Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Uy lực từ bờ vai (kỳ 2)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

>> Uy lực từ bờ vai (kỳ 2)



Là sự bổ sung hoàn hảo cho Redyeye, Stinger được cải thiện đáng kể về khả năng dẫn đường và dò tìm, góp phần xoay chuyển cục diện trên chiến trường Afghanistan hồi thập niên 1980.

>> Uy lực từ bờ vai (kỳ 1)

Kỳ 2: Xoay chuyển cục diện chiến trường


Ngay từ năm 1946, giới chóp bu quân sự Mỹ cho rằng, thế hệ súng phòng không 12,7 mm trang bị cho lục quân đã trở nên “bất lực” trước những bước phát triển nhanh chóng của máy bay đối phương. Thực tế này đòi hỏi phải có một loại vũ khí mới, thích ứng với điều kiện tác chiến ngày càng hiện đại.

Mắt đỏ nhiều khiếm khuyết

Là thế hệ tên lửa vác vai đầu tiên của Mỹ, FIM-43 Redeye (Mắt đỏ) do hãng General Dynamics phát triển. Sau nhiều lần thất bại do lỗi kỹ thuật, tháng 2/1967, Redeye chính thức được trang bị cho quân đội Mỹ với những phiên bản như BLOCK I, BLOCK II, BLOCK III. Tương tự như các tên lửa phòng không mang vác thế hệ đầu, Redeye hoạt động theo nguyên lý tầm nhiệt (bám theo nhiệt từ khí thải và động cơ của máy bay) nhờ bộ cảm ứng gắn ở đầu. Với quai đeo rất tiện lợi, xạ thủ sử dụng Redeye có thể dễ dàng di chuyển và nhanh chóng tác chiến trên chiến trường.

Tuy nhiên, Redeye vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong tác chiến. Khiếm khuyết lớn nhất đó là Mắt đỏ rất dễ “mù màu” trước những nguồn nhiệt khác từ mặt đất hay sức nóng từ mặt trời, và mục tiêu giả do máy bay đối phương phóng ra như pháo sáng… Bên cạnh đó, tốc độ của Redeye còn khá… “khiêm tốn”, máy bay đối phương dễ phát hiện ra và nhanh chóng thoát thân. Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan, năm 1984, Mỹ đã cung cấp 50 quả tên lửa Redeye cho lực lượng Mujahideen Afghanistan để chống lại những người cộng sản.

“Chuyên gia” dò tìm

Khắc phục những hạn chế của Redeye, tên lửa FIM-92 Stinger là sự bổ trợ hoàn hảo cho lục quân Mỹ với khả năng dò tìm mục tiêu được nâng cao. Dài 1,52m, đường kính 70 mm, nặng 10,1 kg, Stringer có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 – 3.800 m. Tên lửa được phóng ra nhờ một động cơ nhỏ để tạo khoảng cách an toàn cho xạ thủ trước khi hệ thống cung cấp nhiên liệu rắn 2 tầng được kích hoạt, giúp Stinger đạt tốc độ Mach 2,2. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Stinger khai hỏa.


Phiên bản đầu tiên FIM-92A được phóng thử vào năm 1975. Nó đã hóa giải những chướng ngại vật mà trước kia Redeye không thể vượt qua, đó là việc sử dụng đầu dò hồng ngoại được làm lạnh thế hệ thứ 2 để nâng cao khả năng dò tìm và dẫn đường, nhanh chóng tiếp cận và tấn công mục tiêu. Hệ thống phân biệt bạn - thù cũng rất hữu dụng trong trường hợp hỗn chiến.

Được phát triển từ năm 1977, FIM-92B có đầu dò tìm 2 kênh, điều khiển bằng bộ vi xử lí mới. Tên lửa sử dụng kĩ thuật quét ảnh cùng đầu dò tia cực tím, giúp phân biệt chính xác mục tiêu thật - giả. Phiên bản FIM-92C (còn gọi là Stinger-RMP) với bộ vi xử lí có thể tái lập trình, tăng khả năng thích ứng với các mục tiêu khác nhau (trên đất, trên biển, trên không). Stinger tiếp tục được cải tiến với những phiên bản FIM-92D, FIM-92G, FIM-92E (Stinger Block I, gắn thêm bộ cảm biến hình tròn và chương trình phần mềm nâng cấp), FIM-92F, FIM-92H...

Stinger-RMP Block II – phiên bản hiện đại nhất của “dòng” Stinger, được phát triển từ năm 1996. Đầu dò hồng ngoại được cải tiến nhằm tăng độ chính xác và tầm bắn trong điều kiện bị gây nhiễu và áp dụng các biện pháp đối phó. Stinger được vận dụng hết sức linh hoạt, cho một người, hoặc phối hợp với các hệ thống phòng không khác như ATAS (Stinger không đối không) dùng trên trực thăng OH-58C/D Kiowa, AH-64 Apache hoặc RAH-66 Comanche; Avenger M998 HMMWV(xe đa chức năng); xe chiến đấu Bradley, xe M6 Linerbacker.

Át chủ bài ở Afganistan

Khi cuộc chiến tranh ở Afghanistan nổ ra, Liên Xô ủng hộ chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan. Việc Liên Xô đưa quân vào quốc gia Nam Á này đã buộc Mỹ phải tính toán tới khả năng can dự. Và chính quyền Reagan lúc đó đã đi một nước cờ khá bất ngờ, đó là trang bị Stinger cho Mujahideen. Kể từ khi các tay súng Mujahideen có Stinger, cục diện chiến trường dần thay đổi…

Số tên lửa chính xác được giao cho quân nổi dậy Afghanistan hiện còn gây nhiều tranh cãi. Trong chiến dịch Gió lốc, CIA đã cung cấp cho lực lượng Mujahideen gần 500 quả Stinger, nhưng có nguồn tin lại cho rằng con số này là 1500 đến 2000. Một vài nguồn tin cho hay, trong 3 tháng đầu tiên triển khai, mỗi ngày Stinger hạ 1 máy bay của Liên Xô. Stinger đã thể hiện rất rõ những ưu việt trên chiến trường có địa hình đồi núi như Afghanistan mà trước đó những loại như Oerlikon hay Blowpipe không làm được do vận chuyển và triển khai khó khăn.


http://nghiadx.blogspot.com
Stinger “đón lõng” mục tiêu.


Nếu như trước năm 1983, Nga chỉ phải chịu tổn thất từ 70 - 100 máy bay, đến năm 1986 khi Stinger xuất hiện, con số này tăng lên 150 - 200 máy bay. Trong 10 tháng đầu khai triển, 187 tên lửa Stinger được phóng ra, bắn rơi 140 máy bay (đạt hiệu suất khoảng 75%). Không chỉ là nỗi ám ảnh đối với trực thăng, Stinger còn đe dọa cả máy bay chiến đấu Mig. Hiệu suất tiêu diệt mục tiêu của Stinger đã mang đến những thay đổi đáng kể trên chiến trường, góp phần dẫn đến quyết định rút quân của Liên Xô vào cuối thập kỷ.

Thế nhưng, “gậy ông đập lưng ông”, sau này những quả tên lửa Stinger chưa sử dụng hoặc thất lạc lại trở thành “sát thủ” của chính máy bay trực thăng Mỹ khi Washington mở chiến dịch tấn công Taliban năm 2001. Hiện Mỹ vẫn đang phải lao tâm khổ tứ truy tìm tung tích Stinger để ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ các tay súng Taliban.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang