Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Yak-130UBS

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Yak-130UBS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Yak-130UBS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

>> Tìm hiểu máy bay huấn luyện Yak-130


Yak-130 là một trong những máy bay huấn luyện hàng đầu thế giới bởi nó có khả năng đáp ứng những yêu cầu đào tạo các phi công đạt đến trình độ kỹ sư bay.

>> Chi tiết máy bay huấn luyện Yak-130
>> 6-12 chiếc Yak-130UBS sắp về Việt Nam


Khi phát triển máy bay huấn luyện phi công, các chuyên gia quân sự đã tính đến xu hướng của thị trường máy bay huấn luyện và máy bay chiến đấu hạng nhẹ trên thế giới, ngoài nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện phi công, máy bay còn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong các cuộc xung đột khu vực và trong các hoạt động chống khủng bố với mọi điều kiện thời tiết, thời gian trong ngày.

'Bệ phóng' cho kỹ sư bay 


Năm 1991, hãng Yakovlev phát triển máy bay Yak-UTS và hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên vào tháng 9/1993. Trong thời gian này hãng đã ký với công ty Aemacchi của Italia để cùng nhau phát triển máy bay huấn luyện với tên gọi Yak/AEM-130.

Thế nhưng cuộc tác hợp này đã nhanh chóng “đường ai nấy đi” vì không thống nhất được một số vấn đề trong thiết kế, hai bên tiếp tục phát triển phi cơ của mình trên nền tảng của thiết kế chung Yak/AEM-130, phía Nga phát triển với tên Yak-130, còn Italia chế tạo máy bay của riêng mình M-346 “bác sĩ”, thế nên chúng được gọi là “anh em song sinh”.

Chuyến bay đầu tiên của Yak-130 diễn ra vào ngày 26/4/1996. Trong thời gian 32 phút của chuyến bay đầu tiên, máy bay đã đạt được tốc độ 350km/h ở độ cao 2.000m, thực hiện tiếp đất cất cánh với việc thả cánh cản, thực hiện chuyến bay thông trường với độ cao 200m cùng với bài bay vòng kín góc kẹp trong chương trình thử nghiệm của mình.




http://nghiadx.blogspot.com
Yak-130 có thể sử dụng cho các nhiệm vụ tiêm kích, cường kích khi cần thiết.


Sau chuyến bay thử, Nga đã công bố hiệu suất bay, tính năng cất hạ cánh và khả năng điều khiển chuyến bay ở góc tấn công lên đến 40 độ.

Yak-130 đã trải qua tổng cộng 300 chuyến bay an toàn trong suốt quá trình thử nghiệm các tính năng kỹ chiến thuật, khả năng chiến đấu và thử nghiệm các trang bị, vũ khí cũng như các hệ thống đảm bảo cho phi công, trong đó có cả những chuyến bay thử nghiệm trong chương trình phối hợp đặc biệt của Không quân Nga.

Đa năng

Yak-130 ra mắt trên thị trường thế giới bằng việc tham gia triển lãm Hàng không quốc tế ở Pháp năm 1997, 1999 và triển lãm Hàng không Vũ trụ ở Moskva năm 1999 (MAKS).

Tháng 4/2002, Nga công bố Yak-130 là người chiến thắng trong cuộc “tranh hùng” cùng với Mig-AT, để phát triển và chế tạo máy bay huấn luyện đầu tiên cho Không quân Nga.

Với kinh phí của chương trình phát triển Yak-130 chỉ vào khoảng 200 triệu USD, chẳng đáng là bao so với các dự án quân sự khổng lồ khác, nhưng chương trình này đã bắt đầu thể hiện tính hiệu quả của nó với những hợp đồng đã được ký kết và những kế hoạch tiềm năng không những của không quân Nga mà còn của một số nước trên thế giới.

>> Irkutsk sắp ra lô Yak-130 mới

Theo các nhà phân tích, tiềm năng xuất khẩu của máy bay này có thể đạt 300 chiếc đến 2025 và 500 chiếc đến 2050. Hiện tại Yak-130 đang được sản xuất hàng loạt tại Công ty cổ phần Naz Sokol thuộc TP.Nizhny Novogorod và đang được công ty Irkut và Rosoboronexport tích cực tiếp thị trên thị trường.

Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 được thiết kế để đào tạo các học viên bay về kỹ năng lái máy bay cũng như thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với mục tiêu trên mặt đất và trên không tương ứng với những tính năng của máy bay thế hệ 4+ và thứ 5.


http://nghiadx.blogspot.com
Buồng lái tiện nghi, hiện đại của phi công ngồi trước.


Trong quá trình đào tạo, máy bay Yak-130 có khả năng chu cấp đầy đủ để đào tạo các phi công cho từng loại máy bay cụ thể và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu một cách toàn diện, ngoài ra, có thể sử dụng để đào tạo chuyển loại ngắn hạn, đào tạo bay theo đội hình chiến đấu với mục đích duy trì kỹ năng lái thuần thục và vận dụng hết khả năng tác chiến của các chiến đấu cơ, nắm vững nguyên lý hệ thống vô tuyến điện tử, hệ thống vũ khí trên máy bay cũng như khả năng làm việc của chúng.

Yak-130 đáp ứng 80% chương trình huấn luyện thực hành cho các phi công, đây là một trong những chương trình chính trong toàn bộ giáo trình huấn luyện phi công, trong đó bao gồm huấn luyện vi tính, huấn luyện mô phỏng chuyên ngành, tích hợp kiểm tra khách quan giống như trên máy bay Yak-52M và Yak-152.

Máy bay Yak-52 được sử dụng như là máy bay huấn luyện cơ bản của Không quân Việt Nam, thuộc Trung đoàn Không quân 920, Trường sĩ quan Không Quân, vì là máy bay huấn luyện cơ bản nên tất cả các phi công của Không quân Việt Nam đều phải trải qua những năm tháng “đi mây về gió” cùng với Yak-52.

Khác biệt

Máy bay huấn luyện Yak-130 có hình dáng khí động học tiên tiến, có lực đẩy lớn so với máy bay thế hệ trước cùng mục đích, cho phép máy bay thực hiện các bài bay ở mọi chế độ điển hình của các máy bay chiến đấu hiện đại trên thế giới cũng như hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Ngoài khả năng cơ động cao, máy bay này có những đặc tính nổi trội, hệ thống động lực mạnh, có khả năng bay ở tốc độ thấp, góc tấn công lớn đến 40 độ, tốc độ leo cao nhanh, đặc tính ổn định cao, hệ thống cất và hạ cánh vững chắc và có khả năng cất hạ cánh ở đường băng ngắn, tải trọng chiến đấu lớn và có khả năng thích nghi với vũ khí chính xác cao khác nhau.

Ngoài ra, trên Yak-130 có hệ thống điều khiển tích hợp cao với khả năng tái lập trình, có thể chịu gia tốc trọng trường +8g tới -3g và có khả năng thực hiện các chuyến bay nhào lộn đặc biệt để huấn luyện phi công cho chiến đấu cơ thế hệ 4+, như Su-30, Mig-29, F-15 và F-16, Rafale, Typhoon và máy bay thế hệ thứ năm F-22, F-35, Sukhoi T-50.

Tính ưu việt của Yak-130 là sự hiện đại trong thiết kế, tính chắc chắn của khung vỏ máy bay, động cơ có công suất lớn, độ tin cậy cao của các hệ thống, tuổi thọ lớn và khả năng tự động hoá cao của máy bay.

Các thông số cơ bản:

Kíp lái: 2 người
Sải cánh: 9,72 m
Chiều dài máy bay: 11,49 m
Diện tích cánh: 23,52 m2
Khối lượng rỗng: 4.500kg
Khối lượng cất cánh: 6.350 kg
Khối lượng cất cánh tối đa: 9.000 kg
Động cơ: hai động cơ tuốc bin phản lực tùy chọn (DR-35, AI-222-25 …)
Tốc độ tối đa: 1.050 km/h
Tầm hoạt động: 1.850 km
Bán kính chiến đấu: 1.315km


Với thiết kế khí động học tiên tiến, hệ thống điện tử hiện đại, vũ khí kết hợp "Nga - Mỹ - Âu", Yak-130 là một trong những máy bay huấn luyện - chiến đấu hiện đại hàng đầu.

Yak-130 là dạng máy bay cánh đơn sơ đồ kinh điển có cánh hình mũi tên và được bố trí giữa thân như chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 nhằm tận dụng lực nâng của cánh (chế tạo bằng hợp kim nhẹ, bề mặt là sợi carbon). Cánh đuôi được bố trí thấp hơn cánh chính làm cho mọi chuyển động của máy bay linh hoạt hơn và giúp phi công lựa chọn góc tấn công lớn.

Độc đáo thiết kế

Máy bay được thiết kế buồng lái hai chỗ ngồi và hai động cơ turbin phản lực, máy bay có tuổi thọ 10.000 giờ bay và có thể tăng hạn lên 15.000 giờ bay, tương ứng 20.000 lần cất hạ cánh với niên hạn sử dụng là 30 năm.

Ngoài ra, các cửa hút khí của động cơ có khả năng đóng khi máy bay di chuyển trên mặt đất, nhằm tránh vật lạ rơi vào động cơ. Đặc trưng của Yak-130 là dạng ba càng được gia cường, có tấm chắn bụi ở càng trước.

Máy bay có khả năng cất và hạ cánh trên đường băng đất nện nhỏ có bụi bẩn hoặc bằng bê tông có độ dài không lớn hơn 1.000m, chiều dài chạy đà cất cánh 380 m và chiều dài hạ cánh 670m nhờ có cánh cản. Là dạng máy bay huấn luyện nên ghế ngồi được thiết kế kiểu trước sau và vòm kính được đặt cao cho phép phi công có tầm quan sát rộng hơn và khả năng khóa mục tiêu tốt hơn, phi công phía trước có tầm nhìn qua mũi của máy bay -16 độ, còn phi công ngồi sau là -6 độ.

Buồng lái máy bay được che hoàn toàn bằng kính thủy tinh có khả năng chống đạn, được trang bị hệ thống tạo khí oxy trên khoang lái và ghế phóng loại K-36TL3.5 zero-zero.

Máy bay được trang bị hai động cơ turbin phản lực RD-35 với lực đẩy 2.200 kg cho mỗi động cơ, gấp gần ba lần lực đẩy máy bay L-39, được trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số và giờ hoạt động lên đến 6.000 giờ.

Ngoài ra, trên Yak-130 có thể được trang bị hai động cơ AI-222-25, lực đẩy mỗi chiếc là 2.500 kg, có thể đạt đến tốc độ cận âm 1.050km/h. Phiên bản xuất khẩu được trang bị động cơ theo nhu cầu của khách hàng. Động cơ công suất cao là thế mạnh của máy bay Yak-130 so với các loại cùng chức năng.

Ngoài ra, nhằm cung cấp điện xoay chiều cho các hoạt động của máy bay trên mặt đất và có thể khởi động trên không trong trường hợp khẩn cấp trên máy bay trang bị động cơ phụ TA-14.

Sát thực tế chiến đấu

Yak-130 có thùng nhiên liệu chứa 1.750 kg được thiết kế bên trong. Ngoài ra máy bay có thể mang thùng nhiên liệu phụ. Đáng chú ý là máy bay có khả năng trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, khả năng hiếm có đối với các máy bay huấn luyện, nhưng lại là một trong các yêu cầu gần như là bắt buộc đối với máy bay chiến đấu hiện nay.

Điều này giúp cho phi công tương lai của chiến đấu cơ thế hệ 4+ và 5 làm quen với những thao tác tiếp nhiên liệu trên không mà còn làm tăng hiệu quả huấn luyện vì không phải “đáp” để nạp nhiên liệu cũng như tăng bán kính hoạt động cho biến thể chiến đấu.

Hệ thống điện tử hàng không trên máy bay cực kỳ hiện đại, bao gồm hệ thống điều khiển điện tử “fly-by-wire” với khả năng lập trình lại đặc tính ổn định và tính điều khiển, hệ thống hiển thị trên kính, hệ thống hiển thị thông tin trên màn hình LCD, hệ thống thông tin, đài đo cao, hệ thống dẫn đường vệ tinh tương tự chiến đấu cơ hiện đang sử dụng trên thế giới.

Yak-130 có khả năng quan sát bằng video các hành vi của phi công cũng như không gian bên trong và bên ngoài buồng lái. Video tự động ghi hình liên tục các thông tin và hiển thị lên màn hình LCD.

Màn hình chỉ thị của giáo viên và học viên bay gồm ba màn hình kỹ thuật số đa chức năng với kích thước 6-8 inch, không có các chỉ thị điện - cơ trên các máy bay huấn luyện trước kia, hệ thống hiển thị hình ảnh trên kính mũ phi công có thể được áp dụng. Hệ thống điện tử có kiến trúc mở với ba hệ thống trao đổi thông tin theo tiêu chuẩn MIL-STD-1553V.

Vũ khí kết hợp "Nga - Mỹ - châu Âu"

Yak-130 được thiết kế như là một cường kích hạng nhẹ. Do đó, máy bay có hệ thống vũ khí mở với khả năng tích hợp cao, có khả năng tương thích vũ khí Nga và phương Tây với lượng vũ khí lên đến 3.000 kg và được bố trí trên 9 giá treo bên ngoài.

Tùy từng nhiệm vụ, Yak-130 có thể mang: tên lửa dẫn hướng không đối đất Kh-25ML, tên lửa dẫn hướng không đối không R-73 (hoặc tên lửa AIM-9L/M của Mỹ ), tên lửa chống tàu Mk-2A (Italia sản xuất), 4 quả bom điều khiển KAB-500L (hoặc Rockeye II của Mỹ), 4 quả bom không điều khiển nặng 500 kg hoặc 8 quả bom nặng 250 kg (hoặc loại Mk.82 và Mk.83 của Mỹ), rocket không điều khiển B-8M và B-13L (AL-25-50, LAU-51), pháo UPK-25-250 (DEFA, Aden), thiết bị trinh sát VICON-601 hoặc EW (ELT-55).


http://nghiadx.blogspot.com
Thiết kế mang các loại vũ khí Nga và Mỹ - Châu Âu sản xuất, Yak-130 nhắm tới khách hàng thường "ưa thích" sản phẩm Mỹ - châu Âu.


Để giúp phi công lựa chọn phần mềm cho bài tập bay cụ thể, Yak-130 có trang bị hệ thống mô phỏng điều khiển trên máy tính, ngoài ra với hệ thống này phi công có thể lựa chọn kiểu bay khi đang bay để hoàn thành chuyến bay huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết.

Radar trên Yak-130 có phạm vi dò tìm mục tiêu có diện tích phản xạ radar 5 m2 là 80 km ở phía trước và 40 km ở phía sau, ngoài ra có khả năng theo dõi đồng thời 8 mục tiêu, tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu.

Các phương tiện mô phỏng chế độ chiến đấu gồm: mô phỏng không gian chiến đấu, tìm kiếm, phát hiện, xác định và bắt các mục tiêu trên không, phóng tên lửa không đối không tầm nhiệt và dẫn hướng, phóng phương tiện gây nhiễu đối phương, hệ thống tương tác giữa các máy bay và với trạm kiểm soát mặt đất, hệ thống mô phỏng tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa không đối đất dẫn hướng…

Cấu hình của Yak-130 có thể thay đổi theo chức năng huấn luyện - chiến đấu, tấn công hạng nhẹ và máy bay huấn luyện trên tầu sân bay cũng như đào tạo phi công cho các máy bay vận tải quân sự và dân sự. Mức độ chuẩn hóa giữa biến thể huấn luyện và huấn luyện - chiến đấu của Yak-130 đạt khoảng 90%.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

>> Chi tiết máy bay huấn luyện Yak-130


Theo TSAMTO (trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu), trong tương lai không xa thì Không quân Nhân dân Việt Nam có thể mua một số phi cơ huấn luyện chiến đấu tiên tiến Yak-130.

>> 6-12 chiếc Yak-130UBS sắp về Việt Nam


Sau đây là một số thông tin cơ bản về Yak-130:

Lịch sử thiết kế

Đầu những năm 1990, chính phủ Xô Viết quyết định phát triển máy bay huấn luyện mới nhằm thay thế các máy bay huấn luyện Aero L-29 và L-39.

Bốn nhà thiết kế máy bay hàng đầu Liên Xô tham gia: Sukhoi với mẫu S-54, Myasischev với mẫu M-200, Mikoyan với mẫu MiG-AT và Yakovlev với mẫu Yak-UTS. Năm 1991, hai mẫu S-54 và M-200 bị đánh trượt chỉ còn lại MiG-AT và Yak-UTS.

Việc phát triển Yak-UTS bắt đầu năm 1991 và hoàn thành nguyên mẫu tháng 9/1993. Cùng năm đó, Yakovlev ký thỏa thuận hợp tác với công ty Aermacchi Italia cùng phát triển phi cơ huấn luyện mang tên Yak/AEM-130 (phiên bản cho Nga sẽ mang tên Yak-130 còn của Italia là M-346). Năm 1999, liên minh Yakovlev – Aermacchi tan vỡ, hai bên tiếp tục độc lập phát triển Yak-130 và M-346.

Tháng 4/2002, Yak-130 đã đánh bại đối thủ MiG-AT để trở thành máy bay huấn luyện chiến đấu tiên tiên cho Không quân Nga.


http://nghiadx.blogspot.com
Máy bay huấn luyện chiến đấu tiên tiến Yak-130

Tháng 6/2005, Yak-130 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại triển lãm hàng không Parus. Cùng năm đó, Không quân Nga quyết định ký kết hợp đồng đầu tiên mua 12 máy bay Yak-130. Tháng 2/2010, chiếc Yak-130 đầu tiên chuyển giao cho trung tâm huấn luyện của Không quân Nga tại Lipetsk.

Ngoài Nga, năm 2006 chính phủ Algeria cũng ký kết mua 16 máy bay Yak-130. Năm 2010, Không quân Libya cũng đồng ý mua 6 Yak-130, tuy nhiên trong tình hình chính trị rối ren của Libya hiện tại không rõ hợp đồng có được triển khai hay không.

Và trong tương lai không xa, có thể Không quân Việt Nam sẽ nhận 6 - 12 chiếc Yak-130.

Thiết kế

Phiên bản sản xuất hàng loạt Yak-130 có chiều dài 11,2m, cao 4,76m, sải cánh 9,72m, trọng lượng tối đa khi cất cánh 9.000kg.

Yak-130 có thiết kế cánh cụp tối ưu, được chế tạo bằng hợp kim nhẹ với bề mặt làm bằng sợi các bon. Nó được bảo vệ bằng giáp Kevlar ở các phần trọng yếu như: động cơ, buồng lái và khoang chứa hệ thống điện tử.

Cánh cụp được thiết kế nhằm tận dụng lực nâng của cánh và cánh đuôi đặt thấp hơn cánh chính, làm cho mọi chuyển động của máy bay linh hoạt hơn và giúp phi công có thể lựa chọn góc tấn công lớn.


http://nghiadx.blogspot.com
Yak-130 có thể chịu gia tốc trọng trường +8g tới -3g và hoàn toàn có khả năng thực hiện chuyến bay thao diễn đặc biệt huấn luyện phi công lái chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27/30, EF-2000…)


Để hạ cánh tại sân bay có đường bay ngắn, máy bay trang bị thêm những bộ phận ở cánh nhằm giảm quãng đường cất cánh. Những cánh tà được lắp ở cánh, có thể chuyển động về phía sau, lên xuống để tạo lực nâng và tạo lực cản khi máy bay hạ cánh.

Khung máy bay có tuổi thọ 30 năm với 10.000 giờ bay hoặc 20.000 lần hạ cánh. Máy bay Yak-130 có thể hoạt động ở đường băng không trải nhựa và đường băng nhỏ không chuẩn bị trước.

Hệ thống điện tử hiện đại

Yak-130 được lắp đặt các hệ thống điện tử hàng không cực kỳ hiện đại để đáp ứng yêu cầu huấn luyên phi công lái chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.

Buồng lái của máy bay có hai ghế ngồi dành cho: người dạy và học viên bay. Trong buồng lái được lắp hệ thống điều áp không khí, ghế phóng khẩn cấp NPO Zvezda K-36LT3.5.

Phi công có tầm nhìn toàn diện qua vòm kính máy bay, người ngồi trước có tầm nhìn qua mũi máy bay là -16 độ và người ngồi sau là -6 độ. Máy bay có buồng lái với vòm che làm bằng thủy tinh chống đạn. Cả hai phi công đều được lắp khí tài quan sát đêm và 3 màn hình LCD đa năng (hiển thị thông số kỹ thuật bay, tình trạng vũ khí).

Trong buồng lái còn có kênh liên lạc bên ngoài và nội bộ cùng hệ thống cảnh báo bằng giọng nói.

http://nghiadx.blogspot.com
“Nội thất” buồng lái phi công ngồi trước


Hệ thống điều khiển bay “fly-by-wire” sử dụng để điểu chỉnh độ ổn định và những đặc trưng điều khiển, hệ thống an toàn bay tương tự chiến đấu cơ thế hệ 4 MiG-29, Su-27/30, F-14, F-16, F-18, Mirage 2000, Dassault Rafale, EF-2000 và F-35.

Phi công được phép lựa chọn mô hình phần mềm của hệ thống mô phỏng điều khiển trên máy tính của Yak-130 để chọn bài tập bay. Ngoài ra, phi công lựa chọn kiểu bay trong khi đang bay.

Hệ thống điện tử có thể bỏ ghi nhận những sai lầm của phi công, từ đó đánh giá rút ra kết luận về chuyến bay, điều này giúp ích cho việc luyện kỹ năng bay của phi công.

Thiết bị định vị của Yak-130 gồm laze con quay hồi chuyển và hệ thống định vị toàn cầu GLONSS/NAVSTAR.

Máy bay huấn luyện Yak-130 được trang bị radar Osa hoặc Oca do NIIP Zhukovsky phát triển. Radar theo dõi đồng thời 8 mục tiêu trên không, tiêu diệt đồng thời 4 mục tiêu ở tất cả góc độ.

Radar có phạm vi dò tìm mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS – Radar Cross Section) 5m2 là 40km ở phía sau và 85km ở phía trước. Radar sẽ tự động khóa mục tiêu trong khi bắt bám là 65km.

Thiết bị đối phó điện tử trên Yak-130 gồm: radar cảnh báo sớm, thiết bị gây nhiễu chủ động, pháo sáng (đánh lừa tên lửa tầm nhiệt).

Vũ khí

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, trong điều kiện cần thiết thì Yak-130 có thể đáp ứng vai trò máy bay chiến đấu chiến thuật.

Khối lượng vũ khí mang trên máy bay lên tới 3.000kg (giá treo trên cánh và thân) gồm: tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại R-73, tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laze Kh-25ML, tên lửa chống tăng dẫn đường laze 9K121 Vikhr, bom có điều khiển KAB-500Kr (kết hợp với thiết bị quang điện treo dưới thân máy bay hỗ trợ ném bom).

http://nghiadx.blogspot.com
Yak-130 mang được vũ khí của Nga và Phương Tây sản xuất.


Ngoài vũ khí có điều khiển, Yak-130 hoàn toàn mang được vũ khí không điều khiển gồm: rocket B-8M, B18B, bom loại 50kg/250kg.

Máy bay thiết kế với một pháo GSh-301 cỡ 30mm hoặc GSh-23 cỡ 23mm đặt dưới thân.

Cấu trúc mở thiết bị điện tử hàng không cho phép Yak-130 mang vũ khí của phương tây như: tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9L, Magic 2 và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.

Động cơ

Các máy bay Yak-130 được sản xuất đều lắp hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AI-222-25 (lực đẩy 2.500kg mỗi động cơ). Tuy nhiên, đối với phiên bản xuất khẩu thì Yak-130 lắp 2 động cơ DV-2SM.

Máy bay đạt tốc độ cận âm 1.060km/h, trần bay trên 12.000m, tầm bay 2.000km. Quãng đường cần cho cất cánh là 380m (tốc độ đạt 210km/h), hạ cánh là 570m (tốc độ đạt 190km/h). Yak-130 có thể lắp thêm cần tiếp liệu trên không nếu khách hàng yêu cầu.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

>> 6-12 chiếc Yak-130UBS sắp về Việt Nam



TSAMTO của Nga cho biết, Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng từ 6-12 chiếc máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130UBS vào năm 2015.



http://nghiadx.blogspot.com
Ngoài chức năng chính là máy bay huấn luyện, Yak-130UBS có khả năng thực hiện các phi vụ tấn công hạng nhẹ một cách xuất sắc (ảnh: Airline.net)

Trong khuôn khổ triển lãm hàng không MAKS-2011, phía Nga đã tiến hành bàn giao máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130UBS cho Syria.

Số máy bay được giao lần này nằm trong số các máy bay trước đó dự định chuyển giao cho Libya thì gặp phải lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.

Số lượng máy bay huấn luyện được chuyển giao không được tiết lộ, nhưng theo nhận định của TSAMTO số lượng chuyển giao khoảng 12-16 chiếc. Tương lai không quân Syria có thể mua thêm từ 24-36 chiếc Yak-130UBS nữa.

Ngoài hợp đồng cung cấp Yak-130UBS cho Syria, Nga đang thực hiện hợp đồng cung cấp 16 Yak-130 UBS cho Algeria, cùng với một hợp đồng chưa được xác nhận cung cấp 8 Yak-130UBS cho Việt Nam.

Những khách hàng tiềm năng khác của máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130UBS bao gồm Venezuela, Belarus, Ukraine và Kazakhstan.

Tổng số lượng xuất khẩu của Yak-130UBS đến trước năm 2040 khoảng 500 chiếc. Trong đó số lượng Yak-130UBS sẽ xuất khẩu cho các khách hàng nước ngoài đến năm 2025 khoảng 300 chiếc.

Riêng Việt Nam sẽ bắt đầu mua loạt thứ 2 nhằm thay thế cho các máy bay huấn luyện L-39 giao hàngvào giai đoạn 2015-2025. Số lượng mua dự kiến từ 6-12 chiếc.

Algeria cũng sẽ mua loạt thứ hai nhằm thay thế cho L-39, giao hàng vào giai đoạn từ 2015-2025 số lượng mua dự kiến khoảng 12-16 chiếc. Belarus khoảng từ 6-12 chiếc giai đoạn 2015-2020.

Trong các nước Đông Nam Á, Malaysia sẽ là nước mua số lượng Yak-130UBS nhiều nhất, số lượng mua từ 18-24 chiếc nhằm thay thế máy bay huấn luyện Mk-128 Hawk, giao hàng giai đoạn từ 2025-2030.

Thái Lan cũng sẽ mua 6-12 chiếc nhằm thay thế cho L-39, giao hàng vào giai đoạn từ 2015-2030. Syria sẽ mua số lượng lớn từ 24-36 chiếc, giao hàng giai đoạn từ 20111-2020.

Ngoài ra còn rất nhiều quốc gia khác nữa sẽ mua, số lượng dao động từ 6-12 chiếc và giao hàng trong giai đoạn từ 2015-2030, chưa tính các khách hàng có thể mua Yak-130UBS không nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng.

Tính đến giai đoạn năm 2011-2014, kim ngạch xuất khẩu máy bay huấn luyện đạt giá trị 8,241 tỷ USD. Dẫn đầu là Thụy Sỹ với giá trị xuất khẩu đạt 2,622 tỷ USD, thứ 2 là Anh với giá trị 1,31 tỷ USD.

Hàn Quốc sẽ chiếm vị trí thứ 3 của Trung Quốc trong giai đoạn từ 2003-2010. Giá trị xuất khẩu máy bay huấn luyện của Hàn Quốc giai đoạn 2011-2012 tăng khoảng 187 triệu USD, con số này sẽ tăng lên 215 triệu USD vào giai đoạn 2012-2013. Tổng giá trị xuất khẩu trong giai đoạn này của Hàn Quốc khoảng 805 triệu USD. Thứ 4 là Trung Quốc, tổng giá trị hợp đồng của Trung Quốc trong giai đoạn này khoảng 618 triệu USD.

Nga sẽ đứng vị trí thứ 5 trong thị phần xuất khẩu máy bay huấn luyện với giá trị chiếm khoảng 5,3% tổng kim ngạch, giá trị xuất khẩu đạt 440 triệu USD.



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang