Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: trung quốc

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn trung quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn trung quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc tăng thêm 200 tàu hải giám



Bắc Kinh sẽ tăng cường hoạt động hải giám bằng cách bổ sung hơn 200 tàu và 6.000 nhân viên từ nay tới năm 2020. Tới cuối năm 2015, họ sẽ có 16 máy bay, 350 thuyền và tới năm 2020, số nhân viên vượt mức 15.000, số tàu thuyền là hơn 520.


Bắc Kinh sẽ tăng cường hoạt động hải giám.


Theo China Daily, mục đích của hành động trên là bảo vệ lợi ích trên biển, tăng cường an ninh cho lãnh hải, khu vực đang ngày càng xảy ra nhiều các vụ xâm phạm của tàu và máy bay nước ngoài.

Cụ thể, theo phía Trung Quốc, riêng năm 2010 xảy ra 1.303 vụ tàu và 214 máy bay xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, so với tổng số 110 vụ năm 2007.

Theo Reuters, hải giám Trung Quốc là lực lượng bán quân sự, có nhiệm vụ tuần tra lãnh hải của nước này. Hiện các lực lượng hải giám đặt dưới sự quản lý của Cục hải dương. Họ có 260 tàu, 9 máy bay và 280 phương tiện cơ giới khác. Riêng năm ngoái, lực lượng này đóng thêm 36 tàu tuần tra và 54 tàu cao tốc khác.

Còn theo VNE, đây là một trong 5 tổ chức hành pháp liên quan đến bờ biển ở nước này, bên cạnh Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu.

Hải giám là tổ chức được thành lập mới đây nhất, năm 1998. Đó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tự cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.

Chương trình tăng cường lực lượng của Hải giám Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nơi mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ. Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực 200 hải lý tính từ đất liền.


[BDV news]



Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc và đồng minh lên án lá chắn tên lửa Mỹ



Trung Quốc và đồng minh trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải giúp Nga lên án hệ thống phòng thủ tên lửa.


6 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzberkistan vừa ký một tuyên bố lên án hành động đơn phương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ngay sau khi lãnh đạo các nước gặp nhau tại Thủ đô Kazakhstan.

Các nước thành viên SCO cho rằng các hành động đơn phương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của một quốc gia hoặc một nhóm nhỏ các quốc gia có thể làm ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược và an ninh quốc tế.

Ngoài Trung Quốc và Nga, SCO còn có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, là các nước Hồi giáo nằm trong Liên Bang Xô Viết ở Trung Á. Iran, Pakistan, Ấn Độ và Mông Cổ là bốn nước quan sát viên trong SCO.

Moscow gần đây đã tăng cường chỉ trích kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ và lên tiếng đòi NATO ký hiệp định đảm bảo hệ thống này sẽ không nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của Nga.



Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đang là mối đe dọa với Nga.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đe dọa Nga sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới nếu Moscow và Washington không thể giải quyết các tranh cãi liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các thành viên SCO đã nhất trí trong việc phê phán lá chắn tên lửa và tuyên bố trên nhằm tới toàn bộ các hệ thống phòng thủ tên lửa khác không chỉ đối với châu Âu.

Theo ông Lavrov, lá chắn tên lửa ở châu Âu chỉ là một phần trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sau châu Âu, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng các lá chắn tên lửa khác ở Đông Á và Nam Á.

Dù Mỹ cho biết hệ thống phòng lửa tên lửa của nước này là để giảm sự đe dọa từ Triều Tiên và Iran nhưng Nga bày tỏ sự lo ngại cho rằng mục đích thực sự là để nhắm vào kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Phái viên của Nga ở NATO, Dmitry Rogozin phát biểu trong buổi nói chuyện ở viện nghiên cứu Royal United Services (London, Anh) ví von: "NATO cầm một khẩu súng săn gấu tới rủ gấu Nga đi săn thỏ".

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chưa đủ để đối trọng với kho vũ khí hạt nhân của Nga nên nước này không có gì đáng phải lo sợ.

Phát biểu tại viện nghiên cứu Royal United Services, ông James Miller phó thứ trưởng phụ trách các chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ không đi theo chiều hướng chống lại Nga".

Trước đó, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen cũng đưa ra lời đảm bảo: "Tôi có thể đảm bảo NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga và chúng tôi tin tưởng Nga cũng sẽ hành động tương tự đối với NATO".

Xu hướng chống lại phương Tây

Nga và Trung Quốc thường đoàn kết với nhau trong việc lên tiếng phản đối sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc tuy nhiên Nga và Trung Quốc thường bảy tỏ sự phản đối với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong việc ra nghị quyết bao gồm cả nỗ lực lên án cuộc đàn áp của Syria với cuộc biểu tình chống chính phủ.




Quan chức cấp cao các nước thành viên tham dự trong cuộc họp của SCO ở thủ đô Kazakhstan. Ảnh: Tân Hoa Xã


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu tại viện nghiên cứu Royal United Services: "Nhiệm vụ bảo vệ hòa bình toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển chung đang ngày càng trở nên khó khăn và nặng nề".

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có bài phát biểu chống lại phương Tây trong lễ tổng kết cuộc họp của SCO kêu gọi các thành viên của tổ chức này đoàn kết chống lại các cường quốc phương Tây. Ông nói: ""Tôi tin rằng, thông qua các hành động phối hợp, chúng ta có thể thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng ủng hộ hòa bình, công lý và sự thịnh vượng của người dân".

Hãng tin Nga Interfax cũng dẫn lời Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari cho biết nước này cũng đang mong muốn trở thành thành viên của khối SCO.

Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Nga cho biết nếu Pakistan và Ấn Độ chỉ có thể gia nhập SCO sau khi 2 nước này giải quyết được mẫu thuẫn tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước.


[BDV news]



Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc phát triển máy bay báo động sớm trên tàu sân bay



Trung Quốc đã bắt đầu phát triển máy bay chỉ huy-báo động sớm (AEW&C) để triển khai trên tàu sân bay tương lai, Jane's Defence Weekly cho hay.

Trên mạng đã xuất hiện hàng loạt ảnh của loại máy bay tương lai được chế tạo dựa trên máy bay vận tải quân sự Y-7, vốn là bản sao chép có sửa đổi của máy bay An-24.


Mô hình máy bay AEW&C trên hạm của Trung Quốc trong ống thổi khí động (scramble.nl)

Rõ ràng là máy bay AWACS trên hạm này sẽ không được sử dụng trên tàu sân bay Thi Lang (tàu Varyag cũ, mua từ Ukraine năm 1998).

Tàu này sẽ bắt đầu được thử nghiệm vào cuối năm 2011, song không được trang bị máy phóng máy bay để bảo đảm cất cánh cho các máy bay hạng nặng.

Máy phóng máy bay dự kiến sẽ trang bị cho các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc mà theo dự đoán sẽ được thiết kế dựa trên tàu Varyag.

Năm 2010, trên mạng đã xuất hiện những bức ảnh biến thể trên hạm của máy bay vận tải Y-7, được trang bị trạm radar với anten mạng pha bên trên thân máy bay.


KJ-200

KJ-200 Bề ngoài, radar này giống với loại đang sử dụng trên các máy bay AWACS KJ-200, được chế tạo dựa trên máy bay vận tải Y-8 (sao chép An-12). KJ-200 sử dụng radar anten mạng pha chủ động.

Theo phỏng đoán, dự án chế tạo máy bay AWACS trên hạm được Trung Quốc tiến hành từ năm 2005 khi trên internet xuất hiện những bức ảnh đầu tiên chụp mô hình máy bay này.

Máy bay này dự đoán sẽ có ký hiệu KL-200. Trung Quốc không chính thức xác nhận việc tiến hành dự án này.

Theo Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới, TsAMTO (Nga) trong giai đoạn 2011-2014, Trung Quốc sẽ đứng thứ tư trong số các nước dẫn đầu thị trường thế giới về máy bay AEW&C, sau Mỹ, Thụy Điển và Israel.

Cụ thể, trong giai đoạn kể trên, số lượng máy bay AEW&C bán ra sẽ là 23 chiếc trị giá 6,292 tỷ USD, trong đó Mỹ đứng đầu với 13 chiếc trị giá 4,247 tỷ USD, thứ hai là Thụy Điển với hệ thống AEW&C Eryeye lắp trên các máy bay do khách hàng chọn, 4 máy bay trị giá 1,2 tỷ USD, thứ ba là Israel với 2 máy bay trị giá 566,7 triệu USD và thứ tư là Trung Quốc với 4 chiếc KJ-200 trị giá 278 triệu USD bán cho Pakistan.
[VietnamDefence news]


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

>> 'Nga mua vũ khí nước ngoài vì tham nhũng' ?



Dù hệ thống vũ khí của Nga được các nước trên thế giới đánh giá rất cao, tuy nhiên Bộ Quốc phòng nước này vẫn lên kế hoạch mua vũ khí ở nước ngoài.


Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã chi những khoản tiền lớn để nhập khẩu mua sắm vũ khí. Trong khi đó, số tiền này có thể đầu tư phát triển cho công nghiệp quân sự hiện đại trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các doanh nghiệp quốc phòng, tạo động lực cho việc đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí tối tân hơn,

Đồng thời, chiến lược này có thể đẩy nền công nghiệp quốc phòng của Nga thụt lùi, Quân đội Nga phụ thuộc vào nguồn cung từ đối thủ là NATO. Nếu xảy ra chiến tranh, điều này quả là vô cùng nguy hiểm.

Những hợp đồng hớ

Hiện Hải quân Nga muốn đặt hàng hệ thống pháo hạm cho các tàu khu trục nhỏ trong nước, mua sắm hệ thống động cơ diesel, máy phát điện diesel, hệ thống thông gió và điều hòa không khí cho tàu ngầm...

Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí mà quân đội cho là hiện đại đó đều là các mẫu lỗi thời và kém chất lượng. Đơn cử hợp đồng mua pháo hạm OTO Melara 127mm khi nhận được hàng hóa ra đây là mẫu của những năm 1968.



Chút nữa thì Bộ Quốc phòng Nga mua "hớ" tàu đổ bộ trực thăng Mistral.
Ảnh: Topwar


Hợp đồng mua máy bay không người lái của Israel cũng là mang về một thiết kế lỗi thời. Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Nga suýt “dính quả lừa” trong hợp đồng mua tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp.

Khi bước vào đàm phán chính thức công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport mới “té ngửa” nhận ra, công nghệ để đóng tàu Mistral cho Nga đã quá lỗi thời và tàu sẽ không được trang bị các hệ thống vũ khí và điện tử hiện đại.

Đầu năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã ký một thỏa thuận mua một dây chuyền sản xuất xe bọc thép Iveco của Italy tại nhà máy KAMAZ. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 1.700 xe được sản xuất cho Bộ Nội Vụ và Bộ Quốc phòng Nga. Chiếc xe sẽ được bọc thép chế tạo theo công nghệ luyện kim Đức.

Bộ Nội Vụ Nga cũng đã lên kế hoạch mua 1.000 xe bọc thép Panhard của Pháp, một phần trong hợp đồng này sẽ sản xuất tại Nga. Thậm chí, đã có những đề xuất loại bỏ dòng súng AK huyền thoại khỏi trang bị cho quân đội Nga, thay vào đó là một loạt súng trường tấn công khác từ nước ngoài.



Xe tăng T-90 được giới quân sự thế giới đánh giá rất cao.

Trong khi Nga tìm mua vũ khí từ nước ngoài thì nước khác, hình là Trung Quốc tìm mọi cách để “moi công nghệ” của Nga.

Nhiều hệ thống vũ khí của Nga được giới quân sự thế giới đánh giá rất cao, được xếp vào loại hàng đầu thế giới. Điển hình như máy bay chiến đấu như Su-27, Su-30 đang là những sản phẩm đắt hàng trên thị trường thế giới. Hay như tiêm kích thế hệ 4,5 Su-35 đang là niềm mơ ước của nhiều quốc gia.

Hệ thống phòng không tầm xa như S-300, S-400 được xem là những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới. Rất nhiều quốc gia “thèm khát” nó. Có nguồn tin cho rằng, Mỹ đã bí mật mua về một khẩu đội S-300 để mổ xe, "moi" bí quyết công nghệ để cải tiến PAC-2 thành PAC-3.

Mỗi lần hệ thống S-300 được bán đi là một lần thị trường vũ khí lại xôn xao. Thậm chí, hợp đồng S-300 của Nga với các nước Trung Đông bị biến thành quân cờ mặc cả với các nước lớn.

Những loại xe bọc thép của Nga được đánh giá rất cao, như xe tăng T-90, các loại xe bọc thép như Tiger đang có doanh số bán hàng ra thế giới ngày một gia tăng.



Hệ thống phòng không S-300 của Nga.


Ngay cả các nước NATO cũng công nhận một số công nghệ của Nga thuộc hàng đầu thế giới như công nghệ sản xuất máy bay trực thăng. Trực thăng Mi-17 của Nga được NATO chứng nhận là an toàn và hiệu quả tại độ cao lớn. Lầu Năm Góc đã làm phật ý Thượng viện Mỹ bằng quyết định “xưa nay hiếm” đó là mua trực thăng vận tải quân sự Mi-17 của Nga để hoạt động tại Afghanistan.

Lý giải nào cho vấn đề này?

Alexander Samsonov, một nhà phân tích quân sự của Nga đã bày tỏ ý kiến thẳng thắng của mình về vấn đề này trong một bài viết đăng tải trên trang Topwar rằng: “Sự tham nhũng, lũng đoạn của các quan chức quốc phòng là lý do để Bộ Quốc phòng Nga săn lùng những công nghệ đã lạc hậu từ nước ngoài”.

Lý do nữa được Alexander Samsonov nhận định đó là sự phá hoại của các “kẻ thù trong nội bộ”, những người luôn tìm mọi cách để loại bỏ sự liên kết và làm suy yếu nền công nghiệp quốc phòng Nga, tạo ra sự phụ thuộc của quân đội Nga vào hàng hóa nước ngoài, ngăn cản sự hồi sinh của công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là công nghệ cao và công nghệ không gian. Qua đó ngăn chặn sự hồi sinh, tìm lại vinh quang quyền lực của Nga trên toàn thế giới.

Ông Samsonov kết luận lại vấn đề rằng: Cần có một cái nhìn khách quan và đầy đủ nhất từ cấp độ chính phủ. Hơn ai hết, Quân đội Nga cần phải hiểu được giá trị của các hệ thống vũ khí trong nước đối với đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.

Bên cạnh đó, ông Samsonov cũng đưa ra kiến nghị đó là các thương nhân không được tham gia vào công tác quản lý nhà nước ở mọi cấp độ. Bởi đối với họ lợi ích kinh tế là trên hết.

[BDV news]


Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

>> Công nghệ trực thăng Mỹ vô giá trị



Các quan chức ngoại giao của Trung Quốc và Pakistan đã lên tiếng bác bỏ tin đồn hai nước này đang hợp tác với nhau để chia sẽ xác máy bay trực thăng của Mỹ bị rơi.

Trước đó đã có những đồn đoán rằng, Trung Quốc đang xúc tiến các hoạt động với Pakistan để thu lại xác của chiếc máy bay trực thăng tàng hình mà Mỹ đã sử dụng trong chiến dịch tiêu diệt bin Laden tại Pakistan.

Theo đó, một trong số hai chiếc trực thăng phục vụ chiến dich đột kích tiêu diệt bin Laden đã bị bắn trúng và rơi xuống đất. Trước khi rút khỏi đây lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã cho nổ bom phá hủy chiếc trực thăng này. Tuy nhiên, phần đuôi và một số bộ phận khác của máy bay vẫn còn sót lại ở chiến địa.



Phần đuôi của chiếc trực thăng này chứa nhiều điều bí ẩn.


Chiếc máy bay bí ẩn mà Mỹ sử dụng trong chiến dịch này khiến giới kỹ thuật quân sự rất tò mò bởi một số ý kiến cho rằng, chính nhờ loại trực thăng này mà lực lượng đặc nhiệm SEAL tiếp cận khu trú ẩn của bin Laden như vào chỗ không người.

Phần đuôi còn lại của chiếc trực thăng bị rơi hé lộ thiết kế chưa từng được nhìn thấy trước đó. Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác đều quan tâm điều này.

Nhiều ý kiến cho rằng, với "truyền thống tình báo công nghiệp" và mối quan hệ tốt đẹp với Pakistan, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội hơn ai hết trong việc tìm hiểu chiếc trực thăng bí ẩn này.

Trước những thông tin nói trên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du tuyên bố: “Những thông tin nói trên nghe có vẻ vô lý”, và thẳng thừng bác bỏ.

Một nguồn tin quân sự giấu tên của Trung Quốc đã nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu Pakistan chia sẻ thông tin về xác của chiếc trực thăng nói trên.

Nguồn tin này cũng nhấn mạnh rằng, đây là một động thái của giới truyền thông phương Tây nhằm kích động xung đột ngoại giao giữa Bắc Kinh và Islamabad.



Không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác cũng quan tâm tìm hiểu chiếc trực thăng bí ẩn này.

Trong khi đó đại sứ Pakistan tại Mỹ, ông Husain Haqqani trao đổi với CNN rằng: “Pakistan sẽ không chia sẻ bất kỳ công nghệ nào”.

Các mảnh vỡ sót lại của chiếc trực thăng bí ẩn được giới chức Pakistan thu giữ, sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi khu trú ẩn của bin Laden.

Trong khi đó một nguồn tin quân sự giấu tên của Pakistan nói với ABC News rằng, phía Mỹ đã yêu cầu Pakistan trả lại phần còn lại của chiếc trực thăng này. Tuy nhiên phía Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm. Vị quan chức quân sự giấu tên của Pakistan cho biết “Chúng tôi có thể cho họ (người Trung Quốc) một cái nhìn về phần còn lại của chiếc trực thăng này”

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, rất khó để có thể tìm hiểu được nhiều công nghệ từ đống đổ nát này bởi vụ nổ làm biến dạng đặc tính của các vật liệu.



Ông Zhang Zhaozhong.

Zhang Zhaozhong một chuyên gia tại Học viện quốc phòng PLA trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu rằng: “Pakistan có quyền bảo quản, trưng bày, nghiên cứu về xác của chiếc trực thăng và đó có thể coi là bằng chứng cho cuộc đột kích”.

Li Daguang một chuyên gia quân sự khác tại Học viện quốc phòng PLA tự tin tuyên bố rằng: “Công nghệ tàng hình không còn là điều bí mật đối với một số quốc gia đặc biệt là Trung Quốc, vốn đã phát triển được công nghệ tàng hình và sử dụng nó trong các máy bay chiến đấu tàng hình của mình”.

Ông Li cho biết thêm: “Công nghệ trong đống đổ nát là vô giá trị, hơn nữa các thiết bị quan trọng đã bị phá hủy trước khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút đi”.

Dù các nhà ngoại giao có tuyên bố như thế nào đi nữa, thực hư của vấn đề này ra sao, thực tế lịch sử đã ghi nhận không ít trường hợp các hệ thống vũ khí mới được phát triển dựa trên việc tìm hiểu những đống đổ nát.
[BDV news]


Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc đã ‘dòm ngó’ xác trực thăng bí ẩn



Pakistan vừa hé lộ tin làm giới chức Mỹ mất ngủ. Đó là: Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới xác trực thăng bị SEAL bỏ lại.

Quan chức Pakistan nói rằng họ muốn nghiên cứu xác máy bay tàng hình cải tiến của Mỹ bị lực lượng SEAL bỏ lại sau vụ đột kích giết bin Laden, và cho biết thêm là người Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm.

Phía Mỹ đã yêu cầu Pakistan trao trả xác chiếc máy bay này nhưng một quan chức Pakistan nói với hãng ABC rằng người Trung Quốc cũng “rất quan tâm” đến xác chiếc máy bay này. Còn một quan chức khác thì khẳng định: “Rất có thể chúng tôi sẽ cho họ xem.”

Một quan chức Mỹ nói ông không biết chắc liệu Pakistan đã cho người Trung Quốc vào xem chưa, nhưng nói sẽ bị “sốc” nếu người Trung Quốc chưa được tiếp cận với chiếc máy bay bị nạn này.

Các chuyên gia ngành hàng không tin rằng, chiếc trực thăng này là phiên bản của trực thăng Black Hawk được cải tiến và có khả năng tàng hình cao, thể hiện trong chiến dịch bí mật tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda.

Lực lượng SEAL đã đi trên chuyến bay này và đã cố ý thủ tiêu chiếc máy bay khi buộc phải bsoỏ lại trên sân sau trong dinh thự của bin Laden. Một bộ phận quan trọng của thân sau máy bay và các mảnh vỡ khác, có lơp sơn phủ bí hiểm giống vải mà trẻ em địa phương dùng làm đồ chơi.

Các chuyên gia nói rằng, cấu trúc khác thường của động cơ cánh quạt phía sau, trông như cái vành mũ lạ kỳ bao quanh và toàn bộ thân hình chiếc trực thăng cho thấy nó được cải tiến đặc biệt không chỉ nhằm bay êm mà còn tránh được phát hiện của radar.



So sánh phần đuôi của chiếc trực thăng bị bỏ lại ở Abbottabad và Black Hawk thông thường.

Xác của chiếc trực thăng rõ ràng đã trở thành một quân cờ mới trong trò chơi ngoại giao căng thẳng và đầy ăn thua giữa Mỹ và Pakistan, sau cuộc đột kích đơn phương khiến Islamabad “tự ái”.

Theo Richard Clarke, cựu cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng thì những tiến bộ về công nghệ tàng hình của chiếc trực thăng bỏ lại có thể trở thành “một món quà giá trị” đối với Trung Quốc, và “bởi vì Pakistan được tiếp cận với công nghệ tên lửa của Trung Quốc và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác, Islamabad luôn tìm cách để trả ơn Trung Quốc”. Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan đang là mối “quan hệ thân mật”.

Dan Goure, cựu quan chức Bộ quốc phòng và Phó Chủ tịch Viện Lexington nhận xét là có lẽ trực thăng tàng hình đã giúp cho đội đặc nhiệm SEAL có một lợi thế vô giá vào thời điểm trước khi nổ súng.

Những người hàng xóm của bin Laden ở Abbottabad, nói với ABC News rằng đêm hôm đó họ đã không nghe thấy tiếng trực thăng cho đến khi chúng ở ngay trên đầu.

Trước những thông tin này, quan chức Bộ quốc phòng kiên quyết không bình luận về bất cứ điều gì liên quan đến chiếc trực thăng bỏ lại. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã tiết lộ với tờ Washington Post, đó là một chiếc trực thăng trị giá 60 triệu USD.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất về mua sắm của Bộ quốc phòng, giá một chiếc Black Hawk bình thường, tùy theo loại, không quá 20 triệu USD.

Nếu người Trung Quốc đã có dịp tiếp cận xác chiếc máy bay này thì đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có dịp hưởng lợi trên cái hại của công nghệ Mỹ. Năm 1999, một máy bay tàng hình ném bom Diều hâu đêm F-117A của Mỹ bị bắn hạ tại Serbia. Có nguồn tin xác nhận, Trung Quốc đã mua lại xác của chiếc máy bay này.

Đúng 12 năm sau, chiếc máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, J-20 đã tiến hành bay thử đã gây chú ý quốc tế và khơi nên cuộc tranh luận liệu Trung Quốc có phát triển khả năng tàng hình máy bay dựa vào những điều họ đã học được từ chiếc máy bay Diều hâu đêm bị bắn hạ đó.

[BDV news]


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

>> Trực thăng UAV Trung Quốc cất cánh



Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một loại trực thăng không người lái có tên là V750.

Trực thăng không người lái V750 đã tiến hành một chuyến bay thử nghiệm tại Duy Dương về phía Đông của tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Chuyến bay thử nghiệm có sự chứng kiến của rất đông các quan chức và giới quan sát.

Theo thông tin được công bố bởi Thời báo toàn cầu, trực thăng V750 có trọng lượng cất cánh là 750kg, khả năng mang tải trọng tối đa là 80kg. Vận tốc tối đa là 161km/h, tầm hoạt động tối đa là 500km, thời gian hoạt động liên tục là 4 giờ đồng hồ.



Trực thăng V750 cất cánh trước sự chứng kiến của rất nhiều người.


Hệ thống điều khiển từ xa và kiểm soát chương trình có bán kính hoạt động là 150km, với trần cao tối đa là 3.000m. Trực thăng V750 được điều khiển bởi một người, nếu vượt ra ngoài tầm 150km, nó sẽ hoạt động ở chế độ tự động với dữ liệu được lập trình sẵn.

V750 là loại trực thăng không người lái đầu tiên của Trung Quốc, được sản xuất bởi công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Weifang Tianxiang. V750 đã thực hiện một chuyến bay thử nghiệm kéo dài 10 phút.



Trực thăng V750 nhìn từ phía sau.


Theo giới thiệu của các nhà thiết kế, trực thăng V750 được sử dụng trong các hoạt động giám sát, tìm kiếm cứu nạn, khảo sát khoa học. V750 được thiết kế, để sử dụng trong cả hai mục đích, quân sự và dân sự.

Hiện tại, Trung Quốc đang đầu tư phát triển mạnh các loại máy bay không người lái. Đặc biệt là trong các hoạt động quân sự. Theo thống kê tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, Trung Quốc đã giới thiệu hơn 25 mẫu máy bay không người lái khác nhau.

Theo quan sát, trực thăng không người lái V750 có thiết kế tương tự trực thăng không người lái A-160 đang được tập đoàn Boeing của Mỹ phát triển.
[BDV news]


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc khoe Thi Lang, Đài Loan khoe Hùng Phong



Đài Loan đã triển khai tên lửa siêu âm mới trên các tàu chiến của nước này để đáp trả việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh hải quân.



Tên lửa Hùng Phong III.


Giới chức quân sự Đài Loan cũng đang cân nhắc triển khai tên lửa Hùng Phong III - loại tên lửa siêu âm đầu tiên được phát triển trong nước - trên các dàn phóng di động, ông Lin Yu-fang, đảng viên Quốc dân Đảng Đài Loan dẫn lời Phó Đô đốc Lee Hao. "Một vài kiểu tàu chiến của chúng tôi đã được trang bị tên lửa Hùng Phong III", ông Lin tuyên bố.

Hiện chưa rõ bao nhiêu tên lửa Hùng Phong III sẽ được lắp đặt, tuy nhiên theo ông Lin, 8 tàu hộ tống lớp Perry và 7 tàu tuần tra sẽ được lắp đặt loại tên lửa này.

Tên lửa Hùng Phong III là kết quả của một dự án trị giá 413 triệu USD. Các chuyên gia cho biết Hùng Phong 3 có thể đạt vận tốc Mach 2, có tầm bắn lên tới 128km và rất khó bị tiêu diệt.

Bộ Quốc phòng Đài Loan gần đây đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh hải quân, mới đây nhất là việc "khoe" hàng không mẫu hạm tân trang Varyag từ Ukraine.

Ông Tsai Teh-sheng, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, phỏng đoán Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu sân bay loại máy bay chiến đấu nội địa nhái theo máy bay Su-33 của Nga và sẽ bắt đầu cho vận hành tàu sân bay trong năm nay.

Đài Loan đã công bố kế hoạch phát triển tàu chiến tàng hình thế hệ mới trang bị tên lửa dẫn đường như một động thái đáp trả, các quan chức Quốc phòng nước này cho biết.

[BDV news]


>> Việt Nam nhận 2 hệ thống Bastion/Yakhont và trang bị BrahMos cho Su-30MK2



Với Bastion và tên lửa Yakhont, Trường Sa trở thành mục tiêu khó gặm đối với Trung Quốc. Việt Nam có thể đã nhận được 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion dùng tên lửa Yakhont. Sau Việt Nam, Indonesia, Syria, Venezuela và Iran cũng muốn mua tên lửa này - Bản tin P2 của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga).



Ngày 21.5.2010, Việt Nam đã nhận được hệ thống đầu tiên trong số các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Bastion sử dụng tên lửa Yakhont đã đặt mua. Chưa rõ đã diễn ra việc bàn giao chính thức hay chưa.






Dư luận từ lâu đã bàn tán về việc cung cấp hệ thống Bastion cho Việt Nam. Những đồn đoán càng nhiều sau khi tạp chí Kanwa số tháng 12.2009 khẳng định hệ thống Bastion đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trước cuối năm 2009.

Qua những bàn tán đó, có thể phỏng đoán là việc chuyển giao cho đến nay chưa được thực hiện, nhưng dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian gần nhất vì dư luận cho rằng, Việt Nam đang hoặc đã chuẩn bị tới 7 khu vực triển khai các hệ thống này, trong đó dự đoán có 2 ở Hải Phòng.

Tháng 12.2009, Kanwa dựa vào nguồn tin trong ngành công nghiệp Nga cho biết, Việt Nam từ năm 2009 sẽ bắt đầu nhận hệ thống tên lửa bờ biển trang bị tên lửa Yakhont và bình luận rằng, đây là lần đầu tiên biến thể triển khai trên bộ của Yakhont được xuất khẩu. Kanwa cũng nói rằng, dường như Indonesia đã mua một số tên lửa chống hạm Yakhont triển khai trên hạm để thử nghiệm, song không nêu rõ chi tiết.

Theo Kanwa, Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 12 bệ phóng, mỗi bệ mang 6 tên lửa hành trình siêu âm Yakhont (? ). Mỗi hệ thống được trang bị 1-2 radar phát hiện-điều khiển tên lửa ngoài đường chân trời Monolit-B. Radar này cũng có thể nhận các tín hiệu từ radar Mineral-ME và các trực thăng chỉ huy/báo động sớm Ка-31.

Tạp chí này cũng cho hay, 8 máy bay tiêm kích Su-30МК2 dành cho hải quân mà Việt Nam đặt mua tháng 1.2009 cũng sẽ được trang bị tên lửa Yakhont do liên doanh Nga-Ấn BrahMos ASM sản xuất, mặc dù hợp đồng chính thức còn chưa được ký kết.



Biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos sẽ được trang bị cho Su-30MK2 của Việt Nam

Xác nhận cho những đồn đoán này là bức ảnh chụp được ngày 21.5.2010 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh chụp con tàu biển được cho là chở 6 xe chiến đấu của Bastion, tức là hệ thống Bastion đầu tiên. Bản thân các xe này cũng bị chụp ảnh cả ở cảng và trên đường di chuyển.



Như vậy, P. 2 cho rằng, việc chuyển giao hệ thống Bastion đầu tiên đã diễn ra bởi vì Việt Nam thường không công bố thông tin về việc chính thức tiếp nhận vũ khí trang bị. Cần cho rằng, việc tiếp nhận này đã diễn ra hoặc sắp diễn ra trong vài ngày tới.

Song một bức ảnh đăng trên mạng của Việt Nam vào cuối tháng 6.2010 cho thấy rằng, Việt Nam đã nhận được cả 2 hệ thống tên lửa chống hạm Bastion đặt mua của Nga.




Biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos sẽ được trang bị cho Su-30MK2 của Việt Nam





Việt Nam cần Bastion làm gì?
Kanwa cho rằng, các tên lửa chống hạm siêu âm nhập khẩu sẽ tăng cường mạnh mẽ hệ thống phòng thủ bở biển của Việt Nam. Khi được triển khai ở gần các thành phố ven biển ở miền Bắc Việt Nam, ví dụ như Hải Phòng, hệ thống có thể phong tỏa căn cứ hải quân Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Hiện chưa rõ là liệu các tên lửa chống hạm Yakhont mà Việt Nam mua có thể tiêu diệt các tàu chiến đang neo đậu ở cảng hay không, nhưng theo một công trình sư tên lửa chống hạm BrahMos, điều đó không phải là vấn đề. Để làm việc đó, chỉ cần sửa đổi phần mềm và chế độ làm việc của đầu tự dẫn bởi vì tên lửa đa năng BrahMos vốn có khả năng tấn công mọi mục tiêu tàu nổi neo đậu ở cảng.

Đối với hải quân Trung Quốc, thông tin về việc Việt Nam mua Yakhont có nghĩa là các tàu sân bay và tàu nổi cỡ lớn đóng tại căn cứ Tam Á ở Hải Nam không còn được bảo vệ đủ vững chắc nữa.

Nguồn tin trong ngành đóng tàu Nga nói với Kanwa rằng, mặc dù Yakhont và BrahMos sử dụng các máy tính trên khoang và phần mềm khác nhau, nhưng Yakhont không nằm trong danh sách vũ khí được phép bán cho Trung Quốc.

Hiện Hải quân Việt Nam đã có trong trang bị các hệ thống tên lửa bờ biển Redut và Rubezh, nay có thêm cả Bastion. Quần đảo Trường Sa đã trở thành khúc xương khó gặm đối với Trung Quốc.

Lịch sử hợp đồng Bastion
Tháng 8.1999, Phó Tổng giám đốc hãng NPO Mashinostroenie Viktor Tsarev đã thông báo với báo chí rằng, hãng của ông đã hoàn tất phát triển tên lửa chống hạm Yakhont và đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu với một nước ngoài.

Tháng 1.2006, báo chí đưa tin, NPO Mashinostroenie vào đầu năm 2006 đã ký được hợp đồng cung cấp 2 hệ thống Bastion cho Việt Nam, kèm theo 16 tên lửa và toàn bộ cơ sở hạ tầng. Việc cung cấp được ấn định vào năm 2007.

Tháng 11.2006. Giám đốc Cơ quan Hợp tác KTQS Liên bang Nga Mikhail Dmitriev cho biết, hiệp định với Việt nam về hỗ trợ kỹ thuật sản xuất tên lửa chống hạm Yakhonttrị giá khoảng 300 triệu USD đang được chuẩn bị.

Tháng 8.2009, Tổng Giám đốc, Tổng công trình sư tập đoàn NPO MashinostroenieAleksandr Leonov tiết lộ với báo chí rằng, các nhà máy sản xuất Yakhont và BrahMos “đang làm việc hết công suất”. Theo ông, hàng năm có “nhiều chục quả tên lửa chống hạm Yakhont được sản xuất”.

Tháng 8.2009, có tin Bastion đã thực hiện các cuộc bắn thử thành công và đang được chuẩn bị để chuyển sang Việt Nam.

Tháng 9.2009, có tin khẳng định sự tồn tại của hợp đồng bán 2 hệ thống Bastion cho Việt Nam, nhưng phỏng đoán việc chuyển giao còn chưa được thực hiện.

Tháng 10.2009, có tin nói rằng, Nga và Belarú bắt đầu chuyển giao 1 hoặc 2 hệ thống đã đặt mua vào năm 2005, đồng thời cũng nói rằng có cả các khách hàng khác, nhưng Việt Nam là khách hàng đầu tiên.

Các hợp đồng khác mua Yakhont
Tháng 5.2001, báo chí Nga dẫn nguồn tờ Times của Anh đưa tin về các cuộc đàm phán cung cấp Yakhont cho Iran trong chuyến thăm Nga của TT Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Tháng 10.2008, Tư lệnh Hải quân Indonesia tuyên bố rằng, “Hải quân Indonesia rất muốn mua bằng tiền mặt (không phải bằng tín dụng) các tên lửa chống hạm Yakhont.

Trước đó, vào tháng 7.2008, có tin nói về chuyến thăm Moskva khẩn cấp của Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) do Nga có kế hoạch bán cho Indonesia các tên lửa chống hạm không được nêu tên, điều mà theo DRDO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của tên lửa BrahMos. Báo chí cho biết, các cuộc đàm phán với Indonesia cho đến thời điểm đó đã diễn ra được 3 năm.

Tháng 10.2009, xuất hiện thông tin nói rằng, Indonesia đã nhận được một số lượng chưa xác định tên lửa Yakhont.

Tháng 9.2009, có tin nói rằng, Venezuela có thể mua các hệ thống Bastion.

Tháng 10.2009, báo chí Israel đưa tin nói rằng, Nga “đã đồng ý bán” cho Syria một lô tên lửa Yakhont trong khuôn khổ thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga tại quân cảng Tartus P. 2 cho rằng, việc cung cấp Yakhont cho Syria là rất có khả năng, còn cho Iran là cực kỳ khó xảy ra.

[Vietnamdefence. news]


Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc và liên minh tập trận chống khủng bố



Trung Quốc, Kyrgyzstan và Tajikistan - các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), đã tổ chức một cuộc diễn tập chống khủng bố quy mô lớn tại Kashi, thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, hôm qua.





Mang tên "Tianshan-II (2011)", cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng an ninh và các nhà lập pháp từ 3 nước, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt khủng bố ở vùng biên giới.


Cuộc diễn tập bao gồm 3 phần: quyết định và chỉ huy, giải thoát con tin và thu dọn hiện trường.


Nhằm tăng cường khả năng đối phó với khủng bố dưới mọi hình thức, cuộc diễn tập được tiến hành khi ba thế lực: khủng bố, ly khai và cực đoan đang cấu kết với lực lượng East Turkistan hoành hành ở vùng biên giới trong những năm gần đây.


Phát ngôn viên văn phòng chống khủng bố quốc gia của Trung Quốc cho hay các lực lượng này đang chờ thời cơ để gây rối loạn vùng biên giới và luôn là một mối đe dọa chung với các nước thành viên SCO.


Đây là cuộc tập trận chống khủng bố thứ hai mà Trung Quốc tham dự trong khuôn khổ SCO.


Tháng 8/2006, các cơ quan hành pháp và lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc và Kazakhstan cũng tổ chức một cuộc tập trận chống khủng bố ở Tân Cương.


Được thành lập tại Thượng Hải năm 2001, SCO bao gồm 6 nước thành viên: Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.


Meng Hongwei, Chủ tịch Ủy ban chống khủng bố khu vực thuộc SCO, tuyên bố cuộc diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp.


Meng Hongwei, cũng là Thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, cho biết cuộc diễn tập minh chứng sự quyết tâm và khả năng của ba nước nói riêng và SCO nói chung, trong việc chiến đấu chống lại 3 thế lực thù địch: khủng bố, ly khai và cực đoan trong khu vực.


Ông Meng cũng bổ sung rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác với các nước SCO để đảm bảo an ninh và ổn định cho mọi nước thành viên và cả khu vực nói chung.


Các binh lính đặc nhiệm diễn tập đột nhập vào một ngôi nhà giả định có khủng bố.


Những tên khủng bố giả định bị tóm gọn.


Lính đặc nhiệm di chuyển trên một chiếc xe quân sự đặc biệt.


Những cỗ xe tham gia cuộc diễn tập.


Khói lửa bùng lên tại bãi tập với tình huống giải thoát con tin trên một xe buýt.


Một lính đặc nhiệm với trang phục che kín mặt.




[BDV news]


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc: 'Chiến tranh nhân dân đã lỗi thời'



Theo quan điểm thống nhất chung của giới lãnh đạo Trung Quốc, một quốc gia mạnh không thể tồn tại mà không có một quân đội hùng mạnh và hiện đại.



Theo Chính phủ Trung quốc, khái niệm chiến tranh nhân dân đã không còn khả năng bảo vệ vững chắc nên an ninh quốc gia cũng như đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, khái niệm này so với thời đại chiến tranh công nghệ cao hiện nay đã trở nên lỗi thời và không đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ đất nước.

Hiện nay trong biên chế của lực lượng vũ trang Trung quốc có tới 2.300.000 binh sỹ. Hàng năm chính phủ Trung Quốc đã dành một khoản ngân sách khổng lồ chi cho hiện đại hoá quân đội trong đó tập trung cho huấn luyện binh lính và trang bị vũ khí hiện đại, với mục tiêu “sẵn sàng đương đầu với bất kỳ các cuộc tấn công quy mô lớn và nguy cơ đe doạ đến nền anh ninh quốc gia, chủ quyền của trung Quốc”.

Chính phủ Trung Quốc muốn hướng đến phát triển một quân đội hiện đại, trước những nguy cơ đe doạ bằng chiến tranh công nghệ cao, không chỉ là các loại vũ khí siêu hiện đại phá huỷ trực tiếp mà cả những cuộc chiến tranh mạng, chiến tranh kỹ thuật số.

Trung Quốc cho rằng những nguy cơ đó mới đáng lo ngại vì vậy đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo tinh nhuệ về chiến tranh vũ trụ, tập trung đào tạo lực lượng hải quân, lực lượng vệ tinh - định vị, và đặc biệt là lực lượng chiến tranh mạng.

Để đáp ứng với yêu cầu này, Chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải xác định cả các nhiệm vụ cụ thế khác của từng lực lượng trong quân đội, cần phải xác định nhiệm vụ nhất quán không chỉ sẵn sàng chiến đấu trên chiến trường quân sự mà còn trong cả lĩnh vực chính trị.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang hiện đại của Trung Quốc cũng đặt ra kế hoạch sẵn sàng đẩy lui và xoá sổ các âm mưu khủng bố, ý đồ phá hoại cũng như các hoạt động lật đổ để bảo vệ sự ổn định và hòa hợp của xã hội.




Trước nguy cơ gia tăng xung đột trên thế giới, Trung Quốc đã đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.


Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng quốc phòng, phê chuẩn nguồn ngân sách khổng lồ chi cho việc hiện đại hoá quân đội Trung Quốc với việc tăng thêm 12,7 % chi phí ngân sách quân sự.

Theo đó, ngân sách quân sự hiện có của Trung Quốc vào khoảng 601 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 66 tỷ euro. Một con số đáng kinh ngạc, khiến nhiều quốc gia phải sửng sốt.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự trên thế giới, với con số này, Trung Quốc đã đứng vào vị trí thứ hai trên thế giới về ngân sách chi cho các hoạt động quân sự trong năm 2011. Trong đó, 1/3 ngân sách sẽ được chi cho việc đào tạo binh lính và mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại cũng như đầu tư chế tạo vũ khí.

Ngoài tập trung phát triển quân sự, Trung Quốc còn bổ sung chi phí hỗ trợ các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc, cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống cướp biển.

Trong những năm gần đây, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động chống cướp biển Somalia. Hoạt động này đã giúp quân đội Trung Quốc tích luỹ thêm kinh nghiệm, nâng cao khả năng chiến đấu. Cụ thể, vào tháng 12/2010 hải quân của Trung Quốc đã gửi 7 tàu chiến để hộ tống an toàn 3.139 tàu chở hàng.

Trung Quốc luôn theo dõi mọi diễn biến tại các điểm nóng trên toàn cầu. Tình hình đang diễn ra cũng khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc có thể mất hàng loạt hợp đồng với các quốc gia tại các khu vực này lên tới 20 tỷ USD. Những gì đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông khiến Trung Quốc ngày càng giành nhiều sự quan tâm cho việc phải đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.

Theo Tổ chức quốc tế Heritage Foundation, trong tháng 12/2010, lượng tài chính của Trung Quốc đổ vào các nước thuộc thế giới Arab ước tính khoảng 37 tỷ USD, ở các quốc gia châu Phi lên tới 43 tỷ USD, tại Tây Á - 45 tỷ USD, còn ở Đông Nam Á - 36 tỷ USD, ở khu vực Thái Bình Dương - 61 tỷ USD và ở châu Âu - 34 tỷ USD.

Rõ ràng, việc bảo vệ các kênh đầu tư thương mại trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng chính trị leo thang tại những điểm nóng này cũng nằm trong phạm vi và nhiệm vụ quốc phòng mà sách trắng của Trung Quốc đề cập đến.


Việc Trung Quốc đầu tư mạnh cho quân sự khiến nhiều quốc gia phải lo ngại.


Sự khác biệt chính trong lần công bố Sách trắng quốc phòng lần này là đề cập đến các nhân tố xấu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng phát triển quốc phòng của Trung Quốc, điều này cũng khiến Trung Quốc lo ngại về gia tăng các nguy cơ rủi ro cho nền an ninh Trung Quốc.

Song song là sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh quân sự trên thế giới. Nhiều nước đang tích cực theo đuổi và áp dụng chiến lược toàn cầu, mở rộng phạm vị chiến trường ra cả không gian và các vùng cực. Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại bởi sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hàng loạt các động thái tăng cường liên minh quân sự và can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực với nhiều vẫn đề như cuộc xung đột ở hai miền Triều Tiên cho đến tình hình tại Afghanistan…

Với những thực tế này, Trung Quốc cần phải xây dựng một “vũ khí” riêng. Mới đây, Trung Quốc liên tục tiền hành nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân và trang bị thêm nhiều máy bay hiện đại, tàu hỗ tống, tàu ngầm và tàu khu trục, hơn nữa còn tăng cường công tác đào tạo huấn luyện binh lính, tăng cường số quân.

Mặc dù Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng khá kín đáo tuy nhiên cũng thông qua đây Trung Quốc cũng muốn thị uy sức mạnh quân sự, tạo ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, và ngầm cảnh báo với một số nước đang đối đầu với Trung Quốc.

[BDV news]


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> Máy bay ném bom hải quân Trung Quốc tập bay tốp đánh đêm



Vũ khí và chiến thuật mới của máy bay ném bom hải quân Trung Quốc.






Máy bay ném bom H-6M của không quân Trung Quốc


Loại máy bay ném bom trang bị tên lửa mới của hải quân Trung Quốc đã bắn tập thành công loại tên lửa mới, các mục tiêu đã bị tiêu diệt, Tân Hoa xã đưa tin hôm 26.4.11.

Bản tin của hãng này viết về trung đoàn trưởng Fan Bin (được bổ nhiệm tháng 6.2006) của trung đoàn máy bay ném bom Н của hải quân Trung Quốc. “Để chuẩn bị cho chiến tranh tương lai, trung đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu các vấn đề tấn công ban đêm và trong điều kiện im lặng vô tuyến, thao dượt tấn công tốp, tiến hành tấn công thành nhiều đợt, cũng như các phương pháp tác chiến mới khác, tập luyện các nội dung hành động theo tốp ở độ cao nhỏ và tấn công thành mấy lượt…”.


Fan Bin


Trong một cuộc tập trận, bộ chỉ huy đã yêu cầu Fan Bin sử dụng một loại máy bay ném bom mới được đưa vào trang bị cách đây không lâu, và lần đầu tiên sẽ phóng loại tên lửa mới vào mục tiêu. Fan Bin lái máy bay và đã bắn trúng mục tiêu từ quả đạn đàu, khởi đầu cho các lần phóng chiến đấu tên lửa mới.

Fan Bin mấy năm gần đây đã xây dựng gần 60 phương án hành động trong những tình huống khẩn cấp và bản thân đã nhiều lần thoát khỏi các tình huống nguy hiểm như chảy nhiên liệu khi đang bay và hỏng hệ thống phanh. Fan Bin nhiều lần được tặng thưởng về thành tích chỉ huy, trung đoàn của anh ta trong 5 năm gần đây là đơn vị xuất sắc trong huấn luyện chiến đấu.

Qua bức ảnh Fan Bin được đăng tải, có thể thấy rằng anh ta là trung đoàn trưởng trung đoàn máy bay ném bom H-6. Trong hải quân Trung Quốc, các máy bay này được trang bị cho 1 trung đoàn của sư đoàn không quân số 1và 4 trung đoàn của sư đoàn không quân số 2 hải quân Trung Quốc.

Biến thể hải quân mới nhất mang tên lửa của máy bay ném bom H-6 là H-6M, mang được 4 tên lửa chống hạm YJ-81. Tháng 12.2009, đã có ảnh chụp các máy bay ném bom H-6M với các tên lửa hành trình mới CJ-10.

Trong khi đó, H-6M được nhận vào trang bị từ 2005 trở về trước, tức là trước khi Fan Bin được bổ nhiệm trung đoàn trưởng. Trước đó nữa, vào nửa cuối thập niên 1990, loại tên lửa YJ-8 được trang bị cho máy bay ném bom, cũng như cho các máy bay ném bom hải quân khác là JH-7A. Một loại tên lửa khác trang bị cho các máy bay ném bom hải quân là YJ-83К cũng được thử nghiệm trước khi Fan Bin được bổ nhiệm trung đoàn trưởng.

Như vậy, không loại trừ ở đây người ta nói đến biến thể mới của máy bay ném bom-mang tên lửa hải quân, có lẽ là biến thể hải quân của H-6K lắp động cơ D-30KP2 của Nga, và nó đã thực hiện phóng chiến đấu một biến thể mới của các tên lửa không-đối-hạm hiện có hoặc tên lửa YJ-62.
[VietnamDefence news]


Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

>> Tên lửa Đài Loan đưa Bắc Kinh vào tầm bắn



Đài Loan đã phát triển một loại tên lửa có khả năng vươn tới Bắc Kinh và đã thử nghiệm thành công tên lửa này 3 năm trước, báo chí Đài Loan đưa tin.



Nguồn tin được dẫn lời cựu bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Michael Tsai.

Theo đó, Quân đội Đài Loan đã bắn thử thành công tên lửa tầm trung gian này vào đầu năm 2008, trong một vụ thử bí mật có sự tham gia của Tổng thống Đài Loan khi đó là Trần Thủy Biển. Điều này được ông Tsai tiết lộ trong hồi ký xuất bản trong tuần này.

Ông Tsai không nói rõ tầm bắn của tên lửa, song tờ United Daily News nói rằng, tên lửa này có khả năng với tới các thành phố chủ chốt của Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Thành Đô và Thẩm Dương với tầm bắn 2.000 km.




ÔNg Michael Tsai.


Theo tờ báo này, ông Tsai là quan chức đầu tiên xác nhận Đài Loan đã phát triển công nghệ tên lửa tầm trung, dù trước đó báo chí địa phương đã đưa tin Đài Loan có khả năng về tên lửa tầm trung.

Ông Stephen Young, thực tế là đại diện của Mỹ ở Đài Bắc, bày tỏ quan ngại về vụ thử, song ông Tsai trấn an rằng Đài Loan sẽ không phát động bất kỳ cuộc tấn công nào.

Trong hồi ký của mình, ông Tsai viết, theo tình báo Đài Loan và Mỹ, Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng phát động chiến tranh nếu ứng cử viên thân Bắc Kinh Mã Anh Cửu thất cử tổng thống năm 2008.

Quan hệ Trung - Đài căng thẳng dưới thời Trần Thủy Biển làm tổng thống Đài Loan (2000-2008) và đã hòa dịu đáng kể từ khi Mã Anh Cửu làm tổng thống vào tháng 5/2008.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực chống Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập. Điều này khiến Đài Loan ráo riết tăng cường quân bị để phòng thủ.


[BDV news]


Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc diễn tập ném bom trên biển Đông



Ngày 27/4, báo điện tử Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa tin, một trung đoàn không quân thuộc Hạm đội Nam hải của Hải quân Quân giải phóng Nhân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc diễn tập ném bom tầm thấp trên biển Đông vào một ngày cuối tháng 4 này.



Tuy nhiên, tờ báo không cho biết rõ cuộc diễn tập này được tổ chức vào thời điểm cụ thể nào và diễn ra tại khu vực nào trên biển Đông.

Được biết, nhằm rèn luyện các kỹ năng của quân đội theo các điều kiện gần với thực tế chiến đấu, trung đoàn không quân này đã mời nhiều quân chủng và binh chủng bao gồm cả các chiến hạm và các đơn vị phòng không cùng tham gia cuộc diễn tập này.



Một chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia diễn tập ném bom.


Cuộc diễn tập đã đặt ra một loạt các tình huống chiến thuật như đánh chặn không quân, tấn công trên mặt biển và chống nhiễu điện từ.

Từ đầu năm, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập hải quân trên biển Đông gây nên mối quan ngại đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 25/2/2011, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin hôm 24/2/2011, biên đội tàu hộ vệ số 8 hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó, mạng Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin, hạm đội Nam Hải của hải quân nước này đã tiến hành diễn tập phòng ngự đảo tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 3/2/2011.

Trước những sự kiện trên, ngày 2/3/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối việc Trung Quốc cho tàu tới Quần đảo Trường Sa diễn tập. Phía Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai; cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu Trung Quốc không có những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, cùng các nước ASEAN thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.


[Vitinfo news]


>> Biển Đông dưới góc độ pháp luật quốc tế



Hiển nhiên là Biển Đông có sự đan xen rất chặt chẽ lợi ích của nhiều nước với các mức độ khác nhau. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.



Ngày 23/3, Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, đã phát bài viết “ Tranh chấp Nam Hải dưới góc độ của luật biển quốc tế ” của hai học giả Hạ Giám và Uông Cao, Đại học Tương Đàm, trong đó không những khẳng định cái gọi là “ chủ quyền ” của Trung Quốc mà còn vu cáo Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, “ bẻ cong ” Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và “ tranh giành chủ quyền của Trung Quốc ” ở Biển Đông.




Bài viết “Vấn đề Biển Đông dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế” của tác giả Hải Biên, nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam, đăng trên TTXVN, nhằm làm rõ vấn đề Biển Đông dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

1. Khái quát về Biển Đông

Biển Đông là một biển nửa kín ở khu vực Thái Bình Dương với diện tích hơn 3,5 triệu km2. Có 9 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bruney, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore. Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông lớn, đặc biệt là dầu, khí và hải sản. Gần đây, nhiều thông tin cho biết Biển Đông có trữ lượng khá lớn về băng cháy.

Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, sau tuyến Địa Trung Hải. Mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu trọng tài lớn đi qua Biển Đông. Hàng hóa xuất nhập khẩu thiết yếu đối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công phụ thuộc rất nhiều vào tuyến đường biển này. Từ góc độ quân sự, Biển Đông là địa bàn hoạt động của hạm đội hải quân của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Tất cả những yếu tố này dẫn đến một hệ quả tất yếu và hiển nhiên là ở Biển Đông có sự đan xen rất chặt chẽ lợi ích của nhiều nước với các mức độ khác nhau. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

2. Các vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông theo luật biển quốc tế

Hội nghị Luật Biển lần thứ III của Liên hợp quốc (1967- 1982) đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 với 320 điều khoản và 9 Phụ lục. Là thành quả của một cuộc thương lượng lâu dài giữa các nhóm nước khác nhau, Công ước là một giải pháp cả gói công bằng và đỉnh cao trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ ngành luật biển quốc tế. Công ước xác lập rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển và thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện Công ước và giải quyết tranh chấp biển như Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và Ủy ban Thềm lục địa. Tính đến nay, đã có 161 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó có 7 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Bruney.

Áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc vào điều kiện cụ thể của Biển Đông chúng ta thấy mấy điểm cơ bản sau đây.

Một là , các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của mình. Đáng lưu ý là theo luật biển quốc tế những năm 40 - 50 của thế kỷ trước, vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông chỉ có 3 hải lý và toàn bộ phía ngoài 3 hải lý đó là vùng biển quốc tế. Như vậy, Công ước đã mở rộng phạm vi vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông thêm 9 hải lý.

Hai là, mỗi quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiếu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trong trường hợp thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven Biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ đúng các quy định và thủ tục nêu trong Công ước.

Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên trong các vùng biển của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển của mình. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền đó của các quốc gia láng giềng khác ven Biển Đông. Đồng thời, phù hợp các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác được tự do hàng hải, tự do hàng không ở trong vùng đặc quyền kinh tế và ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

Ba là , xuất phát từ Công ước Luật Biển năm 1982 thì sự kiện Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty Creston năm 1992 ở bãi Tư Chính của Việt Nam và chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò ” ra Liên hợp quốc vào tháng 5 năm 2009 cần được nhìn nhận thế nào? Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và đã được Việt Nam phân lô thăm dò dầu khí. Việc Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc vào năm 1992 ký với Công ty Creston của Mỹ hợp đồng thăm dò dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam (mà họ đặt tên là Vạn An Bắc) là sự vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Còn về yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”, thì các học giả Trung Quốc đều biết rõ là tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội (2009) và thành phố Hồ Chí Minh (2010) cũng như các Hội thảo quốc tế khác, các học giả Pháp, Bỉ, Mỹ và nhiều học giả quốc tế khác đã nêu rõ yêu sách “đường lưỡi bò” mơ hồ, không có cơ sở và cho rằng Trung Quốc cần giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “đường lưỡi bò” đó. Nhưng cho đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.

Dùng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia để đối chiếu thì ai cũng thấy rằng yêu sách này hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “đường lưỡi bò” . Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , Philippines, Malaysia, Indonesia và Bruney.

Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chính vì vậy, mà Việt Nam , Malaysia, Indonesia và Philippines lần lượt gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách này.

Việc đưa yêu sách phi lý nói trên ra Liên hợp quốc và tiến hành các việc làm gần đây ở trên thực địa nhằm theo đuổi yêu sách này đang làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng thế giới và buộc dư luận phải lên tiếng. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất bình trước yêu sách này.

3. Các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế

Ở Biển Đông có hai loại tranh chấp, gồm tranh chấp về các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

a. Do chiều rộng của một số khu vực ở Biển Đông (như Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan) hẹp hơn 400 hải lý, nên một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia láng giềng chồng lấn lên nhau. Từ đó nảy sinh một số tranh chấp giữa các quốc gia ven Biển Đông về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Liên quan Việt Nam, ở phía Bắc chúng ta có vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và khu vực nhỏ phía ngoài cửa Vịnh, còn ở phía Nam có vùng chồng lấn với Campuchia, Thái Lan, Malaysia trong Vịnh Thái Lan và vùng chồng lấn với Indonesia ở nam Biển Đông. Các nước ven Biển Đông khác cũng có một số vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với nhau, như giữa Malaysia và Thái-Lan, giữa Thái Lan và Campuchia, giữa Indonesia và Malaysia. Các khu vực chồng lấn này đã và đang từng bước được Việt Nam và các nước hữu quan giải quyết thỏa đáng theo các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.

b. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện nay, hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa liên quan Việt Nam và Trung Quốc, còn tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa liên quan 5 nước, 6 bên là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bruney (Bruney không yêu sách về chủ quyền các đảo) và Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở trên thế giới. Trong số đó, các vụ kinh điển thường được viện dẫn nhiều là vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, vụ Minquiers và Ecréhous giữa Anh và Pháp, vụ đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp, vụ Greenland giữa Na Uy và Đan Mạch v.v…

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi ngưòi đều thấy rằng Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm nay. Nói chính xác là nhà nước ta đã thực hiện chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình đối với hai quần đảo một cách liên tục và hòa bình.

Các bằng chứng mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều sách cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848) v.v… đều nói về việc nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác quần đảo này. Hai là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam . Ba là, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để tiến hành khai thác hai quần đảo (mỗi đội Hoàng Sa gồm 70 người, ra Hoàng Sa 6 tháng đánh bắt hải sản như đồi mồi, hải sâm, ốc qúy‎ và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm).

Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783), đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia. Năm 2009, gia tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vừa mới hiến tặng Nhà nước một sắc lệnh trong gia phả của dòng họ khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật, v.v…Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa (Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ).

Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26 - 7 - 1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Vào năm 1951, tại Hội nghị San Francisco có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị Trưởng đoàn quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.

Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Sài Gòn và nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20 tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Đó là, lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Trung Quốc đã chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền Sài Gòn kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội của chính quyền Sài Gòn đã đánh trả thắng lợi và bắt 82 “ngư dân” Trung Quốc.

Đối với nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, lợi dụng việc quân đội Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của quân cách mạng, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đã phản đối. Năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Nhà nước Việt Nam tiếp quản các đảo ở Trường Sa và lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa.

Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14 - 3 - 1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận chiến không cân sức năm đó, 64 người con yêu quý của Tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Tóm lại, dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật lịch sử là Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và đến năm 1974 dùng vũ lực chiếm luôn phần phía Tây của quần đảo này. Còn ngày 14-3-1988 là ngày Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta.

4. Giải pháp cho các vấn đề liên quan Biển Đông

a. Các vấn đề liên quan Biển Đông rất phức tạp, hệ trọng và nhạy cảm đối với nhiều quốc gia liên quan. Các nguồn lợi trong các vùng biển ở Biển Đông rất quan trọng đối với kế sinh nhai và đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu con người của 9 quốc gia ven Biển Đông. Các tài nguyên thiên nhiên ở đây là một điều kiện cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của các nước liên quan. Các nước ven Biển Đông đang đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chủ quyền biển, đảo của mình. Đồng thời các hoạt động khác liên quan đến Biển Đông cũng hết sức đa dạng, phong phú (tự do, an toàn hàng hải, chống tội phạm trên biển..) và gắn với lợi ích của nhiều quốc gia khác nhau (cả trong và ngoài khu vực).

b. Từ đó, một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt động liên quan Biển Đông là phải tuân thủ luật chơi chung mà cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia ven Biển Đông, đã dày công xây dựng - Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Khi vận dụng Công ước để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình như được quy định trong Công ước, quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Đó là nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đó là nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982. Đó là nghĩa vụ theo Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước.

Sẽ là rất không công bằng và phi lý khi một quốc gia ven Biển Đông tùy tiện vẽ ra một đường yêu sách mơ hồ, trái với Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm các vùng biển của các quốc gia láng giềng, tạo ra “vùng tranh chấp” trong vùng biển của quốc gia láng giềng , để rồi đòi các quốc gia láng giềng bị nạn “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên chính thềm lục địa của họ. Tương tự, việc một quốc gia ven Biển Đông tự ý quy định cấm đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng khác cũng là việc làm trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Cách hành xử như vậy, rõ ràng là những sự vi phạm cam kết quốc tế của một nước thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

c. Sự tồn tại các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tranh chấp về các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn là một thực tế khách quan. Việc giải quyết các tranh chấp này, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo, là một công việc khó khăn, phức tạp, nhưng không phải là không thể giải quyết được. Như đã nêu trên, giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Cam-pu-chia có các khu vực chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Thời gian qua, căn cứ vào Công ước Luật Biển năm 1982 và với tinh thần hữu nghị, láng giềng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, Việt Nam đã phân định ranh giới các vùng biển với Thái Lan, ranh giới các vùng biển với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia ở phía Nam Biển Đông. Các nước khác ven Biển Đông cũng đã giải quyết được một số tranh chấp trên biển với nhau bằng nỗ lực chung và trên cơ sở pháp luật quốc tế. Gần đây nhất, tranh chấp về chủ quyền đối với một số đảo nhỏ giữa Ma-lai-xia và Xinh-ga-po, giữa In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia cũng đã được giải quyết bằng các phán quyết của Tòa án quốc tế La Hay (ICJ).

Kinh nghiệm đó chỉ ra rằng các tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các tranh chấp về các vùng biển chồng lấn giữa các nước ven Biển Đông sẽ được giải quyết ổn thỏa khi pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, được tôn trọng và khi các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc được áp dụng. Đe dọa vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đã bị pháp luật quốc tế cấm. Đe dọa vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không phải là cách thức đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

d . Các tranh chấp liên quan đến Biển Đông dĩ nhiên là phức tạp. Con đường đi đến giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp mà các bên liên quan đều chấp nhận được sẽ không bằng phẳng và còn dài. Thực tế đó đòi hỏi các bên tranh chấp ở Biển Đông tăng cường nhiều nỗ lực hơn nữa. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp, các bên cần tuân thủ các cam kết đã được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, đặc biệt là cam kết không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc cũng cần tăng cường các nỗ lực, cùng nhau phấn đấu để xây dựng một văn kiện có tính pháp lý cao hơn, có tính ràng buộc cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Về hình thức văn kiện này có thể có thể dưới dạng một Hiệp ước, hoặc một Hiệp định, hoặc một Thỏa thuận, hoặc cũng có thể là một MOU giữa ASEAN và Trung Quốc được các đại diện có thẩm quyền của ASEAN và Trung Quốc ký, sau đó được các cơ quan có thẩm quyền của ASEAN và Trung Quốc phê duyệt.

Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản (các nguyên tắc just cogent) của pháp luật quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ các cam kết trong DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, cùng chung sức theo hướng biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác chính là chìa khóa cho các vấn đề phức tạp ở Biển Đông hiện nay.


[Vietnamdefence news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang