Sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc không hẳn là một cách biểu hiện sự hiếu chiến song vẫn có lý do để lo ngại bởi bất cứ cuộc xung đột quân sự nào liên quan đến Trung Quốc hầu hết sẽ bắt đầu và diễn tiến trên biển. Sức mạnh khiến Mỹ ngỡ ngàng Kết luận tổng quát trong báo cáo đầu tháng 4 vừa qua của Ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) về tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc khẳng định: “Sự lơ là của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương trong một thời gian dài tạo ra cơ hội để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển”. Theo báo cáo này, cụm từ hiện đại hóa hải quân nhằm chỉ sự hiện đại hóa không chỉ diễn ra trong hải quân mà còn ở các khía cạnh khác nhằm tăng cường sức mạnh trên biển của Trung Quốc như tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa đối hạm (ASCM) và radar tầm xa… Ngoài ra, theo CRS, sự lớn mạnh ấn tượng của hải quân Trung Quốc còn nằm ở các hạm đội tàu ngầm. Gần đây họ cho đóng ít nhất hai tàu ngầm lớp Jin – những tàu ngầm đầu tiên có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Hai tàu ngầm tấn công lớp Shang sử dụng năng lượng hạt nhân cũng vừa được đưa vào sử dụng. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ về hải quân Trung Quốc, không tính tới các tàu đã cũ, Bắc Kinh hiện có 9 tầu ngầm hạt nhân, trong đó có ba tàu được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, 53 tầu ngầm chạy bằng động cơ diesel, 74 khu trục hạm và tầu hộ tống cùng số lượng tương tự tầu đổ bộ và tầu tuần tra ven biển trang bị tên lửa. Nếu tính tới các kế hoạch đóng tàu được biết hiện nay của Trung Quốc tới năm 2020, hải quân Trung Quốc có thể sẽ có hai tàu sân bay, 40 - 45 tầu ngầm động cơ diesel, khoảng 55 khu trục hạm và tầu hộ tống. Số lượng có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, song không chênh lệch quá nhiều. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ trích Washington không đánh giá đúng tốc độ phát triển của quân đội Trung Quốc. Hậu quả là Lầu Năm Góc không đưa dự đoán chính xác về thời điểm Bắc Kinh phát triển được tên lửa đối hạm và máy bay tàng hình. Sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc khiến Mỹ ngỡ ngàng. Ảnh: shutterstock.com. Báo cáo của CRS nhận định, Trung Quốc muốn quân đội có khả năng đóng vai trò gọi là lực lượng chống tiếp cận, giống như lực lượng ngăn chặn biển mà Liên Xô triển khai trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó, các mục tiêu khác trong chiến lược phát triển hải quân Trung Quốc còn nhằm xác định, đòi quyền lợi trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này ở biển Hoa Đông và biển Đông, cũng như làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương. Đây là điểm gây chú ý trong chiến lược hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc vì nếu chỉ nhằm đối phó Đài Loan thì không cần đến tàu sân bay hay hàng loạt tàu khu trục và tàu tấn công đổ bộ. Trung Quốc vừa trấn an vừa đe dọa Trước sự quan ngại của Mỹ, hiện thực hóa ngay bằng hai cuộc tập trận với Philippines và Ấn Độ gần đây, Trung Quốc khẩn trương lên tiếng phân bua. Tờ Global Times hôm nay đăng bài viết khẳng định, trong một kỷ nguyên hiện đại, khi mà hòa bình, hợp tác và phát triển là mục tiêu trước nhất như hiện nay thì hải quân Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh phi quân sự liên quan đến hoạt động chống khủng bố, khắc phục hậu quả thiên tai, gìn giữ hòa bình và bảo vệ lãnh thổ. Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập, hải quân Trung Quốc hôm nay tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ của mình là tăng cường là hoạt động phi quân sự toàn cầu theo khuôn khổ của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời thiết lập các mối quan hệ song phương và đa phương nhằm bảo vệ nền hòa bình trên toàn thế giới. Đây cũng chính là nguyên tắc và “kim chỉ nam” hoạt động của hải quân Trung Quốc trong hiện tại và tương lai. Global Times nhấn mạnh, bất chấp thực tế này, một vài học giả nước ngoài gần đây không ngừng “rao giảng” về cái gọi là tham vọng của Trung Quốc nhằm “soán ngôi” cường quốc hải quân số 1 thế giới của Mỹ thông qua các nỗ lực tham gia vào hàng loạt chiến dịch trên biển của các tổ chức quốc tế. Theo tờ báo, giới quan sát thậm chí còn nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh khi “tân trang” lại một chiếc tàu sân bay. Global Times khẳng định, hải quân Trung Quốc có tham vọng cũng như nguồn lực để thực hiện một cuộc chiến hao tiền tốn của ở trên biển. “Ngay cả khi Bắc Kinh chế tạo một chiếc tàu sân bay thì nó cũng chỉ là nhằm mục đích sử dụng cho các hoạt động chiến đấu chống lại cướp biển và bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc”, Global Times quả quyết. Ngoài ra, theo tờ báo, lâu nay các hoạt động của hải quân Trung Quốc cũng không nằm ngoài mục tiêu gia tăng quyền lực cho Liên Hiệp Quốc và góp phần xây dựng nền hòa bình và an ninh tại khu vực. Bằng cách này, hải quân Trung Quốc vừa thúc đẩy được sự tin tưởng từ cộng đồng quốc tế, vừa tăng cường được khả năng tác chiến của mình. Theo đó, Global Times kết luận, sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc sẽ không tiềm ẩn bất cứ mối nguy nào mà chỉ càng góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình và công bằng trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là ngay sau bài viết đầy ôn hòa này, Global Times tiếp tục đăng tải một bài báo trong đó khẳng định, việc cạnh tranh với sức mạnh hải quân Mỹ là khả năng trong tầm tay của Trung Quốc. “Trung Quốc có thể xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh và thực tế cho thấy Bắc Kinh đã làm được điều đó”, tờ báo chính thống Trung Quốc nhấn mạnh. Global Times khẳng định, việc phát triển lực lượng hải quân có sức mạnh ngang tầm với Mỹ là hoàn toàn trong tầm tay. Ảnh: China Daily. Theo Global Times, một số học giả phương Tây giữ quan điểm cho rằng, sức mạnh tầm lục địa của Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể “đọ” được với khả năng tấn công trên toàn cầu của hải quân Mỹ. Những học giả này thỉnh thoảng còn khơi lại sự vắng bóng trong thời gian dài của các hạm đội chiến đấu của Trung Quốc ở những vùng biển quan trọng hay sự bất lực của nhà Thanh trong việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Theo họ, những trở ngại về văn hóa và địa lý là rào cản quá lớn đối với nỗ lực tăng cường tiềm lực hải quân của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Global Times khẳng định, những bước tiến mà hải quân Trung Quốc đạt được trong thời gian qua cho thấy sự kiên trì và trí tuệ của con người có thể giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Global Times phân tích, Mỹ thực sự là một cường quốc trên bộ. Vì các đường biên giới của Washington không phải đối mặt với bất cứ mối hiểm nguy nào nên quốc gia này càng tiết kiệm được nguồn lực để phát triển trên biển. Tờ báo Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh cũng hoàn toàn có thể tạo ra lợi thế như Washington đang có để phát triển hải quân. Với sẵn những đường biên giới khá yên bình, Trung Quốc chỉ cần thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp với láng giềng là hoàn toàn có thể trút bỏ gánh nặng về việc bảo vệ lãnh thổ, qua đó có thể dồn lực xây dựng lực lượng hải quân có khả năng vượt mặt Mỹ. |
Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012
>> Hải quân Trung Quốc có thực sự đáng lo ngại?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét