Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 3)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 3)



[BDV news] Nếu Mỹ có tên lửa chống hạm nổi tiếng Harpoon và Tomahawk, thì các họ tên lửa của Nga như Switchblade, Yakhont hoặc 3M-54 luôn được xem là "sát thủ" vô hình đối với các mục tiêu trên biển cũng như trên đất liền.

>> Tên lửa chống hạm của Nga(kỳ 1)
>>Tên lửa chống hạm của Nga(kỳ 2)


Họ tên lửa SS-N-25

SS-N-25 (NATO gọi là Switchblade) là loại tên lửa chiến thuật chống hạm tầm trung, có tính năng kỹ chiến thuật giống tên lửa chống hạm nổi tiếng của Mỹ US RGM-84/AGM-84 Harpoon, Exocet của Pháp hoặc Sea Eagle của Anh quốc.




Switchblade có tính năng kỹ chiến thuật ngang ngửa với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ


SS-N-25 có tên thiết kế là Kh-35, 3M24, Uran, Bal hoặc Harpoonski, vì có tính năng giống với tên lửa chống hạm của Mỹ Harpoon như nói ở trên. Switchblade được thiết kế nhằm tiêu diệt mục tiêu là các tàu thuyền trên biển có trọng lượng lên tới 5000 tấn.

Phiên bản đầu tiên của dòng tên lửa Switchblade được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga từ năm 1983 nhằm thay thế cho dòng tên lửa SS-N-2 Styx. Trải qua quá trình phát triển, Switchblade hiện có thể triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau như: tàu khu trục, tàu tuần tra, lực lượng phòng vệ bờ biển trên đất liền, từ một số loại máy bay trực thăng và từ máy bay tuần tra trên biển Tu-142 Bear.


Switchblade được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, trong đó, có máy bay Tu-142 Bear.


Switchblade có trọng lượng 520 - 610 kg tùy từng phiên bản, đầu đạn nặng 145 kg, kích thước tên lửa 4,4 m x 0,42 m, sử dụng động cơ tuabin phản lực, vận tốc 0,8M và tầm bắn cực đại lên tới 130 km.

Switchblade sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động. Thông tin về mục tiêu có thể được truyền tới tên lửa từ các hệ thống bay hoặc từ trung tâm điều khiển bắn.

Quá trình tấn công mục tiêu được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi tên lửa rời khỏi bệ phóng, hệ thống dẫn đường quán tính được khởi động, đưa tên lửa tới khu vực có mục tiêu. Tại một khoảng cách nhất định, radar chủ động được kích hoạt nhằm xác định, khóa mục tiêu.

Bốn quả tên lửa SS-N-25 trên tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard


Cùng thời điểm đó, hệ thống dẫn đường quán tính sẽ hướng tên lửa tới mục tiêu, đồng thời thay đổi độ cao hành trình, bay là là trên mặt biển (thấp nhất là 1 m trên mặt biển). Tại thời điểm này, tên lửa tiếp tục nhận thông tin chỉ thị mục tiêu và điều khiển từ trung tâm bắn cho đến khi đầu tên lửa chạm mục tiêu và phát nổ.

Riêng phiên bản cuối của dòng SS-N25, Kh-35UE được tích thêm thêm hệ thống tiếp nhận thông tin từ Glonass (hệ thống định toàn cầu bằng vệ tinh của Nga, giống GPS của Mỹ). Với hệ thống tiếp nhận thông tin Glonass, Kh-35UE có thể hoạt động trong điều kiện biển động cấp 6, tốt hơn hẳn AGM-84 Harpoon của Mỹ, đồng thời có khả năng tấn công vào các mục tiêu cố định trên bờ biển.


Xe chỉ huy và điều khiển bắn hệ thống phòng thủ bờ biển Bal E.


Phiên bản sử dụng vào mục đích phòng thủ bờ biển có tên là Bal E, được thiết kế nhằm thay thế cho hệ thống phòng thủ bờ biển Rubezh. Hệ thống Bal E bao gồm một xe chỉ huy, một xe xác định mục tiêu và một số xe mang tên lửa, trong đó, mỗi xe mang được 8 quả tên lửa 3M-24 Uran.


Bal E là hệ thống phòng thủ bờ biển, sử dụng tên lửa 3M-24 Uran.


Họ tên lửa SS-N-26
SS-N-26 là tên lửa tầm trung chiến thuật, có tên thiết kế là 3k-55 Onyx/Yakhont, P-800. Phát triển từ năm 1983, trang bị cho hải quân Nga vào năm 1999 và cho đến năm 2001, P-800 đã được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả trên biển, trên không và đất liền.


SS-N-26 là tên lửa chiến thuật tầm trung, được trang bị cho cả máy bay, tàu chiến và trên xe ô tô. Ảnh là một chiếc Su-33 được trang bị Yakhont.


Trong vài năm gần đây, Nga bán bản quyền hợp tác sản xuất P-800 cho Ấn Độ dưới tên là Brahmos A và Brahmos S. Trung Quốc đang đàm phán với Nga để mua dây chuyền sản xuất phiên bản 3M-55 nhằm trang bị cho nhiều tàu chiến trong hải quân Trung Quốc.


Nga và Ấn Độ phối hợp sản xuất một phiên bản SS-N-26, có tên là Brahmos A/S.Ảnh là hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion, sử dụng tên lửa Brahmos.


Về mặt thiết kế, P-800 giống tên lửa chống hạm Moskit (SS-N-22) và P-700 Granit. P-800 có kích thước 8,9 x 0,9 (m), trọng lượng 3 tấn, đầu đạn nặng 250 kg, sải cánh rộng 1,7 m, sử dụng động cơ đẩy phản lực thẳng, nhiên liệu lỏng, hoạt động trong phạm vi từ 120 - 300 km tùy theo độ cao và hành trình với vận tốc 2,5 M.

So với các tên lửa đối hải thế hệ trước, hành trình của P-800 đặc biệt hơn. Ngay khi rời bệ phóng P-800 bay vút lên cao, hành trình gần tới mục tiêu thì dần dần hạ thấp độ cao. Khoảng cách tới mục tiêu khi tên lửa hạ thấp có thể được lập trình từ trước.

Việc kiểm soát độ cao của tên lửa được thực hiện nhờ radar KTRV-Deltal K313, cho phép tên lửa có thể hoạt động tại độ cao từ 1.000 m đến 5000 m.


Hệ thống dò mục tiêu Granit - Elektron được trang bị cho Yakhont của Nga và Brahmos của Ấn độ.


P-800 sử dụng hệ thống dò tìm mục tiêu Granit – Elektron. Đây là một trong những hệ thống rò tìm mục tiêu kỹ thuật số hiện đại nhất của Nga cho đến ngày nay. Radar có thể hoạt động ở hai trạng thái: chủ động và thụ động.

Trong chế độ chủ động, radar hoạt động ở giải băng tần rộng với điều biến phổ tần ngẫu nhiên, có thể xác định mục tiêu cách 50km. Khi tên lửa phát hiện mục tiêu và lại gần ở khoảng cách 25 - 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái thụ động.

Nhờ công nghệ hiện đại, P-800 có thể chống lại hiệu quả hệ thống gây nhiễu của đối phương, đồng thời cho phép hoạt động trong điều kiện biển động cấp 7.


Brahmos của Ấn độ có những cải tiến lớn về hệ thống dẫn đường và Ấn độ dự kiến triển khai trên cả máy bay Su-27/30


Trong phiên bản hợp tác sản xuất với Ấn độ, tên lửa Brahmos có những cải tiến đáng kể về hệ thống dẫn đường. Phiên bản Brahmos dự kiến được Ấn độ triển khai trên các tàu chiến, các hệ thống phòng thủ bờ biển di động và trên máy bay Su27/30.

Nga và Ấn độ cũng đang xem xét triển khai phiên bản Brahmos tấn công đất liền. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khả năng tăng độ chính xác cũng như hệ thống dẫn đường bổ sung.


Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion sử xe MZKT-7930 TEL, mỗi xe mang theo ba quả tên lửa.


Hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng tên lửa P-800 được đặt tên là hệ thống phòng thủ Bastion. Đây là một hệ thống phòng thủ bờ biển di động, sử dụng xe MZKT-7930 TEL, trọng tải 41 tấn, mỗi xe mang theo ba quả tên lửa, hoạt động trong đội hình bao gồm các xe mang tên lửa, xe chỉ huy, hệ thống radar truyền tiếp thông tin.

Họ tên lửa SS-N-27
SS-N-27 có tên thiết kế của Nga là 3M-54 là một họ tên lửa đa chức năng, được thiết kế dùng cho tàu chiến (Club N), tàu ngầm (Club S) và các máy bay chiến đấu. Hệ thống tên lửa này có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, cho phép tấn công các mục tiêu trên biển cũng như các mục tiêu cố định trên bờ.


3M-54 là loại tên lửa đa chức năng, cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên biển cũng như trên đất liền.


Không giống như tên lửa chống hạm Moskit và Yakhont, Club sử dụng ống phóng ngư lôi 533mm hoặc các ống phóng thẳng đứng. Cho đến nay, có 5 phiên bản Club khác nhau, trong đó, phiên bản 3M-54E1 và 3M-14E gần giống tên lửa chống hạm Tomahawk của hải quân Mỹ.

Tùy từng phiên bản, trọng lượng của tên lửa giao động từ 1.300 kg đến 2.300 kg và kích thước cũng từ 6,2 m đến 8,2 x 0,533 (m). Do có nhiều phiên bản khác nhau nên tên lửa này cũng sử dụng nhiều loại động cơ đẩy khác nhau, bao gồm cả động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu rắn nhiều tầng và động cơ tuabin phản lực.

Phiên bản 3M-54E1 sử dụng hệ thống dò tìm mục tiêu bằng radar ARGS-54E (hoạt động chế độ chủ động), hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Glonass và hệ thống thống dẫn đường bằng quán tính. Rada ARGS-54E có góc dò ±45 độ, bán kính hoạt động 65km. Tên lửa cũng sử dụng radar KTRV-Detal RVE-B, giống như radar sử dụng trong họ tên lửa SS-N-25.

Phiên bản tấn công mục tiêu trên đất liền 3M-14E sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và bằng hệ thống định vị Glonass. Rada chủ động ARGS-14E, có tầm hoạt động 20km, được sử dụng để xác định các mục tiêu trên mặt đất với góc tìm kiếm ±45 độ.


3M-54 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị Glonass, sử dụng rada chủ động để xác định mục tiêu.


Giống như các họ tên lửa khác, sau khi được phóng, tên lửa sẽ hành trình trên cao, khi tới gần mục tiêu, rada tích cực sẽ được kích hoạt để xác định mục tiêu. Khi mục tiêu đã được khóa, động cơ tên lửa được tăng tốc lên tới 2,9M, độ cao hạ thấp xuống còn 15 m và lao thẳng đến mục tiêu.


3M-54AE được triển khai trên máy bay Su-33 Flanker



3M-54 triển khai trên tàu ngầm lớp Kilo.


Nhằm vượt qua lưới phòng ngự của đối phương, 3M-54 hành trình theo đường zig-zag, hơn thế, thân tên lửa được thiết kế khá gọn, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar khiến cho đối phương khó khăn trong việc phát hiện tên lửa từ xa.

Theo nguồn tin báo chí, Ấn độ đã triển khai loại tên lửa này cho lực lượng hải quân, còn Trung Quốc đặt hàng cho các tàu ngầm lớp Kilo. Nga cũng đang xem xét triển khai loại tên lửa này trên máy bay Su-32FN/34.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang