Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Mẫu nghiên cứu thứ 2 của J-20 cất cánh

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

>> Mẫu nghiên cứu thứ 2 của J-20 cất cánh



Mẫu nghiên cứu thứ 2 của chiếc tiêm kích gây tranh cãi J-20 đã có chuyến bay thử nghiệm tiếp theo thành công.

Sự xuất hiện của mẫu nghiên cứu được cho là tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng tranh cãi, bàn tán xôn xao trên các trang mạng quân sự.

mẫu nghiên cứu đầu tiên mang số hiệu 2001 đã có chuyến bay thử nghiệm kéo dài 18 phút trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào tháng 1/2011.

Kể từ đó đến nay, giới quân sự thế giới không ngừng theo dõi về sự phát triển của loại tiêm kích còn nhiều điều hoài nghi này.

Theo một thông tin được đăng tải bởi Military.globaltimes, các nhân chứng đã chứng kiến một chuyến bay khác của một mẫu tiêm kích được cho là J-20.

Chuyến bay được khởi hành lúc 4h25 và hạ cánh lúc 5h50 (giờ địa phương) ngày 17/4, tại sân bay thử nghiệm của Viện thiết kế máy bay Thành Đô, tại tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc.





Mẫu nghiên cứu thứ 2 của J-20 đang được kiểm tra lần cuối trước khi cất cánh.


Xu Yongling một trong những phi công thử nghiệm hàng đầu của Trung Quốc cho biết Nếu chuyến bay thử nghiệm hôm Chủ Nhật là đúng sự thật, điều đó có nghĩa rằng J-20 đã tiến gần hơn tới việc sản xuất loạt.

“Cần có ít nhất từ 10-20 chuyến bay thử nghiệm từ chuyến bay thử đầu tiên để hiệu chỉnh toàn bộ hệ thống. Bao gồm sự ổn định về khí động học, chất lượng và hiệu suất của các chuyến bay. Toàn bộ quá trình này sẽ phải mất nhiều năm để hoàn thành” phi công Xu đã trao đổi như vậy với Globaltimes sáng ngày 19/4/2011.

Động cơ của J-20 vẫn là ẩn số
Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 3 tháng trôi qua sau chuyến bay đầu tiên của J-20, loại động cơ cho tiêm kích này vẫn là một ẩn số. Điều đó tiếp tục là đề tài cho những sự đồn đoán về loại động cơ được trang bị cho J-20.


Động cơ WS-10 và các biến thế sau của nó vẫn chưa hội đủ các yếu tố cần thiết để sử dụng cho tiêm kích thế 5.(ảnh China-defence)


Lin Zuoming, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc AVIC phát biểu trong buổi lễ rằng. Sẽ thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ máy bay mới với sự đột phá công nghệ trong phát triển động cơ đẩy.

“Đến năm 2015, các nghiên cứu và thiết kế của tất cả các mô hình chính sẽ được hoàn thành” Tổng giám đốc Lin đã phát biểu như vậy tại buổi lễ, ông cũng thừa nhận rằng, động cơ cho máy bay đang là một cái “nút cổ chai” đối với sự phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tổng giám đốc Lin cho biết AVIC đã đầu tư số tiền 10 tỷ Nhân dân tệ (1,52 tỷ USD) để phát triển một loại động cơ cho máy bay chiến đấu mới. Số tiền này tương đương với lợi nhuận năm 2010 của AVIC.

Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các dự án phát triển động cơ cho tiêm kích thế hệ 5, thì số tiền nêu trên chẳng thấm vào đâu. Hãng động cơ Pratt & Whitney của Mỹ đã phải chi tới 4 tỷ USD cho dự án phát triển động cơ F135 cho tiêm kích thế hệ 5 F-35.

Với số tiền đầu tư khiếm tốn như vậy, cộng thêm với kết quả còn quá nhiều bất ổn của chương trình phát triển động cơ máy bay chiến đấu như WS-10 cho làm xuất hiện một câu hỏi lớn: Liệu động cơ mới này có hội đủ các yếu tố của động cơ cho tiêm kích thế hệ 5 hay không?

J-20 đã thực sự phát triển đầy đủ hay chỉ để quảng bá?
Một điều khá trùng hợp, các chuyến bay được công bố của J-20 đều trùng hợp hợp với các sự kiện lớn.

Chuyến bay thử nghiệm vừa qua trùng với một buổi lễ được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân Dân Bắc Kinh vào hôm 18/4/2011, kỷ niệm 60 ngày truyền thống của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Trong khi chuyến bay đầu tiên diễn ra trong tháng 1/2011 trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Trung Quốc.

J-20 đã thực sự được phát triển một cách đầy đủ hay chưa? Hay đây chỉ là động thái nhằm quãng bá cho sự phát triển lớn mạnh của công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là công nghiệp hàng không Trung Quốc.


Vẫn còn quá nhiều ẩn số xung quanh sự phát triển của J-20 và các mẫu tiêm kích khác như J-15, J-18 của Trung Quốc. Ảnh: China-defence


Thời gian gần đây rộ lên tin đồn về sự xuất hiện của một mẫu tiêm kích J-18. Mẫu tiêm kích này có khả năng cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng.

Theo một báo cáo được trích dẫn bởi tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), J-18 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại một căn cứ nằm sâu bên trong khu tự trị Nội Mông.

Báo cáo cho biết, mẫu nghiên cứu J-18 có kiểu thiết kế tương tự như Su-33 của Nga, cánh máy bay có thể gập lại được. Điều này dẫn đến những liên tưởng đến việc loại máy bay này sẽ được sử dụng trên tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ding Zhiyong, phát ngôn viên của AVIC đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đang phát triển mẫu nghiên cứu của J-18.

Có thể nhận thấy rằng, thời gian qua, Trung Quốc liên tục công bố các mẫu thử nghiệm phát triển máy bay chiến đấu mới. Từ tiêm kích trên hạm J-15, đến tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20, rồi gần đây là tiêm kích cất hạ cánh ngắn J-18.

Thực hư của các chương trình phát triển này vẫn là một ẩn số lớn. Trung Quốc đã đạt được sự thành công ban đầu trong việc tạo ra sự lo lắng và quan ngại trong cộng đồng quốc tế về các chương trình phát triển vũ khí của họ.


[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang