Trước việc Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân và có lập trường đối đầu với Nhà nước Do Thái, các nhà phân tích đang xem xét đánh giá các kịch bản xung đột giữa 2 nước. >> Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 2) Mối quan hệ giữa Israel và thế giới Hồi giáo Trung Đông chưa bao giờ là tốt sau 5 cuộc chiến lớn giữa Israel và các nước Arab cùng rất nhiều cuộc xung đột nhỏ khác. Bằng sức mạnh quân sự đáng nể, sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây kết hợp với chiến lược ngoại giao khôn khéo, Israel đã ký được những thỏa ước hòa bình tạm thời với những người láng giềng như Ai Cập, Lebanon, Syria, Jordan qua đó chung sống hòa bình với các đồng minh Arab của Mỹ như Arab Saudi, Qatar, UAE... Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự ngày càng phát triển mạnh mẽ của Iran, thế cân bằng này đang dần bị lung lay, dự báo trước một đợt bất ổn mới cho khu vực. Với câu trích dẫn từ giáo chủ Khomeini cho rằng: “Thể chế đang chiếm đóng Jerusalem phải bị loại bỏ”, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đặt Israel trên đống lửa khi nước này càng ngày càng phát triển mạnh về quân sự cùng với khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Về phần Israel, với câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Nếu người Hồi giáo Arab từ bỏ vũ khí, sẽ không còn bạo lực - Nếu người Israel từ bỏ vũ khí, sẽ không còn Israel”, chắc chắn nước này sẽ không chịu ngồi yên nhìn Iran từ từ “kề dao vào cổ” mình. Cuộc chiến tranh giữa Israel và Lebanon năm 2006 cho thấy hòa bình giữa Israel và các nước Arab trong khu vực còn quá mong manh Năm 2007, diễn biến chính trị khu vực diễn ra tương tự những sự kiện gần đây. Sau khi Syria từ chối hợp tác toàn diện với thanh sát viên IAEA, tổ chức này đã đưa ra một bản báo cáo không chính thức cho rằng Syria đang thực hiện các hoạt động trái phép về năng lượng nguyên tử. (Tháng 4/2011, IAEA đã chính thức xác nhận vị trí này là một cơ sở hạt nhân). Ngay sau đó, phi đội 69 “Hammer” của Israel với các máy bay F-15I, F-16I đã tấn công phá sập hoàn toàn cơ sở này dưới sự hỗ trợ chỉ điểm mục tiêu của đặc nhiệm không quân Shaldaq và đặc nhiệm lục quân Sayeret Matkal. Về phía Syria, họ đã không kịp thực hiện bất cứ hành động nào đáp trả vụ tấn công này và kết quả cơ sở này đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo Bloomberg, khoảng 10 nhân viên hạt nhân của Triều Tiên cũng đã bị thiệt mạng trong cuộc không kích. Chiến dịch Orchard của Israel nhằm phá hủy một cơ sở hạt nhân của Syria đã thành công trọn vẹn. Đối với Iran, một đất nước có vị trí địa lý khá xa Israel và có một lực lượng quân đội đông đảo, việc tấn công bằng hải quân hay bộ binh tổng lực là điều bất khả thi. Vì thế, sử dụng đặc nhiệm, không kích và bắn tên lửa là tất cả các khả năng mà Israel có thể tính đến. Không kích Iran Đối với một đất nước có tiềm lực quân sự mạnh và quá rộng lớn như Iran (diện tích đến 1,6 triệu km2, gấp gần 80 lần Israel), việc tấn công tổng lực, không kích phá hủy hoàn toàn các cơ sở quân sự của Iran chắc chắn là điều không tưởng. Chính vì thế, nếu lựa chọn phương án không kích, Israel chỉ có thể chọn những mục tiêu giá trị nhất: các cơ sở hạt nhân có khả năng làm giàu uran và chế tạo đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên, việc không kích Iran lại không hề đơn giản như điều Israel đã từng làm với Syria. Thứ nhất, về địa hình, Syria giáp biên giới phía Bắc với Israel, việc bay qua đường biên giới, chế áp phòng không Syria và tấn công mục tiêu cần thiết ở khoảng cách chỉ vài trăm km là điều đơn giản. Tuy nhiên, đối với Iran, Israel sẽ phải “mượn” không phận của rất nhiều nước, thậm chí bắt buộc phải tiếp dầu trên không tại không phận những nước Arab này, vốn sẵn có quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đối với nhà nước Do Thái. Thêm nữa, khoảng cách từ Israel tới các cơ sở quân sự Iran là quá lớn đối với các máy bay mang bom: Từ Hadera (Haifa, Israel) tới nhà máy làm giàu uranium tại Natanz, đường bay thẳng dài tới 1.400 km, thậm chí tới căn cứ Esfahal , khoảng cách này lên tới 1.538 km. Các con đường có thể tấn công Iran của Israel đều có cự ly từ 1.500 km - 2.400 km và vi phạm không phận nhiều nước Arab Trên thực tế, Israel khó có thể bay thẳng tới Iran do các lý do ngoại giao. Để tấn công Iran, Israel chỉ có thể tấn công với ba đường: Thứ nhất, từ Haifa, bay men theo bờ biển của Lebanon, sau đó bay bám theo biên giới Syria, mượn không phận Thổ Nhĩ Kỳ và tấn công các căn cứ phía Bắc của Iran như thủ đô Tehran, cơ sở làm giàu uranium bí mật tại Qom ở khoảng cách trên 2.000 km. Tuy nhiên, những diễn biến mới gần đây trong quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến kịch bản này bất khả thi. Bản đồ các căn cứ không quân và bố trí máy bay của Israel Con đường thứ hai, máy bay từ cảng Tel Aviv, bay qua không phận Palestin, Jordan, một phần Iraq, Israel có thể dễ dàng tấn công cơ sở hạt nhân Arak và nhà máy làm giàu urani Natanz. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất vì Iran đã làm giàu urani lên tới mức 20% ở nhà máy này, một bước tiến rất quan trọng để sau đó làm giàu urani tới 90% phục vụ vũ khí hạt nhân (urani trong nhiên liệu lò phản ứng nước nhẹ chỉ cần làm giàu đến mức 3-4% còn để làm nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân nước nặng thì không cần thiết phải làm giàu). Đây cũng là con đường ngắn nhất vì hầu hết các chặng là bay thẳng với khoảng cách đến Natanz dưới 1.500 km. Tuy vậy, để bay qua được con đường này, Israel cũng phải giải quyết nhiều vấn đề. Thỏa ước hòa bình mong manh của Israel với Jordan, Arab Saudi sẽ khó có thể tồn tại được nếu máy bay chiến đấu Israel bay qua không phận của các nước này, nhất là trong bối cảnh Mỹ, đồng minh có tiếng nói của Arab Saudi tuyên bố không giúp đỡ Israel nếu nhà nước Do Thái đơn phương thực hiện cuộc tấn công. Con đường thứ ba cho phép máy bay Israel bay xuống biển Đỏ, sau đó lần lượt bay qua không phận Arab Saudi, Iraq và cuối cùng là tấn công nhà máy điện hạt nhân Busher nằm trên bờ vịnh Persian. Khó khăn của Israel khi sử dụng con đường này cũng tương tự như sử dụng con đường thứ hai. Bom GBU-28 có thể khoan sâu tới 6 m bê tông trước khi phát nổ Với khoảng cách xa như vậy, chắc chắn Israel sẽ sử dụng các máy bay F-15I (biến thể dành riêng cho Israel) của máy bay tấn công F-15E Strike Eagle có tầm bay xa nhất trong số các máy bay chiến đấu của nước này. Tuy nhiên, nếu F-15I mang đầy đủ vũ khí (bom khoan hầm, tên lửa không đối không Python) thực hiện chuyến bay dài 1.500 km sẽ phải thực hiện tiếp dầu trên không, nhiều khả năng ở bầu trời Iraq, khi nước này còn nằm trong sự chiếm đóng của Mỹ. Ngoài ra, để hộ tống F-15I phải cần tới các tiêm kích F-16 tuy không quá hiện đại nhưng rất đông đảo của Israel. Để tấn công những cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất của Iran (ví dụ nhà máy làm giàu uranium tại Natanz nằm sâu 8 m dưới đất và bọc trong lớp bê tông cốt thép dày 2,5 m), Israel bắt buộc phải sử dụng những loại bom khoan hầm hạng nặng như loại bom nặng gần hai tấn GBU-28 sử dụng đầu khoan BLU-113 có khả năng khoan sâu 6 m bê tông hoặc 30 m đất. Thế nhưng, dù Israel có khả năng đàm phán để bay qua không phận các nước Arab, mang được bom khoan hầm đến Iran, vượt qua lực lượng không quân và tên lửa nước này thì việc ném được bom vào các cơ sở hạt nhân Iran vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bản đồ bố trí các hệ thống radar cảnh báo của Iran Iran có rất nhiều hệ thống radar cảnh báo đặt dọc bờ biển vịnh Persian, biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có loại radar Ghadir nội địa có khả năng phát hiện mục tiêu xa tới 1.000 km. Thậm chí, năm 2010, thiếu tướng Amir-Hamid Arjangi, chỉ huy căn cứ không quân Khatamolanbia còn khẳng định nước này đang sản xuất loại radar mới có tầm phát hiện mục tiêu xa tới 3.000 km, nghĩa là có thể phát hiện được các máy bay Israel khi chúng vừa cất cánh. Tầm bảo vệ của các loại tên lửa SA-5, Hawk và Hồng Kỳ - 2 của Iran Sơ đồ bố trí hệ thống phòng không tại cơ sở hạt nhân Esfahan Tại nhà máy điện hạt nhân Busher Tại cơ sở làm giàu uranium Natanz Tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak Về vũ khí, Iran sở hữu loại tên lửa phòng không tầm xa SA-5 Gammon có tầm bắn tới 250 km. Dù cho Mỹ và Israel đã quá quen với loại tên lửa này và dễ dàng chế áp (như cách phương Tây đã làm khi tấn công Libya và Iraq) nhưng với năng lực quốc phòng và khả năng cải tiến vũ khí của Iran thì đây cũng là loại tên lửa rất đáng gờm. Một mũi nhọn phòng không khác của Iran chính là loại tên lửa tầm xa có ngoại hình giống với S-300 mà nước này đã công bố đã tự sản xuất được. Nếu như loại tên lửa này là thật thì mối nguy đối với các máy bay của Israel còn tăng lên gấp bội. Thêm nữa, với các dàn tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1, có khả năng phát hiện các mục tiêu với tiết diện phản xạ radar tới 0,1 m2, Iran còn có thể bắn hạ các tên lửa diệt radar hay bom lượn của Israel trước khi chúng kịp chạm đất. Cũng không thể không kể đến các hệ thống pháo phòng không - tên lửa tầm ngắn dày đặc của Iran xung quanh các cơ sở hạt nhân. Tại những địa điểm này, trận địa phòng không dày đặc, nhiều tầng được xây dựng với nhiều loại vũ khí như pháo phòng không 100 mm Iran tự sản xuất theo pháo KS-19 của Nga có tầm bắn tới 21 km; hệ thống phòng không Skyguard với pháo 35 mm bắn bằng radar tầm bắn 4 km, pháo 23 mm - 2,5 km và súng máy 12,7 mm sẽ trám nốt chỗ trống còn lại. Cùng với các loại tên lửa tầm nhiệt khác như RBS-70, ngay cả việc máy bay hay tên lửa hành trình bay cực thấp cũng khó có thể lọt qua. Đặc biệt, Iran còn phát triển thêm hệ thống pháo phòng không 23 mm Meshbar gồm 8 nòng pháo, có thể đạt tốc độ bắn tới 4.000 phát/phút, điều khiển bằng hệ thống ngắm quang điện tử và radar, hoàn toàn có thể đóng vai trò như hệ thống C-RAM (Counter Rocket, Artillery, Mortar - Vũ khí đánh chặn đạn rocket, pháo và cối) của Mỹ. Chính vì những lý do trên, một nguồn tin của Israel đã dự đoán muốn phá hủy được các cơ sở hạt nhân của Iran, ít nhất Israel phải trả giá bằng 1/3 lực lượng không quân của mình. Với một dân tộc coi trọng sinh mạng binh lính như Israel, chắc chắn đây không phải là một giải pháp được ưa thích. Pháo 23 mm 8 nòng Meshbar có tốc độ bắn tới 4.000 phát/phút có thể được sử dụng như một vũ khí chống lại các loại bom và tên lửa hành trình Sử dụng lực lượng đặc nhiệm Trên thực tế, Iran cũng không phải là một nước ổn định về chính trị. Nhà nước Hồi giáo Shiite của Iran chưa bao giờ làm hài lòng những bộ tộc Hồi giáo Sunni sống ở phía Bắc. Chính vì thế, năm 2009 đã xảy ra một vụ đánh bom đẫm máu do nhóm vũ trang Hồi giáo Sunny Jundallah gây ra làm 31 người thiệt mạng, trong đó có 2 vị tướng trong Quân đội Iran. Vì nguyên nhân này, việc cử những lực lượng đặc nhiệm nhỏ, tinh nhuệ đột nhập vào Iran có vẻ đơn giản hơn với Israel. Trên thực tế, đã có khá nhiều vụ đặt bom hay bắn súng giết chết các nhà khoa học hạt nhân Iran bị tình nghi có bàn tay của Israel dính líu. (>> xem thêm) Hiện cũng có hai cách để các lực lượng đặc nhiệm Israel có thể dùng để đánh phá tiềm lực quân sự của Iran. Thứ nhất, họ có thể kích động các bộ tộc Hồi giáo Sunni nổi dậy chống lại nhà nước Iran, qua đó giúp sức về nhân lực và vũ khí cho các nhóm này giành lợi thế trước chính quyền tương tự những điều đã diễn ra ở Libya từ tháng 4 -10/2011. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, bộ phận dân cư theo Hồi giáo Sunni quá ít so với cả dân số Iran và quân đội Iran cũng chuyên nghiệp hơn đội quân của ông Gaddafi rất nhiều. Một máy bay Mỹ bị bắn cháy trong chiến dịch Eagle Claw Thứ hai, chắc chắn lực lượng an ninh của Iran đã tính đến khả năng này và đã tăng cường an ninh cho các cơ sở hạt nhân và quân sự đến mức tối đa. Với khoảng cách xa, không có yếu tố bất ngờ, rất khó cho lực lượng Israel có thể tấn công. Hơn thế nữa, lực lượng an ninh Iran cũng không phải không có kinh nghiệm trong việc chống biệt kích đối phương đột nhập, phá hoại. Ngày 25/4, trong chiến dịch Eagle Claw, Mỹ đã sử dụng 9 chiếc trực thăng RH-53D và 6 chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules nhằm giải cứu 52 con tin là công dân Mỹ đang bị giam giữ trong Đại sứ quán Mỹ tại Tehran. Tuy nhiên, chiến dịch này của Mỹ đã kết thúc với kết quả thảm hại khi họ không giải cứu được các con tin và để mất 6 trực thăng, một máy bay C-130, 8 binh sĩ thiệt mạng, 4 người khác bị thương. Lực lượng đặc nhiệm Iran cũng là đối thủ khó nhằn đối với biệt kích Israel Hơn thế nữa, Iran có trong tay khá nhiều cơ sở hạt nhân trải dài trên một diện tích rộng (Cơ sở hạt nhân Arak nằm cách nhà máy điện Busher tới gần 2.000 km) trong khi đặc nhiệm Israel chỉ có trong tay một lực lượng hạn chế, việc phá hoại tất cả những cơ sở này trong thời gian ngắn là không thể thực hiện được. Chính vì vậy, nếu được sử dụng trong cuộc chiến chống Iran, Israel chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ thông tin, chỉ điểm mục tiêu cho không quân oanh kích hơn là đóng vai trò chủ đạo đột nhập, phá hoại. Tấn công bằng tên lửa Đây có thể coi là phương án tấn công đơn giản nhất và ít thiệt hại nhất nếu Israel chọn tấn công phủ đầu. Để vươn tới các cơ sở hạt nhân nằm sâu trong nội địa Iran, Israel có trong tay khoảng 30 tên lửa đạn đạo Jericho-III tầm bắn 6.500 km hoặc các tên lửa hành trình Popeye Turbo phóng từ tàu ngầm Dolphin. Tên lửa Jericho-III của Israel có thể dễ dàng vươn tới các cơ sở hạt nhân của Iran Tuy vậy, trên thực tế nếu sử dụng đầu đạn thuốc nổ thông thường, số tên lửa trên khó có thể đánh gục ngay tiềm lực hạt nhân của Iran do hầu hết các cơ sở hạt nhân nước này đều nằm sâu trong các boongke bê tông kiên cố. Thậm chí, Israel có thể chịu thiệt hại nặng nề khi Iran trả đũa bằng các loại tên lửa có tầm bắn trên 2.000 km của nước này như Shahab-3, Sajjin. Với diện tích và dân số hạn chế, nếu để điều này xảy ra, Israel sẽ có thể bị thiệt hại đến mức không thể khôi phục được. Nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân (thông tin không chính thống dự đoán Israel có trong tay khoảng 200 đầu đạn hạt nhân), Israel chưa thể xóa sổ ngay toàn bộ lực lượng vũ trang Iran, hơn thế, lúc đó Israel sẽ mất đi hoàn toàn sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, ngay cả với các đồng minh khi đơn phương tấn công một quốc gia khác bằng vũ khí hạt nhân. Cùng lúc đó, Israel sẽ hứng chịu sự trả thù khốc liệt hoàn toàn có thể dự báo trước của thế giới Hồi giáo, và đây là kết cục nhà nước Do Thái chắc chắn không mong muốn. Iran cũng có thể đáp trả bằng tên lửa Shahab-3, dù sẽ khó khăn hơn vì phải vượt qua các hệ thống Arrow của Israel Tựu chung, Israel gần như không thể tấn công phủ đầu đánh gục tiềm lực hạt nhân của Iran mà không có Mỹ và phương Tây giúp sức trong điều kiện hiện nay. Với khoảng cách địa lý xa và tiềm lực quân sự không hề yếu, Iran quá dễ xoay sở khi đứng vào vai trò phòng thủ và Israel quá khó khăn trong vai trò tấn công. Chính vì thế, lựa chọn tốt nhất của Israel bây giờ một mặt là dùng lực lượng tình báo hiệu quả cao, ngấm ngầm phá hoại, làm suy yếu khả năng hạt nhân của Iran (ám sát, thả virus tương tự như vụ virus Stuxnet phá hoại các máy tính điều khiển trong cơ sở hạt nhân), một mặt vận động được Mỹ và đồng minh phương Tây tiến hành hợp sức cùng tấn công hoặc chí ít tiếp tục đặt gánh nặng trừng phạt lên Tehran. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay khi Mỹ còn phải đối mặt với nhiều mối quan tâm hơn tại các chiến trường Iraq, Afghanistan, lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương, còn Tây Âu còn vật lộn với khủng hoảng kinh tế, nếu muốn chắc thắng, chắc chắn Israel sẽ tiếp tục phải “nhẫn nhịn” thêm một thời gian nữa. |
Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011
>> Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 3)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét