Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> "Chiến tranh kiểu mới" trong mối quan hệ Trung - Ấn

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

>> "Chiến tranh kiểu mới" trong mối quan hệ Trung - Ấn

Tăng cường sức mạnh, âm thầm so kè với Trung Quốc, Ấn Độ đang tự tin đặt mình vào vị trí của “tay chơi lớn”.

http://nghiadx.blogspot.com
Quan hệ Trung - Ấn còn nhiều nghi kỵ. Ảnh: Time.

Thâm hụt niềm tin và nhân tố Mỹ

Gần đây báo giới New Delhi và Bắc Kinh thường dành cho nhau những lời lẽ mang đầy tính thù địch. Một tờ báo của Ấn Độ mới đây giật dòng tít: “Hãy cảnh giác, Ấn Độ. Trung Quốc chuẩn bị lập căn cứ quân sự tại Ấn Độ Dương”. Đáp trả, báo giới Bắc Kinh nhanh chóng đả kích New Delhi là “ngày càng tỏ rõ sự đố kỵ với thành công của Trung Quốc”.

Thực tế, không chỉ báo giới mà giới chức New Delhi và Bắc Kinh cũng không thực sự tin tưởng lẫn nhau. Mặc cho Trung Quốc khẳng định căn cứ tại đảo Seychelles trên Ấn Độ Dương chỉ nhằm hỗ trợ cho các tàu hải quân nước này, giới lãnh đạo Ấn Độ vẫn coi động thái này là biểu hiện của “chính sách bao vây chiến lược của Trung Quốc”.
Dù không đánh giá cao khả năng xảy ra xung đột thực sự, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ vẫn thừa nhận: “New Delhi và Bắc Kinh đang trải qua thời kỳ thâm hụt niềm tin”.

Gần 50 năm sau chiến tranh biên giới, tranh chấp lãnh thổ dài hàng nghìn km2 giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết và cái “ung” này thỉnh thoảng lại trở chứng, khiến quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc đau tím tái.

Rõ ràng, quan hệ song phương tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, hồ nghi tới mức Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Ấn Độ là Bharat Verma phải cho rằng, Trung Quốc có thể tấn công Ấn Độ để đảm bảo vị trí thống lĩnh tại châu Á.

Và ngay cả lĩnh vực thương mại song phương, dù có tốc độ phát triển nhanh nhất giữa các nền kinh tế mới nổi, cũng tồn tại việc thiếu tin cậy lẫn nhau.

“Mối quan hệ này đang dần tiến tới thù địch chính bởi quan điểm hiếu thắng của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn trở thành số 1 thế giới, có thể không phải để thống trị lãnh thổ mà là nhằm có được cái quyền gạt bỏ chính sách của những nước láng giềng mà Trung Quốc không ưa thích”, Shyam Saran, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ nhận định.

Khó chịu không kém, phía Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ đang góp sức cho chiến lược kìm chế của Mỹ. Theo Bắc Kinh, mục tiêu rõ ràng của cuộc họp ba bên đầu tiên sắp tới giữa Washington, New Delhi và Tokyo là nhằm tìm cách đối phó với “một Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị thế lớn”.

Vì vậy, giới phân tích nhận định, cuộc họp này, cùng với loạt động thái tăng tốc của New Delhi sẽ chỉ càng gia tăng nghi ngờ trong mối quan hệ song phương.

“Trò chơi lớn”

Dù giới ngoại giao hai nước khẳng định mong muốn thiết lập mối quan hệ song phương thân thiết nhưng căng thẳng vẫn không ngừng gia tăng ở mọi khía cạnh quan hệ giữa hai láng giềng châu Á này. BBC cho rằng, những sự dè chừng, so găng của New Delhi và Bắc Kinh rất giống như một cuộc đấu trong "trò chơi lớn”.

"Trò chơi lớn" là khái niệm gắn liền với cuộc tranh giành ảnh hưởng cũng như quyền kiểm soát đối với khu vực Trung Á giữa Nga và Anh được bắt đầu từ năm 1813 và chỉ kết thúc đến khi hiệp ước Anh-Nga năm 1907 được ký kết.

Theo BBC, so với trò chơi nguyên bản hồi những năm 1880, phiên bản mới giữa hai “ông lớn châu Á” này dù không gây ồn ào bằng nhưng lại có tác động lớn hơn trên toàn cầu, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ cho khu vực và thế giới.


http://nghiadx.blogspot.com
Ấn Độ - Trung Quốc "chơi trò chiến tranh mới". Ảnh: Economist.

Giống như phiên bản cũ, cuộc chơi mới này cũng diễn ra trên mọi lĩnh vực như viện trợ, đầu tư, chính trị, văn hóa và đặc biệt là quân sự.

Trung Quốc giúp Chính phủ Sri Lanka trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao và viện trợ hàng tỷ USD để họ đánh bại lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil. Đổi lại, quốc đảo này cho Bắc Kinh sử dụng cảng nước sâu ở Hambantota, qua đó kiểm soát được nhiều tuyến đường vận chuyển huyết mạch trên biển, có ý nghĩa sống còn với Ấn Độ.

Không dừng lại, Trung Quốc còn dựng lên lá chắn ở phía Tây Nam, ngăn chặn ý định Đông tiến của Ấn Độ bằng cách lôi kéo Myanmar, biến nước này thành đồng minh thân cận nhất. Bằng chứng là Bắc Kinh liên tục thúc đẩy thương mại song phương, trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của Naypyidaw, liên tục bảo vệ nước này tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở thương mại, các căn cứ hải quân…

Đổi lại, Trung Quốc được phép khai thác mỏ khí tự nhiên của Myanmar với giá hữu nghị, cũng như từng bước tiếp cận những nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này vừa có lợi cho Trung Quốc, vừa kết lấy lòng Myanmar và quan trọng hơn, cắt đi một nguồn cung nguyên, nhiên liệu cho nhu cầu kinh tế Ấn Độ cũng như lấy đi của Ấn Độ một đồng minh trong vùng đệm an ninh.

Một nước khác cũng được Trung Quốc tận dụng là “kẻ thù” của Ấn Độ: Pakistan. Bằng cách giúp đỡ tài chính, kỹ thuật vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân… cho Islamabad, Bắc Kinh được phép xây dựng một căn cứ hải quân lớn, trạm giám sát ở Gwadar và một bến cảng ở Pasni. Đã vậy, với việc giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh giúp kẻ thù của kẻ thù, khiến Ấn Độ phải chia lửa đối phó Pakistan ở phía Tây, không thể dồn sức cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở phía Bắc, Đông và Nam.

Xét trên bình diện toàn khu vực xung quanh Ấn Độ, Trung Quốc còn âm thầm lôi kéo Nepal, Bangladesh… tạo thế bao vây Ấn Độ trên đất liền. Và với hàng loạt hải cảng, căn cứ hải quân ở các nước thân thiết với Trung Quốc dọc theo Ấn Độ Dương, Bắc Kinh tạo thành vành đai trên biển. Có thể nói, Trung Quốc đi trước một bước, bao vây thành công Ấn Độ, hoàn toàn có cơ sở để kìm chế được cường quốc này.

Vì vậy, với một số người ở New Delhi, đối phó với Trung Quốc thậm chí còn được đặt cao hơn với đối thủ truyền thống là Pakistan. "Gần đây, có một quan điểm phổ biến ở Ấn Độ rằng, Trung Quốc là mối nguy hiểm thực sự trong tương lai", Gurmeet Kanwal, giám đốc nghiên cứu chiến tranh mặt đất tại New Delhi nhấn mạnh.

Trước sự uy hiếp của Trung Quốc, Ấn Độ cũng không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Ngoài việc tự lực phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác với Mỹ, Nga, ASEAN… tạo thế cân bằng chiến lược, nước này còn tập trung tăng cường sức mạnh quốc phòng.

“Quân đội Ấn Độ đang củng cố lực lượng của mình để chuẩn bị đối phó với một cuộc xung đột có thể xảy ra dọc khu vực biên giới tranh chấp và không ngừng cố gắng cân bằng với việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương”, James Clapper, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ tuyên bố trước một uỷ ban thượng viện.

Để cạnh tranh, Ấn Độ bắt đầu con đường dài để hiện đại hoá các lực lượng của mình và thay thế những vũ khí lạc hậu từ thời Xô Viết. Ấn Độ quyết định mua 126 máy bay chiến đấu từ hãng Dassault của Pháp sau một cuộc chiến giữa các nhà sản xuất máy bay toàn cầu để lôi kéo Ấn Độ. Chi phí ban đầu cho hợp đồng này ước tính vào khoảng 11 tỷ USD nhưng các vũ khí trên máy bay, việc chuyển giao công nghệ, duy tu bảo dưỡng và các phí tổn khác được cho là làm gia tăng hầu như gấp đôi giá thành.

Hải quân Ấn Độ mới đây cũng tiếp nhận một tàu ngầm hạt nhân Nerpa của Nga, đổi tên là INS Chakra-II. Động thái này khiến Ấn Độ trở thành thành viên của một nhóm "đẳng cấp" các quốc gia vận hành tàu ngầm hạt nhân. Những thành viên khác trong câu lạc bộ này có Mỹ, Pháp, Nga, Anh và Trung Quốc.

Ngoài ra, 6 tàu ngầm đang được xây dựng ở Ấn Độ theo giấy phép từ Pháp trong hợp đồng trị giá 5 tỷ USD dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015.

“Như vậy, không chỉ có Trung Quốc đang trỗi dậy, mà Ấn Độ cũng đang gia tăng và xu thế này tiếp tục trong vài thập niên tới", phó chỉ huy không quân Kapil Kak nghỉ hưu, hiện là thành viên Trung tâm nghiên cứu không lực ở New Delhi nhận định.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không ai trong số hai nước muốn gây chiến tranh bởi họ đều có vũ khí hạt nhân, khi giao chiến thì hậu quả là vô cùng lớn, đôi bên đều bị thương nặng, thậm chí hủy diệt lẫn nhau. Vì vậy, tất cả những động thái cứng rắn của họ chỉ nhằm mục đích là để tranh giành ảnh hưởng, giống như những gì diễn ra trong “trò chơi vĩ đại” hồi những năm 1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang