Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. >> Cảnh sát biển Việt Nam trang bị hiện đại >> Tiềm lực đóng tàu chiến của Việt Nam Những người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260km và vùng thềm lục địa rộng gần 1 triệu Km2 bao gồm hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo lớn Hoàng Sa – Trường Sa. Biển Việt Nam cũng có giá trị kinh tế rất cao, là nguồn sống của 4 triệu ngư dân (có 1,3 triệu ngư dân đánh bắt xa bờ) ở 28 tỉnh thành trong cả nước. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận ra tầm quan trọng của kinh tế biển và các vấn đề phức tạp trong công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để thực thi pháp luật trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 1, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam). Lực lượng cảnh sát biển ra đời, đòi hỏi cần có kiểu trang phục phù hợp với nhiệm vụ. Ngày 5/8/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định về kiểu mẫu, màu sắc và quy định sử dụng quân phục, biểu tên đơn vị, quân kỷ của Cảnh sát biển Việt Nam. Cơ bản, cảnh sát biển dùng bộ quân phục thường dùng và dã chiến như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Lục quân nhưng có khác về màu sắc. Cụ thể, quân phục đông thì áo ngoài có màu xanh dương, áo sơ mi mặc trong màu xanh hòa bình nhạt, quần màu xanh dương. Quân phục hè có áo màu xanh hòa bình nhạt, quần xanh dương. Về quân phục nghiệp vụ, hạ sĩ quan – chiến sĩ đi giày da đen, mang thắt lưng to có dây choàng vai, phù hiệu gắn trên cánh tay áo bên trái. Về mũ, cảnh sát biển dùng kiểu mũ giống với sĩ quan Lục quân nhưng khác về màu (vành mũ có màu xanh hòa bình, thành mũ màu xanh dương). Nhưng đặc biệt nhất, cảnh sát biển có thêm mũ bere dệt định hình màu tím than, trước có ô đê đeo quân hiệu. Thắt lưng to có dây đeo qua vai màu trắng, phía trước có khóa trắng gắn hình mỏ neo và chữ CSB màu đen, giày đen thấp cổ, có chun cơ động khi tháo ra. Trang bị của cảnh sát biển Để lực lượng cảnh sát biển có thể thực hiện tốt nhiệm vụ: kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên biển, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện ngăn chặn, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, chính phủ đã quan tâm và tiến hành đầu tư đóng nhiều loại tàu tuần tra, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho cảnh sát biển. Hiện nay, trong biên chế của cảnh sát biển có nhiều tàu tuần tra TT-120, tàu TT-200 và tàu TT-400 với lượng giãn nước lần lượt là 120, 200 và 400 tấn. Đây đều là loại tàu cao tốc vỏ thép, tính tự động hóa cao, lắp đặt nhiều thiết bị điện tử hiện đại, có khả năng chịu sóng gió cấp 8-10. Các tàu thường được vũ trang tháp pháo cỡ nòng nhỏ để phòng vệ khi cần. Đặc biệt, những tàu này đều do Viện kỹ thuật Hải quân thiết kế và xí nghiệp đóng tàu Hồng Hà sản xuất trong nước. Tàu tuần tra cao tốc TT-200 của Cảnh sát biển Việt Nam. Để đáp ứng nhiệm tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển, Cảnh sát biển còn được trang bị thêm 4 tàu kéo cứu hộ (CSB 9001, 9002, 9003, 9004) do Tập đoàn Damen Hà Lan thiết kế, công ty Sông Thu sản xuất trong nước. Tàu kéo này có lượng giãn nước 1.400 tấn, dài 52,4m, rộng 12m. Tàu hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, sóng to gió lớn, thời gian 30 ngày đêm. Tàu còn trang bị tổ hợp máy bơm cứu hộ để chữa cháy khi cần. Thông quan cửa thông biển riêng, tổ hợp sẽ cung cấp nước cứu hỏ, bọt Foam chống cháy ra 2 súng phun đặt trên nóc cabin có thể đạt tầm xa 75m. Trong tương lai gần, đội tàu Cảnh sát biển sẽ có thêm tàu hiện đại DN 2000 do Tập đoàn Damen Hà Lan thiết kế, doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam thực hiện. Tàu DN-2000 có thể thực hiện vai trò cứu hộ cứu kéo tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng khác trên biển đảo. DN 2000 còn được thiết kế một sân đỗ trực thăng ở đuôi tàu. Cảnh sát biển Việt Nam cũng được trang bị 3 máy bay tuần thám biển C-212-400 do Tập đoàn CASA Tây Ban Nha thiết kế sản xuất. Máy bay C212-400 trang bị hai động cơ tuốc bin cánh quạt TPE-331-12JR cho phép đạt tốc độ tối đa 360km/h, trần bay 3.300m, có khả năng cất cánh đường băng ngắn (khoảng 395m). Theo thiết kế của nhà sản xuất, C212-400 có thể mang súng máy và rocket để tham gia tấn công trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền, chống buôn lậu, cứu hộ cứu nạn trên biển. Nguồn: Youtube Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam Phải quản lý vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam hết sức nặng nề. Cảnh sát biển phải vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, vừa chống buôn lậu trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn… Trong vai trò bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc, những năm qua cảnh sát biển đã thường xuyên tiến hành chuyến tuần tra kiểm soát trên vùng biển Việt Nam, kiên quyết xử lý các hành động vi phạm chủ quyền của tàu nước ngoài. Đặc biệt, gần đây, các hoạt động vi phạm lãnh hải ngày càng gia tăng, nhiệm vụ của cảnh sát biển càng thêm nặng, phải thường xuyên túc trực, sẵn sàng nhổ neo tiến ra biển bảo vệ ngư dân, bảo vệ biển. Cảnh sát biển cũng phối hợp chặt chẽ với hải quân cùng thực hiện nhiệm vụ bảo chủ quyền tổ quốc, đặc biệt ở khu vực đang xảy ra các tranh chấp gay gắt những năm gần đây. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác mà cảnh sát biển phải tham gia đấu tranh, chống buôn lậu (buôn ma túy) bằng đường biển. Những năm qua, cảnh sát biển đã tiến hành kiểm tra xử lý hàng nghìn tàu thuyền vi phạm, phá thành công hơn 100 chuyên án lớn. Tháng 5/2008, cảnh sát biển đã phối hợp với công an và hải quan bắt chuyến tàu chở 8,8 tấn nhựa cần sa – đây có thể nói là vụ vận chuyển ma túy vào Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay. Bên canh nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên biển, cảnh sát biển cũng là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Những năm qua, cảnh sát biển đã cứu được hàng trăm ngư dân Việt Nam (và nước ngoài) cùng phương tiện tàu cá gặp nạn. Với bà con ngư dân, cảnh sát biển cũng “kiêm nhiệm” tuyên truyền vận động ngư dân nắm vững pháp luật, tôn trọng điều ước quốc tế để từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống sự xâm phạm lãnh hải của nước ngoài. “Những năm tới, tình hình trên biển Đông vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Trong đó, cảnh sát biển là nòng cốt, cần tập trung vào một số nội dung chính như xây dựng đội ngũ, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, Nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, xử lý tốt các tình huống trên biển để đáp ứng cả nhiệm vụ trong nước và quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cảnh sát biển nói. (Nguồn :: BDV ) |
Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012
>> Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của CS Biển Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét