Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Công nghệ cao

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Công nghệ cao. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Công nghệ cao. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

>> Cách mạng khoa học trong quân sự và sự tác động đến phương thức tác chiến



Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ vào những năm cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21 đã tác động mạnh mẽ, tạo ra một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ triệt để ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để phát triển hàng loạt các trang bị quân sự mới, vũ khí công nghệ cao (VKCNC).




Tên lửa hành trình Tô-ma-hốc được phóng lên từ tàu nổi của Anh. Ảnh: Internet

Sự xuất hiện của các loại vũ khí “thông minh” được điều khiển từ xa, có tầm hoạt động xuyên quốc gia, có khả năng tự tìm mục tiêu với độ chính xác cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được phóng đi từ ngoài vùng hỏa lực đánh trả của đối phương… trong chiến tranh vùng Vịnh-1991 được xem là sự mở đầu của kỷ nguyên chiến tranh VKCNC. Ngoài tên lửa Pa-tri-ốt, tên lửa Tô-ma-hốc là vũ khí phòng không mặt đất kiểu mới, trong chiến tranh vùng Vịnh, lần đầu tiên Mỹ cho “trình làng” loại tên lửa không đối đất Slam... Trong chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (2001), chiến tranh I-rắc (2003) và hiện tại là cuộc chiến tranh Li-bi, các loại VKCNC, nhất là tên lửa hành trình liên tục được cải tiến. Sau cải tiến, mỗi loại tên lửa đều có những tính năng ưu việt hơn, được bổ sung thêm những đầu đạn mới, cự ly phóng xa hơn và độ chính xác cao hơn...

Đáng chú ý, trong số các tên lửa hành trình mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh I-rắc, đa số là mang đầu đạn xuyên phá các công trình ngầm, kiên cố và các phương tiện cơ giới bọc thép... Từ thế hệ tên lửa đầu tiên đến nay, đã xuất hiện nhiều loại tên lửa Tô-ma-hốc. Điển hình phải kể đến là tên lửa hành trình Tô-ma-hốc BGM-109 phóng từ tàu ngầm, tàu nổi dùng để tiến công các mục tiêu trên đất liền. Các tên lửa Tô-ma-hốc chiến thuật, mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, được cải tiến và ký hiệu từ A đến D...

Trong các cuộc chiến tranh do Mỹ và liên quân tiến hành gần đây có sự xuất hiện của tên lửa hành trình Tô-ma-hốc nâng cấp từ Block-I đến Block-IV sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, máy thu vệ tinh có khả năng kháng nhiễu cao, đầu đạn nhẹ hơn, tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn... Mặc dù phía liên quân xác nhận mục tiêu đánh phá không nhằm vào cá nhân nào, nhưng máy bay của họ đã không kích có định vị vào các căn cứ quân sự của chính quyền Ca-đa-phi. Các loại tên lửa được sử dụng trong các cuộc không kích của NATO vào Li-bi đều sử dụng hệ thống định vị GPS. Cuộc không kích trúng nhà con trai út của ông Ca-đa-phi đêm 30-4 vừa qua có thể xem là một minh chứng…

Ngoài tên lửa, một số nước còn nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí tiến công từ xa mới có khả năng tác chiến ban đầu tốt, nhất là độ chính xác và khả năng sát thương. Điển hình như thiết bị tung rải tự động AFDS do Đức và Mỹ phối hợp sản xuất; thiết bị tung rải DWS 24/39 trên máy bay do Đức và Thụy Điển hợp tác sản xuất… Sự ra đời của nhiều loại vũ khí mới đã tạo thành một hệ vũ khí với nhiều tính năng, tác dụng khác nhau.

Sự phát triển nhanh chóng của VKCNC đã tác động làm thay đổi hẳn phương thức tác chiến. Sau chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ và một số nước đồng minh đưa ra khái niệm tác chiến mới: Tác chiến phi tiếp xúc. Khái niệm này được hiểu là: Tác chiến thoát ly tiếp xúc, đánh trả gián tiếp, bên tiến công có thể phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm phạm không phận và lãnh thổ của bên bị tiến công…

Qua các cuộc chiến tranh gần đây, tác chiến phi tiếp xúc đã thực sự trở thành biện pháp tác chiến chiến lược quan trọng, phổ biến và được vận dụng trong tất cả các giai đoạn chiến tranh, rõ nhất là trong giai đoạn tiến công hỏa lực. Trong tác chiến truyền thống, muốn tiêu diệt một chiếc xe tăng hoặc một khẩu pháo, một hầm ngầm… phải dội hàng chục tấn bom đạn, thì hiện nay bằng tác chiến phi tiếp xúc chỉ cần một quả tên lửa hoặc một quả đạn pháo được điều khiển với độ chính xác cao là có thể diệt gọn. Tương tự, nếu trong tác chiến truyền thống muốn phá hủy các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương, bên tiến công phải dùng không quân hoặc bộ binh xâm phạm không phận, lãnh thổ của đối phương. Nhưng trong tác chiến phi tiếp xúc, bằng các loại VKCNC, từ không phận, lãnh thổ của mình bên tiến công có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương… Có thể thấy, ưu điểm nổi bật của tác chiến phi tiếp xúc là, áp dụng được nhiều thủ đoạn, tổn thất sinh lực thấp, nhờ tiến công đối phương từ xa. Mặt khác bằng tác chiến phi tiếp xúc, bên tiến công có thể thoải mái lựa chọn mục tiêu đánh phá, vì thế hiệu quả tác chiến rất cao, mà tổn thất phụ lại thấp; có thể đánh bất cứ lúc nào, trong mọi điều kiện thời tiết…

Tuy đánh trúng tất cả các mục tiêu quan trọng nhưng VKCNC vẫn có những sai số dù rất nhỏ (theo tổng kết của NATO từ 7 đến 9%). Trong cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999, không quân Mỹ và NATO đã tốn khá nhiều bom, đạn do oanh kích vào các mục tiêu giả, trận địa giả do Nam Tư tạo ra. Hay gần đây nhất trong cuộc chiến tranh Li-bi không dưới hai lần máy bay của liên quân không kích nhầm vào mục tiêu của lực lượng nổi dậy… Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây, đặc biệt là sự chống trả của Nam Tư, I-rắc; Áp-ga-ni-xtan… cho thấy phương thức tác chiến này cũng bộc lộ những hạn chế. Đáng chú ý là, tác chiến phi tiếp xúc khó đạt hiệu quả cao ở địa hình rừng núi; khó phân biệt thật giả nếu không có một hệ thống truyền tin, tình báo, trinh sát tốt, hệ thống định vị và tác chiến điện tử mạnh; các vũ khí, phương tiện tiến công phi tiếp xúc phải bay một quãng đường xa đến hàng nghìn km, tốc độ không lớn và quỹ đạo bay khá ổn định; công tác bảo đảm chiến đấu phức tạp v.v..

Khi đề cập đến giải pháp đối phó với VKCNC và tác chiến phi tiếp xúc, các quốc gia trên thế đã phân tích khá kỹ những hạn chế trên. Đặc biệt là kinh nghiệm phòng tránh, đánh trả của Nam Tư trong cuộc chiến tranh Cô-xô-vô. Bằng chủ động phòng tránh; tăng cường khả năng cơ động; thực hiện ngụy trang, nghi binh và gây nhiễu… kết hợp với tích cực đánh trả bằng màn hỏa lực dày đặc, quân đội Nam Tư đã bắn rơi hơn 40 máy bay, đánh chặn được hơn 180 tên lửa hành trình… của NATO. Khi mà các nước tiến công dựa vào VKCNC đã thay đổi phương thức tác chiến cũ bằng tác chiến phi tiếp xúc, thì các nước bị tiến công cũng phải nghiên cứu tìm phương thức tác chiến mới cho phù hợp với tình hình. Đó là quy luật tất yếu của chiến tranh.


[BDV news]



Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

>> Bin Laden bị giết vì 'low tech'



Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cho rằng, việc xa lánh công nghệ cao đã dẫn đến kết cục bi thảm của Osama Bin Laden.



Trong thế giới hiện đại, khi mà điện thoại và internet là một phần không thể thiếu của bất cứ ai thì bin Laden lại đi ngược lại xu hướng này, quyết định tránh xa tất cả các thiết bị truyền thông công nghệ cao. Thậm chí, việc liên lạc của Osama Bin Laden với thế giới bên ngoài đều thông qua những người đưa thư truyền thống.

Phía Mỹ cho rằng, chính điều này đã dẫn đến sự thất bại của bin Laden. Bởi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã lần theo những người đưa thư và đã tìm ra nơi trú ẩn của Osama Bin Laden.

Một khía cạnh khác, những người đưa thư dù có trung thành đến mấy thì cũng rất khó lòng mà che giấu thông tin trước các “độc chiêu” của CIA.

Nhiều năm truy đuổi Osama Bin Laden, Mỹ cho rằng ông ta luôn sống trong các điều kiện khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, Bin Laden sống trong các biệt thự sang trọng nằm sâu bên trong các căn cứ ở Pakistan và Afghanistan.




Ảnh chụp vệ tinh khu biệt thự của bin Laden.


Các ngôi biệt thự này đều không có bất kỳ phương tiện truyền thông nào liên lạc với bên ngoài, chính điều này đã tố cáo ông ta. Sự vắng mặt của các thiết bị truyền thông trong một ngôi biệt thự sang trọng như vậy là cả một sự bất thường đối với tình báo Mỹ.

Tại nơi ấn nấp trong những ngày cuối đời của bin Laden, đội đặc nhiệm SEAL không tìm thấy điện thoại hay phương tiện truyền tín hiệu internet.

Trong khi Osama Bin Laden từ chối và xa rời các thiết bị công nghệ cao, thì phía Mỹ lại dùng tất cả những thiết bị công nghệ cao tinh vi nhất để tìm kiếm và theo dõi.

Ngày 2/5, Lầu Năm Góc đã công bố các bức ảnh vệ tinh chụp nơi ẩn náu của Osama Bin Laden. Các bức ảnh cung cấp một cách chi tiết sơ đồ xung quanh, chiều cao chính xác của các bức tường, cách bố trí an ninh. Trong khi đó lực lượng bảo vệ của Osama Bin Laden hoàn toàn không hay biết gì về việc bị lọt vào tầm ngắm. Khi biết thì đã quá muộn.

Tân Giám đốc CIA Leon Panetta cho biết: “Chúng tôi đã vận dụng đầy đủ khả năng của chúng ta, thu thập thông tin tình báo từ cả hai phương thức. Từ con người và từ máy móc kỹ thuật cao, cùng với những phân tích khắt khe nhất của các chuyên gia hàng đầu”.


Mỹ sử dụng tất cả các thiết bị hiện đại nhất để tìm kiếm và theo dõi bin Laden và các thành viên trong tổ chức Al Qeada.


Trong khi đó, một số nhà phân tích đặt ra giả thuyết: Nếu Osama Bin Laden cũng sử dụng các thiết bị truyền thông công nghệ cao, thì khả năng Mỹ tiêu diệt được ông ta là bao nhiêu.

Nếu lực lượng của bin Laden cũng sử dụng các thiết bị truyền thông công nghệ cao, hoàn toàn có thể tạo ra các mục tiêu giả để đánh lừa các phương tiện giám sát công nghệ cao của Mỹ.

Việc sử dụng các thiết bị truyền thông công nghệ cao cũng giúp cho việc phát hiện ra vị trí của mình đang nằm trong tầm ngắm. Các phương tiện liện lạc bằng vô tuyến có thể thông báo kịp thời một khi mục tiêu bị lộ. Các thiết bị giám sát công nghệ cao như camera quan sát ngày/đêm, cảm biến phát hiện chuyển động hoàn toàn có thể phát hiện sớm bất kỳ sự xâm nhập trái phép.

Song tất cả các thiết bị trên đều vắng mặt trong các khu trú ẩn của Osama Bin Laden, ông ta chỉ tin tưởng vào con người.

Đúng là điều này đã giúp cho Osama Bin Laden lẩn trốn trong gần một thập kỷ qua, đó có thể gọi là một thành công. Song đó cũng là một thất bại, khi bin Laden không có các phương tiện để đối phó lại các thiết bị giám sát công nghệ cao của Mỹ.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang