Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Cục Thiết kế Sukhoi

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Cục Thiết kế Sukhoi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cục Thiết kế Sukhoi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

>> Hồ sơ cục thiết kế Sukhoi (kỳ 2)



Cục thiết kế Sukhoi trải qua 4 đời lãnh đạo. Trong số đó, 2 người để lại dấu ấn rõ nét nhất là nhà sáng lập Pavel Sukhoi và cha đẻ chiến đấu cơ Su-27 Mikhail Simonov.


Kỳ 2: Dấu ấn hai nhà lãnh đạo OKB Sukhoi

Pavel Sukhoi, người sáng lập OKB Sukhoi

Pavel Osipovich Sukhoi sinh ngày 22/7/1895 tại ngôi làng nhỏ Hlybokaye (Belarus) giáp biên giới Đế Quốc Nga. Năm 1905, Pavel tới học tại trường Gomel Gymnasium. Trong thời gian học tại đây, vô tình cậu bé Sukhoi đã thấy chiếc máy bay và điều đó đã thay đổi cả cuộc đời sau này của cậu.

“Tôi đang đi cùng với bạn bè mình từ phòng tập thể dục và đột nhiên một chiếc máy bay bay trên đầu chúng tôi. Đó là điều bất ngờ, tuyệt vời và tuyệt đẹp! Không phải là một con chim mà là người đàn ông thực sự đang bay trên đầu chúng tôi,” Pavel Sukhoi nhớ lại giây phút thay đổi cả đời mình.

Sau lần đó, ông dành nhiều thời gian tới việc chế tạo mô hình máy bay và tàu lượn.

Năm 1915, Sukhoi chuyển tới học ở Trường kỹ thuật Moscow (ngày nay là ĐH kỹ thuật Bauman Moscow). Thế chiến thứ nhất nổ ra ông gia nhập quân đội và phục vụ tới năm 1920 thì ra quân vì lý do sức khỏe, ông quay lại trường kỹ thuật học tiếp tới năm 1925.

Trong trường, ông có một học lực xuất sắc nổi bật hơn tất cả sinh viên cùng khóa. Ông sớm được Andrey Tupolev – nhà thiết kế máy bay nổi tiếng của Xô Viết để ý và dìu dắt. Đề án tốt nghiệp “máy bay một động cơ Chasseur” của Pavel Sukhoi được Tupolev trực tiếp hướng dẫn.

Sau khi tốt nghiệp, Sukhoi được Tupolev đưa vào làm ở TsAGI (Viện khí động lực học hàng không Trung ương) và tham gia hầu hết các dự án công nghệ máy bay tiên tiến nhất thời điểm này. Nhiệm vụ đầu tiên của ông trong nhóm Tupolev là phát triển máy bay ném bom hạng nặng nổi tiếng thế giới TB-1 và TB-3.

Tiếp đó, ông tham gia dự án máy bay ném bom tầm xa DB-2, ANT-25 và đặc biệt là dự án máy bay cường kích hạng nhẹ BB-1 (sau 1940 được biết đến với tên Su-2).

Su-2 là mẫu máy bay đầu tay thành công của Pavel Sukhoi với gần 1.000 chiếc được sản xuất, tích cực phục vụ trong Không quân Xô Viết giai đoạn đầu chiến tranh vệ quốc.


http://nghiadx.blogspot.com
Pavel Sukhoi trong phòng làm việc năm 1940.


Năm 1939, Pavel Sukhoi tự thành lập cục thiết kế cho riêng mình. Nhiệm vụ của OKB Sukhoi thời kỳ này là phát triển biến thể Su-2, máy bay cường kích Su-4, Su-6, Su-8...

Ngoại trừ Su-2, tất cả các thiết kế còn lại đều thất bại. Có thể nói, giai đoạn đầu OKB Sukhoi hoạt động là không thuận lợi, thậm chí năm 1949 chính quyền Liên Xô còn ra quyết định giải thể OKB Sukhoi. Phải tới năm 1953, Pavel Sukhoi mới tái lập cục thiết kế.

Kể từ thời điểm đó, Pavel Sukhoi cùng các đồng nghiệp liên tiếp trình làng nhiều mẫu máy bay mới như các loại máy bay cường kích Su-7, Su-17, Su-24, Su-25. Trong đó, đặc biệt là cường kích cánh cụp cánh xòe Su-17 không chỉ phục vụ ở Liên Xô mà còn được xuất sang hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, với loại máy bay tiêm kích đánh chặn thì OKB Sukhoi vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi. Các máy bay Su-9 hay Su-11 chưa được đánh giá cao trong khi Su-15 với đặc tính kỹ thuật vượt trội nhưng nó không nổi danh.

Giai đoạn 1970-1980, OKB Sukhoi triển khai chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-27. Lúc này, Pavel Sukhoi vẫn đang nắm quyền lãnh đạo cục. Tuy nhiên, ông không có cơ hội được nhìn thấy mẫu chiến đấu cơ xuất sắc này tung cánh. Ngày 15/9/1975, nhà thiết kế máy bay tài ba Pavel Osipovich Sukhoi qua đời. Ông được mai táng tại nghĩa trang Novodevichy.



http://nghiadx.blogspot.com
Cha đẻ chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-27 Mikhail Simonov.


Cha đẻ chiến đấu cơ Su-27

Nhà thiết kế máy bay Mikhail Petrovich Simonov sinh ngày 19/10/1929 tại ngôi làng nhỏ ở Rostov. Năm 1954, ông tốt nghiệp Học viện hàng không Kazan.

Trước khi tới với Sukhoi, ông thành lập cục thiết kế hàng không thể thao và sản xuất một số mẫu tàu lượn như KAI-6, KAI-11, KAI-12, KAI-14, KAI-17, KAI-19...

Mãi tới năm 1970, ông mới vào làm việc tại OKB Sukhoi. Trong 9 năm tiếp theo, Simonov trở thành phó phòng thiết kế OKB Sukhoi và trực tiếp chỉ đạo chương trình phát triển, thử nghiệm máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-24 và cường kích Su-25.

Ngoài ra, Simonov là người chỉ đạo chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ tứ Su-27. Có thể nói, ông được xem là cha đẻ của chiến đấu cơ nổi tiếng này.

Giai đoạn 1979-1983, Simonov được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ công nghiệp hàng không Xô Viết. Thời kỳ này, ông vẫn tích cực làm việc ở Sukhoi trong vai trò phát triển chương trình Su-27.

Năm 1983, ông chính thức trở thành người đứng đầu OKB Sukhoi. Simonov chỉ đạo nghiên cứu phát triển các biến thể cải tiến từ Su-27 như Su-30, Su-33, Su-34 và một số loại máy bay thể thao Su-26/29/31.

Thời “hậu Xô Viết”, Simonov nỗ lực lèo lái con thuyền Sukhoi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, đem lại nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí giá trị không chỉ cho Sukhoi mà cho cả ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ngày 4/3/2011, cha đẻ Su-27 Mikhail Petrovich Simonov qua đời.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

>> Hồ sơ cục thiết kế Sukhoi (kỳ 1)



Sukhoi là một trong những công ty thiết kế chiến đấu cơ hàng đầu thế giới. Các sản phẩm của Sukhoi trải khắp trong thành phần trang bị quân đội 50 quốc gia.

Kỳ 1: Lịch sử ra đời hoạt động của OKB Sukhoi

Đóng góp của Sukhoi trong chiến tranh Vệ Quốc

Tháng 9/1939, nhà thiết kế Pavel Sukhoi (1895-1975) thành lập cục thiết kế Sukhoi (OKB Sukhoi *). Vị trí ban đầu của cục đặt tại Kharkov (Ukraine), tuy nhiên Pavel Sukhoi tỏ ra không hài lòng về vị trí hiện tại nên quyết định chuyển về gần thủ đô Moscow (sân bay Modmoskovye).

Tháng 12/1941, Phát xít Đức phát động cuộc tấn công xâm lược Liên Xô. Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ, tất cả các công ty công nghiệp quốc phòng Liên Xô dồn toàn lực sản xuất trang bị vũ khí cho Hồng Quân, OKB Sukhoi không là ngoại lệ.

Mẫu thiết kế tốt nhất mà OKB Sukhoi có được là máy bay cường kích Su-2 (được sản xuất gần 1.000 chiếc). Ngoài Su-2, OKB Sukhoi còn nghiên cứu dự án Su-1, Su-4, Su-5, Su-6 nhưng đều chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm mà không đưa vào sản xuất hàng loạt.

Dẫu sao, những chiếc Su-2 đã góp công không nhỏ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Dấu ấn Su-7

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, công nghiệp hàng không quân sự bước vào thời kỳ phát triển máy bay động cơ phản lực. Ở giai đoạn này, OKB Sukhoi chỉ thực hiện hai dự án máy bay phản lực cận âm Su-9 và Su-15 nhưng đều bị hủy bỏ. Công lao lớn nhất của Sukhoi là ứng dụng một số công nghệ mới trong thiết kế máy bay: dù hãm để giảm quãng đường hạ cánh, ghế phóng khẩn cấp.

Giai đoạn 1949-1953, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô buộc cục thiết kế Sukhoi phải giải thể. Có một số nguồn tin cho rằng, lãnh tụ Xô Viết Stalin không thích cá nhân ông Pavel Sukhoi. Sau khi vị Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô này qua đời, Pavel Sukhoi tái lập OKB Sukhoi.

Thời kỳ này, xu hướng phát triển chiến dấu cơ trên thế giới chuyển sang giai đoạn các loại máy bay có khả năng đạt vận tốc siêu âm. Vào tháng 9/1955, máy bay cường kích siêu âm đầu tiên của OKB Sukhoi Su-7 cất cánh thành công. Năm 1959, Su-7 chính thức đi vào phục vụ trong Không quân Xô Viết.


http://nghiadx.blogspot.com
Cường kích Su-7 biên chế trong Không quân Ấn Độ.


Su-7 thiết kế theo kiểu dáng cánh cụp, cửa hút khí nằm ở mũi (đặc trưng máy bay Xô Viết những năm 1950-1960), lắp một động cơ tuốc bin phản lực AL-7F cho phép chiếc máy bay đạt tốc độ siêu âm hơn 2.000km/h.

Tuy nhiên, tầm bay của Su-7 rất hạn chế, thể tích chứa nhiên liệu thấp. Dù được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công mặt đất nhưng tải trọng vũ khí nhỏ (chỉ hơn 2.000kg).

Dẫu sao, Su-7 khá thành công trong lĩnh vực xuất khẩu, đã có 1.847 chiếc được chế tạo phục vụ rộng rãi ở 10 quốc gia trên thế giới.

Mãi tới những năm 1980, Su-7 mới bị loại khỏi hầu hết không quân các nước. Có thể nói không ngoa, Su-7 đã đặt nền móng đầu tiên tạo dựng thành công sau này cho OKB Sukhoi trong lĩnh vực chế tạo máy bay cường kích.

Tập tành chế tạo tiêm kích

Không chỉ tham gia thiết kế máy bay cường kích, OKB Sukhoi còn “chen chân” vào lĩnh vực tiêm kích đánh chặn.

Năm 1956, tiêm kích đánh chặn Su-9 cất cánh thành công lần đầu. Su-9 có kiểu dáng thân và đuôi tương tự Su-7 nhưng dùng kiểu cánh tam giác. Ngoại hình Su-9 rất giống với tiêm kích huyền thoại MiG-21.

Cũng như Su-7, Su-9 mắc những điểm yếu như tầm bay ngắn, khả năng mang vũ khí giới hạn. Sau Su-9, Sukhoi phát triển mẫu cải tiến Su-11 nhưng chỉ được chế tạo số lượng rất ít do những vấn đề kỹ thuật.

Tiếp đó, năm 1967 OKB Sukhoi trình làng tiêm kích đánh chặn Su-15 với một số sửa đổi trong thiết kế (chuyển cửa hút khí sang 2 bên thân).

Su-15 khá nổi tiếng nhưng không phải do có chiến tích hoành tráng mà là dính vào vụ bê bối bắn hạ máy bay chở khách KAL 007 (Hàng không quốc gia Hàn Quốc) năm 1983.

Su-17 tiếp nối Su-7

Điểm nhấn trong thiết kế chiến đấu cơ OKB Sukhoi những năm 1960-1970 là máy bay cường kích Su-17 – tiếp nối thành quả của Su-7.

Điểm đặc trưng của Su-17 sử dụng kiểu “cánh cụp cánh xòe’ do Viện khí động lực học trung ương (TsAGI) thiết kế. Cánh xòe ra để tạo lực nâng ở trần bay thấp, cánh cụp lại để tăng tốc độ.

Su-17 mang khối lượng vũ khí 4 tấn trên 10 giá treo. Những biến thể cải tiến sau này cho phép nó mang vũ khí tấn công chính xác cao.


http://nghiadx.blogspot.com
Su-22M4 (biến thể xuất khẩu của Su-17) biên chế trong Không quân Ba Lan.

Su-17 là mẫu máy bay thành công của OKB Sukhoi, gần 3.000 chiếc được sản xuất và xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam (chính là các biến thể của Su-22).

Su-17 đi vào phục vụ chưa lâu, năm 1969 OKB Sukhoi giới thiệu cường kích cánh cụp cánh xòe Su-24. Năm 1975, cường kích Su-25 – “sát thủ diệt tăng” ra mắt. Cả hai loại phục vụ tích cực trong Không quân Nga và vài nước khác.

Mở đầu trường phái tiêm kích đa năng

Nối tiếp thành công của Su-17, giai đoạn 1970-1980 OKB Sukhoi để lại dấu ấn bằng thiết kế chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-27.

Su-27 có tầm bay lớn, tải trọng vũ khí 8 tấn, tính cơ động linh hoạt cao. Ngoài thực hiện vai trò đối không bằng các loại tên lửa tầm ngắn tầm trung, Su-27 cũng thể hiện khả năng cường kích bằng bom và rocket không điều khiển nhưng còn nhiều hạn chế. Biến thể Su-27SM mang được vũ khí tấn công chính xác cao.

Su-27 là nguồn lợi chính của Sukhoi sau khi Liên Xô sụp đổ. Lãnh đạo Sukhoi lúc đó là Mikhail Simonov (>> xem thêm) tích cực tìm kiếm thực hiện hợp đồng xuất khẩu Su-27. Nhờ đó mà không quân nhiều nước trên thế giới mới có cơ hội tiếp cận một trong những loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tiên tiến hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, từ nền tảng Su-27 thì Sukhoi đã phát triển thành công nhiều biến thể cải tiến mạnh như Su-30, Su-33, Su-34 và Su-35.


http://nghiadx.blogspot.com
Niềm tự hào của OKB Sukhoi - chiến đấu cơ Su-27.


Những năm 1990, đi cùng xu hướng phát triển chung của thế giới Sukhoi tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tích tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Điển hình là máy bay thử nghiệm Su-47 Berkut với thiết kế cánh ngược độc đáo. Tuy nó chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm nhưng nó đã đem lại cho Sukhoi nhiều kinh nghiệm quí giá. Và điều đó được hiện thực hóa ở Sukhoi PAK FA T-50.

Ngày 29/1/2010, nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi T-50 lần đầu cất cánh ở sân bay Komsomolsk on Amur Dzemgi. Sukhoi T-50 hứa hẹn sẽ tiếp tục đưa Sukhoi vươn tới thành công lớn hơn.

Sukhoi trong lĩnh vực dân sự

Không chỉ tham gia phát triển máy bay quân sự, Sukhoi còn “xông pha” vào lĩnh vực dân sự.

Kinh nghiệm phát triển chiến đấu cơ với khả năng thao diễn tuyệt vời, Sukhoi đưa vào ứng dụng thiết kế máy bay thể thao động cơ cánh quạt Sukhoi Su-26/29/31. Trong các cuộc thi ở Châu Âu và thế giới, đội bay của Sukhoi đã đạt được 330 huy chương có 156 huy chương vàng).

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thiết kế mới nhất, đầy tiềm năng xuất khẩu nhất của Sukhoi là máy bay chở khách tầm trung Superjet 100.

Hơn 70 năm hoạt động, những nhà thiết kế tài ba của OKB Sukhoi phát triển 100 loại máy bay và biến thể, với 60 kiểu đưa vào sản xuất, 10.000 chiếc xuất xưởng. Có khoảng 2.000 chiếc máy bay các loại xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

>> Kỳ 2: Dấu ấn hai nhà lãnh đạo OKB Sukhoi

(*) Cụm từ OKB theo nguyên văn tiếng Nga "Опытное конструкторское бюро" (Opytnoe Konstructorskoe Byuro) nghĩa là Cục thiết kế thí nghiệm. Thông thường, một văn phòng chính thức được biết đến bằng các số thứ tự hoặc tên người đứng đầu (người sáng lập). Ví dụ như với cục thiết kế Sukhoi thì tên gọi là OKB-51 hay là OKB Sukhoi (tên gọi phổ biến).

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

>> Nhận diện 5 sát thủ đình đám của tàu sân bay



Các chiến đấu cơ của tàu sân bay, tàu chiến là con cưng của bầu trời "chiến", luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi tính chất đặc biệt của chúng.


Các chiến đấu cơ được trang bị cho tàu sân bay hay tàu chiến đều sử dụng tàu sân bay và tàu chiến như là một đường băng, chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên không, trên biển, dưới nước và mặt đất, hoặc thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo sớm, do thám, tuần tra, hộ tống, thả mìn, rà phá bom mìn và hạ cánh thẳng đứng. Đây là lực lượng quan trọng để giành và giữ quyền kiểm soát, quyền làm chủ biển trên chiến trường biển.

Căn cứ vào phạm vi sử dụng, các chiến đấu cơ này của hải quân được chia thành nhiều loại: máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay tuần tra chống tàu ngầm, máy bay vận tải và máy bay cứu hộ. Chúng có tính năng khác nhau, tiêu chuẩn đánh giá khác nhau.

Bee giới thiệu 5 loại máy bay nổi tiếng hiện đang được trang bị cho tàu chiến.

1. Máy bay tấn công Super Hornet F/A-18E/F

F/A-18E/F là máy bay chủ lực hiện nay của tàu chiến hải quân Mỹ, là biểu tượng của sức mạnh hải quân Mỹ. Ở đâu có tàu sân bay Mỹ, ở đó không thể thiếu bóng dáng Super Hornet. Nó chủ yếu được sử dụng cho phòng không hạm đội, và có thể được sử dụng cho tấn công đối đất.



Máy bay chiến đấu Super Hornet F/A-18E/F của quân đội Mỹ.


F/A-18E/F được trang bị cho tàu sân bay dựa trên nền tảng F/A-18C. Trong đó, F/A-18E là loại 1 chỗ ngồi, còn F/A-18F là loại 2 chỗ ngồi.

So với F/A-18C/D, loại máy bay này tiếp tục kế thừa được ưu điểm là độ tin cậy và khả năng bảo vệ tốt, khả năng bay tốt và phóng vũ khí có độ chính xác cao, đồng thời đã được nâng cấp về nhiều mặt gồm: thiết kế ngoại hình theo hướng tăng cường khả năng tàng hình; trang bị radar APG-79 với khả năng định vị được xe đang di chuyển hay đứng im với phạm vi tầm bắn của vũ khí điển hình, độ chính xác đạt 0,1 - 0,3 m; hành trình và tải trọng được tăng đáng kể; khả năng tấn công chính xác vào ban đêm và khả năng tác chiến thông tin tốt hơn.



Các chủng loại vũ khí được lắp đặt trên Super Hornet F/A-18E/F.

Các thông số chính:

- Thời gian đưa vào sử dụng: tháng 6/2002.
- Tính năng: Dài 18,31 m, cao 4,88 m, sải cánh (chứa tên lửa) 13,62 m, (gập cánh) 9,32 m, diện tích cánh 46,45 m². Trọng lượng rỗng 13.387 kg, nhiên liệu tối đa ở bên trong 6.531 kg, nhiên liệu tối đa bên ngoài 4.436 kg, khả năng tải trọng tối đa bên ngoài là 8.051 kg, trọng lượng cất cánh (nhiệm vụ tấn công) là 29.937 kg. Tốc độ bay tối đa M1.8 +, tốc độ tối đa (lực đẩy trung bình) là M1.0 +, trần bay 15.240 m, thời gian tuần tra trên không (mang 6 quả tên lửa cự ly trung bình, 3 thùng dầu phụ 1.818 lít, cách tàu sân bay 278 km) là 2 giờ 15 phút.

- Hệ thống vũ khí: 2×AIM-9 Sidewinder ở 2 đầu cánh; AIM-120 AMRAAM; AIM-7 Sparrow; AGM-84 Harpoon; AGM-88 HARM; AGM-65 Maverick; Bom AGM-154 Joint Standoff Weapon; Bom thông minh JDAM; loạt bom mục đích thông thường Mk80; CBU.

2. Máy bay chiến đấu Rafale M

Rafale là máy bay chiến đấu đa năng do công ty Dassault, Pháp nghiên cứu chế tạo cho hải quân, không quân Pháp. Loại máy bay này có 2 động cơ, cánh tam giác, có tính linh hoạt cao. Máy bay chiến đấu 1 chỗ ngỗi Rafale M thiết kế cho hải quân đã đưa vào trang bị cho tàu sân bay từ năm 1998.



Máy bay chiến đấu một chỗ ngồi Rafale M của hải quân Pháp.


Rafale có thể hoàn thành các nhiệm vụ như tấn công đối đất, chiếm ưu thế trên không vào cả ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Nó có tính cơ động và nhanh nhạy cao, có thể cất cánh và hạ cánh trong cự ly ngắn, có khả năng tác chiến vượt tầm nhìn và khả năng tàng hình nhất định. Tính năng chung của nó đan xen giữa máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư.

So với Rafale C, Rafale D, Rafale E, thì Rafale M đã có một số cải tiến về thân máy bay để thích ứng khi cất cánh, hạ cánh trên tàu sân bay. Mỗi chiếc Rafale có giá rất đắt, hiện chưa xuất khẩu. Ralafe đã tham gia không kích Libya vừa qua.

Các thông số chính:

- Thời gian đưa vào sử dụng: năm 1998.
- Tính năng: Dài 15,3 m, cao 5,34 m, sải cánh 10,9 m, diện tích cánh 46 m², trọng lượng rỗng 9.060 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 21.500 kg, tốc độ tối đa 2.0 Mach, bán kính tác chiến 1.093 km.

- Hệ thống vũ khí: Được trang bị một pháo 30 mm GiatM, tốc độ phóng 2.500 phát/phút; tổng cộng có 13 giá treo ở bên ngoài (loại của không quân là 14), tải trọng (đạn dược) bình thường là 6.000 kg, tải trọng tối đa 8.000 kg; khi thực hiện nhiệm vụ đánh chặn có thể mang theo 8 quả tên lửa "Mika" và 2 thùng dầu phụ; khi tấn công đối đất có thể mang theo 16 quả bom, 2 quả tên lửa "Mika" và 2 thùng dầu phụ 1.300 lít.

3. Máy bay chiến đấu Su-33

Su-33 là máy bay tác chiến chủ lực của tàu sân bay Nga, đồng thời là máy bay chiến đấu hạng nặng duy nhất được trang bị cho tàu chiến trên thế giới hiện nay, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như giành quyền kiểm soát trên không, phòng ngự hạm đội, chi viện trên không và do thám.



Máy bay chiến đấu Su-33 đang bay với tốc độ cao.

Năm 1975, trên nền tảng Su-27, Cục Thiết kế Sukhoi của Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu phát triển máy bay trang bị cho tàu chiến, mô hình ban đầu được đánh số là T10K. Tháng 8/1987 thực hiện chuyến bay đầu tiên, khi đó gọi là Su-27K, tháng 11/1989 lần đầu tiên được thử nghiệm trên tàu sân bay mang tên Tbilisi (tức Kuznetsov sau này), không lâu sau đổi tên thành Su-33, NATO gọi là Flanker-D. Tháng 4/1993 được trang bị cho Hải quân Nga, tháng 8/1998 chính thức được đưa vào biên chế tác chiến, hiện có 24 chiếc được trang bị cho tàu sân bay Kuznetsov của Nga.



Máy bay Su-33 trên tàu sân bay của hải quân Nga.


Các thông số chính:

- Thời gian đưa vào sử dụng: tháng 4/1993.
- Tính năng: Sải cánh 14,7 m (gấp cánh 7,4 m), dài 21,185 m, cao 5,9 m, trọng lượng rỗng 17 tấn, tải trọng mang theo bên ngoài tối đa 6,5 tấn, trọng lượng cất cánh bình thường 29,94 tấn, tốc độ lớn nhất (cao 11.000 m so với mặt đất) 2.300 km/giờ, tốc độ tối thiểu là 240 km/giờ, tầm bay thực tế là 3.000 km, khoảng cách cất cánh (dốc 14 độ) 120 m, trọng lực G tối đa 8G.

- Hệ thống vũ khí: 1 khẩu pháo 30 mm GSh-301 (150 viên đạn); tên lửa không đối không tầm trung R-27; tên lửa không đối không tầm gần R-73; tên lửa chống hạm siêu âm cỡ lớn Kh-41 mới, vận tốc cất cánh tối đa đạt 250 km.

4. Máy bay chiến đấu MiG-29K

MiG-29K là một loại máy bay “xấu số”. Ngay từ năm 1984, chính quyền Liên Xô đã chính thức phê duyệt phát triển máy bay trang bị cho tàu chiến MiG-29K trên nền tảng của máy bay chiến đấu MiG-29; năm 1989, MiG-29K đã thử nghiệm cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov; đến giữa năm 1992, hai máy bay nguyên mẫu MiG-29K đã hoàn thành 420 lần cất cánh và 80 lần hạ cánh, đặt nền tảng vững chắc trang bị máy bay này cho tàu sân bay.



Máy bay chiến đấu MiG-29K


Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, do sự chi tiêu quân sự thiếu hụt nghiêm trọng, quân đội Nga không thể đồng thời phát triển và đặt mua hai máy bay MiG-29K và Su-33. Cuối cùng, lãnh đạo quân đội Nga đành phải từ bỏ MiG-29K có bán kính tác chiến và tải trọng nhỏ hơn, quyết định sử dụng Su-33.

Năm 1996, để đáp ứng nhu cầu máy bay của hải quân Ấn Độ, nước có có thể mua tàu sân bay Đô đốc Gorshkov, công ty MiG của Nga đã đề xuất cải tiến MiG-29K nguyên mẫu thành MiG-29K mới cùng với phương án xuất khẩu loại máy bay này 2 chỗ ngồi. Năm 2009, Ấn-Nga đã ký kết một gói thỏa thuận, xuất khẩu máy bay MiG-29K cho Ấn Độ, số phận của loại máy bay này có bước ngoặt.

Đồng thời, trong nội bộ Hải quân Nga ngày càng có nhiều tiếng nói mong muốn thay thế Su-33 của tàu sân bay Kuznetsov bằng MiG-29K mới với giá thành thấp hơn, tính năng tác chiến tổng hợp mạnh hơn, diện tích chiếm dụng ít hơn. Có thể dự kiến, MiG-29K sẽ trở thành lực lượng quan trọng của không quân Hải quân Nga trong tương lai.



Máy bay MiG-29UBK của không quân Ấn Độ tiến hành thử nghiệm tiếp dầu trên không.


Các thông số chính:

- Thời gian đưa vào sử dụng: năm 2010, phục vụ trong Hải quân Ấn Độ.
- Tính năng: Trọng lượng tối đa 22,4 tấn, động cơ là RD-33, lực đẩy là 8.300 kg, tốc độ tối đa là 2.200 km, trần bay hiệu quả là 17.500 m, phạm vi hoạt động là 1850 km; nếu chỉ mang theo 3 thùng dầu phụ, phạm vi của nó có thể đạt 3000 km; tải trọng (đạn dược) là 4,5 tấn.

- Hệ thống vũ khí: 8 loại tên lửa không đối không, gồm R-60MK và R-73E tầm gần, R-77RVV-AE tầm xa và R-27ER/ET tầm trung; về mặt chống hạm, trang bị tên lửa chống radar đầu dò thụ động Kh-31, tên lửa Kh-35 và tên lửa chống radar; về mặt tấn công đối đất, trang bị 25 loại vũ khí, gồm bom dẫn đường chính xác KA B-500KR, Kh-25ML/25MP, Kh-29T, Kh-31G/31A và Kh-35U; ngoài ra còn trang bị bom không dẫn đường, tên lửa, pháo 30 mm GS H-301, luôn sẵn sàng tác chiến với 150 viên đạn.

5. Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler

EA-18G được công ty Boeing phát triển trên nền tảng Super Hornet F/A-18F hai chỗ ngồi, độ cong cao giúp nó có thể thực hiện rất tốt nhiệm vụ tấn công điện tử (AEA) trên sàn tàu sân bay hoặc trên mặt đất. EA-18G "Growler" có thể mang theo tên lửa không đối đất chống radar, có thể cất cánh, hạ cánh trong cự ly cực ngắn, đồng thời có khả năng gây nhiễu thiết bị điện tử và radar của đối phương. Nó sẽ thay thế EA-6B “Prowler” hiện nay của hải quân Mỹ (trang bị từ năm 1971).



Máy bay tấn công EA-18G Growler do công ty Boeing sản xuất.


"Growler" sử dụng hệ thống radar quét điện tử tiên tiến AESA, hệ thống thông tin đã được cải tiến, hệ thống hỏa lực mạnh hơn (EA-18G có 10 điểm treo vũ khí, còn EA-6B chỉ có 5 điểm treo vũ khí). Ngoài ra, EA-18G có tốc độ bay, khả năng tồn tại trên chiến trường cũng lớn hơn EA-6B.

EA-18G "Growler" có khả năng tấn công điện từ rất mạnh. Dựa vào máy thu chiến thuật ALQ-218V (2) và máy làm nhiễu điện tử chiến thuật mới ALQ-99 do công ty Northrop Grumman thiết kế, EA-18G có thể thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ áp chế của hệ thống radar tên lửa đất đối không.

Khác với trước đây, EA-18G có thể thông qua phân tích tần suất phóng tự động theo dõi tư liệu của đối tượng gây nhiễu, áp dụng “phương pháp trắc lượng can thiệp đường cơ sở dài” tiến hành định vị chính xác hơn đối với nguồn bức xạ để thực hiện “gây nhiễu theo kiểu bám sát-ngắm trúng”. Biện pháp này đã tập trung rất lớn năng lượng gây nhiễu, lần đầu đã thực hiện “tấn công chính xác” lĩnh vực phổ điện từ.

Với việc sử dụng công nghệ trên, EA-18G có thể gây nhiễu hiệu quả radar và các thiết bị điện tử khác ngoài 160 km, vượt khỏi phạm vi tấn công của bất kỳ hỏa lực phòng không nào hiện có. Không chỉ như vậy, máy thu chiến thuật ALQ-218 (2) được lắp đặt ở đầu cánh còn là hệ thống duy nhất trên thế giới có thể gây nhiễu hệ thống thông tin của đối phương trong khi bản thân nó vẫn có khả năng nghe lén điện tử.

So sánh EA-18G Growler và F/A-18F Super Hornet:




[Bee news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang