Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Gepard 3.9

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Gepard 3.9. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gepard 3.9. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

>> Tìm hiểu khinh hạm lớp Gepard



Trong những năm 1980, với mục đích phát triển dòng tàu hộ tống (khinh hạm) mới phục vụ theo yêu cầu của hải quân Nga và xuất khẩu, Viện Thiết kế Zelenodolsk (ZPKB) tại thành phố Zelenodolsk, nước CH Tatarstan, Liên bang Xô viết, đã cho ra mắt khinh hạm đa nhiệm hạng nhẹ mới thuộc đồ án 1166.1 và một vài biến thể của nó.



http://nghiadx.blogspot.com

Toàn cảnh một chiến hạm lớp Gepard

Các chiến hạm thuộc đồ án nói trên được đặt tên theo một loài mãnh thú đồng cỏ là báo đốm châu Phi (Gepard). Trong biên chế hải quân Nga, khinh hạm lớp Gepard sẽ thay thế cho các lớp tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Koni Parchim và Grisha.

Được thiết kế theo phong cách hoàn toàn mới so với các chiến hạm cùng lớp của hải quân Xô viết trước đó, khinh hạm lớp Gepard có tiêu chuẩn tương đương với các tàu hộ tống hiện đại ở khả năng săn ngầm, hải chiến, phòng không một cách tương đối. Thiết kế của lớp tàu chiến này được áp dụng công nghệ “tàng hình” nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.

Thiết kế

Khinh hạm lớp Gepard dài 102,2 m, rộng 13,1 m, mớn nước 3,8 m. Lượng choán nước của lớp tàu này đạt gần 2.000 tấn khi trang bị đầy đủ vũ khí, trang bị. Khinh hạm lớp Gepard có kết cấu 10 khoang kín tách biệt để nâng cao khả năng sống sót trong trường hợp một vài khoang bị thủng hoặc ngập nước.

Khả năng “tàng hình” của chiến hạm lớp Gepard nằm ở kết cấu thân tàu được làm từ thép có độ từ tính thấp và hệ thống khung chịu lực của tàu làm từ hợp kim nhôm- magiê không bị ăn mòn bởi nước biển. Cùng với đó, hầu hết trang bị vũ khí được đặt ở các khoang kín phần phía sau của tàu để giảm bề mặt phản xạ radar hiệu dụng ở mặt trước và hai bên.

Ngoài ra, lớp sơn phủ đặc biệt cũng có tác dụng hấp thụ tín hiệu radar và giảm khả năng bị quan sát bởi các thiết bị quan sát hồng ngoại và quang học của đối phương.

Hệ thống động lực

Nhờ hai động cơ gas-turbin M-88 có tổng công suất 10.000 mã lực và một động cơ diesel 61D 8.000 mã lực theo dạng CODOG, khinh hạm lớp Gepard có thể đạt tốc độ tối đa tới 26 hải lý/giờ và cự ly hoạt động tới 5.000 hải lý (với vận tốc 10 hải lý/giờ).

Với dự trữ hành trình trên biển trong 20 ngày đêm, khinh hạm lớp Gepard rất phù hợp với các nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế trong các vùng biển kín, vịnh.

Hệ thống cảm biến và radar

Khinh hạm thuộc đồ án 1166.1 được trang bị radar hoa tiêu Sigma/OC-11661, radar trinh sát-cảnh giới mặt nước Positive/Cross Dome và radar dẫn đường Kivach.

Để điều khiển hệ thống vũ khí trên tàu, khinh hạm thuộc đồ án này sử dụng các hệ thống radar khác như: radar MR-123/176 Vympel/ BASS TILT cho tổ hợp hải pháo, radar dẫn bắn tên lửa đối hạm Harpoon-Ball/BAND STAND, radar dẫn bắn tên lửa phòng không 2R33/POP GROUP.


http://nghiadx.blogspot.com

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 4K33 Osa-MA2


Với nhiệm vụ săn ngầm, chiến hạm lớp Gepard trang bị hệ thống sonar thủy âm tích hợp vào thân tàu MGK-335ME-03 và thiết bị sonar thủy âm rời kéo dưới nước Zmey có thể hoạt động ở nhiều độ sâu khác nhau.

Khả năng đối kháng điện tử và gây nhiễu của chiến hạm lớp Gepard là hệ thống ASOR-11661 và mồi bẫy PK-10.

Hệ thống vũ khí

Sức mạnh tấn công chính của khinh hạm lớp Gepard là 8 đạn tên lửa đối hạm cận âm Kh-35 Uran 3M24UD (tên NATO - SS-N-25 Switchblade) có tầm bắn 250 km. Đây là dòng tên lửa có độ chính xác cao tương đương như dòng tên lửa AGM-84 Harpoon của hải quân Mỹ.


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa đối hạm cận âm Kh-35 Uran


Tên lửa Uran sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động pha đầu, pha giữa dẫn đường quán tính và sử dụng radar chủ động tự thân tìm kiếm và tấn công mục tiêu ở pha cuối. Tốc độ của dòng tên lửa này đạt Mach (tốc độ âm thanh) 0,9 và khả năng bay sát mặt biển ở pha cuối để giảm khả năng bị đánh chặn. Tên lửa Uran có khả năng tiêu diệt và vô hiệu hóa các chiến hạm có lượng choán nước tới 5.000 tấn với đầu nổ lõm phá mảnh nặng 145 kg.

Trang bị hải pháo trên khinh hạm lớp Gepard là pháo bắn nhanh AK-176 76 mm có tốc độ bắn khoảng 60-120 viên/phút để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước và trên không. Tầm “hỏa lực” của loại vũ khí này đạt 15 km.



http://nghiadx.blogspot.com

Hải pháo AK-176


Khả năng tác chiến phòng không của lớp tàu chiến này là 2 tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh (CIWS) AK-630M tầm bắn đạt 5 km với 2.000 viên đạn và tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 4K33 Osa-MA2 (SA-N-4) có tầm bắn từ 200-15.000 m, tầm cao 10-12.000 m với 20 đạn tên lửa 9M33M3. Các tổ hợp phòng không nói trên tạo ra lớp phòng thủ cứng bảo vệ khinh hạm lớp Gepard trước các mục tiêu bay và xuồng cao tốc của đối phương, trong đó gồm cả tên lửa đối hạm.



http://nghiadx.blogspot.com

Pháo CIWS AK-630M


Để phục vụ tác chiến săn ngầm, khinh hạm lớp Gepard được 2 tổ hợp ống phóng lôi cỡ 533 mm trang bị nhiều loại đạn ngư lôi khác nhau, trong đó có ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval.


http://nghiadx.blogspot.com

Ngư lôi siêu khoang Shkval


Đây là dòng ngư lôi tên lửa sử dụng công nghệ siêu bọt khí của Nga với khả năng đạt tốc độ tới 200 hải lý/giờ. Phiên bản phổ thông của ngư lôi Shkval được trang bị đầu nổ nặng 210 kg đảm bảo khả năng tiêu diệt các chiến hạm cỡ lớn của đối phương với chỉ một đạn ngư lôi.

Khả năng phòng thủ và săn ngầm của khinh hạm lớp Gepard còn được củng cố nhờ một tổ hợp rocket chống ngầm, ngư lôi RBU-6000AS (con số 6.000 tương đương với tầm bắn tối đa của tổ hợp này đạt 6 km) với 12 ống phóng.


http://nghiadx.blogspot.com

Rocket chống ngầm RBU-6000AS


Ngoài ra, khinh hạm lớp Gepard còn có thể mang theo 12-20 thủy lôi tùy theo nhiệm vụ tác chiến.


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

>> Hệ thống huấn luyện Gepard, Kilo sắp về Việt Nam



Công ty R.E.T Kronshtadt (thuộc nhóm công ty Tranzas) đang hoàn tất lắp đặt hệ thống Laguna-11661.


Hệ thống này dùng để huấn luyện các thủy thủ đoàn, kíp chiến đấu trên các khinh hạm Gepard tại Việt Nam, Tổng giám đốc R.E.T Kronshtadt Yevgeny Komrakov cho hay. Trước đó, công ty này đã sản xuất cho Việt Nam hệ thống huấn luyện mô phỏng tổng hợp tàu tên lửa Molnya.




Dự kiến, năm 2012 hệ thống huấn luyện tàu ngầm Projekt 636 Kilo cho Việt Nam sẽ hoàn thành. Trong dự án này, R.E.T Kronshtadt tham gia với tư cách nhà thầu phụ của công ty Avrora, ông Komrakov tiết lộ.

Sắp tới, R.E.T Kronshtadt sẽ sản xuất hệ thống huấn luyện tổng hợp cho Hải quân Turkmenia, nước này đã đặt mua của Nga 2 tàu tên lửa Molnya và dự định đặt mua thêm 2 chiếc nữa.

Hãng Rosoboronoexport đã thống nhất với Turkmenia về hợp đồng mua bán hệ thống huấn luyện sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Sau đó, R.E.T Kronshtadt sẽ hoàn thành công việc trong vòng 1 năm.

Hệ thống huấn luyện tổng hợp là hệ thống rất đắt tiền và tinh vi, đòi hỏi phỏng tạo được 100% vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật trên tàu. “Chẳng hạn, hệ thống huấn luyện mà chúng tôi đang lắp đặt tại Việt Nam có 56 vị trí làm việc, 7 bộ phận tác chiến làm việc ở 3 chế độ”, - ông Yevgeny Komrakov cho hay.
[BDV news]


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> Chiến hạm lớn nhất Đông Nam Á



“Kỷ lục” chiến hạm lớn nhất hoạt động ở khu vực Đông Nam Á thuộc về hai khinh hạm lớp Knox biên chế trong Hải quân Thái Lan. 

Lớp tàu Knox là loại tàu khinh hạm thiết kế cho nhiệm vụ chống ngầm, phòng thủ bờ biển và bảo vệ các tàu thương mại.

Knox bắt đầu được Mỹ chế tạo từ năm 1965, đã có khoảng 46 chiếc được đóng. Hầu hết chúng đều đã bị loại ra khỏi thành phần trang bị hải quân Mỹ. Một số chiếc được bán ra nước ngoài, và đã có hai chiếc “lọt vào tay” hải quân Thái Lan.

Tàu chiến lớp Knox có chiều dài 134 mét, lượng choán nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 240 người. Nếu so với các chiến hạm chủ lực trong khu vực Đông Nam Á như: Formidable (Singapore), Lekiu (Malaysia), Gepard 3.9 (Việt Nam), Van Speijk (Indonesia), Nakhodam Ragam (Brunei)… thì không có một lớp tàu nào có lượng choán nước ngang tầm Knox. Nên có thể coi, Knox là chiến hạm lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.




Khinh hạm Phutthayotfa Chulaok thuộc lớp tàu Knox của hải quân Thái Lan.


Hai chiến hạm Knox của Thái Lan mang tên: HTMS Phutthaloetla Naphalai (mua năm 1993), HTMS Phutthayotfa Chulalok (mua năm 1999).

Trước khi chuyển giao, hai chiếc tàu này đều trải qua đợt đại tu nâng cấp, thay đổi vũ khí theo yêu cầu của phía Thái Lan. Cả hai tàu đều hoạt động tích cực trong biên chế Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Hệ thống vũ khí


Khinh hạm Knox được thiết kế cho nhiệm vụ săn ngầm nên đầu tiên phải kể đến là hệ thống vũ khí săn ngầm.

Knox trang bị 8 tên lửa chống ngầm RUR-5 ASROC, loại vũ khí này được quân đội Mỹ phát triển vào những năm 1950. Tên lửa ASROC dài 4,5m, đường kính 422mm. ASROC không mang đầu đạn thuốc nổ thông thường mà nó mang ngư lôi Mark 46 hoặc bom phá tàu ngầm. ASROC trang bị động cơ rocket nhiên liệu rắn, tầm bắn 22km, tốc độ hành trình cận âm.



Khinh hạm Phutthayotfa Chulaok (số hiệu 461) và Phutthaloetla Naphalai (số hiệu 462) neo đậu tại cảng. Ngay sau tháp pháo là cụm ống phóng tên lửa chống ngầm ASROC.


Khi chiến hạm, máy bay tuần tra, trực thăng chống ngầm phát hiện tàu ngầm đối phương bằng hệ thống định vị siêu âm hoặc cảm biến thì sẽ chuyển tọa độ mục tiêu tới tàu chiến trang bị hệ thống ASROC. Chiến hạm sẽ bắn tên lửa ASROC mang ngư lôi chống ngầm hoặc bom phá tàu ngầm hướng tới mục tiêu. Ở một vị trí định sẵn trên quỹ đạo đường bay, ngư lôi sẽ tách khỏi tên lửa và rơi xuống biển bằng dù hãm, việc này sẽ giúp giảm thiểu tối đa âm thanh khi rơi xuống nước.

Thông thường, các tàu chiến lớp Knox do hải quân Mỹ đóng đều trang bị ngư lôi Mark 46. Tuy nhiên, khi được chuyển giao cho Hải quân Thái Lan thì Knox sử dụng ngư lôi chống ngầm Mark 44 (tầm bắn 5,4km).



Cận cảnh tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon.


Knox trang bị hỏa lực chống hạm tên lửa hành trình RGM-84 Harpoon (4 quả), tên lửa lắp hai động cơ (động cơ đẩy nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình bay chính), sử dụng radar chủ động dẫn đường giai đoạn cuối hành trình bay, tốc độ tên lửa 864km/h, tầm bắn 124km.



Tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx “phun lửa”.


Knox của Hải quân Thái Lan trang bị tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (Close – in wepon system – CIWS) Phalanx. Tổ hợp Phalanx lắp pháo M61 6 nòng cỡ 20mm, tốc độ bắn 4.500 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 3,6km. Phalanx sử dụng cho nhiệm vụ phòng không hoặc đánh chặn tên lửa chống hạm.



Pháo hạm 127mm khai hỏa.


Boong trước Knox lắp pháo hạm hiện đại Mark 45 cỡ 127mm dùng để chống hạm, phòng không và pháo kích bờ biển hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ. Pháo có tầm bắn khoảng 24km. Pháo kết hợp với hệ thống kiểm soát hỏa lực AN/SPG-53.

Hệ thống điện tử


Khinh hạm lớp Knox lắp đặt radar tìm kiếm trên không tầm xa AN/SPS-40B, radar tìm kiếm trên biển AN/SPS-67, hệ thống định vị thủy âm lắp trên thân tàu SQS-26CX, hệ thống định vị thủy âm kéo rê theo phía sau tàu SQR-18.

Ngoài ra, còn có hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 kết hợp thiết bị phóng mồi bẫy Mk36. Số lượng bệ phóng tùy thuộc vào kích cỡ của tàu.

Động cơ
Knox trang bị động cơ tuabin hơi nước cho phép đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50km/h).

Trực thăng
Ở đuôi tàu có sàn đỗ trực thăng và nhà chứa, các tàu lớp Knox trong hải quân Mỹ đều dùng trực thăng săn ngầm SH-2. Tuy nhiên, với hải quân Thái Lan có thể họ trang bị trực thăng khác.



Trực thăng hạng nhẹ hạ cánh trên boong tàu khinh hạm Phutthayotfa Chlaok.


Ngoài sở hữu kỷ lục chiến hạm lớn nhất Đông Nam Á, Thái Lan còn “giành kỷ lục” là quốc gia đầu tiên và duy nhất có hàng không mẫu hạm ở Đông Nam Á. 

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang