Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bộ đôi quyền lực

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ đôi quyền lực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bộ đôi quyền lực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

>> Putin, Medvedev và một nước Nga thực sự hùng mạnh!





Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Putin

Người ta đồn đoán và lo sợ về cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra hiện nay ở nước Nga khi xuất hiện những tuyên bố bất đồng của "Bội đôi quyền lực nhất Putin - Medvedev". Điều này chưa hẳn đã xấu. Có đấu tranh sẽ có phát triển. Vấn đề ở chỗ, bất đồng giữa 2 người quyền lực nhất nước Nga sẽ là tốt nếu xuất phát đầu tiên từ lợi ích sống còn của quốc gia Nga, nhân dân Nga; nhưng sẽ là khôn lường nếu một trong 2 người đặt mục tiêu cá nhân lên sau lợi ích đất nước!

Putin và Medvedev - Sự khác biệt là tất yếu!

Người ta luôn thấy hình ảnh Tổng thống và Thủ tướng Nga phối hợp ăn ý trong các hoạt động chính trị và vui vẻ, thân thiết trong các hoạt động cuộc sống bình thường. Nhưng sự khác biệt về quan điểm giữa cựu luật sư Medvedev, 43 tuổi và cựu điệp viên KGB Putin, 56 tuổi, là rất tất yếu và rõ ràng. Trong thời gian làm Tổng thống từ năm 2000 tới 2008, ông Putin đã biến Kremlin thành trung tâm của đời sống Nga, với việc Nga tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế nhờ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Không một vấn đề lớn nào có thể được quyết định mà không có ý kiến của Tổng thống.


Medvedev bắt đầu với một quan điểm khác biệt. “Một hệ thống nơi mọi thứ được quyết định tại Kremlin không phải là lý tưởng” - ông từng nói vậy với các thống đốc tỉnh, rõ ràng là tương phản với phong cách tập trung quyền lực của Putin. Ngôn từ dân túy của Putin đã giúp ông giành được sự yêu mến của những công dân Nga bình thường, còn phong cách luật sư của Medvedev lại mang đến những ngôn từ đầy chất quy phạm pháp luật.

Trái ngược với Putin, người thường bị xúc cảm chi phối khi chống lại các phần tử ly khai Chechnya hoặc những quan chức có tham vọng về chính trị, ông Medvedev có vẻ thực dụng hơn trong các quyết định.

"Họ là những đối tác tốt, chia sẻ các quan điểm về tương lai của Nga song có một sự khác biệt lớn về kinh nghiệm, phong cách và quan điểm liên quan tới cách quản lý", một quan chức Nga nhận định sau khi được hỏi về những tin đồn gần đây về sự rạn nứt giữa ông Medvedev và Putin.

Khi Vladimir Putin nói về việc khôi phục sự vĩ đại của nước Nga, ông đã nêu ra một tầm nhìn sâu sắc trong thế kỷ 20 về việc sử dụng sức mạnh nhà nước, khả năng quân sự và sự dồi dào dầu lửa để khiến thế giới phải tôn trọng.

Còn học trò của ông, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, lại nói về việc xây dựng "một thành phố đổi mới" ở ngoại ô Skolkovo của Moscow, nơi nhà nước sẽ để những khối óc giỏi nhất của quốc gia tự do theo đuổi những bước đột phá về khoa học và công nghệ, nền tảng của "nền kinh tế tri thức" trong thế kỷ 21.

Tầm nhìn của Medvedev được thiết kế để giải phóng nước Nga khỏi thứ mà ông gọi là sự phụ thuộc "nhục nhã" vào xuất khẩu dầu khí, và để khôi phục sự vĩ đại của một dân tộc đã từng nổi tiếng về thành tựu khoa học và công nghệ.

Cả Putin lẫn Medvedev đều tin rằng nhà nước có thể giải quyết các vấn đề của Nga - nhưng trong khi Putin xem bộ máy hành chính của Nga hiện nay như nguồn sức mạnh của ông, thì Medvedev xem nó như trở ngại (nạn tham nhũng) cho việc tạo ra một nền kinh tế hậu dầu lửa.

Kể từ khi nhậm chức đến nay (7/5/2008), Tổng thống Nga luôn coi chống quan liêu và tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Phủ Tổng thống là minh chứng rõ nhất cho nhận xét kể trên.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh hoàn thiện mọi hoạt động trong Bộ Nội vụ (24/12/2009). Dư luận coi đây là quyết định quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quan liêu và tham nhũng đang diễn ra khá phổ biến ở Nga hiện nay.

Theo sắc lệnh ký ngày 24/12/2009, khoảng 20% nhân viên cảnh sát và 2 bộ phận trong Bộ Nội vụ phải "bị xóa sổ" - hàng ngàn cảnh sát sẽ nghỉ hưu bởi lực lượng này đã và đang bị chỉ trích vì tham nhũng, lạm quyền và liên quan tới tội phạm. Việc cắt giảm khoảng 50% nhân viên đang làm việc tại Bộ Nội vụ - từ 19.970 người xuống còn 10.000 người, Tổng thống Dmitry Medvedev hy vọng sẽ cải thiện và nâng cao đời sống của những nhân viên còn lại.

Từ đó, cuộc thanh lọc lực lượng cảnh sát diễn ra rất mạnh mẽ, quyết định cách chức nhân viên Bộ Nội vụ được ký “đều đặn”. Cuộc thay đổi nhân sự lớn nhất trong lịch sử Bộ Nội vụ kể từ đầu năm 1990 đã diễn ra khi ngày 18/2/2010, Tổng thống Nga đã ký quyết định cách chức 17 tướng, trong đó có 2 thứ trưởng Nội vụ; sau đó, ngày 25/2, Tổng thống đã ký sắc lệnh cách chức 7 viên tướng của Bộ Nội vụ; ngày 21/3, một sắc lệnh cách chức 6 viên tướng mang hàm Thiếu tướng của Bộ Nội vụ cũng được TT Nga ký trong khuôn khổ cuộc sát hạch để thực hiện chương trình cải tổ lực lượng Công an thành Cảnh sát Nga; sau đó ngày 01/4, có thêm 3 trung tướng, 8 thiếu tướng và 2 đại tá của Bộ Nội vụ bị cách chức; ngày 11/4, 4 thiếu tướng cảnh sát bị sa thải.

Mâu thuẫn mang tên Quyền lực

Việc xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt giữa ông Medvedev và ông Putin là điều rất không bình thường bởi suốt thời gian qua, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu nước Nga được đánh giá là rất gắn bó, thân thiết. Người ta luôn thấy hình ảnh Tổng thống và Thủ tướng Nga phối hợp ăn ý trong các hoạt động chính trị và vui vẻ, thân thiết trong các hoạt động cuộc sống bình thường. Mối quan hệ gắn bó này được xây dựng và củng cố từ khi ông Putin còn là Tổng thống Nga và ông Medvedev còn là một chính khách đuợc ít người biết đến.

Vào ngày 18/4, Thủ tướng Nga Vladimir Putin lên án Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra những nghị quyết về Libya là "sai lầm" và nói rằng " nó giống như một cuộc thánh chiến thời trung cổ." Một vài giờ sau đó, Tổng thống Dmitry Medvedev chỉ trích về những sự biểu hiện của một "cuộc thánh chiến" tại Libya, và gọi chúng là "không thể chấp nhận được". Từ đây, những đồn đoán về sự chia rẽ trong quan hệ “bộ đôi quyền lực” của sứ xử Bạch Dương đã xuất hiện.

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Thủ tướng Putin đã kêu gọi thành lập Mặt trận Dân tộc toàn nước Nga để mở rộng thành phần cử tri ủng hộ cho đảng hồi giữa tháng 5/2011. Trong khi Putin tuyên bố Tổng thống Medvedev đã ủng hộ ý tưởng trên. Nhưng sau đó ông Medvedev không đưa ra sự ủng hộ, mà chỉ khẳng định rằng ông “đã hiểu các động cơ” sau động thái trên. Ông chỉ tuyên bố: “Tôi hiểu những động cơ của một đảng muốn duy trì sự ảnh hưởng trên khắp quốc gia. Một khối liên minh như vậy là hợp với luật pháp và hợp lý theo luật bầu cử”. Theo các chuyên gia, sáng kiến thành lập Mặt trận Dân tộc toàn nước Nga của ông Putin đang phá vỡ thế cân bằng trong "Bộ đôi Putin-Medvedev" và giảm bớt không gian chính trị của đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev.

Diễn biến mới trên đang làm dấy lên những đồn đoán cho rằng, sắp có một cuộc đua gay cấn, kịch tính và nóng bỏng giữa ông Medvedev và ông Putin. Nhiều người tỏ ra rất thích thú với viễn cảnh này, bởi nó hứa hẹn sẽ là một trong những cuộc bầu cử hấp dẫn nhất thế giới.

Medvedev thực dụng vì một nước Nga hùng mạnh?

Không dễ gì để Medvedev có thể làm được những gì mình muốn trong suốt 3 năm qua. Nước Nga đang trải qua một thời kỳ khó khăn nghiêm trọng về kinh tế: tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%, tỷ lệ lạm phát là 15%, thị trường chứng khoán Nga gần như sụp đổ, đồng ruple mất giá thảm hại và giá dầu lửa, nguồn thu chính của Nga, thì giảm tới 300%... Tất cả những khó khăn này đã khiến ông Medvedev không thể thực thi được kế hoạch cải tổ nước Nga mà nhờ nó ông đã thắng cử. Song xét trên nhiều khía cạnh, ông đã thay đổi được khá nhiều hình ảnh của nước Nga trong thế kỷ mới. Đó chính là một nước Nga cởi mở hơn và tự do hơn.

Trên sân khấu chính trị quốc tế, nhiều kế hoạch ông đưa ra như kế hoạch an ninh mới cho châu Âu và kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính quốc tế đã bị coi là "mơ mộng" nhưng cái mà ông đã làm được lớn nhất sau chiến thắng ở cuộc chiến tại Nam Ossetia chính là xác lập lại một vị trí mới cho nước Nga trong thời kỳ mới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, trong suốt một thời kỳ dài chìm ngập trong khó khăn kinh tế, nước Nga đã phải lặng lẽ chứng kiến phương Tây tìm cách lấn lướt ở Đông Âu, can thiệp vào sự bất ổn ở khu vực láng giềng thân cận của Nga và làm hao mòn vị trí đối trọng mà Liên Xô từng có trong một thế giới có xu hướng đơn cực hóa.

"Medvedev rất cần cơ sở quyền lực của chính ông và giờ ông phải giành được những người ủng hộ ở mọi ngóc ngách", Alexei Mukhin thuộc Trung tâm thông tin chính trị nhận định.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, tuy tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã giảm đi ít nhiều, xuống còn 53% trong tháng 3/2011 nhưng ông vẫn là chính khách được người dân Nga yêu mến nhất. Đây là vị trí mà Thủ tướng Putin đã chiếm giữ liên tục trong nhiều năm nay. Vì vậy, nói về sự ủng hộ, có vẻ Thủ tướng Putin đang vượt qua Tổng thống Medvedev.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước không thuận lợi cho Medvedev, ông đang suy nghĩ và tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài nhất là trong quan hệ với Mỹ, Phương Tây. Sau một thời gian dài chỉ trích hành động can thiệp quân sự của Phương Tây vào Libya, cuối cùng tại Hội nghị G8 diễn ra tại Pháp tuần trước, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bất ngờ tuyên bố “chính quyền của Tổng thống Gaddafi đã mất tính hợp pháp” và Nga có kế hoạch giúp ông này ra đi. Theo giới chuyên gia, lý do mà Tổng thống Nga thay đổi quan điểm là vì những lợi ích riêng của mình tại quốc gia Bắc Phi này, cũng như Nga không muốn tương lai của Libya chỉ do một mình Phương Tây quyết định. Và để tránh nguy cơ này, Nga đành phải nhảy vào. Bằng động thái này, Medvedev đã “ghi điểm” trong mắt Phương Tây. Mỹ coi việc Nga thay đổi quan điểm về Libya là một thắng lợi về ngoại giao. Việc Nga cuối cùng vẫn đứng về phía phương Tây trong vấn đề ở Libya chứng tỏ chính sách cài đặt lại quan hệ Nga-Mỹ dù tiến triển chậm nhưng rất vững chắc và "sự tốt đẹp trong quan hệ với Mỹ" có vai trò quan trọng đối với việc hiện đại hóa nền kinh tế Nga – chiến lược mà Tổng thống Medvedev đang theo đuổi.

Có một thực tế ai cũng nhận ra rằng, nước Nga hiện nay không thể hiện đại hóa - thậm chí là tồn tại - nếu thiếu đầu tư nước ngoài, thiếu kiều hối, thiếu công nghệ hiện đại mà những thứ này có được từ đâu - chỉ có thể là từ Phương Tây. Như vậy, việc Medvedev thân Phương Tây hơn Putin xem ra là điều cần cho nước Nga hiện nay. Nhưng thân ra sao, ở mức độ nào để nước Nga vừa phát triển đúng hướng vừa không quá phụ thuộc là điều cần phải bàn. Cách mà Medvedev đang làm có mang liệu hiệu quả đúng như mong muốn hay không? Liệu có "rủi ro" nào đang rình rập nước Nga ở phía trước hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải xác đáng.

Trên thực tế, mọi mối quan hệ dù gắn bó, thân thiết đến mấy cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng đâu đó. Và mối quan hệ của ông Putin và Medvedev cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi hai ông này có sự khác biệt về thế hệ, tính cách, quan điểm. Những người yêu mến ông Putin và ông Medvedev hầu hết tin rằng, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này vẫn tốt đẹp và họ sẽ quyết định vấn đề tranh cử vì lợi ích sống còn của nước Nga như họ vẫn thường tuyên bố chứ không vì lợi ích cá nhân khi nắm trong tay quyền lực cao nhất của một nước.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang