Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Châu Phi

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Châu Phi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Châu Phi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

>> Tướng Mỹ 'hoan nghênh' TQ cấp vũ khí cho châu Phi



Trong khi quan chức Mỹ và phương Tây lo ngại việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các nước “bất hảo” tại châu Phi, tướng Carter Ham lại cho rằng nên như vậy.


Thực tế, châu Phi là khu vực có thể cảm nhận rõ nhất sự cắt giảm viện trợ quân sự nước ngoài. Đây cũng là nơi tập trung 7 trong số 10 “nước thất bại” hàng đầu trên thế giới, gồm Somalia, Chad, Sudan, Zimbabwe, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi và Guinea. Mỹ coi những nước này là "nơi trú ẩn an toàn" cho các nhóm cực đoan và cướp biển.

Tuy nhiên, khi Mỹ giảm bớt vai trò “cảnh sát toàn cầu” thì mọi người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống đó, ít ra là ở châu Phi, Tướng Carter Ham, Tư lệnh của Mỹ ở châu Phi bày tỏ. “Giống như Mỹ và nhiều nước khác, rõ ràng Trung Quốc đang cung cấp trang thiết bị cho quân đội các nước châu Phi", ông này nói.


http://nghiadx.blogspot.com
Việc Trung Quốc bán vũ khí cho châu Phi có thể giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.


Quân đội Mỹ “hoan nghênh” Trung Quốc thúc đẩy vai trò là nước cung cấp vũ khí cho châu Phi bởi nó sẽ giúp sức cho các nỗ lực chống khủng bố.

"Như việc Trung Quốc cung cấp tàu hải giám cho lực lượng an ninh của Congo “rất hữu ích". Đây là điều Congo cần nhưng quân đội Mỹ lại không thể đáp ứng được", Tướng Ham chia sẻ.

Những quan ngại trước sự mở rộng ảnh hưởng của ba nhóm cực đoan tại châu Phi, gồm al-Qaeda ở vùng Maghreb Hồi giáo (AQIM), Boko Harem và Al-Shabab, đang gia tăng áp lực lên Mỹ và các đồng minh khu vực trong việc đối phó với hoạt động tuyển quân và thiết lập căn cứ đào tạo trên toàn châu Phi của các tổ chức này.

Tướng Ham cho rằng trong bối cảnh nguồn lực của Mỹ suy giảm thì sự tham gia của Trung Quốc đáng được khuyến khích. "Tôi không coi đó là sự đua tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc."

Nhiều nước châu Phi đang dùng máy bay Trung Quốc và tuần tra vùng duyên hải bằng tàu của Trung Quốc. Không nên xem đây là cuộc chạy đua vũ trang mà nên nhìn nhận là "các nước châu Phi quyết định lựa chọn một cách phù hợp nhất nguồn cung cấp quân nhu, trang thiết bị mà họ cần".

"Là một người Mỹ, tôi thích họ chỉ dùng đồ của Mỹ? Chắc chắn điều đó giúp Mỹ can dự vào khu vực này dễ dàng hơn. Nhưng châu Phi sẽ có quyết định tốt nhất cho mình“.

Trong lúc lực lượng không quân NATO vẫn đang ráo riết truy tìm Gaddafi, các quan chức của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) lo ngại kho vũ khí mà chính quyền Gaddafi bỏ lại sẽ rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Mối quan tâm lớn nhất là kho vũ khí tên lửa vác vai của chính quyền Gaddafi. Bộ Ngoại giao Mỹ, AFRICOM và các đồng minh khu vực đang hợp tác để ngăn chặn các hệ thống phòng không di động này rơi vào tay bọn khủng bố.

Một mối quan tâm khác là số vũ khí thông thường và vật liệu nổ (có thể được sử dụng để chế tạo bom). Theo ông Ham, "nếu không được kiểm soát, số vũ khí này sẽ rơi vào tay của AQIM, Boko Harem và Al-Shabab." Cuối cùng, các hóa chất cũng cần được lưu ý vì có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

>> 'Việt Nam là đối tác kỹ thuật - quân sự chính của Nga'



Phó Trưởng ban về Hợp tác quốc phòng Nga Alexander Formin khẳng định việc Nga sẽ không điều chỉnh kế hoạch hợp tác kỹ thuật - quân sự trong năm 2011.


“Mặc dù có một số yếu tố tiêu cực song Nga sẽ không điều chỉnh số lượng trong kế hoạch hợp tác kỹ thuật - quân sự của năm 2011”, theo báo cáo của Phó Trưởng ban về Hợp tác kỹ thuật - quân sự Liên bang Nga Alexander Fomin tại Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế Paris lần 49.

“Các kế hoạch là phải đạt được hiệu quả cao hơn chỉ số của năm 2010 nhưng chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các sự kiện ở một số nước Arab, tuy nhiên kế hoạch sẽ không thay đổi", ông nói.



Nga có ý định xâm nhập thị trường vũ khí Châu Phi, Mỹ Latinh.


Ông Fomin nêu tên các đối tác chính của Nga trong việc hợp tác kỹ thuật - quân sự đó là Ấn Độ, Việt Nam, Algeria, Venezuela và Trung Quốc.

Đồng thời, ông cũng thừa nhận “những sự kiện trong một số các quốc gia Arab không phải không ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hợp tác với họ”.

Ông Fomin cho ITAR-TASS biết thêm, trong trường hợp này “có những thị trường chúng ta đã bỏ quên như châu Phi, nơi đó cần thiết phải quay trở lại”.

Phát biểu về khu vực Mỹ la tinh, ông nói rằng “Chúng ta cũng cần phải khai thác một cách triệt để tiềm năng của thị trường Mỹ Latin nơi mà trong những năm gần đây đã được “phát hiện”, đặc biệt Uruguay và Argentina”.

[BDV news]


Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

>> Mỹ cảnh báo châu Phi về đầu tư Trung Quốc



Hôm 10/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo về sự manh nha hình thành của “chủ nghĩa thực dân mới” tại Châu Phi khi Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại châu lục này.



Ảnh minh họa


Đồng thời, bà cho biết, Mỹ muốn mở rộng thương mại với châu Phi bằng cách đầu tư vào khu vực. Theo bà, khác với Mỹ, Trung Quốc không thực sự quan tâm đến những lợi ích của việc mở rộng quan hệ kinh tế với châu Phi.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra trong chuyến công du đến 3 quốc gia Châu Phi (Zambia, Tanzania và Ethiopia) trong 5 ngày nhằm nhấn mạnh vai trò của chính quyền Tổng thống Obama trong việc đáp ứng những thách thức khác nhau của châu Phi, từ các thách thức về đại dịch HIV/AIDS cho đến an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu lục này.

Phát biểu trên kênh truyền hình Nam Phi, bà nói: “Quan điểm của chúng tôi là, về lâu dài, đầu tư vào châu Phi cần phải bền vững và vì lợi ích của người dân tại đây.”

Bà cho biết, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Phi. Năm 2009, Trung Quốc đã đầu từ gần 10 tỷ USD vào châu lục này. Đồng thời, thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc cũng đã tăng mạnh khi Bắc Kinh tích cực mua dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác để phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ của mình.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi. Quan hệ thương mại Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, tăng 40% vào năm 2010, lên đến mức 126,9 tỷ USD.

Hơn một thập kỷ qua, hợp tác thương mại giữa Mỹ và các nước châu Phi vẫn ở tỉ lệ thấp, chiếm chỉ trên 1% kim ngạch xuất khẩu Mỹ và khoảng 3% kim ngạch nhập khẩu.

Mỹ vẫn được xem là nhà tài trợ hàng đầu của châu Phi với khoản đầu tư 7,6 tỷ USD trong năm 2009. Tuy nhiên, để so sánh là rất khó, bởi Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về chương trình viện trợ của mình.

Phát biểu trước các phóng viên tại Lusaka, bà Clinton cho biết, những mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc là không giống nhau và việc Trung Quốc ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên thế giới sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết: “Chúng tôi đang lo ngại rằng viện trợ nước ngoài và đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi không nhất quán với tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và quản trị tốt.”

Washington lo ngại rằng, đầu tư nhanh chóng của Trung Quốc vào châu Phi, bao gồm hàng tỷ USD viện trợ phát triển không bị trói buộc bởi các yêu cầu về kinh tế và chính trị, sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực phát triển thành một nền kinh tế trưởng thành và minh bạch hơn trong khu vực này.

Trung Quốc đã giúp nhiều nước châu Phi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính trong thời gian gần đây. Tổng thống Zambia Rupiah Banda cho biết quốc gia này thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ và tháng 5 vừa qua nhận được 180 triệu USD tiền vay từ Trung Quốc để nâng cấp hệ thống giao thông.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton kêu gọi các quốc gia châu Phi gỡ bỏ rào cản mậu dịch với Mỹ, đồng thời hợp lý hóa quy định và mở rộng các cơ hội tại khu vực này.

Chuyến thăm của bà Clinton tới châu Phi là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ đang ngày càng quan tâm tới nền kinh tế được dự đoán là sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới.


[BDV news]



Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

>> Chiến hạm Nga thăm Đà Nẵng



10h sáng nay (7/05/2011), tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), bắt đầu chuyến thăm và giao lưu tại thành phố này.






Tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương thăm Đà Nẵng. Ảnh: Minh Nhật.


Đội tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương do Trung tá hải quân Kovalev Ivan Alexandrovich làm chỉ huy. Theo lịch trình, từ ngày 7/5 đến 11/5, chỉ huy, sĩ quan, thủy thủ đoàn sẽ tổ chức thi đấu bóng chuyền hữu nghị với đội bóng của Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân và tham quan một số danh lam thắng cảnh của thành phố Đà Nẵng…

Đặc biệt, vào ngày 9/5 sẽ diễn ra lễ bàn giao bia tưởng niệm các quân nhân Nga hy sinh tại Việt Nam và lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố Đà Nẵng do Công ty Vietsovpetro và phía Nga tổ chức.


Thủy thủ trên tàu sẽ có các hoạt động giao lưu với các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân. Ảnh: Minh Nhật.


Chuyến thăm lần này của tàu Hải quân Nga góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, quân đội hai nước nói riêng.

Cụm tàu này vừa hoàn tất chuyến hộ tống an ninh cho các tàu hàng Nga tại khu vực châu Phi trở về.

[Vnexpress news]


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Bên lề chiến sự Libya: Mỹ và EU có "đồng sàng dị mộng"?



Xuất phát từ một phong trào xã hội mang tính nội sinh, nhưng sau khi quân đội nước ngoài tiến vào, chính biến tại Bắc Phi đã rất nhanh chóng trở thành trò chơi chiến lược giữa các nước lớn. Sự triển khai của tiến trình “ghi điểm tính công” đang đánh dấu việc Mỹ và châu Âu trở thành nhân vật chính trong cuộc chơi này.

Quan hệ Mỹ và châu Âu xưa nay vốn đã phức tạp, cùng với thay đổi của tình hình “ghi điểm”, mối quan hệ này sẽ phát triển theo hướng nào? Dưới đây là bài phân tích của GS. Vương Hồng Cương, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc.

Mỹ và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp có lợi ích chung rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như kiểm soát tài nguyên Bắc Phi, thúc đẩy dân chủ tại khu vực, bảo vệ quyền uy phương Tây… Dự trữ dầu khí tại Libya trong bản đồ năng lượng thế giới có vai trò rất quan trọng, giá trị kinh tế và chiến lược của nguồn tài nguyên này là rất rõ ràng; làn sóng dân chủ khu vực kết thúc trong các cuộc tấn công mạnh mẽ của Gaddafi đối với phe đối lập, Mỹ và châu Âu cũng không thể ngồi yên; hơn nữa, trong tình hình thế giới đều cho rằng chỉnh thể thế giới phương Tây đang suy yếu, tổ chức các quốc gia không thuộc phương Tây đang trỗi dậy, Mỹ và châu Âu cũng vì thế mà cảm thấy vui vẻ gì.

Những lợi ích và suy tính chung này là động lực chính để Mỹ và châu Âu bắt tay “ghi điểm”.




Biếm họa: Mỹ và EU cùng nhau "kiếm ăn" từ cuộc chiến Libya (Ảnh: VOD)


Tuy nhiên, những lợi ích chung này không thể che đậy những bất đồng sâu sắc của hai bên về vấn đề địa chính trị. Bất luận là trong chiến lược địa chính trị của Mỹ hay là của châu Âu, Bắc Phi đều là một mắt xích vô cùng quan trọng; mà lợi ích cơ bản của hai bên tại khu vực này lại là lợi ích mang tính cạnh tranh. Do đó, “mặt trận thống nhất” của hai bên không ổn định.

Trên bản đồ địa chính trị của Mỹ, Bắc Phi là cửa ngõ quan trọng trong việc can thiệp chiến lược vào môi trường phát triển của châu Âu, cũng như quyết định việc tiến vào châu Phi của các nước này. Với tư cách là “lãnh đạo của thế giới”, Mỹ cần cảnh giác với những thách thức tiềm ẩn đến từ tất cả các nước lớn khác đối với vị trí của mình. Tạo dựng môi trường phát triển xung quanh của các nước lớn này là phương án ứng phó địa duyên rất quan trọng.

Vì cảnh giác với việc Nga dựa vào môi trường xung quanh trỗi dậy trở lại, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã trấn áp phạm vi chiến lược xung quanh nước Nga thông qua các biện pháp như mở rộng NATO về phía đông, can thiệp kinh tế, chính trị…

Mỹ lấy chống khủng bố làm lý do đưa quân vào Afghanistan và Pakistan, trên khách quan cũng chia Nam Á thành “Nam Á của Mỹ” và “Nam Á của Ấn Độ”, để Ấn Độ làm “ông lớn” tại Nam Á.

Để ngăn chặn Trung Quốc, Nhật Bản làm suy yếu vị trí thống trị của Mỹ thông qua hợp tác láng giềng và thúc đẩy nhất thể hóa khu vực, Mỹ đã áp dụng hàng loạt các biện pháp chiến lược để sắp đặt bàn cờ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Việc Mỹ kiểm soát toàn diện lâu dài đối với Châu Mỹ Latin vô hình trung cũng phần nào tạo dựng môi trường phát triển xung quanh cho sự trỗi dậy của Brazil.

Đối với cục diện lâu dài tại Trung Đông, Mỹ đã gây áp lực đến ảnh hưởng của các nước khác tại khu vực này.



Đồng thời, tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng một châu Âu đang ngày một nhất thể hóa, hơn nữa không ngừng mở rộng ra xung quanh cũng là đối tượng Mỹ phải cảnh giác, thậm chí là đối tượng Mỹ phải cảnh giác hơn cả. Các nước Bắc Phi như Libya, Tunisia, Ai Cập,… vừa hay là con đường các nước châu Âu “nam hạ” xuống Châu Phi, ý nghĩa của những nước Bắc Phi này đối với chiến lược địa duyên của Mỹ thì không cần nói cũng đã rõ.

Nhìn từ phía châu Âu, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các cường quốc công nghiệp hùng mạnh một thời nhưng đã thất thế như Anh, Pháp, Đức,… cũng đang nỗ lực tìm kiếm con đường trỗi dậy. Sự kiện thành lập EU đã thể hiện mục đích chiến lược trong ý đồ liên kết để lấy lại uy thế của các quốc gia này.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của châu Âu cũng cần dựa vào môi trường xung quanh thuận lợi. Tại phía đông, nhờ dựa vào sức Mỹ thành công, thuận lợi “đông tiến” trong quá trình hợp lực ứng phó với Nga. Tại phía nam, lại thông qua "tiến trình Barcelona" thúc đẩy Chính sách Địa Trung Hải mới, đẩy mạnh toàn diện quan hệ với các nước láng giềng Bắc Phi trong quá trình “nam hạ”. Với châu Âu mà nói, xâm nhập và can thiệp vào Bắc Phi có thể là điểm tựa chiến lược vững chắc để tiến hành trỗi dậy toàn diện. Châu Phi là mảnh đất chưa được khai phá hết, xây dựng Bắc Phi thành “sân sau” của châu Âu có ý nghĩa chiến lược đối với việc khẳng định vị trí của lục địa già trong thế giới đa cực hóa và phục hồi toàn diện về kinh tế - chính trị.

Do đó, dựa vào lợi ích chung hiện nay đối với việc thay đổi chính quyền Libya, Mỹ và châu Âu còn có thể “cùng hội cùng thuyền”; nhưng trong tương lai, một khi tình hình thay đổi, mâu thuẫn giữa 2 bên nhất định gia tăng. Chúng ta có thể mạnh dạn nghĩ rằng, nếu Mỹ quyết định xây dựng Bộ Tư lệnh châu Phi tại Libya thì cục diện địa duyên tại khu vực này sẽ có thay đổi to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Đương nhiên, cạnh tranh tại Libya chỉ là một phần trong quan hệ Mỹ và châu Âu; trong vấn đề ngăn chặn “bên thứ 3” đặt chân vào châu Phi, Mỹ và châu Âu có sự đồng thuận chiến lược sâu sắc hơn. Ngoài ra, nhìn vào mức liên quan lợi ích của các bên ở phạm vi quốc tế và mối tương hỗ ràng buộc truyền thống giữa hai bên, tình trạng dễ xảy ra nhất đối với mối quan hệ 2 bên tại Bắc Phi nhiều khả năng sẽ là cạnh tranh nhưng không xung đột.


[Xinhua news]


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

>> Góc nhìn về vấn đề Libya từ châu Phi



Libya sẽ đi đâu về đâu? Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị quân sự tại đây? Đó là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Ngày 19/3/2011, Pháp, Anh, Mỹ mở màn cuộc không kích chống lại quân đội của Tổng thống Gaddafi theo Nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới tin rằng, hành động can thiệp quân sự với mục đích bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công của quân đội chính phủ, cải thiện tình hình nhân đạo tại đây, sẽ cho kết quả ngược lại.

Động cơ nào của hành động quân sự?

Một số nhà phân tích cho rằng, phương Tây có mục đích khác đằng sau việc thực thi vùng cấm bay để bảo vệ thường dân theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Abdullatif Haj Hussein, một nhà phân tích chính trị người Sudan nói với Tân Hoa Xã rằng, thực hiện nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ là cái cớ cho hành động can thiệp quân sự vào Libya.

“Chúng ta đã nhận thấy bài học từ Iraq và Afghanistan, can thiệp quân sự vào các quốc gia này có liên quan mật thiết với lợi ích kinh tế và chính trị. Lượng dầu mỏ của Libya chiếm 2/3 nhu cầu của các quốc gia đang tiến hành can thiệp quân sự vào Libya, các quốc gia này đang tìm kiếm một giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích về dầu mỏ của họ tại Libya”, Ông Hussien đã nói.

Ông cũng lưu ý thêm rằng: “Tham vọng to lớn của các cường quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi đường đi của các cuộc biểu tình tại Libya và các quốc gia khác. Các nước lớn đang tìm cách vẽ một bản đồ mới tại Bắc Phi và Địa Trung Hải và Nghị quyết số 1973 là cơ hội lớn để thực hiện điều này”.



Vùng cấm bay chỉ là cái cớ cho hành động can thiệp quân sự vào Libya.


Abdul-Rahim al-Sunny một nhà phân tích trị người Sudan khác cho biết: “Mục tiêu đằng sau sự can thiệp quân sự tại Libya là chia nước này thành hai miền phía Đông và phía Tây và đưa đất nước này trở lại thời kỳ đã tồn tại dưới sự cai trị của vua Al –Sanousi”

Ông Abdul-Rahim al-Sunny cho biết thêm: “Một khía cạnh nữa giải thích cho động cơ can thiệp quân sự vào Libya là để bán vũ khí, thúc đẩy chính phủ các nước trên tiếp tục rót vốn cho các chương trình phát triển vũ khí. Đó là lợi ích cốt lõi của phương Tây, họ sẽ kéo dài cuộc chiến tại Libya càng lâu càng tốt, và dường như họ không quan tâm đến việc lật đổ ông Gaddafi. Tôi tin rằng, các nước phương Tây lọ ngại người Hồi Giáo sẽ kiểm soát Libya nếu ông Gaddafi bị lật đổ”

Các chuyên gia cho rằng, tầm quan trọng của dầu mỏ tại Libya không nằm ở số lượng mà ở chất lượng của dầu mỏ tại đây. Hiện tại, Libya đang sản xuất 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và đang có kế hoạch tăng sản lượng lên đến 3 triệu thùng mỗi ngày trong những năm tới. Năm 2010, các công ty dầu mỏ tại Libya phát hiện ra hơn 24 mỏ dầu mới.

Liên minh châu Phi và nhiều quốc gia trên thế giới phản đối sự can thiệp quân sự để giải quyết tình hình tại Libya. Can thiệp quân sự làm chiến sự trở nên phức tạp hơn, kéo dài và đó sẽ tạo ra một cuộc khủng khoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Nghị quyết 1973 ra đời nhằm bảo vệ thường dân trước các cuộc tấn công của quân đội chính phủ ông Gaddafi. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy chiều hướng ngược lại, vùng cấm bay được lập ra để bảo vệ thường dân tại các khu vực do lực lượng nỗi dậy kiểm soát, nhưng lại gây hại cho thường dân tại các khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát.

Với lực lượng nỗi dậy, thiếu vũ khí hạng nặng, binh sĩ không có kinh nghiệm chiến đấu. Rõ ràng, họ không thể dành chiến thắng nếu không có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Anh, Pháp, Italy đã điều động cố vấn quân sự đến Libya hỗ trợ cho lực lượng nỗi dậy. Điều đó càng khẳng định họ đang muốn chia Libya thành hai miền, phía Tây do Tổng thống Gaddafi quản lý và phía Đông do Hội đồng chuyển tiếp quốc gia TNC đại diện cho lực lượng nỗi dậy kiểm soát.

Cần lưu ý rằng, phía Đông là khu vực giàu dầu mỏ nhất của Libya.

Liên minh châu Phi AU tin rằng, một giải pháp chính trị là chìa khóa cho cuộc xung đột tại Libya. Chủ tịch AU cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi tin rằng, tình hình tại Libya chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp chính trị”. Tuy vậy, Bruce Jones, Giám đốc của Trung tâm hợp tác quốc tế ĐH New York cho biết, vẫn chưa thấy các hoạt động xúc tiến cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa đôi bên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị tin rằng, bất kỳ giải pháp chính trị nào cần phải được kiểm soát bởi chính người dân Libya. Họ chứ không phải ai khác mới chính là những người có quyền quyết định về vận mệnh của đất nước mình. Thực tế cho thấy rằng, phương Tây đã không thành công trong việc tái thiết Iraq và Afghanistan sau chiến tranh.


[BDV news]


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

>> Lafontaine "Chó Sói và Cừu non Libya"



[bee news] Truyện kể rằng Sói đang uống nước trên đầu nguồn, chợt thấy một con Cừu non đang uống nước dưới chân suối, liền tiến lại gần giận dữ: "Cừu non sao dám làm bẩn đục dòng nước của tao?" Cừu phân trần rằng nó chỉ uống nước thấp dưới chân Sói, và nước không thể chảy ngược lại đầu nguồn. Sói giận điên lên, bảo rằng "Hơn sáu tháng trước mày đã nói xấu tao". Thưa ông “Lúc đó tôi còn chưa sinh ra”. Cừu non chưa kịp phân trần thì nó đã nằm trong bụng sói.

Sau gần 400 năm, câu truyện ngụ ngôn xưa của Lafontaine được đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dàn dựng thành kịch bản có thật.

Vào hồi 16h45 GMT (tức 23h45 theo giờ Việt Nam) Pháp đã sử dụng 20 máy bay chiến đấu oanh tạc Libya, khởi đầu chiến dịch "Odyssey Dawn". Lực lương liên quân (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Canada và Italy) hiện đang sử dung khoảng 25 tầu chiến và tầu ngầm cùng nhiều máy bay chiến đấu hiện đại nhất áp sát bờ biển để tấn công Libya. Đã có hàng trăm quả tên lửa Tomahawk được phóng đi và đã hủy diệt toàn bộ khả năng tự vệ của Libya. Một cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến đã có tiền "phạt vạ", bởi theo như thông báo, Mỹ và Anh đã phong tỏa hơn 50 tỷ đôla của Libya ở các ngân hàng của họ. Một cuộc trình diễn của các loại siêu máy bay tấn công tàng hình, tất cả các loại tầu ngầm chiến lược, tất cả các loại tên lửa hủy diệt, không khỏi không làm cho Nga và Trung Quốc chột dạ. Sau đợt thao diễn kỹ thuật này chắc chả có nước "nhỏ" nào dám đòi có chủ quyền. Một kiểu thực dân cũ đang được áp đặt trở lại.

Chỉ trong ngày đầu tiên không kích đã có hàng trăm người Libya bị chết và bị thương, số người bị chết và bị thương này nhiều hơn nhiều lần số người chết do xung đột phe phái nội bộ Libya. Số lượng người chết sẽ còn tăng hơn nhiều khi cuộc tấn công tiếp tục. Và lẽ dĩ nhiên sẽ chỉ có người Libya là bị chết thảm, bởi đây là một cuộc chiến tranh một phía, một cuộc chiến công nghệ cao mà người dân Libya không thể có khả năng chống cự. Những quả tên lửa được vệ tinh dẫn đường có khả năng san phẳng một thành phố chỉ trong tích tắc. Trong tác phẩm văn học nổi tiếng "Les Trois Mousquetaires" - Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Alexandre Dumas, đã mô tả người Pháp không đánh kẻ đã rơi kiếm. Xem ra ông Sakozy không thạo binh kiếm lắm nên đã chọn kẻ không có kiếm để đâm cho chắc thắng. Người Pháp đang chờ đón một chiến thắng vinh quang do một người nhập cư mang lại. Một vinh quang với tên gọi "Odyssey Dawn" - Bản anh hùng ca về Cuộc thập tự chinh lúc bình minh.




Tổng thống Pháp Sarkozy ân cần đón tiếp đại tá Gaddafi tại Điện Élysée ngày 10-12-2007.


Việc làm của ông Sarkozy cũng không phải là không có tiền lệ. Mỹ đã qua mặt Nga đánh một đồng minh thân cận của họ là Nam Tư. Mỹ cũng đã bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, đánh Iraq và gây ra cái chết cho hơn 100 nghìn dân thường. Lý do mà người mỹ đưa ra nào là Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt, vũ khí nguyên tử, nào là tiếp tay cho mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda... tất cả các "tội ác nghê tởm của Sadam Hussein" hóa ra đều chỉ là tin vịt, và rồi, do kẻ bị hại tức chính thể của ông Sadam đã không còn nên chẳng có ai đứng ra mà thanh minh với thế giới.

Còn nhớ đầu năm 2008, một toàn án liên bang Mỹ đã yêu cầu Libya chi trả hơn 6 tỉ USD bồi thường cho gia đình 7 nạn nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom một máy bay Pháp cách đây gần 20 năm. Libya cũng đã bị buộc phải bồi thường 2,7 tỷ USD do bị kết tội gài bom chuyến bay Pan Am trên bầu trời Lockerbie năm 1988, gài bom chuyến bay 772 của UTA ở Niger năm 1989. Sự thật ra sao thì khó mà biết được, nhưng một khi Cáo mà đã quy thì Cừu phải có tội, và Cừu thì cứ phải dùng tiền để chuộc tội; đấy là sự công bằng của Sói. Lần này số lượng thường dân bị chết dưới làm đạn của Liên quân là rất lớn, và chẳng tòa án nào dám xử cái tội giết người này, bởi Liên quân đã được Liên Hiệp Quốc cấp "Cota" xuất khẩu tội ác.


Pháp đã phát động chiến tranh ngay sau khi kết thúc hội nghị của liên minh quân sự quốc tế tại Paris (Pháp) vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 19/3/2011 (giờ Việt Nam).


Phản ứng lại các cuộc không kích của Liên Quân, Phát ngôn viên chính phủ Libya tuyên bố: "Thay vì gửi các quan sát viên quốc tế đến giám sát lệnh ngừng bắn thì một liên minh các lực lượng quốc tế đã chọn hành động xâm lược quân sự." Chính phủ Libya cũng tái khẳng định việc tuân thủ lệnh ngừng bắn toàn diện. Tuy nhiên những tuyên bố này trở nên lạc lõng giữa những tiếng gầm rú của máy bay và tên lửa của Liên Quân.

So với các tình tiết trong câu truyện của Lafontaine, thì có lẽ ông Sarkozy hơi vội. Lý do mà ông Sarkozy đưa ra để lý giải cho việc vội vàng tấn công một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên Hiệp Quốc như Libya là nghĩa vụ lương tâm phải "bảo vệ sinh mạng người dân Libya, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của họ". Xem ra Lafontaine còn phải kính Sarkozy vài vái bởi ông Sarkozy đã đề cập tới lương tâm của Chó Sói trước khi xơi món thịt cừu.


Ông Gaddafi tuyên bố phân phát vũ khí để tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân


Suy cho cùng cái lỗi của Cừu là ở chỗ nó là món thịt cừu mà ai cũng thích, và như vậy cái "lỗi" của Libya là không thể phủ nhận. Với bờ biển Địa Trung Hải dài hơn 2000km, diện tích gần 2 triệu km2, dân số khoảng 6,5 triệu người; Libya là một vị trí chiến lược quân sự quan trọng trong khu vực. Libya là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn, đứng đầu Châu Phi, đứng thứ 9 trên thế giới. Dầu mỏ Libya có chất lượng cao, dễ khai thác (chi phí khai thác chưa đến 1 đôla cho một barrel, 117 lít). Hầu như tất cả dầu mỏ của Libya được vận chuyển qua Châu Âu với chi phí vận chuyên rất rẻ. Như vậy Libya là một mắt xích quan trọng trong bảo đảm chiến lược an ninh năng luợng đối với Châu Âu, và là đối trọng với nguồn cung dầu khí của Nga. Ngoài ra việc khống chế được Libya cũng sẽ khiến cho Nga mất đi những hợp đồng vũ khí nhiều tỷ đôla mỗi năm.

Có lẽ xét về phương diện kinh tế, và chiến lược quân sự thì ông Sarkozy đã có những tính toán cao tay, tuy nhiên còn quá sớm để mà phán xét về kết cục của cuộc chiến. Những suy nghĩ vội vàng về một hình thái quan hệ quốc tế mới thay cho những nguyên tắc đã tồn tại hàng nghìn năm về quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia của các dân tộc rất có thể khiến cho thế giới lâm vào một cuộc đại chiến thế giới mới.


Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

>> Su-35BM, ngôi sao trên bầu trời



Là máy bay tiêm kích (MBTK) thế hệ 4++, nhưng Su-35BM được coi là đối thủ tiềm tàng, thách thức các MBTK thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ, trong khi đơn giá chỉ bằng 1/3 (30-38 triệu USD).

Máy bay tiêm kích đa năng, hạng nặng, siêu cơ động Su-35BM được sản xuất với mục tiêu giành ưu thế trên không khi tác chiến đơn lẻ hoặc theo tốp trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm. Su-35BM có bề ngoài giống Su-27, tuổi thọ khai thác lên tới 6.000 giờ bay (30 năm). Su-35BM áp dụng công nghệ, vật liệu tàng hình để giảm độ bộc lộ với radar sóng cm (băng X) của đối phương ở bán cầu trước trong khu vực ±60°.

Hệ thống điều khiển siêu việt
Su-35BM được trang bị hệ thống điện tử hàng không (avionics) hoàn toàn mới mà nòng cốt là hệ thống thông tin-điều khiển IUS dùng để liên kết về mặt chức năng, logic, thông tin và phần mềm các hệ thống trên khoang thành một hệ thống tích hợp thống nhất, bảo đảm sự tương tác giữa phi công và máy móc.



Su-35BM có hình dáng tương tự Su-27 nhưng có nhiều tính năng ưu việt hơn.

Hệ thống điều khiển vũ khí cho phép Su-35 sử dụng hầu hết các loại vũ khí của Không quân Nga, trừ bom và tên lửa hạng nặng dành riêng cho máy bay ném bom chiến lược. Cốt lõi của hệ thống điều khiển hoả lực của Su-35BM là radar mới với antenna mạng pha thụ động sóng cm (băng X) quét tia bằng điện tử Irbis-E, có thể phát hiện, bám và xác định toạ độ của các mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước trong mọi thời tiết.

Hệ thống điều khiển hoả lực và Irbis-E có thể phát hiện, bám tới 30 mục tiêu bay, trong khi vẫn giám sát không trung, bắn đồng thời 8 mục tiêu trong số đó hoặc 4 mục tiêu mặt đất; phát hiện, lọc, bám đến 4 mục tiêu mặt đất/mặt nước ở chế độ tạo bản đồ ở cự ly đến 400 km trong khi vẫn giám sát không trung và bắt mục tiêu bay nên rất lợi hại khi tác chiến chống tàu nổi được yểm trợ từ trên không. Với Irbis-E, Su-35BM có thể đối phó với F-22 Raptor trong những điều kiện nhất định.

Một đặc trưng khác của MBTK thế hệ 5 trên Su-35BM là động cơ 117S có điều khiển vector lực đẩy. Đây là kiểu hiện đại hoá sâu của động cơ AL-31F, có sử dụng các công nghệ thế hệ 5, giúp máy bay có khả năng “siêu cơ động”, thậm chí sức cơ động có thể hơn cả F-22 vì động cơ của F-22 chỉ có thể di chuyển lên/xuống, còn 117S có thể di chuyển lên/xuống và phải/trái.


Động cơ 117S của Su-35BM có điều khiển vectơ lực đẩy.

Với trọng lượng và ở dải tốc độ - độ cao nhất định, Su-35BM có thể bay “siêu hành trình” (bay siêu âm mà không dùng chế độ tăng lực). Khả năng bay dài ở chế độ siêu âm là một dấu hiệu đặc trưng của MBTK thế hệ 5. Hiện chỉ có 2 máy bay sản xuất loạt có thể bay “siêu hành trình” là MiG-31 Foxhound và F-22A Raptor.

Hệ thống vũ khí tầm xa đáng gờm
Su-35 mang tối đa được 8.000 kg tải trọng chiến đấu lắp trên 12 điểm treo. Ngoài các vũ khí như ở Su-30МК, Su-35 còn được trang bị các loại vũ khí không-đối-không, không-đối-đất có điều khiển mới, kể cả các loại tầm xa.

Thành phần vũ khí có điều khiển không- đối- không gồm: các tên lửa không-đối-không tầm trung tự dẫn radar chủ động, bán chủ động: R-27ER1 (8 quả), R-27ET1 và R-27EP1 (mỗi loại 4 quả), RVV-АЕ/R-77 (đến 12 quả, kể cả ụ treo kép lắp 4 tên lửa dưới thân), tên lửa tự dẫn hồng ngoại tầm gần R-73E (6 quả) (tổng cộng 34 tên lửa) và 5 tên lửa tầm siêu xa mới như K-100-1 có tầm bắn khủng khiếp... tới 400 km, có tốc độ 4.000 km/h, độ cao tác chiến 3-30.000 m.


Tên lửa không-đối-không tầm siêu xa K-100-1 trên mô hình Su-35.

Các loại tên lửa không-đối-đất có điều khiển gồm 25 tên lửa chống hạm, chống radar tầm trung và tầm xa: 6 tên lửa chống radar Kh-29TE dẫn bằng truyền hình và/hoặc Kh-29L dẫn bằng laser, 6 tên lửa chống hạm Kh-31A và/hoặc chống radar Kh-31P, 5 tên lửa chống hạm tầm xa tiên tiến mới Kh-59MK, 5 tên lửa chống radar tăng tầm Kh-58UShE, 3 tên lửa chống hạm tầm xa Club (3M-14AE/3M-54AE1) và 1 tên lửa chống hạm siêu âm hạng nặng tầm xa Kh-61 Yakhont-M tầm bắn 300 km. Ngoài ra, Su-35 còn có thể mang các bom điều khiển bằng truyền hình, laser, vệ tinh như ở Su-30MK và các bom có điều khiển mới, rocket và bom thông thường các loại. Su-35 còn có 1 pháo tự động cao tốc GSh-301 30 mm có cơ số đạn 150 viên.

Máy bay tiêm kích của tương lai?
Với tính năng vượt trội, Su-35BM được dự báo sẽ là một trong vài loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới trong thập kỷ tới. Theo chương trình mua sắm vũ khí quốc gia giai đoạn 2006-2015 do Nga thông qua năm 2006, dự kiến sản xuất 182 Su-35BM cho Không quân Nga và xuất khẩu từ năm 2011-2020. Không quân Nga sẽ thành lập 2-3 trung đoàn tiêm kích Su-35 (60-80 máy bay+lực lượng dự bị). Một số công nghệ của Su-35 sẽ được dùng để hiện đại hoá Su-27, Su-30MKI, Su-33...


Su-35BM sẽ là một trong những máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Su-35BM sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Phi và Cận Đông. Nước đầu tiên có thể mua Su-35BM là Venezuela. Tại Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia đang sử dụng Su-27/Su-30 có thể sẽ đón nhận Su-35BM trong vài năm nữa. Ấn Độ ít khả năng mua Su-35BM vì họ đang hợp tác với Nga phát triển MBTK thế hệ 5 PAK FA. Định hướng xuất khẩu cho thấy Trung Quốc không được coi là khách hàng tiềm năng của Su-35BM.

(bdv news)

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> Đội quân bí mật của ông Gadhafi



Lính đánh thuê là lực lượng vũ trang "không chính thống" được chính phủ của tổng thống Lybia Gadhafi sử dụng để đối chọi với lực lượng nổi dậy trong cuộc xung đột.

Châu Phi đầy rẫy lính đánh thuê thất nghiệp
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, nhiều quảng cáo tìm kiếm lính đánh thuê với mức lương 2.000 USD đã được ghi nhận tại Guinea và Nigeria. Lính đánh thuê nước ngoài được trả tiền bằng kim cương đã làm cuộc nội chiến đẫm máu tại Sierra Leone kéo dài nhiều năm.

Theo các chuyên gia, những thông tin này rất đa dạng và khó xác định. Tuy nhiên, nếu thực sự, nhà cầm quyền Libya muốn kiếm lính đánh thuê thì tây Phi là một “khu chợ lớn” hấp dẫn.

Những cuộc xung đột gần đây tai Guinea, Sierra Leone, Liberia và Bờ Biển Ngà đã tạo ra một thế hệ những cựu chiến binh thất nghiệp. Những người này sẵn sàng tham gia mọi cuộc chiến khi được trả một mức giá hợp lý.



Lính đánh thuê "rất sẵn có" tại tây Phi.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, một bác sĩ giấu tên tại thành phố Benghazi nói rằng những cảnh sát ủng hộ người biểu tình đã bắt được vài lính đánh thuê nước ngoài. Những lính đánh thuê này không thể nói tiếng Anh hay tiếng Arab. “Chúng chỉ biết một điều: giết chết những người trước mặt. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chúng giết người như những kẻ máu lạnh vậy”, bác sĩ nói với đài ABC News qua điện thoại.

“Chính phủ đã đưa những đoàn quân đặc biệt từ nước ngoài tới Libya. Họ đem lính từ các nước châu Phi tới và bố trí chúng ở Benghazi, Tripoli”, vị bác sĩ cho biết thêm. Theo người bác sĩ, những lính đánh thuê này chỉ biết nói tiếng Pháp và phân biệt với dân thường bằng cách đội mũ màu vàng.

Một số đoạn băng hình được đăng tải trên trang web chia sẻ hình ảnh YouTube quay cảnh người địa phương đánh một số đàn ông da sẫm màu. Những người này bị bắt và bị cho rằng đã nổ súng giết hại dân thường.

“Chúng đang tràn tới đây. Chúng tôi thấy những máy bay vận tải chở họ. Tiền của chúng tôi…tiền của người Libya đang được trả cho lính đánh thuê nước ngoài để giết chính người dân Libya. Đó là điều đang diễn ra”, người giấu tên trả lời phỏng vấn.


Người dân bắt và đánh một người được cho là lính đánh thuê tới từ Chad.

Ngay cả đại sứ Libya tại Ấn Độ cũng khẳng định những báo cáo này với đài Reuters. “Lính đánh thuê tới từ châu Phi, nói tiếng Pháp và một số ngôn ngữ khác”, ông Ali al-Essawi trả lời Reuters. Ông Ali al-Essawi cho biết nhận được thông tin trên từ các nguồn trong nước.

Việc một số quân nhân Libya đào ngũ và quay sang ủng hộ người biểu tình vì họ không muốn là kẻ có nợ máu với dân tộc. “Bởi vì họ là người Libya và họ không thể đứng nhìn những lính đánh thuê nước ngoài giết hại người dân. Vì vậy họ đã quay sang ủng hộ người biểu tình”, ông Ali al-Essawi cho biết.

Có nhiều điều khác biệt giữa lính đánh thuê tại Libya và lính đánh thuê cung cấp từ các công ty tư nhân hoạt động tại Iraq và Afghanistan như Blackwater, DynCorp, Triple Canopy... Nhân viên của những công ty tư nhân này tuân thủ theo luật lệ của các nước mà họ hoạt động. Trong khi đó, lính đánh thuê từ tây Phi là những cựu binh từ các cuộc nội chiến và không cần tuân thủ bất cứ luật lệ nào cả.

Hệ lụy từ việc sử dụng lính đánh thuê nước ngoài

Những thanh niên Tuareg trở về từ Libya có thể sẽ lại gây ra những bất ổn mới cho Mali và Niger.

Theo những quan chức Mali, chính phủ của ông Gadhafi đã thuê hàng trăm người Tuareg. Những người này bao gồm cả quân nổi dậy ở Mali và Niger.

“Chúng tôi rất lo lắng trên mọi khía cạnh. Những thanh niên này đang dồn tới Libya với số lượng lớn. Điều này rất nguy hiểm, cho ông Gadhafi thành công hay thất bại. Những thanh niên này sẽ làm cả khu vực bất ổn khi họ trở về”, Abdou Salam Ag Assalat – người đứng đầu tổ chức vùng Kidal nói.

Theo ông Assalat, một mạng lưới lớn đã được lập lên để tổ chức cho lính đánh thuê tới Libya. Chính quyền địa phương đang nỗ lực thuyết phục và ngăn chặn những cựu chiến binh tới Libya. Tuy nhiên, điều này là rất khó khăn khi “tiền và vũ khí” đang đợi họ tại Libya.

“Gadhafi biết cách làm dàn mỏng lực lượng của chúng tôi. Ông ta biết cần tìm ai. Có vẻ như đã có những chuyến bay thẳng mang người từ Chad tới. Nhiều người khác đi bằng đường bộ tới miền nam Libya. Điều đó làm tôi vô cùng lo lắng vì kết thúc cuộc chiến ở Libya, những thanh niên đó sẽ lại quay trở lại với tiền và vũ khí, và làm mất ổn định vùng Sahel”, ông Assalat nói.

Theo ông Assalat, nhiều thủ lĩnh của người Tuareg đã có mặt tại Libya. Người Tuareg đã gây rối loạn tại Niger và Mali. Tình hình mới chỉ lắng dịu từ năm 2009 khi người họ đồng ý ngừng bắn. Tuy nhiên, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi khi các cựu binh Tuareg quay lại từ Libya với tiền và vũ khí.

Một vài thông tin về tổ chức quân đội Libya
Ở Libya, quân đội được chia theo bộ lạc để đảm bảo không thể trở thành một lực lượng thật sự. Quân đội Libya hiện nay chỉ mang tính biểu tượng với không đầy 40.000 người, vũ khí trang bị lạc hậu và không nhận được sự huấn luyện đầy đủ. Quyền lực của ông Gaddafi dựa chủ yếu vào lực lượng an ninh do em rể Abdullah Senussi quản lý.

Ngoài ra còn có Ủy ban Cách mạng do Hannibal, con trai Gaddafi cầm quyền và lực lượng bán vũ trang “Dân quân Nhân dân” gồm toàn những người thân tín nhất của vị tổng thống này.


Lực lượng quân đội tại Libya chỉ là mang tính "biểu tượng".

Một lực lượng bí mật được ông Gaddafi tuyển chọn từ những nước có quan hệ với Libya bao gồm Mali, Niger, Chad, Sudan và những người Hồi giáo Bosnia. Lực lượng này gọi là Lê dương Hồi giáo thuộc Ủy ban Cách mạng Libya.

Ban đầu nhằm bảo vệ thế giới Hồi giáo trước nguy cơ từ bên ngoài sau đó bảo vệ trực tiếp cho tổng thống. Các binh sĩ chịu sự chỉ đạo của Đại tá Gaddafi và hoàn toàn trung thành với chế độ mà họ phụ thuộc. Hiện nay, lực lượng này được dùng để chống lại chính người dân Libya.

Ông Gaddafi đã dựa vào chính sách "chia để trị" trong suốt 40 năm. Trong khoảng 10 năm đầu cai trị, ông lên án mạnh mẽ cái gọi là bản sắc bộ lạc và điều này được đa số dân chúng ủng hộ. Tuy nhiên, khi uy tín giảm sút và mâu thuẫn với Phong trào Các sĩ quan Tự do Thống nhất, Gaddafi ngày càng dựa vào “bản sắc bộ lạc” để củng cố quyền lực.

Ông Gaddafi đã tiến hành chính sách bảo trợ có sự lựa chọn đối với các bộ lạc tại Libya nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với quân đội.


Bản đồ phân bố cư dân Libya theo sắc tộc.

Các bộ lạc chính ở Libya:
Arab: Người Arab chiếm đa số ở Libya phần nhiều theo Hồi giáo Sunni.

Berbers: Là cư dân bản xứ của Libya. Họ thuộc nhóm bộ lạc Hamitic. Những người này theo giáo phái Kharijii.

Tuareg: Những người sống du mục trong sa mạc Sahara và các ốc đảo Ghadames và Ghat.

Tebo: Là nhóm du mục và bán du mục sống ở sườn phía nam núi Harouj và đông Fezzan, gần biên giới Ai Cập.

Libya là một xã hội bộ lạc, nên tin tức lan truyền rất nhanh. Tuy nhiên, những người biểu tình không thể sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ để tổ chức, nên họ khó có thể tập hợp công chúng một cách đông đảo như các nước láng giềng.

(bdv news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang