Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Răn đe và tranh hùng (kỳ 4)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 4)



Với sự ra đời của Đông Phong 21D (DF-21D) của Trung Quốc, sự thống trị bấy lâu nay của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đang bị đe dọa nghiêm trọng.


Kỳ 4: Đông Phong thổi bạt “ngôi” bá chủ?

Sau sự kiện Mỹ điều 2 cụm tàu sân bay (TSB) Nimitz và Independence tiến vào eo biển Đài Loan năm 1996, Trung Quốc càng quyết tâm phát triển những loại vũ khí có thể làm nhụt chí các đô đốc Mỹ, tiến tới hiện thực hóa tham vọng giành vị thế bá chủ ở tây Thái Bình Dương. Một trong những vũ khí đó là tên lửa đường đạn DF-21D có thể nhấn chìm TSB Mỹ từ cự ly 1.700 km.

Thực hư đầy mâu thuẫn

Thông tin về tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) DF-21D rất nghèo nàn. Người ta chỉ biết rằng, nó được chế tạo dựa trên tên lửa đường đạn mặt đất DF-21 (Phương Tây gọi là CSS-5). DF-21D là tên lửa hai tầng, nhiên liệu rắn, trọng lượng phóng dự đoán là gần 15 tấn, tầm bắn gần 1.700 km (có nguồn cho rằng tầm bắn 1.200 - 2.000 km, thậm chí 2.500 - 3.000 km).

Tên lửa mang đầu đạn xuyên thông thường, nặng 500kg và có khả năng sử dụng thông tin chỉ thị mục tiêu từ các nguồn bên ngoài mà chủ yếu là các trạm radar ngoài đường chân trời trên bờ biển, cho phép phát hiện và phân loại các tàu mặt nước cỡ lớn ở cách đường bờ biển đến 3.000 km. DF-21D được cho là có sai số vòng tròn xác suất khoảng 10 m, tức là bảo đảm bắn trúng chắc chắn một mục tiêu như TSB hạt nhân của Mỹ.

http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21C.


Giới chuyên gia cho rằng, DF-21D được trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động và mang đầu đạn lắp đầu tự dẫn radar hoặc hồng ngoại. Hiện chưa hoàn toàn rõ liệu Trung Quốc có khả năng phát triển một vũ khí như vậy hay không. Nếu không được lắp đầu đạn hạt nhân, thì chỉ có đầu tự dẫn radar và/hoặc hồng ngoại mới cho phép DF-21D mang đầu đạn thông thường tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt nước cơ động.

Điều khiến Hải quân Mỹ đặc biệt lo ngại là để sử dụng ASBM, Trung Quốc đã cải tiến một số loại máy bay không người lái và phóng vệ tinh do thám trang bị các hệ thống quang-điện tử và radar khẩu độ tia tổng hợp lên quỹ đạo để cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho tên lửa. Trung Quốc cũng xúc tiến xây dựng các trạm radar ngoài đường chân trời làm phương tiện ưu tiên để cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho ASBM.

http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21C.


Thông tin về ASBM này cũng chưa rõ ràng và nhiều mâu thuẫn. Theo một số nguồn tin, tên lửa này đã được chế tạo và đang chuẩn bị cho bay thử, hoặc vẫn đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng. Hải quân Mỹ thì cho rằng, DF-21D đã bước vào giai đoạn triển khai, mặc dù chưa biết vũ khí này đã được thử nghiệm đầy đủ hay chưa. Còn Lầu Năm Góc khẳng định, Trung Quốc thử nghiệm ASBM lần đầu tiên vào năm 2005.

Có nguồn thì tiết lộ, DF-21D đã gần đến giai đoạn sản xuất loạt nhỏ ban đầu. Tuy nhiên, chưa chắc tên lửa này được đưa vào trang bị chính thức, nếu mẫu chế thử chưa được thử nghiệm. Năm 2010, Viện Project 2049 đưa tin, Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ trang bị DF-21C và có thể cả DF-21D tại Thiều Quan (Quảng Đông) nhằm đối phó với khả năng Mỹ can thiệp khi xảy ra xung đột quân sự với Đài Loan, và khống chế Biển Đông.

“Sát thủ” tàu sân bay

Đó là biệt danh của DF-21D trong chiến lược “chống tiếp cận” của Trung Quốc. Nhìn chung, giới quan chức và phân tích quân sự Mỹ đều rất lo ngại trước sự xuất hiện của ASBM Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, họ cảnh báo DF-21D có thể là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đối với các TSB vốn được coi là “át chủ bài” của sức mạnh quân sự Mỹ. ASBM có thể phá vỡ cán cân sức mạnh và thách thức địa vị bá chủ của Hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương và trên đại dương thế giới nói chung.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert Willard tuyên bố, việc Trung Quốc đưa vào sử dụng DF-21D có thể làm đảo lộn tận gốc bố trí binh lực trên Thái Bình Dương. Thậm chí, Thiếu tá James Kraska – chuyên gia an ninh hàng hải tại Học viện Hải quân Mỹ, còn đưa ra kịch bản Mỹ thua trong cuộc chiến trên biển vào năm 2015 khi TSB George Washington bị một tên lửa DF-21D bất ngờ tấn công, đánh đắm.

http://nghiadx.blogspot.com
TSB hạt nhân George Washington “nạn nhân” giả định của ASBM Trung Quốc vào năm 2015.



Nhưng nhiều chuyên gia quân sự Mỹ vẫn hoài nghi khả năng chế tạo ASBM và các công nghệ liên quan của Trung Quốc. Theo họ, khả năng tiêu diệt TSB của DF-21D còn rất xa vời. Tuy vậy, Mỹ vẫn ráo riết tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng từ ASBM. Họ đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu với thành phần quan trọng nhất là hệ thống chống tên lửa trên tàu chiến (các tàu chiến Aegis trang bị tên lửa chống tên lửa SM-3).

Thực tế, bằng “vốn” hiện có, Hải quân Mỹ đã có thể đánh chặn ASBM mà Trung Quốc đang phát triển. Sắp tới, Mỹ sẽ có các loại tên lửa chống tên lửa mới như SM-3 Block 2B để đánh chặn tên lửa đường đạn có tầm bắn 12.000 km. SM-3 Block 2B sẽ ra đời vào năm 2020. Mỹ cũng xúc tiến các chương trình vũ khí tấn công nhanh toàn cầu siêu vượt âm, tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa, máy bay không người lái trên TSB và máy bay ném bom mới để đối phó với Trung Quốc.

DF-21D không phải ASBM đầu tiên trên thế giới. Từ những năm 1960-1970, Liên Xô đã phát triển thành công tên lửa đường đạn chống tàu mặt nước cỡ lớn cơ động, kể cả TSB. Đó là tên lửa 4K18 R-27K sử dụng đầu tự dẫn radar thụ động, mang một đầu đạn hạt nhân mạnh, trang bị cho tàu ngầm và có tầm bắn 900 km. Năm 1974, Hải quân Liên Xô đưa R-27K vào sử dụng thử trên 1 tàu ngầm. Sau đó, vì nhiều lý do, Liên Xô đình chỉ chương trình R-27K và dừng phát triển loại ASBM tiên tiến hơn là R-33.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang