Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Chiến thuật bầy sói

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến thuật bầy sói. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến thuật bầy sói. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

>> Chiến lược chống tiếp cận phiên bản Việt Nam

Phòng vệ của Việt Nam ngoài việc mua sắm, chế tạo vũ khí trang bị (VKTB) thì vấn đề quyết định nhất là xây dựng đường lối, chiến lược phòng vệ. Bởi vì có như thế mới xác định được nội dung của công tác tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng.

>> Chiến lược bảo vệ Biển Đông của Việt Nam
>> Chiến lược 'chống tiếp cận' của Trung Quốc đã bị hóa giải


Chống tiếp cận là chiến lược phòng thủ của một nước có bờ biển nhưng khả năng quân sự hạn chế, bị các nước có vũ khí, phương tiện hiện đại hơn đe dọa dùng vũ lực.

Chiến lược chống tiếp cận thực chất là sự kết hợp giữa các loại vũ khí tầm xa, tầm gần, các hình thức tấn công, tác chiến phi đối xứng…nhằm mục đích không cho đối phương tiếp cận gần bờ, bảo vệ khu vực biển của mình càng rộng càng tốt.

Khi một cuộc chiến tranh hiện đại, công nghệ cao luôn bắt đầu từ hướng biển với tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay thì việc buộc các phương tiện đó dạt ra xa hay gây cho chúng nhiều thiệt hại là điều mà các quốc gia bị tấn công mong muốn.

Chiến lược chống tiếp cận đang phát sinh rất nhiều phiên bản và Việt Nam cũng đang xây dựng một phiên bản của riêng mình, bởi thực ra Việt Nam chưa từng và có đủ điều kiện để phòng vệ theo kiểu này.

Việt Nam là một đất nước có chiều dài và hẹp cho nên rất nhạy cảm bởi sự chia cắt chiến lược. Bởi vậy, đã qua rồi thời kỳ đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch trong vùng nội thủy hay lãnh hải, chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời. Đó cũng chính là tư tưởng, mục tiêu của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam.

Cơ sở để Việt Nam tiến hành thực hiện trước hết là lợi thế về địa lý.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastition - lực lượng chống tiếp cận hữu hiệu (Chiến thuật bầy sói)
(Mỗi tổ hợp tên lửa Bastion có thể bao gồm 36 quả tên lửa có cánh Yakhont. Các tên lửa tự dẫn siêu thanh chống tàu với đầu đạn nặng hơn 200 kg này có thể đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km. Mỗi tổ hợp có thể bảo vệ dải bờ biển dài hơn 600 km và giám sát vùng biển có diện tích 200 km2.)

Bờ biển Việt Nam tuy dài nhưng có nhiều núi cao nhô ra biển, có hơn 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một điểm tựa vững chắc triển khai lực lượng. Trường Sa là quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc có vị trí chiến lược trên biển Đông…đều là những vị trí tốt để triển khai, bố trí lực lượng.

Việt Nam chủ yếu là tự vệ nên khu vực tác chiến hầu như trên không phận, hải phận và các khu vực mà Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền nên lực lượng cơ động nhanh, vũ khí phương tiện luôn chiếm ưu thế tác chiến.

Máy bay SU-30MK2 có thể tác chiến trong khu vực phòng thủ mà không cần tiếp dầu, hoặc KILO, các loại tàu tấn công khác hoạt động tương đối an toàn trong tầm hoạt động của lực lượng khác.

Thật ra, với lực lượng tác chiến hiện đại ít ỏi như Gerpad, KILO, SU-30… của Việt Nam, nếu như tác chiến ở biển xa, xa căn cứ hàng ngàn km thì chỉ một trận.

Tàu ngầm KILO thực ra so với lực lượng tàu ngầm trong khu vực không phải là hiện đại gì cho lắm, nhưng nó tỏ ra rất nguy hiểm, khó lường bởi cách bố trí, sử dụng nó.

Chẳng hạn, ở tuyến xuất phát tấn công của KILO, kể cả phục kích chống ngầm và chống tàu mặt nước thì KILO hoàn toàn chiếm ưu thế, đó là, chỉ “săn” đối phương trong khi đối phương rất khó khăn hoặc không thể “săn” lại KILO, vì muốn “săn” KILO thì buộc phải vào tầm hỏa lực của các phương tiện khác như Bastion-P.

(Tên lửa Yakhon của hệ thống này với chiến thuật “bầy sói” thì tàu khu trục hiện đại nhất như của Trung Quốc Tupe 054A (mới có 4 chiếc) thì trong khoảng cách 300km với 2 quả trúng đích là Thuyền trưởng tàu phải ôm phao cứu sinh).

Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết và sẽ có khoảng cách với thực tế, nhưng khoảng cách này phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng chúng, và, hiệu quả có khi vượt ra ngoài lý thuyết là chuyện thường xảy ra trong cách sử dụng, khai thác vũ khí của người Việt trong chiến tranh.

Như vậy khả năng “áp sát”, “đánh vỗ mặt” vào Việt Nam từ hướng biển của kẻ thù bị ngăn cản, buộc chúng phải dạt ra xa, phải tính toán lại vị trí xuất phát tấn công.

Cơ sở thứ hai là Việt Nam có một khung lực lượng tác chiến tầm xa cực mạnh, bao gồm những loại vũ khí phương tiện hiện đại có tầm bắn xa, chính xác, sức hủy diệt lớn.

>> Chống đổ bộ đường biển trong nửa đầu thế kỷ 21

Khung lực lượng tác chiến tầm xa hiện đại kết hợp với lực lượng tác chiến tầm gần uy lực mạnh, tinh nhuệ thiện chiến là lực lượng chính yếu của chiến lược chống tiếp cận.

Nhưng hoạt động hiệu quả hay không, sẽ bắt đối phương phải trả giá đắt hay không trước hết là khả năng chống trả và sống sót của đòn tác chiến điện tử áp chế phòng không của kẻ thù làm “mù và điếc” hệ thống phòng không, thông tin chỉ huy của Việt Nam để làm chủ vùng trời. Khi địch đã làm chủ vùng trời thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản.

Trong chiến tranh hiện đại, chỉ cần có một thời gian tính bằng phút là có thể thay đổi được cục diện. Bởi vậy tạo ra một không gian, thời gian để cho hệ thống phòng không đối phó, phát hiện và đánh chặn là nhiệm vụ rất hệ trọng của chiến lược chống tiếp cận.

Việt Nam đã từng đối đầu với một cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn do Mỹ triển khai hòng đánh sập hệ thống phòng không Việt Nam cách đây 40 năm nhưng không thể.

Ngày nay, ngoại trừ Mỹ, khó có nước nào trong khu vực có đủ năng lực để tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử, áp chế phòng không gồm áp chế mềm, áp chế cứng…như Mỹ cách đây 40 năm, trong khi Việt Nam đã thay đổi.

Các hệ thống phòng không được xây dựng dưới dạng mạng lưới, qua đó, thông tin thu thập được qua radar hay trinh sát quang học thông thường đều có thể chia sẻ cho khẩu đội phòng không với tốc độ cao qua mạng lưới datalink; các tên lửa phòng không được kết nối với nhau có thể được dẫn bắn từ một hay nhiều ra đa đặt cách xa nó; xuất hiện pháo 37li cải tiến bắn bằng radar, quang học trong hệ thống phòng không tầm thấp khủng khiếp, hiệu quả năm xưa; xuất hiện những dàn tên lửa phòng không tầm xa cơ động như S-300 MPU1 bắn và di chuyển… thì việc tiêu diệt một vài hệ thống radar là có thể.

Nhưng để đánh quỵ khả năng phòng không Việt Nam hòng làm chủ vùng trời của lực lượng thù địch hiện nay là không thể trong một trận, trong một tháng, trong một năm.

Vì vậy cho nên chống tiếp cận để làm chủ vùng trời và làm chủ vùng trời để chống tiếp cận là tiền đề, điều kiện của nhau.

Cuối cùng là, cách đánh sở trường của Việt Nam.

Đó là tư tưởng quân sự “nếu những gì công nghệ không thể thì chiến thuật có thể”, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ luôn luôn khắc tinh của thói chủ quan, ngạo mạn, hiếu chiến, cậy đông, vũ khí trang bị hiện đại công nghệ cao; đó là chiến tranh du kích được phát triển lên tầm cao mới bởi vũ khí không phải như vũ khí của du kích ngày xưa; đó là…vân vân và vân vân.

Chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam xem ra rất khả thi bởi hình thành trên cơ sở xem ra cũng độc đáo và vững chắc.

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

>> Chiến lược 'chống tiếp cận' của Trung Quốc đã bị hóa giải

Mỹ đưa ra chiến lược tác chiến mới - "Tác chiến không - biển" để vô hiệu hóa chiến lược "chống tiếp cận, phong tỏa khu vực" của Trung Quốc.

http://nghiadx.blogspot.com
Tàu sân bay - Hải quân Mỹ

Lầu Năm góc đã hé mở tấm màn bí mật về khái niệm tác chiến mới nhằm đối phó với các nỗ lực quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn tiếp cận các khu vực gần lãnh thổ của họ và trong không gian điều khiển học.

>> Chiến lược bảo vệ Biển Đông của Việt Nam
>> Chống đổ bộ đường biển trong nửa đầu thế kỷ 21
>> Học thuyết AirSea Battle và nguy cơ xung đột

Khái niệm tác chiến không-biển (Air Sea Battle) là sự khởi đầu của cái mà các quan chức quốc phòng Mỹ nói là giai đoạn đầu của một đối pháp quân sự kiểu chiến tranh lạnh đối với Trung Quốc.

Kế hoạch trù tính việc chuẩn bị cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm đánh bại “các vũ khí chống tiếp cận, ngăn chặn khu vực” (anti-access, area-denial weapons) của Trung Quốc, gồm vũ khí chống vệ tinh, vũ khí điều khiển học, tàu ngầm, máy bay tàng hình và tên lửa tầm xa có thể tấn công tàu sân bay trên biển.

Các quan chức quân sự từ 3 quân chủng Mỹ nói với các phóng viên trong cuộc họp báo rằng, khái niệm mới không nhằm vào một quốc gia duy nhất nào. Nhưng họ đã không trả lời câu hỏi vậy nước nào ngoài Trung Quốc đã phát triển các vũ khí chống tiếp cận tiên tiến.

Một quan chức cao cấp trong chính quyền Obama thẳng thắn hơn khi nói rằng, khái niệm mới là một sự kiện quan trọng báo hiệu một cách tiếp cận mới, kiểu chiến tranh lạnh đối với Trung Quốc.

“Tác chiến không-biển có ý nghĩa đối với Trung Quốc cũng giống như chiến lược hải quân của Mỹ đối với Liên Xô”, quan chức này nói.

Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lạnh mới nhằm hạ gục Trung Quốc trên chiến trường chính châu Á-Thái Bình Dương.

Thời chiến tranh lạnh, các lực lượng hải quân Mỹ trên khắp thế giới đã sử dụng chiến lược hiện diện toàn cầu và phô trương sức mạnh để răn đe, kiềm chế bước tiến của Moskva.

“Đó chính là chiến lược triển khai phía trước quả quyết, nói lên rằng chúng ta sẽ không ngồi sau để bị trừng phạt”, một quan chức cao cấp nói. “Chúng ta sẽ khởi xướng”.

Theo các quan chức quốc phòng, khái niệm bắt nguồn từ những lo ngại rằng, các vũ khí tấn công chính xác mới của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải trên những tuyến đường biển chiến lược và tuyến giao thông toàn cầu khác.

Các quan chức quốc phòng hiểu rõ khái niệm đã nói trong số các ý tưởng đang được xem xét có:

• Chế tạo một máy bay ném bom tầm xa mới.
• Tiến hành các chiến dịch hiệp đồng tàu ngầm và máy bay tàng hình.
• Một máy bay tiến công không người lái tầm xa với tầm tới 1.000 hải lý do liên quân sử dụng.
• Sử dụng Không quân Mỹ bảo vệ các căn cứ hải quân và các lực lượng hải quân được triển khai.
• Tiến hành các cuộc tiến công hiệp đồng của Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ trong nội địa Trung Quốc.
• Sử dụng máy bay của Không quân Mỹ để rải thủy lôi.
• Các cuộc tiến công hiệp đồng của Không quân và Hải quân Mỹ chống các tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
• Tăng khả năng cơ động của các vệ tinh để chúng khó bị tấn công hơn.
• Phát động các cuộc tiến công điều khiển học hiệp đồng giữa Hải quân và Không quân vào các lực lượng chống tiếp cận của Trung Quốc.

Bí thư báo chí của Lầu Năm góc George Little nói [việc thành lập] một văn phòng mới (Air Sea Battle Office - ASBO) “là sự kiện khó khăn mới có được và quan trọng về mặt tác chiến nhằm đối phó với những mối đe dọa đang nổi lên đối với sự tiếp cận toàn cầu của chúng tôi”.

“Văn phòng này sẽ giúp hướng dẫn việc tích hợp có ý nghĩa các khả năng chiến đấu không quân và hải quân của chúng tôi, tăng cường sức răn đe quân sự của chúng tôi và duy trì ưu thế của Mỹ trước sự phổ biến các công nghệ và khả năng quân sự tiên tiến”, ông Little nói.

Ông lưu ý rằng, đây là một ưu tiên của Lầu Năm góc để tái cân bằng các lực lượng liên quân nhằm răn đe tốt hơn và đánh bại sự gây hấn trong “các môi trường chống tiếp cận”.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta, khi thăm châu Á, đã nói rằng, các lực lượng Mỹ sẽ tái định hướng sang châu Á khi các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan kết thúc. Trọng tâm mới sẽ bao gồm “các khả năng quân sự mở rộng”, ông nói mà không nêu chi tiết.

Các quan chức quân sự ở Lầu Năm góc, hôm thứ tư, đã không thảo luận các nội dung cụ thể của khái niệm mới. Ngoại trừ một sĩ quan nói rằng, một ví dụ có thể là sử dụng các máy bay cường kích A-10 tấn công mặt đất của Không quân Mỹ để phòng thủ các hạm tàu trên biển chống các cuộc tiến công ồ ạt của các “bầy” tàu nhỏ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn ở các vùng biển gần Trung Quốc, quấy rối các tàu thám sát của Hải quân Mỹ ở Biển Đông và Hoàng Hải.

Trung Quốc cũng tuyên bố những phần lớn của Biển Đông là lãnh thổ của họ. Các quan chức Mỹ nói người Trung Quốc đòi hỏi cái là “lối vào nhà của chúng tôi”.

Lầu Năm góc cũng lo ngại đối với tên lửa đường đạn chống hạm mới của Trung Quốc DF-21D, có thể tấn công các tàu sân bay trên biển. Các tàu sân bay là năng lực tung sức mạnh then chốt ở châu Á và sẽ được sử dụng để bảo vệ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

“Khái niệm “Tác chiến không-biển” sẽ h ướng dẫn các quân chủng khi họ phối hợp với nhau để duy trì ưu thế liên tục của Mỹ trước sự phổ biến các công nghệ quân sự và khả năng [chống tiếp cận/phong tỏa khu vực] tiên tiến, Lầu Năm góc nói trong thông báo về việc thành lập một văn phòng chương trình phụ trách khái niệm mới - Văn phòng ASBO.

Mặc dù, Văn phòng được lập ra vào tháng 8, nhưng buổi họp báo hôm thứ tư là lần đầu tiên Lầu Năm góc chính thức đưa ra khái niệm mới.

Lục quân Mỹ được trông đợi cũng tham gia Văn phòng khái niệm mới ASBO trong tương lai.

Một quan chức quốc phòng nói, Lục quân Mỹ đang tham dự các sáng kiện chiến tranh điều khiển học vốn sẽ hữu ích khi đối phó với các vũ khí chống tiếp cận.

“Nói một cách đơn giản, chúng ta đang nói về quyền tự do tiếp cận ở các tuyến giao thông toàn cầu. Tầm hỏa lực chính xác gia tăng đang đe dọa những các tuyến giao thông toàn cầu đó theo những cách thức mở rộng mới”, một quan chức quân sự giấu tên nói. “Đó là cái mà nói vắn tắt là điều khác biệt”.

Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, một số quan chức chính quyền phản đối khái niệm mới do những lo ngại là nó sẽ Trung Quốc khó chịu. Kết quả dẫn đến một sự thỏa hiệp đòi hỏi các quan chức quân sự và quốc phòng là làm mờ đi việc Trung Quốc chính là trọng tâm trung tâm của kế hoạch tác chiến mới.

Quan chức quân sự thứ hai thì nói, khái niệm mới cũng nhằm chuyển đổi điểm nhấn của quân đội Mỹ hiện nay là chống nổi dậy sang chống các mối đe dọa chống tiếp cận.

Văn phòng ASBO được tiết lộ khi Tổng thống Obama tuần này có chuyến đi châu Á nhằm củng cố các liên minh. Ông dự định gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Hawaii vào ngày thứ bảy.

Khái niệm xuất phát từ Bản đánh giá quốc phòng 4 năm một lần (Quadrennial Defense Review - QDR) năm 2010 và ở những giai đoạn đầu của nó không hề nhắc đến sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc đã được bổ sung vào báo cáo QDR sau khi có sự can thiệp của Andrew Marshall, Giám đốc Văn phòng Đánh giá Mạng (Office of Net Assessment) của Lầu Năm góc, và Tướng Thủy quân lục chiến James N. Mattis, khi đó là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các lực lượng liên quân (Joint Forces Command).

Chuyên gia về quân sự Trung Quốc Richard Fisher nói rằng, Văn phòng ASBO là cần thiết song có thể đã “muộn trong cuộc chơi”.

“Một văn phòng của Lầu Năm góc tập trung vào những thách thức quân sự của Trung Quốc ở châu Á hoặc xa hơn nữa sẽ là không đủ”, ông Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (International Assessment and Strategy Center). “Thách thức này sẽ đòi hỏi sự liên kết chính sách chiến lược, chính trị và kinh tế ở mức độ như chiến tranh lạnh, vượt ra ngoài tầm với của Lầu Năm góc”.

Cựu chuyên gia về Trung Quốc ở Bộ Ngoại giao Mỹ John Tkacik đánh giá: “Khái niệm mới “Tác chiến không-biển” là bằng chứng cho thấy, Washington cuối cùng đang đối mặt với mối đe dọa hiện thực là Trung Quốc đã trở nên một cường quốc quân sự, hải quân và hạt nhân thù địch ở châu Á, và cách duy nhất để cân bằng với Trung Quốc là đem sức nặng của các lực lượng không quân và hải quân Mỹ bổ sung cho các lực lượng mặt đất của các đồng minh của chúng ta ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

>> Việt Nam đã có hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển mạnh nhất thế giới



Doanh thu từ xuất khẩu các hệ thống kiểm tra an ninh, vũ khí của Israel đã tăng mạnh trong 1 thập kỷ qua. Hãy cùng khám phá nguyên nhân của sự phát triển này.


Dành cho các quốc gia có bờ biển dài, hệ thống Bastion, NATO đặt tên là SSC-X-5, là hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối hải hiện đại của Nga được nhiều quốc gia để mắt và đặt mua.

Theo báo chí Nga, nước này đã bàn giao cho Việt Nam hệ thống Bastion thứ 2 và lô hàng gần nhất mới được chuyển lên tàu vận tải cách đây 1 tuần. Yakhont là loại tên lửa “có trí tuệ”, người dùng chỉ cần “bắn – quên”, nghĩa là sau khi bấm nút khởi động, tên lửa sẽ tự động đi tìm mục tiêu để tiêu diệt.

Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Nga đưa Bastion vào trang bị và đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa đất-đối-hạm Yakhont được Nga xuất khẩu ra nước ngoài.


http://nghiadx.blogspot.com

Hệ thống tên lửa chống hạm phòng thủ bờ biển cơ động Yakhont


Hệ thống tên lửa Bastion chính là tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont (NATO gọi là SS-N-26). Yakhont là tên lửa đối hạm thế hệ mới do Liên hiệp NPO Mashinostroyeniya phát triển năm 1985 từ các hệ thống như P-120 Malakhit, P-270 Moskit và P-700 Granit.

Tên lửa Yakhont có chiều dài 8,9 m, đường kính 0,71 m, tổng trọng lượng 3.000 kg; được lắp 4 cánh hình tam giác ở giữa thân và 4 cánh lái nhỏ hơn ở đuôi.

Được ra mắt năm 1993, Yakhont lập tức đáp ứng tất cả những yêu cầu do quân đội Nga đặt ra đối với một loại tên lửa chống hạm mới: tấn công chính xác, có tốc độ siêu âm ở tất cả các giai đoạn bay, có thể phóng từ nhiều loại phương tiện mang: máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, xe bệ phóng trên mặt đất…

Sau khi được phóng đi, khi cách mục tiêu 60-80 km, Yakhont sẽ bật đầu tự dẫn radar trên khoang để tìm kiếm mục tiêu. Khi phát hiện mục tiêu và tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 25-30 km, tên lửa ngắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng đầu tự dẫn radar ở chế độ thụ động. Lúc này, 1 tên lửa trong cả loạt (thường là 3) tên lửa Yakhont được phóng đi sẽ bay lên cao và bật radar của mình dẫn đường cho các tên lửa bay thấp còn lại tấn công mục tiêu.


http://nghiadx.blogspot.com

Brahmos là biến thể của tên lửa Yakhont do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất

Tên lửa sẽ được phóng thẳng đứng với thời gian ngắn nhất giữa hai lần phóng là 2,5 giây. Xe tiếp đạn K342 TZM cũng dựa trên khung xe trên, được trang bị cần cẩu có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K340P.

Ngoài ra, toàn bộ hệ thống còn kèm theo một xe chỉ huy K380 MBU trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273 có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút. Toàn bộ hệ thống Bastion có thể hoạt động kết hợp với radar từ tàu biển hoặc từ máy bay trực thăng trinh sát. Với đầu đạn 200 kg, Yakhont có thể vô hiệu hóa hầu hết tầu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một phát bắn.

Được biết Ấn Độ đã hợp tác với Nga để sản xuất phiên bản Yakhont riêng của mình với tên Brahmos và hiện nay có nhiều nước đã đăng ký mua hệ thống phòng thủ này của Nga.
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang