Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Độc chiêu khống chế Trung Quốc của Ấn Độ

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

>> Độc chiêu khống chế Trung Quốc của Ấn Độ

Ưu tiên hàng đầu của Hải quân Ấn Độ là Ấn Độ Dương chứ không phải Biển Đông. Đây là khẳng định mới đây của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Nirmal Verma. Phát biểu này dường như nhằm tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc, nhưng thực tế lại tiết lộ một độc chiêu “siết cổ” con Rồng châu Á.

>> Tàu hộ tống NS Satpura - "Át chủ bài" của Hải quân Ấn Độ


Làm cao với Mỹ, tránh đối đầu Trung Quốc

Theo tờ Business Standard, phát biểu trên của người đứng đầu Hải quân Ấn Độ được đưa ra 7 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới của Mỹ nhằm vào Trung Quốc mang tên "Chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và coi Ấn Độ như một đồng minh quan trọng.


http://nghiadx.blogspot.com
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Nirmal Verma

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 8/8 tại New Delhi, Đô đốc Nirmal Verma nói: "Bất chấp các tuyên bố về điều chỉnh chính sách của Mỹ, khu vực quan tâm chủ yếu của chúng tôi kéo dài từ Eo biển Malacca đến phía tây Vùng Vịnh và từ phía nam Mũi Hảo Vọng đến Thái Bình Dương. Biển Đông cũng là khu vực quan tâm, nhưng không phải là trọng điểm hoạt động của Hải quân Ấn Độ".

Theo Đô đốc Verman, triển vọng hợp tác hải quân Mỹ-Ấn là không cao và mối quan tâm của Ấn Độ là làm giảm các căng thẳng trên biển. Ông nói: "Chúng tôi không muốn căng thẳng trên Biển Đông gây lo ngại cho việc vận chuyển hàng hóa, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Tôi tin tưởng các cường quốc lớn sẽ nỗ lực can dự ở Biển Đông và họ cũng sẽ áp dụng các biện pháp làm giảm căng thẳng trên Biển Đông".


http://nghiadx.blogspot.com
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon panetta trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 6/2012

Trên thực tế, Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận kéo dài về tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 4/2012, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự của Mỹ Andrew Shapiro đã hội đàm với các quan chức Ấn Độ nhằm khôi phục đối thoại chính trị-quân sự giữa hai nước sau 6 năm tạm ngừng.

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Antony. Tháng 6/2012, cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ ba đã thảo luận chi tiết về tình hình châu Á-Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung sau cuộc đối thoại này nhấn mạnh: "Mỹ và Ấn Độ có chung quan điểm về hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á, khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hai bên cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác trong khu vực nhằm phát triển một cơ cấu toàn diện, cân bằng và mở cửa. Hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa các cuộc tham khảo ý kiến của nhau về tình hình khu vực Ấn Độ Dương".

Lời cảnh báo gián tiếp với Trung Quốc

Những phát biểu của người đứng đầu lực lượng Hải quân Ấn Độ cho thấy Ấn Độ có sự quyết đoán và độc lập riêng. Lời lẽ của Đô đốc Verma thể hiện có vẻ như New Delhi chỉ quan tâm tới “sân nhà” của mình là khu vực Ấn Độ Dương, mà không mấy chú ý tới một Biển Đông đang nóng bỏng.

Điều này cho thấy Ấn Độ khôn khéo về mặt ngoại giao và đang thực thi chính sách cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng những tiết lộ của Đô đốc Verma cho thấy Hải quân Ấn Độ tuy không can dự trực tiếp vào Biển Đông song đang thực hiện những bước đi nhằm kiểm soát khu vực này, và đặc biệt là nắm chặt yết hầu của Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ không ngừng tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt eo biển Malacca và mở rộng tầm hoạt động trong khu vực.

http://nghiadx.blogspot.com
Hải quân Ấn Độ không ngừng tăng cường lực lượng trong những năm gần đây

Trong cuộc họp báo tại New Delhi, Đô đốc Verma thông báo chi tiết kết quả thực hiện chương trình xây dựng lực lượng Hải quân Ấn Độ trong thời gian gần đây. Theo đó, trong 5 năm qua, Hải quân Ấn Độ đã được trang bị thêm 15 tàu chiến nổi, một tàu ngầm hạt nhân tấn công (INS Chakra thuê của Nga).

Còn 46 chiếc tàu chiến nữa vẫn đang trong quá trình đóng mới, trong đó có 43 chiếc được đóng tại Ấn Độ và 3 chiếc đang đóng tại Nga.

>> "Chiến tranh kiểu mới" trong mối quan hệ Trung - Ấn

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đang tìm mua trực tiếp 49 tàu chiến khác từ các công ty sản xuất trong nước. Trong số đó có 7 tàu khu trục nhỏ sẽ sớm được khởi công tại công ty Mazagon Dock ở Mumbai và Garden Reach Shipbuilders & Engineers (GRSE) ở Kolkata theo dự án 17A; 4 tàu tấn công tốc độ cao được đóng tại GRSE.

Ngoài ra, một tàu huấn luyện sẽ được đóng tại một xưởng đóng tàu của tư nhân; 8 tàu quét thủy lôi, trong đó 2 chiếc đóng tại Hàn Quốc và 6 chiếc được sản xuất trong nước trên cơ sở công nghệ được Hàn Quốc chuyển giao.

http://nghiadx.blogspot.com
Tàu ngầm INS Charka của Ấn Độ

Dự án đóng mới 6 tàu ngầm thông thường theo dự án 75 (I) cũng sắp được thông qua. Ấn Độ cũng đang xem xét kinh phí để mua 1 tàu lặn sâu và một tàu cứu hộ để sử dụng trong trường hợp tàu ngầm gặp nạn. Trong vài tháng tới, Ấn Độ cũng sẽ mở gói thầu mua 4 tàu đổ bộ, 16 tàu săn ngầm hoạt động tại các vùng nước nông, 1 tàu huấn luyện tổng hợp và 2 tàu hỗ trợ lặn.

Theo Đô đốc Verma, trong vòng 5 năm tới mỗi năm Hải quân Ấn Độ sẽ đưa vào biên chế ít nhất 5 tàu chiến nổi và 5 tàu ngầm. Phần lớn các tàu mới được tăng cường này sẽ được triển khai ở các quần đảo Andama và Nicobar thuộc Vịnh Bengal, cách đất liền 1.200 km và là nơi kiểm soát các tuyến đường vận chuyển quốc tế dẫn đến Eo biển Malacca. Đây là điểm yết hầu mà tất cả các tàu thuyền từ Tây Á đến Biển Đông phải đi qua.

Chặn yết hầu Trung Quốc

Ngày 31/7, Ấn Độ đã khánh thành căn cứ không quân hải quân INS Baaz trên đảo Great Nicobar gần Eo biển Malacca. Căn cứ này sẽ hỗ trợ cho các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ tại Car Nicobar. INS Baaz nằm gần eo biển Malacca hơn 300 km so với Car Nicobar.

Tuy nhiên, INS Baaz chưa có đường băng đủ dài cho máy bay chiến đấu hạ cánh. Hải quân Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng một sân bay dài khoảng 3.000 m nhằm giải quyết vấn đề này.

Đô đốc Verma cũng cho biết Hải quân Ấn Độ muốn tăng mạnh số lượng tàu chiến tại căn cứ Port Blair, trung tâm đầu não của khu vực Andaman và Nicobar. Đô đốc Verma cũng đánh giá căn cứ INS Baaz có một vị trí chiến lược trọng yếu. Căn cứ này sẽ giúp Hải quân Ấn Độ mở rộng tầm hoạt động cũng như thời gian hoạt động của tàu chiến và máy bay tuần tra trong khu vực.

http://nghiadx.blogspot.com
Eo biển Malacca và đường đi của dầu mỏ về Trung Quốc

Không nói trực tiếp, song có thể hiểu một khi kiểm soát được eo Malacca tức là Ấn Độ đã khống chế được Trung Quốc. Eo Malacca nối liền Biển Đông (rộng hơn là Thái Bình Dương) với Ấn Độ Dương. Trên tuyến vận tải này, có tới 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu và một tỷ lệ hàng hóa tương đương của Trung Quốc phải đi qua.

Nếu nguồn năng lượng này bị cắt, nền kinh tế của Trung Quốc khó mà “sống” nổi. Thêm vào đó, tuyến hàng hải này bị Ấn Độ (hay bất kỳ nước nào khác khống chế), hàng hóa ra vào Trung Quốc sẽ bị đình trệ gần như hoàn toàn.

Người Trung Quốc hiểu rõ điều này hơn ai hết. Có lẽ, chính vì vậy mà họ đã và đang sốt sắng tính tới các phương án nhằm tránh bị phụ thuộc vào eo biển Malacca.

Phương án thứ nhất là thuyết phục Thái Lan mở một kênh đào nối từ biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương vào biển Đông. Phương án thứ hai là mở tuyến đường xuyên suốt từ cảng Gwadar của Pakistan về Tân Cương. Phương án thứ ba là “đi nhờ” đường Myanmar rồi chuyển dầu mỏ về các tỉnh Tây Nam.

http://nghiadx.blogspot.com
Các căn cứ trên quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ nằm chặn ngay eo biển Malacca

Tuy nhiên, cả ba phương án trên đều không thực sự khả thi. Con kênh mà Trung Quốc muốn đào vắt qua Thái Lan mang tên Karat có thể cần tới 20 tỷ USD. Còn tuyến đường xuyên Pakistan sẽ khó có thể được bảo đảm vì những trở ngại an ninh mà Islamabad đang phải đối mặt.

Chưa kể đây lại là một nước đồng minh của Mỹ. Khả thi nhất vẫn là con đường đi qua Myanmar với các chặng từ đường biển, đường sông rồi lại lên đường bộ. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, Myanmar đang “vẫy” khỏi vòng kiểm tỏa của Trung Quốc.

Những tiết lộ của Đô đốc Verma cho thấy Ấn Độ đang áp dụng chính bài miếng của người Trung Quốc. Đó là nguyên tắc giả trá được nêu trong Binh pháp Tôn Tử. Theo đó, người Ấn Độ “có thể đánh mà làm như không thể đánh, muốn đánh mà làm như không cần đánh, muốn đến gần mà làm như lùi ra xa”.

(Nguồn :: Báo Phụ Nữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang