Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: AH-64 Apache

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn AH-64 Apache. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn AH-64 Apache. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

>> APS và sự hồi sinh của xe tăng



Sự ra đời của xe tăng đã làm thay đổi cục diện của rất nhiều cuộc chiến trên thế giới, hỏa lực mạnh, bọc giáp tốt, khả năng càn lướt trên mọi địa hình, xe tăng trở thành một "vua" chiến trường trong thời gian dài.

APS - Active Protection Systems: Hệ thống bảo vệ chủ động.
Một thời gian dài, phát triển cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xe tăng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn, có thể xem như là biểu tượng sức mạnh của lục quân.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ phát triển các vũ khí chống tăng, khiến xe tăng ngày càng mất đi lợi thế trên chiến trường.

Xe tăng mất ngôi "vua"?
Sự phát triển nhanh chóng của các tên lửa chống tăng, sử dụng các đầu đạn chống tăng liều nổ cao, đạn động năng sử dụng thanh xuyên, đầu đạn liều đúp khiến việc tăng mãi độ dày của giáp xe tăng trở nên vô nghĩa.

Với các loại đạn liều đúp, sự có mặt của giáp cảm ứng nổ (còn gọi là giáp phản ứng nổ) cũng không làm giảm khả năng bị tiêu diệt của xe tăng.

Các loại tên lửa chống tăng có điều khiển mới của Nga như AT-11 Sniper , Kornet-E, KONKURS-M, Javelin của Mỹ, với khả năng xuyên giáp từ 700-1.200mm, hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ loại xe tăng nào hiện có, ngay cả chiếc xe tăng đó được trang bị giáp cảm ứng nổ.

Cùng với đó là sự ra đời của các loại trực thăng chuyên đảm trách nhiệm vụ chống tăng trên chiến trường như Mil Mi-28, Ka-50/52 của Nga, AH-64D Apache của Mỹ khiến xe tăng càng mất đi lợi thế của mình.

Xe tăng có tầm quan sát rất hạn chế, đặc biệt là quan sát trên không. Dù được trang bị súng máy phòng không 12,7mm, nhưng khả năng tác chiến đối không là rất thấp.

Sự phát triển nhanh chóng của các máy bay trinh sát không người lái, khiến việc phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho các trực thăng chống tăng lại trở nên dễ dàng hơn. Điều này khiến xe tăng trở thành “mồi ngon” cho các sát thủ từ trên không.



Lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu của lục quân Iraq.


... và số phận bi thảm khi đối đầu với các vũ khí chống tăng của Mỹ.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, số lượng xe tăng đông đảo hơn 1.000 chiếc T-72 của Iraq đã bị trực thăng AH-64D Apache "đập" cho tơi tả.

Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí chống tăng cá nhân điển hình là RPG của Nga, việc tiêu diệt xe tăng cũng không mấy khó khăn, đặc biệt là trong môi trường tác chiến đô thị.

Trong chiến tranh Chesnya, lực lượng tăng thiết giáp của Nga đã chịu nhiều tổn thất trong cuộc đụng độ với lực lượng phiến quân trong các đô thị.

Thậm chí, các nhà quân sự đã nghĩ đến “ngày tàn” của lực lượng tăng thiết giáp trong chiến tranh hiện đại. Điển hình như Mỹ, trong thời gian qua họ không đầu tư nhiều cho việc phát triển một thế hệ xe tăng mới, một số vai trò của xe tăng được chuyển sang đầu tư cho không quân, xe tăng của Mỹ không áp dụng chức năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo như các xe tăng của Nga.

Tuy nhiên, cho dù vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại đã suy giảm phần nào, điều này chỉ thực sự đúng với quân đội có lực lượng không quân hùng hậu như Mỹ. Những nước không có lực lượng không quân hùng hậu, lực lượng tăng thiết giáp vẫn giữ một vai trò rất quan trọng

Sự hồi sinh của xe tăng
Nga là quốc gia có truyền thống phát triển và sử dụng xe tăng lâu đời, không có không quân hùng hậu như Mỹ, nên xe tăng vẫn rất quan trọng đối với Nga. Đó là lý do khiến Nga là nước cho ra đời nhiều thế hệ xe tăng nhất, giữ vị trí sản xuất xe tăng hàng đầu thế giới.

Để đảm bảo vị thế này, Nga buộc phải đi đầu phong trong phát triển khả năng tự vệ cho xe tăng.

Hiện Nga phát triển thành công hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử TShU-1-7 Shtora-1, hay còn gọi là hệ thống tiêu diệt mềm, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho tên lửa chống tăng dẫn bằng laser bán chủ động.




Hệ thống TShU-1-7 Shtora-1 lắp trên xe tăng T-90.

Thế nhưng, đặc biệt hơn cả là hệ thống phòng vệ chủ động Arena gồm: radar phát hiện, theo dõi, kiểm soát các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng; máy tính kiểm soát và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa để vô hiệu hóa nó.

Cho dù, vụ nổ có thể không phá hủy được tên lửa, song năng lượng sinh ra từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể động năng của tên lửa.

Hệ thống APS ngày càng được hoàn thiện độ chính xác, thông qua việc xác định mục tiêu của các cảm biến, tập trung năng lượng của vụ nổ trong phạm vi hẹp hơn, hiệu quả tiêu diệt tên lửa chống tăng cao hơn.

Thời gian phản ứng ngày càng nhanh hơn thông qua tăng tốc độ của bộ vi xử lý. Hệ thống Arena có thời gian phản ứng chỉ 0,07 giây, thời gian ngắt quãng chỉ từ 0,2-0,4 giây.

Hệ thống được lập trình để hoạt động hoàn toàn tự động, giúp tổ lái yên tâm tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu chính.

Cùng với các phương pháp phòng vệ truyền thống như giáp cảm ứng nổ ERA, giáp tấm composite, giáp Burlington (Chobham), việc tiêu diệt xe tăng trở nên vô cùng khó khăn.


Phần cảm biến của hệ thống Arena.

Xe tăng T-80 lắp đặt hệ thống Arena.
Sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS thực sự là một cuộc cách mạng hồi sinh cho xe tăng, không những là lắn chắn bảo vệ, mà còn nâng cao năng lực tác chiến cho xe tăng.

Tiếp nối thành công của Nga, gần đây Israel đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A, với những tính năng vượt trội.

Mỹ, từ lâu nay không mấy chú ý đến đầu tư cho xe tăng nữa. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự thành công của hệ thống phòng vệ chủ động APS,cũng đang xúc tiến phát triển một hệ thống tương tự để trang bị cho xe tăng của mình.

Sau một thời gian có phần chững lại, sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS, đã hồi sinh hình ảnh dũng mãnh, bất khả chiến bại của xe tăng trên chiến trường. Và lúc này, một cuộc đua khác lại bắt đầu, cuộc đua xuyên thủng hệ thống phòng vệ chủ động APS.

(bdv news)

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

>> Phòng không Nga bó tay với tên lửa JAGM



Việc trang bị JAGM cho trực thăng AH-64 Apache sẽ làm thay đổi lớn cán cân sức mạnh trên chiến trường.

Mục tiêu của chương trình JAGM (Joint Air-to-Ground Missile - tên lửa liên quân, không-đối-diện, có điều khiển) là chế tạo loại tên lửa có điều khiển kiểu module, có khả năng sát thương cao để trang bị cho máy bay, trực thăng và máy bay không người lái (UAV) của Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, thay thế các loại tên lửa không-đối-diện nổi tiếng BGM-71 TOW, AGM-114 Hellfire (Hellfire-2, Hellfire Longbow) và AGM-65 Maverick.

Tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu tĩnh và động ở cự ly khác nhau trong mọi thời tiết. Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ dự kiến mua hàng ngàn quả JAGM.

JAGM sẽ bảo đảm tiêu diệt chính xác mục tiêu mặt đất trong thời tiết phức tạp với tổn thất phụ tối thiểu. Bộ phận then chốt của tên lửa là đầu tự dẫn đa chế độ chính xác cao, kết hợp khả năng dẫn bằng hồng ngoại, radar và laser bán chủ động. Đầu tự dẫn đa chế độ chính xác cao này đang ở giai đoạn phát triển.




JAGM sẽ tương thích với các bệ phóng hiện có trên các máy bay.

Tham gia cuộc thầu phát triển JAGM có 2 đội thiết kế: một là của công-xooc-xi-om của các công ty Raytheon và Boeing và hai là của hãng Lockheed Martin. Tháng 9.2008, Lockheed Martin ký được hợp đồng 122 triệu USD, nhóm Raytheon/Boeing nhận được hợp đồng 125 triệu USD trong khuôn khổ chương trình JAGM.

Theo Armstrade, 25.8.2010, nhóm Raytheon/Boeing đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa JAGM. Họ thông báo đã hoàn thành loạt đầu tiên 3 lần phóng thử nghiệm do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ mẫu chế thử tên lửa liên quân hạng nhẹ mới JAGM tại trường thử White Sands, New Mexico.

Raytheon và Boeing đã lần đầu tiên công bố đoạn video quay cảnh bắn chiến đấu tên lửa tối tân JAGM. Trong khi thử nghiệm ngày 23.6.10, JAGM đã sử dụng hệ dẫn laser, tiêu diệt thành công một mục tiêu có kích thước 8х8 ft (2,5х2,5 m) ở cách bệ phóng 16 km. Vụ thử này là một trong những bước cuối cùng để nhận tên lửa này vào trang bị.

Trên cảnh quay thấy rõ tên lửa rời thanh dẫn hướng bệ phóng, lấy độ cao và bổ nhào tiêu diệt mục tiêu. Một trong những yêu cầu của vụ thử là thử đầu tự dẫn 3 chế độ về hiệu quả bắt mục tiêu ở tất cả các chế độ: hồng ngoại, laser và sóng milimet. Đầu tự dẫn 3 chế độ bảo đảm độ chính xác tiêu diệt mục tiêu cao và bảo vệ chống mọi loại nhiễu.

Theo hợp đồng 125 triệu USD ký với Lục quân Mỹ, nhóm Raytheon/Boeing trong 27 tháng phải thiết kế, chế tạo và tiến hành phóng thử 3 mẫu chế thử JAGM trang bị đầu tự dẫn kết hợp 3 chế độ. Raytheon nhà thầu chính của hợp đồng.

Khi phát triển đầu tìm mới, nhóm thiết kế sử dụng kết quả nghiên cứu mà Raytheon thu được khi chế tạo bom có điều khiển GBU-53/B (SDB-2).

Lần phóng được thực hiện đã hoàn tất giai đoạn đầu bắn thử nghiệm tên lửa. Hai lần phóng đầu tiên JAGM được thực hiện vào tháng 4.2010. Trong khi thử nghiệm, cả 3 hệ dẫn đã làm việc đồng thời và bảo đảm truyền số liệu viễn trắc cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống vũ khí.

Đồng thời với nhóm Raytheon/Boeing, một nhóm công ty khác do Lockheed Martin đứng đầu cũng đang phát triển một thiết kế thay thế khác cho tên lửa JAGM. Bên đặt hàng dự định tiến hành các vụ thử nghiệm các mẫu chế thử vào mùa thu năm nay tại các trường thử Yuma và White Sands sử dụng một bệ mang mặt đất mô phỏng một trực thăng.




Theo Armstrade, 5.4.2010, Lockheed Martin đã thông báo hoàn thành tốt đẹp loạt thử nghiệm toàn diện đầu tìm đa chế độ cho tên lửa liên quân có điều khiển JAGM (Joint Air-to-Ground Missile) lớp không-đối-diện thế hệ mới. Đại diện của Lockheed Martin cho biết, các vụ thử đã cho thấy khả năng hoạt động đồng thời của tất cả các sensor.

Lockheed Martin đã chế tạo một số đầu tự dẫn 3 chế độ để thử nghiệm mặt đất, bay không tách khỏi máy bay mang và bay thử. Sắp tới, sẽ bắt đầu thử nghiệm không tách khỏi máy bay mang với mục đích khẳng định các tham số công tác của tên lửa trong khi bay. Các vụ thử nghiệm bổ sung trong điều kiện khí hậu nóng, rung và nhiễu điện từ cũng sẽ tiến hành trong năm nay.

Chương trình chế tạo JAGM là sự kế tiếp dự án của Lockheed Martin phát triển tên lửa liên quân không-đối-diện thế hệ mới JCM (Joint Common Missile) dùng để thay thế tên lửa chống tăng có điều khiển AIM-114 Hellfire và BGM-71 TOW. Tuy nhiên, tháng 6.2007, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hủy hợp đồng phát triển JCM.

JAGM đe dọa phòng không lục quân

 Với sự xuất hiện của JAGM trên chiến trường, sức mạnh hỏa lực và khả năng bảo vệ của trực thăng sẽ tăng mạnh, còn hiệu quả của phòng không lục quân hiện đại sẽ giảm đi.

Việc trang bị JAGM cho trực thăng AH-64 Apache sẽ làm thay đổi lớn cán cân sức mạnh trên chiến trường. Vấn đề là ở chỗ, các hệ thống phòng không lục quân hiện đại dùng để bảo vệ các đơn vị triển khai trên chiến trường có tầm bắn chỉ gần 10 km. Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga Tor-M2U (sẽ bắt đầu nhận vào trang bị vào năm 2011) có tầm bắn giả thiết giỏi lắm cũng chỉ gần tới 16 km.



AH-64 với JAGM có thể bắn phá khá an toàn các hệ thống tên lửa phòng không, hơn nữa lại còn lợi dụng các vị trí ẩn nấp và nếp gấp địa hình, nhờ nguyên lý bắn-quên (tức là nhô lên khỏi nơi ẩn nấp, phóng tên lửa và lại ẩn nấp).

Trong khuôn khổ dự án JAGM, Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ nhận gần 35.000 tên lửa để thay thế AIM-114 Hellfire-2 và Hellfire Longbow trên các máy bay mang chủ yếu, trong đó có các trực thăng tiến công AH-64 Apache của Lục quân, UAV đa năng tầm xa Warrior, các trực thăng tiến công AH-1Z Super Cobra của Thủy quân lục chiến, các trực thăng đa nhiệm MH-60 Sea Hawk của Hải quân Mỹ. JAGM cũng sẽ thay thế tên lửa AGM-65 Maverick trên các máy bay tiêm kích F/A-18 A/E Hornet.

Dự định, tên lửa bắt đầu được thử nghiệm bay vào quý II năm 2010. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chọn một nhà thầu duy nhất của chương trình này vào quý IV. Dự kiến, JAGM sẽ được nhận vào trang bị vào năm 2016.


(rnd.cnews)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang