Sáng 29/4/1975, một ngày trước khi giang sơn liền một mối, Trường Sa - một phần máu thịt của Tổ quốc - được giải phóng. Chỉ với hơn 200 chiến sĩ đặc công đi trên 3 tàu không số, đội quân của những “Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh” đã làm chủ Trường Sa. >> Nắm chắc thời cơ tạo thế, lực vững chắc cho Tổ quốc Với những trận đánh xuất quỷ nhập thần dưới nước từng lập nhiều chiến công, Đoàn 126 đặc công hải quân (HQ) được giao nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Những người lính đặc công xác định khó mấy cũng quyết đi, xa mấy cũng quyết đến và địch có mạnh mấy cũng quyết thắng. “Nếu không giải phóng được Trường Sa, anh em quyết không về!” - họ quả quyết Mật lệnh khẩn cấp Ngày 5/4/1975, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân chủng HQ: Tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng các đảo ở Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước ta. Cùng lúc, Phó Tư lệnh Quân chủng HQ Hoàng Hữu Thái cũng nhận được mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, yêu cầu HQ tổ chức lực lượng, bằng mọi giá đánh chiếm và giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Sau khi Quân chủng HQ xác định sử dụng tàu của Đoàn 125 và bộ đội đặc công của Đoàn 126 tiến công giải phóng Trường Sa, một vị chỉ huy ngay lập tức được triệu tập: Đoàn trưởng Đoàn 126 Mai Năng, người dẫn đầu đội quân tinh nhuệ từng đánh hơn 300 trận ở chiến trường Cửa Việt - Quảng Trị. Tàu của Đoàn 125 đưa lực lượng đặc công hải quân ra giải phóng Trường Sa. Ảnh: TƯ LIỆU Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: “Ban đầu, tôi không biết sẽ nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Sau khi gặp Phó Tư lệnh Hoàng Hữu Thái, tôi cảm thấy trọng trách rất lớn, rất thiêng liêng”. Lĩnh ấn ra trận tiền trên biển, Đoàn trưởng Mai Năng liền phổ biến nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và khẩn cấp mà Đoàn 126 được giao. Những người lính đặc công HQ xác định đây là trận đánh cuối cùng, khó mấy cũng quyết đi, xa mấy cũng quyết đến và địch có mạnh mấy cũng quyết thắng. “Nếu không giải phóng được Trường Sa, anh em quyết không về!” - các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, từng hàng trăm trận vào sinh ra tử, quả quyết với vị chỉ huy. Dù rất tin ở khả năng của đoàn đặc công HQ nhưng Phó Tư lệnh Hoàng Hữu Thái vẫn băn khoăn bởi đây là nhiệm vụ đột xuất, các chiến sĩ lại chưa từng được huấn luyện phương pháp đổ bộ và đánh đảo. Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: “Tôi nói với anh Thái đặc công HQ từng đánh tàu, cầu, cảng… rất nhiều nhưng đánh đảo thì đây là lần đầu tiên nên nhiệm vụ giải phóng Trường Sa không hề đơn giản. Anh Thái nghe vậy liền trăn trở: “Thế liệu có giải phóng được không?”. Tôi suy nghĩ vài giây rồi quả quyết: “Được, nhưng phải có cách đánh mới”. Phương pháp mà Đoàn trưởng Mai Năng phổ biến cho các chiến sĩ của mình là vừa trinh sát vừa tấn công hỏa lực. “Thời gian rất gấp nên không thể trinh sát trước rồi đánh sau” - ông giải thích. Làm chủ quần đảo Vị chỉ huy cánh quân giải phóng Trường Sa năm nào nay đã sắp bước sang tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn và nhớ từng chi tiết trận đánh. Thiếu tướng Mai Năng cho biết khi đó, ông đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Tiền phương của Quân chủng HQ ra một chỉ thị quan trọng. “Ban đầu, Bộ Chỉ huy tiền phương yêu cầu đồng thời tấn công giải phóng cùng lúc các đảo. Tuy nhiên, với lực lượng chỉ có 3 tàu lại chưa quen đánh đảo, tôi nhận định việc tấn công cùng lúc là không ổn. Bởi lẽ, ta sẽ không kịp ổn định lực lượng để giữ đảo và địch có thể chiếm lại. Vì thế, tôi đề nghị đánh từng đảo, giữ vững, sau đó tấn công các chỗ khác” - ông nhớ lại. Sau khi giải phóng Song Tử Tây, lực lượng đặc công HQ tiếp tục lấy đảo này làm bàn đạp để giải phóng các đảo còn lại. Đến 9 giờ ngày 29/4, quân ta làm chủ đảo Trường Sa Lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương giao cho HQ. Ngay sau khi Trường Sa giải phóng, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có bức điện khen thưởng Quân chủng HQ và đơn vị trực tiếp đánh đảo, cho rằng đây là chiến công xuất sắc của lực lượng đặc công. “Một mình đặc công HQ thì chúng tôi có tài giỏi mấy cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Những chiếc tàu của Đoàn 125 cũng có công rất lớn, bên cạnh đó là lực lượng bộ binh của Quân khu 5” - vị chỉ huy trận chiến giải phóng Trường Sa năm nào cho biết. Cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1985 đánh giá: “Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng vùng biển và hải đảo chẳng những có ý nghĩa quan trọng đối với Chiến dịch Hồ Chí Minh mà còn tạo tiền đề nghiên cứu cho quân chủng về tổ chức, sử dụng lực lượng phòng thủ và bảo vệ vùng biển, hải đảo sau này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Trận chiến để đời Sau khi chỉ huy lực lượng đặc công HQ giải phóng Trường Sa, Thiếu tướng Mai Năng tiếp tục chỉ huy lực lượng giải phóng các đảo ở vùng biển phía Nam Tổ quốc. Sau này, ông còn tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc rồi trở thành tư lệnh Binh chủng Đặc công đến đầu những năm 1990. Trải qua nhiều trận đánh một mất một còn, cùng những người lính của mình cận kề cái chết nhưng vị tướng anh hùng vẫn cho rằng trận chiến giải phóng Trường Sa là đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của ông. “Chúng ta đã giữ vững chủ quyền ở Trường Sa và làm chủ một vùng biển rộng lớn” - ông tự hào. (DVO) |
Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013
>> Trận đánh thần tốc giải phóng Trường Sa năm 1975
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét