Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Bí mật mạng lưới đường hầm cất giấu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

>> Bí mật mạng lưới đường hầm cất giấu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc



Trung Quốc đã gọi đó là “Vạn Lý Trường Thành ngầm” - một mạng lưới rộng lớn các đường hầm được thiết kế để cất giấu kho vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng tinh vi của nước này.


http://nghiadx.blogspot.com
Giáo sư Phillip Karber từ Đại học Georgetown dẫn đầu cuộc nghiên cứu về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.


Trong 3 năm qua, chủ đề trên đã trở thành đề tài nghiên cứu của một nhóm các sinh viên nhiệt huyết của Đại học Georgetown tại Washington DC, Mỹ.
Được hướng dẫn bởi giáo sư của họ và cũng là một cựu quan chức Lầu Năm Góc, họ đã dịch hàng trăm tài liệu, rà soát kỹ thông qua các hình ảnh vệ tinh, thu thập các tài liệu quân sự mật của Trung Quốc và nghiên cứu nhiều tài liệu trực tuyến.

Và kết quả cho nỗ lực của họ là việc phát hiện hàng nghìn km đường hầm do Quân đoàn Pháo số 2 - một nhánh bí mật của quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm bảo vệ và triển khai các tên lửa chiến lược và đầu đạn hạt nhân - đào.

Nghiên cứu chưa được công bố, nhưng nó đã gây ra một cuộc điều trần tại quốc hội và được bàn luận sôi nổi trong giới quan chức hàng đầu tại Lầu Năm Góc, trong đó có Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ Philip Breedlove.

Hầu hết sự chú ý đổ dồn vào kết luận của bản nghiên cứu dài 363 trang: kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều lần so với những gì các chuyên gia kiểm soát vũ khí từng ước tính trước đây.

Sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter tấn công tỉnh Tứ Xuyên hồi năm 2008, các nguồn tin cho biết hàng nghìn kỹ thuật viên phóng xạ đã đổ tới khu vực và các bức ảnh chụp những đỉnh đồi bị sập đã dẫn tới nghi ngờ về sự tồn tại của một mạng lưới đường hầm rộng lớn - mà Trung Quốc sau đó đã thừa nhận tồn tại.

Trong những đường hầm này, các sinh viên đã cố gắng phác thảo bức tranh về quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Một nhà chiến lược giấu tên của Bộ quốc phòng Mỹ nói: “Nó không phải là một quả bom tấn, nhưng nhưng suy nghĩ và ước tính này đang được kiểm tra để đối chiếu với những gì mà mọi người biết dựa trên các thông tin mật”.

Các nhà chỉ trích đã nghi ngờ việc sử dụng công cụ tìm kiếm internet của cuộc nghiên cứu, trong đó có một chương trình truyền hình hư cấu về các binh sĩ pháo binh của Trung Quốc và làm dấy lên những lo ngại rằng nó có thể khuyến khích các quốc gia duy trì kho vũ khí hạt nhân như là một biện pháp răn đe.

Giáo sư của các sinh viên, ông Phillip A. Karber, từng là một chiến lược gia thời Chiến tranh Lạnh. 3 năm trước, ông Karber làm việc uỷ ban cho Cơ quan giảm thiểu đe dọa quốc phòng (DTRA) nhằm chống lại vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Sau trận động đất năm 2008, ông Karber đã tập hợp một nhóm sinh viên tại Đại học Georgetown để bắt đầu xem xét kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc - sử dụng các tạp chí quân sự, tin tức, ảnh và các diễn đàn.

Các sinh viên đã dành nhiều thời gian để rà soát các trang tài liệu, chuyển sang tiếng Trung và cuối cùng là dịch. Sau 3 năm nỗ lực, họ đã tạo ra kho dữ liệu về hệ thống đường hầm bí mật của Trung Quốc.

Trong số những phát hiện của họ, các sinh viên đã có thể thiết lập một chỉ dẫn sơ bộ về vị trí của các đường hầm và các loại tên lửa bên trong. Họ cũng tìm hiểu xem các tên lửa được vận chuyển như thế nào, trong đó có sự tồn tại khả nghi của một “tàu vận chuyển tên lửa” và các toa tàu được sử dụng để vận chuyển vũ khí.

Kho vũ khí lớn hơn?

Vào tháng 12/2009, khi các sinh viên bắt đầu cuộc nghiên cứu, quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên thừa nhận rằng Quân đào pháo số 2 đã và đang xây dựng một mạng lưới các đường hầm. Theo một bản tin trên đài truyền hình quốc gia CCTV, Trung Quốc đã đào được hơn 4.800km đường hầm, trong đó có cơ sở nằm sâu dưới lòng đất có thể chịu được nhiều vụ tấn công hạt nhân.

Thông tin trên đã gây sốc cho ông Karber và các sinh viên. Điều đó đã khẳng định hướng nghiên cứu của họ, nhưng cũng nêu bật việc các đường hầm này không được chú ý bên ngoài Đông Á.

Sự thiếu quan tâm, đặt biệt trên báo chí Mỹ, đã chứng tỏ vị thế độc nhất của Trung Quốc trong thế giới của vũ khí hạt nhân.

Trong nhiều thập niên, sự tập trung chủ yếu dồn vào 2 cường quốc có các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất cho tới nay - Mỹ, với khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân, và Nga, với khoảng 8.000.

Nhưng trong số 5 quốc gia vũ khí hạt nhân được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân công nhận, Trung Quốc là bí mật nhất. Trong khi Mỹ và Nga bị giới hạn bởi các hiệp ước song phương vốn yêu cầu thanh sát tại chỗ, tiết lộ các lực lượng và lệnh cấm các tên lửa, còn Trung Quốc thì không.

Trong nhiều năm, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được tin là tương đối nhỏ, từ 80-400 đầu đạn hạt nhân. Chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này chỉ duy trì một kho vũ khí hạt nhân nhỏ để “răn đe ở mức tối thiểu”.

Tuy nhiên, dựa vào các đường hầm mà Quân đoàn Pháo số 2 đang đào và việc triển khai thêm các tên lửa, ông Karber cho rằng trên thực tế Trung Quốc có thể có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân.

Các nhà phân tích hoà nghi

Đó là một kết luận đã gây ra những phản ứng gay gắt từ cộng đồng kiểm soát vũ khí.

Gregory Kulacki, một nhà phân tích hạt nhân Trung Quốc tại Hiệp hội các nhà khoa học, đã công khai chỉ trích báo cáo của ông Karber trong một bài thuyết trình gần đây tại Washington. Trong mọt cuộc phỏng vấn sau đó, ông Kulacki gọi con số 3.000 là “lố bịch” và cho rằng phương pháp nghiên cứu - đặc biệt là việc sử dụng các bài viết từ các blogger Trung Quốc - là “kém hiểu biết và lười biếng”.

Phản ứng từ các nhà nghiên cứu khác thì ôn hoà hơn.

“Cuộc nghiên cứu của họ có giá trị, nhưng nó cũng cho thấy mối nguy hiểm của Internet”, Hans M. Kristensen, từ Hiệp hội các nhà hoa học Mỹ, nói.

Trong năm nay, một báo cáo thường niên của Bộ quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên nhấn mạnh với công việc của Quân đoàn Pháo binh số 2 về các đường hầm mới, một phần kết quả của báo cáo của ông Karber. Trước trước chuyến thăm tới Trung Quốc hồi đầu năm nay, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates cũng đã được thông báo về cuộc nghiên cứu.

Đối với ông Karber, việc gây ra các cuộc tranh luận như vậy có nghĩa là ông và các sinh viên của ông đã thành công.

“Tôi không biết thực sự Trung Quốc có bao nhiêu vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không ai trong giới kiểm soát vũ khí biết điều này. Đó là vấn đề với Trung Quốc - không ai biết sự thật, ngoại trừ họ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang