Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hương vị tết quê

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

>> Hương vị tết quê



tet que

TS - Gió xuân nhè nhẹ mang theo cái se se lạnh của ngày cuối đông còn vương trên chiếc khăn choàng của Ngoại. Mưa xuân rắc bụi cho buổi sớm mai thêm ngọn nắng xuân giòn ngọt, hây hây trên đôi má của chị Gái. Trước thềm, chậu hoa vạn thọ, hoa cúc vàng đang đung đưa mình làm thẫn thờ mấy chú bướm chàng ong...

Ôi hương vị Tết quê đã xa rất xa bỗng ùa về với một cảm xúc nguyên vẹn. Đã mười năm xa quê, nhưng mỗi cuối năm điệp khúc “về quê ăn Tết” vẫn cứ day dứt trong lòng những người con xa xứ, lâng lâng hoài niệm về những ký ức xa xưa.

Làm sao quên được không khí thôn xóm chuẩn bị đón Tết. Mọi người ai ai cũng nhanh nhẹn hơn, vội vã hơn thường ngày. Nhà nhà quét dọn sân vườn, lau chùi bàn ghế, đánh bóng lư đồng, quét vôi tường cũ, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Mọi người ai cũng vui vẻ, hoạt náo hơn. Mấy bé trai bé gái trong xóm bỗng ngoan hơn, làm việc nhiều hơn để được mẹ mua cho quần áo mới.

Làm sao quên được những phiên chợ quê ngày giáp Tết! Mọi người đi chợ từ tờ mờ sáng. Trên đôi quang gánh của họ là trái bí, trái bầu, bó rau, cặp gà, cặp vịt hoặc thúng dưa giạ gạo. Tiếng leng keng của chiếc xe ngựa chở hàng, tiếng bước chân vội vã của mấy bà mấy chị, tiếng gọi nhau í ới làm huyên náo cả xóm thôn. Chợ quê bỗng nhộn nhịp, đông vui lạ thường.

Làm sao quên được những đêm thức ngồi cùng bên bà bên mẹ dệt bánh in, đổ bánh thuẫn. Bánh in được làm từ bột gạo nếp xay khô, đem phơi sương rồi trộn với đường trắng, dùng khuôn gỗ dệt thành những cái bánh xinh xắn. Bánh thuẫn thì được làm với trứng gà, bánh làm ra sao cho nở đẹp 5 cánh đều nhau thì năm mới làm ăn mới phát tài phát lộc.

Làm sao quên chiều 30 Tết, bên nồi bánh chưng còn nghi ngút khói, mẹ vớt những cái bánh chưng thơm nồng mùi nếp mới, mùi lá chuối xanh, chuẩn bị làm mâm cơm họp mặt gia đình. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, được trang hoàng lộng lẫy với bình hoa, mâm ngũ quả, bánh mứt... Chiều cuối năm bỗng nghiêm trang hơn, linh thiêng hơn.

Làm sao quên được những trò chơi dân gian mang đặc tính miền quê. Con sông Gò Bồi vốn hiền hoà cần mẫn bỗng trở nên nhộn nhịp với hội đua ghe. Cứ mồng 2 Tết, dặt dìu trai gái kéo nhau về sông Gò Bồi xem hội đua ghe, đã trở nên một nét văn hoá đặc sắc của quê nhà. Chính nơi con sông Gò Bồi này, nhà thơ Xuân Diệu đã từng tắm tuổi thơ mình với đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào. Dù đi xa mấy mươi năm, Xuân Diệu cũng không thể nào quên mùi nước mắm ở vạn Gò Bồi, hương vị bánh ít lá gai mềm dẻo, mùi bánh tráng nướng giòn rụm...

Làm sao quên được những ngày Tết quê giản dị, hiền hoà và thân mật! Mấy chị gái quê quanh năm đối mặt với ruộng đồng chưa một lần biết đến hộp phấn thỏi son, Tết đến bỗng điệu đàng hẳn ra. Chị nào cũng má đỏ hây hây, diện những bộ quần áo mới còn thơm nguyên mùi vải, thẹn thùng đứng sát nhau nhìn ngắm dòng người đi tảo mộ, lễ chùa. Xa xa, thấp thoáng bóng dáng ai đi thăm đồng ngày đầu năm. Gió xuân mơn man ngọn lúa non quyện trong hương đồng gió nội ngan ngát một hương vị rất lạ: Hương vị Tết quê.

(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang