Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Khu trục Gepard 3.9

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu trục Gepard 3.9. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu trục Gepard 3.9. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

>> Tìm hiểu khinh hạm lớp Gepard



Trong những năm 1980, với mục đích phát triển dòng tàu hộ tống (khinh hạm) mới phục vụ theo yêu cầu của hải quân Nga và xuất khẩu, Viện Thiết kế Zelenodolsk (ZPKB) tại thành phố Zelenodolsk, nước CH Tatarstan, Liên bang Xô viết, đã cho ra mắt khinh hạm đa nhiệm hạng nhẹ mới thuộc đồ án 1166.1 và một vài biến thể của nó.



http://nghiadx.blogspot.com

Toàn cảnh một chiến hạm lớp Gepard

Các chiến hạm thuộc đồ án nói trên được đặt tên theo một loài mãnh thú đồng cỏ là báo đốm châu Phi (Gepard). Trong biên chế hải quân Nga, khinh hạm lớp Gepard sẽ thay thế cho các lớp tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Koni Parchim và Grisha.

Được thiết kế theo phong cách hoàn toàn mới so với các chiến hạm cùng lớp của hải quân Xô viết trước đó, khinh hạm lớp Gepard có tiêu chuẩn tương đương với các tàu hộ tống hiện đại ở khả năng săn ngầm, hải chiến, phòng không một cách tương đối. Thiết kế của lớp tàu chiến này được áp dụng công nghệ “tàng hình” nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.

Thiết kế

Khinh hạm lớp Gepard dài 102,2 m, rộng 13,1 m, mớn nước 3,8 m. Lượng choán nước của lớp tàu này đạt gần 2.000 tấn khi trang bị đầy đủ vũ khí, trang bị. Khinh hạm lớp Gepard có kết cấu 10 khoang kín tách biệt để nâng cao khả năng sống sót trong trường hợp một vài khoang bị thủng hoặc ngập nước.

Khả năng “tàng hình” của chiến hạm lớp Gepard nằm ở kết cấu thân tàu được làm từ thép có độ từ tính thấp và hệ thống khung chịu lực của tàu làm từ hợp kim nhôm- magiê không bị ăn mòn bởi nước biển. Cùng với đó, hầu hết trang bị vũ khí được đặt ở các khoang kín phần phía sau của tàu để giảm bề mặt phản xạ radar hiệu dụng ở mặt trước và hai bên.

Ngoài ra, lớp sơn phủ đặc biệt cũng có tác dụng hấp thụ tín hiệu radar và giảm khả năng bị quan sát bởi các thiết bị quan sát hồng ngoại và quang học của đối phương.

Hệ thống động lực

Nhờ hai động cơ gas-turbin M-88 có tổng công suất 10.000 mã lực và một động cơ diesel 61D 8.000 mã lực theo dạng CODOG, khinh hạm lớp Gepard có thể đạt tốc độ tối đa tới 26 hải lý/giờ và cự ly hoạt động tới 5.000 hải lý (với vận tốc 10 hải lý/giờ).

Với dự trữ hành trình trên biển trong 20 ngày đêm, khinh hạm lớp Gepard rất phù hợp với các nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế trong các vùng biển kín, vịnh.

Hệ thống cảm biến và radar

Khinh hạm thuộc đồ án 1166.1 được trang bị radar hoa tiêu Sigma/OC-11661, radar trinh sát-cảnh giới mặt nước Positive/Cross Dome và radar dẫn đường Kivach.

Để điều khiển hệ thống vũ khí trên tàu, khinh hạm thuộc đồ án này sử dụng các hệ thống radar khác như: radar MR-123/176 Vympel/ BASS TILT cho tổ hợp hải pháo, radar dẫn bắn tên lửa đối hạm Harpoon-Ball/BAND STAND, radar dẫn bắn tên lửa phòng không 2R33/POP GROUP.


http://nghiadx.blogspot.com

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 4K33 Osa-MA2


Với nhiệm vụ săn ngầm, chiến hạm lớp Gepard trang bị hệ thống sonar thủy âm tích hợp vào thân tàu MGK-335ME-03 và thiết bị sonar thủy âm rời kéo dưới nước Zmey có thể hoạt động ở nhiều độ sâu khác nhau.

Khả năng đối kháng điện tử và gây nhiễu của chiến hạm lớp Gepard là hệ thống ASOR-11661 và mồi bẫy PK-10.

Hệ thống vũ khí

Sức mạnh tấn công chính của khinh hạm lớp Gepard là 8 đạn tên lửa đối hạm cận âm Kh-35 Uran 3M24UD (tên NATO - SS-N-25 Switchblade) có tầm bắn 250 km. Đây là dòng tên lửa có độ chính xác cao tương đương như dòng tên lửa AGM-84 Harpoon của hải quân Mỹ.


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa đối hạm cận âm Kh-35 Uran


Tên lửa Uran sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động pha đầu, pha giữa dẫn đường quán tính và sử dụng radar chủ động tự thân tìm kiếm và tấn công mục tiêu ở pha cuối. Tốc độ của dòng tên lửa này đạt Mach (tốc độ âm thanh) 0,9 và khả năng bay sát mặt biển ở pha cuối để giảm khả năng bị đánh chặn. Tên lửa Uran có khả năng tiêu diệt và vô hiệu hóa các chiến hạm có lượng choán nước tới 5.000 tấn với đầu nổ lõm phá mảnh nặng 145 kg.

Trang bị hải pháo trên khinh hạm lớp Gepard là pháo bắn nhanh AK-176 76 mm có tốc độ bắn khoảng 60-120 viên/phút để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước và trên không. Tầm “hỏa lực” của loại vũ khí này đạt 15 km.



http://nghiadx.blogspot.com

Hải pháo AK-176


Khả năng tác chiến phòng không của lớp tàu chiến này là 2 tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh (CIWS) AK-630M tầm bắn đạt 5 km với 2.000 viên đạn và tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 4K33 Osa-MA2 (SA-N-4) có tầm bắn từ 200-15.000 m, tầm cao 10-12.000 m với 20 đạn tên lửa 9M33M3. Các tổ hợp phòng không nói trên tạo ra lớp phòng thủ cứng bảo vệ khinh hạm lớp Gepard trước các mục tiêu bay và xuồng cao tốc của đối phương, trong đó gồm cả tên lửa đối hạm.



http://nghiadx.blogspot.com

Pháo CIWS AK-630M


Để phục vụ tác chiến săn ngầm, khinh hạm lớp Gepard được 2 tổ hợp ống phóng lôi cỡ 533 mm trang bị nhiều loại đạn ngư lôi khác nhau, trong đó có ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval.


http://nghiadx.blogspot.com

Ngư lôi siêu khoang Shkval


Đây là dòng ngư lôi tên lửa sử dụng công nghệ siêu bọt khí của Nga với khả năng đạt tốc độ tới 200 hải lý/giờ. Phiên bản phổ thông của ngư lôi Shkval được trang bị đầu nổ nặng 210 kg đảm bảo khả năng tiêu diệt các chiến hạm cỡ lớn của đối phương với chỉ một đạn ngư lôi.

Khả năng phòng thủ và săn ngầm của khinh hạm lớp Gepard còn được củng cố nhờ một tổ hợp rocket chống ngầm, ngư lôi RBU-6000AS (con số 6.000 tương đương với tầm bắn tối đa của tổ hợp này đạt 6 km) với 12 ống phóng.


http://nghiadx.blogspot.com

Rocket chống ngầm RBU-6000AS


Ngoài ra, khinh hạm lớp Gepard còn có thể mang theo 12-20 thủy lôi tùy theo nhiệm vụ tác chiến.


Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

>> So sánh các chiến hạm tiêu biểu ở Đông Nam Á



Bài báo sẽ điểm qua 4 "gương mặt" nổi trội nhất trong số các chiến hạm chủ lực thuộc Hải quân các quốc gia Đông Nam Á, là Gepard 3.9, Formidable, Lekiu và Sigma.

Tiếp nối dòng bài về Hải quân các nước ASEAN,xin đi sâu vào phân tích ưu thế của các chiến hạm tiêu biểu trong khu vực, dựa trên các tiêu chí về khả năng tấn công, phòng vệ, cơ động và mức độ hiện đại...

Dưới đây là các phân tích cụ thể:

Khả năng tấn công

Nhìn chung, các chiến hạm tiêu biểu kể trên có vũ khí chủ lực là tên lửa chống hạm. Nếu Gepard 3.9 trang bị tên lửa Kh-35 và Formidable (của Singapore) trang bị tên lửa Harpoon, 2 chiến hạm còn lại sử dụng tên lửa Exocet. Bên cạnh đó, cũng cần xét tới uy lực của các pháo hạm.

Chiến hạm lớp Lekiu của Malaysia được trang bị 8 tên lửa Exocet Block 2, tầm bắn 70km đầu đạn nặng 165kg, một pháo 57mm tầm bắn 17km với tốc độ 220 viên/phút.

Còn Sigma của Indonesia có 4 tên lửa Exocet Block 2, một pháo Oto Melara 76mm với các tính năng như trên Formidable.

Formidable có 8 tên lửa Harpoon tầm bắn 130km đầu đạn 227kg, bên cạnh đó là 1 khẩu pháo Oto Melara 76mm tầm bắn 16km, bắn đạn pháo 6kg với tốc độ lên tới 120 viên/phút.

Gepard có 8 tên lửa Kh-35 Uran-E tầm bắn 130km, một pháo AK-176M 76mm tầm bắn 10km với tốc độ 120 viên/phút.



Tên lửa đối hạm Harpoon.


Về cơ bản các tên lửa cận âm như Exocet, Harpoon hay Uran-E khá giống nhau ở chỗ được radar tàu chiến hay máy bay dẫn đường ở pha đầu và tự sử dụng radar của tên lửa ở pha cuối. Tuy nhiên, do tầm hoạt động thấp, các tàu trang bị loại tên lửa Exocet phải tiếp cận đối phương gần hơn so với Gepard 3.9 và Formidable

Với các thông số (số lượng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tầm bắn) của tên lửa như đã nói, kết hợp với pháo hạm trang bị, có thể tạm xếp sức mạnh các tàu chiến theo thứ tự: Formidable, Gepard 3.9, tiếp đó là Lekiu và Sigma.



Gepard 3.9 của Việt Nam.




Formidable của Singapore.


Khả năng phòng vệ

Hệ thống phòng vệ của các tàu chiến trên đều có loại tầm gần và cực gần, cùng hệ thống chống ngầm.

Trong đó, chiến hạm lớp Lekiu có 2 pháo phòng không CWIS MSI 30mm tốc độ bắn 650 viên/phút, 16 tên lửa phòng không Sea-wolf tầm bắn 6km. Khả năng bảo vệ ở mức trung bình.

Sigma có 8 tên lửa phòng không Mistral với tầm bắn 5,3km tốc độ 800m/giây, về căn bản đây là loại tên lửa phòng không vác vai cải tiến nên không thể bằng các loại chuyên nghiệp như Aster hay Seawolf. Hơn nữa, các tên lửa này có cơ chế điều khiển đơn giản (bằng hồng ngoại) và số lượng tên lửa ít.

Gepard có 2 pháo phòng không AK-630 30mm, tổ hợp phòng không gồm 2 pháo AO-18KD 30mm và 8 tên lửa nạp sẵn Sosna-R tầm bắn 8km với tốc độ 1.200m/giây. Hệ thống bảo vệ 4 nòng 30mm kết hợp với 8 tên lửa (có thể hơn) giúp Gepard có khả năng bảo vệ tương đối tốt.

Còn Formidable có tên lửa phòng không Aster-15 với 32 quả tên lửa, loại tên lửa 2 tầng này có thể đánh chặn các loại tên lửa chống hạm cận âm bay thấp khác (ở cự ly 15km), các UAV (ở cự ly 30km).

Nhìn chung, dựa vào số lượng, cự ly đánh chặn và số lượng trang bị, có thể xếp theo thứ tự: Formidable, Gepard 3.9, Lekiu và cuối cùng là Sigma.



Mô phỏng các vị trí trên Formidable



Bắn tên lửa Seawolf trên chiến hạm lớp Lekiu.


Về nhiệm vụ chống ngầm, 3 tàu chiến lớp Formidable, Lekiu, Sigma lại đều dùng ngư lôi hạng nhẹ 324mm của cùng 1 nhà sản xuất còn khả năng của Gepard 3.9 hiện là ẩn số nên trường hợp này chưa thể đưa ra "xếp hạng".

Khả năng cơ động và dự trữ hành trình

Lekiu có lượng giãn nước 2.270 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 164 người.

Sigma có lượng giãn nước 1.700 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn chừng 80 người

Formidable có tốc độ 27 hải lý/giờ, gần bằng 2 chiến hạm trên nhưng có lượng giãn nước lên tới 3.200 tấn, với thủy thủ đoàn 85 người.

Gepard 3.9 cũng không thua kém gì các tàu bạn khi có vận tốc tối đa là 28 hải lý/giờ, với lượng giãn nước 2.100 tấn, thủy thủ đoàn 103 người

Qua so sánh ta thấy về tốc độ tối đa thì các tàu tương đương nhau, tầm hoạt động cũng đều chừng 5000 dặm nhưng Formidable của Singapore có tải trọng gấp rưỡi các tàu còn lại với số lượng thủy thủ ít, do đó khả năng dự trữ thực phẩm sẽ vượt trội hơn các tàu khác, qua đó cũng góp phần nâng cao khả năng đi biển dài ngày.

Trong hạng mục này, Formidable vẫn đầu bảng, các tàu xếp sau khó phân "hơn thua".




Sigma của Indonesia





Lekiu của Malaysia


Tính năng tàng hình và tự động hóa trên tàu

Xét về tàng hình phụ thuộc vào các yếu tố như thiết kế, chất liệu, các thiết bị phụ trợ, vậy chúng ta tạm thời sẽ đánh giá khả năng tàng hình qua thiết kế hình dáng bên ngoài con tàu.

Chiến hạm Lekiu có thiết kế nhiều thiết bị đặt lộ thiên, điều này sẽ tăng phản xạ radar lên rất nhiều, qua đó khiến nó “nổi bật: trên màn hình theo dõi hơn các tàu khác.

Sigma có thiết kế tương đối ổn, giống như Gepard 3.9 nếu so Formidable có thiết kế "dấu biệt" vũ khí, phương tiện, khí tài vào bên trong. Bất cứ chuyên gia kỹ thuật quân sự nào nhìn vào sẽ cho điểm Formidable cao nhất trong các tàu kể trên.

Về khả năng thông tin liên lạc cũng như thiết bị trên tàu, sẽ khá là khó để kiểm chứng vì các thông số của nhà sản xuất chỉ ở mức tham khảo, nhưng cũng sẽ không khó nhận ra con tàu có tải trọng lớn nhất lại có số người điều khiển gần ít nhất là khả năng tự động hóa sẽ rất cao, đó là Formidable.

Vì vậy, trong hạng mục này, thứ tự lần lượt sẽ là: Formidable, Gepard 3.9 và Sigma, Lekiu.




Theo dõi bắn tên lửa Aster trên Formidable





Sigma của Indonesia có thiết kế khá "mượt"


Kết luận tạm thời

Như vậy, không khó để nhận ra Formidable là chiến hạm hiện đại nhất Đông Nam Á, Gepard 3.9 cũng sử dụng những công nghệ khá hiện đại, nó có một số vượt trội so với các tàu của Malaysia hay Indonesia.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những phép thử so sánh trên đây đơn giản chỉ dựa vào thông số kĩ thuật. Trong tác chiến, thành bại còn phụ thuộc vào kĩ năng của người sử dụng cũng như nghệ thuật quân sự. Hiện đại là quan trọng, con người là quyết định.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang