Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Mỹ - Đài Loan

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ - Đài Loan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ - Đài Loan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

>> Hợp tác quân sự Mỹ - Đài Loan

Những đơn hàng vũ khí mới nhất mà Mỹ dự định bán cho Đài Loan khẳng định quan hệ khắng khít giữa hai bên suốt hơn 30 năm qua.

>>Kho tên lửa của Đài Loan có gì ?


Ngày 17.1, cổng thông tin điện tử chính phủ Trung Quốc China.org.cn đăng bài viết mang tựa: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tổn hại quan hệ Mỹ - Trung. Bài viết được đăng đúng 1 ngày sau khi báo The Washington Times đưa tin Washington và Đài Bắc sắp đạt thỏa thuận một hợp đồng vũ khí khủng với nhiều “đồ chơi” tối tân.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Đài Loan dự kiến sẽ sớm sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 - Ảnh: Army.mil

Đơn hàng khủng

Tờ báo dẫn lời thượng nghị sĩ Mỹ James M.Inhofe, Chủ tịch Ủy ban về Đài Loan tại thượng viện Mỹ, xác nhận thông tin này. Theo đó, chuyến thăm của phái đoàn quốc hội Mỹ, do ông Inhofe dẫn đầu, đến thăm Đài Loan hồi đầu tháng, hai bên đã đạt nhiều tiến bộ về thỏa thuận trên. Cụ thể hơn, Washington đang lên kế hoạch bán 30 trực thăng tấn công AH-64E Apache cho Đài Bắc trong năm nay. Trong đó, 6 chiếc đầu tiên dự kiến được giao vào tháng 10 và số còn lại sẽ đến Đài Loan vào tháng 7.2014. Cũng trong năm 2014, Mỹ sẽ bán tiếp 60 trực thăng chiến đấu đa nhiệm UH-60M Black Hawk cho Đài Loan. Đến năm 2015, Washington chuyển tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 tối tân cho Đài Bắc.

Như vậy, sau vài năm trì hoãn vì các lý do khác nhau, giờ đây Đài Bắc đã tiến gần đến mục tiêu sở hữu tên lửa đánh chặn PAC-3 như mong muốn. Khi đạt mục tiêu này, thực lực phòng không của Đài Loan sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phát triển các loại tên lửa tấn công hiện đại.

Vì thế, điều này có thể khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội như những lần trước. Hồi tháng 9.2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi từng tuyên bố Bắc Kinh cương quyết phản đối việc Mỹ nâng cấp máy bay chiến đấu cho Đài Loan. Tuyên bố được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin nước này thông qua đơn hàng nâng cấp 145 chiến đấu cơ F-16 A/B. Nhờ đó, dù không được mua mới loại F-16 C/D như đề xuất, Đài Bắc sẽ vẫn sở hữu lực lượng máy bay chiến đấu hiện đại không kém.

Tuy nhiên, bất chấp những phản đối từ Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau đó vẫn xúc tiến nhiều hợp đồng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Thậm chí, theo trang China.org.cn, tổng giá trị của các đơn hàng vũ khí mà nước này dành cho Đài Loan dưới thời ông Obama từ năm 2009 - 2017 dự báo sẽ tăng cao. Con số có thể tương đương 1/3 tổng giá trị vũ khí mà Đài Bắc mua của Washington kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1979.

Đối tác lâu năm

Thực tế, mối quan hệ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan khá thân thiết suốt hơn 20 năm qua. Cuối tháng 12.2012, quốc hội Mỹ nhận báo cáo đánh giá về quan hệ này từ năm 1990 với nhiều thống kê chi tiết về số khí tài mà Washington đã bán cho Đài Bắc.

- Từ năm 1990 - 1995: 13 máy bay vận tải C-130H, 250 ngư lôi MK-46, 314 tên lửa phòng không SM-1, 110 xe tăng M60A3, 150 chiến đấu cơ F-16 A/B, 12 trực thăng chống tàu ngầm SH-2F, 38 tên lửa đối hạm Harpoon, 4 máy bay cảnh báo sớm E-2T, 6 hệ thống pháo hạm MK-75, 6 hệ thống pháo cận chiến Phalanx.

- Từ năm 1996 - 2000: 30 trực thăng huấn luyện TH-67, 1.825 tên lửa Stinger, 55 hệ thống phóng tên lửa Stinger, 74 xe phóng tên lửa Avenger, 196 xe quân sự HMMWV, 241 ngư lôi MK-46, 183 tên lửa đối hạm Harpoon, 1.786 tên lửa chống xe bọc thép TOW 2A cùng 114 hệ thống phóng, 21 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 13 trực thăng tấn công đa nhiệm OH-58D Kiowa, 3 tàu hộ tống lớp Knox, 1 hệ thống pháo cận chiến MK-15, 9 trực thăng chiến đấu CH-47SD Chinook, 240 tên lửa không đối đất AGM-114KS Hellfire, 2 máy bay cảnh báo sớm E-2T Hawkeye, 162 tên lửa đối không Hawk, 146 pháo tự hành M109A5, 200 tên lửa không đối không AIM-120C dùng cho máy bay F-16.

- Từ năm 2001 - 2005: 40 tên lửa không đối đất AGM-65G Maverick dùng cho F-16, 360 tên lửa chống tăng Javelin và 40 hệ thống phóng, 54 xe tấn công đổ bộ AAV7A1, 192 tên lửa không đối không AIM-9M, 449 tên lửa AGM-114M3 chuyên tấn công các khí tài bọc thép, 290 tên lửa chống tăng TOW 2B, 4 tàu khu trục lớp Kidd, 2 hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa.

- Từ năm 2006 - 2011: 218 tên lửa không đối không AMRAAM và 235 tên lửa không đối đất Maverick trang bị cho chiến đấu cơ F-16, 72 tên lửa đối hạm Harpoon Block II, 144 tên lửa phòng không trang bị cho tàu khu trục lớp Kidd, 12 máy bay tuần tra và cảnh báo sớm P-3C, 32 tên lửa đối hạm Harpoon phóng từ tàu ngầm, 182 tên lửa chống tăng Javelin, nâng cấp 4 máy bay E-2T, 2 tàu quét mình lớp Osprey, nâng cấp 145 máy bay chiến đấu F-16 A/B.

Với những diễn biến mới nhất, Mỹ chắc chắn tiếp tục cung cấp thêm vũ khí cho Đài Loan trong thời gian tới. Vì thế, theo giới quan sát, đây sẽ là vấn đề tiếp tục gây bất đồng sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc.

Những đơn hàng đang xem xét (Nguồn 
Army.mil )

Theo tài liệu từ quốc hội Mỹ, Washington đang xem xét một số đơn hàng vũ khí, thiết bị quân sự có thể bán cho Đài Bắc trong tương lai như sau:

- Máy bay vận tải cỡ trung C-27J.

- Chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35.

- Xe bọc thép Stryker.

- Trực thăng quét mìn CH-53X.

- Máy bay huấn luyện T-6C để thay thế dòng T-34C.

- Máy bay tiếp liệu trên không KC-135 Stratotanker.

- Hệ thống pháo cận chiến Phalanx.

- Máy bay trực thăng HH-60G Pave Hawk.

- Nâng cấp tàu hộ tống lớp Lafayette.

- Hệ thống điều khiển không lưu.

- Tàu hộ tống lớp Perry.

- Tàu đổ bộ lớp Newport.

- Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên mặt đất.

- Máy bay không người lái Sky Warrior.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

>> Bài học từ hợp đồng vũ khí Mỹ - Đài Loan



Các đồng minh Mỹ ở Châu Á rồi sẽ nhận ra rằng, dù có hướng đến cái ô an ninh của Mỹ thì cũng không thể không để ý đến sự cân bằng Bắc Kinh - Washington.

Những rắc rối xung quanh hợp đồng nâng cấp vũ khí trị giá gần 6 tỷ USD của Mỹ giành cho Đài Loan dường như vẫn chưa có hồi kết. Giới phân tích nhận thấy, qua đây sẽ có nhiều bài học được rút ra trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.

Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt và yêu cầu Mỹ xem xét lại bản hợp đồng nhạy cảm trên, nếu không sẽ hạ cấp quan hệ quân sự. Việc bán vũ khí cho Đài Loan luôn mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là một hợp đồng thương mại. Nhưng tình hình hiện tại báo hiệu còn nhiều dấu hiệu phức tạp hơn nữa.


http://nghiadx.blogspot.com
Dù có thân Mỹ thế nào thì Đài Loan vẫn phải hướng về Trung Quốc để phát triển kinh tế


Trong bối cảnh suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á, Trung Quốc đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vốn được cho là sân nhà bị lãng quên mà nước này không thể đảm nhiệm trong suốt nhiều thập kỷ qua. Những vấn đề nhạy cảm liên quan đến hợp đồng vũ khí với Đài Loan thậm chí còn ảnh hưởng đến nhiều nước Châu Á khác.

Rất nhiều nền kinh tế cần Trung Quốc để phục vụ việc phát triển, và vẫn tự hỏi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh là có lợi hay không có lợi. Khi lên nắm quyền, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã có bước cải thiện quan hệ hai bờ rõ rệt bằng việc tham gia Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA).

Đây thực sự là một chiếc ô đảm bảo cho các công ty Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc. Nếu so với người tiền nhiệm Trần Thủy Biển, người luôn nêu cao quan điểm đòi tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng Mã Anh Cửu khôn ngoan hơn rất nhiều trong quan hệ với Bắc Kinh.

Nếu giới chức Bắc Kinh có bất cứ động thái nào phá ngang ECFA, người bị ảnh hưởng đầu tiên ở Đài Loan chính là ông Mã Anh Cửu, bởi ông là người mà Bắc Kinh muốn sẽ tiếp tục ngồi chiếc ghế cao nhất điều hành hòn đảo này. Mặc dù hiện nay, đối thủ của ông ở Đảng Dân chủ Cấp tiến có nhiều biểu hiện thân thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn chiếm được lòng tin của Trung Quốc.

Để phủ đầu người đứng đầu tương lai của Đài Loan, Bắc Kinh đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, nếu Đài Loan không tôn trọng quan điểm đồng thuận “Một Trung Quốc”, thì mọi giao dịch thương mại sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 1996, để phản đối ứng cử viên Lý Đăng Huy, Trung Quốc đã cho khởi động một loạt tên lửa dọc eo biển Đài Loan ngay trước kỳ bầu cử, nhưng hành động này lại mang đến kết quả ngược, và ông này đã thắng cử với một tỷ lệ ủng hộ còn cao hơn trước.

Cùng thời điểm này, Mỹ đã triển khai rất nhiều tàu hải quân tiến sâu vào eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh và tăng cường cam kết. Đây chính là một khía cạnh cần phải xem xét trong bối cảnh hợp đồng vũ khí lần này: sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong những năm qua, nhiều nước trong khu vực đã tăng cường thắt chặt an ninh với Mỹ, không chỉ riêng với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipine mà còn cả Ấn Độ. Điều này xuất phát từ những lo ngại do sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp hải đảo, và việc Trung Quốc tăng cường bảo vệ Bình Nhưỡng.

Nhưng ngay cả khi nhiều nước Châu Á đã nhận được sự bảo đảm an ninh của Mỹ thì vẫn còn nhiều quan ngại về khả năng duy trì sức mạnh của Mỹ ở khu vực. Dù Chính quyền Obama được cho là đã có nhiều bước đi đúng đắn, nhưng nền kinh tế tiếp tục suy yếu và món nợ công khổng lồ vẫn còn là mối lo.

Đối với nhiều người Mỹ, việc quân đội nước này hiện diện ở Châu Á thực sự là một cuộc chơi xa xỉ và cần phải cắt giảm. Khi mà cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần thì dư luận nước này lại dấy lên câu hỏi tại sao Mỹ chi tiêu quá nhiều tiền cho sự hiện diện của mình ở Châu Á và sẽ hiện diện ở đây đến bao giờ.


http://nghiadx.blogspot.com
Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho các đồng minh Châu Á tới bao giờ khi mà gánh nặng ngân sách đang ngày một phình to? - ảnh minh họa


Vì thế, không chỉ Đài Loan, mà các đồng minh khác của Mỹ ở Châu Á phải đặt câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng để bảo vệ mình như thế nào. Các đồng minh này rồi sẽ nhận được một bài học về giá trị của sự độc lập trong quan hệ với Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Đáng chú ý, hợp đồng vũ khí Mỹ - Đài lần này đã nhẹ nhàng đi rất nhiều khi Mỹ quyết định chỉ nâng cấp thay vì bán vũ khí mới cho Đài Loan. Hơn nữa, ngay cả khi việc nâng cấp này hoàn thiện, thì theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì lợi thế quân sự hơn hẳn so với Đài Loan. Với thực tế này, chính quyền Obama không thể nhắm mắt làm ngơ mà không lo bị sói mòn quan hệ với Đài Loan.

Về phần mình, Bắc Kinh hiện cũng giới hạn phản ứng ở mức độ ngoại giao, thay vì những phát biểu đao to búa lớn hoặc đe dọa hành động trả đũa. Bắc Kinh cũng đủ tỉnh tảo để hiểu rằng, bối cảnh hiện nay, phản ứng như vậy là vừa đủ.

Hướng đến cái ô an ninh của Mỹ trong khi vẫn tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc đang là bước đi phổ biến của các đồng minh Mỹ ở khu vực. Đó là thực tế hiện nay, không chỉ với Đài Loan, mà tất cả các đồng minh khác của Mỹ đều nhận thấy rằng, để thay đổi nó đột ngột là rất khó.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

>> Lý giải phản ứng ôn hòa của Trung Quốc



Trung Quốc phản ứng khá ôn hòa với quyết định nâng cấp máy bay F-16 cho Đài Loan của Mỹ.


Phản ứng khá ôn hòa

Bất chấp Trung Quốc lớn tiếng phản đối và gợi ý sẽ có một sự rạn nứt mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước do Washington quyết định nâng cấp cho các phi đội máy bay tiêm kích F-16 của Đài Loan, nhiều dự đoán cho rằng tác động vào quan hệ song phương sẽ rất hạn chế.

http://nghiadx.blogspot.com
Mỹ đem thương vụ F-16 với Đài Loan vờn đuổi Trung Quốc suốt thời gian qua.


Nếu Mỹ quyết định bán loại máy bay mới cho hòn đảo này thì chắc chắn sẽ gây nên một phản ứng mạnh hơn, nhưng Washington đã kìm nén quyết định đó.

Tuyên bố nâng cấp máy bay cho Đài Loan diễn ra vào lúc cả 2 nước đều tìm kiếm ổn định trong quan hệ trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Yu Tiejun, chuyên gia về an ninh châu Á tại ĐH Bắc Kinh nói: “Phản ứng của Trung Quốc lần này tương đối ôn hòa so với những năm trước đây. Điều này giống như nhiều người dự đoán. Quan hệ Mỹ-Trung đang trong thời kỳ hết sức tế nhị. Cho nên phản ứng của Trung Quốc cần phải hợp lý”.

Trung Quốc đã có phản ứng ngoại giao ở cả Bắc Kinh và Washington như triệu đại sứ Mỹ Gary Locke đến để phản đối. Bộ trường ngoại giao Dương Khiết Trì kêu gọi Mỹ hủy bỏ quyết định bán vũ khí đưa ra, điều mà ông cho rằng là một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm phương hại nghiêm trọng đối với quan hệ hai nước.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cảnh báo rằng quyết định này của Mỹ đã “gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho việc trao đổi quốc phòng bình thường của 2 nước”, và đã triệu Tùy viên quốc phòng Mỹ tại Bắc Kinh đến để thông báo.

Trang trải dư luận trong nước

Tuy nhiên, phát biểu với các nhà doanh nghiệp Mỹ tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Thiết Trì đã kết luận rằng quan hệ Mỹ-Trung “sẽ vượt qua tất cả các khó khăn và tiếp tục tiến lên”.

Phát biểu đó đã làm sâu sắc hơn nhận thức cho rằng những lời lẽ trì trích mạnh mẽ của Băc Kinh lần này chỉ nhằm trang trải với giới quân sự và tầng lớp theo chủ nghĩa dân tộc, những người cho rằng Mỹ là kẻ chen ngang, đang sử dụng Đài Loan như là một công cụ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung Quốc thường phản ứng với tất cả các quan hệ hợp tác quốc phòng của Mỹ với hòn đảo này, nhưng những lời đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ trước đây của Trung Quốc thường không gây ra những phương hại lâu dài cho quan hệ hai nước, ngoài việc đôi khi trao đổi quốc phòng bị đóng băng và các cuộc tiếp xúc bị trì hoãn.

Gabe Collins, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc ở Michigan nhận xét rằng vì lợi ích của tính hợp pháp, lãnh đạo Trung Quốc phải có phản ứng mạnh. Sẽ luôn luôn ồn ào và đe dọa, nhưng họ đồng thời cũng biết rằng Mỹ là mối quan hệ quan trọng nhất trong quan hệ đối ngoại của họ,

Trung Quốc luôn coi hòn đảo 23 triệu dân là một phần lãnh thổ của mình và coi việc bán vũ khí cho vùng lãnh thổ này là nhằm phá hoại những nỗ lực thâu tóm Đài Loan của Trung Quốc.

Gói nâng cấp máy trị giá 5,85 tỷ USD bao gồm việc Mỹ cung cấp các hệ thống radar mới, các hệ thống vũ khí, huấn luyện phi công, cung cấp phụ tùng và nâng cấp kết cấu máy bay nhưng không được hiện đại bằng hệ thống điện tử, hàng không và hỏa lực như các phiên bản C/D mà từ lâu Đài Loan muốn mua từ Mỹ.

Ở Đài Bắc, Bộ Quốc phòng của Đài Loan đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của chính phủ Obama vì “đã chủ động đáp ứng nhu cầu của chúng ta bằng hành động cụ thể, chuẩn y” quyết định nâng cấp này. Tuyên bố này còn nói gói nâng cấp này “gồm nhiều hệ thống tiên tiến và hoàn chỉnh”.

Năm 2010, Bắc Kinh đã tạm thời đình chỉ các cuộc trao đổi quốc phòng với Mỹ sau khi chính quyền Obama thông báo cho quốc hội kế hoạch dự chi 6,4 tỷ USD về vũ khí, kể cả tên lửa, máy bay trực thăng Back Hawk, hệ thống phân phối thông tin và 2 tàu quét mìn lớp Osprey cho Đài Loan.

Trao đổi quốc phòng rất có thể lại trở thành đề mục mà Trung Quốc dọa sẽ ngăn cản, dù Bắc Kinh có thể sẽ chỉ cắt giảm một sô cuộc tiếp xúc mang tính hình thức. Dù có như vậy, tác động cũng sẽ rất hạn chế vì Trung Quốc từ lâu đã coi quan hệ quốc phòng là một thế mặc cả chính trị và đem lại ít kết quả trong khi thường xuyên bị gián đoạn.

Mức độ tức giận của Trung Quốc đến mức nào phụ thuộc vào sức ép dư luận của một bộ phận quần chúng và giới quân sự như thường thể hiện qua các phát biểu và bài bình luận trên các báo trong nước.

Một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ của Đại học Bắc Kinh đã nhận xét: “Khó có thể nói Trung Quốc sẽ có hành động cụ thể gì đối với sự kiện này bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều vấn đề”.

Ngoài sự cần thiết phải bảo đảm ổn định toàn cục trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cần phải giữ ổn định cho thương mại và luồng đầu tư cũng như được tiếp cận với công nghệ cao của Mỹ cho các dự án của mình, như chế tạo máy bay dân dụng tương lai cần có sự hợp tác của các hãng như Boeing và Airbus mới có thể thành công.

Ngoài ra, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm Washington của Phó chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay, một chuyến thăm mang ý nghĩa xây dựng quan hệ lớn.

Lời khẩn cầu Mỹ viện trợ quân sự của Đài Loan chủ yếu xuất phát từ tình hình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là các phi đội hải và không quân của nước này.

Trong những năm gần đây, lực lượng không quân của Giải phóng quân Nhân dân (PLA) đã được phiên chế thêm nhiều máy bay tiêm kích tiên tiến Su-27 của Nga và các loại máy bay do Trung Quốc tự chế tạo như J-10, và gần đây Trung Quốc đã cho bay thử phiên bản máy bay tàng hình mang tên J-20. Trung Quốc cũng vừa chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, được cải tiến từ một chiêc tầu cũ của Nga bán cho Ukraine.

Trong khi đó, Đài Loan còn phải chứng kiến sức mạnh không quân của họ đang bị lụi tàn khi các phi đội F-16 A/Bs, máy bay tiêm kích Mirage 2000-5 của Pháp và các máy bay chiến đấu IDF do họ tự chế tạo đang trở nên già cỗi.
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang