Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: 20 tháng 3 2011

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

>> Triều Tiên chuẩn bị tặng quà 'bất ngờ' cho Hàn Quốc?



[BDV news] Giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 nếu đàm phán liên Triều tiếp tục rơi vào bế tắc.

Theo những chuyên gia này, do bị “kìm kẹp” bởi hàng loạt lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế sau vụ chìm tàu chiến Cheonan và cuộc nã pháo lên hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc nên giờ Triều Tiên sử dụng đến chiến thuật “vừa đàm vừa đe”. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi đàm phán của mình. Nếu lời kêu gọi đó không nhận được những hồi đáp mà Triều Tiên cho là thỏa đáng thì khả năng nước này sử dụng đến biện pháp mạnh tay hơn nhằm đe dọa cộng động quốc tế là rất cao.

“Triều Tiên sẽ tìm mọi cách nhằm tái khởi động các vòng đàm phán trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu quan hệ liên Triều không đạt được những bước tiến thiết thực và Mỹ không viện trợ lương thực thì Bình Nhưỡng sẽ sử dụng chiến lược ‘bên miệng hố chiến tranh’”, Yang Moo-jin, giáo sư tại ĐH Triều Tiên ở Thủ đô Seoul đánh giá.

Ông Yang nhấn mạnh, Triều Tiên có thể lại sử dụng các chiêu bài khiêu khích như tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân lần 3 hay gần hơn là các hành động chọc giận trên biển Hoàng Hải.

Thời gian gần đây Bình Nhưỡng liên tục gợi ý đến khả năng tiến hành các cuộc đàm phán mới với Seoul. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định, nếu Triều Tiên không nhận trách nhiệm về vụ chìm tàu chiến và cuộc pháo kích hồi năm ngoái, đàm phán song phương “sẽ chẳng có nghĩa lý gì”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo, nếu Seoul tiếp tục lãng phí thời gian vào việc chờ đợi một lời xin lỗi chân thành thì Bình Nhưỡng sẽ mất kiên nhẫn mà “làm liều”.



Giới chuyên gia Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích như vụ khai hỏa vào hòn đảo Yeonpyeong.


“Nhiều nguồn tin cho thấy, Triều Tiên vừa quyết định sẽ tái khởi động các nỗ lực khiêu chiến vào năm sau, thời điểm quốc gia này đặt mục tiêu trở thành một quốc gia giàu mạnh”, Park Hyeong-jung, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thống nhất liên Triều cho hay.

Tỏ ra bi quan hơn, một số chuyên gia còn cho rằng, Seoul nên chuẩn bị các phương án đối phó với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

“Nhớ lại thời điểm trước khi xảy ra vụ chìm tàu chiến Cheonan, vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên đang chuẩn bị được tái khởi động. Sau đó, Bình Nhưỡng cũng nã pháo về phía đảo Yeonpyeong ngay trước khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố về việc nối lại đàm phán liên Triều. Vì vậy, sự sốt sắng hiện giờ của Bình Nhưỡng trong việc tái khởi động đàm phán cũng đáng để cảnh giác. Chúng ta cần chuẩn bị tốt cho mọi tình huống”, Yoon Deok-min, chuyên gia tại Viện nghiên cứu đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.

Những lo ngại của các chuyên gia Hàn Quốc không phải không có cơ sở. Triều Tiên hôm qua lên tiếng cảnh báo nước này sẽ nổ súng nếu các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn qua biên giới trong tuần này.

“Các binh lính Triều Tiên bảo vệ dọc toàn bộ biên giới với Hàn Quốc sẵn sàng nổ súng chống lại cái mà ông gọi là chiến tranh tâm lý liều lĩnh”, một quan chức Triều Tiên tuyên bố.

Ngoài ra, quan chức này cũng tố cáo quân đội Hàn Quốc đem “những tổ chức bảo thủ xấu xa” đến đảo biên giới cho một phần của chiến tranh tâm lý.

Hàn Quốc phải dừng ngay lập tức chiến thuật này nếu như nước này không muốn “nhận được bài học tương tự” như vụ pháo kích hồi tháng 11/2010, ông này khẳng định.


>> Tổng thống Nga 'huấn luyện' cảnh sát đặc nhiệm



[BDV news] Ông Dmitry Medvedev chỉ dẫn các binh sĩ: “Trong những trường hợp khẩn cấp, các đồng chí có thể nhanh tay ném súng xuống đất hay thậm chí một vũng nước hoặc bùn để che mắt đối phương. Sau đó, các đồng chí khéo léo di chuyển đến vị trí giấu súng và cầm lên bóp cò”.

Ông chủ điện Kremlin vừa có chuyến thăm căn cứ của lực lượng đặc nhiệm cảnh sát Zubr bên ngoài Thủ đô Moscow.

Dưới đây là những hình ảnh về chuyến thị sát mới nhất của ông:




Tổng thống Dmitry Medvedev thị sát căn cứ này vào sáng sớm nay.



Ông Medvedev tập trung quan sát các đơn vị diễn tập, trong đó có kịch bản diễn tập đột kích vào tòa nhà cao tầng và phải sử dụng đến một máy bay không người lái.



Sau đó, nguyên thủ này tới thăm một bảo tàng nhỏ, trưng bày các thiết bị do thám, thông tin liên lạc cùng một số thiết bị nổ mà lực lượng đặc nhiệm cảnh sát Nga thường xuyên sử dụng.



Tổng thống Nga chỉ dẫn các binh sĩ: “Trong những trường hợp khẩn cấp, các đồng chí có thể nhanh tay ném súng xuống đất hay thậm chí một vũng nước hoặc bùn để che mắt đối phương. Sau đó, các đồng chí khéo léo di chuyển đến vị trí giấu súng và cầm lên bóp cò”.





Ông tỏ ra thích thú với các khẩu súng ngắn Yarygin và Stechkin nhưng lại chê khẩu súng lục Vektor.



Tổng thống Medvedev kiểm tra rất kỹ những vũ khí các binh sĩ sử dụng.



>> Lần đầu Pháp bắn hạ máy bay Libya



[BDV news] Lần đầu tiên máy bay Pháp bắn hạ một phi cơ Libya từ khi thiết lập vùng cấm bay được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Điểm xảy ra va chạm là gần thành phố miền Tây Misrata và lý do là máy bay Libya không tuân thủ nghị quyết 1973.

Trước đó, Anh thông báo không lực Libya không còn đủ mạnh như một lực lượng tác chiến. Liên quân phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ quân sự với mục đích triệt hạ không lực của ông Gaddafi.

Trong khi đó, tiếp tục xảy ra giao tranh ở Misrata và ở Ajdabiya. Nhiều đơn vị phòng không ở Tripoli vẫn hoạt động khi các chiến đấu cơ của liên minh đánh bom các mục tiêu quân sự bên trong Thủ đô và nhiều nơi khác.



Lần đầu Pháp bắn hạ máy bay Libya. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Libya phát đi hình ảnh nhiều xác người bị cháy đen mà họ nói là do liên minh gây ra. Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khalid Kaim khẳng định là liên minh tấn công các mục tiêu dân sự và yêu cầu chấm dứt các cuộc không kích.

Ông tuyên bố: “Các cuộc không kích không phân biệt thường dân hay quân đội. Ông kêu gọi đối thoại và đưa đời sống trở lại bình thường và các cuộc không kích phải chấm dứt ngay lập tức”.

Ngược lại, Ngoại trưởng Pháp là Alain Juppe khẳng định rằng các cuộc không kích của liên minh chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự.

Một bác sĩ Libya ở Tripoli tên Haitham al Traboulsi nói với đài truyền hình Arabiya rằng: “Không có thường dân nào bị trúng đạn” trong các cuộc không kích mới đây của liên minh và những cuộc tấn công này “cực kỳ chính xác”. Hình ảnh những xác người được chiếu trên đài truyền hình Libya là xác của những người thiệt mạng trong những cuộc giao tranh trước tại Zawiya và Tripoli.

Cùng lúc, nhiều người trong khu vực bị phe Chính phủ bao vây như Misrata khẳng định, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi pháo kích bừa bãi.

Ngoài ra, một bác sĩ trong thị trấn này tiết lộ là nhiều người bắn tỉa nhắm vào thường dân, các xe tăng bắn vào các tòa nhà, cuộc sống tại đây không có nước máy, thực phẩm thì khan hiếm và điều kiện tại bệnh viện rất tồi tệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Kaim khẳng định rằng quân đội Chính phủ tôn trọng cuộc ngưng bắn tại Misrata: “Tình hình chỉ xảy ra ở một vài nơi có bạo động và những người bắn tỉa rải rác ở những khu vực khác nhau của Misrata. Không có cuộc tấn công nào của quân đội Libya, từ trên không hay trên bộ, và không có cuộc hành quân nào của quân đội trong địa phận Misrata”.


>> Chính trường Yemen ‘nóng’ từng ngày



[BDV news] Tổng thống Yemen Abdullah Saleh phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng sau khi các quan chức quân đội và chính phủ quay sang ủng hộ các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ.

Bộ trưởng Quốc phòng Yemen tuyên bố rằng quân đội vẫn ủng hộ tổng thống. Ngày 21/3, nhiều xe tăng đã được triển khai trên đường phố Sanaa để ngăn chặn các cuộc biểu tình, bạo loạn.

Mohammed Nasser Ahmed công bố “Các lực lượng vũ trang sẽ ở lại trung thành với Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ một cuộc đảo chính chống lại dân chủ hoặc vi phạm an ninh quốc gia nào xảy ra”.

Thiếu tướng Ali Mohsen Saleh, người đứng đầu quân khu phía tây bắc đã quyết định ủng hộ những người biểu tình sau một cuộc đàn áp của chính phủ đối với những người biểu tình.



Các cuộc biểu tình tại Yemen không ngừng gia tăng.

Một chỉ huy quân sự cao cấp và ít nhất 18 sĩ quan khác đã đào thoát sang các phong trào đối lập, trong đó bao gồm : Ali Abdullaha Aliewa (chủ tịch cố vấn tối cao của quân đội Yemen), Al Koshebi Brigadiers Hameed (chỉ huy lữ đoàn 310 ở khu vực Omran), Mohammed Ali Mohsen, Nasser Eljahori (chỉ huy trưởng lữ đoàn 121),...

Ngoài ra, một số Đại sứ Yemen ở Syria, Saudi Arabia, Lebanon, Ai Cập, Trung Quốc, Liên đoàn A Rập cũng từ chức để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào phản đối.

Đại sứ Yemen Abdullah Alsaidi tại Liên Hiệp Quốc phát biểu với phóng viên Al Jazeera: “Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta cần thay đổi và chúng tôi đã chuẩn bị tất cả cho một sự thay đổi hòa bình. Tôi kêu gọi Tổng thống và tất cả những người làm việc cho Tổng thống tiến hành chuyển giao quyền lực trong một bầu không khí hòa bình”.

Phát biểu tại Paris, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppé cho biết, việc từ chức của Tổng thống Yemen là điều "không thể tránh khỏi" và ông cam kết "hỗ trợ cho tất cả những người đấu tranh cho dân chủ".


Quân đội Chính phủ tăng cường đàn áp các cuộc biểu tình.


Trưởng ban biên tập tờ Yemen Post Al Hakim Masmari cho biết, 60% binh lính trong quân đội đã trở thành đồng minh của những người biểu tình. "Đối với Ali Mohsen Saleh thông báo này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ‘trò chơi chính trị đã kết thúc’ và ông phải bước xuống ngay bây giờ".

Thiếu tướng Masmari cho biết cả đất nước Yemen đều không ủng hộ Saeh, ông là trung tâm của sự tham nhũng và không được tôn trọng tại Yemen. Đại sứ Yemen tại Pháp nói rằng Tổng thống Saleh phải từ chức để tránh thêm đổ máu.

Các bộ lạc mạnh nhất tại Yemen bao gồm cả bộ lạc nơi sinh ra của Tổng thống Yemen cũng yêu cầu ông phải từ chức đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phải ra đi một cách hòa bình.

Cựu đại sứ của Yemen Barbara Bodine cho rằng một thỏa thuận đàm phán có thể kết thúc cuộc khủng hoảng tại Yemen. Chính phủ sẽ không thể tồn tại được khi mà các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước và các quan chức của chính phủ đang lần lượt từ chức đi theo các phong trào dân chủ.

Tổng thống Saleh lên nắm quyền từ năm 1978 và cam kết từ chức vào cuối nhiệm kỳ của ông trong năm 2013. Tuy nhiên sau khi ông từ chức lại không có người kế nhiệm rõ ràng. Đây cũng là một trong những lý do tại sao các đồng minh thân cận nhất của ông – Mỹ và Ả Rập Saudi lo lắng về hình chính trị tại Yemen và đã không giúp đỡ ông.

Việc Tổng thống Yemen từ chức sẽ giáng một đòn mạnh đối với chính quyền Mỹ, tại Yemen Mỹ đã không ngừng giúp đỡ Tổng thống Ali Mohsen Saleh nhằm tạo dựng ảnh hưởng của mình tại đất nước này.


>> Dùng bom nguyên tử... để hút thuốc



[BDV news] Dùng tên lửa để gửi thư, dùng trực thăng quân sự để làm kem hay đun nước trà bằng súng máy là những chiêu khó tin mà quân đội từng sử dụng.

Chiến tranh là chuyện nghiêm túc thực sự vì nó liên quan đến mạng sống của con người. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là nó thiếu vắng đi sự hài hước nảy ra trong khó khăn gian khổ.

Dưới đây là những ví dụ “độc nhất vô nhị” về các phát minh do người lính sáng tạo nên trong thời khắc chiến tranh.

1. Lấy máy bay quân sự làm kem





Đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể tự làm kem bằng một chiếc máy bay. Điều này từng xảy ra trong Thế chiến thứ 2 do một phi công tên là Bill Murray nghĩ ra.

Để giảm bớt sự nhàm chán khi cứ phải ngồi chơi dưới đất, các phi công thử làm 19 l kem bằng máy bay. Người ta nối số nguyên liệu cần thiết để làm kem với một chiếc máy bay F4U Corsair. Phi công chỉ cần lái máy bay lên thật cao và khi trở về họ có hẳn một thùng kem. Tuy nhiên phương pháp này không dùng được cho các loại máy bay hiện đại.

2. Sử dụng súng máy để đun nước trà
Để giảm bớt sức nóng của nòng súng khi phải hoạt động hết công suất, người ta đặt chất lỏng, có thể là nước hay thậm chí là... nước tiểu của binh lính bên cạnh nòng súng. Nhận thấy rằng nhiệt năng của súng Vickers quá cao và lại bị lãng phí, các binh sĩ nghĩ ra sáng kiến đặt bình nước trà cạnh nòng súng để đun cho tiện. Kết quả là trà sôi chỉ trong vòng chưa đến một phút đồng hồ.

3. Dùng bom C4 để nấu ăn.
Trong chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ từng phải sử dụng bom C4 để nấu ăn. Tuy nhiên, nấu ăn bằng loại bom này có một khuyết điểm rất khó chấp nhận. Đó là nó mang lại mùi hương “kinh dị” vô cùng. Thế nhưng trong chiến tranh thì những khó khăn như thế là không thể tránh khỏi.

4. Dùng khiên chống đạn làm bàn trượt tuyết


Đây không phải là chuyện xảy ra trong thời chiến và cũng không phải phát kiến do người lính nghĩ ra. Sử dụng khiên chống đạn làm bàn trượt tuyết là một thú vui của cảnh sát Oxford.

5. Sử dụng tên lửa hành trình để chuyển thư
Tư lệnh bưu cục Mỹ thời Chiến tranh lạnh, Arthur E. Summerfield từng đề xuất lên Chính phủ giải pháp logic nhất cho vấn đề thư tín chậm chạp cuối những năm 1950. Ông là người đầu tiên dám tuyên bố:”Tàu hỏa? Sao chúng ta không dùng luôn tên lửa cho cái thứ quái đản ấy đi?” Và thế là người ta dùng tên lửa USS Barbero để chuyển phát hóa đơn tiền nước cho một khu dân cư.

6. Sử dụng bom nguyên tử để hút xì gà
Ted Taylor, một cựu quân nhân mô tả lại trải nghiệm ấn tượng nhất cuộc đời mình. Trong vụ nổ bom nguyên tử thử nghiệm tại hoang mạc Nevada bằng một quả bom hạt nhân, Ted sử dụng một tấm gương cầu lồi nhằm phản xạ lại tia phóng xạ, đồng thời dùng sức nóng của nó để đốt một điếu xì gà.


>> Người Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân



[ BDV news] Đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân hoặc triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 23/3.

Viện nghiên cứu chính sách ASAN đã tiến hành một cuộc khảo sát với người dân Hàn Quốc với hai ý tưởng được đưa ra: một là phát triển vũ khí hạt nhân trong nước, hai là triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

Kết quả cho thấy đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân trong nước thì có tới 68,6% người dân ủng hộ việc phát triển bom nguyên tử, 28,9% phản đối ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân và 2,5% còn lại không đưa ra ý kiến của mình.

Đối với việc triển khai lại các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ có 67,3% ủng hộ ý kiến này, 30,1% phản đối, và 2,6% không bình luận gì. Cuộc khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.000 người được mời tham gia trả lời.



Người dân Hàn Quốc mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng một số chính trị gia bảo thủ đã kêu gọi một chương trình phát triển hạt nhân độc lập. Hay là tái triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ để đáp trả lại các hành động mà họ cho là khiêu khích của Triều Tiên.

Hiện tại, giới chức Hàn Quốc chưa có bình luận gì về kết quả của cuộc khảo sát này. Cuộc khảo sát này cũng không đại diện cho quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về vấn đề vũ khí hạt nhân.

Quân đội Mỹ đã rút toàn bộ tên lửa hạt nhân chiến thuật ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 1991, khi hai miền Triều Tiên ký một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong chuyến thăm Seoul vào ngày 2/3, ông Robert Einhorn - cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại Giao về vấn đề không phổ biến và quản lý vũ khí hạt nhân đã loại trừ khả năng tái triển khai các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Hàn Quốc.

Việc Bình Nhưỡng tiết lộ và cho các quan chức của Mỹ thăm nhà máy làm giàu Uranium của họ vào tháng 10/2010 đã làm dấy lên mối lo ngại về vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Bình Nhưỡng cho biết nhà máy làm giàu Uranium của họ để phục vụ cho mục đích hòa bình. Tuy nhiên các chuyên gia về hạt nhân cho biết, cơ sở này có thể gia tăng số lượng dự trữ plutonium để chế tạo bom nguyên tử.


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc trình làng pháo tự hành SH-1 tầm 53 km



[VietnamDefence news]Tập đoàn công nghiệp Hoa Bác NORINCO (Trung Quốc) đã lần đầu giới thiệu pháo tự hành sản xuất loạt SH-1 155 mm, theo Jane’s Defence Weekly.



Pháo tự hành SH-1

Hệ thống được trang bị pháo 155 mm nòng dài 52 lần cỡ, lắp trên khung gầm xe tải bánh lốp cải tiến việt dã cao 6x6.

Kíp chiến đấu gồm 5 người, ngồi trong cabin bọc giáp, trang bị 1 súng máy 12,7 mm để tự vệ và bắn máy bay bay thấp, tốc độ chậm.

SH-1 có trọng lượng chiến đấu 22 tấn, tốc độ tối đa 90 km/h. Pháo 155 mm có góc tầm tối đa 70 độ, bố trí ở đuôi khung gầm, được trang bị bộ dẫn động điện để quay hướng/tầm, cũng như cơ cấu tiếp đạn để tăng tốc độ bắn và giảm tải cho kíp xe.

Tầm bắn của SH-1 phụ thuộc vào sự kết hợp đạn/liều phóng thay đổi, nhưng theo NORINCO, khi bắn đạn phản lực tích cực ERFB-BB-RA (extended-range, full-bore, base-bleed, rocket-assisted), tầm bắn tối đa có thể đạt 53 km. Cơ số đạn trên xe là 20 phát bắn.

Ngoài các đạn 155 mm tiêu chuẩn, SH-1 còn có thể bắn các tên lửa chính xác cao 155 mm dẫn bằng laser do NORINCO phát triển.

Hệ thống pháo tự hành này được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa. Mỗi pháo đều được trang bị 1 máy tính tọa độ tự động và 1 thiết bị tính phần tử bắn tự động với máy tính sơ tốc đạn.

Theo thông tin không chính thức, SH-1 được phát triển từ năm 2002 và nay đã hoàn thành. SH-1 đang có trong trang bị của ít nhất một khách hàng nước ngoài, dự đoán là quân đội Pakistan.

Hiện nay, NORINCO đang chào bán cả một họ các hệ pháo tự hành bánh lốp, có chi phí khai thác, bảo dưỡng thấp hơn, có sức cơ động chiến lược cao hơn so với các pháo tự hành bánh xích. Ngoài SH-1, họ này bao gồm SH-2 122 mm và SH-4 105 mm.


>> Hé lộ về tàu đổ bộ chở trực thăng đóng cho Thái Lan



[Vietnamdefence news] Công ty Singapore Technologies Marine (ST Marine) đã cung cấp thông tin về tàu đốc đổ bộ chở trực thăng LPD (Landing Platform Dock) đang đóng cho Hải quân Thái Lan.



Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Endurance của Hải quân Singapore


Tàu đổ bộ LPD sẽ giống với tàu đổ bộ tăng Endurance của Hải quân Singapore. Điểm khác biệt chủ yếu là không có cửa dốc ở mũi mà thay cho nó là các cửa và thang tàu ở mạn phải rộng gần 6 m cho phép bốc xếp binh khí kỹ thuật nhẹ và binh lính, Jane’s navy International cho hay.


Tàu đổ bộ chở trực thăng LPD đóng cho Hải quân Thái Lan

Hải quân Thái Lan đã ký với ST Marine hợp đồng trị giá 5 tỷ baht (144 triệu USD) để thiết kế và đóng tàu đổ bộ dài 141 m và một số xuồng đổ bộ vào tháng 11.2008 sau một cuộc thầu quốc tế.

Hợp đồng bao gồm việc đóng 2 tàu đổ bộ tăng LCM (Landing Craft, mechanised) dài 23 m và 2 xuồng đổ bộ bộ binh LCVP dài 13m. Hai tàu LCM sẽ được bố trí ở khoang đốc ở đuôi tàu LPD, còn 2 xuồng LVCP bố trí trên các giá treo xà lúp ở 2 bên sườn phần thượng tầng của tàu.

Tàu LPD sẽ dùng để chuyển chở binh khí kỹ thuật và binh sĩ, tham gia các chiến dịch yểm trợ, tìm cứu và cứu trợ nạn nhân thiên tai.

LPD được đóng từ giữa năm 2009 và dự kiến bàn giao cho Thái Lan vào nửa cuối năm 2012.

Hệ thống động lực của tàu LPD bao gồm 2 động cơ diesel Catepillar C280-12 công suất 4.060 kW mỗi động cơ. Tàu được trang bị thiết bị trợ lái ở mũi. Tốc độ tối đa 17 hải lý/h, cự ly hành trình trên biển ở tốc độ 12 hải lý/h là 5.000 hải lý. Nguồn điện được cấp bởi 4 máy phát 3512B công suất 900 kW.





Các tàu RSS Endeavour (trên) và RSS Persistence lớp Endurance của Hải quân Singapore

Công ty Đan Mạch Terma sẽ cung cấp cho tàu LPD hệ thống chỉ huy chiến đấu C-Flex với 3 công-xon đa năng, radar C-Search và tổ hợp các sensor, bao gồm radar phát hiện mục tiêu bay/mục tiêu mặt nước SCANTER 4100 với hệ thống nhận dạng địch-ta và hệ thống quang-điện tử điều khiển hỏa lực C-Fire với 1 khí tài ảnh nhiệt, 1 camera truyền hình và 1 máy đo xa laser.

Hệ thống vũ khí bao gồm 1 pháo 76 mm Super Rapid của công ty OTO Melara và 2 giá để lắp các khẩu pháo MSI Seahawk 30 mm. Ngoài ra, trên cầu chỉ huy có thể lắp 2 súng máy.

Tàu LPD có trọng tải 1.000 tấn, lượng giãn nước đầy đủ 1.600 tấn. Tàu có thể chở 300 lính. Thủy thủ đoàn 120 người (cộng 15 người của đội bay), tức là gần gấp đôi tàu Endurance, điều này cho thấy tàu của Thái Lan có trình độ tự động hóa kém hơn.





Tàu đổ bộ chở trực thăng RSS Endurance của Hải quân Singapore



>> Mỹ bất ngờ đưa 4.000 quân cấp tốc đến Libya



[Vietnamdefence news] Lầu năm góc điều động ngoài kế hoạch đến khu vực này các đơn vị hải quân tăng cường vì “nhu cầu khẩn cấp”.

Tình hình Libya tiếp tục diễn biến theo kịch bản khó lường. Trong khi đó, các nước đồng minh chống Libya chưa quyết định được ai sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch chống Libya từ tay Mỹ, và những mục tiêu cuối cùng và thời hạn chiến dịch.

Điều bí ẩn đối với họ vẫn là các kế hoạch của ông Gaddafi và giới thân cận của ông, cũng như những hành động tiếp theo của quân nổi loạn.




Trong bối cảnh bất định đó, Lầu năm góc điều động ngoài kế hoạch đến khu vực này các đơn vị hải quân tăng cường vì “nhu cầu khẩn cấp”.

Theo cổng thông tin DVIDS chuyên về tin tức quân sự, hôm 23.3, Mỹ đã điều động hơn 4.000 thủy binh và lính thủy đánh bộ tới khu vực Địa Trung Hải để chi viện cho chiến dịch Odyssay Dawn.

Số quân này lấy từ biên chế Nhóm đổ bộ Bataan (Bataan Amphibious Ready Group) và Đơn vị viễn chinh (Marine Expeditionary Unit) số 22 của Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng tàu đổ bộ đệm khí.



Đại tá hải quân Steven J. Yoder, chỉ huy nhóm đổ bộ cho biết, “các tàu đổ bộ đệm khí là tối ưu để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ, từ trợ giúp nhân đạo đến các chiến dịch quân sự trên bộ và trên biển”.

Số thủy binh và lính thủy đánh bộ này đã trải qua khóa huấn luyện tăng cường trong 1 năm và nay có khả năng “hoàn thành mọi nhiệm vụ” đặt ra.

Hiện nay, chiến dịch chống Libya có sự tham gia ở mức độ khác nhau của 13 nước, nhưng trực tiếp cho máy bay chiến đấu xuất kích và tấn công chủ yếu là Mỹ, Anh và Pháp. Từ khi bắt đầu ngày 19.3.2011, chiến dịch do Bộ chỉ huy châu Phi AFRICOM của Mỹ chỉ huy, song Mỹ dự kiến trao trả lại quyền chỉ huy cho đồng minh.



Các nước NATO đang thảo luận việc chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya cho ai, song chưa đạt kết quả. Hiện có 2 phương án là giao cho NATO hoặc cho một số nước NATO nào đó như Anh-Pháp, song NATO chưa quyết định được việc chọn phương án nào.


>> Thái Lan sắm tàu ngầm cũ từ Đức



[BDV news] Chính phủ Thái Lan đã đồng ý mua 2 tàu ngầm tấn công đã qua sử dụng từ Hải quân Đức.

Thái Lan quyết định mua tàu ngầm chạy động cơ điện - diesel Type-206A do Đức chế tạo. Chi phí cho 2 tàu ngầm này khoảng 220 triệu USD và được thanh toán vào tài khóa năm 2012.

Trước đó, hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã giới thiệu 2 mẫu tàu ngầm điện - diesel Type-209 và Type-039 cho hải quân Thái Lan.

Tuy nhiên trong chuyến thăm của các quan chức Hải quân Đức đến Thái Lan cuối năm 2010. Phía Đức đã giới thiệu loại tàu ngầm Type-206A cho hải quân nước này và họ đã đồng ý chọn loại tàu ngầm này. Ngoài ra, Hải quân Thái Lan cũng đã đàm phán để mua loại tàu ngầm Gotland của Thụy Điển.


Hải quân Thái Lan đang "khát" tàu ngầm.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, sau khi phía Thái Lan thanh toán hợp đồng vào năm 2012 thì các tàu ngầm này sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa trước khi bàn giao cho phía Thái Lan vào khoảng năm 2013-2014.

Thái Lan đã quyết định tăng cường trang bị hạm đội tàu ngầm, nâng cao năng lực xây dựng hệ thống chiến tranh chống tàu ngầm. Sau khi một loạt các nước Đông Nam Á ký kết các hợp đồng mua tàu ngầm điện – diesel mới từ nước ngoài.

Trong đó, Malaysia đã mua hai tàu ngầm Scorpion từ Pháp và đã đưa vào hoạt động trong năm 2009. Singapone đã mua hai tàu ngầm điện-diesel A17 Vastergotland của Thụy Điển. Việt Nam đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm tấn công lớp Kilo từ Nga.

Chính phủ Thái Lan đã phân bổ ngân sách khá lớn để đầu tư cho hải quân, bao gồm mua máy bay trực thăng chống ngầm S-70B7, hiện đại hóa 2 tàu khu trục mua của Trung Quốc. Đóng mới các tàu tuần tra ven biển tại nhà máy đóng tàu trong nước, mua một loạt các tàu đổ bộ được đóng tại nhà máy đóng tàu ST Marine, công ty con của Tập đoàn ST Engineering của Singapone theo một hợp đồng trị giá 140 triệu USD được ký vào cuối năm 2008.

Dự kiến hải quân Thái Lan sẽ nhận được tàu đổ bộ đầu tiên có chiều dài 141m, có khả năng mang theo hai xuồng đổ bộ dài 23m vào cuối năm 2012.


>> Vì sao F-22 vô dụng ở Libya?



[Vietnamdefence news] Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ không tham gia chiến dịch chống Liya vì không có khả năng tác chiến đối đất và không thể phối hợp tác chiến với máy bay khác.

Các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ không tham gia chiến dịch chống Libya mà nguyên nhân chính là khả năng hạn chế của F-22 về trao đổi dữ liệu với các máy bay khác và tấn công mục tiêu mặt đất, theo các chuyên gia Mỹ. Ông Loren Thompson, chuyên gia phân tích của Viện Lexington ở Arlington, Virginia, cho biết, Không quân Mỹ (USAF) đã quyết định không cho F-22 tham chiến vì máy bay này không dùng để tấn công mục tiêu mặt đất và không thể trao đổi thông tin với các tiêm kích tham gia chiến dịch do F-22 được phát triển để hoạt động chủ yếu trong điều kiện im lặng vô tuyến. Khi phát triển F-22, các kỹ sư đã phải lựa chọn giữa khả năng tàng hình của máy bay và khả năng trao đổi thông tin của nó.





F-22 Raptor (af.mil)

Người ta đã chọn ưu tiên khả năng tàng hình. Vì thế, máy bay chỉ được lắp đặt hệ thống liên lạc cho phép trao đổi thông tin trong khi bay với các máy bay F-22 khác. F-22 cũng được lắp hệ thống liên lạc tiêu chuẩn Link-16, nhưng nó chỉ hoạt động ở chế độ thu. Nhờ hệ thống này, F-22 có thể thu nhận thông tin từ các máy bay và trực thăng khác, song tự nó lại không thể truyền dữ liệu cho các máy bay, trực thăng đó.

Ông Loren Thompson nói rằng, “Các nhà thiết kế F-22 đã phải giải quyết vấn đề nan giải: trang bị cho tiêm kích này các hệ thống liên lạc để bảo đảm tính vạn năng trong sử dụng, hay là duy trì chế độ im lặng vô tuyến để tăng tính bí mật sử dụng máy bay. Kết quả là họ nghiêng về giải pháp sử dụng tổ hợp các hệ thống truyền dữ liệu hạn chế”.

Theo ông Thompson, “F-22 có thể liên lạc với các F-22 khác qua các hệ thống truyền dữ liệu trong khi bay. Qua hệ thống liên lạc tiêu chuẩn Link-16 được lắp trên đa số máy bay của các đồng minh của Mỹ, nó chỉ có thể nhận chứ không truyền dữ liệu” và “bức xạ vô tuyến từ các hệ thống truyền dữ liệu khác nhau về tiềm năng có thể làm lộ vị trí máy bay”.

Nhà phân tích này kết luận, “cùng với việc F-22 là máy bay “tàng hình” nhất trong số các máy bay chiến đấu của Mỹ, nó thiếu phần lớn các hệ thống truyền dữ liệu vốn đang sử dụng trên các máy bay chiến đấu khác”.

Máy bay cũng bị hạn chế về khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Hiện nay, F-22 có thể được trang bị 2 bom JDAM cỡ 1.000 bảng (458 kg) điều khiển bằng GPS , song bom này chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu tĩnh, không thể chống mục tiêu động.chống các mục tiêu tĩnh. Máy bay hiện chưa thể mang các bom đường kính nhỏ SDB cỡ 250 bảng (115 kg). Trong khi, 1 tiêm kích F-15E Strike Eagle có thể mang 24.000 bảng (gần 11 tấn) bom đạn.

Trước đó, người ta đã dự định bổ sung cho F-22 các bom SDB cỡ 113 kg có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu động, song chương trình này chưa được thực hiện. F-22 cũng không thể lập bản đồ địa hình giống như khả năng của các radar khẩu độ tổng hợp ở một số máy bay khác, vì thế F-22 không thể tự lựa chọn mục tiêu mặt đất.

Hiện nay, USF dự định hiện đại hóa F-22 theo chương trình Increment 3.1 vốn trù tính hoàn thiện thiết bị trên khoang, thiết bị avionics và phần mềm. Nhờ chương trình này, F-22 sẽ có khả năng lập bản đồ địa hình, lựa chọn mục tiêu mặt đất và sử dụng bom mới SDB.

Tuy vậy, sau khi hiện đại hóa, máy bay vẫn sẽ chỉ có khả năng lưaj chọn không quá 2 mục tiêu để dẫn cho 8 quả bom SDB.

Trước đó, người ta đã xem xét cả khả năng hiện đại hóa theo chương trình Increment 3.2 để mở rộng khả năng liên lạc của máy bay, song năm 2010, USAF đã từ chối cấp kinh phí cho chương trình này.

Trang airforcetimes.com cho biết, theo học thuyết sử dụng nhóm tác chiến tấn công toàn cầu của Mỹ, các máy bay F-22 được giao vai trò hộ tống các máy bay ném bom В-2 khi chúng xuyên phá hệ thống phòng không đối phương.

Tuy nhiên, Bộ chỉ huy châu Phi AFRICOM của Mỹ, cơ quan đang chỉ huy chiến dịch Odyssey Dawn đã xác nhận F-22 đã không được sử dụng trong các cuộc tập kích đường không chống Libya.

“Tôi không thấy các dấu hiệu cho thấy F-22 đã được sử dụng làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom B-2 và không thấy các dấu hiệu F-22 sẽ được sử dụng trong các phi vụ tương lai chống Libya”, - đại diện AFRICOM, thiếu tá không quân Eric Hilliard nói.

Trước đó, trước khi chiến dịch chống Libya bắt đầu, Tướng Norton Schwartz, Tham mưu trưởng USAF, khi phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, đã nói rằng, trong giai đoạn đầu không kích nhằm vào các radar phòng không Libya, các tiêm kích F-22 sẽ được sử dụng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng “bênh vực” F-22. Họ cho rằng, một trong những nguyên nhân F-22 không được dùng đến trong các cuộc không kích là “đơn giản không cần đến máy bay này để chế áp hệ thống phòng không tương đối thô sơ và cổ lỗ của Libya”.

Chiến dịch quân sự của phương Tây ở Libya có mật danh Odyssey Dawn mở màn ngày 19.3.2011. Tham gia chiến dịch, từ phía liên quân có các tiêm kích F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Rafale và Tornado của không quân Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Italia.

Nhiệm vụ chế áp điện tử chống các radar và hệ thống phòng không của quân đội Libya do các máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ đảm nhiệm.


>> Hệ thống MEADS tiến hành thử nghiệm



Hệ thống phòng không tầm trung mở rộng MEADS đang tiến hành các thử nghiệm đầu tiên ở căn cứ quân sự của Italy.

Hệ thống phòng không tầm trung mở rộng MEADS(*) là sản phẩm hợp tác sản xuất giữa Mỹ, Đức và Italy đang tiến hành các thử nghiệm đầu tiên tại căn cứ Pratica di Mare ở Italy. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự sẵn sàng hòa nhập vào mạng lưới phòng không của hệ thống MEADS.

Các thử nghiệm ban đầu bao gồm, thực nghiệm khả năng phóng tên lửa, tích hợp hệ thống radar kiểm soát bắn đa chức năng MFCR, chứng minh khả năng ứng phó của hệ thống MEADS trong một cuộc không chiến mô phỏng.

Sau khi trải qua quá trình thử nghiệm tại căn cứ Pratica di Mare, hệ thống MEADS sẽ tiếp tục trải qua quá trình thử nghiệm và hoàn thiện khả năng tại Trung tâm thử nghiệm tên lửa White Sand tại Mỹ vào đầu năm 2012.

Các xe phóng của hệ thống MEADS có khả năng cơ động chiến thuật rất cao, mỗi xe phóng mang 8 tên lửa và được trang bị loại tên lửa đối không PAC-3 MSE thế hệ mới.

Tên lửa PAC-3 MSE được trang bị một động cơ mạnh hơn, tăng cường lực đẩy, vây ổn định lớn, thay đổi cấu trúc khí động học để tên lửa nhanh nhẹn hơn. Phần mềm kiểm soát bay mới, cảm biến tinh vi hơn, áp dụng công nghệ “hit-to-kill”(truy đuổi - đến - tiêu diệt) tiên tiến nhất thế giới. Cải tiến hệ thống dẫn đường TVM(Track-via-missile có nghĩa là "bám theo đạn"). Các sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi của tên lửa lên đến 50% so với tên lửa PAC-3 nguyên bản.

PAC-3 MSE cung cấp các tên lửa hiệu năng cao, có khả năng tác chiến tại các độ cao lớn hơn nhiều so với PAC-3. Nó cho phép đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa cùng lúc từ máy bay, tên lửa đạn đạo chiến thuật hay tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hệ thống MEADS có trường quan sát 360 độ , cung cấp khả năng tác chiến đối không từ mọi hướng với nhiều mối đe dọa khác nhau.

Cấu hình của hệ thống MEADS bao gồm xe phóng cơ động, trung tâm chỉ huy và kiểm soát bắn thông minh BMC4I TOC, với cấu trúc kiểu trung tâm kết nối mạng dạng mở, cho phép kết nối nhiều hệ thống cảm biến khác nhau để tạo thành một hệ thống thống nhất. BMC4I TOC hoạt động theo nguyên tắc “plug-and-fight”(kết nối và chiến đấu), radar tìm kiếm mục tiêu đường biển, radar tìm kiếm mục tiêu đường không, radar điều khiển hỏa lực đa chức năng MFCR.



Mô phỏng hệ thống MEADS.

MEADS cung cấp khả tác chiến vượt ra ngoài bầu khí quyển. Kết hợp các hệ thống radar, thông tin liên lạc đa quốc gia tạo nên một mạng lưới phòng không trên diện rộng, giúp các quốc gia trong chương trình đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ trên không.

Tổng giám đốc của chương trình Gregory Kee cho biết “MEADS sẽ cung cấp khả năng vượt trội với sự linh hoạt chưa từng có so với các hệ thống hiện hành.Tầm bao quát 360 độ sẽ mang lại khả năng đối phó hiệu quả với máy bay chiến đấu, cách nhận thức tình huống và giải quyết các mối đe dọa từ mọi hướng”.

MEADS cho phép bảo vệ trên một diện tích rất rộng lớn, điều đó sẽ giảm đáng kể về nhân sự và trang thiết bị phòng không trong khi vẫn đảm bảo và duy trì năng lực tác chiến.

Hệ thống MEADS được phát triển để bổ sung và thay thế dần các hệ thống tên lửa đối không Patriot PAC-2/3 của Mỹ, hệ thống phòng không Nice Hercules của Italia, hệ thống phòng không Hawk của Đức. Tỷ lệ góp vốn của chương trình được phân chia như sau, Mỹ 58%, Đức 25%, Italia 17%. Dự kiến hệ thống sẽ bắt đầu phục vụ trong biên chế các nước vào năm 2014.

(*) MEADS - Medium Extended Air Defence System: Hệ thống phòng không tầm trung mở rộng.


>> Thổ Nhĩ Kỳ muốn điều chiến hạm tới Libya



Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất triển khai các chiến hạm để giúp NATO thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya, báo chí thế giới dẫn nguồn tin từ NATO ngày 23/3 cho hay.

Trước đó, hôm 17/3 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh thiết lập vùng cấm bay đối với Libya và cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường tránh các cuộc tấn công của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào các thành phố do lực lượng nổi dậy kiểm soát.

Theo báo chí quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất sẽ triển khai 5 chiến hạm, bao gồm 4 khinh hạm và một tàu phục vụ, cùng với một tàu ngầm để giúp thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya.




Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến hạm tới tham gia phong tỏa Libya.


Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối sự can thiệp quân sự tại Libya. Hiện vẫn chưa có sự xác nhận chính thức của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về đề xuất triển khai số tàu chiến này.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Pháp đã đạt được thoả thuận rằng NATO cần phải giữ vai trò chính trong chiến dịch quân sự tại Libya.

Vào ngày 22/3, Cao ủy Liên minh châu Âu ông Catherine Ashton phụ trách Chính sách Ngoại giao và An ninh đã xác nhận rằng cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang tiến hành.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO đã hoàn thành kế hoạch về vùng cấm bay và việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí tại Libya. Đồng thời tất cả các thành viên của liên minh quân sự NATO đã “cam kết thực hiện trách nhiệm của mình theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực không thể chấp nhận được đối với thường dân Libya.”

Mỹ đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 14 công ty Libya thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, mà Mỹ cho là “trung tâm của hệ thống dầu khí quốc gia Libya” và là “nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho chế độ Gaddafi.”

Mới đây, đài truyền hình quốc gia Libya đưa tin có ít nhất 60 thường dân thiệt mạng và hơn 150 người khác bị trọng thương trong các cuộc không kích liên tiếp của lực lượng Liên quân NATO.


>> Mount Whitney - Tàu chỉ huy Mỹ trong chiến dịch Libya



[Vnexpress news] Trong chiến dịch tấn công Libya, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ huy động 11 tàu hải quân các loại và tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Samuel Locklear từ tàu USS Mount Whitney.

USS Mount Whitney là loại tàu chỉ huy lớp Blue Ridge là đầu não ra mệnh lệnh của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Kể từ khi được hạ thủy năm 1969, chiếc tàu có trọng tải 18.400 tấn này đã trải qua hơn 4 thập kỷ hoạt động tại rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Bản thân tên của tàu chỉ huy này cũng có xuất xứ thú vị. Mount Whitney (Đỉnh Whitney) là một đỉnh núi tuyết thuộc dãy Sierra Nevada của bang California. Đặc biệt hơn, Mount Whitney chính là đỉnh núi cao nhất Hoa Kỳ lục địa (không tính tiểu bang Alaska) với độ cao 4.421 m.



Một binh sĩ đang thao tác với máy tính trên tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Life.

Không chỉ gây chú ý từ cái tên đặc biệt, USS Mount Whitney còn thực sự là một tàu hải quân được trang bị tối tân. Tàu có thể truyền và nhận một lượng lớn dữ liệu an ninh trên khắp thế giới thông qua các kênh liên lạc đa dạng. Tính năng ưu việt này giúp USS Mount Whitney trở thành một trung tâm đầu não xử lý các thông tin tình báo và hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách chính xác.

Với chiều dài 189 mét và rộng 33 mét, chiếc tàu hải quân 42 năm tuổi này từng là nơi làm việc và sinh hoạt của 600 người cho tới tận năm 2004, trước khi số lượng này được tinh giảm xuống còn 12 sĩ quan hải quân, 150 binh nhì và 155 thủy thủ dân sự. USS Mount Whitney cũng chính là chiếc tàu đầu tiên của hải quân Mỹ có sự tham gia phục vụ lâu dài của nữ giới.

USS Mount Whitney được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tên lửa chống tàu, 2 khẩu pháo M242 Bushmaster 25 mm, 4 súng máy tự động và nhiều hỏa tiễn Mark 36 SRBOC. USS Mount Whitney hiện có kèm theo một trực thăng cơ động SH-60 Knight Hawk. Trong 90 ngày liên tiếp, tàu hải quân này không cần phải tiếp thêm lương thực và thậm chí có thể vận chuyển hàng hóa cũng như thực phẩm các loại để cứu trợ khẩn cấp cho khoảng 3.000 người.

Kể từ năm 1971 tới năm 2004, USS Mount Whitney lần lượt hoạt động tại Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Caribbean, Ấn Độ Dương và Vùng Sừng Châu Phi với nhiều nhiệm vụ khác nhau trước khi tới Gaeta (Italia) vào năm 2005. Kể từ đây, tàu hải quân này mang tên chính thức là USS Mount Whitney và đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy Hạm đội 6 thay cho tàu hải quân USS La Salle.


Tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Clker.


Tháng 08/2008, USS Mount Whitney trở thành tàu hải quân đầu tiên của NATO cập cảng Poti (Gruzia) để tham gia công tác viện trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến 10 ngày giữa Nga và Gruzia. Gần đây nhất, USS Mount Whitney trở thành cơ quan chỉ huy của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến dịch tấn công Libya.

Tính từ tháng 02/2005 khi cập cảng Gaeta và trở thành tàu chỉ huy của Hạm đội 6, USS Mount Whiney đã trải qua hơn 32.000 dặm ngang dọc khắp các hải phận với nhiều nhiệm vụ đa dạng. Nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch tấn công Libya chính là một cột mốc tiếp theo đánh dấu tầm quan trọng của chiếc tàu này đối với hải quân Mỹ nói riêng và quân đội nước này nói chung.


>> Khám phá 'sào huyệt' của đại tá Gadhafi



Hiện không ai có thể biết đại tá Muammar Gadhafi ở đâu, nhưng nhà lãnh đạo của Libya chắc hẳn sẽ rất nhớ khu Bab al-Azizia, nơi được coi là "sào huyệt" của ông suốt nhiều năm qua.

Trong tiếng Ảrập, Bab al-Azizia có nghĩa là "Chiếc cổng tráng lệ". Đây là trung tâm đầu não của chế độ Gadhafi và luôn được ví như một biểu tượng tranh đấu của nhà lãnh đạo đất nước Libya. Không chỉ phục vụ mục đích quân sự, Bab al-Azizia đồng thời cũng là nơi ở của gia đình Gadhafi và rất nhiều bữa tiệc linh đình đã được tổ chức tại đây.

Tuy nhiên, so với những dinh thự nguy nga của các ông hoàng Ảrập hay những gia tộc giàu có ở vùng Vịnh, đại bản doanh của đại tá Gadhafi có phần khiêm tốn hơn rất nhiều.




Cảnh đại tá Gadhafi thề chống lại Mỹ và phương Tây hôm 22/02, với nền phía sau là "Ngôi nhà kháng chiến" đổ nát. Ảnh: Shahidulnews.

Sở hữu khối tài sản được ước tính lên tới vài chục tỉ USD nhưng nhà lãnh đạo Libya không thể rảnh tay xây cho mình một lâu đài nguy nga bên bờ Địa Trung Hải. Vốn là cái gai từ lâu trong mắt Mỹ và nhiều nước phương Tây, Gadhafi luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công và sẽ chẳng ích gì khi cố sức xây một lâu đài khi biết rằng nó sẽ liên tục bị đánh phá.

Rộng 6 km2 và nằm cách không quá xa sân bay quốc tế Tripoli, Bab al-Azizia là một mục tiêu không quá khó để xác định trong các cuộc không kích. Ngày 15/4/1986, nhận lệnh trực tiếp từ cựu Tổng thống Ronald Reegan, 13 máy bay Mỹ đã ném bom khu nhà ở của gia đình Gadhafi ở khu vực trung tâm Bab al-Azizia.

Đây là hành động trả đũa của Mỹ sau vụ đánh bom tại một sàn nhảy ở Berlin khiến 2 công dân nước này thiệt mạng, vụ tấn công mà Libya bị cáo buộc thực hiện. Tuy nhiên, được sự cảnh báo từ Malta và Italia, Gadhafi đã kịp thoát khỏi khu nhà và chỉ bị thương nhẹ. Ngoài việc khu nhà bị phá hủy một phần, tổn thất đáng kể được Gadhafi khẳng định đó là cô con gái nuôi 15 tháng tuổi Hana thiệt mạng và 2 trong số những người con trai của ông bị thương.

Mặc dù vậy, sự thật về Hana vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi nhiều thông tin khẳng định cô con gái nuôi này của Gadhafi chỉ là câu chuyện được dựng lên nhằm tuyên truyền lòng căm thù Mỹ và phương Tây trong dân chúng Libya.

Cho tới nay, khu nhà này vẫn chưa được xây lại. Tuy nhiên, nó đã được mang một cái tên mới là "Ngôi nhà kháng chiến". Ngay phía trước khu nhà, Đại tá Gadhafi cho dựng lên một tượng đài lớn có hình cánh tay trái màu vàng đang bóp nát một chiến đấu cơ của Mỹ. Kể từ đó, "Ngôi nhà kháng chiến" thường xuyên được Gadhafi sử dụng làm nền cho những lần xuất hiện trên truyền hình, như khi ông lên tiếng phản đối phán quyết vụ Lockerbie vào năm 2001 hay gần đây là những tuyên bố chống lại Mỹ và phương Tây hồi tháng trước.

Cũng chính tại tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng này, nhiều thường dân Libya đã đến tụ tập và có những hành động thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Gadhafi. Họ được coi là lá chắn sống để bảo vệ nhà lãnh đạo Libya trước các cuộc không kích của liên quân.

Chếch lên phía tây bắc khoảng 400 mét so với "Ngôi nhà kháng chiến" là căn lều theo kiểu du mục Ảrập của nhà lãnh đạo 68 tuổi. Đây là 1 trong số 4 nơi ở chính của ông trong suốt hơn 4 thập kỷ nắm quyền tại Libya. Năm 2004, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Shroeder từng có mặt trong căn lều này khi thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức tới Libya.

Vụ không kích diễn ra tuần trước của liên quân đã đánh sập hầu như toàn bộ một tòa nhà chỉ huy trung tâm cao 50 mét và chỉ cách căn lều kể trên vài bước chân. Lực lượng liên quân cho hay họ coi tòa nhà này là mục tiêu đánh phá, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Gadhafi và lực lượng quân đội trung thành với ông.

Ở phía đông nam của Bab al-Azizia là một sân bóng đá dành cho các gia đình sinh sống gần đó. Theo mô tả của BBC, khu nhà ở của các gia đình này gợi lại hình ảnh của những trại tập trung người tị nạn tại dải Gaza. Người ta cho rằng nhiều khả năng những ngôi nhà này không chỉ phục vụ mục đích dân sinh mà có cả mục đích quân sự.



Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Philippines đua sức mạnh quân sự với Trung Quốc và Malaysia ở Biển Đông


[Vitinfo news] Quân đội Philippines đang tụt hậu so với Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia, trong việc phát triển khả năng phòng thủ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đang có tranh chấp.



Bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.


Theo nguồn tin, Quân đội Philippines cho biết các nước có tuyên bố chủ quyền - ngoại trừ Đài Loan và Brunei - đã tăng cường khả năng phòng thủ tại các đảo nhỏ và bãi cát ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước hết là Malaysia
Từ một đảo nhỏ bắt đầu chiếm đóng vào năm 1984, Quân đội Malaysia hiện đã triển khai các binh sĩ trên 5 hòn đảo.

Được biết, tại bãi cạn Swallow (bãi Hoa Lau) do Malaysia chiếm đóng, hiện đang có một đường băng dài 1.200 mét cùng với một căn cứ hải quân nhỏ trên hòn đảo được gọi là Layang-Layang, vốn đã được quy hoạch thành khu du lịch lặn cho du khách.

Theo các nguồn tin cho biết, đường băng có thể phục vụ các máy bay vận tải dân sự và quân sự hạng nặng. Sân bay này chỉ mất một giờ bay từ Kota Kinabalu và được xem là rất quan trọng để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của của Malaysia.

“Các căn cứ không quân của Malaysia đặt tại Kota Kinabalu và Labuan có thể được sử dụng để tiến hành xuất kích các máy bay hiện đại F-18 của Mỹ và MIG-29 Fulcrum của Nga. Tuy nhiên, các căn cứ này không đề cập đến việc triển khai các tàu khu trục mang tên lửa tầm trung và tầm xa của Malaysia,” theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Philipppines cho hay.

Đồng thời, báo cáo của Bộ Quốc phòng Philipppines cũng trích dẫn kế hoạch của Malaysia về việc mua sắm máy bay Sukhoi SU-35 mới từ Nga.

Tiếp đó là Trung Quốc

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết các bức ảnh chụp trong quá trình thực hiện tuần tra định kỳ quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phía Philippines gọi là quần đảo Kalayaan, cho thấy Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng lực lượng quân sự trong khu vực bất chấp đã tham gia ký kết Tuyên bố ứng xử Biển Đông năm 2002.

Theo đó, các bức ảnh trinh sát mới nhất chụp trong năm 2010 cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều súng máy khác nhau và lắp đặt các thiết bị ăng-ten thông tin liên lạc, cũng như triển khai các tàu hải quân neo tại bãi đá Chigua (bãi đá Gạc Ma).

Chưa hết, Trung Quốc còn tiến hành phát triển khả năng giám sát quân sự ở bãi Cuarteron (bãi Châu Viên), trong khi xây dựng bãi Fiery Cross (bãi Chữ Thập) trở thành trung tâm thông tin liên lạc và nghiên cứu hải dương học.

“Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm xây dựng khả năng phòng thủ tại khu vực đảo tranh chấp,” báo cáo cho biết.

Hành động của Philippines
Hiện tại, Bộ Tư lệnh Miền Tây Philippines(Wescom) được yêu cầu khẩn trương sửa chữa đường băng trên đảo Pag-Asa (đảo Thị Tứ), hòn đảo lớn nhất trong số các đảo có binh sĩ quân đội Philippines đồn trú. Kể từ khi xây dựng sân bay trên đảo Thị Tứ từ những năm 1970, sân bay này chưa bao giờ được tiến hành sửa chữa lớn.

Các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Miền Tây Philipppines (Wescom) cho biết, công việc sửa chữa và phục hồi hoạt động của sân bay Rancudo phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để không cho phép làm xói mòn đất gây thiệt hại hơn nữa cho đường băng.

“Sau khi sửa chữa, sân bay phải cho phép phục vụ các máy bay vận tải hạng nặng và máy bay chiến đấu, giống như đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam (Philippines gọi là đảo Lagos) và bãi Swallow (bãi Hoa Lau) của Malaysia,” một quan chức cấp cao của Wescom tiết lộ trong điều kiện giấu tên.

>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.1)


[ Vitinfo news] Alexander Khramchikhin A, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và quân sự Nga, là tác giả của hàng trăm bài báo về chính sách đối ngoại và về các vấn đề quốc phòng. Bài báo dưới đây của Alexander Khramchikhin nói về lực lượng vũ trang Trung Quốc từ các nguồn tin của phương Tây.







>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.2)

Phần I: Tổng quan

Việc nghiên cứu và tìm hiểu về Quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc (QĐGPNDTQ - tên gọi chính thức của lực lượng vũ trang Trung Quốc) rất khó khăn vì mọi thông tin về tổ chức này bị “đóng kín” hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tế và xã hội của một đất nước khá khép kín. Chỉ có các thông tin công khai về các cơ quan lãnh đạo cao nhất và cấu trúc chung của QĐGPNDTQ (các quân, binh chủng và các quân khu theo lãnh thổ). Vì thế, nguồn các thông tin chi tiết về QĐGPNDTQ chủ yếu có được từ các nguồn tin tình báo của phương Tây.

Ủy ban Quân sự Trung ương UBQSTƯ (có quyền hạn xây dựng các bộ luật trong lĩnh vực quân sự) thực hiện việc lãnh đạo QĐGPNDTQ. Về hình thức UBQSTƯ độc lập với Đảng và trực thuộc Hội nghị đại biểu nhân dân Trung quốc (Quốc hội). Tuy nhiên, UBQSTƯ và Quân ủy trung ương của Đảng cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) theo thông lệ thường do cùng một người lãnh đạo. Thành phần của các cơ quan này theo Hiến pháp năm 1982 cũng hoàn toàn giống nhau. Chức vụ Chủ tịch UBQSTƯ trên thực tế được coi là chức vụ quan trọng nhất ở Trung Quốc. Chỉ sau khi nắm giữ được chức vụ này mới có thể được coi là nhà lãnh đạo thật sự của đất nước. Trong thành phần Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ lực lượng cán bộ trung cao cấp quân đội chiếm trên 20%. QĐGPNDTQ, đặt dưới lãnh đạo của ĐCSTQ, không chỉ để bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù bên ngoài, mà còn để giải quyết các vấn đề nội bộ của Trung quốc.

UBQSTƯ lãnh đạo bốn quân chủng (lực lượng hạt nhân chiến lược, lục quân, không quân, hải quân) và bảy quân khu (Bộ chỉ huy các quân khu đặt ở Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh , Lan Châu, Quảng Châu và Thành Đô), thông qua Bộ Tổng tham mưu và ba Tổng cục (chính trị, hậu cần, trang bị). Riêng lực lượng hạt nhân chiến lược do UBQSTƯ trực tiếp lãnh đạo. Việc di chuyển lực lượng giữa các quân khu và di chuyển lực lượng trên một tiểu đoàn phải được UBQSTƯ cho phép.

Bộ quốc phòng nằm trong thành phần của Hội đồng Nhà nước (chính phủ), thực hiện việc lãnh đạo hàng ngày lực lượng vũ trang. Tổng cục chính trị lãnh đạo công tác đảng và tuyên truyền giáo dục trong quân đội. Tổ chức đảng có ở tất cả các đơn vị QĐGPNDTQ. Không có chữ ký của chính trị viên thì không một mệnh lệnh nào, kể cả mệnh lệnh chiến đấu, là có hiệu lực.

Quân đội Trung Quốc được tổ chức theo luật nghĩa vụ quân sự. Tuổi nhập ngũ là 18 tuổi. Thời hạn nghĩa vụ quân sự là 2 năm. Do quá dư thừa nguồn gọi nhập ngũ nên việc tuyển quân mang tính chọn lọc. Quân đội có điều kiện tuyển chọn những thanh niên tốt nhất vào quân đội. Trong quân đội Trung quốc cũng có một bộ phận quân nhân làm việc theo hợp đồng, thời gian từ 3 đến 30 năm. Về số lượng, lực lượng vũ trang Trung quốc đã giảm dần từ 4.238.000 người vào năm 1985 xuống còn 2.300.000 người vào năm 2006. Đàn ông từ 18 đến 35 tuổi, không được gọi nhập ngũ, sẽ tham gia lực lượng dự bị trong hệ thống dân quân tự vệ. Lực lượng dự bị hiện nay có số lượng là 36,5 triệu người.

Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung quốc, được thành lập tháng 6 năm 1982, là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ nội bộ của Trung quốc (bảo vệ biên giới, bảo vệ các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế, nhà tù, đảm bảo ổn định nội bộ..v..v..). Cảnh sát vũ trang nhân dân có 1,5 triệu người. Một số đơn vị quân đội được chuyển sang lực lượng này, bao gồm cả một số sư đoàn bộ binh. Sự phân chia chức năng nhiệm vụ giữa quân đội, cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ hình thành trên cơ sở quan điểm xây dựng “hệ thống tam đồng lực lượng vũ trang” từ năm 1983, một phần của học thuyết quân sự Trung Quốc.

Trung Quốc đang nhanh chóng tăng chi phí quân sự nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tốc độ tăng chi phí quân sự là 1,5-2 lần cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP 14-18% hàng năm của Trung quốc. Nếu năm 2001 chi phí quân sự là 17,4 tỷ đô la, thì năm 2009 chi phí quân sự của Trung quốc đã đạt tới con số 70,2 tỷ đô la. Không những thế, tất cả các nhà nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng con số chính thức về chi phí quân sự của Trung quốc đã bị hạ thấp so với thực tế từ 1,5 đến 3 lần, bởi vì trong số liệu chính thức không hề tính đến các chi phí nhập khẩu vũ khí, doanh thu xuất khẩu vũ khí, chi phí cho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân chiến lược, chi phí cho Cảnh sát vũ trang nhân dân, đầu tư cho nghiên cứu và công nghiệp quốc phòng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách lực lượng vũ trang, Quân đội Trung quốc đã được quyền hoạt động kinh doanh thương mại, một việc chưa từng có trong thế giới hiện đại. Kinh doanh thương mại của Quân đội Trung quốc bao gồm 72 ngành nghề, trong số đó có cả các câu lạc bộ ban đêm, kinh doanh bất động sản, các xí nghiệp khai thác mỏ. Theo đánh giá của phương Tây, Quân đội Trung Quốc sở hữu 15.000 doanh nghiệp với thu nhập hàng năm là 18 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh thương mại của Quân đội trên thực tế đã không được các cơ quan của nhà nước kiểm soát, vì vậy ở đây có thể dễ dàng thực hiện kinh doanh bất hợp pháp, như buôn lậu chẳng hạn. Tham nhũng ngày càng lan rộng, vì vậy năm 1998 các hoạt động kinh doanh thương mại trong quân đội Trung Quốc đã bị cấm.

Các mặt mạnh của Quân đội Trung quốc: có nguồn bổ sung không giới hạn về con người, có lực lượng hạt nhân chiến lược và vũ khí hủy diệt hàng loạt, có tên lửa đạn đạo, có lãnh thổ rộng lớn tạo nên lợi thế chiều sâu chiến lược, sẵn sàng chịu tổn thất cao. Quân đội Trung quốc đứng đầu thế giới về quân số (2,3 triệu người, nguồn lực có thể huy động - 208,1 triệu người), thứ ba thế giới (sau Nga và Mỹ) về số lượng xe tăng (7,6 nghìn), thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số lượng máy bay chiến đấu (khoảng 4000), và đứng đầu thế giới về tổng số tàu ngầm hạt nhân đa chức năng và tàu ngầm diesel.

Mặt yếu của Quân đội Trung Quốc là sự lạc hậu về trang bị: phần lớn vũ khí (trên 70% xe tăng, trên 80% máy bay chiến đấu) là vũ khí của Liên Xô cũ, không đáp ứng các yêu cầu hiện nay. Có thể thấy thêm các mặt yếu khác của Quân đội Trung Quốc là đảm bảo hậu cần kém; các hệ thống thông tin, chỉ huy, trinh sát, tác chiến điện tử chưa phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Trung Quốc đang nhanh chóng nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang của mình bằng cách mua các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga. Trung quốc cũng tiến hành tự sản xuất các loại vũ khí, kết hợp công nghệ của Nga và phương Tây (như xe tăng Type-96, máy bay chiến đấu J-10). Ngoài ra, Trung Quốc còn mua các công nghệ quân sự mới nhất (của Nga và phương Tây) thông qua mọi con đường công khai lẫn không công khai. Một số nhà bình luận cho rằng ngay từ năm 2002 Trung Quốc đã có bước đột phá về công nghệ, trong nhiều lĩnh vực đã vượt cả Nga.

Các quân, binh chủng của Quân đội Trung Quốc, quan điểm của lãnh đạo Trung quốc và quân đội Trung quốc về tình hình thế giới, các kế hoạch chiến lược và chính sách bành trướng… sẽ được trình bày cụ thể trong các bài tiếp theo.





>> Tên lửa phòng không cơ động và vác vai của Libya còn sống sót


[Vietnamdefence news] Một số phương tiện chiến đấu của phòng không Libya, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không cơ động SA-6 (Kvadrat) và SA-8 (Osa) đã tránh khỏi bị tiêu diệt sau cuộc tấn công đầu tiên chống các hệ thống phòng không tĩnh tại.


Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống phòng không và radar báo động sớm của Libya đã bị tiêu diệt, Phó đô đốc Mỹ Bill Gortney cho biết.

Ông cũng cho biết, đang có sự “suy giảm hoạt động đáng kể của các radar phát hiện mục tiêu bay của Libya”.

Kinh nghiệm các chiến dịch quân sự trước đó cho thấy, việc phát hiện và tiêu diệt một số hệ thống phòng không cơ động có thể mất nhiều thời gian. Mặc dù, các hệ thống này đang không hoạt động ở chế độ chiến đấu, việc sử dụng các máy bay tác chiến điện tử EA-18G sẽ giúp chế áp, ngăn chặn sử dụng các hệ thống đó nếu như Libya cố sử dụng chúng. Phạm vi sử dụng sức mạnh quân sự khắt khe có lẽ sẽ tạo ra những hạn chế trong sử dụng tên lửa chống radar nhằm vào các đài radar và trong trường hợp này nhiễu sẽ được sử dụng.

Việc triệu hồi các tiêm kích-bom Tornado GR4 của Không quân Anh đang thực hiện một cuộc tập kích tầm xa cho thấy mức độ hạn chế trong sử dụng sức mạnh quân sự. Lý do hủy bỏ cuộc tấn công là việc phát hiện có dân cư trong khu vực mục tiêu.

Ông Gortney cũng cho biết, Libya còn một số lượng lớn tên lửa phòng không vác vai SA-7 (Strela). Trong khi đó, Qatar đã thông báo việc 4 tiêm kích Mirage 2000 của họ tham gia thiết lập vùng cấm bay ở Libya




>> Nhật, Libya rối loạn đem lại nhiều lợi ích cho Nga


[BDV news]Nguồn cung dầu lớn là Libya bị ngừng trệ và Nhật thiếu năng lượng do đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân khiến các bên liên quan càng cần dầu, khí đốt của Nga.

Châu Âu thiếu dầu
 Libya là nước sản xuất dầu lớn thứ 18 thế giới với thị trường chủ yếu là châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Đức. Do đó, khi tình hình Libya bất ổn, nguồn cung dầu từ Libya cũng bị ngưng trệ, châu Âu rơi vào cảnh thiếu năng lượng.



Dầu từ Libya chủ yếu chảy sang châu Âu.


Nhiều nước xuất khẩu dầu khác như Arabia Saudi…trấn an châu Âu, rằng họ sẽ tăng sản lượng để bù đắp vào khoản thiếu hụt này.

Tuy nhiên, thực tế thì dầu thô của Libya có chất lượng cao, phần lớn lượng dầu có trong 1,5 triệu thùng/ngày xuất ra bên ngoài là dầu nhẹ và ngọt (có lượng lưu huỳnh thấp, dễ lọc và sản xuất thành xăng và diêzen nhiên liệu).

Chỉ có 25% dầu của thế giới có cùng chất lượng như vậy. Do đó, thâm hụt từ Libya có nghĩa là thâm hụt 9% của loại dầu này. Dầu thô của Arab Saudi là loại dầu nặng và chua, nên dù có sản xuất ra cũng không thể là một thay thế hoàn hảo cho dầu của Libya. Nói cách khác, Libya bất ổn, nguồn cung bị ngưng trệ, châu Âu rơi vào cảnh thiếu năng lượng.

Bằng chứng dễ thấy nhất là cuối tháng trước, Italy phải đề nghị công ty năng lượng của Nga là Gazprom tăng lượng khí đốt từ mức 30 triệu m3 một ngày lên 48 triệu m3 một ngày sau khi công ty năng lượng của Italy là ENI phải đóng một đường ống chính vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Libya về Italy.


Hàng loạt nhà máy hạt nhân phải đóng cửa.

Tình hình ở Nhật còn tồi tệ hơn khi nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân, nơi cung cấp khoảng 30% nguồn năng lượng cho toàn đất nước mặt trời mọc. Cộng với nhu cầu có thêm năng lượng sản xuất, tái thiết…Nhật càng cần năng lượng từ bên ngoài và xung quanh họ, chỉ có Nga mới có thể đáp ứng yêu cầu này.

Xét trên quy mô toàn cầu, từ khi xảy ra khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ... khẳng định sẽ xem xét lại chiến lược năng lượng nguyên tử. Thậm chí, Đức còn đóng luôn 7 lò phản ứng hạt nhân cũ nhất của họ.

Một nhà phân tích của ngân hàng Deutsche của Đức cho rằng, chỉ cần 10% số nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới đóng cửa vì lý do an toàn, loài người cần thêm 7 tỷ m3 khí thiên nhiên một ngày.

Nhiều nhà phân tích khẳng định, khủng hoảng hạt nhân ở Nhật làm xói mòn niềm tin của loài người vào năng lượng nguyên tử nhưng điều này lại là tín hiện tốt cho khí đốt như là nguồn năng lượng thay thế hợp lý.

Khí đốt có khả năng lên ngôi.


Thời cơ vàng của Nga
Chỉ cần điểm qua vài nét như trên, dễ thấy là năng lượng hạt nhân sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, nếu không muốn nói là sẽ thụt lùi. Tuy nhiên, đây lại là thời cơ của các loại năng lượng khác, nhất là khí đốt.

Tranh thủ thời cơ này, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller khẳng định: "Chúng tôi có thể bơm thêm 50-70 triệu m3 sang châu Âu” dù quyết định cuối cùng phụ thuộc vào các nhà tiêu dùng.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Igor Sechin cho biết là Gazprom dự định tăng nguồn cung khí đốt hóa lỏng sang Nhật thêm 100.000 tấn trong hai tháng 4 và 5; bên cạnh kế hoạch “chuyển” cho Nhật 6.000 megawatt điện trong tương lai gần.

Còn tính về lâu dài, Nga định tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu sang Nhật trong năm nay lên mức 18 triệu tấn và tăng lượng sản phẩm dầu khí 28,5% lên mức 4,5 triệu tấn nhằm giúp Nhật vượt qua khó khăn.

Nhật là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới và chủ yếu họ phải nhập khẩu. Mỗi năm, họ tiêu thụ hết khoảng 80 tỷ m3 khí thiên nhiên, chiếm 15% tổng nhu cầu nhiên liệu của họ. Nhật cũng là nước nhập khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Phó giám đốc điều hành của Gazprom là Alexander Medvedev tuyên bố, việc Nga, Nhật cùng hợp tác trong khai thác hai mỏ Kovykta và Chayanda sẽ giúp Nhật giải quyết các khó khăn năng lượng mang tính chiến lược.

Phó Thủ tướng Igor Sechin thông báo, Nhật cũng lên kế hoạch hợp tác với hãng sản xuất dầu lớn nhất của Nga là Rosneft nhằm xây một cơ sở chế biến dầu tại Viễn Đông.

“Chúng tôi cũng đề nghị Nhật hợp tác với Nga trong các dự án lọc dầu. Tôi có thể nói là hai bên sắp đạt được hiệp định. Chúng tôi cũng thống nhất tăng nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn cho Nhật”, ông Sechin chia sẻ.


Ông Putin "biến" Nga thành Arabia Saudi về khí đốt tự nhiên, đủ sức tự mình ổn định thị trường thế giới.


Tổng giám đốc điều hành công ty khí đốt và dầu ENI của Italy Paolo Scaroni nhận định, khủng hoảng ở Nhật và bất ổn tại Libya sẽ củng cố vị thế của Nga tại thị trường năng lượng châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Một quan chức của Gazprom từ chối bình luận về tác động của các sự kiện ở Nhật, Libya với họ nhưng ông cũng thừa nhận là đây là tin tốt cho các nhà sản xuất năng lượng, trong đó có Gazprom.

Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng Oxford Jonathan Stern tỏ ý nghi ngại rằng, chưa chắc châu Âu tăng cường nhập khí đốt của Nga bởi Nga hay “bắt chẹt” họ; điển hình là trong vụ tranh cãi với Ukraine năm 2009, Nga ngừng chuyển khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại không cho châu Âu và Nhật nhiều sự lựa chọn. Ai cũng cần có năng lượng để hoạt động. Do đó, không sớm thì muộn, ai cũng phải đi mua dầu, khí đốt; chỉ có điều là làm sao thương thảo để mua được với giá rẻ nhất mà thôi.

Tuy nhiên, Nga cũng biết rõ lợi thế của mình nên tiến trình ký kết hợp đồng sẽ không đơn giản. Thậm chí, họ sẽ tiếp tục dùng năng lượng như một công cụ để gây sức ép với các đối tác.

Và như Thủ tướng Vladimir Putin vừa hồ hởi tuyên bố, sang năm tới, Nga sẽ đạt mức GDP thời trước khủng hoảng và đóng góp không nhỏ vào sự hồi sinh này chắc chắn là giá dầu.

>> Vì sao Mỹ dùng vũ lực với Libya, còn Yemen và Bahrain thì không?


[BDV news] Cả ba nước đều sử dụng vũ lực để "xử lý" các cuộc biểu tình nhưng Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Hai nước còn lại chỉ bị phản đối bằng lời bởi họ là đồng minh của Mỹ.

Khi cuộc nổi dậy lan ra khỏi Bắc Phi thì Washington tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước bởi sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ dường như quan trọng hơn là hy vọng của Mỹ về các phong trào phản kháng.

Cụ thể, Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Nói cách khác, “Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh đi, Yemen sẽ sụp đổ”, bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington nhận định. Tương tự, ở Bahrain, Mỹ có căn cứ hải quân lớn nên cũng không phản ứng quân sự.

“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo. Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”, bà Marina khẳng định.



Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Ảnh minh họa.

Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của My tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.

Và Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Arab và các đồng minh châu Âu.

Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử và làn sóng biểu tình tràn qua khu vực, người ta có thể nói rằng thận trọng là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm Mỹ.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang