Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: tank

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn tank. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tank. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc khoe xe tăng thế hệ thứ 4



Cùng với tàu sân bay của hải quân và máy bay tàng thế hệ 5 của không quân, lục quân Trung Quốc mới đây đã giới thiệu xe tăng bậc nhất thế giới.

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21, để khẳng định sức mạnh của một đất nước đang khát khao vị trí siêu cường, Trung Quốc đã đưa thế giới đi từ hết ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác.

Ngay từ đầu năm 2011, những tin tức dồn dập về máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cho đến tầu sân bay Shi Lang đã cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn.

Bên cạnh hải quân và không quân, Lục quân Trung Quốc, vốn bị coi chậm hiện đại hóa nhất, vẫn lấy số lượng để bù đắp chất lượng cũng không chịu bị lép vế. Ngay từ cuối năm 2010, những tin tức không chính thống từ báo mạng Trung Quốc đã hé lộ loại xe tăng mới nhất đang thử nghiệm của lục quân PLA: Type-99KM.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin giới thiệu: “Một Type-99KM tương đương với ba xe tăng T-90 hay M1A2”; “ xe tăng Type-99KM đã đi trước thế giới đến cả chục năm”.

Đi sau Nga, Mỹ hay một số nước châu Âu trong cuộc đua chế tạo tầu sân bay hay máy bay thế hệ thứ 5, lần này Trung Quốc quyết đi đầu trong việc phát triển xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4. Loại xe tăng thế hệ mới này phải đáp ứng được các yêu cầu như: tàng hình trước các phương tiện trinh sát và dò tìm của đối phương như hồng ngoại, radar; có súng chính cỡ nòng lớn (135 - 155 mm), có khả năng bắn các loại đạn xuyên (APFSDS), đạn nổ (HEAT) cũng như tên lửa chống tăng; có vỏ giáp hỗn hợp (composite, ERA...) , giáp trước phải chịu được các loại đạn pháo cũng như tên lửa chống tăng hiện đại); có hệ thống phòng vệ chủ động hoạt động hiệu quả và cuối cùng là phải có hệ thống điều khiển vi tính hóa với các cảm biến hiện đại, có khả năng nhận dạng mục tiêu từ xa, dành ưu thế khai hỏa trước bất kể ngày đêm, thời tiết.

Từ năm 2008, hình ảnh một mẫu thiết kế xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc đã rò rỉ lên internet với ngoại hình bên ngoài khá giống với xe tăng M1 Abram của Mỹ. Mẫu thiết kế này được cho biết có trang bị vỏ giáp hỗn hợp composite, với giáp trước có khả năng chống chịu được đạn xuyên APFSDS 120 mm với lõi uran nghèo (DU) hiện đại nhất của Hoa Kỳ là M829E3. Không những thế, pháo chính trang bị trên xe tăng này với cỡ nòng 140 - 152 mm có khả năng xuyên thủng bất kỳ giáp trước của bất kỳ loại xe tăng nào hiện có trên thế giới.





Mẫu thiết kế xe tăng thế hệ thứ 4 của Trung Quốc lộ diện năm 2008, với ngoại hình khá giống xe tăng M1 Abrams của Hoa Kỳ


Không giống như năm 2008, loại xe tăng mới chỉ dừng lại ở những hình ảnh và phỏng đoán, đầu năm 2011, Type-99KM đã được loan báo với các thông số kỹ thuật khá rõ ràng.

Theo đó, Type-99KM có khối lượng 75 tấn, nặng hơn cả phiên bản xe tăng nặng nhất thế giới hiện nay là M1A2 SEP đã trang bị TUSK (*) - 70 tấn. Type-99KM sử dụng pháo chính có cỡ nòng lên tới 155 mm, có khả năng bắn được các loại đạn APFSDS có sơ tốc cao hơn (do nạp được liều thuốc phóng nhiều hơn) và các loại tên lửa chống tăng có đầu nổ lớn hơn.

Vỏ giáp của Type-99KM sẽ được trang bị loại giáp composite thế hệ mới nhất với các tấm gia cố làm bằng corundum - nhôm oxit dạng tinh thể, có độ cứng hầu như chỉ thua kim cương.

(*) Tank Urban Survival Kit - Trang bị giúp tăng khả năng sống sót của xe tăng trong chiến trường đô thị)


Xe tăng Type-99KM (xuất hiện năm 2011) có các thông số kỹ thuật được công bố vượt xa các loai xe tăng hiện đại đang được vận hành trên thế giới


Không những thế, điểm nổi bật của Type-99KM là hệ thống phòng vệ laser JD-4. Hệ thống đặc biệt này chuyên để chống lại các thiết bị trinh sát quang học, tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại hay laser của đối phương.

Theo lý thuyết, khi bị chiếu laser, tháp pháo của Type-99KM sẽ ngay lập tức quay về phía nguồn chiếu, khi đó, hệ thống JD-4 sẽ chiếu một dải laser năng lượng thấp để xác định chính xác đối phương. Khi đối phương đã bị xác định, JD-4 sẽ chiếu một chùm laser năng lượng cực cao tới, phá hủy mọi khí tài trinh sát quang học hay dẫn đường, thậm chí ngay lập tức làm mù người vận hành thiết bị này.

Ngoài ra, Type-99KM cũng được trang bị cả hệ thống phòng vệ chủ động (APS) có khả năng bắn hạ tên lửa đang nhắm tới xe tăng tương tự như hệ thống Arena của Nga hay Trophy của Israel.


Hệ thống phòng vệ laser hiện được trang bị trên xe tăng Type-99, tiền thân của hệ thống JD-4 hiện đại hơn nhiều trang bị trên Type-99KM.


Cũng theo lời giới thiệu của các trang mạng Trung Quốc, Type-99KM được trang bị động cơ công suất 2.100 mã lực, mạnh hơn rất nhiều so với động cơ của các loại xe tăng hiện đại ngày nay (1.500 mã lực của M1A2, Leclerc, 1.100 mã lực của T-90 hay 1.200 mã lực của Challenger-2).

Type-99KM có thể đạt được tốc độ tối đa trên đường tới 80 km/h (vượt xa cả “xe tăng bay T-80U” vốn “chỉ” có tốc độ 70 km/h). Với dự trữ nhiên liệu lớn, Type-99KM có bán kính hoạt động tới 870 km, cũng vượt xa các loại xe tăng hiện đại khác.


Theo đúng kế hoạch, đến năm 2015, lục quân Trung Quốc sẽ được trang bị lượt Type-99KM đầu tiên gồm 200 chiếc.


Tuy nhiên, dù cho thông số kỹ thuật của Type-99KM được giới thiệu có thể hoàn toàn chính xác và "áp đảo" mọi đối thủ trên thế giới thì loại xe tăng này cũng chưa hẳn là bất khả xâm phạm.

Lớp giáp trước dày cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa cá nhân tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Hoa Kỳ hay các loại tên lửa khác bắn từ trực thăng khác.

Hệ thống JD-4 cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa dẫn đường laser mới như AT-14 Kornet hay AT-16 Vikhr vì chùm laser được chiếu vào cảm biến ở đuôi tên lửa để điều chỉnh độ lệch chứ không chiếu trực tiếp vào xe tăng.

Hệ thống phòng vệ chủ động APS cũng “bó tay” trước những loại súng chống tăng thế hệ mới với đạn mồi giả như RPG-30.

Theo kế hoạch, có khả năng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ sản xuất lô Type-99KM đầu tiên với 200 chiếc để bổ sung cho lực lượng lục quân khổng lồ của mình. Tới lúc đó, mới có thể bình luận thêm về khả năng thực chiến của Type-99KM.

Tham vọng chế tạo xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng là thật. Song mong muốn là một chuyện, khả năng thực hiện là một chuyện hoàn toàn khác. Riêng chuyện khoe khoang 1 chiếc Type-99KM bằng 3 chiếc M1A2 hay T-90, hay những tính năng 'trên trời' là rất hoang đường.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc về thiết kế xe tăng. Đến nay, các xe tăng của họ, kể cả những loại hiện đại nhất hiện nay, phần lớn là sao chép các xe tăng T-54/T-55, T-72 của Liên Xô, rồi cải tiến chút ít. Các cường quốc xe tăng như Đức, Mỹ, Nga, Ukraine, Israel... vẫn không dám có hoặc phải từ bỏ chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới mà vẫn chỉ là nâng cấp liên tục xe tăng thế hệ 3.

Thứ hai, những điểm yếu cơ bản hiện nay của công nghiệp xe tăng Trung Quốc là động cơ, pháo tăng - đạn pháo tăng, hệ thống điều khiển hỏa lực, vỏ giáp. Các xe tăng hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn sao chép phần lớn các giải pháp thiết kế của xe tăng Liên Xô (pháo 125 mm, tên lửa phóng qua nòng pháo, máy nạp đạn tự động... sao chép từ T-72 có thể có sự giúp đỡ của Nga, Ukraine), động cơ xe tăng công suất lớn vẫn phải mua từ Ukraine.

Vì thế, chuyện Trung Quốc làm được động cơ... 2.100 mã lực, hay pháo tăng 135-155 mm là không thể có.



[BDV news]


Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

>> 'Siêu tăng' T-95 bị chết yểu?



Giới quân sự Nga và thế giới từng kỳ vọng chứng kiến sự xuất hiện của “siêu tăng” T-95 tuy nhiên mong muốn này có thể không bao giờ thành hiện thực.

Tháng 12/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popotkin thông báo: Quân đội Nga sẽ chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển loại tăng chiến đấu chủ lực mới được biết đến với tên gọi T-95. Tuyên bố trên làm thất vọng toàn bộ giới quân sự Nga và thế giới.

Rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi, tại sao một dự án được ấp ủ gần hai thập kỷ qua bỗng dưng chấm dứt một cách khó hiểu. Trước đó, từng có những tin đồn loại “siêu tăng” này đã hoàn tất giai đoạn phát triển cuối cùng.



Chiếc xe tăng đang trùm bạt này được cho là chở mẫu nghiên cứu của T-95.


Nguồn gốc và kỳ vọng về T-95
Dự án phát triển T-95 được gọi là Objekt 775, được manh nha phát triển từ thời Liên Xô. Ban đầu, mẫu tăng mới này dự định đưa và sử dụng trong những năm 1995. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô khiến dòng vốn tài trợ cho dự án bị cắt đứt, dự án rơi vào tình trạng không xác định thời hạn.

Vào những năm 2000, Lục quân Nga đối mặt với tình trạng khủng hoảng xe tăng nghiêm trọng. Objekt 775 hay 195 được khởi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của giải pháp tạm thời T-90.

Theo dự kiến, sự xuất hiện của T-95 cùng với T-90 và những biến thể nâng cấp của T-80MU2 sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Dự kiến, T-95 sẽ trải qua thử nghiệm và trang bị cho quân đội vào năm 2010.


Hình ảnh thực sự về T-95 vẫn chưa xuất hiện bao giờ.


Theo một số thông tin rò rỉ từ giới quân sự Nga, T-95 là mẫu thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với các loại tăng hiện có.

Tháp pháo được trang bị pháo với cỡ nòng lên đến 135mm (thậm chí, có thể là 152mm), tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, tháp pháo được điều khiển từ xa với cơ chế nạp đạn hoàn toàn tự động.

Được thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo có khả năng bảo vệ kíp xe trong trường hợp khối đạn dược bị kích nổ.

Giá xe thấp hơn tiêu chuẩn để tăng khả năng tàng hình, hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, dựa trên cơ chế tự động hóa cao.

T-95 được trang bị giáp thế hệ mới với khả năng chống chịu các loại đạn chống tăng hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng vệ chủ động tối ưu.

T-95 được cho là có khối lượng đến 50 tấn, trang bị động cơ 1.800 mã lực, tốc độ tối đa lên đến 75km/giờ, kíp xe 3 người. Ở bên trong, buồng lái được thiết kế phù hợp với công thái học, tạo sự thoải mái cho kíp xe.

Giới quân sự Nga tự hào cho rằng T-95 sẽ là một loại “siêu tăng” không có đối thủ. Tuy nhiên, “siêu tăng” sẽ không bao giờ xuất hiện, hoặc nếu có sẽ là một mẫu thiết kế khác với mong đợi về T-95.

Nguyên nhân hủy bỏ dự án
Lý giải cho sự hủy bỏ của dự án “siêu tăng” T-95 một số nhà phân tích quân sự Nga và các nước cho rằng: Ý tưởng về T-95 hay Objekt 775/195 ra đời hơn 2 thập kỷ. Dù vào thời điểm xây dựng, phát triển mẫu thiết kế là cực kỳ hiện đại và không có đối thủ nhưng T-95 không còn phù hợp với quan điểm tác chiến của chiến tranh hiện đại.

Theo như trình bày, T-95 là một mẫu thiết kế cực kỳ phức tạp, và có chi phí chế tạo cực kỳ đắt đỏ, tương tự như trường hợp của T-64 trước đây. Nền công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga rất khó để đảm đương được điều này. Nếu chế tạo hàng loạt, Nga sẽ không đủ kinh phí để có thể sản xuất T-95 trên quy mô lớn.


Xe tăng dù hiện đại đến mấy cũng rất khó có cơ hội sống sót trước những loại trực thăng chuyên làm nhiệm vụ chống tăng như AH-64D Apache.


Một góc nhìn khác, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí chống tăng, đặc biệt là các tên lửa chống tăng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khiến cho T-95 hiện đại đến mấy, được bảo vệ tốt đến mức nào, cũng có thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ bằng một phát bắn từ trên không.

Trong tác chiến hiện đại, vai trò của xe tăng đang ngày càng giảm dần, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Ở đó, xe tăng là phương tiện dễ bị tiêu diệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường tác chiến đô thị, nơi khả năng quan sát của xe tăng rất hạn chế.

Nếu biên chế T-95 trong Quân đội Nga cũng không thay đổi thực tế này. Khi đó, chế tạo hàng loạt T-95 sẽ là sự đầu tư lãng phí và kém hiệu quả so với giải pháp tạm thời T-90.

Mở rộng ra, nếu nhìn vào chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược được chú trọng đầu tư phát triển hơn. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của các lực lượng nói trên quyết định thành bại chứ không phải là xe tăng như thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia khác cũng không chú trọng đầu tư nhiều cho việc phát triển những mẫu tăng chiến đấu chủ lực mới, đơn giản là chỉ nâng cấp những mẫu tăng hiện có mà thôi. Do đó, việc hủy bỏ dự án “siêu tăng” T-95 cũng là một phần của xu hướng chung của giới quân sự thế giới.


[BDV news]


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

>> Hệ thống phòng thủ xe tăng (kỳ 1)



[BDV news]  Xe tăng là mũi nhọn tấn công chính của lục quân trên chiến trường, do đó, người ta luôn phát triển các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhất để chống lại nó. Để có khả năng tồn tại, hệ thống bảo vệ của xe tăng cũng phải phát triển theo với một tốc độ không kém.

Với khả năng chống chịu hỏa lực đặc biệt trên chiến trường, xe tăng vẫn là phương tiện lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ đột kích trên chiến trường. Để đảm bảo được vị trí này, hệ thống bảo vệ của xe tăng đã trải qua quãng đường phát triển rất dài.

Giáp dày và dày hơn nữa
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến thuật chiến hào còn chiếm ưu thế, các loại pháo trên chiến trường còn kém chính xác, vũ khí chính trên chiến trường chủ yếu là các loại súng liên thanh, súng trường, lựu đạn cùng phương tiện đột kích chính là kỵ binh, ưu thế tuyệt đối thường thuộc về những quân đội phòng thủ. Yếu tố quyết định sự thành bại trên chiến trường thường không phụ thuộc vào những trận đánh lớn mà chủ yếu phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế và sức chịu đựng của xã hội nước tham chiến.

Trong thời điểm này, sự xuất hiện của xe tăng đã làm thay đổi tất cả. Hai loại xe tăng trên chiến trường đầu tiên, Little Willie và Big Willie do Anh phát triển và sản xuất đã thực sự trở thành nỗi sợ hãi của các đơn vị phòng thủ của quân đội Đức lúc đó.

Trong trận chiến sông Somme, mặc dù chỉ có 18 chiếc xe tăng Anh tham gia tấn công (31 trong tổng số 49 chiếc được chuẩn bị đã gặp phải nhiều vấn đề trục trặc kỹ thuật khác nhau và không thể ra trận) đã tiến được 5 km trong một ngày với số thương vong giảm 20 lần.

Những chiếc Willie của Anh, mặc dù chỉ được trang bị vỏ giáp trước dày 10 mm, giáp sườn dày từ 6-8 mm (còn thua xa cả loại xe trinh sát bọc thép hạng nhẹ BRDM-1/2 sau này), nhưng loại xe tăng này đã gần như “miễn dịch” hoàn toàn với các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ được sử dụng chủ yếu khi đó.



Xe tăng đầu tiên của thế giới - Little Willie - do Anh chế tạo với lớp giáp làm bằng thép cán và ghép với nhau bằng đinh tán


Không chỉ mỏng, kỹ thuật gia công giáp xe tăng thời kỳ này còn rất thô sơ. Những tấm giáp này được làm đơn thuần bằng thép cán (RHA - Rolled homogeneous armor) và cũng vì độ dày hạn chế, chúng được ghép với nhau bằng đinh tán.

Đến trước chiến tranh thế giới thứ hai, để chế áp xe tăng, vũ khí thường được dùng là các loại pháo bắn đạn xuyên, làm bằng các loại hợp kim thép cứng, có sơ tốc đầu đạn cao.

Do hạn chế về chất lượng thuốc phóng do công nghệ hiện thời, pháo chống tăng trước thế chiến thứ hai thường có cỡ nòng nhỏ hơn 50 mm như Pak-36 của Đức, M3 của Hoa Kỳ, M-1930 của Liên Xô (cỡ nòng 37 mm); Hotchkiss của Pháp (cỡ nòng 25 mm) hay Ordnance QF-2 pounder của Anh (cỡ nòng 40 mm). Để đối phó với những loại đạn chống tăng này, các nhà sản xuất chỉ cần cần gia tăng độ dày của giáp.


Với lớp giáp mỏng, vũ khí chống tăng chuyên dụng đầu tiên chỉ là súng trường cỡ nòng lớn. Trong ảnh là khẩu M1918 T-Gewehr cỡ nòng 13 mm được quân đội Đức sử dụng trong Thế chiến thứ nhất


Trong suốt thời kỳ lịch sử này, cuộc đua chỉ diễn ra giữa độ dày giáp thép xe tăng và cỡ nòng của súng chống tăng. Tuy nhiên, cho đến khi độ dày giáp thép đã chạm đến ngưỡng không thể tăng thêm do ảnh hưởng đến kích cỡ, khối lượng và không gian vận hành của tổ lái, nhà sản xuất buộc phải nghĩ đến một giải pháp thay thế khác.

Xoay nghiêng lớp giáp
Chiến tranh thế giới thứ hai là thời điểm nhảy vọt, phát triển vượt bậc của các loại súng chống tăng cỡ nòng lớn. Kể từ khi người Đức phát minh ra súng chống tăng Pak-38 với cỡ nòng 50 mm; các loại xe tăng giáp đứng như T-28 của Liên Xô, M2, M3 Stuart của Hoa Kỳ hay A9 (cruiser tank mk-1) của Anh ... đã gần như vô dụng trên chiến trường. Ngay cả loại tăng hạng nặng giáp đứng như T-35 của Liên Xô cũng nhanh chóng bị loại bỏ.


Pháo Flak-88 mm, tử thần của các loại xe tăng đồng minh trong Thế chiến hai


Điều này buộc các nhà sản xuất xe tăng nghĩ đến một phương pháp hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đến khối lượng, tính cơ động của xe tăng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho xe trên chiến trường. Chính vì vậy, giáp kiểu nghiêng ra đời.


Xe tăng giáp đứng sớm vô dụng trên chiến trường, ngay cả loại hạng nặng như T-35 của Liên Xô



Lớp giáp thép dày tới 102 mm của xe tăng Tiger (Đức) vẫn bị đạn pháo chống tăng hạ gục.


Giáp nghiêng mang rất nhiều ưu điểm so với giáp thẳng đứng. Trước hết, giáp nghiêng làm giảm khối lượng thép cần thiết mà vẫn đảm bảo độ dày (tính trên khối lượng) của giáp xe tăng, giúp xe chống lại các loại súng chống tăng cỡ nòng lớn.


Trong hình mô tả vectơ động năng của đạn đã bị phân tán khi gặp giáp nghiêng


Không chỉ thế, giáp thép nghiêng còn có tác dụng đặc biệt chống lại các loại đạn thanh xuyên, vốn được dùng chủ yếu trong Thế chiến 2.

Những loại đạn thanh xuyên có khối lượng riêng không đủ lớn, tốc độ không đủ cao hay đơn thuần bắn từ khoảng cách quá xa có thể bị trượt, nảy hoặc gẫy khi bắn vào giáp nghiêng của xe tăng.


Các hiệu ứng tác động của giáp nghiêng đối với đạn chống tăng dạng thanh xuyên: a - bật lại tức thời, b - trượt đi, c - bật lại khi đã xuyên một phần, d - bật ngược trở lại và e - bẻ gãy thanh xuyên.


Trong Thế chiến thứ hai, xe tăng T-34 của Liên Xô là loại xe tăng chủ lực đầu tiên khai thác thành công ưu điểm của giáp nghiêng và trở thành loại xe tăng cực kỳ hiệu quả trên chiến trường.

Đây cũng là chiếc xe tăng được chương trình Discovery bình chọn là loại xe tăng hiệu quả nhất mọi thời đại, tính đến thời điểm hiện nay.


Xe tăng T-34 là xe tăng đầu tiên khai thác hiệu quả năng lực của giáp nghiêng trên chiến trường.


Trong điều kiện chiến trường, góc chạm của đạn không phải lúc nào cũng theo phương ngang, do đó để tối ưu hóa hiệu quả của giáp nghiêng, nhiều loại xe tăng đã chọn cách thiết kế tháp pháo hình chỏm cầu (vỏ trứng), sớm nhất là IS-3 của Liên Xô, sau đó là một số loại của phương Tây như M60 Patton của Mỹ; Leopard 1A1 của Đức hay Type-74 của Nhật Bản. Sau này, mẫu tháp pháo chỏm cầu trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các thiết kế xe tăng Liên Xô và Nga.


Xe tăng Type-74 Nana-yon của Nhật Bản với thiết kế tháp pháo hình chỏm cầu.



Thiết kế chỏm cầu vẫn được áp dụng với loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay của quân đội Nga - T80-UM2 Black Eagle.


Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, việc phát minh ra đạn chống tăng đầu nổ lõm, có hiệu quả xuyên giáp không phụ thuộc vào tốc độ bay và góc chạm với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại rocket chống tăng cá nhân như Bazooka (Mỹ), Panzerschreck, Panzerfaust (Đức), các nhà thiết kế giáp bảo vệ xe tăng đã nhận ra rằng nếu chỉ có một lớp giáp thép dày, kể cả giáp nghiêng vẫn là chưa đủ, và họ cần phải sáng chế ra phương tiện bảo vệ khác hiệu quả hơn. Điều này khiến lịch sử thiết kế xe tăng bước sang trang tiếp theo.


>> Hàn Quốc phát triển hệ thống phòng vệ cho Báo đen



[BDV news]Cục Phát triển quốc phòng Hàn Quốc ADD mới đây đã tiết lộ kế hoạch phát triển hệ thống phòng vệ chủ động APS (Active Protection System) để lắp cho tăng chủ lực K2 Black Panther (Báo đen) để chống tên lửa chống tăng của đối phương.


APS được phát triển từ năm 2006, dự kiến hoàn thành phát triển APS trước cuối năm 2011, song chưa rõ thời điểm đưa hệ thống vào trang bị cho Lục quân Hàn Quốc. Hàn Quốc đã chi cho dự án này 40 tỷ won (36 triệu USD).

APS bao gồm: radar phát hiện và bám 3 tọa độ, các sensor hồng ngoại phát hiện và bám, máy tính điều khiển, bệ phóng và tên lửa chống tên lửa. Radar làm nhiệm vụ bắt và bám các tên lửa chống tăng, máy tính thì tính toán quỹ đạo bay của chúng, còn các tên lửa chống tên lửa sẽ tiêu diệt các tên lửa đe dọa xe tăng.

APS sẽ sử dụng bệ phóng bắn các tên lửa chống tên lửa LOGIR cỡ 70 mm để tiêu diệt tên lửa chống tăng đối phương bắn vào xe tăng.

Tên lửa LOGIR (Low Cost Guided Imaging Rocket) do Hàn Quốc hợp tác với Mỹ phát triển, được trang bị hệ dẫn ảnh hồng ngoại và hệ thống điều khiển. LOGIR hoạt động theo cơ chế bắn-quên và có thể bay với tốc độ đến Mach-2 (2.300 km/h).

Theo tính toán của ADD, từ thời điểm bắt mục tiêu cho đến khi tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa chống tên lửa sẽ mất 0,2-0,3 giây.

Lục quân, Không quân và Hải quân Hàn Quốc tỏ ra quan tâm đến hệ thống này để trang bị cho các loại xe, máy bay và hạm tàu.



Xe tăng chủ lực K-2 Black Panther của Hàn Quốc. Ảnh: Defpro.



ADD giới thiệu ảnh bệ phóng APS cùng với tên lửa có điều khiển 70 mm trong triển lãm khoa học công nghệ quốc phòng ở Hawaii hôm 15/3/2011. Ảnh: mnd.go.kr.



Xe tăng chủ lực K2 lắp ống thông hơi để vượt vật cản nước. Ảnh: militaryphotos.net.




Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

>> Lộ diện Bạo Phong Hổ, xe tăng chủ lực mới của Triều Tiên



Từ tháng 5 -2010, những hình ảnh và video được phát hành từ Triều Tiên lần đầu tiên công khai cho thế giới thấy một vài hình ảnh về chiếc xe tăng nội địa tự chế tạo hiện đại nhất của nước này: xe tăng Bạo phong hổ.

Từ mong đợi đến thất vọng
Đầu những năm 1990, nhận thức về sự kém hiệu quả của các loại xe tăng đã cũ trong một cuộc chiến tranh tổng lực (tương tự như Chiến tranh vùng Vịnh), quân đội Triều Tiên lên kế hoạch phát triển loại xe tăng mới nhằm thay thế cho các xe tăng Thiên mã hổ đang dần lỗi thời của mình.



Trong thập niên 1990, Triều Tiên đã nhận ra sản xuất loại xe tăng hiện đại hơn Thiên Mã Hổ là việc làm tối cần thiết.

Suốt từ cuối thập niên 1990 cho đến nay, dù Bạo Phong Hổ được đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng quanh nó vẫn có một bức màn che phủ khiến thế giới không khỏi tò mò.

Mặc dù được mong đợi là một bản nâng cấp toàn diện của xe tăng T-72 tương tự như Type-99 của Trung Quốc, nhưng Bạo Phong Hổ khiến các chuyên gia thất vọng khi có quá nhiều điểm cho thấy nó chỉ là bản thiết kế lại dựa trên thân xe T-62 kém hiện đại hơn, chỉ tương đương với Type-96.


Xe tăng Type-96G của Trung Quốc, được cho là có nhiều ảnh hưởng nhất đến thiết kế Bạo Phong Hổ.

Bạo Phong Hổ được Học viện Khoa học quốc phòng số 2 của Triều Tiên nghiên cứu thiết kế. Việc sản xuất các bộ phận chính của xe tăng này và khâu lắp ráp cuối cùng được thực hiện tại nhà máy Ryu-Kongsu trực thuộc Bộ Công nghiệp cơ khí số 2 nằm tại Sinhung, Hamgyong-namdo.

Ngoài ra các bộ phận khác của xe có thể được sản xuất tại toàn bộ các nhà máy khác trên cả nước. Một số các thiết bị điện tử công nghệ cao của Bạo Phong Hổ có thể được cung cấp trực tiếp từ Nga hoặc Trung Quốc.


Thiết kế Bạo Phong Hổ được cho là vẫn dựa chủ yếu trên kiểu xe tăng T-62 của Liên Xô cũ.

Những dự đoán qua ảnh
Tháp pháo của Bạo Phong Hổ tuy có kích cỡ tương đương như tháp pháo của T-62 nhưng được gia cố bằng một lớp giáp hình chữ V rất dày phía trước cùng nhiều tấm giáp nghiêng có thể tháo lắp được hai bên. Đây là cấu trúc tương tự như xe tăng Leopard 2A6 của Đức hay Type-99 của Trung Quốc.

Ngoài ra, phía sau tháp pháo của xe cũng được lắp thêm một khoang rộng, có thể được dùng để chứa phụ tùng, đạn dự trữ hay đơn giản là gia tăng thêm sự bảo vệ khi xe bị bắn từ phía sau.


Giáp trước của Bạo Phong Hổ được gia cố thêm lớp giáp dày hình chữ V.



Phía sau xe tăng Bạo Phong Hổ.


Từ các bức ảnh được cung cấp, các chuyên gia không thể nhận biết được chính xác cỡ pháo của Bạo Phong Hổ nhưng khả năng đó là mẫu pháo 2A20 cỡ nòng 115 mm vì nếu lắp pháo 2A46 125 mm thì không gian của tháp pháo xe T-62 sẽ không đảm bảo để loại pháo này có thể vận hành bình thường.

Dù vậy, Bạo Phong Hổ cho thấy nó có khả năng bắn mọi loại đạn từ đạn nổ phá (HE), đạn nổ phá mảnh (HE-FRAG), đạn xuyên phá (HEAT) hay đạn thanh xuyên dưỡi cỡ nòng (APFSDS).

Nếu cấu tạo phía trong của pháo và tháp pháo Bạo Phong Hổ đúng như dự đoán, cơ số đạn tiêu chuẩn của nó sẽ có khoảng 40 viên tương tự như T-62 và có thể thêm một số ít nữa nếu khoang sau tháp pháo cũng được sử dụng để chứa đạn.

Bạo Phong Hổ cũng được trang bị một đại liên đồng trục cỡ nòng 7,62 mm và một súng máy phòng không KPV cỡ nòng 14,5 mm. Việc sử dụng súng máy phòng không ngoại cỡ (lớn hơn của các xe tăng Nga, Mỹ hay châu Âu thông thường là 12,7 mm) có thể lý giải vì đối thủ trực tiếp của Bạo Phong Hổ sẽ là các trực thăng tấn công của liên quân Mỹ - Hàn Quốc.

Dù KPV 14,5 mm có tầm bắn và sức công phá mạnh hơn nhiều so với các súng máy cỡ nòng 12,7 mm khác, nhưng xạ thủ vẫn phải chui ra phía ngoài để tác chiến cho thấy Bạo Phong Hổ rất bất lợi khi ở trong các tình huống thực chiến.

(bdv news)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

>> Ấn Độ mua 64 trực thăng diệt UAV



Không quân Ấn Độ sẽ mua 64 trực thăng chiến đấu hạng nhẹ (LCH - Light Combat Helicopter) từ công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL).

LCH được phát triển từ năm 2006, nó đã trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm vào năm 2010. Thời gian dự kiến chuyển giao vào năm 2013-2014. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,4 tỷ USD.

LCH được thiết kế với khung thân hẹp, nó được cho là có khả năng tàng hình. LCH dài 15,8m, đường kính 13,3m (gồm cả cánh quạt chính), cao 4,7m. Trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 5,7 tấn.



LCH tại triển lãm hàng không Ấn Độ 2011.

Buồng lái bố trí hai chỗ ngồi cho phi công (theo kiểu một trước và một sau), bên trong lắp màn hình lớn đa chức năng dùng để hiện thị các thông số kỹ thuật cần thiết. Phi công được trang bị mũ bay tích hợp thiết bị nhắm mục tiêu.

LCH thiết kế lắp hệ thống ngắm ổn định con quay hồi chuyển gồm thiết bị nhiệt ảnh hiệu suất cao và đo xa laze với tầm dò 4.000m.

Ngoài ra, trực thăng trang bị hệ thống tác chiến điện tử gồm: radar cảnh báo và thiết bị đối phó chống tên lửa.

Vũ khí trang bị cho trực thăng gồm tháp pháo Nexter THL 20 tích hợp pháo M621 cỡ 20mm, tên lửa không đối không, tên lửa chống radar, rocket không điều khiển, bom chùm. Hỏa lực diệt tăng mạnh nhất của LCH là tên lửa chống tăng có điều khiển Helina có tầm bắn 7-8km.

Trực thăng dùng hai động cơ tuốc bin trục HAL/Turbomeca Shakti cho phép đạt tốc độ tối đa 275km/h, tầm hoạt động 700km, trần bay 6.500m.

LCH được sử dụng để tiêu diệt các loại máy bay trinh sát không người lái (UAV), máy bay tầm thấp, phá hủy phòng không đối phương, tác chiến trong môi trường đô thị, tiêu diệt xe tăng – thiết giáp và hộ tống bảo vệ trực thăng chở quân cho chiến dịch đặc biệt.


(bdv news)

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

>> Tên lửa Malyutka, 'cậu nhỏ' kiên cường chống xe tăng



Tên lửa chống tăng AT-3, còn được gọi là Malyutka (cậu nhỏ), vượt trội so với các thế hệ trước nhờ hình dáng nhỏ gọn và tính linh hoạt trong chiến đấu.

Trong những năm 1950, các loại xe tăng đã có bước tiến vượt bậc về công nghệ, nhất là tiến bộ về vỏ giáp, khiến cho các vũ khí chống tăng thông thường như súng trường chống tăng, lựu đạn chống tăng... trở nên kém hiệu quả, thậm chí là vô dụng.

Chính vì lẽ đó, tên lửa chống tăng được chế tạo để bổ sung cho kho vũ khí “sát thủ” xe tăng, thiết giáp. Thời kỳ đầu, Liên Xô cho ra mắt các loại tên lửa chống tăng như 3M6 Shmel (định danh NATO là AT-1 Snapper) và 3M11 Falanga (AT-2 Swatter), nhưng chúng có kích thước cồng kềnh, không phù hợp để trang bị cho bộ binh.



Tên lửa chống tăng HJ-73, phiên bản AT-3 của Trung Quốc.

Vì thế, năm 1961, tên lửa 9K11 Malyutka ra đời. Malyutka, được NATO gọi tên là AT-3 Sagger, nhanh chóng có tiếng tăm nhờ thành tích trong các cuộc chiến tranh sau đó.

Điểm đáng kể nhất của hệ thống chống tăng AT-3 là nó chỉ có khối lượng 21 kg, dễ dàng mang vác với tổ xạ thủ ba người. Cả hệ thống phóng tên lửa AT-3 được đựng trong một vali làm bằng sợi thủy tinh. Trong đó, phần chính đạn tên lửa dài 0,86 m, nặng 10,1 kg, có đường kính 12,5 cm và sải cánh 39,3 cm.

AT-3 có tầm bắn xa nhất lên tới 3 km, nhưng do khối lượng tương đối lớn nên tên lửa thường mất đến 25 giây để bay đến cự ly xa nhất. Nhược điểm đó khiến các loại xe tăng hiện đại có thời gian bỏ chạy hoặc tung màn khói mù để thoát thân.


AT-3 gắn trên xe thiết giáp tấn công BMP-1 của Ba Lan.

Sau đó, AT-3 được người bắn trực tiếp điều khiển đường bay bằng bảng điều khiển gắn với tên lửa bằng dây dẫn. Nhờ vậy, hiệu quả của mỗi phát bắn được nâng lên, nhưng dây nối lại hay bị đứt. "Trong cái rủi, có cái may", việc điều khiển bằng dây dẫn cũng làm cho AT-3 “miễn dịch” với tất cả thiết bị đối kháng điện tử của các xe tăng hiện đại hay các hệ thống phóng mồi bẫy.

Đầu nổ lõm nặng 2,6 kg của Malyutka loại cũ chỉ có thể xuyên thủng 400 mm giáp đồng nhất ở góc chạm 60 độ. Tuy nhiên với các cải tiến của Malyutka sau này như Malyutka-2, Malyutka-2F và mới nhất là Malyutka-2M, chúng có thể xuyên được 720 mm giáp thép đồng nhất trong trường hợp có giáp phản ứng nổ bảo vệ. Sở dĩ làm được điều này là vì Malyutka được trang bị đầu nổ tandem (đầu nổ phụ để phá giáp phản ứng nổ).


Tên lửa AT-3 gắn trên xe thiết giáp trinh sát BRDM-2.



Tên lửa AT-3 gắn trên trực thăng Mi-2 Hoplite.

Không những được mang theo người, Malyutka còn được gắn trên các xe bọc thép chiến đấu như BRDM, BRDM-2, BMD1 hoặc gắn trên máy bay trực thăng như Mi-2, Mi-8 hoặc Mi-24.

Tên lửa Malyutka tham gia khá nhiều cuộc chiến, trong đó đáng kể nhất là chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Ai Cập - Israel. Trên chiến trường Việt Nam, Malyutka tham gia trận đầu vào tháng 4/1972 tại Tân Cảnh (Kon Tum) với cái tên B-72. Đại đội 29 của quân đội giải phóng đã sử dụng loại tên lửa B-72 và đánh bại hầu hết xe tăng phản kích, thậm chí còn hạ gục hai khẩu DKZ cùng một ổ hỏa điểm trên tháp canh của đối phương.


Tổ pháo thủ AT-3 trong chiến tranh Việt Nam

Còn trong cuộc chiến tranh giữa liên quân Ai Cập - Siri và Israel (chiến tranh Yom Kippur), Malyutka cũng góp phần tiêu diệt tới 800 xe tăng trong tổng số 1.063 xe tăng bị bắn cháy của Israel (theo thống kê của Ai Cập).

Sau khi các thế hệ tên lửa mới hơn như 9M113 Konkurs (NATO gọi là AT-5 Spandrel); 9K114 Shturn (NATO gọi là AT-6 Spiral), AT-3 đã bị quân đội Xô Viết cho nghỉ hưu. Tuy nhiên, các phiên bản cải tiến của Malyutka vẫn được các nước có tiềm lực tài chính hạn chế sử dụng hiệu quả, lập nhiều chiến công mới.

(bdv news)

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

>> APS và sự hồi sinh của xe tăng



Sự ra đời của xe tăng đã làm thay đổi cục diện của rất nhiều cuộc chiến trên thế giới, hỏa lực mạnh, bọc giáp tốt, khả năng càn lướt trên mọi địa hình, xe tăng trở thành một "vua" chiến trường trong thời gian dài.

APS - Active Protection Systems: Hệ thống bảo vệ chủ động.
Một thời gian dài, phát triển cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các xe tăng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn, có thể xem như là biểu tượng sức mạnh của lục quân.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các công nghệ phát triển các vũ khí chống tăng, khiến xe tăng ngày càng mất đi lợi thế trên chiến trường.

Xe tăng mất ngôi "vua"?
Sự phát triển nhanh chóng của các tên lửa chống tăng, sử dụng các đầu đạn chống tăng liều nổ cao, đạn động năng sử dụng thanh xuyên, đầu đạn liều đúp khiến việc tăng mãi độ dày của giáp xe tăng trở nên vô nghĩa.

Với các loại đạn liều đúp, sự có mặt của giáp cảm ứng nổ (còn gọi là giáp phản ứng nổ) cũng không làm giảm khả năng bị tiêu diệt của xe tăng.

Các loại tên lửa chống tăng có điều khiển mới của Nga như AT-11 Sniper , Kornet-E, KONKURS-M, Javelin của Mỹ, với khả năng xuyên giáp từ 700-1.200mm, hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ loại xe tăng nào hiện có, ngay cả chiếc xe tăng đó được trang bị giáp cảm ứng nổ.

Cùng với đó là sự ra đời của các loại trực thăng chuyên đảm trách nhiệm vụ chống tăng trên chiến trường như Mil Mi-28, Ka-50/52 của Nga, AH-64D Apache của Mỹ khiến xe tăng càng mất đi lợi thế của mình.

Xe tăng có tầm quan sát rất hạn chế, đặc biệt là quan sát trên không. Dù được trang bị súng máy phòng không 12,7mm, nhưng khả năng tác chiến đối không là rất thấp.

Sự phát triển nhanh chóng của các máy bay trinh sát không người lái, khiến việc phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho các trực thăng chống tăng lại trở nên dễ dàng hơn. Điều này khiến xe tăng trở thành “mồi ngon” cho các sát thủ từ trên không.



Lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu của lục quân Iraq.


... và số phận bi thảm khi đối đầu với các vũ khí chống tăng của Mỹ.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, số lượng xe tăng đông đảo hơn 1.000 chiếc T-72 của Iraq đã bị trực thăng AH-64D Apache "đập" cho tơi tả.

Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí chống tăng cá nhân điển hình là RPG của Nga, việc tiêu diệt xe tăng cũng không mấy khó khăn, đặc biệt là trong môi trường tác chiến đô thị.

Trong chiến tranh Chesnya, lực lượng tăng thiết giáp của Nga đã chịu nhiều tổn thất trong cuộc đụng độ với lực lượng phiến quân trong các đô thị.

Thậm chí, các nhà quân sự đã nghĩ đến “ngày tàn” của lực lượng tăng thiết giáp trong chiến tranh hiện đại. Điển hình như Mỹ, trong thời gian qua họ không đầu tư nhiều cho việc phát triển một thế hệ xe tăng mới, một số vai trò của xe tăng được chuyển sang đầu tư cho không quân, xe tăng của Mỹ không áp dụng chức năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo như các xe tăng của Nga.

Tuy nhiên, cho dù vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại đã suy giảm phần nào, điều này chỉ thực sự đúng với quân đội có lực lượng không quân hùng hậu như Mỹ. Những nước không có lực lượng không quân hùng hậu, lực lượng tăng thiết giáp vẫn giữ một vai trò rất quan trọng

Sự hồi sinh của xe tăng
Nga là quốc gia có truyền thống phát triển và sử dụng xe tăng lâu đời, không có không quân hùng hậu như Mỹ, nên xe tăng vẫn rất quan trọng đối với Nga. Đó là lý do khiến Nga là nước cho ra đời nhiều thế hệ xe tăng nhất, giữ vị trí sản xuất xe tăng hàng đầu thế giới.

Để đảm bảo vị thế này, Nga buộc phải đi đầu phong trong phát triển khả năng tự vệ cho xe tăng.

Hiện Nga phát triển thành công hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử TShU-1-7 Shtora-1, hay còn gọi là hệ thống tiêu diệt mềm, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho tên lửa chống tăng dẫn bằng laser bán chủ động.




Hệ thống TShU-1-7 Shtora-1 lắp trên xe tăng T-90.

Thế nhưng, đặc biệt hơn cả là hệ thống phòng vệ chủ động Arena gồm: radar phát hiện, theo dõi, kiểm soát các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng; máy tính kiểm soát và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa để vô hiệu hóa nó.

Cho dù, vụ nổ có thể không phá hủy được tên lửa, song năng lượng sinh ra từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể động năng của tên lửa.

Hệ thống APS ngày càng được hoàn thiện độ chính xác, thông qua việc xác định mục tiêu của các cảm biến, tập trung năng lượng của vụ nổ trong phạm vi hẹp hơn, hiệu quả tiêu diệt tên lửa chống tăng cao hơn.

Thời gian phản ứng ngày càng nhanh hơn thông qua tăng tốc độ của bộ vi xử lý. Hệ thống Arena có thời gian phản ứng chỉ 0,07 giây, thời gian ngắt quãng chỉ từ 0,2-0,4 giây.

Hệ thống được lập trình để hoạt động hoàn toàn tự động, giúp tổ lái yên tâm tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu chính.

Cùng với các phương pháp phòng vệ truyền thống như giáp cảm ứng nổ ERA, giáp tấm composite, giáp Burlington (Chobham), việc tiêu diệt xe tăng trở nên vô cùng khó khăn.


Phần cảm biến của hệ thống Arena.

Xe tăng T-80 lắp đặt hệ thống Arena.
Sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS thực sự là một cuộc cách mạng hồi sinh cho xe tăng, không những là lắn chắn bảo vệ, mà còn nâng cao năng lực tác chiến cho xe tăng.

Tiếp nối thành công của Nga, gần đây Israel đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng vệ chủ động Rafale Trophy ASPRO-A, với những tính năng vượt trội.

Mỹ, từ lâu nay không mấy chú ý đến đầu tư cho xe tăng nữa. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự thành công của hệ thống phòng vệ chủ động APS,cũng đang xúc tiến phát triển một hệ thống tương tự để trang bị cho xe tăng của mình.

Sau một thời gian có phần chững lại, sự ra đời của hệ thống phòng vệ chủ động APS, đã hồi sinh hình ảnh dũng mãnh, bất khả chiến bại của xe tăng trên chiến trường. Và lúc này, một cuộc đua khác lại bắt đầu, cuộc đua xuyên thủng hệ thống phòng vệ chủ động APS.

(bdv news)

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

>> Xuất hiện khái niệm 'vỏ giáp bán chủ động' cho xe tăng



Nhà sáng chế Anatoly Ukhov đã liên hệ với Ban biên tập Báo Sao Đỏ, Bộ Quốc phòng Nga để trao đổi về công nghệ giáp bán chủ động, do ông nghiên cứu.

Theo ông Ukhov, hiện nay trên thế giới chưa có các loại vỏ giáp tương tự và chưa chế tạo được loại đạn pháo hay tên lửa có thể tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp trang bị loại vỏ giáp này.

Sau đây là nội dung trao đổi của ông Ukhov với Báo Sao Đỏ:

Người ta cứ nói, để "chọc thủng" giáp xe tăng, quả đạn đầu xuyên phá giáp chủ động và động học, còn quả đạn thứ 2, về lý thuyết là xuyên phá giáp chính. Nhưng “một quả đạn không thể 2 lần rơi vào một hố”. Hầu như không thể hạ gục các xe tăng, thiết giáp hiện này bằng cách bắn trúng vào cùng một vị trí bằng 2 quả đạn.

Tuy nhiên, nếu đạn không xuyên được vỏ giáp, nhưng kíp xe vẫn có thể bị thiệt mạng do lực xung kích hoặc cơ số đạn trong xe bị kích nổ. Do đó, cần sử dụng “vỏ giáp bán chủ động”. Với loại vỏ giáp mới này, không đạn pháo hay tên lửa nào xuyên phá nổi vỏ giáp như vậy, trừ đạn hay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Theo tính toán của tôi, khả năng chiến đấu của tăng - thiết giáp sẽ tăng 2-2,5 lần nếu ứng dụng công nghệ “vỏ giáp bán chủ động”.

Về giá cả và trọng lượng, “vỏ giáp bán chủ động” tương tự giáp chủ động. Tôi bảo đảm vỏ giáp của tôi sẽ cho phép xe tăng T-72 đối phó được tất cả các xe tăng nước ngoài trong tầm 15-20 năm nữa, đặc biệt là khi thay cả pháo trên xe bằng pháo cỡ nòng lớn hơn”.



Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga.

Tuy nhiên, trong trao đổi trên, ông Ukhov không nói rõ về công nghệ "vỏ giáp bán chủ động" của mình.

Ông Anatoly Ukhov cho biết: “Các vị cứ đưa những công trình sư hàng đầu đến trước mặt tôi, tôi sẽ giải thích nguyên lý hoạt động, nhưng tôi cần sự bảo đảm”. Nhưng không ai muốn làm việc với tôi theo những điều kiện đó, tất cả đều kiếm cớ nói họ là hãng quốc phòng nhà nước và…, có nghĩa là phải qua cả đống những thủ tục quan liêu hành chính.

Ông Ukhov kể: Tại Nizhny Tagil, nơi sản xuất xe tăng, khi hiểu được bản chất vấn đề, nhà sản xuất đã đề nghị ông làm việc tại phòng sáng chế từ 9-18h và ngoài vỏ giáp thì không làm việc gì khác. "Tôi không chấp nhận đề nghị đó, vì tôi đang làm việc trên nhiều hướng đề tài. Hơn nữa, người ta có thể phỗng tay trên các sáng chế của tôi mà chẳng chịu trả tiền, giống như với sáng chế “Vũ khí tự động” số 96111106 của tôi", ông Ukhov nói.

Hiện ông Ukhov gặp khó khăn trong việc đăng ký các bằng sáng chế cho các phát minh của mình, dù Bộ Ngoại giao Mỹ từng mời ông sang nói chuyện 2 lần, từ 1987. Năm 2006, ông cũng được Israel mời nhưng đã từ chối.

(tổng hợp bdv)

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

>> Thăm bảo tàng tăng - thiết giáp thế giới (kỳ 2)



Bảo tàng tăng - thiết giáp Đức thành lập năm 1983 với mục đích ban đầu để cung cấp tư liệu huấn luyện cho các học viên sĩ quan tương lai của quân đội Đức.

>> Thăm bảo tàng tăng - thiết giáp thế giới (kỳ 1) 

Sau này, bảo tàng được cho phép mở cửa đón dân chúng vào thăm quan. Khuôn viên bảo tàng trải rộng trên diện tích 9.000 mét vuông, trong đó có 7.200 mét vuông dành cho trưng bày các hiện vật.


Hiện vật bảo tàng khá đa dạng gồm các loại xe tăng, thiết giáp của quân đội Đức, quân đội CHDC Đức, khí tài của các nước trong thế chiến thứ hai. Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày những tài sản, vật dụng cá nhân của tướng Rommel - vị tướng lừng danh của nước Đức.

Dưới đây là chùm ảnh hiện vật tại bảo tàng xe tăng Đức:


AV-7 tank

AV-7 được quân đội Anh đặt biệt danh không mấy dễ chịu là "pháo đài di động" vì nó có hình dáng khá kỳ lạ cùng lượng vũ khí lớn (một pháo 57mm và sáu khẩu súng máy 7,9mm). Có khoảng 21 chiếc AV-7 được xuất xưởng, hầu hết bị quân đồng minh tiêu diệt trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Những hiện vật còn lại tại bảo tàng chỉ là mẫu xe phục chế lại.


Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tăng Đức tỏ ra lép vế trước quân đồng minh. Nhưng trong thế chiến thứ hai, quân đồng minh đã phải kinh hoàng trước các mẫu xe tăng quân Đức. Với ưu thế hỏa lực mạnh, giáp dày, bánh xích xe tăng Đức đã lăn khắp Châu Âu, Châu Phi. Trong ảnh là mẫu xe tăng hạng trung Panther với giáp dày hơn 100mm, trang bị pháo cỡ 75mm.

Tiger II tank

Xe tăng hạng nặng Tiger II của quân Đức chế tạo giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai. Tiger II có thông số kỹ thuật khá ấn tượng, giáp dày 180mm, trang bị pháo cỡ 88mm. Tham chiến vào những ngày cuối của cuộc chiến, Tiger II ít nhiều cũng chứng minh được sức mạnh của mình, tuy nhiên nó không thể cứu vãn được tình thế của quân đội phát xít khi đó.

Panzer I tank

Xe tăng hạng nhẹ Panzer I do Đức sản xuất từ trước thế chiến thế hai, nhưng đây có thể lại là loại tăng của Đức có thời gian tồn tại lâu hơn các thiết kế khác. Cho tới tận năm 1954, Panzer I vẫn còn được sử dụng trong một vài cuộc chiến. Panzer không được đánh giá cao về hỏa lực cũng như giáp phòng vệ nhưng bù lại sức cơ động tương đối tốt.

Jagdpanzer IV

Pháo tự hành diệt tăng Jagdpanzer IV phục vụ trong quân đội Đức giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Jagdpanzer IV là sản phẩm của những bài học kinh nghiệm sau mỗi cuộc chiến. Ra đời khá muộn nhưng loại xe này đã chứng minh được sức mạnh áp đảo của mình trong những cuộc chiến cuối cùng của quân đội phát xít. Jagdpanzer IV trang bị một pháo 75mm.

Sturmpanzer IV tank

Dựa trên khung thân xe tăng, người Đức đã chế tạo ra nhiều biến thế pháo tự hành có sức công phá khủng khiếp. Trong ảnh là pháo tự hành hạng nặng Sturmpanzer IV (đặt trên khung xe tăng Panzer IV), nó được trang bị một pháo cỡ 150mm. Hơn 300 chiếc Sturmpanzer IV được sản xuất phục vụ cho tới khi kết khi kết thúc cuộc chiến. Ngày nay chỉ còn khoảng 4 chiếc được trưng bày ở các bảo tàng Châu Âu.

Panzer III tank

Xe tăng hạng trung Panzer III được thiết kế cho mục đích hỗ trợ bộ binh và tiêu diệt xe tăng thiết giáp quân địch. Panzer III đã từng làm mưa làm gió trên khắp chiến trường châu Âu, tuy nhiên sự xuất hiện của T-34-85 đã đánh bại Panzer III. Nó tỏ ra kém thế hơn T-34-85 về độ dày của giáp cũng như sức mạnh hỏa lực.

Kleines Kettenkraftrad HK101 tank

Thiết kế độc đáo của Đức trong thế chiến thứ hai mang tên Kleines Kettenkraftrad HK101. Đây là mẫu xe máy lai bánh xích, loại xe này dùng chủ yếu cho việc chở lính, vận chuyển hàng, thậm chí nó còn được dùng để kéo máy bay từ khoang chứa ra đường băng.

 T-55AM2B tank

Sau thế chiến thứ hai, nước Đức chia tách thành hai quốc gia riêng biệt (Cộng Hòa Dân Chủ Đức và Cộng Hòa Liên Bang Đức). Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) ngả về Liên Xô nhận sự tiếp trợ quân sự từ người "anh cả" này. Trong ảnh là mẫu xe tăng T-55AM2B do Liên Xô sản xuất.

 Leopard 1 tank

Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức) ngả về phía Mỹ - Anh, nhận sự viện trợ kinh tế - kỹ thuật từ các quốc gia Tư bản phương tây. Không chỉ nhận các loại xe tăng thiết giáp từ nước ngoài, họ còn tái lập lại những mẫu tăng "tiếp nối" dòng tăng nổi tiếng trong thế chiến thứ hai là thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1.

(English Russia)

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

>> Thăm bảo tàng tăng - thiết giáp thế giới (kỳ 1)



Bảo tàng tăng thiết giáp Musee des Blindes (Pháp) là một trong những bảo tàng tăng lớn nhất thế giới với gần 900 hiện vật các loại.

Dưới đây là chùm ảnh bảo tàng thiết giáp Musee des Blindes (Pháp):



Bảo tàng Musee des Blindes được chia thành các phòng trưng bày thể hiện theo giai đoạn lịch sử, quân đội. Trong ảnh là xe tăng đầu tiên do Pháp sản xuất trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất mang tên Schneider CA1. Schneider cũng nắm giữ "kỷ lục" xe tăng siêu già
nhưng vẫn còn chạy tốt.

 

Một đại diện nổi tiếng khác trong phòng trưng bày hiện vật thế chiến thứ nhất là xe tăng hạng nhẹ FT17 (Pháp sản xuất). FT17 cũng là loại tăng đầu tiên trong lịch sử phát triển xe tăng thế giới thiết kế tháp pháo quay. Kiểu dáng FT17 được coi là hình mẫu của những xe tăng sau này, đến tận thế kỷ 21 hình mẫu này vẫn không có gì thay đổi.




Chiếc xe tăng hạng trung Char B1 đại diện cho thời kỳ lịch sử đen tối của nước Pháp trong giai đoạn bị quân Đức chiếm đóng từ năm 1940. Sau khi nước Pháp nằm dưới gót giày phát xít, những chiếc Char B1 lại được quân Đức sử dụng rộng rãi.



Bảo tành dành một gian trưng bày riêng cho 28 loại xe tăng, thiết giáp của quân Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trong ảnh là xe tăng hạng trung Panther được phát triển để đối đầu với tăng T-34, khoảng 6.000 chiếc đã được sản xuất và tham chiến cho tới khi kết thúc chiến tranh.



Xe tăng huyền thoại T-34-85 có lẽ đã trở thành mẫu vật không thể thiếu ở bất kỳ viện bảo tàng quân sự nào trên thế giới.



Khu trưng bày vũ khí "kỳ lạ" nổi bật lên mẫu xe Vespa trang bị pháo không giật M20 cỡ 75mm. Đây là sự kết hợp tinh tế giữa thương hiệu xe máy nổi tiếng Italy với công nghệ vũ khí Mỹ. Có tới 800 chiếc Vespa loại này tham chiến tại Algerian.



Gian trưng bày vũ khí của khối Warsaw gồm các hiện vật xe tăng đã đi vào huyền thoại lịch sử quân sự như T-54, T-62, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và đặc biệt là xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 - bậc tiền bối của "xe tăng bay" T-90 ngày nay.



Nếu đã có khí tài khối Warsaw thì tất nhiên phải có vũ khí của khối quân sự NATO. Trong ảnh là xe tăng chiến đấu chủ lực M-60 của quân đội
 Mỹ.

 

Đại diện tới từ nước Anh là xe tăng chiến đấu chủ lực Centurion với lịch sử nửa thế kỷ phục vụ trong quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Khu trưng bày cuối cùng dành cho dòng xe tăng của quân đội Pháp. Đầu tiên phải kể tới mẫu xe tăng hạng nhẹ AMX-13, có thể nói đây là thiết kế thành công nhất của nước Pháp với 7.700 chiếc được sản xuất và có mặt trong thành phần lực lượng thiết giáp 25 quốc gia.



Tiếp theo là xe tăng chiến đấu chủ lực AMX-30 phục vụ trong quân đội Pháp từ giữa những năm 1960.



Quân đội Pháp ngày nay trang bị chủ yếu xe tăng AMX-56 Leclerce. Không thể khẳng định đây là thiết kế thành công, phổ biến của nước Pháp nhưng hoàn toàn có thể nói đây là một trong những xe tăng tốt nhất thế giới. AMX-56 tích hợp nhiều thiết bị công nghệ cao hỗ trợ trong tác chiến.

(báo đất việt)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang