Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> APS và sự hồi sinh của xe tăng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

>> APS và sự hồi sinh của xe tăng



Sự ra đời của xe tăng đã làm thay đổi cục diện của rất nhiều cuộc chiến trên thế giới, hỏa lực mạnh, bọc giáp tốt, khả năng càn lướt trên mọi địa hình, xe tăng trở thành một "vua" chiến trường trong thời gian dài.

APS - Active Protection Systems: Hệ thống bảo vệ chủ động.
Một thời gian dài, phát triển cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xe tăng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn, có thể xem như là biểu tượng sức mạnh của lục quân.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ phát triển các vũ khí chống tăng, khiến xe tăng ngày càng mất đi lợi thế trên chiến trường.

Xe tăng mất ngôi "vua"?
Sự phát triển nhanh chóng của các tên lửa chống tăng, sử dụng các đầu đạn chống tăng liều nổ cao, đạn động năng sử dụng thanh xuyên, đầu đạn liều đúp khiến việc tăng mãi độ dày của giáp xe tăng trở nên vô nghĩa.

Với các loại đạn liều đúp, sự có mặt của giáp cảm ứng nổ (còn gọi là giáp phản ứng nổ) cũng không làm giảm khả năng bị tiêu diệt của xe tăng.

Các loại tên lửa chống tăng có điều khiển mới của Nga như AT-11 Sniper , Kornet-E, KONKURS-M, Javelin của Mỹ, với khả năng xuyên giáp từ 700-1.200mm, hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ loại xe tăng nào hiện có, ngay cả chiếc xe tăng đó được trang bị giáp cảm ứng nổ.

Cùng với đó là sự ra đời của các loại trực thăng chuyên đảm trách nhiệm vụ chống tăng trên chiến trường như Mil Mi-28, Ka-50/52 của Nga, AH-64D Apache của Mỹ khiến xe tăng càng mất đi lợi thế của mình.

Xe tăng có tầm quan sát rất hạn chế, đặc biệt là quan sát trên không. Dù được trang bị súng máy phòng không 12,7mm, nhưng khả năng tác chiến đối không là rất thấp.

Sự phát triển nhanh chóng của các máy bay trinh sát không người lái, khiến việc phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho các trực thăng chống tăng lại trở nên dễ dàng hơn. Điều này khiến xe tăng trở thành “mồi ngon” cho các sát thủ từ trên không.



Lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu của lục quân Iraq.


... và số phận bi thảm khi đối đầu với các vũ khí chống tăng của Mỹ.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, số lượng xe tăng đông đảo hơn 1.000 chiếc T-72 của Iraq đã bị trực thăng AH-64D Apache "đập" cho tơi tả.

Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí chống tăng cá nhân điển hình là RPG của Nga, việc tiêu diệt xe tăng cũng không mấy khó khăn, đặc biệt là trong môi trường tác chiến đô thị.

Trong chiến tranh Chesnya, lực lượng tăng thiết giáp của Nga đã chịu nhiều tổn thất trong cuộc đụng độ với lực lượng phiến quân trong các đô thị.

Thậm chí, các nhà quân sự đã nghĩ đến “ngày tàn” của lực lượng tăng thiết giáp trong chiến tranh hiện đại. Điển hình như Mỹ, trong thời gian qua họ không đầu tư nhiều cho việc phát triển một thế hệ xe tăng mới, một số vai trò của xe tăng được chuyển sang đầu tư cho không quân, xe tăng của Mỹ không áp dụng chức năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo như các xe tăng của Nga.

Tuy nhiên, cho dù vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại đã suy giảm phần nào, điều này chỉ thực sự đúng với quân đội có lực lượng không quân hùng hậu như Mỹ. Những nước không có lực lượng không quân hùng hậu, lực lượng tăng thiết giáp vẫn giữ một vai trò rất quan trọng

Sự hồi sinh của xe tăng
Nga là quốc gia có truyền thống phát triển và sử dụng xe tăng lâu đời, không có không quân hùng hậu như Mỹ, nên xe tăng vẫn rất quan trọng đối với Nga. Đó là lý do khiến Nga là nước cho ra đời nhiều thế hệ xe tăng nhất, giữ vị trí sản xuất xe tăng hàng đầu thế giới.

Để đảm bảo vị thế này, Nga buộc phải đi đầu phong trong phát triển khả năng tự vệ cho xe tăng.

Hiện Nga phát triển thành công hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử TShU-1-7 Shtora-1, hay còn gọi là hệ thống tiêu diệt mềm, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho tên lửa chống tăng dẫn bằng laser bán chủ động.




Hệ thống TShU-1-7 Shtora-1 lắp trên xe tăng T-90.

Thế nhưng, đặc biệt hơn cả là hệ thống phòng vệ chủ động Arena gồm: radar phát hiện, theo dõi, kiểm soát các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng; máy tính kiểm soát và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa để vô hiệu hóa nó.

Cho dù, vụ nổ có thể không phá hủy được tên lửa, song năng lượng sinh ra từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể động năng của tên lửa.

Hệ thống APS ngày càng được hoàn thiện độ chính xác, thông qua việc xác định mục tiêu của các cảm biến, tập trung năng lượng của vụ nổ trong phạm vi hẹp hơn, hiệu quả tiêu diệt tên lửa chống tăng cao hơn.

Thời gian phản ứng ngày càng nhanh hơn thông qua tăng tốc độ của bộ vi xử lý. Hệ thống Arena có thời gian phản ứng chỉ 0,07 giây, thời gian ngắt quãng chỉ từ 0,2-0,4 giây.

Hệ thống được lập trình để hoạt động hoàn toàn tự động, giúp tổ lái yên tâm tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu chính.

Cùng với các phương pháp phòng vệ truyền thống như giáp cảm ứng nổ ERA, giáp tấm composite, giáp Burlington (Chobham), việc tiêu diệt xe tăng trở nên vô cùng khó khăn.


Phần cảm biến của hệ thống Arena.

Xe tăng T-80 lắp đặt hệ thống Arena.
Sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS thực sự là một cuộc cách mạng hồi sinh cho xe tăng, không những là lắn chắn bảo vệ, mà còn nâng cao năng lực tác chiến cho xe tăng.

Tiếp nối thành công của Nga, gần đây Israel đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A, với những tính năng vượt trội.

Mỹ, từ lâu nay không mấy chú ý đến đầu tư cho xe tăng nữa. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự thành công của hệ thống phòng vệ chủ động APS,cũng đang xúc tiến phát triển một hệ thống tương tự để trang bị cho xe tăng của mình.

Sau một thời gian có phần chững lại, sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS, đã hồi sinh hình ảnh dũng mãnh, bất khả chiến bại của xe tăng trên chiến trường. Và lúc này, một cuộc đua khác lại bắt đầu, cuộc đua xuyên thủng hệ thống phòng vệ chủ động APS.

(bdv news)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang