Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Khám phá lưới lửa phòng không Syria

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

>> Khám phá lưới lửa phòng không Syria

Nhận xét về lực lượng phòng không - không quân Syria có thể tóm gọn là: phối hợp chặt chẽ, mật độ dày đặc nhưng hầu hết vũ khí, khí tài đều đã lạc hậu.

>> Syria bắn rơi F-4 Thổ Nhĩ Kỳ
>> Tìm hiểu "Ba ngón tay Thần chết"



http://nghiadx.blogspot.com
Syria có 131 trận địa phòng không bố trí dọc bờ biển phía Tây nước này, các biểu tượng trên hình như sau: S-75 màu đỏ, S-125 màu xanh dương, S-200 màu hồng và SA-6 màu xanh lá cây.


Bố trí hệ thống phòng không

Lực lượng phòng không Syria được tổ chức thành Bộ tư lệnh riêng nằm trong lực lượng vũ trang Syria. Quân số thường trực lực lượng phòng không gồm 40.000 người với 25 lữ đoàn phòng không, trang bị chủ yếu các hệ thống tên lửa và radar cảnh giới do Liên Xô (Nga) sản xuất.

Trong đó, các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa mà Syria đang sở hữu gồm: S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 và 2K12 Kurb (SA-6).

Về số lượng các hệ thống gồm có: 37 tổ hợp phòng không S-75 Dvina, 39 tổ hợp S-125 Pechora, 5 tổ hợp S-200 cùng 50 tổ hợp 2K12 Kurb đang hoạt động.

Ngoài ra Syria đang trong quá trình tiếp nhận và biên chế một số lượng không rõ hệ thống Buk-M2 của Nga.

Ở tầm thấp, Syria có sự góp mặt tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp 9K33 Osa (SA-8) và một số lượng không xác định tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1.




http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-200.

Hệ thống phòng không S-200

Syria là một trong những quốc gia đầu tiên ngoài liên bang Xô Viết được tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S-200. Mỗi tổ hợp S-200 là một hệ thống cảnh giới đường không và bộ khí tài chỉ huy điều khiển tác chiến đồng bộ.

Mỗi tổ hợp S-200 hoàn chỉnh có bộ khí tài chiến đấu và phối thuộc như sau:

- Hệ thống cảnh báo đường không tầm xa: Radar Backtrap hoặc Tall King
- Đài nhìn vòng mọi độ cao PRV-13 Odd Pair hoặc PRV-16 Odd Group
- Đài nhìn vòng bắt thấp 76N6 Clam Shell
- Radar điều khiển bắn và chỉ thị mục tiêu 5N62 Square Pair
- Bộ khí tài chỉ huy Vozdukh 1M

S-200 là một hệ thống phòng không tầm xa với tầm bắn lên đến 250 km nên nó cần các hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp và đơn vị pháo phòng không bảo vệ khỏi sự tấn công của các loại tên lửa hành trình bám địa hình siêu thấp trong các cuộc tiến công tập kích đường không.

Các khu vực phòng không chiến lược

Các hệ thống tên lửa phòng không của Syria được bố trí trong 6 khu vực phòng không chiến lược.

Sáu khu vực này gồm 3 khu vực quanh 3 thành phố lớn là Homs, Halab và thủ đô Damascus, vùng căn cứ không quân Tiyas, vùng ven biển Địa Trung hải và khu vực tiếp giáo với cao nguyên Golan.

Các trận địa phòng không được bố trí ở những địa điểm này nhằm mục tiêu ngăn chặn các cuộc tập kích đường không bất ngờ từ các hướng tấn công tiềm tàng.

Các nguy cơ lớn nhất đối với không phận Syria là các hành động của lực lượng không quân Israel, trong khi đó khu vực biên giới phía Đông của nước này với Iraq hầu như không bố trí tổ hợp phòng không nào. Thay vào đó, Syria sử dụng các tiêm kích Mig-23/25/29 nhằm làm nhiệm vụ phòng không ở vùng không phận này.

Có một vấn đề quan trọng của các hệ thống phòng không Syria mà họ cần phải giải quyết đó là các hệ thống của họ chỉ có khả năng dẫn bắn và chỉ thị một mục tiêu cùng lúc. Ngoại trừ một vài hệ thống S-200 có thể làm được điều này với nhiều mục tiêu khi được trang bị radar điều khiển bắn và chỉ thị mục tiêu 5N62 Square Pair, trong khi đó các tổ hợp S-75, S-125 và 2K12 không thể. Điều này dẫn đến khả năng dễ tổn thương cho các tổ hợp này trong trường hợp bị tấn công cấp tập.

http://nghiadx.blogspot.com
Uy lực của "ba ngón tay tử thần" đã là chuyện của quá khứ.

Một vấn đề nữa là với hệ thống phòng không tầm ngắn 2K12. Chúng đã được người Mỹ và Israel nghiên cứu và mổ xẻ khá kĩ càng và không thể xem là một phương tiện phòng ngự hiệu quả để chống lại các mục tiêu đường không trong chiến tranh hiện đại. Hệ thống này từng chiến thắng nhưng cũng đã chịu chiến bại trước không lực Israel. (>> chi tiết) Điều này cũng xảy ra tương tự với các hệ thống S-75 và S-125.

Syria có thể sử dụng chiến thuật di chuyển các hệ thống này liên tục để tạo bất ngờ cho máy bay đối phương, nhưng hiện nay, hệ thống 2K12 được xem là một mục tiêu cố định do khả năng triển khai chậm chạp của nó.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào những hệ thống phòng thủ cũ kĩ từ thời Liên Xô được coi là một điểm yếu của phòng không Syria. Đây là một trong những lý do họ đang rất tích cực mua sắm thêm các khí tài phòng không thế hệ mới của Nga.

Có hai lỗ hổng của hệ thống phòng không Syria rất đáng để chú ý, trong những khu vực mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống S-200 thì lại thiếu nhiều hệ thống phòng không tầm thấp để bảo vệ cho chính các trận địa S-200.

http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống S-200 đã không chứng minh được hiệu quả trong cuộc chiến phòng không ở Libya, diễn ra cách đây khoảng 1 năm.

Hai lỗ hổng này nằm giữa thủ đô Damascus và thành phố Homs, vị trí thứ hai nằm giữa Al Lathqiyah và Halab. Những nơi này thậm chí hoàn toàn bị bỏ trống và không có triển khai những hệ thống tầm trung như S-75 hay S-125. Đây là những kẽ hở có thể bị khai thác mặc dù vùng Damascus được phòng thủ rất nghiêm ngặt.

Các khu vực phòng không chính

- Damascus

Khu vực được chú ý nghiêm ngặt nhất là thủ đô Damascus và vùng phụ cận. Tại đây, Syria bố trí 10 trận địa S-75, 8 trận địa S-125 và 28 trận địa 2K12. 2 trong 5 trận địa phòng không S-200 của Syria cũng tham gia bảo vệ vùng trời Damascus, ngoài ra còn có 12 đài radar cảnh báo sớm trong đó có đài 36D6.

Họ còn có 48 trận địa phòng không dự bị nằm rải rác để tăng cấp trong trường hợp chiến tranh leo thang. Khu vực phòng không thủ đô có thể độc lập tác chiến mà không cần phải phối hợp với các khu vực lân cận.

Xen giữa các trận địa phòng không tầm xa là những hệ thống phòng không tầm gần chống tên lửa hành trình bay bám địa hình.

http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng phòng không Damascus.

- Vùng Tây Nam

Khu vực phòng không thứ hai không kém phần quan trọng của Syria là khu vực Tây Nam, nơi tiếp giáp với cao nguyên Golan. Ở đây có 7 trận địa S-75, 6 trận địa S-125 và 9 trận địa 2K12, tất cả được hỗ trợ bởi một tổ hợp cảnh báo sớm.

Một trong những tổ hợp S-200 ở phía Nam thủ đô Damascus có thể bao quát cả khu vực này. Có 16 trận địa phòng không dự bị của ở khu vực Tây Nam, tuy nhiên với hệ thống trận địa dày đặc như trên thì đây là một khu vực phòng không được đánh giá là kiên cố.

Số lượng tổ hợp 2K12 lớn như thế là nhằm mục đích ngăn chặn các tiêm kích của không quân Israel, hệ thống 2K12 có khả năng tốt hơn các hệ thống S-75 và S-125 trong việc ngăn chặn các tiêm kích cơ động.

http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng phòng không khu vực Tây Nam.


- Biển Địa Trung Hải

Khu vực phòng không tiếp giáp với cao nguyên Golan được xem là một barier phòng không để ngăn chặn các mối đe dọa từ hướng Tây với Syria. Một hàng rào phòng không tương tự cũng được xây dựng ở vùng bờ biển ven Địa Trung Hải của nước này.

Kéo dài từ Al Lathqiyah đến Tartus có 5 trận địa S-75, 12 trận địa S-125 và được hỗ trợ bởi hai hệ thống cảnh báo sớm. Ngoài ra còn có hai hệ thống phòng không tầm xa S-200 và 16 trận địa phòng không dự bị.

http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng phòng không ven bờ Địa Trung Hải.


- Vùng Homs – Halab

Sau hàng rào phòng không ven biển, Syria bố trí một bức tường nữa chạy dọc từ Homs ở phía Nam lên Halab ở phía Bắc với 7 trận địa S-75, 10 trận địa S-125 và 7 trận địa 2K12, tất cả được hỗ trợ bởi 3 hệ thống cảnh báo sớm và một tổ hợp S-200 nằm ở vùng cực nam của Homs, có 30 trận địa phòng không dự bị chủ yếu nằm ở phía Nam thành phố Homs.


http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng phòng không vùng Homs - Halab.

- Vùng Tiyas AB

Tiyas AB được phòng thủ bởi 4 trận địa S-75 và 3 trận địa S-125, được hỗ trở bởi một hệ thống cảnh báo sớm cùng 7 trận địa phòng không dự bị xung quanh. Mạng lưới phòng không ở khu vực này không nhiều nếu xét trên tổng thể lưới phòng không của Syria nhưng nó đáng được tin tưởng bởi mật độ dày.


http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng phòng không vùng Tiyas AB.

Không quân Syria

Lực lượng không quân Syria bao gồm 2 liên đoàn không quân chính, trong đó 2 liên đoàn này lại được chia thành 17 phi đoàn tiêm kích đánh chặn và 9 phi đoàn cường kích. Quân số thường trực khoảng 60.000, chủ yếu dùng phương tiện do Liên Xô sản xuất.

Trong đó, phi đoàn tiêm kích đánh chặn trang bị: 219 MiG-21bis (đóng tại căn cứ Khalkalah, Al-Qusayr, Hamah, Tabaqah, Dayr az Zor, jiah, As-Suwayda); 69 MiG-29A (đóng tại căn cứ Sayqal); 90 MiG-23 ML/MF (đóng tại căn cứ Abu ad Duhr, Shayrat, Marj Ruhayl, Dumayr); 40 MiG-25 (đóng tại căn cứ Tiyas, Dumayr).

Các phi đoàn cường kích trang bị: 20 Su-24 (căn cứ Sayqal); 50 Su-22 (căn cứ Marj Ruhayl, Shayrat, Tiyas, Dumayr); 56 MiG-23U/BN (căn cứ Sayqal, An-Nassiriah).

http://nghiadx.blogspot.com
Sơ đồ bố trí lực lượng không quân Syria.

Tuy có lực lượng máy bay đông đảo, nhưng Không quân Syria vẫn tồn tại nhiều điểm yếu:

- Hệ thống chỉ huy, điều khiển, truyền tin, máy tính và tình báo (hệ thống C4I) còn lạc hậu và yếu kém
- Máy bay cũ và không đáp ứng yêu cầu về thời gian trong công tác sẵn sàng chiến đấu
- Khả năng chiến đấu thấp
- Rủi ro cao trong tác chiến không đối không

Syria có kế hoạch dài hơi trong việc nâng cấp lực lượng phòng không không quân của mình như mua sắm hệ thống phòng không di động S-300V, máy bay tiêm kích Su-27SK, máy bay đánh chặn Mig-31E hay máy bay tiêm kích - bom Su-24MK. Tuy nhiên, trong tình trạng hỗn loạn hiện nay, các kế hoạch dài hạn này có thể không được thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang