Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Tên lửa vác vai

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa vác vai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa vác vai. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

>> Uy lực từ bờ vai (kỳ 2)



Là sự bổ sung hoàn hảo cho Redyeye, Stinger được cải thiện đáng kể về khả năng dẫn đường và dò tìm, góp phần xoay chuyển cục diện trên chiến trường Afghanistan hồi thập niên 1980.

>> Uy lực từ bờ vai (kỳ 1)

Kỳ 2: Xoay chuyển cục diện chiến trường


Ngay từ năm 1946, giới chóp bu quân sự Mỹ cho rằng, thế hệ súng phòng không 12,7 mm trang bị cho lục quân đã trở nên “bất lực” trước những bước phát triển nhanh chóng của máy bay đối phương. Thực tế này đòi hỏi phải có một loại vũ khí mới, thích ứng với điều kiện tác chiến ngày càng hiện đại.

Mắt đỏ nhiều khiếm khuyết

Là thế hệ tên lửa vác vai đầu tiên của Mỹ, FIM-43 Redeye (Mắt đỏ) do hãng General Dynamics phát triển. Sau nhiều lần thất bại do lỗi kỹ thuật, tháng 2/1967, Redeye chính thức được trang bị cho quân đội Mỹ với những phiên bản như BLOCK I, BLOCK II, BLOCK III. Tương tự như các tên lửa phòng không mang vác thế hệ đầu, Redeye hoạt động theo nguyên lý tầm nhiệt (bám theo nhiệt từ khí thải và động cơ của máy bay) nhờ bộ cảm ứng gắn ở đầu. Với quai đeo rất tiện lợi, xạ thủ sử dụng Redeye có thể dễ dàng di chuyển và nhanh chóng tác chiến trên chiến trường.

Tuy nhiên, Redeye vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong tác chiến. Khiếm khuyết lớn nhất đó là Mắt đỏ rất dễ “mù màu” trước những nguồn nhiệt khác từ mặt đất hay sức nóng từ mặt trời, và mục tiêu giả do máy bay đối phương phóng ra như pháo sáng… Bên cạnh đó, tốc độ của Redeye còn khá… “khiêm tốn”, máy bay đối phương dễ phát hiện ra và nhanh chóng thoát thân. Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan, năm 1984, Mỹ đã cung cấp 50 quả tên lửa Redeye cho lực lượng Mujahideen Afghanistan để chống lại những người cộng sản.

“Chuyên gia” dò tìm

Khắc phục những hạn chế của Redeye, tên lửa FIM-92 Stinger là sự bổ trợ hoàn hảo cho lục quân Mỹ với khả năng dò tìm mục tiêu được nâng cao. Dài 1,52m, đường kính 70 mm, nặng 10,1 kg, Stringer có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 – 3.800 m. Tên lửa được phóng ra nhờ một động cơ nhỏ để tạo khoảng cách an toàn cho xạ thủ trước khi hệ thống cung cấp nhiên liệu rắn 2 tầng được kích hoạt, giúp Stinger đạt tốc độ Mach 2,2. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Stinger khai hỏa.


Phiên bản đầu tiên FIM-92A được phóng thử vào năm 1975. Nó đã hóa giải những chướng ngại vật mà trước kia Redeye không thể vượt qua, đó là việc sử dụng đầu dò hồng ngoại được làm lạnh thế hệ thứ 2 để nâng cao khả năng dò tìm và dẫn đường, nhanh chóng tiếp cận và tấn công mục tiêu. Hệ thống phân biệt bạn - thù cũng rất hữu dụng trong trường hợp hỗn chiến.

Được phát triển từ năm 1977, FIM-92B có đầu dò tìm 2 kênh, điều khiển bằng bộ vi xử lí mới. Tên lửa sử dụng kĩ thuật quét ảnh cùng đầu dò tia cực tím, giúp phân biệt chính xác mục tiêu thật - giả. Phiên bản FIM-92C (còn gọi là Stinger-RMP) với bộ vi xử lí có thể tái lập trình, tăng khả năng thích ứng với các mục tiêu khác nhau (trên đất, trên biển, trên không). Stinger tiếp tục được cải tiến với những phiên bản FIM-92D, FIM-92G, FIM-92E (Stinger Block I, gắn thêm bộ cảm biến hình tròn và chương trình phần mềm nâng cấp), FIM-92F, FIM-92H...

Stinger-RMP Block II – phiên bản hiện đại nhất của “dòng” Stinger, được phát triển từ năm 1996. Đầu dò hồng ngoại được cải tiến nhằm tăng độ chính xác và tầm bắn trong điều kiện bị gây nhiễu và áp dụng các biện pháp đối phó. Stinger được vận dụng hết sức linh hoạt, cho một người, hoặc phối hợp với các hệ thống phòng không khác như ATAS (Stinger không đối không) dùng trên trực thăng OH-58C/D Kiowa, AH-64 Apache hoặc RAH-66 Comanche; Avenger M998 HMMWV(xe đa chức năng); xe chiến đấu Bradley, xe M6 Linerbacker.

Át chủ bài ở Afganistan

Khi cuộc chiến tranh ở Afghanistan nổ ra, Liên Xô ủng hộ chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan. Việc Liên Xô đưa quân vào quốc gia Nam Á này đã buộc Mỹ phải tính toán tới khả năng can dự. Và chính quyền Reagan lúc đó đã đi một nước cờ khá bất ngờ, đó là trang bị Stinger cho Mujahideen. Kể từ khi các tay súng Mujahideen có Stinger, cục diện chiến trường dần thay đổi…

Số tên lửa chính xác được giao cho quân nổi dậy Afghanistan hiện còn gây nhiều tranh cãi. Trong chiến dịch Gió lốc, CIA đã cung cấp cho lực lượng Mujahideen gần 500 quả Stinger, nhưng có nguồn tin lại cho rằng con số này là 1500 đến 2000. Một vài nguồn tin cho hay, trong 3 tháng đầu tiên triển khai, mỗi ngày Stinger hạ 1 máy bay của Liên Xô. Stinger đã thể hiện rất rõ những ưu việt trên chiến trường có địa hình đồi núi như Afghanistan mà trước đó những loại như Oerlikon hay Blowpipe không làm được do vận chuyển và triển khai khó khăn.


http://nghiadx.blogspot.com
Stinger “đón lõng” mục tiêu.


Nếu như trước năm 1983, Nga chỉ phải chịu tổn thất từ 70 - 100 máy bay, đến năm 1986 khi Stinger xuất hiện, con số này tăng lên 150 - 200 máy bay. Trong 10 tháng đầu khai triển, 187 tên lửa Stinger được phóng ra, bắn rơi 140 máy bay (đạt hiệu suất khoảng 75%). Không chỉ là nỗi ám ảnh đối với trực thăng, Stinger còn đe dọa cả máy bay chiến đấu Mig. Hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của Stinger đã mang đến những thay đổi đáng kể trên chiến trường, góp phần dẫn đến quyết định rút quân của Liên Xô vào cuối thập kỷ.

Thế nhưng, “gậy ông đập lưng ông”, sau này những quả tên lửa Stinger chưa sử dụng hoặc thất lạc lại trở thành “sát thủ” của chính máy bay trực thăng Mỹ khi Washington mở chiến dịch tấn công Taliban năm 2001. Hiện Mỹ vẫn đang phải lao tâm khổ tứ truy tìm tung tích Stinger để ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ các tay súng Taliban.


Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

>> Uy lực từ bờ vai (kỳ 1)



Thoắt ẩn hiện trên chiến trường, độ chính xác ngày càng tăng, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai vẫn là nỗi ám ảnh thường trực của máy bay tầm thấp và trực thăng.

Kỳ 1: Mũi tên tầm nhiệt

Từ Strela-2 đến các biến thể Igla, những cái tên nổi tiếng là bằng chứng sống động về tính năng vượt trội và uy lực của tên lửa vác vai Nga, nhất là khi chúng được thử thách qua thực chiến và tiếp tục quá trình hiện đại hóa đầy tham vọng.

Trên chiến trường, máy bay trực thăng vũ trang và máy bay tầm thấp của đối phương là một trong những nguy cơ đe dọa bộ binh và các lực lượng khác dưới mặt đất. Vì thế, tên lửa đất đối không vác vai biên chế theo đội hình được coi là giải pháp hữu hiệu cho bài toán bảo đảm an toàn sinh mạng người lính. Đây cũng chính là cách tiếp cận của Liên Xô và Nga ngày nay khi phát triển các thế hệ tên lửa vác vai.

Đứa con cưng

Được nghiên cứu từ năm 1959, bắn thử năm 1966 và chính thức đưa vào trang bị năm 1968, Strela-2 (Mỹ gọi là SA-7) là một trong những tên lửa vác vai tầm thấp đầu tiên trên thế giới. Ngay sau đó, SA-7 đã chứng tỏ những tính năng ưu việt của mình, như linh hoạt khi tác chiến với một người bắn, hiệu suất tiêu diệt mục tiêu cao, cơ động và dễ triển khai…

Dài 1,4m, đường kính 70mm, SA-7 chỉ nặng 9,7kg với tầm bắn 500 - 5500m. áp dụng nguyên lý đầu dò tầm nhiệt, SA-7 bám theo luồng khí xả của động cơ máy bay hoặc sức nóng của động cơ trực thăng để tiêu diệt mục tiêu. SA-7 tỏ ra rất hữu hiệu khi đối phó với mục tiêu bay thấp như máy bay bổ nhào ném bom, máy bay vận tải và trực thăng.


http://nghiadx.blogspot.com
SA-7 khai hỏa.

Đầu dò của SA-7 được gắn một bộ lọc để tránh “bẫy” pháo sáng mà máy bay đối phương bắn ra. Hệ thống nhận diện bạn - thù có thể được gắn trên mũ của người bắn, trong khi hệ thống cảnh báo sớm gồm một ăng-ten thụ động và tai nghe có chức năng đưa ra những thông tin sớm về hướng của máy bay địch. Nhưng SA-7 vẫn có những “gót chân Achiles” dễ bị vô hiệu hóa. Chỉ đánh theo kiểu bám đuôi, SA-7 có thể “lạc lối” khi đối phương sử dụng các biện pháp như tấm chắn nhiệt, che chắn cửa xả nhiệt, tung “hỏa mù”…

Khắc phục hạn chế của SA-7 “đời đầu”, biến thể SA-7B đã chính thức trở thành vũ khí phòng không tầm thấp tiêu chuẩn của quân đội Liên Xô vào năm 1971. Với những cải tiến đáng kể, đặc biệt là hệ thống làm lạnh đầu dò hồng ngoại nhằm tăng độ nhạy của đầu tự dẫn, “đứa con cưng” SA-7B có thể tránh được những “bẫy” cảm nhiệt mà máy bay đối phương phóng ra. SA-7B được xuất khẩu hoặc bán quyền sản xuất cho nhiều nước trên khắp thế giới, từ Trung Đông cho tới châu Phi, Á, Mỹ…

Làn khói xanh kinh hoàng

Khi đến Việt Nam, SA-7 được biết đến với tên gọi A-72 đã lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. A-72 với làn khói xanh đặc trưng bất thần xuất hiện từ mặt đất, ở bất cứ nơi đâu, đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với phi công Mỹ và quân đội Sài Gòn thời bấy giờ. Tính năng cơ động và triển khai đơn giản của A-72 cộng với cách đánh sáng tạo mang dấu ấn của bộ đội Việt Nam đã biến A-72 trở thành huyền thoại với hiệu suất chiến đấu đáng nể.

“Ra mắt” lần đầu năm 1972 trên chiến trường Bình Trị Thiên, A-72 khiến không quân đối phương nơm nớp lo sợ. Chỉ tính riêng tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, A-72 đã bắn rơi tại chỗ 136 trực thăng và máy bay các loại như OV-10, A-37, F-5, A-6, C-130… của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Theo thống kê của trang Arms-expo.ru, từ ngày 28/4 - 14/7/1972, Mỹ đã mất 14 máy bay và 10 trực thăng vào “tay” A-72.

Phi công địch dường như không thể quên được nỗi ám ảnh mà A-72 tạo ra. Được coi là “sát thủ” trực thăng, những quả tên lửa tầm nhiệt A-72 nhanh như “luồng điện” phát ra từ rừng núi trùng trùng điệp điệp, phóng thẳng vào máy bay đối phương, khiến địch luôn phải căng ra đề phòng.

Trong những chiến công vang dội phải kể đến xạ thủ Nguyễn Văn Thoa thuộc lực lượng phòng không – không quân. Với tên lửa vác vai A-72, linh hoạt và cơ động, một mình anh đã bắn rơi 13 máy bay địch. Tháng 4/1975, chỉ bằng một phát đạn A-72, xạ thủ Lê Đại Cương đã bắn rơi tại chỗ một phản lực F-5E khi nó bổ nhào ném bom.

Tầm cao mới

Không dừng lại ở đó, thập niên 1980, Nga quyết định chế tạo Igla-1 (Mỹ gọi là SA-18). SA-18 là tổ hợp tên lửa phòng không vác vai tầm gần, dùng để tiêu diệt các mục tiêu bắn đón trực diện và bám đuổi trong tầm nhìn bằng mắt thường, bất chấp nhiễu nhiệt tự nhiên hay từ các thiết bị gây nhiễu. Chưa hài lòng, các nhà sản xuất lại tiếp tục cải biến SA-18 nhằm nâng cao khả năng tự vệ của tên lửa mang vác trước các loại nhiễu nhiệt, tầm xa của đạn bắn đón, và nâng cao khả năng ứng dụng trong những điều kiện tác chiến mới, tạo ra biến thể ưu việt hơn.


http://nghiadx.blogspot.com
SA-18.


Hàng loạt các vấn đề kĩ thuật còn tồn tại đều đã được giải quyết, như cơ chế chọn mục tiêu trong trường hợp có bẫy nhiệt giả, độ cảm ứng của đầu dẫn tên lửa 9M39 tăng lên 2 lần, giúp tăng cường độ chính xác cần thiết trong truy tìm mục tiêu.

Tuy nhiên, khi trục đầu tự dẫn tên lửa và hướng mặt trời tạo ra một góc nhỏ hơn 20 độ, tên lửa mất khả năng truy tìm mục tiêu. Đây cũng chính là yếu điểm phổ biến, không chỉ của tên lửa Nga mà còn của cả những hệ thống phòng không mang vác khác trên thế giới.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa vác vai SA-24 (Igla-S).

Là biến thể hoàn thiện của “dòng” Igla, Igla-S (Mỹ gọi là SA-24) được đánh giá là hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất hiện nay với tầm bắn 6km. Được áp dụng hàng loạt giải pháp về kỹ thuật, SA-24 có khả năng tác chiến đối với máy bay có người lái và tên lửa hành trình.

Số lượng mảnh vỡ tạo ra khi phát nổ phần chiến đấu cùng ngòi nổ laser làm tăng hiệu suất chiến đấu của tên lửa. Đầu tự dẫn gồm 2 máy thu quang phổ với những dải tần khác nhau cho phép lựa chọn mục tiêu nhiệt. Lần đầu tiên một tên lửa loại này được trang bị đầu cảm biến laser để truy tìm mục tiêu, tạo điều kiện cho phần chiến đấu phát nổ khi bay qua mục tiêu.


Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

>> Trôi nổi số phận 2 vạn tên lửa tại Libya



Một lượng lớn tên lửa phòng không do Nga cung cấp cho Libya đã biến mất khỏi một kho chứa vũ khí trong tình trạng mất kiểm soát tại nước này.


Một số trong những tên lửa bị mất là loại tên lửa vác vai Igla-S (Định danh NATO là SA-24 Grinch), là loại tên lửa hiện đại nhất trong tất cả những dòng tên lửa vác vai của Nga hiện nay.

Một nhóm phóng viên của CNN và tổ chức nhân quyền HRW (Human Right Watch) đã được thấy hàng chục thùng tên lửa rỗng với số hiệu và tên vũ khí xác nhận chúng đã từng dùng để đựng tên lửa Igla-S.

Ví dụ trên một vỏ thùng người ta thấy có các dòng chú thích bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga cho biết chúng được dùng để đựng hai tên lửa loại 9M342 cùng bộ nguồn với số hiệu 9B238.

Igla-S là biến thể mới nhất của dòng tên lửa Igla. Loại tên lửa này mới xuất hiện từ năm 2004 và hiện đại hơn nhiều so với các tên lửa trước đó của Nga cũng như tên lửa FIM-92 Stinger của Mỹ.

Tên lửa Igla-S có thể dùng để chống lại trực thăng, máy bay cánh cố định, tên lửa hành trình và máy bay không người lái với tầm bắn lên tới 6.000 mét.

http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa phòng không Igla-S có tầm bắn tới 6.000 mét, là mối nguy cơ rất lớn đối với các phương tiện bay cả dân dụng và quân sự nếu rơi vào tay quân khủng bố.

Nhà kho chứa Igla-S trên là một phần trong các kho chứa vũ khí trực thuộc binh đoàn đặc biệt của Khamis Gaddafi, con trai nhà lãnh đạo Libya nằm ở phía Nam thủ đô Tripoli. Ngoài tên lửa Igla-S, nhà kho trên còn chứa rất nhiều đạn cối, đạn pháo và các thùng rỗng khác vốn được dùng để chứa tên lửa SA-7 Strela.

Ông Peter Bouckaert, giám đốc bộ phận khẩn cấp của HRW cho biết ông đã thấy tình trạng cướp bóc tự do các kho vũ khí này phổ biến trên khắp đất nước Libya, và thứ biến mất nhiều nhất là các tên lửa vác vai phòng không đắt tiền.

Ông Bouckaert thừa nhận thấy nhiều xe dân sự vận chuyển các tên lửa phòng không này đi đâu không rõ, và nếu được sử dụng bởi bàn tay khủng bố, số tên lửa này dễ dàng biến cả vùng Bắc Phi thành "vùng cấm bay".

Sự thiếu kiểm soát về vũ khí đang làm dấy lên lo ngại về tình hình bất ổn tại Libya thời hậu Gaddafi khi NTC không có động thái rõ rệt gì nhằm chống lại tình trạng này.

Một nguồn tin khác từ NATO cho biết họ đã phá hủy 575 tên lửa phòng không và radar của Libya trong khoảng thời gian từ 31/3 tới 4/9 nhưng không nói rõ rằng các tên lửa bị phá hủy là loại gì.

Tướng Carter Ham, chỉ huy lực lượng tại châu Phi của Mỹ cho biết ông cũng rất lo ngại về sự quản lý lỏng lẻo 20.000 tên lửa phòng không từ các kho vũ khí tại Libya, những tên lửa này rất có thể sẽ rơi vào bàn tay quân khủng bố và chuyển tới các chiến trường chống Mỹ của lực lượng này.

http://nghiadx.blogspot.com
Tình trạng kiểm soát vũ khí cực kỳ lỏng lẻo tại Libya tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an ninh trong khu vực.

Lãnh đạo các nước láng giềng của Libya như Niger và Chad cũng đã cho biết rất nhiều vũ khí bao gồm thuốc nổ dẻo Semtex, tên lửa SA-7... đã được vận chuyển lậu vào nước họ.

Một thủ lĩnh bộ lạc người Tuareg sống tại thành phố Agadez của Niger cũng thông báo rất nhiều chiến binh Tuareg trở về đã mang theo rất nhiều vũ khí từ Libya.

Tình hình hiện nay tại Libya tương tự như ở Afghanistan những năm 1980 khi Mỹ viện trợ hàng ngàn tên lửa phòng không Stinger cho lực lượng du kích Mujahideen để chống lại quân đội Xô Viết. Sau đó, cũng chính Mỹ phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua lại số tên lửa này nhằm tránh chúng rơi vào tay những kẻ khủng bố
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang