Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Thông tin Việt Nam mua tàu ngầm Amur là thiếu cơ sở ?

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

>> Thông tin Việt Nam mua tàu ngầm Amur là thiếu cơ sở ?

Đang có những đồn đoán cho rằng Việt Nam sẽ mua tàu ngầm Amur của Nga, vậy khả năng thực tế của thương vụ này ở mức nào?




http://nghiadx.blogspot.com
Tàu ngầm Lada và biến thể xuất khẩu Amur vẫn chỉ là một nguyên mẫu, Hải quân Nga còn chưa chấp nhận sử dụng nó nói chi đến bán cho Việt Nam.


Gần đây, xuất hiện thông tin cho rằng, Việt Nam sẽ mua tàu ngầm Amur của Nga, thông tin này được dẫn nguồn từ bài viết đăng trên trang mạng Epochtimes (Đại kỷ nguyên, một trang thông tin bị chính quyền Trung Quốc coi là phản động).

>> Tiềm lực đóng tàu chiến của Việt Nam
>> Việt Nam có thể mua 18 chiếc Su-30K
>> Việt Nam sẽ mua vua tàu ngầm Amur của Nga ?

Epochtimes đăng tải thông tin trên nhưng lại không phỏng vấn chuyên gia hay trích dẫn từ các nguồn tin chính thống và uy tín của Nga hay Việt Nam.

Từ trước tới nay, các tin tức về hợp tác quốc phòng Việt - Nga, thường được lấy nguồn từ quan chức của cơ quan trung gian, công ty quốc phòng của nước sở tại (Nga) hoặc được đăng tải công khai trên các trang mạng của Bộ Quốc phòng, Bộ ngoại giao Nga hoặc trang mạng của nhà sản xuất.

Vậy thực hư của vấn đề này như thế nào? Việc mua tàu ngầm Amur cũng cần được đánh giá một cách tổng thể từ nhiều góc độ như vấn đề đặc tính kỹ thuật, khả năng vận hành, tài chính của Việt Nam.

Đặc tính kỹ thuật của tàu ngầm Amur

Theo giới thiệu từ Nga, tàu ngầm lớp Amur là biến thể xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada thuộc Project 677.

Về bản chất, tàu ngầm lớp Lada thực ra là bản nâng cấp của tàu ngầm lớp Kilo Project 636, trong đó Amur 1650 là biến thể được hướng tới thị trường xuất khẩu.

Nga đang kỳ vọng tàu ngầm Amur 1650 sẽ tạo ra sự cạnh tranh với Đức và Pháp trong thị phần tàu ngầm điện-diesel trên thế giới.

Tàu ngầm Lada và biến thể xuất khẩu Amur 1650 có lượng giãn nước 1.750 tấn, giảm đáng kể so với 2.300 tấn của tàu ngầm Kilo.

Điểm đặc biệt của tàu ngầm Amur là sử dụng động cơ đẩy không khí độc lập AIP cho phép hoạt động êm hơn và lâu hơn dưới nước.

Tìm hiểu công nghệ AIP

Theo quảng cáo của Nga, Amur được trang bị một hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, hệ thống sonar tinh vi, hệ thống chiến tranh chống ngầm ASW, hệ thống chiến tranh mặt nước AsuW toàn diện.

Đặc biệt, hệ thống sonar Lira được quảng bá là có thể phát hiện tàu ngầm có độ ồn rất thấp từ khoảng cách rất xa. Hệ thống định vị quán tính, hệ thống điều hướng, hệ thống đối phó điện tử toàn diện.

Hệ thống vũ khí của Amur khá mạnh mẽ, tàu ngầm được trang bị hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm Club-S, tên lửa được phóng từ ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn với tầm bắn 300km, cơ số ngư lôi và tên lửa có thể lên đến 18 quả.

Amur được quảng bá là có khả năng tự động hóa rất cao, thủy thủ đoàn giảm xuống chỉ còn khoảng 37 người.

Hệ thống điện tử hiện đại, độ ồn khi hoạt động cực thấp, hệ thống vũ khí mạnh mẽ, Lada và biến thể xuất khẩu của nó từng được ví von là “vua tàu ngầm điện-diesel”.

Sự có mặt của Amur 1650 trong biên chế là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.


http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống điện tử được quảng bá là cực kỳ hiện đại của tàu ngầm Amur.

Dựa trên những đặc tính kỹ thuật sơ bộ này cho thấy Amur 1650 là một "lựa chọn tuyệt vời" để nâng cao năng lực tác chiến cho Hải quân Việt Nam.

Tuy nhiên, từ khi dự án được giới thiệu vào năm 1997 đến nay chỉ có duy nhất một chiếc tàu ngầm lớp Lada mang số hiệu B-585 Saint Petersburg được hoàn thành và chuyển giao cho hạm đội Baltic đánh giá.

Điều đáng nói là các thử nghiệm cho thấy “vua tàu ngầm điện-diesel” không đạt được các yêu cầu cơ bản trong tác chiến hiện đại của Hải quân Nga.

Cụ thể, hệ thống đẩy AIP chỉ đạt một nửa sức mạnh so với quảng cáo, đặc biệt, hệ thống sonar được quảng bá “cực kỳ hiện đại” hoạt động kém hiệu quả.

Ngày 2/5/2012, đô đốc Vladimir Vysotsky, Tư lệnh Hải quân Nga nói: “Hải quân Nga không cần tàu ngầm Lada với cấu hình hiện nay của nó”, hai chiếc đang đóng dở tại nhà máy đóng tàu Admiralty mang số hiệu B-586 và B-587 bị đình chỉ, toàn bộ dự án tàu ngầm Lada bị đóng cửa hoàn toàn, Hải quân Nga chuyển sang phương án nâng cấp tàu ngầm Kilo thay vì chọn tàu ngầm điện-diesel mới.

Việc Hải quân Nga từ chối tiếp nhận tàu ngầm Lada cho thấy bản thân nó là một thiết kế không hoàn hảo như giới thiệu. Kinh nghiệm cho thấy chưa có một hệ thống vũ khí nào sẽ xuất khẩu thành công nếu quân đội nước sở tại không chấp nhận sử dụng nó.

Điều này ảnh hưởng không ít tới khả năng xuất khẩu của Amur vì thường thì tính năng ở biến thể xuất khẩu bao giờ cũng kém hơn so với biến thể nội địa.

Xét khả năng vận hành

Hải quân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận hành hạm đội tàu ngầm, số tàu ngầm Kilo đã đặt mua trước đó đến năm 2014 mới được chuyển giao chiếc đầu tiên, dự kiến số tàu ngầm này sẽ được chuyển giao hết vào năm 2016.

Trong khi hiệu suất hoạt động của tàu ngầm Kilo còn chưa rõ, nhất là tàu ngầm đầu tiên còn chưa được bàn giao thì khả năng đàm phán mua thêm tàu ngầm mới sẽ không cao, có thể khẳng định là 0%.

Hải quân Việt Nam sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để vận hành hạm đội tàu ngầm Kilo một cách trơn tru. Trong khi đó, Amur hoạt động trên nền tảng tự động hóa cao, đòi hỏi thủy thủ đoàn phải được đào tạo bài bản.

Một thông tin khá quan trọng nhưng rất ít được lưu tâm, xét về tính năng kỹ thuật, Amur nhỉnh hơn so với Kilo ở hệ thống động lực với động cơ đẩy khí độc lập AIP. Điều này cho phép Amur hoạt động dưới nước lâu hơn so với Kilo. Thế nhưng, ít ai biết rằng các động cơ AIP sử dụng pin nhiên liệu hydrogen đòi hỏi quy trình vận hành rất khắt khe.

Theo đó, Hydrogen cần được duy trì ở mức độ tinh khiết ít nhất là 99%. Va để cung cấp nhiên liệu cho tàu ngầm sử dụng động cơ AIP cần có một cơ sở hạ tầng trên bờ cực kỳ hiện đại và tốn kém mới có khả năng chiết xuất và duy trì hydrogen tinh khiết ở mức độ 99%.

Cơ sở hạ tầng hiện nay mà Nga đang xây dựng cho Việt Nam nhiều khả năng không thể đáp ứng vận hành cho tàu ngầm động cơ đẩy không khí độc lập AIP. Năng lực tài chính hiện tại của Việt Nam khó lòng đáp ứng được cho việc xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng hiện đại cho tàu ngầm động cơ AIP.

Bên cạnh đó, việc mua thêm tàu ngầm mới sẽ kéo theo một loạt các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, hệ thống kho tàng bến bãi. Các cơ sở hạ tầng cho tàu ngầm hiện nay đang được phía Nga giúp đỡ xây dựng, dù đã được dự trù tính toán cho phát triển về sau nhưng khi đi vào vận hành thực tế sẽ có nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Hạm đội tàu ngầm đã đặt mua còn chưa đi vào vận hành nói chi đến việc mua thêm tàu ngầm mới, việc mua tàu ngầm Amur hay không vẫn còn là chuyện của nhiều năm nữa.

Xét khả năng tài chính

Trong giai đoạn 2008- 2011 Việt Nam đã thực hiện một loạt các hợp đồng quân sự lớn, trong đó đáng chú ý là hợp đồng mua 20 máy bay tiêm kích Su-30MK2, 8 chiếc được ký kết vào năm 2009 và 12 chiếc vào năm 2012, hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel Kilo Project 636.

http://nghiadx.blogspot.com
Việc mua 6 tàu ngầm Kilo đã là một gánh nặng lớn đối với ngân sách Ảnh minh họa

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế trong nước, việc thực hiện các hợp đồng quân sự lớn nói trên là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao khả năng quốc phòng trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Những hợp đồng quân sự lớn nói trên là một gánh nặng rất lớn cho ngân sách, phải mất một thời gian khá dài để hoàn thành việc trả nợ cho phía Nga, việc mua thêm tàu ngầm mới trong bối cảnh hiện tại sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng không cần thiết cho ngân sách quốc gia.

Xét về giá cả, hiện nay chưa có thông tin chính thức nào về giá bán của Amur, tuy nhiên theo một số nguồn tin không chính thức giá bán của Amur không thấp hơn 500 triệu USD, so với Kilo Project 636 mà Việt Nam đã ký với Nga thì mức giá này cao hơn nhiều.

Về hợp đồng mua bán tàu ngầm Amur giữa Nga và Ấn Độ đến nay chỉ có phát biểuchung chung của đại diện công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, ông Viktor Komardin tại Triển lãm DefExpo 2012, tổ chức ở New Delhi Ấn Độ ngày 27/3/2012. Tại đây, ông này nói: “Cơ hội dành chiến thắng tại Ấn Độ của Amur là rất tốt”.

Tuy nhiên, ông Viktor Komardin phát biểu trước khi Hải quân Nga tuyên bố từ chối tàu ngầm Lada, việc Hải quân Nga từ chối tàu ngầm Lada có thể khiến cho thương vụ Amur giữa Nga và Ấn Độ đỗ vỡ.

Bên cạnh đó, sau khi Hải quân Nga từ chối tàu ngầm Lada, Cục thiết kế trung ương Rubin đã khởi động một dự án khác mang tên Lada M, Project 677M, dự án được cho là sẽ triển khai vào năm 2013.

Như vậy, tàu ngầm Lada sẽ còn khá nhiều việc phải làm trước khi có thể được chấp nhận sử dụng và xuất khẩu, tất nhiên, với mỗi hệ thống vũ khí nào đều có những trục trặc cần phải khắc phục trước khi được chấp nhận, Lada cũng không phải là một ngoại lệ.

Kết luận: Từ việc đánh giá tính năng kỹ thuật, khả năng vận hành, khả năng tài chính cho thấy việc Việt Nam mua tàu ngầm Amur của Nga trong bối cảnh hiện tại là không có cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang