Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Chủ quyền Hoàng Sa

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ quyền Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ quyền Hoàng Sa. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

>> 'Chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm'

Bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn – Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị đã liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng vỗ tay ủng hộ vang lên không ngớt của hàng trăm kiều bào, cùng những người có mặt tại hội trường.

>> Su-27 ra Trường Sa


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn

Có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đều thống nhất tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Những năm gần đây, chúng ta không để mất bất kỳ một đảo ngầm, một đảo nổi, một nhà giàn nào của Việt Nam.

Chúng ta có thể khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, bởi thực tế chúng ta là những người đầu tiên khai phá, khi chưa có nước nào đặt chân khẳng định quần đảo đó, vùng biển đó. Cho nên chúng ta nói chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định đó là của Việt Nam.

Thế nhưng, năm 1956 nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam để thực hiện hiệp định Genève, trong bối cảnh chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo của Việt Nam, thì Trung Quốc nhân cơ hội đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến 1974, cùng sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa.


Đối với quần đảo Trường Sa, chúng ta khẳng định chúng ta là nước đầu tiên làm chủ nguyên một vùng biển đảo rộng lớn, tuy nhiên, với lực lượng hải quân nhỏ bé, và điều kiện phát triển chưa cao, chúng ta chỉ làm chủ ở một số đảo. Năm 1971 Philippines đã lấn chiếm và làm chủ 5 đảo thuộc phía Đông của quần đảo Trường Sa (gần Philippines), đến 1973, họ lấn chiếm tiếp hai đảo ở phía Bắc.

>> Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của CS Biển Việt Nam

Với Malaysia, cho đến năm 1979 họ đã lấn chiếm và làm chủ 7 đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Năm 1988, nhân cơ hội đất nước đang gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Trung Quốc đã tiến hành đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa. Cho đến 2005 họ đánh chiếm tiếp 2 điểm do Philippines quản lý trên quần đảo Trường Sa.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm (Ảnh: Hoàng Chí Hùng)

Nhắc lại vấn đề này để nói rằng, trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta liên tục cố gắng bằng mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền trong điều kiện nhất định. Từ đó đến nay, chúng ta đã giữ được nguyên hiện trạng, bảo vệ vững chắc cái chúng ta đã có. Đặc biệt vùng biển theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, đó là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Về thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã cố gắng bảo vệ không cho ai đặt nhà giàn, đặt giàn khoan, trụ thăm dò trong vùng thềm lục địa, vùng đặt quyền kinh tế, thuộc chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam. Mọi người cần tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giữ vững và bảo vệ vững chắc cái chúng ta đã có.

Năm 1947, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã vẽ lên một bản đồ theo hình chữ U lấn sâu vào phía nam của Biển Đông. Từ đó cho đến nay, người ta đã liên tục giáo dục cho công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rằng, tổ quốc có vùng biển theo đường chữ U, dù trên thực tế đường chữ U đó lấn sâu vào bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước khác.

Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào ở vùng Đông Nam châu Á, có quan hệ tới Biển Đông đều không thể chấp nhận được. Từ đó trước đến nay, giáo dục Trung Quốc đều nhất quán một quan điểm như các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường hay nói “đường 9 khúc không thể thay đổi, nhưng trước mắt, chúng ta chưa đủ khả năng giải quyết, thì chúng ta hãy gác tranh chấp cùng khai thác". Nêu lên vấn đề này để khẳng định một điều chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác về âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Đường lưỡi bò là điều "không thể chấp nhận" (Ảnh: Internet)

Trung Quốc đã âm mưu độc chiếm Biển Đông qua 3 giai đoạn

Giai đoạn 1 là chuẩn bị pháp lý, Trung Quốc đã chuẩn bị pháp lý xong, liên tục từ năm 1947 tới nay bằng văn bản, cơ sở khoa học, núp dưới danh nghĩa khảo cổ, để đi tới khẳng định về mặt pháp lý đường chữ U của Trung Quốc, Tây Sa, Nam Sa chính là Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là của Trung Quốc.

Giai đoạn 2 là thực hành chấp pháp, chính là giai đoạn hiện nay, họ đang tăng cường hoạt động chấp pháp trên vùng biển, như ra tuyên bố cấm đánh bắt cá, cho tàu hải giám, ngư chính đi tuần tra. Ngay từ năm 2008 Trung Quốc đã bằng nhiều cách gây áp lực và tìm mọi cách ngăn chặn bằng con đường ngoại giao, bằng con đường đe dọa, bằng mối quan hệ kinh tế, nhưng dù vậy những nước khác vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trên vùng biển của chúng ta.

Giai đoạn 3 là độc chiếm Biển Đông, có thể nói đây là một âm mưu nhất quán, do đó chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
"Quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với tình huống thấp nhất đến tình huống cao nhất" (Ảnh: Internet)

Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng nhiều người băn khoăn nếu ta muốn hòa bình mà họ không chịu hòa bình thì sao? Trong trường hợp Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng sức mạnh thì sao? Nhà nước, đặc biệt là quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với tình huống thấp nhất đến tình huống cao nhất. Bản thân các tướng lĩnh Trung Quốc nhận định, nếu đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa chỉ mất khoảng 1 tuần, nhưng giữ được Trường Sa thì Trung Quốc khó có thể giữ được.

Hiện tại, chúng ta đã trang bị tàu hộ vệ tên lửa có khả năng bảo vệ cách bờ 200km trở lại, chúng ta cũng có những tên lửa có tầm bắn 600km, và cả những tên lửa nằm trong số những vũ khí hiện đại bậc nhất trên thế giới. Chúng ta cũng mua sắm những máy bay đủ sức bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa.

(Theo nguồn : Báo điện tử Infonet )

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

>> Chủ quyền Hoàng Sa được ghi ngay tại điều 1 Luật Biển

Với 495/496 đại biểu QH bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với việc xác định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…được ghi ngay trong điều 1.

>> Việt Nam muốn mua 18 chiếc Su-30K
>> Su-27 ra Trường Sa


http://nghiadx.blogspot.com
Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Trường Sa


(Nguồn :: VIETNAMDEFENCE )

Luật Biển chính là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đồng thời sẽ là thứ "vũ khí pháp lý" để xử lý bằng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với các cá nhân, tàu thuyền nước ngoài vi phạm.


Điều 3 của Luật ghi nhận rõ “biện pháp hòa bình” là nguyên tắc để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo báo cáo giải trình, việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta, bởi vì ngay trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể khi thành viên của Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 quy định việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết.

Luật Biển thừa nhận quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam nhưng quy định rất cụ thể các hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam:


a) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
b) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.
c) Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào.
d) Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
đ) Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền.
g) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền.
h) Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh.
i) Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.
k) Đánh bắt hải sản trái phép.
l) Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép.
m) Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam.
n) Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.


http://nghiadx.blogspot.com

Theo Luật Biển, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việc QH thông qua Luật Biển Việt Nam là một động thái mạnh mẽ, cần thiết trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điểm đáng lưu ý nhất là dù các phiên thảo luận luật Biển là thảo luận kín. Nhưng đến hôm qua, báo chí đã có quyền tiếp cận toàn bộ bộ luật này.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam.

Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới./.

(Vietnam+, 21.6.12)


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang