Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Họ tên lửa Kh-31

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Họ tên lửa Kh-31. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Họ tên lửa Kh-31. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

>> Kh-31A - ‘Cái chết’ đến từ bầu trời

Kh-31A là tên lửa hành trình đối hạm tầm ngắn tốc độ cao do Liên Xô (Nga) phát triển trang bị trên các tiêm kích đa năng MiG-29, Su-30/35.

>> "Sát thủ diệt hạm" Kh-59MK trên Su-30MK2 Việt Nam
>> Đối tác hoàn hảo của Su-30 Việt Nam
>> Tên lửa chống radar của Nga, Trung Quốc


http://nghiadx.blogspot.com
Kh-31A ra đời từ những "cây kim chọc mù mắt thần".


Ra đời từ chương trình tên lửa chống radar

Những năm 1970-1980, Quân đội Mỹ bắt đầu đưa vào sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại MIM-104 Patriot, hệ thống chiến đấu Aegis cùng tên lửa đánh chặn Standard Missile dành cho Hải quân Mỹ.

Quá trình biên chế này gây áp lực lớn lên đội ngũ kỹ sư Liên Xô. Nhiệm vụ mới của họ là phải tạo ra vũ khí để chế áp hệ thống phòng không đối phương.

Đó chính là việc phải tập trung phát triển các loại tên lửa chống radar để tiêu diệt “mắt thần” hệ thống Patriot, từ đó vô hiệu hóa hoàn toàn chúng, mở đường cho lực lượng ném bom hạng nặng xâm nhập oanh tạc mục tiêu.

Năm 1977, Cục thiết kế Zvezda bắt đầu chương trình phát triển tên lửa chống radar tầm xa thế hệ mới.

Năm 1982, Zvezda thực hiện lần phóng thử đầu tiên mẫu thử tên lửa chống radar Kh-31. Tới năm 1988, tên lửa chống radar với tên gọi chính thức Kh-31P được chấp nhận đưa vào phục vụ trong Không quân Nga.

Dựa trên nền tảng Kh-31P, Zvezda tiếp tục phát triển và đưa vào sử dụng tên lửa hành trình không đối hạm tầm ngắn Kh-31A. Tên lửa có thể phóng từ tiêm kích đa năng MiG-29 (biến thể mới), Su-30MK, Su-34, Su-35.

“Họ hàng P-270 Moskit”

Kh-31A ngoài định danh của NATO AS-17 Krypton, nó còn được người ta gọi với biệt danh “Mini Moskit”. Đơn giản, Kh-31A (kể cả Kh-31P) có ngoại hình rất giống với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-270 Moskit – sản phẩm của cục thiết kế Raduga. Vì lẽ đó, Kh-31A được coi như là biến thể thu nhỏ của P-270.

Kh-31A có chiều dài 4,7m, đường kính thân 0,36m, trọng lượng phóng 610kg. Tên lửa được lắp hai động cơ đẩy.

Khi phóng, động cơ rocket nhiên liệu lỏng gắn ở đuôi được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ Mach 1,8 và tự tách ra khi hết nhiên liệu. Sau đó, 4 cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu dầu lửa giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 2,9, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu 5-70km.

Về hệ thống điều khiển, ở pha giữa tên lửa dùng hệ thống định vị quán tính dẫn đường, pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 có khả năng kháng nhiễu cao, lựa chọn một mục tiêu trong nhóm mục tiêu cùng loại dày đặc.


http://nghiadx.blogspot.com
Kh-31A có khả năng tiêu diệt tàu chiến có lượng giãn nước đến 4.500 tấn.
Trong ảnh: Su-30MKI phóng tên lửa không đối hạm Kh-31A.

Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa nặng 95kg dùng để tiêu diệt tàu khu trục, hộ vệ cỡ lớn, tàu tên lửa cở nhỏ, tàu vận tải đổ bộ.

Khi tiếp xúc bề mặt mục tiêu, tên lửa xuyên phá vào bên trong tàu rồi mới kích nổ đầu đạn hoặc nổ theo kiểu phá mảnh khi bay trên mục tiêu.

Ước tính, để tiêu diệt tàu khu trục cần 2,5 quả Kh-31A, với tàu tên lửa cỡ nhỏ chỉ cần 1 quả.

Có thể nói, Kh-31A là vũ khí chống tàu cực kỳ nguy hiểm, "cơn ác mộng" từ bầu trời đối với tàu địch.

Tên lửa có tốc độ hành trình bay rất cao, tiếp cận nhanh, khó đánh chặn. Không những thế, khi bị radar địch phát hiện, tên lửa có thể cơ động vọt cao đối phó với tên lửa đánh chặn đối phương.

Cục thiết kế Zvezda đã phát triển thêm các biển thể mới của Kh-31A như: Kh-31AD (kích thước lớn hơn, lắp radar chủ động cải tiến ARGS-31E, tầm bắn tăng lên 100km); Kh-31AM (nâng cấp hệ thống điện tử để chống lại biện pháp đối phó của đối phương, cải tiến động cơ để tăng tầm bắn nhưng không tăng trọng lượng).

Ngày nay, Kh-31A cũng được xuất khẩu tới một số quốc gia trên thế giới.

(Nguồn :: BDV)

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

>> “Sát thủ diệt hạm” Kh-59MK trên Su-30MK2 Việt Nam


Những chiến đấu cơ Su-30MK2 mà Nga bán cho Việt Nam trong năm 2011 có rất nhiều đổi mới và cải tiến để có được những khả năng ưu việt.



>> Tên lửa Uran (Kh-35) : Cơn ác mộng của tàu chiến
>> Tên lửa chống radar của Nga, Trung Quốc

Hiện nay, trong biên chế Không quân Việt Nam có khoảng 12 chiếc Su-27SK và 4 chiếc Su-27UBK. Năm 2008, Việt Nam đã đặt hàng thêm 6 chiếc Su-30MK2V và năm 2009 tiếp tục đặt hàng thêm 8 chiếc và đợt đặt hàng lớn nhất gần đây là 12 chiếc vào năm 2010.

Tất cả các hợp đồng nói trên dự kiến sẽ chuyển gao đầy đủ cho Việt Nam vào năm 2012. Tính đến năm 2012, Không quân Việt Nam sẽ có khoảng 32 chiếc Su-30MK2, biến thể được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trên biển.



http://nghiadx.blogspot.com
Su-30MK2V của Việt Nam


Những chiến đấu cơ Su-30MK2 mà Nga bán cho Việt Nam trong năm 2011 có rất nhiều đổi mới và cải tiến để có được những khả năng ưu việt.

Đầu tiên phải nói đến cabin của loại máy bay này đã được cải tiến và hiện đại hóa một cách đáng kể, ca bin đôi đã được làm với mục đích làm giảm mệt mỏi cho phi công, tăng cường khả năng chiến đấu đa mục đích của loại chiến đấu cơ này.


http://nghiadx.blogspot.com
Su-30MK được trang bị vũ khí hiện đại

Những chiếc Su-30MK2 này được trang bị nhiều vũ khí mới nhằm tăng cường sức mạnh cũng như sức chiến đấu.

Do không chỉ thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, Su-30MK2 của Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ đối hải, cho nên nó được trang bị một loạt các tên lửa chống tàu tiên tiến như tên lửa siêu âm Kh-31 chống tàu tầm ngắn, tên lửa không đối hạm tầm xa Kh-59MK, một biến thể của tên lửa không đối đất Kh-59M.

Kh-59 Ovod (tiếng Nga: Х-59 Овод, định danh NATO AS-13 Kingbolt) là một loại tên lửa hành trình dẫn đường bằng TV của Nga, với hệ thống đẩy nhiên liệu rắn hai tầng và tầm phóng là 115 km, do Viện Raduga thiết kế chế tạo.

Tên lửa Kh-59 được thiết kế dựa trên loại tên lửa Kh-58 (NATO gọi là AS-11 Kilter). Raduga phát triển Kh-59 vào thập niên 1970 như một phiên bản tầm của Kh-25 (định danh NATO AS-10 Karen), như một vũ khí tấn công chính xác từ xa cho Su-24M và Mig-27.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Kh-59M


Kh-59 ban đầu được trang bị một động cơ nhiên liệu bột, và kết hợp với một máy gia tốc nhiên liệu bột ở đuôi. Bộ ổn định gấp nếp được đặt ở phía trước của tên lửa, với cánh và đuôi lái ở phía sau.

Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của động cơ phản lực RDK-300, người ta đã tạo ra các tên lửa hành trình tầm xa, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng.

Dựa trên RDK-300, Viện Thiết kế chế tạo máy Raduga đã đề xuất 1 biến thể tên lửa hiện đại của Kh-59 mang tên Kh-59M Ovod-M (tiếng Nga X-59M Овод – M, định danh NATO AS-18 Kazoo) để thay thế cho các tên lửa mang động cơ nhiên liệu rắn trước đây.


http://nghiadx.blogspot.com
Kh-59M


Việc hiện đại hóa, như một tất yếu, đã dẫn đến việc tạo ra một hệ thống tên lửa mới có thiết kế gần như khác hoàn toàn với biến thể trước đó, và có hiệu suất cao hơn nhiều.

Khi hệ thống dẫn hướng được giữ nguyên, sự thay đổi lớn nhất được thực hiện ở thân tên lửa, cộng với việc thay thế động cơ tên lửa nhiên liệu rắn trước đó bằng động cơ tuốc bin cánh quạt đẩy ở dưới thân và phía trước của cánh sau.

Như bất kỳ tên lửa hành trình hiện đại nào, tên lửa Kh-59M có các bộ phận chính là vỏ lượn gồm thân, cánh, đuôi, động cơ xuất phát thường là động cơ tên lửa, động cơ hành trình thường là động cơ phản lực không khí và hệ thống điều khiển.


http://nghiadx.blogspot.com
Ở phần giữa thân tên lửa, người ta bố trí một khoang nhiên liệu có thể tích lớn với hệ thống thoát nước và cửa tiếp nhiên liệu.


Ở phần phía sau vẫn giữ lại khối động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, hỗ trợ cho chế độ tốc độ cao sau khi tên lửa bắt đầu tách ra khỏi máy bay.

Trước khi phóng, Kh-59M được nạp các dữ liệu cần thiết như bản đồ địa hình số hóa, ảnh mục tiêu. Khi có lệnh phóng, động cơ xuất phát đẩy nó rời khỏi ống phóng đến một độ cao nhất định rồi tách khỏi tên lửa, sau đó động cơ hành trình sẽ được khởi động để đưa tên lửa đến mục tiêu.

Tên lửa có thể bay theo quĩ đạo hỗn hợp để tránh sự phát hiện và ngăn chặn của lực lượng phòng không đối phương.

http://nghiadx.blogspot.com

Sau khi được bắn đi, động cơ hành trình tên lửa được bảo vệ khỏi các yếu tố bên ngoài trong quá trình bay, và có thể bay xa hơn nhờ động cơ tuốc bin phản lực khí.

Tính năng khí động học của Kh-59M được tăng lên do tên lửa có khối lượng và kích thước lớn hơn. Tên lửa di chuyển bằng lực nâng khí động học, ổn định quĩ đạo bằng hệ thống định vị và có thể chuyển hướng bất kỳ lúc nào khi cần thiết.

Việc sử dụng động cơ động cơ tuốc bin phản lực không khí đòi hỏi phải có sự thay đổi của hệ thống điều khiển tự động, nhận được từ bộ điều khiển động cơ, thực hiện khởi động, duy trì và kiểm soát việc cung cấp nhiên liệu và điều chỉnh độ cao và tốc độ tên lửa.

http://nghiadx.blogspot.com


Với việc trang bị động cơ phản lực tuốc bin khí, tầm hoạt động của tên lửa có thể lên tới 140 km, tầm bắn hiệu quả lên tới 120 km.

Kh-59M có thể được phóng từ độ cao thấp (100 m), và bay ở độ cao xác định (từ 50 đến 1000 m), được dẫn hướng bằng hệ thống điều khiển tự động và cao kế vô tuyến (radar đo độ cao). Thể tích của khoang chứa động cơ nhiên liệu rắn trước đây đã được sử dụng để chứa số lượng đầu đạn nhiều gấp đôi.

Ngoài đầu đạn xuyên giáp có khối lượng 320 kg, tên lửa có thể sử dụng thêm loại đầu đạn chụm và phá mảnh có khối lượng 280 kg.

Kh-59M có thể phóng đi với tốc độ 600 đến 1.000 km/h và có độ chính xác khoảng 2 đến 3 m. Kh-59M cũng được trang bị trên các biến thể của máy bay chiến đấu Su-27. Nó được gắn vào máy bay nhờ thiết bị treo AKU-58-1.

http://nghiadx.blogspot.com

Còn trong trường hợp trang bị trên máy bay tấn công ném bom Su-24M, Kh-59M được sử dụng với hệ thống điều khiển hỏa lực SUO-1-6M và thiết bị treo tên lửa PK-9 mà không có bất kỳ sửa đổi của máy bay.

Thông số kỹ thuật của tên lửa không đối đất Kh-59M:

Tầm bắn:

- Tối thiểu: 10 -15 km

- Tối đa: 100 – 115 km

- Điều khiển tự động: 40 km

Tầm hoạt động: 140 km

Độ chính xác: 2-3 m.

Tốc độ: 860 đến 1.000 km/h

Độ bay cao so với mặt nước biển: 7 m

Độ bay cao so với mặt: 50, 100, 200, 600, 1.000 m.

Trang bị trên máy bay: MiG-29K, Su-30M, Su-24M

Tốc độ máy bay: 600 – 1.100 km/h.

Độ cao phóng: 0,1 – 5 km.

Số lượng tên lửa mang: 2

Chiều dài tên lửa: 5,69 m

Đường kính tối đa: 0,38 m

Sải cánh: 1,26 – 1,3 m

Khối lượng: 920 kg (930 – 950 kg)

Khối lượng đầu đạn: 320 kg.

Thiết bị điều khiển:

- Tầm hoạt động: 140 km.

- Chiều dài: 4 m.

- Đường kính:0,45 m

- Khối lượng: 260 kg


http://nghiadx.blogspot.com
Kh-59MK

Trên cơ sở của tên lửa không đối đất Kh-59M, Viện thiết kế chế tạo máy Raduga tiếp tục cho ra đời biến thể không đối hạm Kh-59MK có nhiều tính năng vượt trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trên biển. K-59MK đã được trình làng lần đầu tiên tại triển lãm MAKS-2001.

Không giống như người anh Kh-59M, được trang bị với hệ thống dẫn hướng TV, Kh-59MK sử dụng đầu dò radar chủ động ARGS-59.

Việc tăng cường máy gia tốc nhiên liệu cho phép tên lửa có thể bắn xa tới 115 đến 285 km. Tuy chỉ đạt tốc độ cận âm, nhưng uy lực công phá của nó thì vô cùng mạnh mẽ với đầu đạn 320 kg và một ưu điểm nữa là chi phí của nó ít hơn nhiều các tên lửa siêu âm.

Theo các chuyên gia của Raduga xác suất bắn trúng một tàu tuần dương, tàu khu trục là 90 đến 96%, tàu, thuyền nhỏ – 70 đến 93 %.

Tên lửa chống hạm Kh-59MK đã thông qua các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và đã được sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài.

Kh-59MK được trang bị trên các máy bay chiến đấu trong gia đình Su-27 trong đó có Su-30MK xuất khẩu cho Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam.

Do có khối lượng tương đối nhỏ - khoảng 930 kg, nên người ta có thể treo trên Su-30 tới 5 quả tên lửa này.

Như vậy, Kh-59MK cùng với Kh-31 sẽ là cặp đôi tên lửa chống hạm hoàn hảo trên Su-30MK2 của Việt Nam, giúp cho máy bay chiến đấu siêu cơ động này phát huy hết khả năng khi tác chiến trên biển.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

>> Tên lửa chống radar của Nga, Trung Quốc



Tuy ít được công chúng chú ý nhưng các hệ thống chế áp phòng không của Nga và Trung Quốc không hề kém phương Tây.


Ưu việt của SEAD Nga

Hiện nay, Nga sở hữu một số lượng lớn vũ khí phục vụ cho chiến thuật chế áp đường không (SEAD/DEAD - Supression/Destruction of Enemy Air Defences ). Trong khuôn khổ Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV, Nga), hiện có 2 viện thiết kế chịu trách nhiệm sản xuất những loại vũ khí này là: Zvezda-Strela với Kh-31 và Raduga với Kh-58.

Tên lửa Kh-31 (NATO gọi là AS-17 Krypton) được sản xuất với 2 biến thể chính là Kh-31A chống hạm và Kh-31P chống radar. Cả 2 loại tên lửa này đều trang bị động cơ ramjet nhiên liệu lỏng và có thể đạt tốc độ tới 1.000 m/s (gần gấp 3 lần tốc độ âm thanh).


http://nghiadx.blogspot.com
Họ tên lửa Kh-31, trong đó tên lửa chống radar Kh-31P ở trên cùng


Được phát triển từ những năm 1970, tuy nhiên, trong vài thập kỷ đầu, việc nghiên cứu sản xuất loại tên lửa này tiến triển chậm chạp do thiếu kinh phí và khách hàng quốc tế thờ ơ.

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển loại tên lửa này đã gia tăng chóng mặt với 3 biến thể Kh-31 dành cho xuất khẩu và 1 biến thể với thông số vượt trội dành cho Không quân Nga.

Kh-31P thông thường có tầm bắn 110 km với đầu đạn nổ phá-mảnh nặng 87 kg. Tương tự các vũ khí chống radar cũ của Nga, Kh-31P được trang bị 3 loại đầu tìm khác nhau tương ứng với từng loại băng sóng đặc hữu của radar NATO.

Biến thể nâng cấp Kh-31PK sử dụng đầu đạn cảm ứng thay cho đầu đạn thông thường và gia tăng khối lượng đầu đạn tới 88,5 kg, do đó, nó có khả năng tiêu diệt những dàn radar có anten phát sóng cao đến 15 m. Với đầu đạn chạm nổ, tên lửa chống radar sẽ nhằm tấn công vào bộ phận phát sóng của radar.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Kh-31PD (giữa) có tầm bắn 250 km với đầu đạn 110 kg, trang bị đầu tìm đa băng tần có khả năng chống lại nhiều loại radar



Năm 2009, Nga giới thiệu biến thể hiện đại hóa sâu của Kh-31P có tên Kh-31PD (NATO gọi là AS-17 Mod 2) với tầm bắn xa hơn và đầu đạn mạnh hơn hẳn Kh-31P và Kh-31PK.

Kh-31PD có chiều dài 5,34 m (dài hơn Kh-31P 0,64 m) với động cơ được thiết kế mới hoàn toàn. Nhờ đó, Kh-31PD có thể đạt vận tốc 1.100 m/s và tầm bắn tới 250 km. Kh-31PD có 2 loại đầu đạn lớn hơn gồm đầu đạn chùm hoặc đầu đạn đa năng, đều nặng 110 kg.

Điểm cải tiến quan trọng nhất của Kh-31PD là tên lửa sử dụng đầu tìm đa băng tần mới có tên Avtomatika L-130 cùng với hệ dẫn quán tính tiên tiến giúp nâng độ chính xác của tên lửa và mở rộng khả năng tiêu diệt nhiều loại radar mới.

Hiện nay, theo công bố của Nga, nhiều loại máy bay có thể mang Kh-31PD như Su-30MKI (Ấn Độ), Su-30 MKM (Malaysia), Su-30 MK2 (Trung Quốc, Việt Nam, Venezuela), Mig-29K/KUB (Ấn Độ) và Su-35, Mig-35 của Nga. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela đã trang bị Kh-31P.

Ngoài Kh-31, Nga còn sử dụng các tên lửa chống radar Kh-58 hay Kh-58UShKE hiện đại hơn do Viện Raduga thiết kế.

Tên lửa Kh-58UShKE đang là loại tên lửa chống radar hiện đại nhất trong Không quân Nga với chiều dài ngắn hơn (chỉ 4,2 m, ngắn hơn Kh-31PD tới 1,24 m), cánh đuôi có khả năng gập lại rất thích hợp để lắp trong các khoang trong thân máy bay thế hệ 5 PAK-FA của Sukhoi hoặc trang bị với số lượng lớn cho máy bay tiêm kích-bom đa năng Su-34.


http://nghiadx.blogspot.com
Kh-58UShKE với kích cỡ nhỏ gọn và cánh lái gấp lại được, thích hợp lắp cho T-50. Ngoài ra, tên lửa này cũng có khả năng diệt máy bay cảnh báo sớm như Kh-31PD.



Kh-58UShKE là loại tên lửa có hiệu năng hơn hẳn loại Kh-31PD với tầm bắn 245 km, đầu đạn nặng tới 149 kg và tốc độ 1.170 m/s và sai số vòng tròn xác suất (CEP) chỉ 20 m.

Khác với các tên lửa chống radar cũ chỉ có thể dùng tấn công các dàn radar trên mặt đất của đối phương, Kh-31PD hay Kh-58UShKE với tầm bắn xa, tốc độ cao và đầu tìm tiên tiến còn có khả năng tấn công trực tiếp các máy bay cảnh báo sớm (AWACS) của đối phương ngay trên không. Do đó, năng lực SEAD/DEAD của Nga hiện nay vẫn không kém phần đáng sợ, dù "chưa có dịp" thể hiện như vũ khí Mỹ và phương Tây.

Bước tiến của Trung Quốc

Bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc đã mua một số lượng đáng kể tên lửa chống radar Kh-31P của Nga để trang bị cho các máy bay Su-30MKK và loại hiện đại hơn là Su-30MK2 trong không quân nước này. Sau đó, khoảng năm 2003-2004, Trung Quốc đã sao chép tên lửa này để tự sản xuất với tên gọi YJ-91 .

Trung Quốc đã có những cải tiến nhất định để trang bị YJ-91 cho cả các loại máy bay cũ của nước này như JH-7A hay máy bay ném bom H-6G.

Biến thể J-10 đầu tiên của Trung Quốc không có khả năng sử dụng tên lửa không đối đất. Tuy nhiên, tại Triển lãm AVIC 2010, Trung Quốc đã giới thiệu biến thể tiêm kích đa năng J-10A có khả năng sử dụng YJ-91, mở rộng nhiều lần khả năng chế áp phòng không của nước này.


http://nghiadx.blogspot.com
Máy bay JH-7A của Trung Quốc đang phóng tên lửa YJ-91


Ngoài Kh-31P/YJ-91, Trung Quốc hiện còn sở hữu tên lửa Kong Di-88 (KD-88 hay C-802KD) là biến thể của một loại tên lửa hành trình tầm xa có khả năng tiêu chống radar nếu được trang bị loại đầu tìm tương ứng.

Ngoài ra, trên các máy bay JH-7A trang bị KD-88, người ta còn thấy các thiết bị truyền dữ liệu về radar mục tiêu do máy bay trinh sát được cho tên lửa.

Có tầm bắn tối đa chỉ 180 km, tốc độ bay dưới âm và độ chính xác hạn chế, do đó, KD-88 chỉ đóng vai trò thứ yếu so vói YJ-91 và Kh-31P trong chiến thuật chế áp phòng không của Trung Quốc.


http://nghiadx.blogspot.com
Lắp tên lửa KD-88 cho máy bay tấn công JH-7A


Bên kia bờ eo biển, Đài Loan cũng không chịu kém khi đang ấp ủ phát triển tên lửa chống radar TC-IIA (Thiên Kiếm IIA, nâng cấp từ tên lửa không đối không Thiên Kiếm II) nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Hiện tại, tên lửa TC-IIA bắt đầu được trang bị cho các máy bay F-CK-1C/D Kinh Quốc của không quân Đài Loan.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang