Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Bán vũ khí: Chính sách chia để trị của Trung Quốc đối với Đông Nam Á

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

>> Bán vũ khí: Chính sách chia để trị của Trung Quốc đối với Đông Nam Á



Trung Quốc tăng cường bán vũ khí sang Đông Nam Á.

Tạp chí Kanwa Asian Defence số tháng 11.2010 khẳng định, những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng ráo riết xúc tiến vũ khí của mình vào các thị trường Đông Nam Á và có được những thành công rõ nét.

Trong cả khu vực, chỉ có Philippines, Việt Nam và Brunei không mua vũ khí Trung Quốc. Tất cả các nước Đông Nam Á còn lại đều có trong trang bị các mẫu vũ khí Trung Quốc. Tình hình này trở thành thực tế sau tháng 6.2009 khi Trung Quốc chính thức cung cấp cho Malaysia 16 hệ thống tên lửa phòng không vác vai FN6 và đây là lần đầu tiên Kuala Lumpur mua trực tiếp vũ khí Trung Quốc.

Nhận được nhiều vũ khí Trung Quốc nhất là Thái Lan. Ngoài hợp đồng mua bán 2 tàu tuần tra, năm 2008, hai nước đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống rocket phóng loạt WS1B với các tên lửa không điều khiển, cũng như tiếp tục hiện đại hóa hệ thống và chuyển sang dùng tên lửa có điều khiển. Đây là dự án lớn nhất phát triển công nghệ tên lửa trong quân đội Thái.

Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia những năm gần đây đã tăng mạnh, bên cạnh đó Campuchia và Myanmar cũng là các khách hàng chủ chốt của vũ khí Trung Quốc. Thái Lan là nước đầu tiên mua tên lửa chống hạm Trung Quốc С802А tầm bắn 180 km. Theo dư luận, tên lửa chống hạm này đang được xúc tiến mạnh vào Myanmar, nhưng thông tin này không được các nguồn tin Myanmar xác nhận.

Ở chính Myanmar, thương vụ thành công nhất năm 2009 là việc Trung Quốc bán một số lượng không nêu cụ thể tăng МВТ2000. Do Myanmar thiếu ngoại tệ chuyển đổi tự do, một số chi tiết của hệ thống ngắm bắn đã được đơn giản hóa, nhưng dẫu sao các xe tăng này cũng vẫn là loại xe tăng uy lực nhất khu vực. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã xúc tiến tăng Т-96 vào Thái Lan, tuy nhiên do hạn chế ngân sách, Thái Lan đã buộc phải đóng băng kế hoạch mua vũ khí Trung Quốc.

Ở Campuchia, phần lớn tàu pháo của hải quân nước này do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc đã xuất khẩu sang Campuchia không dưới 2 tàu nhỏ, trong đó 1 chiếc là loại Р46С, trang bị 1 pháo 37 mm và 1 súng máy phòng không, chiếc thứ hai là tàu cao tốc Р200С. Cả 2 đều được đóng ở xưởng đóng tàu Jiangxi.

Tại Malaysia, tất cả vũ khí Trung Quốc, trừ tên lửa phòng không vác vai FN6 là được nhập khẩu trực tiếp, đều được mua nhờ sự giúp đỡ của Pakistan. Các hệ thống này bao gồm hệ thống tên lửa phòng không QW1/Anza Mk II hiện đã có trong trang bị của Lục quân Malaysia, cũng như hệ thống tên lửa chống tăng HJ8F/C.

Tại triển lãm Defence Services Asia 2010 (Malaysia), đoàn Trung Quốc đã giới thiệu một bộ thiết bị tích hợp các hệ thống phòng không TH-S311, được phát triển dành riêng cho các hệ thống FN6. Thành phần then chốt của việc hiện đại hóa là bố trí 1 chiếc ô tô trang bị radar, hệ thống nhìn đêm và hệ thống trao đổi dữ liệu. Sau hiện đại hóa, FN6 có thể sử dụng thông tin chỉ thị mục tiêu từ radar và hoạt động được trong mọi thời tiết. Ngoài ra, một đại đội FN6 có thể dùng để tác chiến chống các mục tiêu tốp. Hệ thống này hiện đang được chào bán cho Malaysia.

Từ năm 2008, Trung Quốc ráo riết xúc tiến FN6 vào thị trường Brunei.

Tại Indonesia, các nỗ lực xúc tiến vũ khí trang bị của Trung Quốc đã gặt hái thành công. Hải quân và lục quân nước này hiện có trong trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc QW1. Trong khi đó, không quân Indonesia sẽ nhận được các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa QW3, lần đầu tiên được xuất sang một nước thứ ba. Hải quân Indonesia cũng đã mua tên lửa chống hạm С802.

Các nỗ lực mới đây của Trung Quốc nhằm xâm nhập thị trường Indonesia còn đang ngày càng ấn tượng hơn. Hiện nay, Indonesia bày tỏ quan tâm đến tên lửa có điều khiển SY400 tầm bắn 200 km, sử dụng hệ dẫn quán tính và GPS, có sai số vòng tròn xác suất 30 m. Rõ ràng là các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, đang rất nỗ lực để mua sắm các hệ thống tên lửa chiến thuật-chiến dịch.

Trước đó, PT PAL của Indonesia đã có chút ít kinh nghiệm trang bị tên lửa mới mua sắm từ nước ngoài cho tàu của họ. Các nguồn công khai đã đưa tin rằng, trong trang bị của Hải quân Indonesia hiện có các tên lửa chống hạm Trung Quốc С-802 lắp trên 5 tàu tên lửa nhỏ FPB-57 sêri 5. Các tàu nhỏ này đóng ở Indonesia theo giấy phép dựa trên thiết kế Albatros của Đức với vũ khí tiêu chuẩn là tên lửa chống hạm Exocet. Một phân hãng của PT PAL đã lắp đặt tên lửa Trung Quốc cho các tàu FPB-57.

Phân hãng này cũng đang cố gắng lắp đặt tên lửa chống hạm Yakhont của Nga cho các tàu corvette và frigate của Indonesia. Thông tin này xuất hiện vào tháng 5-8.2010. Theo đó, số lượng tên lửa mua về là không dưới 120 quả.

Việt Nam và Philippines, theo Kanwa, là hai nước duy nhất ở Đông Nam Á mà Trung Quốc không xúc tiến chào bán vũ khí. Nguyên nhân chính là các nước này đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Bằng việc bán vũ khí, Trung Quốc đang tiến hành chiến lược ngoại giao “chia để trị” trong khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác, sử dụng thủ đoạn “viễn giao, cận công” và tích cực bán vũ khí, Trung Quốc đang cố gắng trói tay Malaysia, Indonesia và Brunei. Malaysia và Trung Quốc đang có tranh chấp về hòn đảo Layang, nhưng có vẻ vấn đề này không nằm trong số các ưu tiên của Bắc Kinh hiện nay.

Cần lưu ý rằng, việc Trung Quốc bán vũ khí vào khu vực đã gây nên phản ứng dây chuyền, nhất là do sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa tầm xa.

Hệ thống rocket phóng loạt WS1B

Đối với các nước Đông Nam Á, hệ thống rocket phóng loạt WS1B/2 và SY400 tầm bắn 180-200 km thuộc vào hàng vũ khí chiến lược. Một khi Thái Lan và Indonesia mua các hệ thống này, Malaysia, Myanmar và thậm chí Campuchia chắc chắn sẽ buộc phải mua các hệ thống như vậy. Campuchia cũng đang sử dụng các hệ thống rocket phóng loạt Type 81 của Trung Quốc, còn Nga xúc tiến vào Malaysia hệ thống rocket phóng loạt Smerch.

Với việc mua xe tăng МВТ2000, lục quân Myanmar trở thành lục quân mạnh thứ hai ở Đông Nam Á sau Malaysia.

Nhờ việc củng cố quan hệ quân sự với Myanmar, Trung Quốc có lẽ có thể xây dựng được các lực lượng mới để kiềm chế Ấn Độ trong khu vực và đó là yếu tố then chốt trong vấn đề vũ trang cho Myanmar. Nước này là điểm chiến lược mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bán vũ khí, Ấn Độ thua Trung Quốc hầu như trên mọi lĩnh vực, Kanwa kết luận.

(vietnamdefence)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang