Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Nguyễn Phương Nga

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phương Nga. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phương Nga. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

>> Hải quân VN sẽ làm mọi việc để bảo vệ lãnh thổ



HQVN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, người phát ngôn BNG Việt Nam khẳng định.

Trong buổi họp báo quốc tế chiều 29/5 tại Hà Nội về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 (thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN), người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nói về vụ việc ngày 26/5, bà Nga cho biết: Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.



Bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Trước sự quan tâm của báo chí quốc tế về vai trò của hải quân Việt Nam trong việc bảo vệ các tàu ở biển Đông, bà Nguyễn Phương Nga nói, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Chiến, phó chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc hiện nay tìm cách để thực hiện đường yêu sách 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở biển Đông thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban biên giới khẳng định, một điều rất rõ ràng là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế nào cả. Đường lưỡi bò cũng trái với Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Yêu sách này đã xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, và bị nhiều nước phản đối.

Trả lời câu hỏi về việc người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng “Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Việc tàu hải giám Trung Quốc thực hiện với tàu Việt Nam là hoạt động giám sát và chấp pháp ở vùng biển do Trung Quốc quản lý. Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”, bà Nguyễn Phương Nga nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam bác bỏ luận điệu phát biểu này”.

Bà Nga nói, cần phải làm rõ một số điểm như sau, trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo công ước Luật biển quốc tế năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.

Cũng theo người phát ngôn, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.



Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong ảnh, Hải quân đánh bộ Việt Nam trên luyện tập trên quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên cũng cần nói rõ rằng, không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước. Điểm thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Phó tổng giám đốc tập đoàn PVN, ông Đỗ Văn Hậu cho biết, tàu hải giám Trung Quốc đã gây hai loại thiệt hại cho tàu Bình Minh 02. Thứ nhất là hỏng các phương tiện thiết bị khảo sát địa chấn, cắt đứt cáp địa chấn, làm hỏng hệ thống tín hiệu, thu tín hiệu của tàu Bình Minh 02.

Và thiệt hại quan trọng hơn cả là PVN phải dừng hoạt động hai ngày để loại bỏ thiết bị hỏng và thay thiết bị mới, sửa chữa thiết bị. Sau đó PVN cũng phải dành nhiều thời gian nữa để sửa chữa thiết bị bị hỏng. “Chúng tôi đang đánh giá mức độ thiệt hại và sẽ có báo cáo chi tiết”, ông Hậu nói.

Trả lời về việc Trung Quốc đã từng can thiệp vào công tác của PVN, ông Hậu nói, hoạt động dầu khí trên thềm lục địa của chúng ta trải dài từ phía bắc Vịnh Bắc Bộ cho tới mũi Cà Mau. Và Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm nằm ở khu vực chúng ta gọi là nhạy cảm.

Các hoạt động này bao gồm khảo sát địa chấn, khảo sát địa chất công trình, hoạt động khoan, và nhiều hoạt động này đã bị tàu Trung Quốc vào gần để quấy nhiễu và đã từng có trường hợp cắt cáp. Tất cả các trường hợp này đều được các cơ quan chính quyền Việt Nam đưa ra phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc.

Đối với Petro Việt Nam, ngoài thiệt hại ra, Tập đoàn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài tại vùng thềm lục địa Việt Nam, kể cả ở khu vực PVN đang khảo sát hôm 26.5. Chắc chắn sự kiện này cũng làm ảnh hưởng đến chủ trương, tâm lý và hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài. “Tuy nhiên tôi khẳng định tất cả nhà đầu tư nước ngoài biết rằng các hoạt động dầu khí của PVN và của họ trên những khu vực đã ký kết là nằm trong vùng Việt Nam có chủ quyền”, ông Hậu khẳng định.
[VietnamDefence news]


>> Không thể lùi bước!



Hành động ngang ngược, táo tợn theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng” của các tàu phía Trung Quốc đã gây phẫn nộ trong dư luận suốt mấy ngày qua.


Ngày 27/5 vừa qua, tức khoảng 1 ngày sau khi xảy ra việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối hành vi này của các tàu Trung Quốc.



Việt Nam trang bị hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.


Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức họp báo khẳng định quan điểm của Việt Nam. Theo đó, “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

Bà Nguyễn Phương Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, kịch liệt bác bỏ luận điệu của phía Trung Quốc (cho rằng Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và làm tổn hại tới lợi ích của phía Trung Quốc). Bà khẳng định khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa 200 hải lý theo Công ước Luật Biển quốc tế năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Cũng theo bà Nguyễn Phương Nga, phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.

Với tất cả những động thái trên, các cơ quan có chức năng của Việt Nam đã bày tỏ sự kiên quyết cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Những lập luận của chúng ta đưa ra đều có căn cứ thực tiễn và tính pháp lý thuyết phục.

Người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng. Dĩ nhiên cũng có quyền đòi hỏi một thái độ tương tự từ các nước. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Vì vậy, Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Cũng chính vì thế mà hành động ngang ngược, táo tợn theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng” của các tàu phía Trung Quốc đã gây phẫn nộ trong dư luận suốt mấy ngày qua. Đó là một hành động không thể chấp nhận, bởi rõ ràng nó vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Mặt khác, chính hành vi đó đã đi ngược lại các tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Có thể nói, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26/5/2011, cộng với phát biểu vô lý của người phát ngôn của Trung Quốc đã gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Hiện nay, đối phó với mưu đồ khai thác dầu khí ở biển Đông một cách có chủ ý của phía Trung Quốc, ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam đang hết sức vất vả. Tuy thế, ngư dân Việt Nam vẫn vượt mọi khó khăn để bám biển, giữ ngư trường. Công ty TNHH một thành viên Điều hành và khai thác dầu khí trong nước của Tập đoàn Dầu khí vẫn duy trì hoạt động thăm dò, khai thác trên vùng biển chủ quyền… Đó là thái độ tự tin khẳng định rằng chúng ta có quyền sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế trên vùng đất, vùng biển của chúng ta. Không vì bất cứ lý do gì mà chúng ta có thể lùi bước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta!
[VietnamDefence news]


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

>> Sứ quán Mỹ điều tra vụ bạo động Mường Nhé



Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói đang kiểm chứng thông tin nói có người chết trong vụ bạo động của người Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên.







Trong khi đó, giới phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam nói họ không được phép tới khu vực đang xảy ra sự kiện mà nhiều người cho là bất ổn sắc tộc quy mô nhất từ sau cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.

Một số nguồn tin nói với BBC rằng cho tới ngày thứ Sáu 06/05 vẫn còn đông người Hmong tụ tập tại Mường Nhé, trong khi chính quyền vẫn đang tìm cách giải tán họ.

Hôm thứ Năm, ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, được Thông tấn xã Việt Nam trích lời, nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng ở Mường Nhé vì tin rằng "một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa".

Ông nói việc một số người Hmong kêu gọi thành lập vương quốc riêng đã gây bất ổn trong khu vực và rằng sau khi được vận động một số người đã trở về nhà.

Ông Đô được dẫn lời nói chính quyền "đang tìm cách giải quyết để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào".

Điều này cũng có nghĩa hiện sự việc chưa được giải quyết xong.

Một số tổ chức ở nước ngoài thì cáo buộc đã có thương vong trong vụ bất ổn.

Trung tâm Phân tích Chính sách Công, nhóm hoạt động ở Washington, nói 28 người Hmong thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.

BBC không kiểm chứng được thông tin này.

Tuy nhiên Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ra thông cáo nói họ đang điều tra và "kêu gọi các bên liên quan không sử dụng bạo lực, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và theo đúng luật pháp Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền đã được quốc tế công nhận".

Thông tin báo chí

Sau nhiều ngày im lặng, hôm thứ Năm báo chí Việt Nam đồng loạt đăng bản tin do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp dẫn lời ông Lê Thành Đô như đã nói ở trên.

Bản tin nói "lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, kẻ xấu đã phao tin lừa bịp", kích động "gây mất trật tự, an ninh, an toàn".

Hãng thông tấn của Nhà nước Việt Nam cũng trích lời quan chức Điện Biên nói "chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống vận động, thuyết phục bà con không nên tin vào những thông tin bịa đặt lừa bịp, cùng các luận điệu sai trái đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước".

Không thấy có báo nào cho hay đã cử phóng viên lên Điện Biên tìm hiểu tình hình.

Một nguồn tin giấu tên nói với BBC tình hình tại Mường Nhé hiện "gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Một nguồn tin khác cho rằng "Hiện tại chính quyền cấp tỉnh của các tỉnh Tây Bắc Việt Nam có đông đảo người dân Mông sinh sống như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai... đã nhận được chỉ thị cấm người Hmong đi khỏi địa phương".

Lý do, như lời giải thích là "nhằm tránh sự liên kết và tổ chức" của họ và thời điểm nhạy cảm trước bầu cử Quốc hội 22/5.


Người Hmong ở tỉnh Điện Biên


Phóng viên nước ngoài thì than phiền bị khước từ yêu cầu tới khu vực này.

Hãng AFP khi đề đạt nguyện vọng lên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được trả lời: "Không ai lên đó cả".

Bà Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Báo chí, nói với hãng này: "Tình hình không tốt cho các ông lên đó", với lý do thời tiết xấu, đường xá khó khăn và quan chức địa phương đang bận việc tổ chức kỷ niệm ngày lễ chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05.

Bà Nga cũng nói tình hình Mường Nhé đã "ổn định".

Các số điện thoại của giới hữu trách ở huyện Mường Nhé đều không liên lạc được trong ngày thứ Sáu.

Tình hình phức tạp

Vụ bạo động của hàng nghìn người Hmong tại Mường Nhé bắt đầu xảy ra khoảng 30/04.

Ngoài việc đòi thành lập vương quốc riêng, được biết người Hmong còn yêu sách cải thiện tự do tôn giáo.

Mường Nhé nằm cách thành phố Điện Biên 200km, là một huyện nghèo với trên 52.000 người. Đa số người Hmong theo đạo Tin Lành.

Một người Hmong ở trong khu vực nói với BBC rằng nhiều người Hmong theo đạo một cách "cuồng tín" và tình hình tại đây rất phức tạp.

Người này không trả lời thẳng khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng vụ bạo động này có liên quan nước ngoài hay không, nhưng nói trong tiếp xúc, ông thấy những người chủ đạo đều có địa chỉ và số điện thoại của các lãnh đạo người Hmong ở ngoài.

Ông cũng nói việc đời sống khổ cực và dân trí thấp khiến cho niềm tin có phần "cực đoan".

"Họ theo đạo Vàng Chứ, nhưng mà họ cũng không biết sâu xa triết lý của đạo này."

Báo đài Việt Nam gần đây có đăng bài chỉ trích việc người dân tộc thiểu số theo đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là một phiên bản của đạo Tin Lành "gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của người dân miền núi".

Báo chí cũng phê phán việc lan truyền những thông tin hoang đường trong cộng đồng người Hmong về một 'Miền Đất Hứa' khiến họ lơi là cuộc sống lao động.


Các hãng thông tấn nói vụ bất ổn xảy ra tại Nậm Kè



[Theo nguồn bbc Vietnamese news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang