Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Thần biển PC3-Orion

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần biển PC3-Orion. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần biển PC3-Orion. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

>> Có P-3C Orion của Mỹ, Việt Nam sẽ thay đổi cán cân quân sự khu vực

Sự xuất hiện máy bay P-3C Orion của Mỹ sản xuất trên Biển Đông chắc chắn sẽ thay đổi địa chính tri và địa quân sự khu vực nếu như điều đó xảy ra.

>> Tìm hiểu "thần biển" PC3-Orion của Mỹ có thể về Việt Nam


Máy bay P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Qua nhiều lần nâng cấp P-3 Orion trở thành P-3C4 Orion là loại máy bay đời mới nhất trong Hải quân Mỹ và Nhật Bản. Ngoài các nhiệm vụ chống ngầm, một số máy bay P-3C4 được nâng cấp để hỗ trợ mặt đất trên chiến trường gồm radar địa hình, cảm biến quang-điện tử với khả năng kết nối thời gian thực cho các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu.

Có thể nói, đối tượng tác chiến của loại máy bay này là lực lượng tàu ngầm Nga, trong khi đó nếu như công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc đang lạc hậu so với Nga 20 năm thì P-3C4 Orion vẫn dùng tốt, là khắc tinh 20 năm nữa với đối tượng là tàu ngầm của Trung Quốc.

Nhưng hiện nay, trước sự phát triển của tàu ngầm Hải quân Nga, hải quân Mỹ buộc phải nghiên cứu chế tạo ra loại máy bay chống ngầm mới, hiện đại hơn, đó là loại P-8 Poseidon (Thần biển). Nhật Bản cũng tự chế tạo máy bay P-1 để thay thế cho P-3C…cho nên P-3C4 trong hải quân Mỹ, Nhật Bản trở nên không cần thiết. Trong khi đó, máy bay chống ngầm, tuần tra trinh sát loại này Nga, châu Âu không sản xuất, cho nên P-3C của Mỹ, Nhật Bản là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam nếu cần mua.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Đây là loại máy bay tuần tra trinh sát, tác chiến chống ngầm P-3C Orion mà sự xuất hiện của nó trên Biển Đông có thể tạo nên một sự thay đổi địa chính tri, địa quân sự khu vực.

Vấn đề quan trọng là bán cho ai, bán như thế nào, bán để làm gì…Mỹ, Nhật Bản đều tính toán.

Nếu Mỹ hoặc Nhật Bản bán cho Việt Nam loại máy bay này dù không trang bị vũ khí thì đó là một chấn động lớn trên địa chính trị và địa quân sự khu vực.

Trước hết là địa chính trị

Ở khu vực châu Á-TBD và ven Biển Đông, mọi quốc gia có tiền đều có thể mua vũ khí Mỹ, trừ Việt Nam và Trung Quốc bị Mỹ cấm vân vũ khí.

Nếu Việt Nam có được vũ khí Mỹ thì có nghĩa Việt Nam được Mỹ coi như không làm hại đến lợi ích an ninh Mỹ. Và do vậy, ở một góc độ nào đó, những ai được Mỹ bán vũ khí thì là có cùng mục đích an ninh chung, có sự tin cậy lẫn nhau. Vì thế, dễ hiểu tại sao Trung Quốc không bán vũ khí cho Việt Nam, Philipines, Nhật Bản…hay nói chung là các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển và quả thật những quốc gia đó, Trung Quốc có cho không, họ cũng không lấy.

Có thể nói ý định và khả năng mua bán được loan báo từ hãng sản xuất máy bay chiến đấu Lockheed Martin trong một cuộc phỏng vấn với Janes cùng với thời điểm Nhật Bản tuyên bố cứng rắn, không khoan nhượng với Trung Quốc, tập hợp lực lượng có cùng mối quan tâm an ninh chung, bắt tay với Đài Loan…trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hành động bành trướng trên Biển Đông là những dấu hiệu cho thấy địa chính trị sẽ thay đổi không có lợi cho Trung Quốc. Trong khu vực sẽ xuất hiện nhiều đồng minh, liên minh tự nhiên chống lại hành động biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Liệu những chiếc tàu ngầm này có thể yên tâm không bị phát hiện dưới cánh bay của P-3C Orion?

Tiếp theo là địa quân sự

Việc tuyên bố bản đồ đường lưỡi bò để chiếm trọn Biển Đông vì tài nguyên dầu khí, khoáng sản…chưa phải là mục tiêu chính của Trung Quốc. Mục tiêu chính của Trung Quốc là vì quân sự.

Nếu Biển Đông thành “ao nhà” thì đó là nơi tập kết, xuất phát tấn công của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đe dọa an ninh Mỹ mà Mỹ, Nhật Bản rất khó phát hiện. Đây chính là lối xuất phát từ phía Nam của tàu ngầm Trung Quốc mà Mỹ, Nhật Bản rất khó kiểm soát và không dễ dàng kiểm soát chặt chẽ như biển Hoa Đông. Đây mới thực sự là con đường “sinh mạng” của tàu ngầm Trung Quốc.

Vì thế, đối với Trung Quốc, khi họ tự cho rằng đã trở nên mạnh mẽ có thể “muốn là được” thì không có chuyện “Tự do hàng hải trên Biển Đông” mà Trung Quốc muốn chiếm tất cả Biển Đông.

Nhưng, muốn Biển Đông thành “ao nhà” để phá vỡ thế bao vây của Mỹ, Nhật Bản thì Trung Quốc trước tiên phải loại bỏ hải quân của các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Hải quân Việt Nam-một lực lượng không dễ chơi.

Tàu ngầm Trung Quốc với một số lượng lớn, không vùng vẫy ở Biển Đông như trong “ao nhà” thì có nghĩa hơn 70% năng lượng vận chuyển qua Biển Đông sẽ bị cắt bất cứ lúc nào và Mỹ không phải lo lắng nhiều khi nơi trú ngụ và con đường tuần tra của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị thu hẹp lại.

Chính lẽ đó, việc Mỹ bán P-3C4 cho Việt Nam, tiền thu được chưa quan trọng bằng lợi ích về quân sự và là điều có thể xảy ra.

Tàu ngầm, bản thân nó là bí mật. Khi không còn là bí mật như đi đâu, ở đâu bị đối phương định vị tọa độ thì coi như hết tác dụng. Vì vậy, khi trên Biển Đông dù không trang bị vũ khí, máy bay tuần tra trinh sát tác chiến chống ngầm loại P-3C4 của Mỹ sản xuất thực hiện nhiêm vụ thì với tính năng kỹ chiến thuật của nó (như quảng cáo) và với khả năng tàng hình của tàu ngầm Trung Quốc (như đã đánh giá), chúng luôn luôn là “khắc tinh”, sát thủ.

Sự xuất hiện của P-3C4 trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc còn hơn cả hạm đội tàu ngầm Việt Nam sắp tiển khai. Rõ ràng, kế hoạch tác chiến của Hạm đội Nam Hải trên Biển Đông buộc phải hoàn toàn thay đổi.

Đây là điều Trung Quốc không bao giờ muốn, rất lo ngại và theo dõi sát sao tình hình mua bán này.

Chống ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam cực kỳ quan trọng, mang tầm chiến lược. Phải xây dựng 4 lực lượng gồm: mìn, thủy lôi chống ngầm; tàu mặt nước săn ngầm; tàu ngầm chống ngầm và máy bay chống ngầm.

Do vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu Việt Nam có ý định mua của Mỹ hay Nhật Bản loại máy bay này và nếu thành công thì chắc chắn đây chẳng phải là lần cuối cùng Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.

Việt Nam có 6 chiếc tàu ngầm là chắc chắn và sẽ có thêm 6 chiếc P-3C4 Orion do Mỹ sản xuất? Tại sao là 6 KILO, 6 P-3C4 mà không phải 5 hay 7…? Do đồng tiền quyết đinh số lượng hay vì lý do gì khác? Chúng cùng loại hay khác loại?...

Nếu như đặt vấn đề rằng, tại sao cái kiềng chỉ có 3 chân mà không nhất thiết phải có 4 hay 6 chân thì phần nào chúng ta không cảm thấy quá khó khi trả lời câu hỏi trên.


(Lê Ngọc Thống)

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

>> Tìm hiểu "thần biển" PC3-Orion của Mỹ có thể về Việt Nam

P-3C Orion là một trong những máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm tốt nhất thế giới hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán mua từ Mỹ.

>> Tìm hiểu 'Thần biển' P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ


Tuần tra hàng hải đường không và tác chiến chống ngầm là một trong những nhiệm vụ khá nặng nề đối với những quốc gia có đường bờ biển dài và vùng biển rộng lớn như Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi máy bay phải có tầm hoạt động xa, trang bị nhiều thiết bị trinh sát đường không tiên tiến để phát hiện các tàu ngầm cùng hệ thống vũ khí đủ mạnh để tiêu diệt chúng.

Theo tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với đối tác Mỹ để mua loại sát thủ chống tàu ngầm này trang bị cho Hải quân nhân dân Việt Nam nhằm đảm bảo công tác tuần tra giám sát hàng hải trên vùng biển rộng lớn.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
P-3C Orion có chiều dài 35,6 mét, sải cánh 30,4 mét, cao 11,8 mét, trọng lượng rỗng 35 tấn, trọng lượng cất cánh 64,4 tấn, phi hành đoàn 11 người.

Một trong những máy bay hội tụ đủ các yếu tố nói trên là máy bay tuần tra hàng hải kiêm chống ngầm P-3 Orion của Hãng Lockheed Martin Mỹ. Máy bay được phát triển và đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ từ những năm 1960 và xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.

P-3 Orion rất dễ nhận biết bởi chiếc đuôi “quái dị” nơi chứa thiết bị phát hiện từ tính MAD do tàu ngầm di chuyển gây ra. MAD là một “từ kế” dùng để phát hiện sự xáo trội bất bình thường của từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển gây ra.



Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
P-3C Orion hội tụ nhiều công nghệ đỉnh cao của thế giới trong nhiệm vụ tuần tra hàng hải và chiến tranh chống tàu ngầm, trong ảnh P-3C Orion đang thả phao định vị tàu ngầm.

Tuy nhiên, để tăng khả năng và phạm vi phát hiện tàu ngầm bằng MAD, máy bay cần phải bay ở độ cao thấp. Ngoài ra, để phục vụ cho nhiệm vụ phát hiện tàu ngầm P-3C Orion còn được trang bị các thiết bị điện tử trinh sát tiên tiến khác như: Hệ thống chiến tranh chống ngầm AN/AAR-78 , radar giám sát đa năng AN/APS-137(V).

Đây là một radar khẩu độ tổng hợp với khả năng lập bản đồ mặt đất với độ phân giải cao, radar có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ở cự ly khoảng 30km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60km. P-3C Orion phát hiện ra tàu ngầm bằng cách đo sự biến thiên của từ trường trái đất hoặc phát hiện kính tiềm vọng, thả phao định vị âm thanh AQA-7.

Ngoài ra, P-3C còn có thể phát hiện tàu ngầm qua hệ thống giám sát điện tử ALQ-78 treo ở cánh, hệ thống này sẽ tự động phát hiện các tín hiệu radar do tàu ngầm phát ra và định vị chúng.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Cận cảnh buồng lái hiện đại và tiện nghi của P-3C Orion nếu thương vụ này thành công sẽ mở ra một cơ hội mới trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Mỹ.

Đặc biệt, năm 2005 Lockheed Martin đã giới thiệu gói nâng cấp P-3C Orion block IV với nhiều tính năng ưu việt như: Trang bị hệ thống chiến tranh chống ngầm IBM Proteus AN/UYS-1, radar quét mạng pha điện tử chủ động EL/M-2022 của Israel, bổ sung hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR, hệ thống phát hiện từ trường AN/ASQ-81 nâng cấp.

Về vũ khí chống ngầm, P-3C Orion có thể mang theo ngư lôi Mark-50 hoặc Mark-46, bom sâu, mìn ở trong khoang chứa bên trong thân. Các giá treo hai bên cánh có thể trang bị tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick với tổng tải trọng vũ khí lên đến 9 tấn.

P-3C Orion được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt Allison T56-A-14 với công suất 4.600 mã lực/chiếc. Hệ thống động cơ này giúp máy bay đạt tốc độ tối đa 750km/h, tốc độ hành trình 610km/h. Máy bay có 5 thùng nhiên liệu bên trong thân và 4 thùng nhiên liệu phụ ở 2 bên cánh với tổng dung tích 34.800 lít.

Lượng nhiên liệu này đủ cho máy bay hoạt động ở cự ly 4.400km ở độ cao 8,9km hoặc 2.490km ở độ cao 1,5km cách mặt nước biển. Thời gian hoạt động liên tục lên đến 14 giờ, như vậy với một lần bay, P-3C có thể thực hiện công việc tuần tra giám sát hàng hải suốt dọc chiều dài đường bờ biển Việt Nam.

Việc đàm phán mua máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion từ Mỹ có thể coi là một lựa chọn rất hợp lý trong việc đáp ứng nhiệm vụ tuần tra hàng hải và chống ngầm trong tình hình mới.

(Infonet)
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang