Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Khó tàng hình… khiếm khuyết

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

>> Khó tàng hình… khiếm khuyết


Trung Quốc gần đây đã cho ra mắt tàu lớp Hồ Bắc (Houbei - Type 22) thế hệ mới với những tính năng kỹ chiến thuật khá độc đáo.

Thế nhưng, sự khác lạ cả về… “cái áo khoác” sơn phủ bên ngoài cũng không thể che đậy hết những khiếm khuyết còn tồn tại.

Được coi là điểm nhấn của chiến lược hiện đại hóa hải quân Trung Quốc đến năm 2020, Hồ Bắc (Type 22) có khả năng tác chiến linh động và tấn công nhanh các mục tiêu cả trên không, bộ và trên biển.

Nguỵ trang kiểu truyền thống

Houbei thuộc dạng tàu chiến 2 thân, có khả năng tàng hình, tốc độ cao (khoảng 58 km/giờ), mang tên lửa, thuộc thế hệ tàu chiến mới nhất của lực lượng Hải quân Trung Quốc. Thiết kế đặc biệt của tàu cho phép giảm tín hiệu radar đến mức tối đa. Thân tàu dốc với những cửa sổ có cạnh hình răng cưa hạn chế phản xạ radar. Ngoài ra, tàu còn sử dụng công nghệ ngụy trang truyền thống với các màu sơn khác nhau tùy thuộc vào khu vực triển khai tàu. Ở miền Bắc, tàu được phủ “tấm áo choàng” với 4 màu sơn: đen, xám, xanh, trắng. Ở miền Nam, màu sơn sáng hơn với 3 màu chủ đạo trắng, xám, xanh. Tốc độ cao không chỉ giúp tàu có khả năng chiến đấu tốt hơn mà còn giúp tàu tránh né được radar đối phương một cách khá hiệu quả.

Tuy vậy, khả năng tàng hình không phải là thế mạnh chủ chốt của tàu. Chính thiết kế 2 thân của tàu mới thu hút được sự chú ý của nhiều người. Phải nói đây là một ý tưởng không mới, nhưng táo bạo. Từ xưa, thiết kế hai thân đã được sử dụng trong thuyền buồm thể thao. Cuối thế kỉ 20, không ít nước đã thử nghiệm thiết kế 2 thân cho phà tốc độ cao, rất nhiều tàu nhỏ, có nhiệm vụ trợ chiến được thử nghiệm cũng dùng thiết kế này, tuy nhiên hiếm có Hải quân nước nào mạo hiểm dùng thiết kế này cho tàu có nhiệm vụ trực tiếp tác chiến.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên trên thế giới sử dụng kiểu thiết kế 2 thân cho tàu chiến (Hải quân Mỹ hiện cũng đang phát triển FSF 1 "Sea Fighter” cho nhiệm vụ tuần duyên). Thiết kế 2 thân có rất nhiều ưu điểm: cho phép tàu hoạt động với vận tốc lớn, lý trình dài, có tính ổn định cao hơn khi chạy với tốc độ cao so với tàu có thiết kế một thân thông thường, giúp tàu có thể hoạt động được ở những vùng nước nông, đặc biệt khi kết hợp với các chiến hạm và máy bay ném bom có căn cứ ở đất liền, tàu là một bổ trợ lý tưởng cho nhiệm vụ bảo vệ đường bờ biển dài của Trung Quốc.


http://nghiadx.blogspot.com
Tàu Houbei tham gia tập trận.


Houbei được trang bị 8 tên lửa chống hạm loại C-801/802/803, đặt trên 2 bệ phóng phía đuôi tàu. Những tên lửa này có tầm hoạt động xa, từ 150 đến 200 km, có thể liên lạc với trực thăng và máy bay cánh cố định để nhận những thông tin mới nhất về mục tiêu. Ở giai đoạn cuối của chu trình bay, tên lửa có thể đạt tốc độ siêu âm (Mach 1,5). Hệ thống phòng không của tàu gồm các tên lửa hạm đối không FLS-1 với 12 tên lửa loại QW lớp MANPAD, 1 khẩu pháo AO-18 30mm và hệ thống pháo phòng không tầm gần AK-630 của Nga, có tốc độ bắn 5000 vòng trên phút, tầm bắn 4km đặt ở boong trước.

Để phục vụ mục đích chiến đấu gần bờ, tàu được trang bị 2 bệ phóng với 8 tên lửa hành trình, tấn công mặt đất tầm xa Hongniao, sản xuất dựa trên nguyên mẫu tên lửa Kh-SD/65 của Nga, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu nổ thường, tầm hoạt động từ 600 đến 3000 km, với trần bay từ Mach 0,7-0,8. Về thiết bị vô tuyến, tàu được trang bị hệ thống radar rà soát bề mặt Type 362, hệ thống radar định hướng và thiết bị định hướng quang điện HEOS 300.

http://nghiadx.blogspot.com
Houbei được thiết kế theo kiểu 2 thân.
Houbei thích hợp tác chiến trong vai trò phòng thủ, bảo vệ những khu vực gần bờ. Tuy nhiên nó cũng là lựa chọn tuyệt vời bởi khả năng tấn công vượt trội cho chiến lược “phòng thủ chủ động”. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mối đe dọa thực sự của lực lượng hải quân Trung Quốc hiện nay không đặt vào các tàu sân bay và những tàu chiến lớn mua từ Nga, mà nằm ở những tàu ngầm diesel và những tàu chiến nhỏ có tốc độ cao như Houbei. Loại tàu này sẽ thực sự phát huy sức mạnh khi được tác chiến cùng các tàu ngầm diesel và tên lửa đường đạn, trở thành một “vật cản” cho bất cứ một tàu chiến hay thậm chí là tàu sân bay nào có ý định tiến vào vùng biển mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Những điểm yếu chí tử

Phải chăng Houbei kiểu 022 “hoàn hảo không tì vết”? Nhiều chuyên gia quân sự đã đưa ra những phân tích, mà theo đó Houbei không phải là không có yếu điểm. Thứ nhất, thiết kế 2 thân nổi bật của tàu lại ẩn chứa nhiều nguy cơ cho bản thân nó. Để đảm bảo độ bền vững cho phần thân chìm dưới nước ở thời điểm MUNK (phá vỡ sự ổn định của tàu, thường khiến tàu xoay vuông góc với dòng chảy), các nhà thiết kế chắc hẳn sẽ lắp đặt thêm bộ phận ổn định, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tính động lực học của tàu và đòi hỏi 1 hệ thống diều khiển khá phức tạp. Thứ hai, tàu dùng nhôm làm chất liệu đóng tàu, giúp giảm trọng lượng, đồng thời tăng tốc độ hoạt động cho tàu. Tuy nhiên, chất liệu này lại khiến tàu dễ bị biến dạng khi gặp những lực tác động lớn.

Thứ ba, hệ thống tên lửa chống hạm hoạt động một cách bị động, phụ thuộc vào máy bay cánh cố định hay trực thăng cũng là một trong những yếu điểm của tàu. Thứ tư, vùng hoạt động nhỏ, hệ thống phòng không yếu nên chắc chắn tàu sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho trực thăng và tàu ngầm đối phương. Ngoài ra, đây là loại tàu chiến nhỏ, khó có khả năng hoạt động xa bờ hoặc chiến đấu dài ngày trên biển. Cuối cùng, sức mạnh của các tàu Houbei mới chỉ được Trung Quốc “quảng bá” chứ chưa hề được “thử lửa” trên chiến trường. Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng không nên quá lo lắng về sức mạnh của Hồ Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang