Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Tàu ngầm Sango

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tàu ngầm Sango. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tàu ngầm Sango. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

>> Hải quân Triều Tiên: Sức mạnh tiềm ẩn



Có lượng tàu chiến đông đảo, gồm tàu ngầm, tàu tên lửa, tàu phóng lôi… tổ chức thành 2 hạm đội, Hải quân Triều Tiên luôn tiềm ẩn sức mạnh không thể phủ nhận.

Ngày 9/9/1948 thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trước đó, Quân đội Triều Tiên ra đời (ngày 8/2/1948) gồm 3 quân chủng: Lục, Không và Hải quân.

Ngầm, nhanh, nhỏ, nhiều

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thực hiện chính sách “tiên quân chính trị” ưu tiên phát triển quốc phòng, đề cao vai trò quân đội. Chiến lược quân sự lấy “phòng thủ” làm hạt nhân, từng bước xây dựng khả năng “răn đe”, “tiến công”, xây dựng quân đội theo hướng “đông về quân số, nhiều về số lượng vũ khí trang bị”.

Nằm trong chủ trương này, Hải quân Triều Tiên được xây dựng theo hướng “ngầm, nhanh, nhỏ, nhiều, hiệu quả”. Lực lượng này có số lượng tàu ngầm rất lớn, khoảng 80 chiếc, góp phần cùng với Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… biến vùng biển của nước này trở thành khu vực có mật độ tàu ngầm nhiều nhất thế giới.



Tàu ngầm Sango thường được Triều Tiên sử dụng cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.


Trong biên chế lực lượng, Hải quân Triều Tiên có 22 tàu ngầm lớp Romeo, mỗi tàu trang bị 14 ngư lôi 533mm và 24 thủy lôi. Tiếp đó là 32 chiếc lớp Sango tự đóng, làm nhiệm vụ trinh sát, chở quân tác chiến đặc biệt có nhiều thiết bị chống ngầm của Nga. Sau cùng là tàu ngầm lớp SSI có trên 20 chiếc.

Tàu ngầm của Triều Tiên thuộc loại trung bình, kích thước nhỏ, không có vũ khí uy lực, hiện đại nhưng bù lại nước này có thể chủ động sản xuất, lấy số lượng bù chất lượng. Tàu ngầm Triều Tiên còn có ưu thế phù hợp địa hình, thủy văn.




Tên lửa chống hạm P-15.


Sức mạnh thứ hai của Hải quân Triều Tiên là hơn 600 tàu mặt nước với “3 đòn chủ công” là tàu tên lửa, tàu phóng lôi và tàu đổ bộ. Đặc điểm của các tàu mặt nước của Hải quân Triều Tiên là có lượng giãn nước nhỏ (vài trăm tấn) nhưng có tốc độ cao và phần lớn là hàng “nội địa”. Điển hình là hơn 40 tàu tên lửa cao tốc mang tên lửa chống hạm cận âm P-15 (định danh NATO là SS-N-2 Styx) hay CSS-N-1 (biến thể của P-15 do Trung Quốc sản xuất); 200 tàu phóng lôi (một nửa tự đóng) mang pháo 25 và 37mm, cùng nhiều loại ngư lôi… Như vậy, vũ khí “uy lực nhất”, “hiện đại nhất” trong lực lượng tàu mặt nước của Triều Tiên là P-15, thuộc lớp tên lửa chống hạm thế hệ đầu tiên của Liên Xô, phát triển từ những năm 1950.

Nỗi ám ảnh đền từ bờ biển Triều Tiên

Hải quân Triều Tiên không tổ chức Hải quân đánh bộ nhưng có lực lượng tác chiến đặc biệt trực thuộc Bộ quốc phòng gồm 3 loại trên bộ, trên không và trên biển. Khi tác chiến trên biển, lực lượng này sẽ phối hợp với các tàu hải quân.

Ngay trong thời bình, Hải quân và lực lượng tác chiến đặc biệt trên biển thường xuyên luyện tập. Đặc biệt, có 2 lữ đoàn “bắn tỉa” trên biển trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân trang bị hiện đại từ súng, pháo đến tên lửa đối hải đối không.

Trong biên chế, Hải quân Triều Tiên có 200 tàu đổ bộ, gồm: 100 chiếc tàu đổ bộ lớp Nampo có thể chở 50 lính; 8 tàu đổ bộ cỡ trung lớp Hantae có thể chứa 3-4 xe tăng hạng nhẹ và 350 lính. Hiện nay, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất tàu đổ bộ đệm khí lớp Kinh Bang được trang bị pháo 30 và 57mm và đã chế tạo được 125 chiếc loại này.



Triều Tiên không tổ chức hải quân đánh bộ nên các chiến dịch tác chiến đổ bộ đều phụ thuộc vào các đơn vị quân đặc nhiệm.


Lực lượng đổ bộ của Triều Tiên luôn là mối đe dọa thường trực, luôn xuất hiện trong tính toán phòng thủ của Hàn Quốc và Mỹ. Theo thông tin tình báo, từ căn cứ Goampo, Triều Tiên có thể đổ bộ vào 5 hòn đảo của Hàn Quốc, bao gồm cả Baeknyeong trong khoảng thời gian 30-40 phút với khoảng 70 tàu đổ bộ (mỗi tàu chở được 1 trung đội, di chuyển với tốc độ 90km/h). Cũng theo nguồn tin trên, Triều Tiên có 130 tàu đệm hơi khác bố trí ven biển.

Vì lý do đó, Hàn Quốc và Mỹ buộc phải thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận có mục tiêu giả định là lực lượng đổ bộ của Triều Tiên. Thậm chí, phía Hàn Quốc cân nhắc triển khai trực thăng tấn công MD-500 Defence và đầu tư mua sắm nhiều rocket có điều khiển nhằm ngăn chặn các cuộc đổ bộ trong tương lai.

Ngoài 2 binh chủng tàu ngầm và tàu mặt nước, binh chủng thứ 3 của hải quân là các trung đoàn tên lửa và pháo bờ biển, gồm các tổ hợp: SSC-2B Samlet; CSS-2 Silkworm; CSSC-3 Seersucker.

Pháo bờ biển trong lực lượng Hải quân Triều Tiên là loại có cỡ nòng 122, 130, 152mm. Ngoài ra, có nhiều đơn vị pháo phòng không yểm trợ cho các trung đoàn trên. Triều Tiên không có không quân hải quân, nhiệm vụ tuần tiễu trên không ở vùng biển do không quân đảm trách.

Tốc độ hóa, tên lửa hóa, uy lực hóa

Từ trước chiến tranh 1950-1953, Triều Tiên đã cử hàng vạn thiếu niên ra nước ngoài học tập, nhằm xây dựng lực lượng “chất xám” phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng.

Về ngân sách quốc phòng liên tục chiếm đến 17-18,7%GDP, có nền công nghiệp quốc phòng đủ khả năng sản xuất cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân, Hải quân Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu đóng tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ để thay thế lớp cũ, phát triển tiềm lực trên biển, nhất là khả năng tiến công bằng tên lửa và vũ khí sát thương cao theo hướng tốc độ hóa – tên lửa hóa – uy lực hóa.

Hải quân Triều Tiên có 2 Bộ tư lệnh hạm đội. Hạm đội Hoàng Hải ở phía Tây trên căn cứ chính Nampo và 2 căn cứ lớn Pipagat, SagonNi có 300 tàu. Hạm đội Đông Hải có 400 tàu căn cứ chính Toejo và 2 căn cứ ở phía Đông lớn Najian, Wosan, ngoài ra cả 2 hạm đội còn có 9 căn cứ khác. Hiện nay, Hải quân Triều Tiên có 46.000 người, chưa kể bán vũ trang, dự bị. Có hơn 700 tàu gồm 80 tàu ngầm, hơn 300 tàu mặt nước, hơn 300 tàu đổ bộ, phục vụ.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang