Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Răn đe và tranh hùng (kỳ 2)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 2)



Bastion-P là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động hiện đại nhất thế giới.
Kỳ 2: Siêu âm song sát Bastion-BrahMos



>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 1)
>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 3)
>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 4)
>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 5)
>> Răn đe và tranh hùng (kỳ 6)
 

Đến nay, chỉ có Hải quân Nga và Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa siêu âm khủng khiếp này.

Là hệ thống tên lửa đất-đối-hạm thế hệ mới của Nga, K300P Bastion-P (NATO gọi là SSC-5) dùng để tiêu diệt các tàu mặt nước trong đội hình đổ bộ, cụm tàu vận tải, tàu sân bay xung kích hay đơn lẻ, mục tiêu mặt đất có tương phản radar trong điều kiện có đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh.

Pháo đài thép

Hệ thống sử dụng tên lửa Yakhont phóng thẳng đứng (tầm bắn đến 300 km) và có thể bảo vệ khu vực bờ biển dài 600 km. Bastion (tiếng Nga nghĩa là “pháo đài”) với 2 biến thể cơ động (K300P Bastion-P), và cố định (Bastion-S) sử dụng tên lửa chống hạm P-800 Oniks (tên xuất khẩu là Yakhont).

Tên lửa Yakhont/Oniks (NATO gọi là SS-N-26), tên lửa hành trình chống hạm siêu âm có tốc độ cao nhất thế giới hiện nay, có tầm bắn đến 300km, tốc độ hơn 2.700 km/h, có khả năng bay sát mặt biển 5 - 15m. Đây là vũ khí chống hạm cực kỳ lợi hại mà hầu như không hệ thống phòng thủ hạm tàu hiện có nào có thể ngăn chặn được. Với phần chiến đấu 200kg, Yakhont có thể tiêu diệt hầu hết tàu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một quả đạn.


http://nghiadx.blogspot.com
Pháo đài thép Bastion-P bảo vệ bờ biển Việt Nam.


Yakhont dài 8,9m, đường kính 0,72m, trọng lượng phóng 3.000kg, sử dụng hệ dẫn kết hợp quán tính và radar chủ động. Tên lửa có thể bay ở 2 chế độ: độ cao nhỏ với tầm bắn hiệu quả 120km hoặc kết hợp “cao-thấp” với tầm bắn đến 300km.

Tốc độ tối đa của tên lửa ở độ cao lớn là 750 m/s, ở độ cao nhỏ là 680m/s. Yakhont có các đặc điểm nổi bật là tấn công chính xác theo nguyên lý “bắn-quên”, tầm bắn ngoài đường chân trời, quỹ đạo bay linh hoạt, tốc độ siêu âm cao ở mọi giai đoạn bay, có thể phóng từ nhiều loại phương tiện mang như: tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, bệ phóng cơ động và cố định trên mặt đất, tàng hình đối với radar hiện đại.

“Em song sinh” BrahMos

Năm 1998, Liên hiệp NPO Mashinostroenia hợp tác với Bộ Quốc phòng Ấn Độ thành lập liên doanh BrahMos Aerospace Ltd cho ra đời tên lửa PJ-10 BrahMos, “em song sinh” của Yakhont. BrahMos là vũ khí tấn công chủ yếu của cả Hải, Lục và Không quân Ấn Độ với 4 biến thể: phóng từ tàu nổi; bệ phóng mặt đất; tàu ngầm và máy bay. Các biến thể BrahMos phóng từ tàu nổi và từ mặt đất đã được nhận vào trang bị. Các biến thể phóng từ máy bay và tàu ngầm đã hoàn tất phát triển và sắp được thử nghiệm.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa BrahMos.


Ưu điểm đặc biệt nổi trội là bên cạnh chức năng chống hạm, PJ-10 BrahMos có khả năng tấn công chính xác mục tiêu mặt đất cực mạnh. BrahMos có động năng hủy diệt cao gấp 16 lần so với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Loạt 9 quả BrahMos bắn đi có thể tiêu diệt 3 khinh hạm. Hệ thống BrahMos triển khai trên mặt đất bao gồm: 4-6 xe bệ phóng cơ động (mỗi xe mang 3 tên lửa), 1 đài chỉ huy cơ động và 1 xe tiếp đạn cơ động. Hiện Lục quân Ấn Độ có 4 trung đoàn trang bị 3 biến thể BrahMos.

Ấn Độ và Nga dự kiến sẽ sản xuất 1.000-1.500 quả BrahMos, trong đó 300-500 quả bán cho các nước thân hữu do New Delhi và Moskva lựa chọn. Chile, Brazil, Nam Phi, Indonesia, Ai Cập, Malaysia, Oman, Brunei… đã đưa BrahMos vào “tầm ngắm”. Nga và Ấn Độ cũng đang phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos-II có tốc độ kinh hoàng là trên 6M (hơn 6.000 km/h). Nhờ có tốc độ khủng khiếp, BrahMos-II sẽ có uy lực công phá gấp 36 lần tên lửa cùng trọng lượng tấn công mục tiêu ở tốc độ 1M và là là vũ khí lý tưởng để tấn công các mục tiêu kiên cố ở sâu dưới đất. BrahMos-II dự kiến sẽ trang bị vào năm 2015.

Xoay chuyển cán cân sức mạnh

Giống như một số hệ thống vũ khí tối tân khác (Iskander-E, S-300), Bastion-P/Yakhont được Nga sử dụng như công cụ gây ảnh hưởng chiến lược. Đến nay, 3 khách hàng đã ký hợp đồng mua Yakhont là Việt Nam, Syria và Indonesia.

http://nghiadx.blogspot.com
BrahMos phóng từ bệ phóng mặt đất.



Gây tranh cãi nhất là hợp đồng bán 2 hệ thống Bastion-P trị giá 300 triệu USD cho Syria ký năm 2007. Israel lo sợ trước viễn cảnh Yakhont lọt vào tay Syria hoặc Hezbollah. Họ cho rằng tên lửa siêu hiện đại này sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh Israel và phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở khu vực. Bastion-P còn là phương tiện răn đe các cụm tàu sân bay Mỹ một khi xảy ra cuộc xâm lược chống Syria.

Theo báo chí nước ngoài, Việt Nam đã được Nga chuyển giao 2 hệ thống (tiểu đoàn) Bastion-P theo hợp đồng trị giá 300 triệu USD ký năm 2006. Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên Bastion-P và Yakhont. Việt Nam cũng sắp triển khai sản xuất Yakhont với sự hỗ trợ của Nga theo hợp đồng trị giá 300 triệu USD. Tháng 8/2011, có tin Việt Nam đang đàm phán với Nga mua thêm Bastion-P với số lượng chưa được tiết lộ, thời gian chuyển giao vào năm 2014. Bastion-P cùng Yakhont sẽ tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến đối hải của quân đội ta, trở thành “pháo đài” thép bảo vệ bờ biển.

Tên lửa BrahMos cũng được Ấn Độ và Nga xem là phương tiện củng cố quan hệ chiến lược. Báo chí Ấn Độ cho hay, Việt Nam đã được Hội đồng hỗn hợp Nga-Ấn đưa vào danh sách 15 quốc gia có thể mua tên lửa BrahMos. Việt Nam đang đàm phán không chính thức với Ấn Độ về vấn đề mua bán BrahMos.

Trước đó, tạp chí Kanwa cho hay, tên lửa BrahMos sẽ được trang bị cho 8 tiêm kích Su-30МК2 mà Việt Nam đặt mua tháng 1/2009. Indonesia là khách hàng thứ ba nhập khẩu tên lửa Yakhont, nhưng để trang bị cho tàu chiến. Báo chí cho hay, Indonesia sẽ mua 120 quả Yakhont với đơn giá 1,2 triệu USD để lắp cho 6 khinh hạm và 10-14 tàu hộ vệ.
Biên chế tiêu chuẩn của một đại đội Bastion-P gồm: 4 xe bệ phóng K-340P (mỗi xe mang 2 tên lửa Yakhont để trong thùng phóng); 1-2 xe điều khiển chiến đấu K380P; các xe bảo đảm trực chiến và 4 xe tiếp đạn K342P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang