Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 2)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

>> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 2)



[BDV news]Những thế hệ tên lửa chế tạo trong giai đoạn 1970 - 1980 của Nga, đến nay còn nguyên giá trị tác chiến.

>> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 1)

>> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 3)

Họ tên lửa SS-N-9
 Họ tên lửa SS-N-9 (NATO gọi là Siren) là loại tên lửa chống hạm tầm trung, được trang bị cho các tàu chiến loại nhỏ và tàu ngầm.

SS-N-9 có tên thiết kế là Malakhit P-120, 4K84, bắt đầu được trang bị trong quân đội Nga từ năm 1972, có tầm bắn lên tới 110 km.

Cho tới thời điểm hiện nay, SS-N-9 vẫn còn được sử dụng trong quân đội Nga và nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn loại tên lửa này đã được Nga thay thế bằng loại tên lửa đời mới hơn SS-N-22 Sunburn.










P-120 có tầm bắn 110km, được trang bị cho hải quân Nga và nhiều nước trên thế giới.

SS-N-9 có kích thước 0,96x11,85 m, sải cánh rộng 2,1 m, hoạt động trong bán kính từ 90-110 km với vận tốc cực đại lên tới 1.100 km/h.

SS-N-9 có trọng lượng khoảng 3.200 kg, đầu nổ có thể là đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân với trọng lượng lên tới 500 kg, sử dụng động cơ đẩy phản lực, nhiên liệu rắn. Malakhit P-120 được trang bị lần đầu tiên cho hải quân Liên Xô vào tháng 3/1972 trên các tàu nổi hộ tống lớp nhỏ như Tarantul, Nanuchka.

Vào năm 1997, loại tên lửa này được trang bị cho các tàu ngầm lớp PAPA, với cơ số 8 tên lửa trên một tàu ngầm, trong đó có thể có 2 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, các tàu ngầm lớp này đã được cho "về hưu", thay thế bằng những lớp tàu ngầm mới hiện đại hơn nhiều.


P-120 được trang bị cho các tàu chiến lớp Tarantul, Nanuchka. Ảnh đưa tên lửa lên tàu chiến lớp Tarantul.

Kể từ khi chính thức được trang bị cho hải quân, đến nay đã có hơn 500 tên lửa được sản xuất. Loại tên lửa này từng sử dụng trong cuộc đụng độ giữa Nga và Gruzia.

Malakhit P-120 được trang bị hai đầu dẫn đường, một đầu dẫn bằng radar chủ động và một đầu tự dẫn bằng hồng ngoại. Radar dẫn đường của P-120 được đặt phía dướng bụng tên lửa, hoạt động ở dải tần tương tự khiến cho việc phát hiện và đối phó khi bị tấn công trở nên vô cùng khó khăn. Hơn thế, hệ thống dẫn đường của P-120 còn cho phép các người điều khiển có thể lập trình mục tiêu trước khi tên lửa được phóng đi.


Trong cuộc chiến với Gruzia tháng 8/2008, P-120 trang bị cho hạm đội Biển đen đã đánh chìm một tàu chiến của Gruzia.

So với các loại tên lửa chống hạm thế hệ trước, P-120 có thể được phóng trên mặt nước hoặc khi tàu ngầm đang lặn ở độ sâu 50m.

Khi tên lửa được phóng, tên lửa bay lên cao với vận tốc siêu âm, rồi từ từ chuyển xuống bay là là, cách mặt nước khoảng 40 m. Trên đường hành trình tìm mục tiêu, nhân viên điều khiển có thể lập trình thay đổi đường đi và mục tiêu để có thể tấn công mục tiêu một cách chính xác hơn hoặc thay đổi mục tiêu tấn công theo yêu cầu của chỉ huy.

Họ tên lửa SS-N-12
SS-N-12 (NATO gọi là Sandbox) là loại tên lửa chống hạm tầm xa, sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị cho tàu sân bay Kiev của Liên Xô, các tàu ngầm lớp Echo II và Juliett và sau đó còn được trang bị cho các tàu khu trục lớp Slava và một số loại tàu chiến khác.


Sandbox có khả năng tác chiến trong phạm vi 550 km, được trang bị cho tàu sân bay, các tàu ngầm và tàu khu trục lớp Slava.

SS-N-12 có tên thiết kế là Bazalt P-500, Bazalt 4k80, bắt đầu được trang bị trong quân đội Nga từ năm 1975 với mục tiêu thay thế lớp tên lửa Shaddock.

P-500 có kích thước 11,7x1,544 m, sải cánh rộng 2,6m, hoạt động trong bán kính khoảng 550 km, có thể mang đầu đạn thường (từ 500 kg đến 1.000 kg) hoặc đầu đạn hạt nhân (350KT).


Các ống phóng tên lửa Sandbox trên tàu khu trục lớp Slava.

Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và radar hoạt động chế độ chủ động. Do tầm hoạt động xa, hệ thống dẫn đường của tên lửa được cập nhật thông quan một số loại máy bay như Tu-95, Ka-25 và Ka-27 Helix hoặc thông tin truyền dẫn qua vệ tinh.

Điểm ưu việt của thế hệ P-500 là hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại, khiến cho hệ thống phòng thủ đối phương khó có thể phát hiện và tiêu diệt trước khi tên lửa lao đến mục tiêu.

So với các thế hệ tên lửa trước đó, P-500 có tầm hoạt động xa hơn và bay thấp hơn khiến cho hệ thống phòng thủ của đối phương trở nên vô hiệu.


Do có phạm vi tác chiến xa, Sandbox thường sử dụng hệ thống dẫn đường truyền dẫn qua một số loại máy bay như Tu-95, Ka-25 và Ka-27 Helix

Họ tên lửa SS-N-19 Không thỏa mãn với khả năng tấn công của các thế hệ tên lửa trước đó, vào giữa thập kỷ 1970, Liên Xô tiếp tục yêu cầu các nhà thiết kế vũ khí nghiên cứu loại tên lửa chống hạm có tên SS-N-19 (NATO gọi là Shipwreck) với khả năng hỏa lực mạnh và xác định đây là vũ khí số một nhằm trang bị cho các tàu chiến cỡ lớp, các tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa.


Shipwreck được thiết kế nhằm chống lại các mục tiêu là các tàu sân bay, các hạm đội lớn của đối phương.

SS-N-19 có tên thiết kế là Chelomey P-700 Granit, 3M45, kích thước 0,96x10,2 m, sải cánh rộng 3,2 m, hoạt động trong phạm vi 450 km với vận tốc tối đa lên tới 1,7M (gấp 1,7 lần vận tốc âm thanh).

Thân tên lửa P-700 được thiết kế để có thể chịu được vận tốc siêu âm ở độ cao thấp. P-700 sử dụng động cơ tua bin phản lực nhiên liệu lỏng hoặc động cơ phản lực thẳng dòng.

P-700 có trọng lượng lên tới 4.350 kg, có thể sử dụng đầu đạn thường, nặng 750 kg hoặc đầu đạn hạt nhân với sức công phá lên tới 500KT.


Vị trí bố trí tên lửa Shipwreck trên tàu khu trục tên lửa lớp Kirov của Nga

P-700 được trang bị hệ thống điều khiển bắn hiện đại với hàng loạt cải tiến. Hệ thống dẫn đường, kiểm soát mục tiêu hoạt động thông qua nhiều cảm biến, cho phép hệ thống có thể tự động lựa chọn các mục tiêu.

Tính năng mới này nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công vào các hải đội của đối phương và lựa chọn mục tiêu có giá trị nhất để tiêu diệt.

Radar dẫn đường được đặt ở phía mũi của tên lửa. Trong quá trình hành trình tìm mục tiêu, radar của tên lửa hoạt động ở chế độ chủ động trên dải băng tần X. Khi tên lửa tiến gần đến mục tiêu, rada chủ động chuyển sang hoạt động ở dải băng tần Ku.


Shipwreck được trang bị hàng loạt cho các tàu chiến lớp Oscar. Ảnh là một chiếc tàu chiến lớp Oscar.

P-700 được trang bị hàng loạt cho các tàu ngầm thuộc lớp Oscar. Mỗi tàu ngầm có 20 ống phóng chứa tên lửa, được đặt nghiêng một góc 47 độ. Trước khi tên lửa được phóng ra khỏi ống, ống phóng sẽ được nước tràn ngập.

Họ tên lửa SS-N-21
SS-N-21 (NATO gọi là Sampson) có tên thiết kế là 3k10 Granat, RK-55 Granat, S-10/3M10 là tên lửa đối hạm chiến lược tầm trung, trang bị cho tàu ngầm, sử dụng động cơ đẩy phản lực và bắt đầu trang bị cho hải quân Nga kể từ năm 1984.

Sampson được xem là loại tên lửa có khả năng tác chiến ngang ngửa với tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Granat được cho là có khả năng tấn công và tiêu diệt mục tiêu ngang ngửa với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Ảnh là một quả tên lửa RK-55 Granat.

Sampson được thiết kế nhằm trang bị cho các tàu ngầm lớp Victor 3, Akula 1/2, Sierra 1/2 và Yankee Notch. Mỗi tàu ngầm có thể mang từ 20-35 tên lửa. Sampson có kích thước 8,09x0,51 m, trọng lượng 1.700 kg, có thể phóng từ ống phóng ngư lôi 533 mm.

Sampson sử dụng hệ dẫn đường quán tính, có khả năng cập nhật thông tin địa hình trên đường bay và điều khiển từ trung tâm chỉ huy. Sampson có thể tiêu diệt mục tiêu cách tàu lên tới 2.400km, hành trình trên biển với vận tốc 0,7 M, mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 200 kt hoặc đầu đạn thường nặng 400 kg hoặc đầu đạn có chứa nhiều đầu đạn con bên trong.


Samspon được trang bị cho các tàu ngầm lớp Victor 3, Akula 1/2, Sierra 1/2 và Yankee Notch. Ảnh là một chiếc tàu ngầm lớp Yankee Notch của Nga.

Kể từ khi chính thức đưa vào trang bị cho hải quân, đến nay, có hơn 240 tên lửa Sampson triển khai trên 37 tàu ngầm của Nga.

Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START 2, loại tên lửa này đã được cắt giảm đáng kể, hiện còn khoảng 200 tên lửa. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, một số tên lửa này đã được hoán cải mang đầu đạn thông thường hoặc loại mang nhiều đầu đạn con.

Nguồn tin cho hay, có thể Nga trang bị loại tên lửa này cho các tàu ngầm hiện đại lớp Delta 1/2/3 và có thể triển khai trên một số khu trục hạm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang