Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Trung Quốc tiếp tục ‘dạy đời’ Ấn Độ

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

>> Trung Quốc tiếp tục ‘dạy đời’ Ấn Độ


Trong khi báo chí Ấn Độ đua nhau viết bài ca ngợi thành công vang dội của vụ phóng tên lửa Agni-5, báo giới Trung Quốc hôm nay tiếp tục dành cho New Delhi những bình luận “khó nghe”.



Theo Global Times, thành công trong vụ phóng tên lửa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân Agni-5 đang “đưa Ấn Độ lên mây”.

“Cả nước hòa vào niềm vui thắng lợi của các nhà khoa học quốc phòng…” hay “Ấn Độ tự hào tuyên bố về khả năng phòng thủ cũng như phát triển các loại vũ khí chiến lược của mình”... là những lời viết đầy tự hào mà các báo Ấn Độ như Mail, Indian Express, Times of India dành để nói về thành công trong việc phóng thử tên lửa liên lục địa Agni-5.

Như nhận định của giới quan sát, với tầm bắn lên đến 5.000km của Agni-5, Ấn Độ thực sự gia nhập câu lạc bộ của các cường quốc sở hữu tên lửa liên lục địa gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Các báo cáo từ quân đội cho hay, tên lửa Agni-5 sau khi được phóng thử bay trong vòng 20 phút, qua vịnh Bengal và đáp xuống một địa điểm ở phía Nam Ấn Độ Dương.

Toàn bộ “chuyến bay” của Agni-5 được các nhà khoa học quân sự Ấn Độ theo dõi chặt chẽ. Theo đó, tên lửa dài 17m và nặng 50 tấn này đã bay lên độ cao hơn 600km, ba tầng hoạt động tốt và trọng tải được triển khai đúng như dự kiến.

Một số chuyên gia quân sự quốc tế còn nhận định, với trang thiết bị bổ sung là con quay laser hình vòng tiên tiến, động cơ tên lửa tích hợp và hệ thống dẫn đường vệ tinh có độ chính xác cao, tên lửa đạn đạo Agni-5 có đủ sức vươn tới bất kỳ khu vực nào ở Trung Quốc, đặc biệt là khu vực bờ biển miền Đông nước này.

http://nghiadx.blogspot.com
Báo Trung Quốc tiếp tục tỏ ý khinh thường bước tiến tên lửa của Ấn Độ. Ảnh minh họa: Blogspot.


Tuy nhiên, Global Times khẳng định, trên thực tế, Ấn Độ “không có nhiều lý do để ăn mừng về sự kiện này”. Cho đến tận những năm 1980, Ấn Độ vẫn phát triển hơn Trung Quốc cả về lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, sau đó, Bắc Kinh đã tiến vọt lên và vượt mặt New Delhi trên hầu hết các lĩnh vực.

Dưới sức ép của các thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh nỗ lực không ngừng để phát triển chương trình tên lửa hành trình (IGMP) và vụ thử tên lửa Agni-5 dường như nằm trong giai đoạn cuối của chương trình này. Dẫu vậy, trên thực tế, các tên lửa trong IGMP được dự tính ban đầu là có tầm bắn tới 9.000km, thay vì 5.000km như Agni-5 đang có.

Theo tờ báo Trung Quốc, những hoạt động ăn mừng rầm rộ của Ấn Độ chỉ càng cho thấy nước này đang cố che giấu đi thực tế bất cân xứng và lạc hậu của chương trình phát triển tên lửa của mình.

Thêm vào đó, theo Global Times, sự phát triển của Ấn Độ thực sự không bền vững. Hơn 80% hệ thống vũ khí hiện đại của nước này là nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Nga và Israel. Nếu những nước này bất ngờ hạn chế nguồn cung vì một bất đồng dù là nho nhỏ nào thì New Delhi sẽ trở nên bất lực.

“Những thương vụ vũ khí ồn ào được đánh giá là có thể gia tăng đáng kể tiềm lực hạt nhân cũng như quân sự nói chung của Ấn Độ song liệu những vũ khí vay mượn này có thể đảm bảo an ninh vĩnh viễn cho New Delhi? Câu trả lời rất có thể là không bởi những hệ thống vũ khí nhập khẩu cũng chính là đầu mối rủi ro”, Global Times nhấn mạnh.

Tờ báo còn khẳng định, những ai ở Ấn Độ đang hoan hỉ ăn mừng bởi quốc gia này trở thành một điểm đến ưa thích cho các nhà buôn vũ khí toàn cầu thật là ngây thơ.

Với việc lựa chọn con đường theo đuổi để bắt kịp, thậm chí vượt mặt Trung Quốc, Ấn Độ đang tự dốc toàn bộ hầu bao của mình vào túi các nhà buôn vũ khí nước ngoài, thay vì đầu tư cho sản xuất trong nước.

Quan điểm này dường như khá tương đồng với chuyên gia quân sự Vasu Deva của Ấn Độ. Ông này cho rằng, sự tụt hậu về công nghiệp quốc phòng là do Ấn Độ phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu vũ khí. Ông Deva đồng thời nhấn mạnh, Ấn Độ nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong vấn đề này, thúc đẩy “chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật”. New Delhi cần có sự quân tâm và đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Ngoài ra, Global Times cho rằng, thật lố bịch khi Chính phủ Ấn Độ nhồi nhét vào đầu dân chúng nỗi sợ hãi mang tên Trung Quốc để rồi coi vụ phóng tên lửa thành công mới đây là cái cớ để hạn chế mối lo sợ đó.

“Cả hai nước nên nhận thức được rằng, những nỗ lực nhằm gieo rắc sợ hãi hay căng thẳng giữa hai bên sẽ chỉ càng làm nhau tổn thương, theo đó, làm lợi cho những kẻ bên ngoài đang nhăm nhe phá bĩnh châu Á”, tờ báo Trung Quốc lưu ý.

Theo tờ báo, giới phân tích ở cả Ấn Độ và Trung Quốc cần có cái nhìn bao quát hơn và tập trung vào mối đe dọa chung mà nhân dân hai nước đang phải đối mặt. Lòng yêu nước chỉ thực sự hữu ích khi nó được bày tỏ theo cách có lợi cho đất nước, còn nếu nó gây tổn hại cho lợi ích quốc gia thì đó không thể gọi là lòng yêu nước.

Ấn Độ còn đang thiếu thốn nhiều nguồn ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, Chính phủ nước này nên tăng cường đầy tư nhằm nâng cao đời sống nhân dân, thay vì đổ vào những dự án quân sự hao tiền tốn của.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang