Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

>> Khai mạc Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN



Sáng nay đã diễn ra lễ khai mạc ANCM lần thứ 5, tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo hải quân các quốc gia trong cộng đồng Đông Nam Á.



ANCM - ASEAN Navy Chiefs' Meeting - Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh an ninh hàng hải khu vực đạt được nhiều thành tựu tích cực như các hoạt động chung của Hải quân các nước ASEAN, giúp tăng cường giao lưu hiểu biết lẫn nhau, hợp tác tuần tra làm nạn cướp biển ở eo biển Malaca giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều thách thức mới nổi lên, gồm những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt, là xuất hiện các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa chủ quyền đối với một số quốc gia trong khu vực.

Theo Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, những thách thức an ninh chung, ảnh hưởng tới mọi quốc gia trong khu vực, dù có biển hay không có biển. Đòi hỏi nỗ lực tập thể của các nước mới có thể đối phó một cách hiệu quả.



Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN. Ảnh: Tuấn Linh


Các hoạt động của ANCM lần 5 sẽ diễn ra đến hết ngày 29/7/2011. Trong đó, lãnh đạo hải quân các nước ASEAN sẽ gặp mặt, đọc tham luận dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề: Định hướng và đăng ký hoạt động hợp tác, thiết lập đường dây nóng Hải quân ASEAN... Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận về sáng kiến giao lưu sỹ quan trẻ, "gửi tín hiệu chào giữa tàu và máy bay hải quân khi gặp nhau trên biển" do Việt Nam đề xuất. Cuối cùng, lãnh đạo Hải quân các nước sẽ tìm hiểu một số đơn vị hải quân Việt Nam.



Trước khi ANCM 5 khai mạc, Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Linh


ANCM là hoạt động thường niên trong các kênh trao đổi quân sự của cộng đồng Đông Nam Á, cùng với Hội nghị Tư lệnh Không quân, Lục quân ASEAN. Dự kiến, nước chủ nhà của ANCM 6 sẽ là Brunei.

[BDV news]


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

>> Biển Đông cuộn sóng

Sóng Biển Đông đang gầm gào thét gọi, lay động những tâm hồn Việt Nam chẳng thể nào ngủ yên vì những hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước. Đây không là hành vi của bọn cướp biển Xômali của một quốc gia đang chao đảo, mà là hành vi của các lực lượng cưỡi trên những con tàu “hải giám” được trang bị đến tận răng và được hỗ trợ bởi nào là máy bay tàng hình, nào là hàng không mẫu hạm hòa tấu với sự ngụy biện bằng những lời đường mật mỹ miều cũ kỹ cố tân trang song càng tân trang lại càng tương phản.

Ở cạnh một nước láng giềng với mong muốn “tối lửa tắt đèn có nhau”, chúng ta cứ ao ước được “bên ni biên giới là mình, bên kia biên giới cũng tình anh em”. Và trong trái tim nhân dân của hai nước Việt-Trung bao đời, những người dân hiền lành, lương thiện, luôn dành chỗ cho tình hữu nghị anh em từng cưu mang cứu giúp lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Không phải ngẫu nhiên mà căn cứ địa thần thánh của cách mạng và kháng chiến của ta trong thế kỷ XX được xây dựng kề sát biên giới Việt Trung, và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã ghi tạc vào lòng sự đùm bọc của bà con người Hoa bên kia biên giới trong những ngày đen tối của xiềng xích thực dân, đế quốc, phát xít. Cũng chính nơi đây, sau 30 năm bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã dừng lại tại cột mốc biên giới để xúc động cúi hôn nắm đất quê hương.



Hải quân Việt Nam đang từng bước xây dựng chính quy,hiện đại, bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc (Ảnh: Hoàng Long)

Rồi đến hôm nay, đúng một trăm năm ngày Bác ra đi tìm đường, những cột mốc nằm suốt dải biên giới Việt - Trung đã được xác định và gia cố vững chắc để khẳng định trên thực địa tính tôn nghiêm của quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của một quốc gia. Thế nhưng cùng với việc thỏa thuận cột mốc biên giới trên bộ, thì “chiếc lưỡi bò” với toan tính lấn chiếm lại thè ra muốn liếm trọn Biển Đông để thỏa cơn khát năng lượng của một cường quốc đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa bằng bất cứ giá nào.

Việc làm này của Trung Quốc đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc anh em vốn muốn sống hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, cũng đi ngược lại với thiện chí của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc từng có những hành động và ý nguyện thiết thực xây đắp mối quan hệ Việt – Trung thực sự tốt đẹp.

Theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp thì nguồn dự trữ dầu của Trung Quốc đã sụt giảm gần 40% kể từ năm 2001. Để thỏa mãn nhu cầu về năng lượng thì Biển Đông với diện tích khoảng 3.500.000 km2, chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí (con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được ghi nhận) quả thật là “vịnh Ba tư thứ hai” theo cách nói của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ra ngày 19-4-2011, là kho dự trữ lý tưởng mà cơn khát năng lượng của nước này nhằm vào.

Cho nên, cùng với sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền, cần phải làm cho nhân dân Trung Quốc biết về những hành động của một bộ phận lãnh đạo của họ đối với nước láng giềng Việt Nam. Trong khi cố gắng hàn gắn và củng cố mối quan hệ song phương với Trung Quốc thì đồng thời chúng ta phải làm cho cộng đồng quốc tế biết về thiện chí của ta và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông để thế giới hiểu thêm về Trung Quốc mà họ vốn rất cảnh giác trong quan hệ.

Điều quan trọng nhất là trong khi mở ra một mặt trận đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế, phải ra sức cải thiện hình ảnh Việt Nam trong lòng bè bạn. Để có được cái đó thì xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh làm chỗ dựa vững chắc cho mọi giải pháp cần phải có nhằm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Để làm được việc này cũng cần phê phán luận điệu đang được tung lên nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, đành phải dẫn ra đây để mỗi người Việt Nam có lòng tự trọng dân tộc tỏ tường hành động của Trung Quốc: “Một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói một câu, trẻ con không nghe lời phải đét đít.

Sau đó 10 vạn đại quân điều tới biên cương. Còn bây giờ thì sao? Trẻ con không những không nghe lời mà còn hoàn toàn không thèm để mắt tới người lớn. Ngang nhiên nói, tiến hành bầu cử quốc dân trên các đảo bãi xâm chiếm phi pháp tại Biển Đông, còn gào thét đó là công việc nội bộ của quốc gia, nói là, phải dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền thần thánh không thể xâm phạm của đất nước mình. Điều đó chẳng phải là chống lại trời thì là cái gì. Liệu không thể đét đít chăng? Không cho bài học, từ nay trở đi liệu có ổn không? Không đánh bây giờ thì đợi đến khi nào?”. Đây là lời trích trong bài “Liệu khi Trần Tổng Tham mưu trưởng trở về [tức là Trần Bỉnh Quốc vừa có chuyến công du đến Mỹ] có là lúc dạy cho An Nam bài học?”.

Việc ngang nhiên cho tàu “hải giám” [thực chất là tàu quân sự] xâm nhập vùng biển của ta để cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh là một bước leo thang nhằm thực hiện ý đồ nói trên. Cần hiểu rằng, đây chỉ là khúc nhạc dạo đầu để thăm dò thái độ của Việt Nam mà thôi. Và nếu như không có một thái độ thật cứng rắn thì từ khúc nhạc dạo đầu đó nó sẽ là một bản “hòa tấu” quen thuộc của những lời có cánh đi liền với những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Đúng như sự nhận định của thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an ngày 31-5-2011: “Chủ quyền quốc gia là tối thượng của một dân tộc, là vĩnh cửu, là trường tồn. Không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình cả... Phải nói rõ việc làm của Trung Quốc đã vi phạm gì, vi phạm đến đâu sự độc lập của chúng ta, để cho thế giới biết chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc mà là tinh thần tự tôn dân tộc”.

Lòng yêu nước gắn làm một với tinh thần tự tôn dân tộc là điểm nhạy cảm nhất trong tâm thế Việt Nam, chạm đúng vào điểm nhạy cảm ấy là một sức mạnh vô bờ được bật dậy “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ” như Bác Hồ đã từng phân tích. Đây chính là lúc phải biết tiếp tục phát huy truyền thống Việt Nam quật cường bất khuất không bao giờ chịu hèn yếu cúi đầu khuất phục cho dù kẻ thù có hung bạo đến đâu.

Kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, chỉ giữ được hòa hiếu nếu chúng ta có đủ thực lực. Khi Nguyễn Trãi nhằm “sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” đã “nghĩ kế lâu dài đất nước, tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh” [Bình Ngô đại cáo]. Mà làm được vậy vì thực lực của cuộc kháng chiến ở thế kỷ XV buổi ấy vốn đã từng “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn, Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”.[Bình ngô đại cáo]

Cũng vì vậy, đúng một năm trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Hồ Chí Minh từng căn dặn : “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Để có đủ thời gian gây dựng thực lực, Hồ Chí Minh đã từng khai thác bất cứ khả năng nào có thể, cho dù là nhỏ nhất, để nhân nhượng nhằm kéo dài thời kỳ hoà bình mong manh. Thế nhưng, “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa..Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ”. Đó chính là bản lĩnh của Hồ Chí Minh.

Có được bản lĩnh ấy vì Hồ Chí Minh tin chắc vào sức mạnh của dân tộc mình, biết cách khởi động và đẩy tới đỉnh cao sức mạnh đó bằng đường lối đại đoàn kết dân tộc. “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên”. Nội hàm của khái niệm “đồng bào” của Hồ Chí Minh rất rộng lớn và dứt khoát : “bất kỳ đàn ông đàn bà, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Vũ khí vạn năng của “người Việt Nam” là lòng yêu nước và ý chí quật cường lưu truyền trong huyết quản. Chính cái đó là chất xi măng gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng của dân chủ và tự do được nghiêm chỉnh thực hiện. Bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Đã đúng một trăm năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước để có một đất nước như hôm nay. Đúng vào dịp này, tiếng sóng biển vỗ dưới thân tàu “đưa tiễn Bác” thuở nao nay lại đang sục sôi gầm thét về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, khúc dạo đầu cho toan tính liếm trọn Biển Đông để thỏa cơn khát năng lượng.

Chúng ta khát khao hòa hiếu và hữu nghị với các nước láng giềng. Tuy nhiên, hòa bình và hòa hiếu không thể bằng sự nhân nhượng mà có được. Bởi vậy, phải thường trực nuôi dưỡng và phát huy ý chí quật cường bất khuất mà ông cha ta bao đời nuôi dưỡng để biến thành vũ khí mầu nhiệm bảo vệ chủ quyền. Kỷ niệm một trăm năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đúng vào lúc mà Biển Đông đang nổi sóng. Đây không còn là “sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương” của trăm năm trước khi đất nước còn trong xiềng xích của thực dân, đế quốc, phát xít mà là tiếng sóng phẫn nộ của một đất nước độc lập, thống nhất đang đối diện với hành động và mưu toan lấn chiếm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia từng hiên ngang đứng bên bờ Thái Bình Dương đầy thử thách. Biển Đông đang cuộn sóng.

Biết cách khởi động sức mạnh toàn dân để bảo vệ chủ quyền là việc cần kíp hôm nay. Đó
là chính cách thiết thực kỷ niệm và học tập bản lĩnh Hồ Chí Minh.
(Nguồn :: Vitinfo)

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> 'Binh chủng em út' xứng với 16 chữ vàng

Nhà thơ Chế Lan Viên xúc động nhớ lại hình ảnh cha ông cùng cháu con ra trận viết:

“Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng nước Bạch Đằng…”

Trong những ngày tháng sôi động ấy, khi cả nước đang vang vọng lời Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì có một binh chủng đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời: binh chủng đặc công với ba thành phần hợp thành gồm đặc công bộ, đặc công nước, đặc công biệt động.

Từ ngày thành lập 19/3/1967 đến nay đã 44 năm, lá cờ thêu 16 chữ vàng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” luôn tung bay chói lọi trên hàng quân cách mạng với cách đánh tinh nhuệ, hiệu quả lớn lao.

Đặc công có thế hệ cha anh từ các đội vũ trang quyết tử, biệt động trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tiếp tục mở rộng, phát triển sâu trong kháng chiến.


Bộ đội đặc công trong Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Tuấn Linh

Giai đoạn cuối chống Pháp, các trận tập kích của 16 chiến sĩ đại đội 8 mặt trận Hà Nội và 3 dân quân địa phương đánh vào sân bay Gia Lâm. Căn cứ không quân quan trọng của Pháp được canh phòng cẩn mật, do một trung đoàn Âu – Phi cùng lực lượng mật thám và hệ thống đồn bốt, mìn, dây thép gai dày đặc vẫn bị phân đội 19 người của chúng ta làm điên đảo. Kết quả, 18 máy bay bị phá hủy.

Trong trận sân bay Cát Bi (gần Hải Phòng), 32 chiến sĩ bộ đội địa phương Kiến An tập kích 6 tiểu đoàn địch được trang bị đầy đủ… Kết thúc trận đánh, 59 máy bay bị phá hủy trong vòng 15 phút và rút lui an toàn.

Hai trận đánh sân bay trên đã góp phần vào chiến cục Đông Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, là mẫu mực về cách đánh cho thế hệ sau.



Bộ đội đặc công trong thời kỳ kháng chiến.

Xa xưa, từ thời Trần cha ông ta đã có cách đánh trên sông biển lừng danh với tên tuổi Yết Kiêu, Dã Tượng. Đời sau trong chiến dịch Hà Nam Ninh 1951, Nguyễn Quang Vinh chỉ huy 1 tổ dùng thuyền nan chở thuốc nổ bí mật áp mạn đánh chìm tàu LCD. Trước đó, năm 1949 ở Long Châu Sa, bộ đội ta đã dùng thủy lôi tự tạo diệt tàu Glyxin.

Trên bộ, trên sông đã có những chiến công để bước vào chống Mỹ, đặc công bộ, đặc công thủy và đặc công biệt động phát triển mạnh vượt bậc.

Nhiều người chúng ta vẫn còn nhớ mãi hình ảnh mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn qua các trang các sách và bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, miêu tả chân thật các trận đánh vào sào huyệt quân Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, được sự đùm bọc của nhân dân, sự phối hợp chiến đấu của các đơn vị bạn, bộ đội đặc công trên các chiến trường đã đánh hàng nghìn trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn quân đối phương, tiêu diệt và đánh thiệt hàng trăm sở chỉ huy các cấp, phá hủy phá hỏng hàng nghìn máy bay các loại, 1.600 khẩu pháo, 9.000 xe quân sự, 400 tàu xuống chiến đấu...

Đọng lại trong tâm trí nhân dân và các em thơ, vẫn là hình ảnh anh bộ đội nói chung, anh lính đặc công nói riêng giản dị, cần cù, hiền như đất, như mọi người dân nước Việt.



Người lính đặc công Việt Nam. Ảnh: Tuấn Linh

Tiếp bước cha anh, giờ đây, các anh hàng ngày đều đặn ra thao trường, vào giảng đường, bởi những thách thức không nhỏ trước mắt. Đất nước thời mở cửa, hội nhập kinh tế thị trường… đem lại ấm no hơn và việc bảo vệ cuộc sống vật chất lẫn tinh thần càng nặng nề hơn.

Bộ đội đặc công tiếp tục phát huy tinh hoa của cha ông, truyền thống của quá khứ, tìm ra cách đánh thời hiện đại. Một trong những nhân tố thành công của đặc công, các anh hiểu đấy là có sự đùm bọc của dân và các lực lượng bạn.

Đặc công cùng các đơn vị khác tham gia chống bão, cứu hộ cứu nạn, chống lũ quét, chống khủng bố đường không, đường thủy, các cửa khẩu… Lúc nào anh cũng gắn bó với dân, vì dân.



Bộ đội đặc công không ngừng rèn luyện xứng đáng với 16 chữ vàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị trong ngày thành lập 19/3/1967:

“Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt. Có thể nói, do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao. Chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm. Bây giờ các chú cũng thế, cũng phải lấy ít đánh nhiều nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều.”

Năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện nhân 35 năm ngày thành lập binh chủng:

“Cách đánh của Bộ đội Đặc công vốn có tiền đề từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, được Đảng và quân đội ta kế thừa, phát triển lập một trình độ mới. Đó là đỉnh cao của cách đánh giặc lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, là sự phát triển sáng tạo độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.”

Nhân ngày lễ này, chúng ta gửi niềm tin cậy đến những người lính đặc công, binh chủng thuộc loại “em út” nhưng rất giàu truyền thống của quân đội ta.
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang