Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Mỹ cũng từng có ý định tấn công hạt nhân Trung Quốc năm 1958

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

>> Mỹ cũng từng có ý định tấn công hạt nhân Trung Quốc năm 1958

Trung tuần tháng 8/1958, 5 chiếc máy bay ném bom B-47 của không quân Mỹ bố trí tại căn cứ quân sự trên đảo Guam đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chỉ cần nhận lệnh là vút lên trời bay đi thực hiện sứ mệnh hủy diệt nhằm vào khu vực Hạ Môn (Trung Quốc). Tuy nhiên, đến phút cuối, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower đã không đồng ý với đề xuất của Lầu Năm góc. Tại sao vậy.

>> Liên Xô từng có ý định tấn công hạt nhân Trung Quốc ? (Phần 1)

Trở lại với thời điểm tháng 8/1958, bóng mây chiến tranh vần vũ ở eo biển Đài Loan. Nhằm giáng đòn sấm sét vào cái gọi là "Hiệp ước phòng thủ chung" mà Oasinhtơn đã ký với nhà cầm quyền Đài Bắc, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tập kết một lượng lớn binh lực ở tiền tuyến Phúc Kiến.

17 giờ 30 phút ngày 23/8, hàng vạn khẩu pháo của Trung Quốc đồng loạt khai hỏa bắn phá dữ dội vào những mục tiêu quan trọng của quân Quốc dân Đảng như "Bộ tư lệnh phòng vệ Kim Môn" và trận địa pháo binh. Cả thế giới dồn sự quan tâm chú ý vào Kim Môn, nơi chỉ cách Hạ Môn (Trung Quốc) 18 hải lý (khoảng 33 km) về phía Tây.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Máy bay ném bom B-47 của Mỹ.

Việc Trung Quốc tấn công quần đảo Kim Môn làm cho Mỹ trở tay không kịp. Do trước đó, không quân Mỹ đã điều một lực lượng lớn đi ứng phó với cuộc khủng hoảng Libăng, nên không có cách nào bố trí binh lực ở khu vực biển Đài Loan theo hiệp ước đã ký với Tưởng Giới Thạch.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng không quân Nathan F. Twining (ảnh), người từng chủ trương sử dụng vũ khí hạt nhân cứu quân Pháp đang bị vây khốn ở Điện Biên Phủ (Việt Nam), đã ra sức cổ súy cho ý tưởng cực đoan: ra đòn hạt nhân nhằm vào Trung Quốc đại lục.

Trung tuần tháng 8/1958, 5 chiếc máy bay ném bom B-47 của không quân Mỹ bố trí tại căn cứ quân sự trên đảo Guam đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chỉ cần nhận lệnh là vút lên trời bay đi thực hiện đòn đánh hạt nhân chiến thuật nhằm vào khu vực Hạ Môn (Trung Quốc).

Mệnh lệnh từ Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ chỉ rõ: một khi xung đột leo thang, 5 chiếc máy bay ném bom B-47 mang theo những quả bom hạt nhân chiến thuật tương đương lượng nổ khoảng 10.000-15.000 tấn thuốc nổ TNT thả xuống Hạ Môn.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tướng Twining.

Tuy nhiên, trong cuộc họp với các quan chức chủ chốt của Nhà Trắng và Lầu Năm góc ngày 25/8, Tổng thống Eisenhower đã quyết định "không sử dụng vũ khí hạt nhân ở khu vực biển Đài Loan mà dùng sức mạnh vũ khí thông thường trợ giúp Đài Loan".

Bốn ngày sau, Eisenhower ra lệnh cho lực lượng tác chiến hỗn hợp không quân (CASF) chi viện cho vùng Viễn Đông và một lần nữa khẳng định lại với Twining rằng "cho dù Kim Môn có bị pháo kích ác liệt tới đâu, chúng ta cũng không phải vội vàng sử dụng vũ khí hạt nhân".

Tư tưởng chỉ đạo của Eisenhower đã gặp phải sự phản đối của nhiều tướng lĩnh Mỹ, trong đó có tướng không quân Lawrence Kuter, một trong những tác giả của bản kế hoạch tấn công hạt nhân. Tướng Lawrence Kuter cho rằng quyết định "phản ứng có giới hạn" (không sử dụng vũ khí hạt nhân) của Eisenhower là một "thảm họa", "hoặc là người Mỹ sử dụng loại vũ khí hiệu quả nhất của mình (vũ khí hạt nhân) hoặc là không nên can dự vào cuộc xung đột trên biển Đài Loan".

Tại sao Tổng thống Mỹ Eisenhower đưa ra một quyết định đi ngược lại ý muốn của những tướng lĩnh "diều hâu"?

Thứ nhất, truớc khi cuộc xung đột trên biển Đài Loan xảy ra, Liên Xô đã tuyên bố bắt đầu từ ngày 31/3/1958 sẽ đơn phương chấm dứt tất cả các hình thức thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Muốn giành được thế chủ động trên mặt trận ngoại giao, đương nhiên, Mỹ phải hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân ở khu vực biển Đài Loan.

Bên cạnh đó, việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Hạ Môn không chỉ gây thiệt hại cho Trung Quốc mà còn cho cả Đài Loan, đồng thời có thể dẫn đến khả năng leo thang xung đột hạt nhân trên toàn thế giới. Đặc biệt, sau khi chứng kiến những hậu quả khủng khiếp gây ra cho thường dân ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), nhân loại cực lực lên án việc sử dụng loại vũ khí dã man, tàn bạo này.

Việc Mỹ một lần nữa sử dụng vũ khí hạt nhân triệt hạ đối phương sẽ chỉ làm cho làn sóng chống Mỹ cao thêm, gián tiếp trợ giúp Liên Xô giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, vào năm 1958, tuy thời kỳ "trăng mật" trong quan hệ Xô-Trung sắp kết thúc, nhưng những chia rẽ giữa hai bên chưa công khai hóa. Ngày 31/7/1958, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchev thăm Bắc Kinh. Kết hợp với việc Trung Quốc pháo kích Kim Môn, người ta cho rằng Mátxcơva ngầm ủng hộ Bắc Kinh tấn công Kim Môn.

Cho dù Eisenhower đã sớm vạch ra chiến lược trả đũa toàn diện trước mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô, nhưng rõ ràng người Mỹ không có được 100% tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Hơn nữa, ngày 7/9, Khrushchev đã gửi thư cho Eisenhower cảnh cáo rằng: "Trong thời đại của vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh và các loại vũ khí với uy lực chưa từng có, các hạm đội hải quân từng làm mưa làm gió trên biển về cơ bản chỉ thích hợp cho những chuyến thăm quan mang tính lễ tân, đó là chưa nói tới việc chúng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của các loại tên lửa".

Rõ ràng, Khrushchev đang ám chỉ tới việc Eisenhower khi đó đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan "tuần tra". Khrushchev nhấn mạnh: "Trong bối cảnh sự lũng đoạn hạt nhân của Mỹ không còn, việc Mỹ vẫn còn có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân đe dọa nước khác là hoàn toàn không có hy vọng". Vì vậy, cho dù Eisenhower muốn sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Hạ Môn thì cũng không thể không xem xét đến việc khi đó Trung Quốc và Liên Xô vẫn đang cùng một phe.

(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang