Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Căng thẳng Biển Đông 'làm nóng' thế giới

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

>> Căng thẳng Biển Đông 'làm nóng' thế giới

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông đang có dấu hiệu ngày càng nóng hơn bởi những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc, khiến chính giới và báo chí quốc tế quan ngại.

>> TQ sẽ bị hủy diệt nếu tấn công tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa


Dư luận quốc tế “lo ngại” Trung Quốc

Sức nóng của vấn đề Biển Đông đang lan tỏa trên thế giới, thu hút sự quan tâm của không chỉ các nước trong khu vực mà của giới chức và dân chúng nhiều nước trên khắp thế giới. Dư luận quốc tế tỏ ra quan ngại và lên án mạnh mẽ những hành động có dấu hiệu leo thang, làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Lo ngại trước những “hành động khiêu khích thái quá” của Trung Quốc, Mỹ cảnh báo Trung Quốc “chớ có những hành động đơn phương trên Biển Đông”. Tuyên bố này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đưa ra trong cuộc họp báo hôm 24/7, ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập một đơn vị hành chính gọi là “thành phố Tam Sa” quanh các vùng biển đang tranh chấp. Bà Victoria Nuland nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn quan ngại về khả năng có bất kỳ hành động đơn phương nào như vậy”.

Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á gần đây “thường bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự” liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á, thông qua những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.


http://nghiadx.blogspot.com
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb nói Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Ảnh: AP.

Trong một phát biểu gần đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng: “Quyết định của Quân ủy Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai binh sỹ tới các đảo tại khu vực Biển Đông là một quyết định khiêu khích không cần thiết. Tương tự như vậy, việc Trung Quốc bổ nhiệm các nhà lập pháp để quản lý tất cả các đảo và vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại khu vực Biển Đông chỉ một lần nữa khẳng định tại sao rất nhiều nước châu Á đang ngày càng lo ngại về việc mở rộng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các tuyên bố của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế là không có cơ sở”.

Ông John McCain khẳng định, các hành động của Trung Quốc “gây thất vọng và không xứng đáng là một cường quốc lớn có trách nhiệm”. Chính vì thế, Mỹ sẽ thúc giục tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông nhanh chóng tìm kiếm giải pháp hòa bình và đa phương để giải quyết tình hình.

Trong một động thái tương tự, trong tuần này, Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng các Thượng nghị sỹ Jim Webb, Lugar, James Inhofe và Lieberman đã giới thiệu Nghị quyết S.Res 524 ra Thượng viện Mỹ, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN và Trung Quốc được ký kết năm 2002. Nghị quyết này cũng thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất việc soạn thảo COC dùng để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.

Ngày 25/7, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định rằng những hành động đơn phương khẳng định chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế. Phát biểu tại Thượng viện, ông Webb thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình với Trung Quốc và báo cáo lại Quốc hội.

Ông Webb cũng chính là thượng nghị sĩ đã bảo trợ cho cho một nghị quyết được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua vào tháng 6/2011, trong đó lên án việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, ngày 25/7, tờ Philippines Daily Inquirer cho hay, hôm 24/7, Philippines đã lên tiếng phản đối về kế hoạch đồn trú quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại nước này để trao công hàm ngoại giao phản đối việc hạm đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Không chỉ quan chức các nước lên tiếng bày tỏ quan ngại, nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cũng có những phân tích về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong một báo cáo mang tên “Khuấy động Biển Đông: Các phản ứng trong khu vực” được ICG công bố ngày 24/7, các chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng quốc tế đều cho rằng, tranh chấp trên Biển Đông đang phức tạp vì những động thái căng thẳng từ phía Trung Quốc. Báo cáo cũng nhấn mạnh: “Sự thiếu đoàn kết giữa các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, cộng với những điểm yếu trong cơ chế đa phương của khu vực đang gây khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp”. Từ đó, các chuyên gia của ICG đưa ra quan điểm: mọi động thái căng thẳng có thể sẽ phá hỏng giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề Biển Đông; và đưa ra giải pháp “các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc phải đoàn kết, tìm kiếm một giải pháp với Trung Quốc”.

Những kẻ “đổ thêm dầu vào lửa”

Trong khi một số nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng, phía Trung Quốc vẫn liên tục đưa ra các phát ngôn và hành động mang nặng tính “khiêu khích”.

Hãng tin Reuters ngày 26/7 nhận định: Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tranh chấp trên Biển Đông. Điều này được thể hiện qua việc các quan chức trong giới quân sự và giới học giả, bình luận nước này liên tục kêu gọi Bắc Kinh “mạnh tay” hơn, “kiên quyết” hơn với các quốc gia láng giềng. Các phát ngôn “kích động chiến tranh”, mang tính dọa nạt của một số tướng lĩnh “diều hâu” Trung Quốc như La Viện, Bành Quang Khiêm, Kiều Lương… xuất hiện nhiều trong các bài viết và trả lời phỏng vấn trên báo mạng, truyền hình như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Sau khi ra quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Tiếp đó, ngày 23/7, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất Hội đồng Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, để thông qua các chương trình công tác liên quan và bầu ban lãnh đạo chính thức của đơn vị hành chính này.

Cùng ngày 23/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã chính thức thông qua quyết định bố trí đơn vị quân sự đồn trú tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố và gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc về các sự việc trên.


http://nghiadx.blogspot.com
Tàu chiến Trung Quốc di chuyển tới Biển Đông. Ảnh cắt từ clip của CCTV.

Trong một động thái leo thang căng thẳng mới đây nhất, báo giới Trung Quốc đưa tin, hạm đội tàu chiến của quân đội Trung Quốc đang gấp rút đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam để chờ lệnh bắn đạn thật. Đây được xem như một hành động “thể hiện thực lực của hải quân Trung Quốc”" với các nước láng giềng.

Trong khi đó, lợi dụng lúc Bắc Kinh liên tục leo thang gây căng thẳng, Đài Loan cũng tranh thủ củng cố lực lượng chiếm đóng trái phép trên đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam, tờ Liên Hợp xuất bản tại Singapore ngày 25/7 dẫn nguồn tin Thông tấn xã Đài Loan cho hay, Bộ Quốc phòng và Cục Tuần tra biển của Đài Loan vừa xác nhận, thông tin tăng cường pháo cao xạ 40 mm và pháo truy kích 120 mm cho lực lượng đồn trú (chiếm đóng trái phép) trên đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là có thật. Phía Đài Loan lên kế hoạch cuối tháng 8 sẽ vận chuyển số hỏa lực mạnh này ra đảo Ba Bình bằng tàu đổ bộ chở tăng thiết giáp lớp Trung Hòa và đội tàu tuần tra biển Vĩ Tinh của Cục Tuần tra biển.

Ngoài ra, theo kế hoạch của Cục Tuần tra biển Đài Loan, lực lượng này sẽ triển khai hoạt động diễn tập bắn đạn thật (trái phép) ngay trên đảo Ba Bình với sự tham gia của 20 súng máy và 40 khẩu lựu pháo. Thậm chí cơ quan này đang đợi phê duyệt của Viện Lập pháp Đài Loan, có thể sẽ công khai hóa hoạt động diễn tập này.

(Nguồn :: BDV )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang