Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Đội quân bí mật của ông Gadhafi

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> Đội quân bí mật của ông Gadhafi



Lính đánh thuê là lực lượng vũ trang "không chính thống" được chính phủ của tổng thống Lybia Gadhafi sử dụng để đối chọi với lực lượng nổi dậy trong cuộc xung đột.

Châu Phi đầy rẫy lính đánh thuê thất nghiệp
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, nhiều quảng cáo tìm kiếm lính đánh thuê với mức lương 2.000 USD đã được ghi nhận tại Guinea và Nigeria. Lính đánh thuê nước ngoài được trả tiền bằng kim cương đã làm cuộc nội chiến đẫm máu tại Sierra Leone kéo dài nhiều năm.

Theo các chuyên gia, những thông tin này rất đa dạng và khó xác định. Tuy nhiên, nếu thực sự, nhà cầm quyền Libya muốn kiếm lính đánh thuê thì tây Phi là một “khu chợ lớn” hấp dẫn.

Những cuộc xung đột gần đây tai Guinea, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Ngà đã tạo ra một thế hệ những cựu chiến binh thất nghiệp. Những người này sẵn sàng tham gia mọi cuộc chiến khi được trả một mức giá hợp lý.



Lính đánh thuê "rất sẵn có" tại tây Phi.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, một bác sĩ giấu tên tại thành phố Benghazi nói rằng những cảnh sát ủng hộ người biểu tình đã bắt được vài lính đánh thuê nước ngoài. Những lính đánh thuê này không thể nói tiếng Anh hay tiếng Arab. “Chúng chỉ biết một điều: giết chết những người trước mặt. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chúng giết người như những kẻ máu lạnh vậy”, bác sĩ nói với đài ABC News qua điện thoại.

“Chính phủ đã đưa những đoàn quân đặc biệt từ nước ngoài tới Libya. Họ đem lính từ các nước châu Phi tới và bố trí chúng ở Benghazi, Tripoli”, vị bác sĩ cho biết thêm. Theo người bác sĩ, những lính đánh thuê này chỉ biết nói tiếng Pháp và phân biệt với dân thường bằng cách đội mũ màu vàng.

Một số đoạn băng hình được đăng tải trên trang web chia sẻ hình ảnh YouTube quay cảnh người địa phương đánh một số đàn ông da sẫm màu. Những người này bị bắt và bị cho rằng đã nổ súng giết hại dân thường.

“Chúng đang tràn tới đây. Chúng tôi thấy những máy bay vận tải chở họ. Tiền của chúng tôi…tiền của người Libya đang được trả cho lính đánh thuê nước ngoài để giết chính người dân Libya. Đó là điều đang diễn ra”, người giấu tên trả lời phỏng vấn.


Người dân bắt và đánh một người được cho là lính đánh thuê tới từ Chad.

Ngay cả đại sứ Libya tại Ấn Độ cũng khẳng định những báo cáo này với đài Reuters. “Lính đánh thuê tới từ châu Phi, nói tiếng Pháp và một số ngôn ngữ khác”, ông Ali al-Essawi trả lời Reuters. Ông Ali al-Essawi cho biết nhận được thông tin trên từ các nguồn trong nước.

Việc một số quân nhân Libya đào ngũ và quay sang ủng hộ người biểu tình vì họ không muốn là kẻ có nợ máu với dân tộc. “Bởi vì họ là người Libya và họ không thể đứng nhìn những lính đánh thuê nước ngoài giết hại người dân. Vì vậy họ đã quay sang ủng hộ người biểu tình”, ông Ali al-Essawi cho biết.

Có nhiều điều khác biệt giữa lính đánh thuê tại Libya và lính đánh thuê cung cấp từ các công ty tư nhân hoạt động tại Iraq và Afghanistan như Blackwater, DynCorp, Triple Canopy... Nhân viên của những công ty tư nhân này tuân thủ theo luật lệ của các nước mà họ hoạt động. Trong khi đó, lính đánh thuê từ tây Phi là những cựu binh từ các cuộc nội chiến và không cần tuân thủ bất cứ luật lệ nào cả.

Hệ lụy từ việc sử dụng lính đánh thuê nước ngoài

Những thanh niên Tuareg trở về từ Libya có thể sẽ lại gây ra những bất ổn mới cho Mali và Niger.

Theo những quan chức Mali, chính phủ của ông Gadhafi đã thuê hàng trăm người Tuareg. Những người này bao gồm cả quân nổi dậy ở Mali và Niger.

“Chúng tôi rất lo lắng trên mọi khía cạnh. Những thanh niên này đang dồn tới Libya với số lượng lớn. Điều này rất nguy hiểm, cho ông Gadhafi thành công hay thất bại. Những thanh niên này sẽ làm cả khu vực bất ổn khi họ trở về”, Abdou Salam Ag Assalat – người đứng đầu tổ chức vùng Kidal nói.

Theo ông Assalat, một mạng lưới lớn đã được lập lên để tổ chức cho lính đánh thuê tới Libya. Chính quyền địa phương đang nỗ lực thuyết phục và ngăn chặn những cựu chiến binh tới Libya. Tuy nhiên, điều này là rất khó khăn khi “tiền và vũ khí” đang đợi họ tại Libya.

“Gadhafi biết cách làm dàn mỏng lực lượng của chúng tôi. Ông ta biết cần tìm ai. Có vẻ như đã có những chuyến bay thẳng mang người từ Chad tới. Nhiều người khác đi bằng đường bộ tới miền nam Libya. Điều đó làm tôi vô cùng lo lắng vì kết thúc cuộc chiến ở Libya, những thanh niên đó sẽ lại quay trở lại với tiền và vũ khí, và làm mất ổn định vùng Sahel”, ông Assalat nói.

Theo ông Assalat, nhiều thủ lĩnh của người Tuareg đã có mặt tại Libya. Người Tuareg đã gây rối loạn tại Niger và Mali. Tình hình mới chỉ lắng dịu từ năm 2009 khi người họ đồng ý ngừng bắn. Tuy nhiên, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi khi các cựu binh Tuareg quay lại từ Libya với tiền và vũ khí.

Một vài thông tin về tổ chức quân đội Libya
Ở Libya, quân đội được chia theo bộ lạc để đảm bảo không thể trở thành một lực lượng thật sự. Quân đội Libya hiện nay chỉ mang tính biểu tượng với không đầy 40.000 người, vũ khí trang bị lạc hậu và không nhận được sự huấn luyện đầy đủ. Quyền lực của ông Gaddafi dựa chủ yếu vào lực lượng an ninh do em rể Abdullah Senussi quản lý.

Ngoài ra còn có Ủy ban Cách mạng do Hannibal, con trai Gaddafi cầm quyền và lực lượng bán vũ trang “Dân quân Nhân dân” gồm toàn những người thân tín nhất của vị tổng thống này.


Lực lượng quân đội tại Libya chỉ là mang tính "biểu tượng".

Một lực lượng bí mật được ông Gaddafi tuyển chọn từ những nước có quan hệ với Libya bao gồm Mali, Niger, Chad, Sudan và những người Hồi giáo Bosnia. Lực lượng này gọi là Lê dương Hồi giáo thuộc Ủy ban Cách mạng Libya.

Ban đầu nhằm bảo vệ thế giới Hồi giáo trước nguy cơ từ bên ngoài sau đó bảo vệ trực tiếp cho tổng thống. Các binh sĩ chịu sự chỉ đạo của Đại tá Gaddafi và hoàn toàn trung thành với chế độ mà họ phụ thuộc. Hiện nay, lực lượng này được dùng để chống lại chính người dân Libya.

Ông Gaddafi đã dựa vào chính sách "chia để trị" trong suốt 40 năm. Trong khoảng 10 năm đầu cai trị, ông lên án mạnh mẽ cái gọi là bản sắc bộ lạc và điều này được đa số dân chúng ủng hộ. Tuy nhiên, khi uy tín giảm sút và mâu thuẫn với Phong trào Các sĩ quan Tự do Thống nhất, Gaddafi ngày càng dựa vào “bản sắc bộ lạc” để củng cố quyền lực.

Ông Gaddafi đã tiến hành chính sách bảo trợ có sự lựa chọn đối với các bộ lạc tại Libya nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với quân đội.


Bản đồ phân bố cư dân Libya theo sắc tộc.

Các bộ lạc chính ở Libya:
Arab: Người Arab chiếm đa số ở Libya phần nhiều theo Hồi giáo Sunni.

Berbers: Là cư dân bản xứ của Libya. Họ thuộc nhóm bộ lạc Hamitic. Những người này theo giáo phái Kharijii.

Tuareg: Những người sống du mục trong sa mạc Sahara và các ốc đảo Ghadames và Ghat.

Tebo: Là nhóm du mục và bán du mục sống ở sườn phía nam núi Harouj và đông Fezzan, gần biên giới Ai Cập.

Libya là một xã hội bộ lạc, nên tin tức lan truyền rất nhanh. Tuy nhiên, những người biểu tình không thể sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ để tổ chức, nên họ khó có thể tập hợp công chúng một cách đông đảo như các nước láng giềng.

(bdv news)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang