Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Tập kích đường không

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tập kích đường không. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tập kích đường không. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

>> Mỹ sẽ tấn công Nga và Trung Quốc ?

Không lực Mỹ tập dượt chiến thuật tấn công tầm siêu xa trong cuộc tập trận Operation Chimichanga.



http://nghiadx.blogspot.com
Các máy bay ném bom chiến lược siêu âm hạng nặng B-1B Lancer là lực lượng tấn công trong cuộc tập kích đường không tầm siêu xa. Ảnh: USAF

Trong cuộc tập trận quy mô lớn có mật danh Operation Chimichanga, Lầu Năm góc đã cho thế giới thấy một cuộc chiến tranh mới. Có thể, trong tương lai, đây sẽ là một trong phương thức tiến hành chiến tranh tiêu chuẩn của Mỹ.

Ngày 4/4/2012, Lầu Năm góc đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn, kết hợp mô hình hóa trên máy tính và sự tham gia của các máy bay thật từ Fort Yukon (Alaska). Trong cuộc tập trận mật danh Operation Chimichanga, Mỹ đã lần đầu tiên kiểm tra khái niệm tấn công tầm siêu xa có sử dụng tiêm kích thế hệ 5 F-22 và máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B.

Kịch bản của Chimichanga gợi nhớ chiến dịch El Dorado Canyon năm 1986, khi một lực lượng 150 máy bay Mỹ đã thực hiện hành trình bay siêu xa và tấn công các mục tiêu quân sự và dinh thự của Tổng thống Libya Gaddafi.

Ngày nay, các vũ khí trang bị hiện đại hơn đã ra đời, trong đó có máy bay tàng hình, vũ khí chính xác cao uy lực mạnh và kinh nghiệm chiến dịch này đã được nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện và phát huy trong cuộc tập trận Chimichanga.

Có thể nói rằng, các cuộc tấn công như thế sẽ trở thành phương thức chính để “trừng phạt” và tiêu diệt hạ tầng của các nước nhỏ, cũng như là phương thức hoàn toàn mới để giành ưu thế quân sự trong chiến tranh với các quốc gia nhỏ có quân đội mạnh và lãnh thổ trải dài.

Operation Chimichanga: Một kịch bản

Nhiệm vụ của cuộc tập trận Chimichanga là thực hiện cuộc tấn công bất ngờ choáng váng nhằm tiêu diệt hoặc làm suy yếu cơ bản phòng không đối phương, phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất, các bệ phóng tên lửa chiến lược/chiến dịch-chiến thuật, các tàu bè đang neo đậu… Theo ý đồ của giới quân sự Mỹ, cuộc tấn công sẽ mạnh mẽ và bất ngờ đến mức đối phương đơn giản là không kịp có sự kháng cự mạnh. Chính người Mỹ đã trải qua điều tương tự trong cuộc tấn công của Nhật nhằm vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941.

Mỹ dự định đạt được yếu tố bất ngờ nhờ các máy bay tiêm kích tàng hình F-22. Bản thân cuộc tấn công sẽ được tiến hành từ các sân bay nằm ở xa mục tiêu. Ví dụ, từ Fort Yukon đến Moskva theo đường chim bay là gần 6.400 km. Thoạt nhìn, đây là khoảng cách rất xa, tuy nhiên các cuộc tập trận bay xa 3.500-4.000 km đối với phi công tiêm kích lại là chuyện bình thường, chứ chưa nói đến máy bay ném bom chiến lược xuyên lục địa B-1B. Trong cuộc chiến tranh Libya năm 2011, các máy bay B-1B đã cất cánh từ một căn cứ không quân ở South Dakota và thực hiện các cuộc không kích trên lãnh thổ Libya, sau khi vượt qua quãng đường dài gần 9.000 km. Các máy bay ném bom tàng hình B-2 cũng thực hiện thủ đoạn tác chiến này.

http://nghiadx.blogspot.com
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor "lĩnh ấn tiên phong" trong chiến thuật tấn công tầm siêu xa. Ảnh: aviationcorner.net)

Các máy bay B-2 không tham gia chiến dịch Chimichanga B-2, nhưng nếu phải tác chiến với một cường quốc hạt nhân như Nga hay Trung Quốc, thì các máy bay này nhất định sẽ được sử dụng, trước hết để tiêu diệt các bệ phóng cơ động và giếng phóng tên lửa đường đường đạn xuyên lục địa (ICBM).

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự mở màn chiến dịch Chimichanga đối với đối phương sẽ là… những trái bom nổ trên các trận địa phòng không. Cuộc tấn công bất ngờ sẽ do các tiêm kích tàng hình F-22 Raptor thực hiện. Tùy thuộc tình hình, chúng sẽ tiến đến mục tiêu ở độ cao cực nhỏ (dưới 100 m) hay độ cao lớn (đến 15.000 m). Các mục tiêu sẽ bị phát hiện từ trước nhờ hệ thống vệ tinh trinh sát, cũng như bằng các sensor thụ động của F-22.

Các tiêm kích F-22 có thể mang 2 bom chính xác cao hạng nặng cỡ 450 kg JDAM GBU-32 hay 8 bom cỡ 130 kg SDB. Các máy bay mang bom hạng nặng sẽ tiêu diệt các mục tiêu kiên cố lớn: các sở chỉ huy quân đội, nhà máy điện, đường băng của các căn cứ không quân. Các máy bay mang bom SDB sẽ nhằm vào các radar và bệ phóng tên lửa phòng không.

Theo giới quân sự Mỹ, nhờ đặc tính tàng hình của F-22 và tầm bay xa của bom SDB (gần110 km), có thể tiêu diệt thậm chí các hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà không chịu rủi ro quá lớn, chứ chưa nói đến các hệ thống tính năng kém hơn như Buk và Tor. Một trái bom SDB mang phần chiến đấu kiểu xuyên nặng 93 kg, có khả năng xuyên qua tấm bê tông dày 1 m và tiêu diệt mọi loại xe thiết giáp. Cần lưu ý là, độ dày của lớp bê tông kín bảo vệ các lò phản ứng hạt nhân vốn chỉ dày 1-1,5 m ở đa số các nhà máy điện hạt nhân.

Sau khi các tiêm kích F-22 thả bom và loại khỏi vòng chiến tất cả các phương tiện phòng không nguy hiểm, giai đoạn giành ưu thế trên không sẽ bắt đầu. Làn sóng không kích thứ hai gồm các tiêm kích F-22 và F-16 (trong tương lai các máy bay này sẽ được thay thế bằng F-35) sẽ tiêu diệt tất cả các máy tiêm kích đối phương vẫn tìm cách cất cánh được từ các sân bay bị hư hỏng. Song song, các tiêm kích F-16 sẽ kịp thời tiêu diệt các phương tiện phòng không “tỉnh giấc” hoặc còn lành lặn sót lại.

http://nghiadx.blogspot.com
Các mồi bẫy kéo theo như ALE-50 có khả năng ‘đánh lừa” các ngòi nổ radar thô sơ của tên lửa phòng không. Ảnh: RND

Để bảo vệ chống tên lửa phòng không và tiêm kích đánh chặn đối phương, Mỹ dự kiến sử dụng các tên lửa MALD làm nhiệm vụ mô phỏng tín hiệu radar của máy bay tiêm kích, cũng như các mồi bẫy kéo theo dạng như ALE-50 dùng để “đánh lừa” ngòi nổ radar của tên lửa khiến chúng kích nổ ở khoảng cách an toàn so với máy bay. Các máy bay F-22 và F-16 sẽ cô lập chiến trường đối với không quân đối phương và đồng minh đối phương, mở đường cho làn sóng thứ ba là các máy bay ném bom B-1B.

Các máy bay ném bom hạng nặng B-1B là lực lượng tấn công chủ lực của chiến dịch Chimichanga, có nhiệm vụ gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội và kinh tế đối phương. Nhờ có tốc độ bay cao và vũ khí chính xác cao, hoạt động chiến đấu của B-1B sẽ kết thúc rất nhanh chóng. Khi bay qua bên trên các mục tiêu, các máy bay ném bom B-1B sẽ rải xuống các quả bom uy lực rất cao cỡ 900 kg GBU-31, mỗi máy bay có thể mang 24 quả bom này.


http://nghiadx.blogspot.com
Các phương án mang vũ khí của máy bay ném bom B-1B. Ảnh: RND

GBU-31 có thể được trang bị phần chiến đấu độc đáo BLU-119/B, có khả năng xuyên qua các lớp bê tông dày nhiều mét và đốt cháy mọi thứ bên trong.

Nhờ có tác động lâu và nhiệt độ cao, loại bom này có hiệu quả cực kỳ cao khi tác chiến chống các kho vũ khí (kể cả vũ khí hóa học và sinh học), các sở chỉ huy ngầm, các cơ sở hạ tầng công nghiệp, các tòa nhà cao tầng...

Để tiêu diệt các mục tiêu đặc biệt “khó nhằn”, các máy bay F-16 và B-1B sẽ sử dụng các tên lửa hành trình tàng hình chính xác cao AGM-158 JASSM có tầm bắn 400 km (biến thể JASSM ER có tầm bắn 900 km). Nhờ vũ khí này, máy bay ném bom B-1B có thể trong một lần bay qua tiêu diệt đến 12 mục tiêu ở xa được phòng không mạnh bảo vệ.

http://nghiadx.blogspot.com
Các phương án trang bị vũ khí của máy bay ném bom B-2. Ảnh: RND

Cần lưu ý rằng, tên lửa JASSM được phát triển chuyên dùng để vượt qua các tuyến phòng không của các hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô S-300, Tor và Buk mà hiện nay Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đang được trang bị. Tên lửa được trang bị phần chiến đấu nổ phá uy lực mạnh 450 kg hoặc phần chiến đấu kiểu xuyên 108, có khả năng xuyên qua mấy mét bê tông và tiêu diệt bệ phóng tên lửa đường đạn nằm dưới mái che bê tông chẳng hạn.

Như vậy, với các tên lửa JASSM, một máy bay ném bom B-1B bay qua trên bầu trời Moskva có thể bắn phá các mục tiêu đến tận Nizhny Novgorod và Smolensk. Nếu sử dụng biến thể JASSM ER có tầm bắn xa hơn, B-1B sẽ có thể với tới Samara và Minsk (thủ đô Belarus).

Sau khi giải phóng hết các khoang bom, các máy bay ném bom sẽ quay trở về căn cứ xuất phát. Đồ dài chiến dịch Chimichanga không được nêu ra mà phụ thuộc vào quãng đường trên lãnh thổ đối phương mà các máy bay sẽ phải vượt qua. Ví dụ, cuộc tập kích đường không chiến dịch El Dorado Canyon chỉ kéo dài dưới 20 phút. Cuộc tấn công bất ngờ và choáng váng đến nỗi quân đội Gaddafi đã hầu như không có sự chống trả nào và Mỹ chỉ mất 1 trong 100 máy bay. Các máy bay đánh chặn Libya hoàn toàn không thể cất cánh, điều đó một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc tuần tra trên không liên tục của không quân phòng không.

Các phương án có thể

Chimichanga tổng hợp nhiều kinh nghiệm của các chiến dịch đường không tích lũy được từ thời Thế chiến II. Đa số các quốc gia sẽ không thể chống chọi nổi một cuộc tập kích của 50 tiêm kích F-22, 20-30 chiếc F-16 và gần 60 chiếc B-1B. Thậm chí các quốc gia có quân đội rất mạnh như Nga và Trung Quốc hiện nay cũng không sẵn sàng cho việc đánh trả một cuộc tấn công như thế. Đặc điểm của công tác hoạch định những chiến dịch như thể giảm thiểu tối đa nguy cơ rò rỉ thông tin vì các máy bay có thể tiếp cận khu vực tấn công từ mấy hướng, còn phi công sẽ chỉ được biết nhiệm vụ chiến đấu khi đã ở trên đường băng hay thậm chí khi đang bay trên không

http://nghiadx.blogspot.com
Radar 55Zh6-1 Nebo-UE. Ảnh: RND

Chúng ta hãy xem xét một kịch bản giả định của chiến dịch Chimichanga. Các khía cạnh chính trị của đòn đánh trả hạt nhân, chúng ta sẽ không để ý đến, cũng như khả năng Mỹ vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga bằng tên lửa hành trình, bom hạt nhân và vũ khí tấn công toàn cầu siêu vượt âm như AHW.

Như chúng ta đã thấy, các máy bay cất cánh từ lãnh thổ Mỹ phải bay qua quãng đường gần 7.000 km đến Moskva. Các máy bay ném bom B-1B và B-2 có thể vượt qua khoảng cách này mà không cần tiếp dầu trong vòng dưới 10 giờ đồng hồ. Ví dụ, trong cuộc tập trận ngày 4/4/2012, chúng đã thực hiện chuyến bay tầm xa dài 10 giờ (gần 9.000 km) và tấn công vào đối phương tưởng định. Các máy bay tiêm kích F-22 nạp đầy nhiên liệu có thể vượt qua quãng đường 3000 km, nghĩa là trên đường bay tiếp cận mục tiêu, chúng sẽ cần 2 lần tiếp dầu.

Tuy nhiên, các máy bay tiêm kích có thể cất cánh từ lãnh thổ Anh chẳng hạn như đã xảy ra trong chiến dịch El Dorado Canyon hoặc từ một nước châu Âu khác. Yếu tố đó sẽ rút ngắn 2 lần quãng đường bay của các máy bay tiêm kích.

Các máy bay ném bom cũng có thể tiến vào lãnh thổ Nga từ phía Bắc cực (các máy bay B-2 trong năm 2012 đã chứng minh thành công khả năng bay như vậy), còn các tiêm kích F-22 và F-16 có thể bay qua lãnh thổ các nước Baltic, vòng qua Thụy Điển. Ở khu vực này, các máy bay F-22 nằm dưới sự quan sát của vô số radar nên chắc chắn sẽ giảm độ cao bay xuống độ cao cực nhỏ.

Các tiêm kích siêu âm sẽ mất hơn 2 giờ để bay từ Anh đến Nga. Từ lãnh thổ Ba Lan, các máy bay tiêm kích sẽ bay đến Moskva trong vòng hơn 1 giờ một chút, còn từ lãnh thổ Gruzia là trong 1,5 giờ, từ Phần Lan là 1 giờ. Từ khi vượt biên giới quốc gia của Liên bang Nga cho đến khi bay trên Moskva, các máy bay F-22 chỉ mất có nửa giờ.

Các phương tiện phòng không Nga có thể hoạt động hiệu quả đến mức nào? Các hệ thống radar cảnh báo tấn công tên lửa mạnh nhất của Nga sẽ không phát hiện được F-22 vì chúng dùng để phát hiện các cuộc tấn công của tên lửa đường đạn.

Chỉ còn các trạm radar phòng không, chẳng hạn như 55Zh6-1 Nebo-UE vốn mới bắt đầu được trang bị cho các đơn vị phòng không Moskva từ năm 2009. Radar này có thể phát hiện tiêm kích có bề mặt tán xạ hiệu dụng 2,5 m2: bay ở độ cao 3.000 m từ cự ly 170 km và bay ở độ cao 500 m từ cự ly 70 km. Nhưng cái khó là ở chỗ, bề mặt tán xạ hiệu dụng, tức là độ bộc lộ, của F-22 ít nhất cũng nhỏ hơn thế 2 lần. Như vậy, các tiêm kích này có thể bay đến Moskva theo cách hạ thấp dần độ cao và vẫn không bị phát hiện.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố rằng, một trong các nhiệm vụ của F-22 là tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa. Tuy nhiên, chiến thuật tiêu diệt phòng không bằng tiêm kích F-22 được giữ bí mật do có liên quan đến các tham số mật về bề mặt tán xạ hiệu dụng.

Còn theo các chuyên gia của công ty Lockheed Martin, F-22 có thể an toàn tiếp cận hệ thống S-300 đến khoảng cách 24 km. Mà ta thì đã biết là tầm bay của bom SDB là gần 110 km, bởi vậy, F-22 có thể bất ngờ tiến vào không phận Moskva, thực hiện “cú nhảy” từ độ cao cực nhỏ lên độ cao lớn, rồi rải bom về hướng các trận địa radar và tên lửa phòng không. Có thể tiến hành ném bom cả từ độ cao trung bình 1.000-2.000 m. Trong trường hợp đó, phi công F-22 có thể nhanh chóng “nép mình sát mặt đất” khi có tên lửa phòng không phóng lên.

Tầm bắn của hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 là 200 km, của tên lửa tiên tiến 40N6 của hệ thống S-400 là 450 km, nhưng đó là tầm bắn tối đa. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, trong điều kiện chiến đấu thực tế thì bắn tên lửa phòng không vào máy bay công nghệ cao từ cự ly hơn 70-100 km sẽ ít hiệu quả.

Nhưng thậm chí nếu giả thiết rằng, F-22 sẽ bị các phương tiện phòng không Nga phát hiện, thì chiếc tiêm kích tàng hình này vẫn có một luận chứng tiềm tàng hùng mạnh nữa là tên lửa hành trình tiên tiến dạng SMACM với tầm bắn 460 km và trọng lượng 113 kg - một chiếc F-22 có thể mang 4 quả SMACM trong các khoang trong thân. Khi tiếp cận mục tiêu, SMACM có thể trao đổi dữ liệu từ xa với máy bay mang, nên cho phép tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không đã bắt đầu chuồn khỏi các trận địa. Vũ khí loại này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bất kỳ hệ thống phòng không nào.

Sau khi chế áp phòng không và oanh kích các căn cứ không quân ở khu vực Moskva, các tiêm kích F-22 sẽ vẫn duy trì được ưu thế trên không trong vòng tối đa 15-20 phút, trong khi các máy bay ném bom sẽ tiêu diệt các mục tiêu đã lựa chọn và rút về hướng biên giới.


http://nghiadx.blogspot.com
Trong tương lai, các máy bay không người lái tiến công X-47B sẽ tham gia các cuộc tập kích đường không siêu xa. Ảnh: RND

Chiến dịch Chimichanga không phải là một kịch bản giả định. Ví dụ, đầu tháng 4/2012, ở Karelia, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tập trận Ladoga-2012, trong đó có tập dượt khoa mục đánh trả cuộc tập kích ồ ạt của không quân. Trong cuộc tập trận, quân đội Nga đã thực hiện hơn 110 phi xuất và bắn hạ hơn 200 “máy bay” được mô phỏng bằng các quả bom chiếu sáng. Tham gia cuộc tập trận này có gần 50 máy bay, trong đó có 30 chiếc bay đến từ các căn cứ không quân ở các tỉnh Kaliningrad, Kursk, Murmansk và Tver.

Tham gia chiến dịch Chimichanga cũng có chừng ấy máy bay tiêm kích công nghệ cao thế hệ mới nhất, còn trong tương lai là cả các máy bay không người lái tiến công tàng hình kiểu như X-47B và Predator C Avenger. Hơn nữa, yếu tố bất ngờ lại ở phía tấn công, có nghĩa là chắc chắn sẽ không thể điều động tập trung sẵn lực lượng tới các đường bay của các máy bay tấn công.

Bởi vậy, cách duy nhất để bảo vệ chống các chiến dịch dạng Chimichanga là cho các máy bay đánh chặn bay tuần tra trực chiến liên tục trên các đường biên giới quốc gia và ở các khu vực công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia và sử dụng các phương tiện quan sát công nghệ cao. Đáng tiếc là đa số các quốc gia không thể cho phép mình có “sự xa xỉ” đó và hầu như bất lực trước đòn tấn công siêu xa của không quân Mỹ.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang