Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Đại tướng Võ Nguyên Giáp Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đại tướng Võ Nguyên Giáp Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

>> Tướng Giáp 100 tuổi trên báo nước ngoài



Tướng Giáp, vị tướng huyền thoại không bao giờ chịu khuất phục của Việt Nam, sau nhiều chục năm đánh đuổi người Pháp và Mỹ, hôm nay đã ghi thêm một chiến thắng nữa - ông tròn 100 tuổi.

Hãng thông tấn Mỹ AP mở đầu bài viết về sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy và nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, tướng Giáp được tôn kính thứ nhì sau Hồ Chí Minh. Hai người đã cùng nhau hoạch định những chiến dịch từ vùng rừng núi, chỉ sử dụng chiến thuật du kích để tiến hành cách mạng giành độc lập cho Việt Nam, và rồi đưa cả khu vực Đông Dương khỏi ách thực dân của người Pháp. Hai thập kỷ sau đó, đoàn quân của ông tiếp tục đẩy người Mỹ về nước và tiến hành thống nhất đất nước.

"Có thể nói rằng hầu hết những sự kiện vinh quang và quan trọng nhất của đất nước đều gắn với tên tuổi và sự nghiệp của ông", ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông, phát biểu tại Hà Nội nhân kỷ niệm tướng Giáp tròn trăm tuổi.

Dù đã không còn ở trong chính phủ nhiều năm, nhà chiến lược quân sự có mái tóc bạc trắng này vẫn là quốc bảo và vẫn đón tiếp các nhà lãnh đạo trên thế giới đến thăm, cho đến tận cách đây ba năm khi sức khỏe của ông yếu đi, AP nhận xét.


http://nghiadx.blogspot.com
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại một hội nghị năm 2004. Ảnh: AFP.


Trong triển lãm ảnh về tướng Giáp tại Hà Nội có nhiều ảnh quý. Một bức năm 1946 cho thấy một người đàn ông trẻ tuổi, gầy, nhưng đã là tướng cao cấp trong quân đội Việt Nam. Nhiều bức ảnh khác chụp khi tướng Giáp tiếp lãnh đạo các nước khác, như Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Một tấm ảnh cho thấy tướng Giáp bắt tay cựu thù trong cuộc chiến tranh chống Mỹ - cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, ông Giáp hồi tưởng cuộc gặp năm 1997.

"Tôi nói với McNamara ... Mỹ thua ở Việt Nam bởi Mỹ không hiểu Việt Nam".

Sau cuộc chiến, ông Giáp trở thành người ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ. Quan hệ mọi mặt giữa hai nước, từ kinh tế thương mại đến nhân đạo và quân sự đang có nhiều bước tiến quan trọng.

"Ông ấy không bao giờ nghỉ", John Ernst, một chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học Morehead State University của Mỹ bình luận. "Tôi nghĩ điều đó khiến ông ấy trở nên huyền thoại và được thêm yêu mến".

Bài viết của AP về tướng Giáp được đăng trên nhiều trang báo lớn của phương Tây như The Washington Post, Forbes.

The Diplomat, tạp chí chuyên sâu về chính trị châu Á, đăng bài viết về sự kiện tướng Giáp 100 tuổi, với lời bình luận rằng trận Điện Biên Phủ "là một chiến thắng thay đổi lịch sử".

"Trước hết, nó đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là bất bại. Chiến thắng đó còn cổ vũ cho những cuộc chiến chống chế độ thực dân trên khắp thế giới", tạp chí này bình luận.

Sau khi điểm lại những sự kiện quân sự quan trọng gắn với tên tuổi tướng Giáp - một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất thế kỷ 20 - The Diplomat viết tiếp: "Ông sẽ đặt một dấu mốc quan trọng khác mang tính cá nhân hơn - tròn 100 tuổi".

"Dù thể trạng yếu và phải chịu một số chứng bệnh về đường hô hấp, phải nằm viện đã lâu, trí tuệ của tướng Giáp vẫn minh mẫn một cách kinh ngạc", tạp chí này nhận xét.

Các nhà lãnh đạo khắp thế giới vẫn xếp hàng để gặp ông, trong đó có tổng thống Brazil Lula da Silva, tổng thống Venezuela Hugo Chavez và lãnh đạo Nam Phi Thabo Mbeki. Tướng Giáp vẫn viết về lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam.... Ông vẫn nghe tin tức trên radio mỗi sáng và yêu cầu được báo cáo tình hình.

Hãng tin AFP ca ngợi tướng Giáp là vị anh hùng của Việt Nam. "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị anh hùng của cách mạng Việt Nam và là một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất lịch sử thế giới, hôm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh trong bệnh viện ở Hà Nội".

Ông Giáp khiến cả thế giới kinh ngạc khi quân đội gồm những người nông dân của ông giành chiến thắng trước đội quân thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.

"Ông ấy là một anh hùng huyền thoại của Việt Nam", giáo sư người Australia Carl Thayer, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, bình luận.

Sự kính trọng dành cho tướng Giáp không chỉ đến từ những người trong nước, mà đến cả từ cựu thù. Thượng nghị sĩ Jim Webb, cựu binh chiến tranh Việt Nam, trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm qua phát biểu: "Ông ấy là một nhân vật lịch sử. Tôi chúc tướng Giáp mọi điều tốt đẹp".

Báo Anh The Scotsman đưa tin tướng Giáp với tựa đề "Người anh cả của quân đội Việt Nam tròn 100 tuổi". Báo dẫn lời đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của tướng Giáp, cho biết dù nằm viện đã hai năm, vị tướng già vẫn viết cho các bạn bè và đồng chí, và được báo cáo tình hình đất nước hàng ngày.

"Ông đã giúp đánh thắng hai đế quốc to", The Scotsman dẫn lời ông Huyên. "Ông là anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam".

Đài phát thanh Australia phỏng vấn ông Raymond Burghardt, đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong ba năm kể từ 2001.

"Tôi có dịp gặp ông nhiều lần khi còn làm đại sứ. Ông ấy rất minh mẫn, rất vui khi nói chuyện với chúng tôi. Có một vài lần tôi đến gặp ông cùng các vị sĩ quan Mỹ. Tôi nhớ lần đến thăm ông cùng với Đô đốc Dennis Blair, khi đó là tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái bình dương. Không hề có cảm giác cay đắng nào sót lại từ thời chiến tranh, ông (Giáp) luôn sắc sảo và linh lợi", cựu đại sứ kể.

Nói về tầm quan trọng của tướng Giáp trong việc đưa hai quốc gia cựu thù Việt - Mỹ xích lại gần nhau hơn, Burghardt nói: "Có sự ủng hộ của tướng Giáp, một anh hùng chiến tranh, một người được coi là đã đánh bại cả người Pháp và người Mỹ, là điều rất hữu ích, rất hữu dụng đối với các nhà lãnh đạo".

Tạp chí L'Humanité của Pháp số cuối tuần qua đã dành đặc biệt 6 trang để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tiêu đề “Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do” do nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - nguyên là phóng viên thường trú báo tại Việt Nam những năm 1980, viết.

Roussel thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam, từ sinh trưởng cho tới khi trở thành vị Đại tướng, chỉ huy cuộc đấu tranh của quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp với trận Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.

Tác giả cũng nêu bật vai trò của tướng Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước cũng như những đóng góp của ông đối với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.

"Năm 1986, ông ủng hộ cho chính sách đổi mới về kinh tế đất nước, chính sự đổi mới này đã đưa Việt Nam đi lên trên con đường phát triển. Ông luôn gần gũi nhân dân và thấy được mọi khó khăn của người dân".

Bài viết, được Vietnam Plus dẫn lại này, là kết quả của hàng chục lần tác giả được gặp tướng Giáp với tất cả tình cảm quý mến và sự kính trọng. Theo tác giả, Đại tướng là con người rất dễ chịu, thạo nói tiếng Pháp, có cái nhìn trực diện và cái bắt tay chắc nịch. "Đây cũng chính là những biểu hiện của người lãnh đạo", tác giả nhận xét.

Kể lại những kỷ niệm của tác giả khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả Daniel Roussel cho biết trong những cuộc gặp này không bao giờ có vấn đề gì bị coi là cấm kỵ không được đề cập đến. Nhưng khi gặp một vấn đề khó chịu, giọng Đại tướng trở nên đanh lại. Ông là con người của sự nhiệt huyết và là "vị tướng của hòa bình”.

Daniel Roussel viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân”.


Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

>> 'Địch mạnh hơn ta': Lùi một... tiến ba bước!




Nếu Lý Thường Kiệt chọn công để lấn át khí thế quân thù, thì Trần Hưng Đạo lại chọn cách rút lui để lật ngược tình thế


Theo đó, vị Quốc công nhà Trần chủ động tránh sức mạnh địch, kéo địch vào trận tuyến chiến tranh toàn dân và đại phá...

Trước sức mạnh xuất quỷ nhập thần của quân Mông Cổ, những kẻ yếu bóng vía như Trần Nhật Hiệu, được Vua Trần Thái Tông hỏi thì chỉ lấy nước viết bên mạn thuyền hai chữ 'Nhập Tống', để mong nhờ "Thiên triều" che chở.

Trong khi Thái Sư Trần Thủ Độ lại thưa rằng, 'Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo...', Trần Hưng Đạo được cử đốc suất tả hữu tướng quân chống giặc và với tài điều binh khiển tướng tài tình, quân xâm lược Mông Cổ bị đánh thua phải chạy dài, không dám cướp phá và vĩnh viễn từ bỏ "mộng xâm lược" Đại Việt.

Binh lược "xoay chuyển tình thế"


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo viết: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Thế nên, cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời trung đại - của quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của ông, được tiến hành theo một phương thức rất đặc biệt.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhanh chóng thay đổi chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với khí thế hung hãn của quân Nguyên, sang lui binh. Hạ lệnh cho tất cả các cánh quân rút lui, ông cùng với hai vua Trần thu quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Giặc truy kích đến Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo lại đưa quân về Thăng Long. Khi giặc đuổi theo đến Thăng Long, ông điều binh rút về Thiên Trường (Nam Định). Cứ thế, quân ta tránh đụng độ với giặc trong nhiều tháng.

Ở đây, một chiến thuật có vẻ bất thường nhưng lại là một trong những điểm đặc sắc nhất thể hiện óc chiến lược sắc sảo của Trần Hưng Đạo. Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Bị chúng lấn át ngay trong những đợt tấn công đầu tiên, ông hiểu rằng, đối đầu ngay tức thì không phải là một chiến thuật đắc dụng trong tình huống này vì những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần. Và thất bại của quân Nguyên Mông năm 1258 góp phần chỉ rõ điểm mấu chốt đó.

Với Trần Hưng Đạo, thay vì tiến hành những cuộc tiến công trực diện ít có cơ hội chiến thắng, đánh vào điểm yếu này của địch sẽ là cách tốt nhất lấy đi sức mạnh của chúng. Áp dụng chiến lược lui binh, ông khiến cho địch không thể đánh theo cách đánh của chúng, nói theo cách khác, ông chủ động kéo dài cuộc chiến đấu. Khi đó, thiếu lương thực, địch tự làm chúng suy yếu.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Ngay từ nhỏ, cha của ông, Trần Liễu đã kén những thầy giỏi dạy cho Quốc Tuấn, ký thác cho con hội đủ tài võ. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh, xuất chúng, đọc rộng các sách cả văn lẫn võ. Trong đời mình, Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Nhưng ông lại càng tỏ ra là người hiền tài, một vị anh hùng cứu nước

Nắm được chìa khoá tiêu diệt địch, khi quân Nguyên lần thứ ba đưa quân sang xâm lược Đại Việt (1287- 1288), Trần Hưng Đạo đã tự tin tâu với vua Trần: "Thế giặc năm nay dễ phá". Và quả nhiên, sau khi tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đội binh lương của quân địch tại Vân Đồn (cuối năm 1287), quân địch lại rơi đúng vào tình huống ngặt nghèo về lương thảo, đã từ thế chủ động tấn công sang tình trạng dần mất phương hướng và rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta.

Tuy nhiên, nếu coi chiến lược lui binh của Trần Hưng Đạo là khởi đầu của một kế hoạch xoay chuyển tình thế: khoét sâu nhược điểm, đẩy giặc vào tình thế khốn đốn và lấy lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, thì cuộc chiến của nhân dân mỗi nơi giặc đến chính là bước thứ hai - sự phản công nắm chắc phần thắng. Vì thế mới nói sự phối hợp ăn ý giữa việc lui binh của quân triều đình với các cuộc tiến công tại chỗ của nhân dân khắp nơi (chiến tranh du kích) là yếu tố quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự điều binh, khiển tướng tài tình của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

“Hình dáng trận như chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chứ nhân, họp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người, một người làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một trận”, Trần Hưng Đạo nói về sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Trần Hưng Đạo

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 16/9/2000), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết, Đất Việt trích đăng:

"Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là một nhà chính trị-quân sự đại tài được vua Trần tin yêu, giao quyền tiết chế, thống suất tất cả vương hầu, tôn thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới. Khi quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258), ông được chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc.

Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất, ông vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu, trong đó có cả kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng, hàng giặc, Trần Quốc Tuấn vẫn hiên ngang bất khuất, giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi. Câu nói bất hủ của ông: "Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã", đã nêu một tấm gương lớn về tinh thần quyết chiến và ý chí "Sát Thát" trước triều đình, trước toàn quân và toàn dân ta.

Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở chỗ ông nhận thức rất rõ nhân dân là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông chủ trương: "Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước".

Ông xem, việc đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên thắng lợi, ông xác định: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức" là nhân tố đã làm cho "quân địch phải chịu bị bắt" (bỉ tựu tự cầm). Ông rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội "như cha con một nhà".

Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Nguyên Mông gây ra.

Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế từ hiểm nghèo thành thuận lợi, xoay chuyển thế trận, tạo nên thời cơ. Và khi thời cơ đến thì chuyển sang phản công; tiến công; chọn đúng hướng; đúng mục tiêu; đánh những trận quyết định; khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại.

Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt, "biết người, biết mình", chủ động điều địch, chủ động đánh địch, xem xét quyền biến... tùy thời mà làm"... Và theo đó, một học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại phong kiến đã hình thành, học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước. Chính trên cơ sở này, Lê Lợi - Nguyễn Trãi phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giải phóng; Nguyễn Huệ tiếp tục phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong khởi nghĩa của nông dân, trong chiến tranh giữ nước...

Với tài năng chính trị quân sự kiệt xuất, tấm lòng tận trung với vua, với nước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử trung đại, để lại những bài học lịch sử có giá trị về dựng nước và giữ nước. Những thành tựu về võ công và văn trị, những giá trị vật chất và tinh thần thời Trần đã làm vẻ vang lịch sử dân tộc và là niềm tự hào lớn lao cho Tổ quốc.

Sau lần xâm lược thất bại ở Đại Việt năm 1258, quân Nguyên không dám khinh suất. Trong các đợt xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phái đi những đạo quân đông gấp cả chục lần so với lần đầu và lần sau chuẩn bị chu đáo hơn lần trước (lần thứ 2, quân Nguyên có tới 50 vạn quân, lần thứ 3 quân Nguyên có 30 vạn quân, trong đó có cả thuỷ binh và chưa tính đội quân chở lương).

Tướng giặc Ô Mã Nhi đã thẳng thừng đe dọa quan quân nhà Trần rằng: "Chỉ trong chốc lát, núi sông (các ngươi) sẽ thành đất bằng, vua tôi (các ngươi) sẽ ra cỏ mục". Địch mong muốn dùng sức mạnh ào ạt khiến quân ta khiếp đảm, tan tác, nhưng cuối cùng đều bị Trần Hưng Đạo chỉ huy bị bẻ gãy nhanh chóng.


[BDV news]


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

>> Phạm Xuân Ẩn và huyền thoại nghề báo khiến Mỹ 'chết sặc'





Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên huyền thoại, ông - không ai khác - chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.

Khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương) vinh danh ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam; còn thế giới thì đánh giá ông là 1 trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX.

Nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn

Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa và mất ngày 20/9/2006 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.

Phạm Xuân Ẩn gia nhập cách mạng từ những ngày đầu cuộc chiến năm 1945 và hoạt động với vai trò tình báo chiến lược. Năm 1957, ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.



Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên nhị trùng huyền thoại, ông – không ai khác – chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.


Trở về nước, ông bắt đầu sự nghiệp trong thập niên 1960 cho hãng tin Reuters, rồi đến Herald Tribune của New York và The Christian Science Monitor. Cuối cùng, trở thành người Việt chính thức duy nhất của tạp chí Time suốt 11 năm, chứ không phải cộng tác viên địa phương.

Những người cùng thời nhận xét, nhà báo Phạm Xuân Ẩn được giới báo chí miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60-70 cực kỳ kính nể với nguồn tin bài phong phú và cách đánh giá nhìn nhận nhiều chiều. Theo Laura Palmer, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.

Trong suốt thời gian hoạt động tại Sài Gòn đến những năm giải phóng 1975, Phạm Xuân Ẩn bằng những mối quan hệ rộng lớn của một nhà báo, cùng khả năng khai thác và phân tích thông tin của mình, đã bí mật gửi cho Trung ương những tin tức tình báo quý giá, góp phần làm nên những thắng chiến thắng lịch sử của dân tộc ta như: trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971 …; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Báo chí Mỹ từng viết: "Bây giờ chúng ta mới biết được đó chỉ là phân nửa công việc của Ẩn với tư cách một phóng viên. Và chưa phải là phân nửa đáng nói. Ẩn còn gửi đều đều những tài liệu quân sự mật và thông tin viết bằng mực vô hình cho Bắc Việt, bây giờ được khóa kín trong văn khố của tình báo Việt Nam. Dùng chiếc máy đánh chữ hiệu Hermes mà cơ quan tình báo Bắc Việt mua cho, Ấn đánh tài liệu, có lúc dài đến hàng trăm trang vào lúc nửa đêm. Sau đó, ông chụp phim, cuộn tròn, gửi đến Củ Chi, nơi đặt tổng hành dinh trong lòng đất của Việt Cộng. Từ năm 1952, cứ cách vài tuần Ẩn lại rời văn phòng Sài Gòn, lái xe khoảng 20 dặm đi về hướng bắc để đến Hố Bò, rồi lẩn vào những đường hầm để nghiên cứu về chiến thuật cho phe Cộng sản. Từ Củ chi, tài liệu của Ẩn được quân hộ tống đưa đến núi Bà Đen ở biên giới Campuchia, rồi tới Nam Vang, từ đây được đưa bằng máy bay đến Guangzhou (Quảng Đông) ở phía Nam Trung Hoa và rồi được chuyển nhanh về cho bộ chính trị ở Bắc Việt Nam..."



Đánh giá về những tin tức tình báo của Phạm Xuân Ẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”.


Đánh giá về những tin tức tình báo của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ những tin tức đánh giá sắc sảo của Phạm Xuân Ẩn, mà “giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”. Tổng bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.

Quá hiểu địch!

Những đánh giá phân tích sắc gọn và tinh tế của Phạm Xuân Ẩn là kết quả của nhiều năm miệt mài học tập tại nước Mỹ, tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt nhất những gì ông nắm bắt được về đất nước con người Mỹ; kết hợp với những năm tháng chiến đấu trong lòng Sài Gòn, giữa một bên là chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam và một bên là đế quốc thực dân kiểu mới. Ông có một lợi thế không ai sánh bằng!

Trong vai trò là nhà tình báo chiến lược, những báo cáo kế hoạch của ông sinh động và chính xác đến không ngờ. Chính ông trong giai đoạn 1963 – sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính – đã khẳng định Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam, cho dù nhiều cấp trên của ông đã nghĩ khác. Phải đến tận năm 1965, Mỹ mới chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam. Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn tự tin như vậy vì ông hiểu người Mỹ hơn ai hết.

Tuyệt vời hơn, khi bước sang giai đoạn 1972-1975, khi miền Bắc Việt Nam còn chút do dự sau những tổn thất nặng nề của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, Phạm Xuân Ẩn tin chắc thời cơ lật đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã điểm. Ông phân tích dựa trên những dữ kiện mình có trong tay về nước Mỹ: chiến dịch Linebacker ném bom phá hoại miền Bắc không làm nhụt ý chí chiến thắng của dân tộc, Nixon sau đó mất chức, Henry Kissinger thua trên bàn đàm phán Paris trong cuộc đấu trí với Lê Đức Thọ, phong trào phản chiến đang lan rộng trên thế giới; đây là lúc để kết thúc cuộc chiến. Đúng như ông đã báo cáo, tháng 4 năm 1975, cuộc tổng tiến công giải phóng Sài gòn đã đập tan hơn 1 triệu lính miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã giành toàn thắng.

Người Mỹ nói về Phạm Xuân Ẩn

Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó...



Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông?


David Halberstam, bạn của Ẩn khi còn là phóng viên của Time tại Việt Nam nói: "Câu chuyện của Ẩn làm tôi sực nhớ ngay đến Graham Greene. Nó đề cập đến tất cả những câu hỏi căn bản: trung thành là gì? yêu nước là gì? sự thật là gì? anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó? và có một sự mâu thuẫn trong con người Ẩn mà chúng ta hầu như khó tưởng tượng được. Nhìn lại, tôi thấy ông là người bị chẻ làm đôi”.
Trong một quyển sách viết về Việt Nam xuất bản năm 1965, tự đề “Sự hình thành một vũng lầy”, Halberstam mô tả Ẩn như một cây đinh chốt “nhỏ nhưng rất quan trong trong một mạng lưới tình báo của các nhà văn và nhà báo. Anh ta có những đầu mối tiếp cận giới quân sự tốt nhất trong xứ này”. Bây giờ khi Halberstam biết rõ câu chuyện của Ẩn, anh ta có tức giận không? Không! Anh phản ánh đúng quan điểm của của hầu hết mọi đồng nghiệp của Ẩn: “Đây là một câu chuyện phức tạp. Nhưng tôi vẫn yêu Ẩn! Tôi không cảm thấy bị phản bội. Anh ta phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đọan bi thương của lịch sử đất nước mình. Không thể nào làm khác hơn được".

[BDV news]


Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> 'Binh chủng em út' xứng với 16 chữ vàng

Nhà thơ Chế Lan Viên xúc động nhớ lại hình ảnh cha ông cùng cháu con ra trận viết:

“Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng nước Bạch Đằng…”

Trong những ngày tháng sôi động ấy, khi cả nước đang vang vọng lời Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì có một binh chủng đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời: binh chủng đặc công với ba thành phần hợp thành gồm đặc công bộ, đặc công nước, đặc công biệt động.

Từ ngày thành lập 19/3/1967 đến nay đã 44 năm, lá cờ thêu 16 chữ vàng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” luôn tung bay chói lọi trên hàng quân cách mạng với cách đánh tinh nhuệ, hiệu quả lớn lao.

Đặc công có thế hệ cha anh từ các đội vũ trang quyết tử, biệt động trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tiếp tục mở rộng, phát triển sâu trong kháng chiến.


Bộ đội đặc công trong Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Tuấn Linh

Giai đoạn cuối chống Pháp, các trận tập kích của 16 chiến sĩ đại đội 8 mặt trận Hà Nội và 3 dân quân địa phương đánh vào sân bay Gia Lâm. Căn cứ không quân quan trọng của Pháp được canh phòng cẩn mật, do một trung đoàn Âu – Phi cùng lực lượng mật thám và hệ thống đồn bốt, mìn, dây thép gai dày đặc vẫn bị phân đội 19 người của chúng ta làm điên đảo. Kết quả, 18 máy bay bị phá hủy.

Trong trận sân bay Cát Bi (gần Hải Phòng), 32 chiến sĩ bộ đội địa phương Kiến An tập kích 6 tiểu đoàn địch được trang bị đầy đủ… Kết thúc trận đánh, 59 máy bay bị phá hủy trong vòng 15 phút và rút lui an toàn.

Hai trận đánh sân bay trên đã góp phần vào chiến cục Đông Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, là mẫu mực về cách đánh cho thế hệ sau.



Bộ đội đặc công trong thời kỳ kháng chiến.

Xa xưa, từ thời Trần cha ông ta đã có cách đánh trên sông biển lừng danh với tên tuổi Yết Kiêu, Dã Tượng. Đời sau trong chiến dịch Hà Nam Ninh 1951, Nguyễn Quang Vinh chỉ huy 1 tổ dùng thuyền nan chở thuốc nổ bí mật áp mạn đánh chìm tàu LCD. Trước đó, năm 1949 ở Long Châu Sa, bộ đội ta đã dùng thủy lôi tự tạo diệt tàu Glyxin.

Trên bộ, trên sông đã có những chiến công để bước vào chống Mỹ, đặc công bộ, đặc công thủy và đặc công biệt động phát triển mạnh vượt bậc.

Nhiều người chúng ta vẫn còn nhớ mãi hình ảnh mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn qua các trang các sách và bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, miêu tả chân thật các trận đánh vào sào huyệt quân Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, được sự đùm bọc của nhân dân, sự phối hợp chiến đấu của các đơn vị bạn, bộ đội đặc công trên các chiến trường đã đánh hàng nghìn trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn quân đối phương, tiêu diệt và đánh thiệt hàng trăm sở chỉ huy các cấp, phá hủy phá hỏng hàng nghìn máy bay các loại, 1.600 khẩu pháo, 9.000 xe quân sự, 400 tàu xuống chiến đấu...

Đọng lại trong tâm trí nhân dân và các em thơ, vẫn là hình ảnh anh bộ đội nói chung, anh lính đặc công nói riêng giản dị, cần cù, hiền như đất, như mọi người dân nước Việt.



Người lính đặc công Việt Nam. Ảnh: Tuấn Linh

Tiếp bước cha anh, giờ đây, các anh hàng ngày đều đặn ra thao trường, vào giảng đường, bởi những thách thức không nhỏ trước mắt. Đất nước thời mở cửa, hội nhập kinh tế thị trường… đem lại ấm no hơn và việc bảo vệ cuộc sống vật chất lẫn tinh thần càng nặng nề hơn.

Bộ đội đặc công tiếp tục phát huy tinh hoa của cha ông, truyền thống của quá khứ, tìm ra cách đánh thời hiện đại. Một trong những nhân tố thành công của đặc công, các anh hiểu đấy là có sự đùm bọc của dân và các lực lượng bạn.

Đặc công cùng các đơn vị khác tham gia chống bão, cứu hộ cứu nạn, chống lũ quét, chống khủng bố đường không, đường thủy, các cửa khẩu… Lúc nào anh cũng gắn bó với dân, vì dân.



Bộ đội đặc công không ngừng rèn luyện xứng đáng với 16 chữ vàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị trong ngày thành lập 19/3/1967:

“Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt. Có thể nói, do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao. Chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm. Bây giờ các chú cũng thế, cũng phải lấy ít đánh nhiều nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều.”

Năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện nhân 35 năm ngày thành lập binh chủng:

“Cách đánh của Bộ đội Đặc công vốn có tiền đề từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, được Đảng và quân đội ta kế thừa, phát triển lập một trình độ mới. Đó là đỉnh cao của cách đánh giặc lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, là sự phát triển sáng tạo độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.”

Nhân ngày lễ này, chúng ta gửi niềm tin cậy đến những người lính đặc công, binh chủng thuộc loại “em út” nhưng rất giàu truyền thống của quân đội ta.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

>> 'The NVA and Viet Cong'



"The NVA and Viet Cong" được minh họa bằng cả tranh minh họa vẽ màu và hình chụp tư liệu.

Công trình sưu tầm, phục dựng của nhóm tác giả và những tư liệu hình ảnh làm sáng rõ ý nghĩa tên gọi của bộ đội Cụ Hồ là Quân đội Nhân dân.

Quân đội Nhân dân nghĩa là đội quân gắn liền với nhân dân, trưởng thành từ nhân dân. Sự phát triển của trang phục, quân trang của QĐND cũng mang ý nghĩa đó. Vì vậy, khi nhân dân còn khổ, bộ đội chưa thể mặc đẹp.

Ngày nay, khi đời sống kinh tế phát triển, mức sống của người dân dần được nâng cao, tạo điều kiện cho Quân đội Nhân dân hiện đại hóa, trong đó, có cả việc trang bị quân trang, quân phục chuyên nghiệp, hội nhập với thế giới.

Dưới đây là một số hình ảnh về trang phục lực lượng vũ trang Việt Nam giới thiệu trong cuốn "The NVA and Viet Cong":



Quân đội Nhân Dân Việt Nam năm 1953 với súng trường MAS36 của Pháp.


Hình 1: Chiến sĩ Việt Minh ở Hà Nội năm 1954 với quân trang, quân dụng. Hình 2: Chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hà Nội năm 1955


Chiến sĩ du kích thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (PLAF) ở Sài Gòn năm 1968. Hình 3 trong ảnh là huy hiệu của chiến sĩ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.


Phi công trong lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam năm 1972


Hình 1:Trung úy pháo binh; Hình 2: Sĩ quan pháo binh; Hình 3: Hạ sĩ quan pháo binh;


Nhân viên Bộ nội vụ (Công an Nhân dân) đầu những năm 1980. Hình trên: huy hiệu Công An gắn trên mũ.


Trung úy của QĐND Việt Nam năm 1987. Từ trên xuống:huy hiệu gắn trên mũ của chiến sĩ - sĩ quan - tướng trong QĐND.


Hải quân Việt Nam và các cấp bậc trong Hải quân năm 1988.


Cấp bậc ở những binh chủng khác nhau của QĐND Việt Nam năm 1982 xuất hiện trong "The NVA and Viet Cong"


Hình chụp mũ của QĐND Việt Nam (trên) và mũ của chiến sĩ du kích PLAF.


Hai loại giày dùng trong chiến đấu của QĐND Việt Nam. Trong trang sách này, các tác giả có sự nhầm lẫn khi nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "cha đẻ" Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên thực tế, chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là "người anh cả" của quân đội.


Trong quá trình hiện đại hóa, quân phục của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp.



(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang