa bình, hòa hiếu, chỉ muốn giữ mảnh đất, vùng biển của chúng ta theo điều luật quốc tế quy định, và chúng ta cần giữ được độc lập tự chủ về đường lối.

Khi nói để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm và là nét đặc trưng. Chúng ta phải tăng cường các hoạt động đánh cá vùng biển xa, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hình thành lực lượng kiểm ngư, phát triển Trường Sa ngày càng tốt lên, giao lưu giữa biển đảo và bờ...

Một điểm nữa là tuyên truyền trong nhân dân. Nhân dân ta rất yêu nước, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc. Cần tuyên truyền để dân ta hiểu Công ước Luật biển 1982 là thế nào, biển Đông của chúng ta đến đâu, chúng ta phải hành xử thế nào, các nước hành xử ra sao... để mỗi người đều có tinh thần đấu tranh nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đấu tranh chính xác để các nước tâm phục khẩu phục, chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Chúng ta cũng phải tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng thế giới biết ai đúng ai sai.

Trở lại câu chuyện tại Đối thoại Shangri-La, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:

- Có người hỏi tôi: “Ngài có thất vọng không trước phát biểu của một số nước năm trước rất cứng rắn, năm nay dịu giọng khác hẳn?”. Tôi đáp: “Tôi nhận thấy điều đó, nhưng tôi không thất vọng. Trước hết là vì chúng tôi không đặt cược vào phát biểu của các nước đó. Thứ hai, tôi nghĩ do sự kiện ngày 26-5 mới diễn ra ngay trước thềm hội nghị nên thông tin về vụ việc cũng như hệ lụy của nó chưa được hiểu đầy đủ. Tôi tin một thời gian nữa khi họ hiểu đầy đủ, họ sẽ nhắc lại vấn đề này”.

Trong thế giới mở, toàn cầu hóa hiện nay, khi có xung đột, không nước nào đứng ngoài được. Không nước nào trục lợi được cả, có chăng là trục lợi cục bộ, trục lợi tham lam. Còn nếu muốn tìm kiếm lợi ích thật sự cho đất nước mình một cách chính đáng và lâu dài thì xung đột không đem lại lợi ích cho ai cả.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta luôn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh ấy là sức mạnh chính nghĩa, được thế giới thừa nhận và ngay chính nội bộ, nhân dân đất nước gây hấn với chúng ta cũng đồng tình với chính nghĩa của chúng ta. Đó là quyền lực mềm, trong thế giới ngày nay điều đó vô cùng quan trọng. Quyền lực mềm ấy chi phối mọi hành động từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội...

Điểm cuối cùng là chúng ta cần quan tâm xây dựng quân đội tinh gọn, hiện đại. Không trang bị vũ khí có tính chất tấn công mà chỉ mang tính tự vệ. Không tham gia các liên minh quân sự. Đặc biệt không gây lo ngại cho bất kỳ quốc gia nào về đe dọa sử dụng vũ lực. Vừa rồi chúng ta mua tàu ngầm, máy bay... hoàn toàn là để phòng thủ.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La nói rằng tàu ngầm của chúng tôi chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam. Đó là điều rất hiếm, rất đặc sắc Việt Nam.

* Năng lực quân sự hiện nay đã đủ đáp ứng yêu cầu về phòng thủ biển Đông, thưa ông?

- Tôi xin nói ngay với tư cách chuyên gia quân sự, rằng không bao giờ là đủ đối với trang bị quân đội bất kỳ nước nào. Trang bị quốc phòng bao giờ cũng ở tình thế cần phát triển. Chúng ta trang bị vũ khí vừa đủ theo đường lối quân sự Việt Nam, cách đánh của Việt Nam. Tin rằng với sức mạnh tổng hợp như đã nói, chúng ta có thể giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

* Nhưng vấn đề là chúng ta kiểm soát toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền của ta ra sao để có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập và xâm nhập rất sâu vào vùng chủ quyền Việt Nam để gây hấn của tàu nước ngoài?

- Việc kiểm soát vùng biển của mọi quốc gia đều vô cùng khó khăn. Chúng ta đang cố gắng kiểm soát tốt nhất vùng biển của mình. Nhưng như sự việc ngày 26-5 vừa qua, việc lưu thông vô hại là quyền của các nước, ta không có quyền ngăn cấm, ngược lại ta còn phải bảo vệ họ. Tàu hải giám Trung Quốc vi phạm là khi bắt đầu lao vào tàu Bình Minh 02 cắt cáp.

* Sự phối hợp giữa các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư... như thế nào để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh an toàn cho ngư dân?

- Chủ trương của ta trong các va chạm dân sự thì các chủ thể dân sự giải quyết với nhau trên cơ sở giám sát của các cơ quan pháp luật, cơ sở luật pháp quốc tế và nước mình. Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết. Như vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi, ta không đưa hải quân trở thành chủ thể giải quyết. Khác nhiều nước ở chỗ ấy.

Có người hỏi tôi: sao ngư dân ta bị các nước bắt thì bị phạt tiền, xử nặng nhưng khi ngư dân họ vi phạm pháp luật, chủ quyền của ta, ta không hành xử như thế? Ngư dân các nước cũng là người lao động, là dân nghèo. Lỗi của họ chỉ là phần nhỏ. Lỗi chính là ở người quản lý họ. Nếu vi phạm mình lập biên bản, bắt viết cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ xử lý trước pháp luật. Rồi mình cung cấp dầu, nước, lương thực mời họ ra. Cái đó là truyền thống dân tộc mình.

Nếu ngư dân mình vi phạm luật pháp nước khác, mình đồng tình xử lý theo pháp luật, nhưng một điều không chấp nhận được là đối xử vô nhân đạo với ngư dân. Cắt dầu, cắt nước, cắt lương thực, tháo dỡ các phương tiện đi biển, phương tiện thông tin liên lạc... Đó là cách hành xử thô bạo, gây nguy hiểm tính mạng ngư dân. Chúng ta kiên quyết phản đối nhưng ta cũng không lấy hành động tương tự để trả đũa.

* Liệu cách hành xử của Philippines có giá trị tham khảo đối với Việt Nam: lập hồ sơ những vụ việc để đưa lên Liên Hiệp Quốc?

- Ở đây có hai câu hỏi: câu hỏi một, Philippines đưa hải quân, không quân ra, sao Việt Nam không đưa ra? Tôi nói quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục đích, đó là mời tàu vi phạm luật pháp về. Tàu Bình Minh 02 được bảo vệ để tiếp tục khảo sát thăm dò chính ở vùng biển ấy. Và chúng ta phản ứng ở các kênh với Trung Quốc và công khai minh bạch với các nước khác để thấy đúng sai. Như vậy mục đích đạt được, không cần huy động lực lượng quân sự. Cái đó mới lâu bền, thể hiện sự kiềm chế của chúng ta, quyết tâm không để xảy ra xung đột.

Câu hỏi hai, xây dựng hồ sơ đưa lên tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng xét cho cùng, Việt Nam và Trung Quốc vẫn phải giải quyết với nhau. Tòa án quốc tế đem lại chính nghĩa về mặt lương tâm, tiếng nói của cộng đồng thế giới để Trung Quốc tự nhìn nhận lại mình. Còn về thực địa, không ai “sờ” vào được. Mình không cự tuyệt lựa chọn này. Nhưng chủ trương của ta hiện nay, theo tôi là đúng đắn, chưa cần thiết tới sự lựa chọn ấy.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng ra đời COC (Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông)?

- COC là văn kiện cần thiết cho ASEAN và Trung Quốc, được nhiều nước quan tâm để cải thiện mối quan hệ trên biển Đông. ASEAN cam kết thực hiện tốt DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông) và tiến tới COC. Như Indonesia tuyên bố cố gắng cuối năm nay có được COC. Thủ tướng Campuchia Hun Sen mong muốn năm sau kỷ niệm mười năm DOC tại Phnom Penh sẽ ký luôn COC. Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN.5 cũng khẳng định cần khẩn trương xây dựng COC.

Tuy nhiên còn nhiều khó khăn. ASEAN và Trung Quốc chưa xác định được lộ trình tiến đến COC, còn tùy thuộc vào sự thống nhất trong ASEAN và sự đồng tình tham gia của Trung Quốc. Nhưng trước hết, việc tạo được sự đồng thuận trong ASEAN về cố gắng xây dựng COC cũng là sức mạnh để đấu tranh.

* Đã có người ví ASEAN cần như bó đũa?

- Chúng ta không thể trông chờ ASEAN đồng thuận trong mọi vấn đề. Sự can dự của các nước vào ASEAN rất khác nhau. ASEAN chọn những vấn đề chung nhất để tạo sự đồng thuận và rất may mắn trong đó có vấn đề biển Đông, vấn đề hòa bình ổn định, DOC...

Tôi rất mong có COC nhưng không coi COC là trang bị pháp lý tuyệt đối, đầy đủ để giải quyết mọi vấn đề ở biển Đông. Cái mà chúng ta chờ đợi là hành động của chính mình, giải quyết trực tiếp với những quốc gia có khác biệt, tranh chấp với chúng ta như đã đề cập. Không thể trông chờ vào một nước nào đó, một diễn đàn đa phương nào đó bởi những yếu tố này chỉ là hỗ trợ. Ngay cả Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển họ còn coi thường thì cũng không lấy gì đảm bảo COC giải quyết được vấn đề.

* Việc đầu tư nghiên cứu biển Đông, xây dựng Luật biển có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta phải luật hóa, dân sự hóa, kinh tế hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa các hoạt động kinh tế xã hội trên vùng biển của chúng ta. Cái đó là biện pháp cơ bản, lâu dài khẳng định chủ quyền của chúng ta.

* Xin cảm ơn thứ trưởng.

[Vitinfo news]


Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc trấn an hay dằn mặt ASEAN?



Trung Quốc cam kết hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua hợp tác an ninh, nhưng không nên tham gia vào bất kỳ liên minh nhằm chống lại bên thứ 3.

Trấn an hay dằn mặt?

Trong một bài phát biểu dài 45 phút tại diễn đàn an ninh châu Á, đối thoại Shangri-la 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nhắc đi nhắc lại điệp khúc “Sự phát triển của quân đội Trung Quốc không phải là mối đe dọa với các nước trong khu vực”.

Hãng tin Channel News Asia dẫn lời bài phát biểu của Bộ trưởng Lương Quang Liệt, “Trung Quốc ủng hộ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, đó là một mối quan tâm lớn để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực."

Theo đó, Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc đơn giãn là để đảm bảo an ninh quốc phòng của Trung Quốc. "Trung Quốc tuân thủ một chính sách quốc phòng là tự vệ trong tự nhiên. Tôi biết nhiều người đang có xu hướng tin rằng sự tăng trưởng kinh tế, cùng với sự phát triển của quân đội Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa quân sự. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đó không phải là lựa chọn của chúng tôi, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay đe dọa bất cứ nước nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói.



Sự phát triển của quân đội đặc biệt là hải quân Trung Quốc cùng với những gì họ đã và đang làm khiến các nước trong khu vực không khỏi lo lắng.

Trong bài phát biểu nhằm trấn an các nước trong khu vực trước những phát biểu cho rằng, Trung Quốc đang trở thành một “kẻ bắt nạt trên biển Đông”. Bộ trưởng Lương Quang Liệt không quên nhấn mạnh một điều rằng: “Các nước trong khu vực không nên tham gia vào bất cứ liên minh nào nhằm chống lại một bên thứ 3 nào đó”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lương Quang Liệt không đi vào chi tiết của vấn đề này.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri-la 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tái khẳng định cam kết hiện diện quân sự lâu dài tại châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy có thể thấy rằng, bài phát biểu của Bộ trưởng Lương Quang Liệt là một thông điệp nhằm cảnh báo các nước trong khu vực đối với cam kết của Washington.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là ASEAN là một trở ngại rất lớn đối với chiến lược hướng ra biển lớn của Trung Quốc.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Lương Quang Liệt, một mặt trấn an các nước trong khu vực trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông trước thềm đối thoại Shangri-la nhưng cũng không ngoài mục đích cảnh báo các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN không nên đi quá xa trong mối quan hệ với Washington.

Nói một đường làm một nẻo

Dù lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, “Quân đội Trung Quốc không phải là mối đe dọa với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, giữa tuyên bố của lãnh đạo cấp cao và hành động cấp dưới có một khoảng cách rất lớn.

Ngay trước thềm đối thoại Shangri-la, Trung Quốc liên tiếp có những hành động "chơi rắn" trên biển Đông.

Ngày 26/5/2011 tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh-02 thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Tiếp đó, nổ súng uy hiếp ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu hải quân Trung Quốc cũng đã có những hành động uy hiếp tàu đánh cá của ngư dân và tàu thăm dò dầu khí của Phillippine.

Nếu quân đội Trung Quốc không phải là mối đe dọa với các nước trong khu vực. Vậy đâu là lời lý giải cho những hành động ngang ngược này?




Tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Lương Quang Liệt nhấn mạnh đến vấn đề "Xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau". Nhưng với những gì mà lực lượng hải giám và Hải quân Trung Quốc đã và đang làm thì đâu là cơ sở để xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền biển đảo?

Theo toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Lương Quang Liệt được đăng tải trên trang Web của IISS có đoạn như sau: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực". Nhưng chính những hành động của Trung Quốc đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực.

Phía Trung Quốc cho rằng, hành động của tàu hải quân và tàu hải giám nước này là để thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Điều nghịch lý là Trung Quốc không thể chứng minh được tính hợp pháp của đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích biển Đông.

Hành động không đi đôi với lời nói, Trung Quốc đang dần làm nản lòng các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp về chủ quyền biển đảo, về những tuyên bố của mình.

Tại đối thoại Shangri-la 2011, các nước ASEAN một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng các Tuyên bố về cách ứng xữ trên biển Đông DOC mà ASEAN đã ký kết với Trung Quốc năm 2002. Sự quan trọng của việc ký kết bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông COC để các tranh chấp không lâm vào ngõ cụt, tránh nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn “im lặng” với COC.

Các nước ASEAN đã đạt được sự nhất trí, cố gắng sẽ đạt được sự ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông COC vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ký kết Tuyên bố ứng xử trên biển Đông DOC giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việc COC có được ký kết vào năm 2012 hay không phụ thuộc rất lớn vào động thái của Trung Quốc, tuy nhiên theo nhìn nhận của một số chuyên gia nghiên cứu về biển Đông, lộ trình này rất khó đạt được.


[BDV news]


Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc đang đẩy ASEAN vào vòng tay Mỹ



Sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đang khiến các bên tranh chấp Biển Đông hết sức lo ngại. Tập hợp liên minh ASEAN, tìm đối trọng cân bằng sức mạnh sẽ là một trong những chính sách mà các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc lựa chọn.



Trung Quốc đang đẩy ASEAN vào vòng tay Mỹ

Hà Nội đưa ra tuyên bố kháng nghị mạnh mẽ đối với Bắc Kinh về vụ các tàu tuần tra của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại vùng Biển Đông. Theo thông báo ngày 30/5 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, tàu hải giám Trung Quốc đã tiến sát gần tàu nghiên cứu của Việt Nam đang tiến hành công tác khảo sát tình trạng địa chấn trên bề mặt đáy biển. Các binh sĩ Trung Quốc đã phá những thiết bị nghiên cứu, cắt đứt dây cáp nối tàu Việt Nam với các thiết bị khảo sát đáy biển.

Vấn đề các đảo tranh chấp ở Biển Đông luôn là yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực. Cách đây chưa lâu, Philíppin và sau đó là Việt Nam đã gửi Liên hợp quốc công hàm chính thức, khẳng định chủ quyền của nước mình đối với quần đảo Trường Sa. Đó là phản ứng trước việc Bắc Kinh công bố vùng lợi ích của họ bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ vùng biển Đông có trữ lượng dầu khí dồi dào và tài nguyên sinh vật biển rất phong phú. Manila có động thái trên sau khi các tàu hải quân Trung Quốc uy hiếp tàu của Philippin đang tiến hành thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp.

Bắc Kinh không tỏ thái độ gì trước phản đối chính thức của Philíppin và mấy ngày sau công bố lệnh cấm đánh cá tại một số khu vực vùng biển có những quần đảo tranh chấp. Hà Nội không chấp nhận lệnh cấm này và xem văn bản như là sự vi phạm trắng trợn tới toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và chủ quyền của quốc gia trên các quần đảo và đặc khu kinh tế biển độc quyền xung quanh.

Các nước trong khu vực đang cố gắng giảm độ gay gắt của vấn đề. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử trong vùng biển Đông, theo đó quy định về sự sẵn sàng từ bỏ đối đầu và giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuần túy bằng con đường ngoại giao. Văn kiện ghi nhận sự cần thiết hoạch định một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ, để quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển xung quanh trở thành “khu vực của hòa bình và hợp tác”.

Ông Vasily Mikheev, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, cho rằng cuộc tranh chấp xung quanh các quần đảo trên Biển Đông cần và có thể giải quyết bằng nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Ông Mikheev nói: “Trung Quốc và ASEAN đã có thỏa thuận cơ bản về cùng chung sử dụng các quần đảo này, về việc tại đây là khu vực phi hạt nhân, khu vực hòa bình... Đó là Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông. Nhưng thỏa thuận này mang tính chất văn kiện khung, chỉ xác định những nguyên tắc quan hệ cơ bản. Nhiệm vụ giờ đây là phải làm thế nào để biến thỏa thuận này thành cơ chế hành động thực tiễn, không chia rẽ mà liên kết các quốc gia lại với nhau. Xét trên những tác động tiêu cực thể hiện qua tất cả các động thái ngoại giao thời gian gần đây, tôi cho rằng rằng ban lãnh đạo các nước tuyên bố tham vọng chủ quyền với các quần đảo này cần suy nghĩ kỹ lưỡng, có thái độ tiếp cận nghiêm túc hơn với vấn đề, để biến thỏa thuận khung thành những bước đi thực tế”.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc tỏ ra không vội gì tuân thủ tinh thần và văn bản của Tuyên bố. Các tàu hải giám Trung Quốc tiến hành tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa, chiếm tàu đánh cá của Việt Nam và lấy đi các thiết bị đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam. Bằng hành động cứng rắn ngang nhiên của mình, Trung Quốc thực sự đang buộc các nước láng giềng phải tìm kiếm một đối trọng để cân bằng với thế lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Trong cuộc tìm kiếm đó, các nước ASEAN đang thể hiện mong muốn Mỹ không chỉ duy trì mà còn tăng thêm sự hiện diện tại khu vực. Nguyện vọng đó hiển nhiên được Oasinhtơn hoan nghênh. Năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói nước Mỹ có “lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và sự tôn trọng pháp quyền quốc tế tại khu vực Biển Đông”.

ASEAN hy vọng rằng đến năm 2012, mốc đánh dấu 45 năm thành lập tổ chức - sẽ ký kết được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Luật phải mang tính bắt buộc đối với tất cả các quốc gia trong khu vực. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, thì Biển Đông sẽ có thể trở thành một khu vực của hòa bình và hợp tác.
[Đài Tiếng nói nước Nga]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang